Không quản được miệng

......

Du Văn Chiêu - bí thư chi bộ của Du Trang - ném một điếu thuốc cho con rể Nhậm Tụng Hồng, hai người im lặng nhìn nhau trước cây cẩm tú cầu thân gỗ đặt trong góc sân, từ ngôi nhà nhỏ ba tầng kiểu Tây phía sau vọng lại tiếng khóc mơ hồ của Hồ Trạch Phân - vợ của Du Văn Chiêu.

"Thực sự không ly hôn không được?" Trên đôi lông mày và trước trán Du Văn Chiêu chi chít những nếp nhăn uy nghiêm. Lần này, cả con gái và con rể được ông mềm nắn rắn buông gọi về, sắc mặt ông thực sự không bình tĩnh được nữa khi nghe những người dân làng nói về chuyện phiền lòng này.

"Cô ấy đã quyết tâm, con không thể làm gì được." Nhậm Tụng Hồng kẹp điếu thuốc, tư thế ưỡn bụng tỏ vẻ kiêu ngạo oai phong trước mặt người khác là vậy, nhưng trước mặt bố vợ, Nhậm Tụng Hồng cố ý kìm lại vẻ tự mãn - tự mãn vì đã trở thành huyện trưởng của huyện bên cạnh ở tuổi 36.

Năm đó Du Văn Chiêu nhìn thế nào cũng không vừa mắt Nhậm Tụng Hồng, chưa kể gia đình Nhậm Tụng Hồng là hộ khó khăn nổi tiếng xa gần trong cả làng, dù đỗ đại học, trở thành nhân viên trong chính quyền thôn, song Du Văn Chiêu luôn cho rằng đứa con gái tốt nghiệp trường y của mình xứng đáng một người tốt hơn. Sốt ruột những ba năm, sau khi bụng của con gái là Du Hiểu Mẫn đã có hình có dạng và Nhậm Tụng Hồng được đề bạt lên cấp chính khoa, ông mới miễn cưỡng đồng ý, nhưng với điều kiện các con phải theo họ nhà ông.

Mới cưới được mười năm, đứa con đã cao bằng ngực người lớn, Du Hiểu Mẫn và Nhậm Tụng Hồng náo loạn đòi ly hôn. Bên ngoài, một người là bác sĩ phó chủ nhiệm bệnh viện trung ương, một người đường đường là huyện trưởng, nhưng hễ về đến nhà là kéo mắt cào mặt nhau, đập lọ ném bát, cãi vã suốt nửa năm, cuối cùng quyết định ly hôn.

"Cô ấy đã quyết tâm? Nếu cậu biết chăm lo gia đình hơn thì làm sao con bé sẽ nghĩ đến bước này? Thái Thái mới được có non mười tuổi!"

Du Văn Chiêu chẳng quan tâm trước mặt ông là thằng cha huyện trưởng nào, cứ phải mắng Nhậm Tụng Hồng trước đã: "Cậu nói thật đi, có phải cậu ăn vụng bên ngoài không?" Hiện nay, cải cách mở cửa đã gần 20 năm, sự trở lại của Hồng Kong chỉ trong ngày một ngày hai, không những ở trong quận lỵ hay trong thành phố, chỉ riêng tại Du Trang của họ có rất nhiều người đàn ông phất lên từ cái nghèo ôm thói mập mờ díu dít bên ngoài, ông không tin một huyện trưởng như Nhậm Tụng Hồng sẽ không làm chuyện như vậy.

Nhậm Tụng Hồng như bị giẫm vào đuôi, y ném tàn thuốc xuống đất, nghiêm túc nhướng mày: "Bố, bố đừng nói vớ vẩn, bố tưởng con muốn ly hôn sao? Đang lúc đề bạt nhiệm kỳ mới của con mà ầm ĩ chuyện ly hôn, bố cho rằng con sẽ đẹp mặt?"

"Bố, hoá ra bố không vướng chuyện thăng chức là có thể yên tâm ly hôn?" Đằng sau truyền tới một giọng nói non nớt, cả bố vợ và con rể cùng ngoảnh lại, không biết Du Nhậm 10 tuổi đã ôm sách xuất hiện sau cây cẩm tú cầu từ khi nào.

Chẳng những họ của Du Nhậm không đặt theo Nhậm Tụng Hồng, cả ngoại hình và tính cách cũng không giống bố chút nào, nhất là cái miệng được Du Hiểu Mẫn truyền lại tới 60 - 70%.

Hồi còn trẻ, Du Hiểu Mẫn sở hữu nét mặt thanh tú, tuy miệng lưỡi sắc bén nhưng Nhậm Tụng Hồng chỉ cho rằng đây là một cô gái thẳng tính, đầy ngây thơ và đáng yêu. Đến độ trung niên, Du Hiểu Mẫn càng nói năng tàn nhẫn, khuôn mặt càng chát chúa và già nua, lúc ấy, Nhậm Tụng Hồng nghĩ đây chính là đanh đá cay nghiệt.

Du Nhậm buộc tóc đuôi ngựa, khuôn mặt trắng trẻo và ngũ quan xinh xắn khiến ông ngoại vô cùng yêu thích, nhưng chỉ cần mở miệng ra là ông không chịu được: "Ông, ông đừng khuyên nữa, để họ ly hôn đi. Bố cháu không về nhà càng tốt, mọi khi về đều đánh nhau với mẹ cháu, cản trở việc học của cháu." Du Nhậm theo họ của Du Văn Chiêu, đã quen gọi "ông" từ khi còn nhỏ, và sẽ gọi bố của bố mình là "ông Nhậm".

Nhậm Tụng Hồng khó chịu quay mặt lại: "Trẻ con đừng chúi mũi vào chuyện người lớn."

"Vậy thì đừng để chuyện người lớn lọt vào mắt trẻ con." Du Nhậm đóng cuốn bách khoa toàn thư trong tay lại, đi đến trước mặt bố Nhậm Tụng Hồng: "Bố, bố có nghĩ vậy không?"

Cái mặt huyện trưởng của Nhậm Tụng Hồng đột nhiên dài ra, giây tiếp theo, y nín nhịn, trợn mắt nhưng không nói được gì khi nhìn vào ánh mắt trong trẻo của con gái - chuyện giữa y và Liêu Hoa đã bị Du Nhậm bắt gặp hai năm trước, dù hai năm trước Du Nhậm mới tám tuổi nhưng đã rất hiểu biết.

"Chuyện gì? Thái Thái, nói cho ông." Bí thư chi bộ Du Văn Chiêu nhạy bén cũng phát hiện ra điều gì đó, muốn đứa trẻ giải thích.

"Không có chuyện gì, chỉ là bố mẹ cháu lúc nào cũng cãi nhau." Du Nhậm bước vào phòng, như vừa nghĩ ra điều gì, quay đầu lại tiếp tục nhìn chằm chằm Nhậm Tụng Hồng: "Bố, đừng cân nhắc tới con, con đồng ý."

Nếu nói, đứa con gái từ khi sinh ra đã không cùng họ, không giống ngoại hình và khác biệt tính cách với y chính là kết oán hận thù, thì lần thuyết phục ly hôn này chính là màn mâu thuẫn lớn đầu tiên giữa cô bé và Nhậm Tụng Hồng.

Nhậm Tụng Hồng lấy điếu thuốc trong túi ra, run rẩy làm rơi vãi khắp nền đất, với đôi mắt đỏ hoe, y nhìn bố vợ, "Bố —" Nhậm Tụng Hồng nghẹn ngào, nuốt cơn tức giận rồi lại thở dài: "Đứa nhỏ này, ôi."

Trong vài ngày khi bố mẹ cãi nhau ở nhà, ban đầu Du Nhậm khuyên can, sau đó thờ ơ đóng cửa lại, mặc kệ. Nhậm Tụng Hồng từng hỏi dò con gái: "Con muốn theo ai, bố hay mẹ?"

"Con không theo ai cả, con ở với ông bà." Câu trả lời của Du Nhậm khiến Nhậm Tụng Hồng bất lực, thực sự không biết con nhỏ lòng dạ lạnh lùng này sẽ theo ai. Nhưng hôm nay, con bé ủng hộ rõ chuyện ly hôn ngay trước mặt bố vợ, thậm chí mập mờ ám chỉ về "chuyện người lớn", Nhậm Tụng Hồng chột dạ rợn tóc gáy, cảm thấy thiên phú nói năng mỉa mai của đứa trẻ này hình như rất giống mình.

Đống lông gà rơi khắp đất của người lớn còn chưa xử lý sạch sẽ, Du Nhậm đã hạ quyết định - cô không muốn tiếp tục học ở trường tiểu học thành phố, ông bà nuôi cô đến năm 8 tuổi, khi được bố mẹ đưa đến thành phố, Du Nhậm cảm thấy làm thế nào cũng không thể hoà nhập vào tập thể mới.

Thế nên, kỳ nghỉ hè lần này trở về, Du Nhậm một làm ầm, hai khóc lóc, ba ăn vạ, thêm cả Du Văn Chiêu mềm lòng, nói: "Nếu nhà ta có thể sinh ra sinh viên đại học đầu tiên thì cũng có thể sinh ra sinh viên đại học thứ hai". Cuối cùng Du Nhậm được ở lại Du Trang. Điều này cũng kết nên hiềm khích giữa Du Nhậm và mẹ ruột.

Đứa trẻ mà cô mang thai mười tháng và nôn mửa nửa năm không muốn ở với cô, Du Hiểu Mẫn nghĩ mãi vẫn không hiểu nổi: "Mẹ thiếu cơm cho con ăn hay là để con nghèo khổ? Mẹ không đánh không mắng con, sao con lại nhẫn tâm như vậy?"

Mới 10 tuổi, Du Nhậm làm sao biết "lương tâm" là thế nào? Cô chỉ biết sợ tiếng đập loảng xoảng và âm thanh cuồng loạn ngoài căn phòng. Mẹ Du Hiểu Mẫn có thói quen cãi nhau xong sẽ nằm trên giường cả ngày không ra ngoài, còn bố, có lẽ sẽ đến nhà người phụ nữ đó - hai năm trước khi cô đi học về sớm, bỗng âm thanh quái dị trong phòng bố mẹ im bặt, giọng nữ đó chắc chắn không phải của mẹ.

Cô nói lại chuyện này với mẹ sau khi mẹ trở về từ chuyến công tác, Nhậm Tụng Hồng kiên quyết quơ tay múa chân, thề thốt rằng con trẻ nói linh tinh, còn cô thì bị mẹ nhiều lần lén lút gặng hỏi: "Con nhớ lại xem, cô gái đó trông như thế nào?"

Thẳm sâu trong lòng, Du Nhậm không muốn bắt gặp chuyện ấy và cũng hối hận vì đã nói cho mẹ biết, dường như ngôi nhà đó trở nên âm u khiếp sợ đến vậy là do lỗi của cô. Vì thế, cô tuyệt đối không còn nhắc đến bất cứ điều gì về bố và người phụ nữ nọ.

Khi quả hồng còn đỏ, Du Nhậm đã chuyển đến trường tiểu học Du Trang được ba tháng. Thuở đầu, ông bí thư chi bộ đích thân đi đưa đón cháu gái vài ngày vì lo cháu gái về quê không quen. Về sau phát hiện Du Nhậm rất nhanh đã chơi thân với những đứa trẻ trong thôn như cá gặp nước, ngày nào đến trường cũng rất vui vẻ, thế là ông dần dần yên tâm.

Thế nhưng, những lời phàn nàn đến từ giáo viên trong trường càng lúc càng nhiều.

Du Nhậm sửa cách phát âm của giáo viên tiếng Anh trong lớp, nói rằng giáo viên phát âm sai, phát âm của chữ "W" không phải "Đáp pờ liu", phát âm của chữ "V" phải có cảm giác rung môi dưới chứ không phải "Vây".

Ngay lúc đó, giáo viên tiếng Anh có bằng tốt nghiệp cấp hai và là giáo viên tư thục cải chế lập tức sầm mặt lại, nói: "Giáo viên dạy thế nào thì trò học thế ấy!" Du Nhậm cứng đầu cứng cổ liên tục tranh luận: "Cô giáo phát âm sai mà!", lại còn đứng dậy reo hò cả lớp: "Các cậu, hãy đọc đúng theo mình - 'w', 'v'."

Du Nhậm trong lớp có tiếng tăm ngút trời, nói một là một, hai là hai. Lũ trẻ con mở to đôi mắt ngơ ngác, đọc theo cô giáo nhỏ: "'w' - 'v' -"

Cô giáo viên tiếng Anh tức ứa gan, chẳng hơi đâu quan tâm cô bé có ông là bí thư chi bộ trong thôn hay bố ruột là quan lớn của huyện. Tự dưng một mẫu hai phân đất của mình bị một đứa con nít xỉ vả. Cô giáo thưởng cho Du Nhậm vài ba cái tát, Du Nhậm khóc lóc thu dọn cặp sách chạy về nhà, gục dưới gốc cây lựu ngoài sân không muốn quay lại trường.

Bí thư thôn bảo thủ hết lòng tin vào một chân lý: Nghe lời giáo viên cũng như nghe lời Đảng, đó là đạo lý tuyệt đối. Giáo viên dạy tiếng Anh sau khi tát trẻ con cũng sợ hãi đến nhà xin lỗi bí thư chi bộ, trước khi rời đi, còn khéo léo khuyên bảo: "Với tính tình của cô bé... thật lo sau này sẽ gặp bất lợi."

Câu này nói trúng tim đen của Du Văn Chiêu: con gái Du Hiểu Mẫn có tính tình nhất quyết không chịu bị thiệt, khiến khi ly hôn bị người đời giễu cợt. Tính tình của cháu gái không phải vấn đề, nhưng nếu không kiềm chế kỹ mồm miệng, sau này sẽ gây ra chuyện lớn: "Cháu gái, không thể nuôi dưỡng tính tình nóng nảy, ăn nói cũng phải để ý, nếu không sẽ khó mà sửa."

Ông tự hỏi có phải trước đây đã quá chiều chuộng Du Nhậm không? Mà sao cô bé lại hình thành tính nết cục cằn đến vậy.

Khi ông đang nghiêm túc khiển trách Du Nhậm rằng: "Sao giáo viên có thể sai? Cháu mới học trong thành phố được hai năm, giáo viên thì dạy không biết đã bao nhiêu năm", thì từ sân cách nhà họ Du một con đường vang lên tiếng khóc trẻ con, bỗng sắc mặt Du Văn Chiêu tái mét chỉ trong nháy mắt. Ông vỗ chân xoay người, trong miệng chửi bới: "Thằng chó Du Khai Minh, nói thôi rồi mà vẫn đẻ!"

Trong một thời gian, Du Nhậm không cần phải quay lại trường, lỗ tai cũng được sạch sẽ hơn nhiều. Cô leo lên tầng hai, nhìn vào sân nhỏ của nhà Du Khai Minh.

Ở trong thôn đã lâu, cô biết tiếng khóc có ý nghĩa gì.

Quả nhiên, chưa đầy nửa tiếng sau, dưới lệnh triệu tập của Du Văn Chiêu, trưởng thôn, liên đoàn phụ nữ và đội trưởng dân quân đều gọi người đến. Các cán bộ thôn của chính quyền thị trấn Du Trang cũng bị gọi rời khỏi bàn mạt chược. Cả đám người chửi rủa trên đường đi: "Thằng chó Du Khai Minh, chỉ số năm nay đương tốt mà vẫn cố đẻ vượt mức ngay cuối năm. Đánh giá trao thưởng năm nay tan thành mây khói là cái chắc."

Tay trái Du Nhậm cầm quả lê, vừa ăn vừa dựa vào lan can hóng chuyện. Thông thường những vụ sinh đẻ vượt mức như thế này chắc chắn sẽ bị phạt, nhưng nghe ông ngoại kể rằng, để tránh bị phạt, nhiều người sẽ chạy đi chỗ khác hoặc dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, mang tâm thế "lợn chết không sợ nước sôi" ngồi chờ người đến cửa phạt— "Ông phạt đi, trong nhà này thứ gì có giá trị ông cứ lấy hết đi, có bản lĩnh thì lấy cả mạng sống của cả nhà tôi đi."

Gia đình Du Khai Minh không thể phát ra những sự vụ ồn ào như vậy, vì ông ấy bị câm điếc bẩm sinh, vợ là Hồ Mộc Chi bị tàn tật nhẹ do di chứng bại liệt thời còn trẻ, cũng là người ôn hoà và lương thiện, nói lời chỉ sợ nói tiếng to.

Song, người lương thiện không làm chuyện lương thiện, họ không chỉ sinh ra đứa con cả và đứa thứ hai, Du Khai Minh câm điếc vẫn khăng khăng muốn sinh một đứa con trai.

Hồ Mộc Chi hạ sinh cái thai thứ ba một tháng trước ở nhà mẹ đẻ, sáng nay lén lút mang về, chưa kể, lại là con gái. Du Khai Minh đã thỏa thuận với nhà họ hàng xa rằng nếu đứa trẻ vẫn là con gái thì sẽ giao cho họ nuôi.

Kết quả, khi có đứa trẻ, Hồ Mộc Chi nhát gan và lương thiện bỗng không nỡ, cô sống chết bảo vệ đứa trẻ trong tay không chịu buông. Khi Du Khai Minh giằng co với cô, đứa trẻ bị đánh thức và khóc lớn, sau đó ông bí thư và những người khác được gọi đến.

Trưởng thôn Du Thiên Kỳ đưa điếu thuốc lá cho ông bí thư, chống hông lên tiếng thuyết giảng chính sách: "Chúng tôi đã rộng lượng cho ông sinh hai con, thế này là thế nào? Ông nghĩ kỷ cương của Đảng và luật pháp Nhà nước là trò đùa à?"

Du Khai Minh nghe không hiểu, Hồ Mộc Chi thì ôm con cúi đầu khóc.

Nhóm lãnh đạo và cán bộ trong thôn tụ tập cùng nhau kiểm tra lại tình hình và bàn bạc với người đến đón cháu bé điều gì đó. Càng lúc càng có nhiều người hóng chuyện tụ tập quanh nhà Du Khai Minh.

"Đi đi, đi đi, về nhà hết đi—" Du Thiên Kỳ nhỏ hơn bí thư hai thế hệ, tuy cùng thế hệ với Du Nhậm nhưng lại gấp bốn lần số tuổi của cô. Lời nói của anh rất có uy lực trong thôn. Sau khi đuổi những người không liên quan đi, anh thì thầm gì đó với ông bí thư, còn ông cán bộ thôn thấy tình hình như thế liền trốn đi mất với lý do đi vệ sinh.

Du Nhậm nằm bò trên lan can gặm một miếng lê thật to trong miệng, tình cờ, Hồ Trạch Phân lên tầng thu chăn, thấy cháu gái chăm chú hóng chuyện, bà cưng chiều gõ lên đầu cô: "Thái Thái, đang xem gì thế?"

"Bà, bọn họ đang bàn bạc bán đứa bé đi, làm vậy sẽ không vượt mức sinh đẻ trong thôn của ông ngoại." Du Nhậm đang định chạy xuống tầng, nào ngờ bị bà ngoại vỗ vào sau đầu còn mạnh hơn: "Nói lung tung gì thế? Trẻ con không hiểu chớ nói bậy!"

"Cháu không nói lung tung," Du Nhậm vẩy nước lê dính trên tay: "Hai người đến đưa đứa bé đi không phải người làng chúng ta, họ là bọn buôn người!"

Du Nhậm muốn xuống tầng cứu đứa bé, nhưng bất ngờ bị bà ngoại che miệng lại, kéo ra khỏi lan can: "Buôn người cái gì chứ! Là tặng đi nuôi, và nếu không làm vậy, ông sẽ không thể nộp kết quả lên cấp trên!" Bà dậm chân, tay càng đánh mạnh hơn: "Ông ngoại cháu nói đúng, cái miệng của cháu phải quản cho kỹ."

- --

Tui có lời muốn nói:

- Thái Thái (彩彩) là biệt danh của Du Nhậm. Có ý nghĩa là "văn chương" và "sặc sỡ".

- Tầm 4 chương đầu sẽ chưa đi vào chủ đề chính do tập trung giới thiệu bối cảnh và nhân vật. Mình nghĩ hãy đọc qua loa rồi bắt đầu từ chương 5 (e hèm... vì mình cũng đọc như vậy, cúi đầu xin lỗi tác giả... đằng nào đọc hết cũng muốn đọc lại hihi).

Nói vậy thôi chứ nhiều người khuyên là chi tiết nào cũng không thừa, chúc các bạn kiên nhẫn thành công.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play