Chen vào tình bạn......
Khi Du Nhậm vội vàng chạy khỏi lớp đi gặp Bạch Mão Sinh vào trưa Chủ Nhật, vai của Du Nhậm bị cô bé tóc quăn Hoài Phong Niên cố ý đụng phải: "Bạn gái à?"
Mặt Du Nhậm đỏ bừng: "Bạn học cấp hai của mình... đừng nói bừa."
Dạo gần đây Tóc Xuăn không có thời gian về nhà cắt tóc vì phải đi học, đỉnh đầu cô bé xoăn tít và rối mù như chú cún poodle, bị cô giáo trêu là: "Tóc của Hoài Phong Niên nếu dài ra thêm sẽ giống hệt ông Rút-xô trong ảnh treo ngoài lớp chúng ta."
Cô bé cố lấy kẹp tóc chải hết phần tóc xoăn trước trán ra sau, đeo kính vào, để lộ đôi răng nanh nho nhỏ: "Dạo này hễ đến giờ tan học sáng cuối tuần là cậu lại vội vội vàng vàng, không gấp gáp về nhà mà đi thẳng đến quán 'Món xào ông Râu Xồm' ngoài cổng trường. Mình đã trông thấy vài lần, bạn nữ đó trông rất xinh đẹp."
"Bạn ấy học trong trường kịch, cuối tuần đến chơi với mình." Du Nhậm hồi tưởng lại cách gọi "bạn gái": "Cậu không có người bạn đặc biệt thân thiết nào à?"
"Có chứ, có cậu đây này." Nhờ sự cởi mở của Du Nhậm, Hoài Phong Niên đã thoát li khỏi Jean-Jacques Rousseau, Montesquieu, Hobbes và John Locke, trực tiếp tiến vào thế giới của những người như Yoshiki Tanaka và Trương Ái Linh.
Còn Du Nhậm, với tư cách là lớp trưởng kiêm đại diện lớp môn toán, cô như một nhân vật nòng cốt nắm quyền lực trong lớp, có thể nhắm mắt làm ngơ, không báo cáo, không vạch trần chuyện Hoài Phong Niên không làm bài tập toán. Dẫu vậy, Du Nhậm vẫn lo lắng, như cách trước đây cô lo lắng về điểm số của Bạch Mão Sinh. Cô lén lút đưa cho Hoài Phong Niên cuốn vở và sổ chép những câu hỏi sai của mình: "Nếu cậu không cải thiện điểm môn toán, chắc chắn lớp 11 chúng ta sẽ không được học cùng nhau."
Kể từ ngày Hoài Phong Niên từ chối nhận ba tệ tiền hoành thánh, mối quan hệ giữa cô và Du Nhậm càng ngày càng thân thiết hơn.
Bạn tốt là những người có cùng chí hướng và tâm lý, tuy Du Nhậm không thiên về môn học nào, nhưng cô ưa thích khoa học xã hội hơn cả. Điều này tình cờ "không hẹn mà nên" với mục tiêu đã đặt ra từ trước của Hoài Phong Niên. Và như thế, họ đã thầm thỏa thuận rằng sẽ chọn cùng môn và vào cùng một lớp vào năm thứ hai.
Về chuyện hò hẹn đôi lứa, trường Trung học Phổ thông Số 8 nơi tập trung những học sinh giỏi hàng đầu cũng không chịu thua kém thời đại. Không kể đến số lượng cặp nam-nữ, đến cả cặp nữ-nữ trong trường cũng có thể đếm được bảy, tám cặp. Du Nhậm không biết những câu nói như "Come out of the closet" hay "Take off the mask", chỉ biết rằng hai chữ "bạn gái" bông đùa từ Hoài Phong Niên đã đốt nóng trái tim cô và khiến thần kinh cô bồi hồi.
Ngồi trong quán "Món xào ông Râu Xồm", Du Nhậm nhìn Bạch Mão Sinh múc bát đậu phụ Mapo cho mình: "Mình dặn chủ quán cho bớt cay, cậu ăn thử xem?" Bạch Mão Sinh nói.
Đậu hũ Mapo là món ăn với cơm điển hình và cũng là tình yêu chung của Bạch Mão Sinh và Du Nhậm. Vị mặn của tương đậu, vị ớt của mì cay, vị tê của hạt tiêu, vị tươi của thịt băm và vị mềm của đậu phụ quánh lại, cay nồng và đung đưa trên một chiếc thìa rồi tưới lên bát cơm, nhưng khi vào miệng Du Nhậm lại thành vị ngọt.
"Mão Sinh, thật ngại quá, luôn phải khiến cậu chạy đến trường Số 8 xa xôi." Du Nhậm gắp miếng thịt lợn xắt sợi cho Bạch Mão Sinh, cô không còn gọi Bạch Mão Sinh bằng tên đầy đủ nữa, chuyển dần thành "Mão Sinh", thi thoảng khi tức giận sẽ gọi là "Thỏ Quái" hoặc "Đồ ngốc".
"Trường cậu vây kín lại như cho các cậu ngồi tù, mà cậu lại không cho mình vào thăm sao?" Bạch Mão Sinh không thấy phiền toái, vừa ăn vừa nói chuyện mới xảy ra nhất với Du Nhậm: "Mình cảm thấy... mẹ mình..." Lời vừa ra khỏi miệng, cô chợt nghĩ ngợi nhiều hơn rồi lắc đầu: "Không có gì, không có gì."
Về mặt tình cảm, Bạch Mão Sinh có lúc nhiệt tình và nhạy cảm, có lúc chậm chạp và ngốc nghếch. Chỉ khi nhận ra mẹ và sư phụ đang có một cuộc sống hạnh phúc kể từ khi cô vào trường kịch, Bạch Mão Sinh mới ngộ ra: Họ thật kỳ lạ.
Sự kỳ lạ này không khiến cô khó chịu, ngược lại còn tò mò, nhưng không thể nói ra rõ ràng với người khác. Những cử chỉ phối hợp ăn ý khi nấu ăn hằng ngày, những niềm vui xen lẫn nỗi buồn khi xem kịch và trò chuyện, thậm chí cả ánh dịu dàng đọng lại trong đôi mắt mẹ và sự hồi đáp của sư phụ... Ngần ấy những lần không thể biết nên không thể nói khiến tâm trí Bạch Mão Sinh luôn giam hãm một nỗi băn khoăn.
"Mẹ lại đi tỉnh cùng sư phụ, bỏ lại mình ở nhà, dù sao cũng chỉ một mình ăn cơm, không bằng đi ăn cùng cậu thì hơn." Thật ra trong lòng Bạch Mão Sinh nói: "Không phải", mình chỉ muốn ở bên Du Nhậm, nhưng thật ngại nếu nói thẳng ra như vậy.
"Ồ, mình ăn cùng cậu nhé?" Du Nhậm vừa ăn vừa lau nước sốt trên khóe miệng: "Buổi chiều đến nhà cậu chơi không? Mẹ mình đang đi hội thảo ở thành phố khác. Hì hì, không ai trông mình."
"A..." Bạch Mão Sinh do dự: "Buổi chiều mình tới nhà một người bạn chơi, cậu có thể đi cùng mình không?"
"Bạn nào cơ?" Du Nhậm không thấy lạ rằng Bạch Mão Sinh có rất nhiều "bạn bè", nhưng khi nghe nói đó là học sinh bỏ học từ trường Số 23, tim cô lỡ một nhịp: "Là người kêu cậu đến quán Internet hay là người biết trượt băng?"
Bạch Mão Sinh nói cô gái này trượt băng rất giỏi, chơi game cũng rất khá, nhưng không quá ham mê: "Chị ấy đã đi làm, tự thuê nhà ở ngoài".
Vậy là đến chỗ ở của người chị em ấy cùng nhau trò chuyện, "Mình không quen chị ấy... liệu có được không?" Du Nhậm cũng rất hiểu sự ghen tị trong tình bạn giữa các cô gái. Hoài Phong Niên từng nói: "Ngay cả trong tình bạn, cũng có khái niệm 'chen chân'."
"Nếu sớm biết hôm nay mẹ cậu không ở nhà, mình đã không hẹn gặp chị ấy." Bạch Mão Sinh tiếc nuối thời gian nửa ngày và một đêm hiếm hoi lại sắp trôi qua, không ngờ Du Nhậm lại đồng ý: "Đi, vậy chúng ta cùng nhau đi. Gặp xong bạn của cậu, mình sẽ về nhà cậu chơi".
Khu ổ chuột phía Tây là một vướng mắc lớn trong việc quản lý đường phố và làng mạc lân cận: người dân hỗn tạp, các công trình xây dựng trái phép, nhà cửa chen chúc và chật chội, ổ gà rải rác khắp đường, v.v... tất cả những điều trên đều có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Khi Du Nhậm và Bạch Mão Sinh đi bộ trên đường phố của khu ổ chuột, họ cảm giác như đây là thế giới thứ ba tại Bách Châu: những bức tường trắng bong tróc lớp sơn dần chuyển sang màu xám; những mảng rêu mốc lớn bám lên các ngôi nhà; dây diện, dây viễn thông chằng chịt như mạng nhện khắp phố phường; trên cột diện dán đầy quảng cáo cho thuê và địa chỉ phá thai không gây đau đớn.
Chỉ từ thái độ của người dân là có thể nhìn ra họ là dân bản địa hay khách đến trọ, "có tiền" hay "không có tiền" đều được viết trong cách ứng xử và vẻ bề ngoài. Vì vậy, khi Du Nhậm đến tòa nhà bốn tầng của Viên Huệ Phương, cô lập tức nhìn ra Viên Huệ Phương chính là chủ nhà, đồng thời cảm thấy người này trông rất quen.
Nút dây "Unicom China" màu đỏ ở lối vào được treo cao là màu sáng bắt mắt nhất của tòa nhà xi măng xám này. Viên Huệ Phương dựa vào chiếc ghế bà chủ trước cửa hàng buôn chuyện với hàng xóm, đôi mắt chốc chốc lại liếc nhìn chiếc TV trong cửa hàng hoặc lối vào nhà trọ của mình.
Nhìn thấy hai cô bé đeo cặp sách nom như học sinh xuất hiện, bà lập tức nhận ra thần tài đến: "Nạp điện thoại?" Du Nhậm và Bạch Mão Sinh chưa kịp trả lời, bà đã gọi con gái mình: "Tiểu Liễu? Tiểu Liễu xuống đây, có khách nạp điện thoại."
Có cô bé bện hai bím tóc hình bát giác thò đầu ra từ tầng bốn, đôi mắt tròn xoe nhìn khách: "Vâng, đến đây."
Viên Liễu vừa chơi trong phòng Ấn Tú, tuy chị gái này không nói chuyện nhiều với bố mẹ nhưng lại rất thích lén cho cô bé chút đồ ăn vặt. Hôm nay Ấn Tú cho Viên Liễu hai viên thạch và một ít kẹo sô cô la nhiều màu sắc. Đựng đầy kẹo trong túi, Viên Liễu nhỏ giọng nói với Ấn Tú trong phòng: "Chị, em xuống tầng đây."
Ấn Tú ngồi trong phòng vẫy tay với cô bé: "Đi đi."
Đây là lần đầu tiên Ấn Tú chiêu đãi "khách", các bạn học của cô chưa từng đến nhà cô, Ấn Tiểu Thường luôn tỏ thái độ với cô và các bạn của cô, chứ đừng nói đến chuyện lịch sự mời người ta đến làm khách.
Chưa kể, căn ký túc xá một phòng ngủ, một phòng khách của mẹ con cô trong nhà máy dệt 3 thực sự rất tồi tàn. Trước đây Ấn Tiểu Thường cùng nằm chen chúc với con gái trên chiếc giường nhỏ trong phòng khách, sau khi cha mẹ lần lượt qua đời, cô mới thoải mái trở thành chủ nhà, tự mình chuyển đến phòng ngủ duy nhất, chừa lại cho Ấn Tú chiếc giường nhỏ trong phòng khách. Cách bày trí căn phòng đó vẫn dừng lại ở những năm 1980, thường có mùi ẩm mốc do nằm tại rìa phía đông của tòa nhà ký túc xá, không nhận nhiều ánh sáng mặt trời.
Ấn Tú thích mở cửa sổ cho thoáng gió, Ấn Tiểu Thường sợ lạnh, lúc nào cũng chửi: "Không chết vì gió à, ngày gió Nam mở cửa sổ, ngày mưa dầm cũng mở cửa sổ. Không thấy khe cửa sổ bị nứt hết kia à?"
Bây giờ sống một mình một phòng, Ấn Tú muốn mở cửa sổ lúc nào cũng được, thậm chí còn xin bà chủ vài mảnh giấy dán tường còn sót lại và những tấm rèm cũ khi bà chủ sửa sang phòng riêng trong nhà hàng. Cô tự mình làm, dán những bức tường trong căn phòng nhỏ rộng mười mét vuông cho vừa khít.
Dường như Ấn Tú có biệt tài biến rác thải thành kho báu, cô lấy kìm xoắn những sợi dây điện xanh đỏ làm thành dây phơi quần áo, giặt những tấm rèm cũ mà Viên Huệ Phương đã sử dụng hơn mười năm, kéo lên vừa đủ để che những bộ quần áo đang được phơi. Ấn Tú không chiếm dụng chiếc giường đơn không người còn lại, cô phủ một mảnh rèm cũ lên cho tránh bụi bám vào.
Có chiếc bàn cũ trong phòng, cô trải chiếc khăn trải bàn nhỏ in hình bông hoa lên, cũng được cắt ra từ tấm rèm cũ. Hai chiếc ghế nhựa duy nhất đều được lau sạch như mới. Trong căn phòng nhỏ một người còn có bát đũa và bát đĩa, vẫn là những thứ bị bỏ đi từ nhà hàng.
Không giống những khách trọ treo quần áo đầy trời, vứt bừa khăn tắm nhăn nheo bẩn thỉu cạnh giường, trên giường của Ấn Tú chỉ có chăn và gối. Quần áo và khăn tắm của cô được treo trên một chiếc móc tự chế ở góc đối diện giường. Có khúc gỗ đơn sơ được đóng đinh theo chiều ngang vào bệ rửa mặt trong nhà trọ của Viên Huệ Phương, từ trần nhà rủ xuống tấm rèm sạch sẽ bao quanh thế giới nhỏ bé, mang lại cho căn phòng nhỏ một cảm giác hài hòa tổng thể.
Ban đầu Ấn Tú đập đập gõ gõ, sửa chữa giặt giũ ầm ầm làm Viên Huệ Phương lo cô sẽ phá hoại. Xong xuôi, Viên Huệ Phương ngẩng đầu lên nhìn, bỗng sửng sốt: "Đừng tưởng đây là phòng của một mình cô, ở đây vẫn còn người vào ở."
"Không sao đâu, cháu không dùng đến chiếc giường đó, trải rèm lên vẫn sạch sẽ, khi nào có người thuê khác đến, cháu lấy ra là được." Từ khi Ấn Tú làm việc trong nhà hàng, cô biết nói chuyện khéo léo với mọi người hơn, sành đời hơn. Quả nhiên, Viên Huệ Phương nghe xong gật đầu rời đi.
Để đón khách, Ấn Tú đã mua 10 tệ thạch, có cả kẹo sô cô la được khách tặng khi nhà hàng tổ chức tiệc. Những mảnh giấy thiếc nhiều màu được đặt trong một đĩa trái cây nhỏ cùng những viên thạch trong suốt, chờ đợi khách đến nhà. Nhìn xung quanh, ngó trái ngó phải, căn phòng được thuê với giá hơn 100 tệ đã có không khí "nhà" hơn nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Ấn Tú.
Viên Huệ Phương nhận ra hai cô bé đang tìm Ấn Tú, lại ra hiệu với Viên Liễu: "Con dẫn lên đi, bảo họ đừng chạy lung tung."
Bé Viên Liễu ôm số thạch và sô cô la trong túi, bước đôi chân ngắn tũn lên cầu thang tối tăm: "Lên cầu thang hướng này." Cầu thang vừa hẹp vừa cao, chỉ vừa được tạm thời dựng thêm để phân biệt với cầu thang nhà Viên Huệ Phương.
Thấy cô bé chật vật trèo lên, Bạch Mão Sinh bế Viên Liễu lên: "Nào, em chỉ đường nhé, để chị bế lên cầu thang."
Viên Liễu xấu hổ, đôi tay nhỏ bé bám lấy vai Bạch Mão Sinh có chút chống cự, duỗi thẳng người ra xa hơn một chút để nhìn chị gái trắng trẻo đang ôm mình, nhưng sợ chị ấy mỏi, lại dựa vào vai chị ấy: "Cảm ơn chị." Cô bé lí nhí, quay sang nhìn người chị còn lại phía sau: "Em chào chị." Chào hỏi xong, cô bé dựa vào vai Bạch Mão Sinh nhìn Du Nhậm.
Cô bé có đôi lông mày vừa dày vừa đen và đôi mắt ngấn nước đáng yêu. Du Nhậm thích thú, xoa đầu cô bé: "Em bao nhiêu tuổi?" Cô khá thích cảm giác cô bé cố ý giả vờ trưởng thành này.
"Năm tuổi." Bạch Mão Sinh dù xinh đẹp đến mấy cũng không thể hấp dẫn Viên Liễu thêm nữa, cô bé thích người chị trầm tính phía sau hơn. Đến khi Bạch Mão Sinh bước lên lối vào cầu thang tầng ba, Viên Liễu móc kẹo từ trong túi ra đưa cho Du Nhậm: "Chị ăn ạ."
"Cám ơn nhóc." Du Nhậm lấy một viên kẹo, khoe với Bạch Mão Sinh: "Bé con chỉ cho mình thôi nè." .
truyện kiếm hiệp hay"Em tên gì?" Du Nhậm đoán cô bé dễ thương và hoạt bát thế này chắc hẳn phải có một cái tên thật ngọt ngào, nhưng thấy mẹ cô bé vừa lớn tuổi vừa trông không được tốt bụng lắm, không biết đặt tên ra sao.
"Viên Liễu, Viên trong Viên Thế Khải, Liễu trong cây liễu." Viên Liễu lại bóc một viên kẹo sô cô la khác đưa cho Bạch Mão Sinh đang vất vả bế. Bạch Mão Sinh cắn một miếng, đắc chí nhìn Du Nhậm, bỗng phát hiện sắc mặt Du Nhậm biến đổi.
"Gì cơ?" Du Nhậm hỏi lại.
Viên Liễu lại trả lời, thấy Du Nhậm nhấc cổ tay nhỏ của cô bé lên, phát hiện một vết bớt màu đỏ. Cô sửng sốt dựa vào tường, sau đó lại gần ngắm nghía kỹ bé Viên Liễu, lẩm bẩm nói: "Đứa ba."
"Đứa ba gì cơ?" Bạch Mão Sinh không hiểu.
"Không có gì." Du Nhậm đưa tay ôm cô bé Viên Liễu: "Cho mình ôm nhé."
Bạch Mão Sinh không từ chối được cô, đưa Viên Liễu vào vòng tay cô. Du Nhậm ôm cô bé rất chặt, ánh mắt sáng ngời nhìn Viên Liễu: "Em biết chị không?"
Viên Liễu lắc đầu: "Em chào chị." Cô bé lại chào như lấy lòng.
Lúc này họ đã đến tầng bốn, Du Nhậm dặn Viên Liễu đợi cô, đi theo Bạch Mão Sinh vào cửa gặp mặt Ấn Tú.
Khi mở cửa, Ấn Tú cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy hai cô gái, ngay sau đó nhiệt tình mời hai người vào cửa, nhưng Du Nhậm nói: "Mão Sinh, mình chơi cùng cô bé đó một chút, hai người nói chuyện trước nhé."
Bạch Mão Sinh chống eo nhìn theo Du Nhậm, sau đó quay đầu nhìn căn phòng của Ấn Tú, hai mắt sáng lên: "Oa, phòng chị xinh quá." Rồi lại nhìn vẻ mặt như đang căng thẳng của Ấn Tú: "Oa, hôm nay chị cũng rất xinh." Ấn Tú trang điểm nhẹ khi đi làm, kẻ lông mày nhạt hơn, trông dịu dàng hơn rất nhiều.
Cô kéo tay Ấn Tú, tung tăng nhảy vào phòng, ngồi xuống chiếc ghế nhựa nhỏ nhìn trái nhìn phải, nuốt xong viên kẹo sô cô la trong miệng, cô nói: "Ấn Tú, nhà chị sạch sẽ quá."
Một hòn đá rơi vào lòng Ấn Tú, cô bình tĩnh nói: "Cũng không hẳn là nhà, chỉ là một nơi để ở." Vừa nói xong, Bạch Mão Sinh đã ngồi lên chiếc giường còn lại và thả mình nảy lên nảy xuống: "Thật sự rất thoải mái, em thích nơi này." Cô dang rộng chân: "Nếu em ở đây thì thật tuyệt, gần trường Số 8 hơn nhiều."
Ấn Tú nghẹn ngào: "Ồ." Cô bước tới trước mặt Bạch Mão Sinh, luồn ngón tay vào mái tóc mềm mại mà đùa nghịch: "Không cho em ở."
......