Túc Hải lấy tay ve những chiếc khăn màu nâu sẫm treo thành hàng trước cửa đã cứng lại do giặt nhiều lần, quay về tiệm nói với Mao Tín Hà rằng đã đến lúc nên thay mới. Cứng như vậy, tác dụng hút nước kém, cứa vào mặt khách sẽ cảm thấy khó chịu.
"Này, Gloria, nếu làm bà chủ, chắc chắn cháu sẽ ăn nên làm ra hơn mẹ cháu, rất có tầm nhìn." Có bà hàng xóm giơ ngón cái với Túc Hải, nói thêm: "Bố cháu cũng được phân vài căn nhà, có căn nào cho cháu không?"
Túc Hải nói cháu được cho một căn, không bắt buộc phải cho ông ấy vào ở cùng. Có lẽ do sợ sau này già nua yếu đuối sẽ không được con cái chăm sóc, ông bố sau khi cân nhắc vẫn cho Túc Hải ít lợi lộc ngon ngọt. Không những vậy, ông ngoại bà ngoại chỉ có hai cô con gái, cũng cho mỗi cô con gái một một căn nhà. Mao Tín Hà nói phải có một căn đứng tên cô, sau này sẽ cho Túc Hải.
Chưa đầy 17 tuổi, Túc Hải đã cầm chắc hai căn nhà trong tay. Mao Tín Hà nói con đừng đắc chí, phải thay những thiết bị trong tiệm chúng ta được cao cấp như những tiệm cắt tóc lớn, chúng ta thu về bao nhiêu? Bọn họ lãi được bao nhiêu? Họ tân trang thiết bị để khách hàng mua nhiều thẻ năm hơn, một thẻ ít cũng phải 2.000 - 3.000 tệ, nhiều cũng phải 10.000 - 20.000 tệ. Con nhìn năm tiệm cắt tóc trên phố này thử xem, có tiệm nào đứng sừng sững mãi? Làm việc dưới trướng mẹ cũng có lúc phải âu lo, hai mẹ con rất dễ bất đồng quan điểm về vấn đề nhỏ trên.
Túc Hải nói thôi vậy, con sẽ nghĩ cách, đun những chiếc khăn này với giấm là được.
"Đúng là không làm việc nhà, không biết củi gạo dầu muối đắt thế nào." Mao Tín Hà cười, khi cửa tiệm đã vãn khách, cô lén đưa cho Túc Hải 1.000 tệ tiền tiêu vặt: "Đi mua quần áo đi." Cô con gái yêu cái đẹp từ nhỏ đã rất lâu chưa dám vung tay tự mua cho mình một bộ váy đắt, nói là muốn để dành tiền. Mao Tín Hà cũng không hỏi Túc Hải đã để dành được bao nhiêu, cô biết đứa trẻ này không có mục tiêu nào khác ngoài tự mở tiệm cắt tóc của riêng mình, đến cả hò hẹn cũng không còn sức đâu mà nghĩ.
"Cảm ơn mẹ." Túc Hải cười toe toét nhét tiền vào túi, ngồi lên ghế bắt đầu hành hạ mái tóc của mình trước gương. Tất tần tật những kiểu tóc xù, tóc tết ngô, búi củ tỏi, sóng xoăn lớn, sóng xoăn nhỏ, uốn con sâu... cô đều đã thử qua. Tuổi còn trẻ nhưng chất tóc đã bị hư tổn nặng. Giờ đây Túc Hải chuyển thành kiểu tóc xoã ngang vai gọn gàng, rẽ ngôi giữa, vừa ngoan ngoãn vừa dịu dàng.
Túc Hải không để ý Turgenevva mặt ủ mày chau bước vào tiệm cắt tóc từ khi nào, chỉ khi Hoại Phong Niên cầm ghế đến gần, Túc Hải đang cúi đầu sơn móng tay mới giật mình, đôi mắt to trong gương bắt gặp đôi mắt nhỏ: "Hoại Phong Niên?! Sao chị lại thay đổi vậy?"
Thật là một dịp hiếm hoi khi Phong Niên mặc váy liền thân màu nâu có cổ POLO, chân mang đôi giày thể thao màu trắng 30 tệ và đội chiếc mũ lưỡi trai, với đôi mắt hơi sưng và sắc mặt quá thể u ám, cô cởi mũ, bật ra mái tóc bù xù như chậu hoa: "Chỉ là... hơi bận, không có thời gian tỉa tót."
Vẫn là kiểu tóc 3.000 tệ, đã không còn nhìn thấy chất lượng kỹ thuật và phong cách thời trang đắt tiền sau vài tháng qua đi, Phong Niên cùng đường lắm mới phải búi thành quả bóng sau đầu: "Cắt cho chị đi."
Lần này cô không nói: "Nhóc xem cắt thế nào thì cắt." Mà nói, Tiểu Hải, giúp chị cắt ngắn nhất có thể.
Túc Hải nói nếu chị muốn đi tu thì ra khỏi cửa rẽ trái, bắt xe buýt số 309 đến am Liên Hoa ở ngoại ô Bách Châu, có lẽ tay nghề thợ cắt tóc trong đó rất khá, xong việc còn có thể đốt cho chị hai hàng hương trên đầu.
"Thời gian này chị muốn về Bách Châu yên tĩnh học hành chuẩn bị luận văn, không muốn phí sức quan tâm đầu tóc". Phong Niên nói, sau 5 năm học thạc sĩ và tiến sĩ, cô mới"chỉ" nộp hai tập san CSSCI và một tập san Cốt lõi Tiếng Trung Đại học Bắc Kinh, nửa năm nay hầu như chưa viết thêm được gì.
Ôi, cạo đầu quyết chí. Túc Hải nói cũng được, hay là em cạo hai bên phải trái mỗi bên một chữ C, lấy điềm lành nhé.
Phong Niên nói tùy nhóc muốn điêu hoa khắc điểu ra sao cũng được. Nói xong, Phong Niên mệt mỏi nhắm mắt lại, mặc ý Túc Hải cắt mái tóc xoăn dài rụng như tuyết rơi. Cây kéo của Túc Hải càng lúc càng gần: "Hoại Phong Niên, chị niệm kinh à? Đầu nghiêng kìa."
Phong Niên mở mắt ra, nói xin lỗi, chị ngủ gật. Đôi mắt bé một mí vô cùng căng và có tinh thần khi không sưng, nhưng bây giờ chỉ ti hí như đường chỉ.
"Chị về có thể yên tâm học không? Không gói hoành thánh à?" Túc Hải - người không thích nói chuyện khi làm việc - đã tiến vào trạng thái trên Q với Turgenevva.
"Cũng gói, chị nói với mẹ chỉ gói vào buổi sáng. Buổi chiều và buổi tối là thời gian của riêng chị." Tống Hội Hương một mình gồng gánh cả tiệm hoành thánh, đồng ra đồng vào vẫn ổn định, nhưng người đã già đi nhiều, những năm qua đã xuất hiện vô số cọng trắng. Phong Niên mềm lòng, chủ động muốn giúp đỡ.
"Vậy chị học ở đâu? Cửa hàng nhà chị không ồn sao?" Túc Hải lại ấn đầu Phong Niên: "Đừng cử động."
"Chị..." Phong Niên không có căn "nhà" nào đúng nghĩa ở Bách Châu, vẫn chỉ ở trong một căn phòng nhỏ của tiệm hoành thánh như trước, lại bị coi như "thương hiệu" cho ông bố Hoài Tương Long lấy le với bà con cô bác trong thị trấn Tượng Nga. "Chị đến thư viện." Dù từng được Du Nhậm mời, nhưng dù sao cũng là nhà người ta, có thể thi thoảng ở nhờ, nhưng một, hai tháng lại quá làm phiền.
Túc Hải đổi sang tông đơ điện, khi những sợi tóc vụn bắn vào tai Phong Niên, Túc Hải nói em cạo chữ thật đấy, chữ "C" đúng là hơi khó.
"Vậy chữ 'H' đi." Phong Niên nói chị họ Hoài, có căn có cứ.
Túc Hải rất nhanh đã cạo ra chữ H, Phong Niên nhìn vào gương, cũng khá đẹp: "Bên này cũng cạo đi, cân xứng."
Hâm à, kiểu này phải bất đối xứng mới đẹp, cạo hai chữ nhìn ngớ ngẩn chết đi được. Túc Hải nói lần sau em sẽ đổi chữ cho chị, "T."
Vành tai của Phong Niên đỏ bừng: "Đừng quá bắt mắt như vậy, hơn nữa chị cũng không thích dán nhãn bản thân bằng ký hiệu."
"Vâng, vậy thì '1', hoặc là '0'." Túc Hải vừa cười vừa lau sạch vụn tóc cho Phong Niên, lúc này mới đi vào trọng điểm: "Sao lại về Bách Châu? Không đi cùng chị ấy?"
Phong Niên liếc quanh những người trong tiệm, nói không cần. Ngồi thêm một lúc mới nói: "Tiểu Hải, có thời gian không?"
Vậy là Túc Hải và Phong Niên lên xe taxi, Phong Niên nói đến am Liên Hoa. Mùa này trong am Liên Hoa đang có sen, có ngói vàng tường đỏ, có rạng tre xanh. Vì ít người đến nên không cần mua vé, có tâm thì cúng ít tiền nhang, không có tiền thì đi dạo xung quanh ngắm nhìn, cả thảy chỉ có vài điện chầu và những căn nhà mộc mạc cho ni sư ở.
"Hoại Phong Niên, chị đến đây thăm dò địa hình à? Giờ chưa phải thời điểm chị quy y cửa Phật, chị đang yêu." Túc Hải ngồi vung chân bên ao sen, con cá vàng béo múp dưới nước còn to hơn cá ở nhà bà Du Nhậm.
Phong Niên nói chỉ muốn đến ngắm nhìn một nơi nào đó yên tĩnh, lắng nghe kỹ hơn, còn có tiếng hát kinh. Túc Hải nói hiệu ứng âm thanh này bình thường, tiếng dòng điện hơi lớn. Tại sao các nữ tu không hát mà lại phát loa? Bồ Tát không đáng có tai nghe Sennheiser sao?
Phong Niên cười: "Có lẽ Bồ Tát đang nghe tâm."
"Nếu chị nói sớm muốn yên tĩnh, em đã dẫn chị đi chỗ khác." Cái tĩnh của am Liên Hoa nằm ở số lượng người ít, chị xem, tạp âm rất nhiều, chỉ cần nghe âm thanh thôi em đã đau hết cả đầu, nên đến sông Bách Châu ban đêm thì hơn, tuy có tốp ba tốp năm người qua lại, nhưng không ai ảnh hưởng đến ai. Nơi đó có sông, có gió nắm quyền, không phải con người. Phong Niên mở to mắt: "Tiểu Hải, nhóc thật có chất thơ."
Tiểu Hải, sao nhóc luôn tĩnh như vậy? Phong Niên lại hỏi cô gái lớn.
"Em có tĩnh đâu." Túc Hải nói, mẹ bảo em phải ăn mì nhỏ nhẹ, nhưng em không làm được, em thích húp mì sì sụp. Em cũng hát trong lúc tắm. Hôm kia đi đấm bốc, ồn ào suốt hai tiếng về nhà nằm úp lên giường không muốn động đậy: "Hoại Phong Niên, sao em cứ thấy chị đang rất không vui? Chị cãi nhau với chị Tống à?"
Không phải cãi nhau. Phong Niên ngồi cạnh Túc Hải: "Ở lại Bắc Kinh, tâm trí chị rối ren hỗn loạn." Phong Niên nói thật khó để diễn tả, tình cảm của bọn chị rất tốt, nhưng chỉ có thể tốt đến bước đó, tốt ở chỗ đó. Chị ấy muốn chị ở lại Bắc Kinh sau khi tốt nghiệp, nói sẽ tìm cho chị một công việc tốt. Chị ấy... chị ấy sau này mỗi năm sẽ về nước vài tháng cùng chị. Đó không phải cuộc sống mà chị muốn.
Chị muốn những ngày hai người xoắn vào nhau thành một sợi dây, dù hàng tháng không kiếm được bao nhiêu, chỉ cần giống giản đơn hơn một chút. Nghĩ lại, khoảng thời gian vui vẻ nhất của chị là khi kề vai sát cánh cùng Du Nhậm trong trường, chuẩn bị thi đại học và lén lút đổi sách cho nhau đọc, cũng như kỷ niệm làm việc cùng chị Tiểu Anh, giúp chị ấy mở cửa hàng, à, còn ăn uống và đi chơi cùng nhóc ở Bắc Kinh nữa. Phong Niên nói Tiểu Hải, chị nói nhóc tĩnh vì chị thấy nhóc biết nên sống như thế nào, nhóc an phận.
Cô gái lớn vung tay: "Cảnh giới của em cao." Em đói rồi, chị lừa em đến am Liên Hoa, chị phải tìm đồ ăn cho em.
Phong Niên nói để chị thử xem. Kéo cô gái lớn đi quanh trong chánh điện, khấn với Bồ Tát một lúc, chợt Phong Niên nhìn thấy một ni sư. Kiểu tóc của nghiên cứu sinh tiến sĩ trông có vẻ cá tính, nhưng cách nói năng rất ồn tồn lễ độ, qua dăm bảy câu trò chuyện, ni sư đó làm động tác "mời".
Năm phút sau, Phong Niên và cô gái lớn ngồi trong bếp của am Liên Hoa, mỗi người bưng một bát đồ chay làm sẵn thật lớn. Túc Hải nói Hoại Phong Niên, chị thật lợi hại, trong cơm không có thịt mà sao ăn ngon quá. Phong Niên vừa cười vừa gắp cho cô gái lớn nửa số đậu phụ và rau củ: "Chỉ có một yêu cầu, đừng thừa lại bất cứ thứ gì."
Túc Hải ăn rất ngon, Phong Niên bình thường không ăn nhiều chỉ cần xem cũng thấy kích thích vị giác, như lần họ gặp nhau đi ăn ở Bắc Kinh, cô được Túc Hải lây nhiễm, cũng tích cực chủ động ăn hăng hái.
Túc Hải không để thừa một hạt cơm, còn xin bà ni sư đang mỉm cười hiền từ thêm nửa bát nữa. Ăn xong, Túc Hải nói lời cảm ơn với ni sư: "Cảm ơn cô, lần sau con sẽ cạo đầu miễn phí cho các cô."
Phong Niên kéo áo Túc Hải, nghiên cứu sinh tiến sĩ nói xin lỗi, em gái con nghĩ sao nói vậy.
"Đã ăn của người ta, em phải làm gì đó trả ơn chứ?" Túc Hải bước ra khỏi am Liên Hoa, lẩm bẩm: "Em vẫn muốn đến nữa."
"Được, nhớ mang theo 200 tệ." Phong Niên nói chúng ta không ăn miễn phí, có thể biếu tiền nhang: "Tiểu Hải, sao lần nào chị đi ăn với nhóc... đều ăn nhiều thế nhỉ?" Phong Niên nói đích thị vì nhóc thực tế, ăn là ăn, ngủ là ngủ, không trụ tướng, không âu lo.
"Chị cứ nói cái gì em chẳng hiểu." Túc Hải kéo cổ Phong Niên xuống kẹp dưới khuỷu tay mình, bước đi như hai chị em thân thiết: "Có phải do đọc nhiều sách, miệng luôn nói những điều khó hiểu nên bỏ bê ăn uống không?" Cô gái lớn hỏi "không trụ tướng" là gì? "Không âu lo" tức là nói em vô tri đúng không? Câu chửi của người đi tu đúng là thật có tầm.
"Haha, lý giải đơn giản hơn về 'không trụ tướng', nghĩa là không sống chết bóc tách chân lý khi làm việc, không cố chấp dằn vặt xem cái này rốt cuộc là đúng hay sai." Phong Niên nói, cũng như nhóc cắt tóc cho người ta, nhóc không nhất định phải nói kiểu tóc nào phù hợp nhất hay kỹ thuật cắt nào tuyệt đỉnh nhất, nhóc chỉ gợi ý nên làm thế nào dựa theo hình dạng khuôn mặt và chất tóc của khách hàng.
"Chị nói tầm bậy tầm bạ, cắt tóc là phải như vậy, nhưng nhiều lúc gợi ý của em khác với những gì khách hàng hiểu, vẫn phải làm theo ý họ, kiếm tiền là ưu tiên hàng đầu. Còn ăn uống, ngủ nghỉ, đều là điều con người nên làm cơ mà? Có gì không hiểu mà phải sống chết bóc tách chân lý? Cái gì cần làm vẫn phải làm, chẳng lẽ chị mót quá mà không đi vệ sinh?"
Biểu cảm của Phong Niên cứng đờ: "Ừ nhỉ, nếu mót quá, còn có thể làm gì?"
"Chị muốn đi vệ sinh à?" Túc Hải hỏi, Phong Niên cười: "Không, chị muốn nói với nhóc một điều, Túc Hải đúng là một cô gái thần kỳ."
Trở về nhà, Phong Niên bắt đầu một ngày bình thường bằng buổi sáng gói hoành thánh, đến chiều tối đọc sách và tập thể dục. Qua nhiều năm, trong lòng nghiên cứu sinh tiến sĩ không còn rò rỉ cay đắng oán hận khi gói hoành thánh nữa, cô bình tĩnh ngồi trong quán, ve nặn từng lớp vỏ, có thể nghe lọt tai vài lời Tống Hội Hương nói.
Tống Hội Hương nói, sau này tốt nghiệp đừng kiếm được tiền rồi tiêu tiền hoang phí, phải nghĩ đến bản thân, chuẩn bị mua nhà sớm.
Nếu là trước đây, Phong Niên sẽ cho rằng Tống Hội Hương lại dán mắt vào số tiền tiết kiệm của mình, nhưng bây giờ cô gật đầu, nói con hiểu.
Tống Hội Hương còn nói, sức khoẻ của bà nội ở Hồ Nam của con kém đi rất nhiều, bố con muốn đón bà đến Bách Châu dưỡng già. Phong Niên nói đó là chuyện giữa bố và các anh chị em của bố, bố muốn đón thì cứ đón.
"Chẳng phải vì muốn làm phiền mẹ sao?" Tống Hội Hương chưa nói được vài câu đã tức giận, ngày xưa Phong Niên rất dễ sinh ra những suy nghĩ phức tạp vì bị cảm xúc của mẹ ảnh hưởng, sẽ bất bình Tống Hội Hương, sẽ oán hận tại sao bố không tận tâm với gia đình này mà chỉ hết lòng với quê cũ?
Phong Niên của hiện nay đã trải qua nhiều loại tình yêu và sự quan tâm khác nhau, cô đã thấy một mặt rộng hơn và lớn hơn của thế giới, tuy vẫn chỉ là một con tép nhỏ giữa đại dương nhưng Phong Niên đã vượt qua cái ao chật hẹp của tuổi thơ - Sự túng thiếu về vật chất và tính bướng bỉnh về cảm xúc do cha mẹ mang đến, cũng như thói tính toán chi li và suy tính hơn thiệt đã in sâu vào tính cách của cô, cô đều đã nhìn thấy.
Phong Niên nói nếu mẹ cảm thấy không thể hầu hạ thì nên bàn bạc với chồng mẹ, hai người cùng tính toán, cần tốn bao nhiêu thời gian, công sức và tiền bạc? Không thể thống nhất thì nghĩ cách khác. Đừng lúc nào cũng phàn nàn, không giải quyết được vấn đề.
Thật bất ngờ, Tống Hội Hương không lập tức phản bác, chỉ lí nhí lẩm bẩm: "Ông ấy luôn làm những chuyện vượt quá khả năng của bản thân."
Buổi tối, Phong Niên ra khỏi thư viện thành phố, đến chơi với Túc Hải và Viên Liễu đang được nghỉ hè, ba người bạn chạy dọc theo bờ kè sông Bách Châu, Phong Niên nói mắt chị không còn sưng nữa sau vài cây số chạy bộ, Túc Hải nói chạy xong em mới thể yên tâm ăn uống, Viên Liễu thì vừa sờ múi bụng mình vừa âm thầm vui mừng, nghĩ rằng bạn gái tương lai của mình nhất định sẽ rất thích.
Phong Niên cũng không còn âm thầm oán hận khi liên lạc qua điện thoại với chị Tống, đôi lúc còn tăng âm lượng để chị Tống vừa trở về Bắc Kinh có thể nghe thấy tiếng còi đêm trên sông Bách Châu. Chị Tống nói xin lỗi, gần đây chị bận quá, cũng bất đồng ý kiến với bố của Chương Chương về vấn đề giao nhận nhà cửa và tài sản.
Giọng Phong Niên trong trẻo và dịu dàng: "Chị cứ kiên nhẫn giải quyết. Em đang có khoảng thời gian rất trọn vẹn ở quê nhà, giờ đây em có thể gói một cái hoành thánh chỉ trong một giây. Đợi em về Bắc Kinh, em sẽ chuẩn bị nhân làm cho chị." Phong Niên từng làm hoành thánh một lần trong ngôi nhà nhỏ ở Tả Gia Trang, cho vào tủ lạnh đợi chị Tống trở về sẽ đem ra đun. Không ngờ khi gặp lại đã là nửa tháng qua đi, chị Tống mở ra đã không còn tươi nữa.
"Phong Niên, em..." Chị Tống muốn hỏi cô gái, sao em không tức giận? Không vội vàng? "Như thể em đã thay đổi."
"Dường như có thay đổi một chút." Phong Niên giơ điện thoại nhìn ra sông: "Tống Việt Quỳnh, trước đây em luôn bám víu vào hiện tại và trông mong tương lai, khát khao được nhận nhiều hơn từ chị dù là một sự đảm bảo hay một lời hứa, hoặc chỉ là một thái độ."
Bây giờ em không còn nóng vội, sau gần một năm của chúng ta, chị đã cho em những gì có thể, em cũng muốn cho chị những gì em có. Em trân trọng hiện tại, trân trọng từng phút từng giây chúng ta ở bên nhau, trân trọng từng điều bất ngờ chị dành tặng cho em, em muốn nói cho chị suy nghĩ chân thành trong lòng em: Tống Việt Quỳnh, em rất yêu chị. Sau này chị sống ở đâu cũng không sao, em sẽ vui khi chị đến và sẽ không buồn bực khi chị đi. Em phải chấp nhận, chúng ta giao nhau trong tình yêu, ngoài ra còn có nhiều điểm giao nhau khó khăn khác như gia đình, người thân, trách nhiệm hay sự nghiệp.
Ở đầu dây bên kia, mắt chị Tống ươn ướt, chị hỏi, ai dạy em thế? Bậc thầy nào trong cuốn sách nào? Em có dấu hiệu buông bỏ những âu lo.
"Là một bạn nhỏ dạy." Phong Niên cười hân hoan: "Chị cũng dạy cho em biết vẻ đẹp của tình yêu. Chỉ khi nhìn thấy cái đẹp, em mới có thể đứng càng xa và càng cao, trông thấy những bất kham dù vô tình hay cố ý của bản thân."
Phong Niên, ngay bây giờ chị Tống chỉ muốn chạm vào khuôn mặt của cô gái, mũi chị nghèn nghẹt, cuối cùng cũng rối bời một lần trước cô gái, nhưng lần này chị không xấu hổ: "Cảm ơn em."
......
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT