Lấy độc trị độc là một cách nghĩ thường thấy, và cũng có lẽ, lấy cằn cỗi nuôi dưỡng cằn cỗi cũng là một cách.
Người theo đuổi cằn cỗi của Phong Niên sỡ hữu thân hình trưởng thành như một quả mận sắp chín độ nứt vỏ, với sáu căn nhà trong đường vành đai thứ ba, làm công việc đẳng cấp trong ngành tài chính, một cô con gái vô cùng thông minh và một người chồng đàng hoàng, thế nhưng chị Tống vẫn nói chị cằn cỗi, bởi cuộc sống của chị được xây dựng trên những lời nói dối, trong khi Phong Niên là một đứa trẻ nghèo hàng thật giá thật, và chị sẵn sàng muốn nuôi dưỡng.
Chị Tống nói với Phong Niên rằng vừa nhìn thấy em, chị nghĩ ngay đến cô ấy. "Cô ấy" là sự tồn tại ngày càng không còn thực tế nằm sâu trong mê cung những lời nói dối của chị. Chị nói, hai người khá giống nhau, tóc xoăn, môi mỏng, mắt một mí, khuôn mặt oan trái và lạnh lùng bẩm sinh như đang đòi nợ ai đó.
Phong Niên nói em chưa bao giờ đòi ai cái gì, tất cả những gì em có đều do chính tay em kiếm được. Nói đến đây, cô cau mày thật chặt, toàn thân bị hút cạn bởi nụ hôn nóng bỏng của chị Tống. "Nhưng em đã đòi."
Tính tình chị Tống quả quyết, nói Phong Niên đã cướp đi sự chú ý của chị, khoét rỗng cuộc sống giả tạo trống trải và móc ra trái tim méo mó của chị: "Em đến để đòi nợ chị, chắc chắn là thế."
Sự thay đổi về chất trong mối quan hệ giữa Phong Niên và chị Tống bắt đầu vào một ngày tháng Sáu, cũng là năm thứ hai Phong Niên dạy con gái chị Tống môn toán SAT, từ chào hỏi lịch sự, ở lại dùng bữa cơm gia đình dè dặt cho đến tặng một món quà năm mới giá trị vừa phải nhưng đầy tâm huyết, cuối cùng chị Tống mời Phong Niên ở lại qua đêm vào một ngày mưa tầm tã. Nhà chị có nhiều phòng, cô con gái cũng vui mừng phụ hoạ cùng mời.
Tối đó chồng của chị Tống ra nước ngoài công tác, chênh lệch múi giờ năm tiếng. Chị Tống nói sự chênh lệch về tinh thần của họ không chỉ là năm tiếng. Dứt lời, chị bưng một ly rượu vang đỏ đến cho Phong Niên, ngồi ngắm mưa ngoài cửa sổ sát đất trong phòng khách và trò chuyện về những điều tầm phào với cô gái. Từ đây có thể nhìn thấy bóng tà chiều trên thành phố Bắc Kinh, bên ngoài bấy giờ bị ngăn cách bởi một tấm màn nước, ánh mắt chị Tống đan xen phức tạp hơn màn nước bám trên cửa kính, chị hỏi Phong Niên, sau này em muốn làm gì?
Phong Niên nói em thích văn học, dù đang học nghiên cứu sinh nhưng về cơ bản em đã xác định hướng đi lên tiến sĩ sau này, hy vọng có thể nghiên cứu nền văn học Baroque mà em yêu thích. Cô nói từ Marino đến Góngora, do đó cô đang tự học tiếng Latin.
Chị Tống say mê lắng nghe, lặng lẽ uống nửa ly rượu, sau đó chị nói: "Bởi Thần Tình Yêu hiện hữu trong đôi môi đỏ mọng, nàng mang theo độc tố của bản thân."
Xong, chị cong môi cười, rượu vang đỏ làm hoa mắt Phong Niên. Đêm đó hơi men hành hạ Phong Niên ngủ không ngon, có lúc mơ thấy Ấn Tú, lúc lại là Du Nhậm, cuối cùng khi khuôn mặt chị Tống xuất hiện, Phong Niên sợ hãi tỉnh dậy, nhất thời không phân biệt được là mơ hay là uống rượu trong mơ.
Một thời gian sau lại có cơ hội hỏi chị Tống: "Hoá ra chị cũng biết Góngora? Vậy là lần trước em đã múa rìu qua mắt thợ."
Chị Tống nói em có số điện thoại của chị, không ngờ lâu như vậy em mới gặp mặt trực tiếp hỏi chị. Chị Tống cũng không nói sâu hơn về Góngora, mà tiết lộ rằng chị là đàn chị của Phong Niên từ thời xưa lắm rồi, một giáo viên trong chuyên ngành của Phong Niên chính là bạn học đứng thứ 12 trong lớp chị năm đó.
Nếu chuyện tình yêu cũng có công phu tu luyện, Phong Niên được coi là nghiệp dư cấp một, còn chị Tống ít nhất cũng phải chuyên môn cấp tám. Chị ấy như một nhạc trưởng dày dặn kinh nhiệm, đôi khi chỉ bằng ánh mắt có thể dẫn dắt cảm xúc của các nhạc sĩ, khi thì lười biếng duỗi ngón tay ra ngoắc nhẹ, nếu dàn nhạc nằm trong tay chị, chắc chắn sẽ không thể kìm nén được âm trầm khe khẽ.
Điều vô lý nhất của tình yêu là nó để lại không gian rộng lớn tạo điều kiện cho sự ngu muội của con người phát huy. Ấy là chưa kể, chị Tống rất xinh.
Chị Tống xinh đẹp vuốt nhẹ qua mái tóc xoăn dày của Phong Niên, đưa Phong Niên trở về trường học, và hỏi Phong Niên trước khi đi: "Em không còn gì để nói với chị nữa à?"
Thực ra họ đã nói đủ những chuyện lẻ tẻ trong tin nhắn. Chị Tống vẫn là một bí ẩn, thế là Phong Niên kể ra mọi điều về mình, cô nói về Du Nhậm, kể về chiếc váy màu vàng của Ấn Tú, nói Ấn Tú là dây nho trong cơn giông. Chị Tống hiểu ngay, nói rằng chị sẽ cho ra những trái nho mọng nước long lanh như giọt pha lê.
Chị Tống chưa bao giờ nói thẳng chữ thích, tài trí của chị thể hiện ở việc rõ ràng đang tấn công trái tim của Phong Niên từng chút một, nhưng mọi thứ được chị sắp xếp rất trình tự, rất hợp lý. Một chân chị đứng sau ranh giới chủ nhân, chân còn lại đưa sang bờ đối diện rồi nhẹ nhàng thu lại. Cao thủ là người biết nhảy múa, dù có đưa chị một sợi dây thép cheo leo trên vách đá, chị cũng có thể nhảy.
Chị Tống cũng biết cho Phong Niên hy vọng, chị nói, ly thân với chồng là chuyện bình thường, mỗi người đều bận chuyện riêng. "Bận" cái gì? Trả lời Phong Niên là ánh mắt ám muội của chị Tống.
Sau hai tháng tìm hiểu lúc gần lúc xa, Phong Niên khoác ba lô lên, đến Cam Túc với các bạn cùng lớp, muốn thức tỉnh bản thân bằng ngọn gió trên con dốc cao hoàng thổ: Cuộc gặp gỡ với chị Tống là một đoạn phóng đại của cuộc sống, mà chị Tống thì sử dụng thủ pháp phóng đại kiểu Baroque lên đến trình độ đỉnh cao, chị nói chị đến Lan Châu, hỏi Phong Niên có muốn cùng nhau đi ngắm sông không?
Nếu Phong Niên không đi, dòng sông giữa hai người sẽ không thể vượt qua được. Chị Tống vẫn đi làm, đi công tác, lo liệu cho điểm số của con gái và đưa con đi học lớp tennis. Để lại hàng loạt di chứng cảm xúc rối ren cho Phong Niên. Phong Niên cảm thấy bản thân rất có lỗi với chị, tại sao chị lại ở Lan Châu? Là vì công việc hay do cố ý?
Cao thủ biết tầm quan trọng của những khoảng dừng ngắt quãng, trong những tuần chị Tống hoàn toàn không liên lạc với Phong Niên, ngày nào Phong Niên cũng đứng hóng gió trên sườn dốc thoải, khiến khuôn mặt trắng trẻo chuyển màu đen vàng đan xen, mái tóc cũng biến thành ngải cứu. Và cứ như đã tính chuẩn ngày Phong Niên trở về, chị Tống gọi điện đến vào ngày cô về Bắc Kinh, lời đầu tiên là: "Chị đến tìm em, em không chịu, khi em đã về cũng không cho chị gặp." Nếu không nhờ bữa cua ăn cùng Túc Hải hôm đó, thì Phong Niên đã mềm nhũn chân tay chỉ ngay tức khắc.
Gần đây chị Tống thường sống trong căn hộ ở Tả Gia Trang, nghe nói đây là căn hộ đầu tiên chị mua ở Bắc Kinh bằng tiền tích luỹ vốn cá nhân và vẫn ở đó cho đến khi kết hôn. Chị không muốn cho thuê, cũng không muốn để không nên tuần nào cũng về ở một hoặc hai ngày: "Cho bản thân chút yên tĩnh."
Con người cần yên tĩnh, nhất là với những người sống trong ngàn lời nói dối như chị. Tại sao lại cần thơ Baroque? Vì cuộc sống chẳng thể chống lại những ánh mắt soi mói, chị Tống nói.
Sau khi Phong Niên lên xe, chị nhìn cô gái, ngón tay lướt trên cổ Phong Niên: "Kiểu tóc của em..." Chị Tống cười: "Khá đặc biệt."
Chị mời em năm lần, lần này cuối cùng em cũng chịu đến nhà chị ở Tả Gia Trang. Chị còn nói rằng Phong Niên khiến chị nhớ đến cô ấy, nói rằng Phong Niên đến đòi nợ, nhưng mọi điều chị làm đều như đang tìm đến Phong Niên để đòi nợ. Chị Tống ngừng khởi động xe, nắm kiểu tóc máy bay của Phong Niên và nói em không lãng mạn, không một chút nào. Em không mang gì về cho chị sau chuyến đi đến Ninh Hạ.
Phong Niên nói em có mang, ở trong ký túc xá. Em mang một nắm đất badan về cho chị. Sau này nếu có cơ hội, em sẽ bỏ đất vào chậu hoa lớn nhà chị. Và nếu không có cơ hội, em sẽ phơi khô nó.
Chị Tống nói vật này có dụng ý, giống phong cách của những người học khoa Tiếng Trung chúng ta.
Còn có thể làm gì? Chị Tống nói bây giờ chị muốn chấn chỉnh em, em nghe xem đây là ngôn ngữ gì? Sau khi hôn Phong Niên choáng váng, chị Tống buông tay ra, nhìn vào gương chiếu hậu dặm lại son, nói rằng Bắc Kinh khô hanh đến nỗi chị phải dùng năm thỏi son dưỡng trong một mùa đông. Em đã bao giờ mua váy hay son cho con gái chưa?
Phong Niên cho biết em từng mua son môi. Nhưng không phải cho người yêu, mà là cho một bạn nhỏ rất dễ thương, rất thích trang điểm. Mới mười lăm tuổi.
Chị Tống cười khúc khích, lái xe vào tiểu khu, đỡ Phong Niên bước ra cửa xe rồi tự nhiên buông ra. Hai người lần lượt đi vào thang máy gara, tim Phong Niên đập như đánh trống, chị Tống nói sẽ dẫn em đi biết nhà, đừng sợ.
Căn hộ này nhỏ hơn nhiều so với nơi ở hiện tại của chị Tống, nội thất cũng thể hiện dấu vết của năm tháng, nhưng được giữ gìn vô cùng ngăn nắp. Chị Tống bảo Phong Niên đi đun nước, chị muốn uống trà Phổ Nhỉ, sau đó đi vào phòng vệ sinh, tiếng nước tắm "ào ào" chảy ra.
Phong Niên cảm thấy khoảnh khắc này quá giống như lần cô liều lĩnh vét két mua hai tấm cổ phiếu, vừa cảm thấy mình có khả năng được hời, vừa thấy rất trống trải trong lòng như đã đoán trước rằng đường biến động âm dương sẽ sụp đổ.
Cô nắm chặt điện thoại, pha Phổ Nhỉ chờ chị Tống, có tin nhắn của Túc Hải gửi tới: "Hoại Phong Niên, em nhìn thấy rồi! Nói thật, không phải ông chú mà là một cô chị, thế là em yên tâm, cũng xinh đấy, hỏi xem cô ấy làm tóc ở đâu."
Phong Niên sợ, lòng bàn tay đổ mồ hôi: "Nhóc đã nhìn thấy gì?"
Mặt dán mặt. Cũng giống hôn môi. Túc Hải nói chị đừng lo, em rất thoáng.
Như bị bỏng tay, Phong Niên đánh rơi điện thoại, nhịp tim mất kiểm soát trở nên hỗn loạn. Phong Niên lại chạm vào môi, luôn cảm thấy động tác thừa thãi đã thành thói quen mới dạo gần đây đại diện cho một ý nghĩa nào đó. Và giờ cô đã biết, nó mang tên đói khát.
Người rong ruổi đã lâu trên sa mạc nếu tìm thấy nguồn nước sẽ khó lòng kìm nén phấn khích. Hơn nữa, góc nghiêng của chị Tống trông giống Ấn Tú, trải nghiệm của chị ấy cũng tương tự - Từng chao đao trên bờ vực phá sản, rồi dần dần vực dậy.
Mang theo mùi sữa tắm, chị Tống muốn Phong Niên sấy tóc cho chị. Phong Niên cứng ngắc đứng xa hơn một chút, giúp chị chải tóc, nhân tiện hỏi chị làm tóc ở đâu. Chị Tống đáp: "Làm ở Tokyo, em có muốn đến đó thay đổi kiểu tóc không? Lần sau chị dẫn em đi."
Phong Niên nói không cần đâu, lần sau em sẽ thử duỗi tóc khi tóc em dài. Cho dù nhiều thợ làm tóc đều nói có duỗi cũng vô ích.
Chị Tống cất máy sấy tóc đi, thản nhiên ngồi xuống uống hai tách trà, sau đó nhìn vào mắt Phong Niên: "Miệng em có vị thịt dê và tỏi tây."
Phong Niên đỏ mặt, được chị Tống kéo vào phòng tắm, bóc gói bàn chải đánh răng mới rồi thấp thỏm đánh răng 10 phút trước gương. Chị Tống vừa ngắm cô đánh răng vừa hỏi: "Em có muốn không? Không muốn cũng không sao."
Đôi mắt một mí đằng sau cặp kính gọng tròn chớp chớp, lau mặt xong, Phong Niên nói: "Em phải luôn sẵn sàng cho những bước nhảy về ngữ cảnh khi nói chuyện với chị."
"Vì chị cảm thấy em đủ thông minh." Chị Tống ôm eo Phong Niên từ phía sau, nói em quá thuần khiết, trong sáng và thông minh. Chơi trốn tìm cũng rất thành thật.
Chỉ cần Phong Niên bằng lòng, chị lập tức có thể trôi theo dòng chảy ngay khoảnh khắc thời cơ chín muồi. Phong Niên cắn môi, hỏi chị Tống, vì cô ấy nên chị mới thích em sao?
Chị Tống vuốt nhè nhẹ lòng bàn tay của Phong Niên: "Có lẽ, chị sắp quên được cô ấy, lần tụ họp trước cũng không đến dự, sợ gặp phải. Khi nhìn những bức ảnh được đăng trong nhóm lớp, không ngờ rằng chị không tìm được cô ấy ngay từ cái nhìn đầu tiên."
Chị Tống lại hỏi, em thích chị vì cô ấy à? Hay là vì sẽ nghĩ đến cô ấy khi thấy chị?
Trái tim Phong Niên đau rát: "Bạn nhỏ được em tặng son môi cho bảo em nên thử chỉ cất giấu một người trong lòng."
Vậy em thử xem? Chị Tống cởi chiếc áo khoác mỏng của Phong Niên: "Chiếc áo này em đã mặc nhiều năm. Chắc hẳn là được người nào đó tặng."
Phong Niên im lặng, chị Tống nói em đi cùng chị.
Ma đưa lối, quỷ dẫn đường, Phong Niên theo chị vào phòng ngủ, chị Tống cởi đồ ngủ ra, Phong Niên nhìn thấy nước da trơn láng và mịn màng vẫn chưa bị thời gian cướp đi. Chị Tống nói, em vẫn nghĩ đến người khác, nhưng bây giờ chị muốn em chỉ nghĩ đến chị.
Hãy thử xem. Tình yêu trong đôi mắt chị không cần phải che giấu, Phong Niên nhớ lại giây phút mình nhấp chuột đặt cược. Người biết tự giữ mình trước cám dỗ luôn là vấn đề nan giải hấp dẫn...
Nửa đêm gõ cửa tiệm cắt tóc Phương Phương, Túc Hải vừa ngáp vừa tò mò đón Phong Niên: "Hoại Phong Niên, muộn thế này sao chị đến tìm em?"
Phong Niên giơ hai lon bia trong tay lên: "Uống với chị một lát, Tiểu Hải, chị làm hỏng việc rồi." Nhưng chị cảm thấy an tâm hơn.
Bởi vì chị Tống nói, chúng ta cũng có thể thử, bắt đầu từ xxx và trung thành với xxx. Cả linh hồn lẫn hiện thực đều là giả, vốn dĩ mãi mãi sẽ chẳng thể thoát ra, vậy hãy tiếp tục giả đi.
Không biết cớ sao, Phong Niên bật khóc trước mặt Túc Hải: "Tiểu Hải, chị thấy rất cô đơn."
Cô gái lớn sững sờ, vòng tay ôm vai Phong Niên nhờ chiều cao của mình: "Chị Phong Niên, không sao đâu, em cũng đang ở Bắc Kinh mà." Sau đó vuốt mái tóc máy bay: "Này, có thể mang kiểu tóc khác biệt, cũng có thể nuốt chửng nỗi cô đơn khác thường." Túc Hải đắc chí với lời nói buột miệng thành thơ của mình, cho Phong Niên mượn vai lau nước mắt: "Nói cho em biết, chị cô đơn vì gì?"
Hả? Phong Niên bị chọc cười: "Bây giờ đỡ hơn nhiều", cô tiếp: "Cũng không phải cô đơn, chỉ muốn một bữa nhậu không mục đích mà thôi."
......
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT