Sóng Ở Đáy Sông

Chương 5


11 tháng

trướctiếp

Bước sang năm 1967. Vào một ngày đầu tháng ba, nắng bừng lên loa lóa ở những dãy ao rộn ràng tiếng đập chiếu và trên các bờ rào chăng kín chăn màn, quần áo còn rỏ nước tong tỏng. Một con cóc nhảy từ bụi tre ra, làm đám trẻ con, những đứa em hắn kêu ré lên thất thanh, lao người đi như tránh một quả bom sắp nổ. Chúng đã trải qua những đêm thở không ra hơi, trống ngực đánh thùm thùm, cả hai đứa ngồi ôm nhau run bần bật khi nghe tiếng mèo đi hoang, tiếng chó sủa xồ lên ở một góc nào đó. Đến bây giờ xéo phải con giun, trông thấy con thằn lằn từ trong tay gai vươn cổ ra giương mắt nhìn mình không có đứa nào tái xanh tái xám. Đêm đêm nghe tiếng ễnh ương uôm uôm, tiếng chão chàng "chẳng chuộc, chẳng chuộc" và cóc cạo miệng ken két báo hiệu cơn mưa, chúng lại tự nhiên biến mình thành học trò nhại lại tiếng cóc nhái. Khi lũ em dạn dĩ với cảnh nhà quê nơi sơ tán thì hắn cũng có một tình yêu. Một tình yêu đến và đi như một chuyện hoang đường! Đấy là nơi bắt đầu tội lỗi của hắn? Hắn là kẻ phá hoại đời người con gái? Đấy là một tình yêu đầu tiên trong sáng vô cùng? Vâng! Hắn không bao giờ quên được mối tình ấy, một mối tình như một phát súng khai hóa cuộc đời tội lỗi của hắn và theo hắn suốt hai mươi lăm năm qua trong một thói quen trộm cắp tù đầy để cuối cùng trở thành một ông chủ của nghề mộc!

Hôm ấy một ngày nắng đầu xuân sáng rực lên những khuôn mặt tê tái, ẩm ướt sau hàng tháng mưa dầm. Vào khoảng mười hai giờ rưỡi trưa hoặc hơn gì đấy, nghĩa là lúc nửa cái bánh mì đen rắn như cục gạch, suất ăn sáng nhưng bao giờ hắn cũng nhét trong cặp sách để đến mười một giờ rưỡi trưa, hết tiết thứ năm hắn mới ngồi lại lớp, ngoảnh vào tường thưng bằng đất "nạp" nguyên liệu lấy sức cuốc bộ trở về. Khi cái "năng lượng" ấy đã hết hoàn toàn tác dụng, hai chân hắn thấy liêu xiêu, mắt đã thấy những tia xanh đỏ nhảy nhót thì một cô gái đứng quay mặt về phía hắn, gần như án ngữ giữa đường ở ngay bụi tre đầu làng. Hai tay cô thong thả như tay diễn viên múa cầm lấy đuôi màn vừa như gỡ khỏi cành rào vừa như căng nó ra, để chiếm lấy lối đi. Cái nón "phòng không" vừa bôi nước lá, vừa quét mực xanh loang lổ lật về phía sau như cốt để làm nền cho khuôn mặt đẹp, khiến hắn phải sững lại một giây. Cả hai mắt và miệng cô như cười cười nhìn thẳng vào hắn. Hắn né sang mé đường vượt qua cái "trở ngại" mà thật lòng hắn lại chỉ muốn "mắc mớ" ở đấy. Hắn đi được dăm sáu bước, đột ngột nghe tiếng cô:

- Anh Núi ơi, làm ơn giúp em một tay được không?

- Gì cơ?

- Cái màn của em bị mắc vào cành gai. Nếu anh không vội...

Thật lòng, lúc bấy giờ hắn không thể nghĩ có lần nào mình lại nằm mê được như thế. Về sau này bọn bụi đời của hắn bảo: Mỡ đến miệng mèo tội đ. gì không vồ lấy.

- Vội thì vội nhưng gỡ hộ chục cái màn cho em anh cũng gỡ.

- Thế thì em cảm ơn anh lắm.

- Làm sao lại biết tên anh.

- Anh về đây hàng năm giời rồi, ai còn lạ. Học giỏi, làm nghề nông cũng giỏi, cả tổng đều biết. Chỉ có anh là không thèm biết gì đến dân nhà quê cục mịch chúng em.

- Anh cũng xin làm nhà quê cục mịch có được không?

- Gớm. Đời nào. Trai thành phố ai về quê.

- Thế anh đang ở quê đấy thôi.

- Chẳng qua là vì chiến tranh phải sơ tán.

- Thì mẹ anh cũng quê ở đây, em không biết à?

- Nhưng cụ ra thành phố lâu rồi.

- Em có thích ra thành phố không?

- Hải Phòng có chỗ làm xiếc không đã?

- Có. Người ta vẫn biểu diễn ở nhà hát Nhân dân chỗ đường Lạch Tray đấy. Khi nào yên hàn, em ra đấy, anh mời đi xem xiếc.

- Em là người biểu diễn cơ.

- Em là diễn viên xiếc à?

- Vâng.

- Em thường biểu diễn tiết mục gì?

- Anh đã xem khỉ leo dây bao giờ chưa?

- Có.

- Đấy, em đấy. Thế anh không nhận ra em à?

- Ôi giời ơi, anh ngu quá. Ồ, sao anh lại ngu thế nhỉ? Anh lại không biết em xỏ anh.

- Em đùa cho vui, anh đừng giận nhé.

- Tên em là gì?

- Tên em xấu lắm.

- Xấu đẹp cũng là tên. Phải cho nhau biết còn gọi chứ.

- Thôi, anh gọi làm gì.

- Tùy em, không cho anh biết tên cũng được thôi

- Nhưng anh không được cười em cơ.

- Ừ.

- Tên em là Gai.

- Thật không?

- Thật.

- Em thề đi.

- Ai lại thề sớm thế.

- Sớm muộn mà anh biết tên em không là Gai thì em làm sao?

- Thì em không là Gai nữa.

Sau câu nói đó, mọi chuyện gần như kết thúc, hắn không thể nghĩ được ra chuyện gì để nói trước. Chả lẽ lại nói dỗi: "Không nói thì thôi" hoặc nổi nóng: "Em không nói tên thật anh cũng không cần thiết nữa". Sự im lặng càng làm cho cô hiểu rõ tâm trạng hắn hơn. Còn hắn? Rất may là có những chỗ màn quấn vào cành gai mà từ lúc cầm lấy nó đến giờ hầu như cả hai không ai gỡ nó ra, lúc này hắn mới chăm chỉ gỡ hết. Xong rồi, hắn mới lại nghĩ ra được một câu khác:

- Nhà em ở đâu.

- Xa lắm.

- Thế bố mẹ em tên là gì?

- Bố em tên là Tre, mẹ em tên là Chuối.

- Chắc em cho anh là trẻ em ngu si, đần độn mới cố tình giễu cợt anh.

Phần thì dỗi, phần cảm thấy cô ta có vẻ coi thường mình, đùa giỡn mình như một đứa trẻ, khắp người hắn nóng ran lên. Cô bé cũng đã nhìn rõ khuôn mặt hắn đỏ dừ. Cái miệng và cả hai mắt cô lại cười cười:

- Anh giận em đấy à?

- Anh có quyền gì mà giận em.

- Em bảo nhé. Anh đã đi xem phim ở quê bao giờ chưa?

- Lại phim xiếc à?

- Thôi, bây giờ thì không đùa nữa. Để rồi, mặt lại đỏ bừng lên. Tối nay có phim thật đấy, anh có thích đi xem không?

- Ở đâu?

- Xóm Đồi. Ờ hay nhỉ. Núi mà đi xem phim ở xóm Đồi thì đúng quá rồi còn gì.

- Không đùa anh đấy chứ?

- Em lấy danh dự thề không đùa nữa.

- Mấy giờ.

- Phải tám giờ nhưng hơn bẩy giờ thì đi.

- Đi với ai?

- Đi với bạn em.

- Bạn trai hay bạn gái.

- Bạn trai.

Hắn cảm thấy như mình bị xúc phạm. Nhưng hắn lại tự hỏi: Đi với bạn trai sao lại còn rủ mình. Chắc là bọn con gái hay "tuých" thế để nắn gân mình. Nghĩ vậy hắn nói:

- Tốt lắm. Anh đã học được mấy miếng võ hiểm.

- Cẩn thận, dễ bị đo ván đấy.

- Đấy là điều anh rất mong.

Hắn cảm nhận được sự hóm hỉnh của cô nên cô rất thích. Cô chủ động dặn hắn:

- Nhớ nhá. Em đợi ở đây.

Về đến nhà, hắn quên không hỏi xem "Bẩy giờ hơn", nghĩa là hơn bao nhiêu phút. Để ăn chắc, tối hôm ấy hắn đi ngay từ lúc bẩy giờ kém hai mươi phút. Đến đấy bẩy giờ là vừa. Thực ra thì hắn đã đi ngay từ lúc ăn cơm trưa xong. Giở bài ra học đầu óc hắn cứ nóng bừng bừng, phải gắng lắm mới vượt qua được "đám tay gai" để giải xong mấy bài lượng giác rồi lại thần mặt ra nghĩ đến những câu gì sẽ hỏi, những câu gì sẽ phải trả lời trong đêm nay. Nhỡ khi đã đứng sát vào nhau, cầm lấy tay nhau rồi thì sẽ phải nói gì, phải làm gì. Nhưng nhỡ cô ta đi với một thằng bạn trai thật thì sao? Nếu vậy để thử mình hay để khoe là cô có ối bạn trai kể cả bạn là người ở thành phố về. Lúc ấy liệu mình có còn bình tĩnh để nói chuyện thản nhiên, chứng tỏ mình không thèm để tâm cô ta! Được rồi, lúc ấy hắn sẽ chứng tỏ rằng hắn là con trai thành phố đi xem phim với con gái là chuyện hết sức bình thường chả có việc quái gì mà phải tỏ ra giận hờn.

Hắn cứ ngồi trân trân vào tường cho đến khi đứa em gái cầm bơ đứng ngoài cửa hỏi chõ vào:

- Chiều nay vẫn nấu mì riêng hay hấp với cơm?

- Riêng.

- Hết mỡ rồi mà cũng chưa mua được rau.

- Ừ.

- Hay em cứ hấp chung với cơm nhé.

- Ừ.

- Thôi để em xin mợ lá su hào, nấu canh với mì cũng được.

- Cũng được.

Lúc này em hắn mới đoán chắc anh mình đang gặp bài toán nào hắc búa lắm, không giải ra được. Nó không dám phá rối anh, lặng lẽ xách giá đi lấy gạo nấu cơm. Còn hắn, hắn thiêu đốt thời gian chờ đợi bằng cách múc nước vào bể lọc và giặt hết đống quần áo của các em. Xong xuôi mọi thứ, vẫn còn sớm quá, lại quét cái sân, quét ra tận đầu ngõ và cho lợn ăn hộ mợ mà mặt trời vẫn chưa lặn hết. Ăn cơm xong hắn bảo các em là tối nay hắn đi học tổ ở xã khác, sẽ về khuya lắm. Mỗi đứa xong việc và học hết bài, cứ đi ngủ.

Hắn ra ngõ đi được một đoạn mới thấy đài báo hiệu sáu giờ. Lần đầu tiên trong đời hắn thấm thía thế nào là độ dài của thời gian chờ đợi.

Nhưng mà, chỉ hơn bẩy giờ một chút cô và hai người bạn gái đang đi đến. Cô chủ động hồn nhiên như người đã yêu nhau từ lâu lắm.

- Em giới thiệu với anh đây là Hồng và Thúy bạn em. Còn giới thiệu với hai bạn đây là anh Núi bạn mình.

Hồng:

- Sao mà khôn thế. Chỉ bạn của mình thôi, còn hai người ta không được gì à?

Thúy:

- Thôi, anh Núi vui lòng để chúng em xẻ ra làm ba nhé. "Ấy" có đồng ý không?

- Xẻ ra thì anh ấy chết mất. Lúc nào các bạn cần, tôi cho mượn đấy.

Hồng:

- Cho mượn rồi người ta không giả, "ấy" làm gì nào?

- Tôi sẽ đánh dây thép vào chiến trường bảo người của đằng ấy khi nào đánh giặc xong thì về nhà với tôi.

Thúy:

- Anh Núi thông cảm. Bọn con gái nhà quê chúng em bây giờ táo tợn lắm.

Hồng:

- Đùa cho vui. Chúng em nghiêm như cột điện cả đấy, anh yên tâm.

- Hồng với Thúy đều có người yêu đi chiến đấu cả đấy anh ạ.

Các cô gái từng nếm mùi yêu đương hoặc ít ra cũng háo hức, khắc khoải nghĩ đến nó cho nên các cô càng bạo dạn bao nhiêu thì hắn càng thấy mình non nớt ngu dại bấy nhiêu. Hắn chỉ đáng mặt làm "em" trong chuyện này. Hắn gật đầu "à, ừ" tán thưởng. Màu đen của đêm che lấp được những nét gượng gạo của hắn. Làn da mặt hắn chắc chắn đỏ rực lên nhưng các cô gái không hề biết đến. Cho nên, các cô lại càng kinh nể và khâm phục. Sụ đồn đại tâng bốc hắn là một học sinh giỏi nhất lớp chín, tài ba không ai địch nổi cộng với cái "mác" trai thành phố, khiến sự im lặng của hắn lúc này như biểu hiện của sự chín chắn sâu xa. Đặc biệt, từ buổi chiều nay hắn đã nghĩ và học thuộc được một câu mà đến lúc này nói ra cũng rất hợp:

- Tôi không ngờ quê ngoại của tôi lại có những cô gái đẹp một cách bình dị, thông minh một cách tự nhiên như trời chỉ phú cho riêng họ. Khi vào đại học, nhất định tôi sẽ xin về đây để làm một luận án về tính cách của người phụ nữ Việt Nam anh hùng đảm đang của vùng quê này.

Nghe xong bài "diễn văn" học thuộc của hắn theo cách nói bây giờ thì các cô "nể đấy". Cả hai cô cùng nắm lấy bàn tay bạn mình thầm ghen, thầm chúc mừng sự may mắn đến không ngờ bạn mình lại có một người yêu mãn nguyện như thế. Cô bé "ban trưa" của hắn sung sướng cảm nhận hết ý nghĩa tốt đẹp của các bạn, cô hồi hộp mong đợi cái giây phút anh ấy thực sự trở thành người yêu của mình.

Đi đến đoạn rẽ, một trong hai cô "sáng kiến" đề nghị:

- Bây giờ hai bạn đi xem, bọn này mới nhớ một việc rất quan trọng không thể hoãn được, nên phải...

Tất nhiên một đằng cố nài kéo đi cùng, một đằng cố khăng khăng trở về, nhưng cả hai bên đều biết cái lý do "dối trá" ấy là rất hợp lý. Một sự "dối trá" đáng yêu hết sức cần thiết vào lúc này. Hắn thầm cảm ơn cô bé nói dối. Lúc hai người đi rồi hắn lại không biết phải làm gì, phải nói gì. Hắn thấy run. Nhưng nhất thiết thằng đàn ông phải chủ động. Ào đi. Được thì được, không thì thôi. Đã quyết chí liều rồi, vẫn không biết mở đầu thế nào. Chẳng lẽ cứ nói toẹt ra: "Anh yêu em lắm. Em có yêu anh không?". Cô đang ngần ngừ như là nuối tiếc các bạn, như là ngại phải đi xem chỉ có hai người. Hắn chủ động:

- Đến xóm Đồi có còn xa không em?

- Gần. Đấy, tiếng loa đang nói đấy.

- Từ đây đến đấy có cái cầu hoặc con mương nào không?

- Không.

- Ồ tiếc quá nhỉ!

- Để làm gì hở anh?

- Để anh dắt em qua cầu hoặc cõng qua mương như...

Cô đấm vào lưng hắn thùm thụp:

- Thế mà em tưởng có chuyện gì.

Không hiểu bằng sự mách bảo nào hắn đã nhanh chóng ôm chầm lấy cô. Cô hơi cúi đầu trốn tránh và hai tay đẩy mặt hắn lên nhưng rồi hai làn môi vẫn cứ tìm gặp được nhau. Đến lúc ấy thì hai tay cô chỉ còn đập hờ hững trên lưng hắn như vừa phản đối, vừa như làm nhịp cho những chiếc hôn nóng bỏng, càng về sau càng nồng nhiệt đến nỗi sự lấn chiếm của hắn tràn xuống bộ ngực đầy lên rừng rực của cô từ lúc nào cô không biết hoặc có biết, có chống đỡ, nhưng là sự chống đỡ không quyết liệt, không triệt để, để đến khi sự áp sát hai cơ thể làm cô đến ngạt thở, cô chỉ còn biết gọi đến tiếng "anh, anh ơi" đứt quãng và chính cô chủ động hỏi anh:

- Có yêu em thật không hở anh?

- Em vẫn sợ anh đánh lừa em?

- Không. Nhưng em sợ mai kia anh về thành phố.

- Em về thành phố với anh.

- Về đấy em biết làm gì.

- Anh sẽ xin cho em học nghề ở nhà máy nào đấy. Bố anh quen rất nhiều giám đốc.

- Em đang dạy mẫu giáo. Em rất thích việc làm ấy.

- Thế thì càng dễ. Dạy mẫu giáo ở thành phố có rất nhiều thuận lợi, không khó khăn như ở nông thôn.

- Em thích các cháu ở nhà quê lắm. Nếu em cứ dạy ở đây anh có đồng ý không?

- Trước mắt em cứ ở đây. Anh cũng còn gần hai năm nữa mới đi học đại học cơ mà. Khi nào học xong đại học chúng mình sẽ bàn sau.

- Ứ. Anh đi đại học, có nhiều cô xinh đẹp tài hoa, anh lại chán em.

- Kẻ giả dối thì ở đâu cũng giả dối được. Người thủy chung thì có sang tận Liên Xô người ta cũng không ăn ở hai lòng. Người đẹp như em thế này... Thôi chiều anh một lần đi.

- Không... ông...ôn...

- Anh hứa chỉ một lần này thôi.

- Rồi từ ngày mai anh bỏ em à.

- Không phải thế.

- Thôi... ôi... ô...

- Anh muốn em kỷ niệm anh để nhớ đêm đầu tiên chúng mình gặp nhau. Rồi thì... Chờ... đến lúc chúng mình cưới nhau.

- Em sẽ dành trọn vẹn cho anh đến ngày ấy.

- Ngộ đến ngày đó bom nó bỏ chết anh rồi thì sao.

- Giời ơi, sao anh lại nói dại thế.

- Thật đấy. Nhỡ mai kia anh đi bộ đội hoặc đi đâu đó... nhỡ ra...

- Dại mồm nào, em sợ lắm.

- Thì cứ giả thiết như thế. Em nói đi. Cứ thí dụ như thế thì sao.

- Thí dụ như thế thì em không đi lấy ai nữa.

- Suốt đời em là của anh?

- Vâng... âng... ân...

Lại một trận hôn ào ạt quyết liệt. Hai người ghì siết lấy nhau, đưa nhau đến tận cùng say đắm, cũng là giới hạn tận cùng của ức chế. Nhưng cô kiên quyết chối từ đòi hỏi cấp thiết của hắn.

- Anh có cảm tưởng em chỉ coi anh như tình bạn, có ưu tiên được một ít chút.

- Anh đã có nhiều tình bạn thế này chưa?

- Gặp em là lần đầu tiên trong đời. Còn em?

- Chưa bao giờ. Cũng chưa bao giờ em nghĩ lại có kiểu tình bạn thế này.

- Tại sao em lại tiếc anh.

- Anh thông cảm... Chúng mình mới gặp nhau lần đầu. Em sợ... Nếu có chuyện gì thì bạn bè, bố mẹ, làng xóm... Rồi các cháu mẫu giáo mà biết, em chết mất.

- Anh hứa sẽ giữ cho em.

- Thôi, em xin anh đừng bắt em. Chịu khó anh nhé. Rồi em sẽ bù cho anh. Ối ối, bóp nhẹ thôi, đau em.

Sự kiên quyết gìn giữ của cô nó sẽ hiệu nghiệm nếu như họ chia tay nhau vào lúc này, lúc không biết buổi chiếu phim còn hay hết, nhưng không còn thấy tiếng loa nữa. Hoặc là, sự hôn hít, vần vò không kéo dài đến tận bốn giờ ba năm phút sáng, và khi dắt nhau đến chỗ hàng thông trên con đường vào nhà dì ruột mà cô bảo đêm nay sẽ đến ngủ ở đấy, hắn bẻ những cành lá trải xuống đất, cô đừng ngoan ngoãn ngồi xuống. Nếu như đã trót ngồi xuống rồi, vẫn muốn chống cự thì hắn vẫn không thể lấn tới. Và cứ gọi cho là bất lực di, thì sau khi đã "thất bại" lần thứ nhất, việc gì cô lại lặng lẽ lau nước mắt nằm chờ lần thứ hai. Rồi khi hắn đưa cô đến chót vót của sự sung sướng việc gì cô phải vội vã cong người vòng hai tay ghì xiết lấy lưng hắn. Tóm lại, chuyện xảy ra với cô chỉ có thể giải thích rằng đấy là một nỗi đau êm ái và sự mất mát trong tâm trạng khát khao thèm muốn. Rất sợ mất. Nhưng "không mất" không chịu nổi. Nói cách khác, đấy là sự thỏa thuận hiến dâng trong ngỡ ngàng chứa chan hy vọng. Hắn và cô chỉ khác nhau ở chỗ: Sau một ngày nghỉ học nằm ngủ như chết hắn lại đến lớp và chiều ngày thứ ba như một thói quen hắn lại đi như kiểu đi dạo ra chỗ bụi tre đầu làng. Lúc ấy hắn mới ớ ra là chưa biết tên cô để dò hỏi. Nhà cô cũng không phải ở xóm này. Hôm trước, cô gánh chăn màn ra bờ sông máng giặt và phơi ở đấy cho tiện nên cô phải đứng trông. Ba chiều liền sau đấy hắn tìm đến lớp mẫu giáo đều không nhìn thấy cô. Hắn bắt đầu hoang mang. Cô có dạy mẫu giáo thật không? Người ở làng này hay từ đâu đến? Còn Hồng và Thúy? Làng này có bao nhiêu Hồng? Bao nhiêu Thúy? Bằng cách nào tìm đến để xem có thật là Hồng và Thúy mà hắn đã gặp?

Còn cô? Cô phải nghỉ bẩy ngày vì "cảm". Sự bỡ ngỡ, xấu hổ và thân thể đau đớn một phần, phần khác cô nghi ngờ và hoảng sợ sự "chớp nhoáng" giữa cô và hắn. Chỉ có nửa ngày giời đã làm thay đổi toàn bộ cuộc đời cô. Cô oán trách mình, oán trách hắn. Sẽ ra sao, nếu cô "làm sao? " Sẽ ra sao nếu hắn chỉ muốn dùng cô như một thứ để chơi bời cho qua những ngày sơ tán buồn bã! Sẽ ra sao, nếu bố mẹ hắn lại không bằng lòng? Gần một tuần cô đóng cửa khóc, khóc cho nỗi đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Khi nó vợi dần đi, cô lại thấy nhớ và mong được gặp hắn. Ngày thứ tám cô đến lớp mẫu giáo trong một tâm trạng thấp thỏm, chưa nguôi. Đến chiều, cô nhìn thấy hắn đi đi, lại lại như có ý tìm kiếm, chờ đợi cô. Sao anh ấy lại biết hôm nay mình mới đến lớp? Mấy ngày trước anh đi đâu? Có tìm hỏi gì em? Anh có nhớ và có hiểu những ngày này em đau đớn và hạnh phúc như thế nào? Cô nghĩ và để xem những hôm trước hắn có đến đây không, cô vờ hỏi mấy cháu bé cùng nhìn ra ngoài:

- Có chú nào trông là lạ đi lại quanh trường mình nhỉ?

Lập tức cháu nào cũng muốn mình biết hơn, nhao nhao mách cô. Chúng bảo rằng chú này tên là Núi sơ tán ở nhà bà Uyên, học giỏi ghê lắm đã một tuần nay đi lại như đánh rơi cái gì đấy. Chú ấy tìm mãi mà không thấy.

Cô cảm nhận nỗi đau đớn của mình được bù đắp. Bao nhiêu lo âu được chia sẻ. Cô lấy bút viết vào mảnh giấy nhỏ gấp lại giao cho một cháu gái:

- Cháu ra đưa cho chú ấy bảo: Chú đi đi không được đến gần trường làm chúng cháu không tập trung học tập. Có nhớ không? Ừ. Tốt. Ngoan lắm.

Trong khi cháu gái nói hết được những lời cô dặn thì hắn cũng đọc xong hàng chữ cô viết: "Anh. Về nghỉ kẻo mệt. Anh không giữ sức khỏe em lo lắm. Tối nay, bẩy giờ, ở chỗ "gỡ màn". Có nhớ không? Em."

Có thể nói màn đêm là một thủ phạm nguy hiểm mà không bao giờ có tên trong hồ sơ và có mặt trong vành móng ngựa. Vào những đêm cuối tháng ba ta, đêm đen như cố tình lắm mới đen được như thế. Đã hơn mười ngày nay không thấy những luồng đạn phòng không vòn vọt rạch lên trời hàng trăm nghìn tia sáng ở mạn Hải Phòng, Kiến An. Mạn Lai Vu, Phú Lương cũng yên ắng. Sự vắng vẻ lạnh lẽo cùng với đêm tối đã che dấu và thúc đẩy hai cơ thể mới lớn ngấu nghiến vô hạn độ. Họ bắt đầu từ bẩy giờ tối, kéo dài trong bẩy, tám giờ liền mỗi đêm, bằng cả thời gian của người đi làm trong cơ quan, nhà máy một ngày. Nếu để ý một chút, có lẽ kẻ ngu ngốc nhất cũng nhận thấy sự thiếu ngủ phờ phạc và làn da mặt đã khô đi ở cả hắn và cô. Nhưng họ lại cười nói nhiều hơn, người học hành, người làm việc đều giỏi giang hơn. Kể từ đêm gặp nhau thứ hai cho đến đêm thứ mười bẩy hay mười chín gì đấy cô lo sợ, cầm tay hắn luồn vào bụng mình bảo:

- Em "bị rồi".

Cũng tâm trạng như cô, hắn hỏi:

- Sao đã biết được hả em?

- Quá hai mươi ngày rồi. Em chưa thế bao giờ.

Thấy hắn im lặng cô đâm hoảng:

- Thế nào hả anh?

- Em định thế nào?

- Nhưng em muốn hỏi anh cơ.

- Thì ý em thế nào cứ nói đi, anh mới biết đường chứ.

- Đầu tháng chúng mình đi đăng ký.

- Nhưng... – Hắn không dám nói rằng mình mới bước sang tuổi mười bẩy chưa thể đăng ký kết hôn được. Hắn hỏi cô:

- Nhưng... em đã đủ tuổi chưa?

- Rồi ạ. Cuối tháng này em vừa tròn mười tám tuổi đấy.

- Còn anh... hắn phải nói dối đến sang năm hắn mới đủ tuổi hai mươi. Rồi im lặng. Rồi cô nín thở chờ đợi quyết định của hắn. Bỗng hắn lại hỏi:

- Em có định "giải quyết" không?

- Ứ. Không.

- Anh cũng nghĩ thế. Mẹ anh đi "giải quyết" mấy lần nguy hiểm lắm.

- Anh ơi. Con chúng mình nhất định sẽ xinh và thông minh lắm đấy nhỉ?

- Nó cũng biết "ăn vụng" như bố mẹ nó.

- Anh! Sao lại bảo ăn vụng. Chúng mình yêu nhau và lấy nhau cơ mà.

Hắn lại lặng lẽ lấy thuốc lá hút. Từ khi bắt đầu yêu cô, nghĩa là mới mấy chục ngày nay hắn lại sinh ra nghiện thuốc lá. Một lát sau, như tìm được một phương kế, ném mẩu thuốc lá đã cháy đến tay, hắn hỏi:

- Liệu em có thuyết phục được bố mẹ không?

- Chuyện gì anh?

- Không đăng ký nhưng chúng mình cứ cưới nhau.

- Em chưa biết thế nào.

- Nếu mọi người không đồng ý, em có dám bỏ đi với anh không?

- Đi đâu hả anh?

- Đi bất kể đâu. Em có dám không?

Cô ôm xiết vào người hắn:

- Sao anh phải hỏi thế. Chúng mình đã là hoàn toàn của nhau. Anh đi đâu, là em ở đấy rồi còn gì. Chỉ cốt anh tính toán như thế nào để con chúng mình đỡ khổ.

Nói những câu này, cô hoàn toàn không hiểu gì hắn. Với một học sinh mới mười bảy tuổi đầu như hắn mà rời gia đình, phố phường, trường học thì chỉ là một thằng "liều" chứ biết tính toán lo toan nỗi gì. Nhưng hắn cũng tỏ ra là một người lớn có vẻ suy nghĩ, tính trước tính sau.

- Trước mắt em cứ vận động các cụ xem thế nào đã. Cần thì nói thẳng với các cụ: Con "phễnh" ra rồi đấy, tùy các cụ xử lý.

Cô đấm thùm thụp vào người hắn nhưng lại kéo hắn ấp vào bầu vú của mình đang rần rật căng:

- Em nghĩ rồi cũng thuyết phục được bố mẹ em thôi. Chỉ sợ các cụ bên anh. Rồi ảnh hưởng đến học tập tiến bộ của anh nữa.

- Cái đó anh lo. Thôi hãy thế. Lần nữa nhé.

Cô ghì xiết lấy hắn hôn túi hụi khắp người rồi gọi:

- Anh ơi, của anh đấy. Anh thích bao nhiêu mà chả được.

Sau này, anh cán bộ quản giáo của nhà tù đã hỏi hắn sau rất nhiều lần lập hồ sơ:

- Có phải cháu bé vẫn bế đi ăn cắp là con của cô này không?

- Dạ không. Thưa cán bộ, không còn gì. Con với cô ấy không còn gì nữa ạ.


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp