Sóng Ở Đáy Sông

Chương 4


11 tháng

trướctiếp

Cùng là khuya khoắt như mọi khi. Lúc ba đứa trẻ ở chiếc giường to đã ngủ say. Thằng Núi chốc chốc lại nhai miệng không chóp chép. Thằng Sông nằm xoay ngang dưới chân, ngáy khịt khịt như ngạt mũi. Cái Biển ôm gối quanh năm quay mặt vào tường đặt mình là ngủ. Vừa nói: "Mẹ ơi con ngủ đây" nó đã không thể nghe mẹ nó nói lại: "Ừ, nhớ gài màn vào". Thằng Cả nằm trong lòng mẹ, cái tay sờ "ti" đã lơi lỏng dần rồi rơi thõng xuống thì đúng lúc ấy, ông đi đến vỗ nhẹ hai cái vào chân người vợ rồi lặng lẽ quay ra, đi về phòng mình. Thế là người vợ hiểu ý. Rất khẽ khàng, chị nâng người lách dần khỏi con, lấy gối chèn vào bên cạnh để nó khỏi giật mình rồi vén màn chui ra, rón rén như một tên ăn trộm sang phòng ông. Ông đã làm xong mọi "công tác chuẩn bị", nằm ngửa mặt chờ. Bấy giờ chị cũng mạnh dạn lấy tay cầm vào cái "khí thế" của ông đang vùng lên quyết liệt như là động tác "kiểm tra", như là niềm vinh hạnh lớn nhất của chị được bình đẳng âu yếm mà không sợ ông quở mắng. Xong rồi, chị mới cởi quần áo. Bao giờ ông cũng ngấu nghiến, băm bổ khác hẳn với tính điềm tĩnh khoan thai rất từ tốn của ông. Khi chị vừa mới chớm nở sự hứng thú thì ông đã nằm vật ra giường thở. Chị biết phận sự phải nhanh chóng ra khỏi màn để ông được yên tĩnh.

Ngần ấy thời gian, từ khi báo hiệu cho đến lúc kết thúc, hầu như ông không nói một lời nào. Không có một cử chỉ vuốt ve mơn trớn nào. Sự im lặng của họ như hai con vật hành lạc. Một được giải phóng, một bị đánh lừa. Khốn nỗi do quá nhiều khả năng sinh đẻ nên năm nào chị cũng mang thai. Nếu cứ để đẻ và còn sống cả thì ăn ở với ông được bao nhiêu năm, chị có ngần ấy đứa con.

Như mọi lần, "xong việc" chị nhanh chóng chui ra khỏi màn. Tự nhiên, ông đặt tay lên bờ vai rồi vuốt xuống dịu dàng trên làn da tay của chị như một ám hiệu níu kéo. Ôi, thật lạ lùng quá. Chị muốn ôm chầm lấy ông, mà không dám. Chị khẽ hỏi:

- Cậu muốn nữa à?

- Không. Biết gì thằng Núi chưa?

- Sao hở cậu? Có chuyện gì? Cậu có thể cho em biết được không? Tự nhiên em lại thấy lo quá cậu ơi.

- Không. Chuyện lành thôi. Tốt lắm.

Ông dừng lại ở đấy, thong thả vào buồng tắm. Rồi lại thong thả mặc lại quần áo, chải tóc và hút điếu bông lúa. Mấy năm nay ông hút bông lúa cũng có mùi khét như Bástô ngày trước. Ông cứ nhẩn nha mặc cho chị muốn vồ giật ngay lấy những lời tiếp theo của ông.

Nhưng cái quí giá lớn nhất của chị là sự chịu đựng nhẫn nhục chờ đợi.

- Hôm qua – ông nói – Giám đốc cảng chuyến lời cảm ơn của một thuyền trưởng tới gia đình và thằng Núi. Nó nhặt được một cái đồng hồ trị giá hàng trăm đồng đã nộp cho công an Cảng trả lại cho ông ta. Biết nó là con nhà mình, ông Giám đốc Cảng đã gặp tôi biểu dương cả nó và bố mẹ.

- Thế là con nhà mình cũng ngoan đấy. Cậu bảo cho con biết chưa?

- Bảo làm gì để nó lại phổng mũi lên. Cứ kệ nó. Bổn phận của nó là phải học hành cho giỏi. Không được lêu lổng trộm cắp. – Ông châm một điếu thuốc khác. Rất ít khi ông hút hai điếu trong một khoảng thời gian ngắn như thế này. Cũng chưa một lần nào ông cho chị được ngồi tiếp chuyện lâu như thế này. Ông nhả khói thuốc thong thả, rồi ra một mệnh lệnh như ban phát một ân huệ lớn:

- Ngày mai chủ nhật, dọn dẹp chuyển ba đứa trẻ sang bên này.

Người vợ ngỡ ngàng đến mức không dám tin vào tai mình. Chị rụt rè hỏi lại:

- Sợ cả bốn cha con ở đây, cậu không làm việc được.

- Moa sang bên ấy. Ba đứa trẻ ở đây phải kê bàn ba góc học hành cẩn thận. Mua cho con Biển cái bảng con, bắt đầu tập viết A, B, C.

- Em nghĩ hãy kệ nó. Ba bốn tuổi đầu đã học hành gì.

Ông ngồi lặng. Một sự im lặng như là khinh bỉ, như là không thể nào bắt gặp được nhau, kể cả những việc nhỏ nhặt nhất không cần đến trí óc. Chị biết đã chạm phải cái điều mà ông rất nghiêm ngặt. Thực lòng chị "cãi" cũng chỉ là cái cớ để được nói chuyện với ông lâu hơn, kể cả ông có mắng mỏ cũng còn hơn lạnh lùng bỏ đi.

Chị rất thèm được chồng đánh. Được chồng đánh, mắng như vợ chồng gã xích lô đầu đường và tay thợ khóa nhà bên cạnh. Chị lại thấy thèm. Dù đau, dù bị hắt hủi, lại có tiếng là được chồng đánh, được ầm ã cho cả phố biết là mình cũng được như mọi người: Có chồng. Đã là vợ chồng thì có lúc đánh chửi nhau, có lúc lại hôn hít ỡm ờ với nhau, kể gì. Hàng chục năm trời ăn ở với nhau chỉ có một lần ông đập bàn ăn quát, còn chưa bao giờ chị được chồng ầm ã để xung quanh biết ông là chồng của chị. Khổ ở chỗ, phần mong thế, phần chị lại rất sợ chồng nổi giận. Cái mâu thuẫn "nội tại" ấy biến chị thành kẻ đơn điệu tẻ nhạt. Trời cho chị cái cơ thể tuyệt vời hấp dẫn đối với ông thì sự đơn điệu một chiều chịu đựng lại như cái tội trời hành để ông cảm thấy nhanh chóng rời khỏi chị, nhanh chóng nhàm chán. Lần nào cũng vậy, hết phần thỏa mãn xác thịt là ông "hết" ngay tức khắc. Lúc ấy ông chỉ muốn không trông thấy, không biết đến, không hề có liên quan gì đến chị. Rồi chị lại phải đợi đến thật khuya khoắt của một đêm nào đó, để lại lặng lẽ, rón rén như một tên ăn trộm bước sang giường ông.

- Em không biết, em xin lỗi. Cậu bảo gì, em nghe.

Sự dịu dàng yếm thế vào lúc này lại như một khả năng tâm lý tuyệt vời biết làm xoa dịu nỗi ức nghẹn do chị gây nên khiến ông cảm động. Vậy là cô ta cũng biết nghĩ, cũng phần nào hiểu được ông. Ông cầm tay chị ra hiệu trở lại giường để rồi ngày hôm sau bốn mẹ con chị quét dọn, khiêng vác trong niềm sung sướng như một ngày hội.

Hắn bảo rằng sáng hôm sau mẹ bò vào giường rất sớm lay từng đứa dậy. Đầu tiên mẹ gọi hắn:

- Con đã thức chưa Núi?

- Từ lúc mẹ sang bên ấy con có ngủ được nữa đâu?

- Ừ ừ, mẹ sang bàn với cậu một việc.

- Lại cái việc để cuối năm tòi ra một đứa, con còn lạ.

- Chết chết, sao con lại nói thế. Cậu bàn chuyện ngày hôm nay cho các con.

- Giặt quần áo, chăn màn cho ông Ý để ông ấy đi xem bóng đá ở bãi sông Lấp chứ gì?

- Không phải thế. Mà có phải làm những việc ấy cũng là phận sự của mẹ con mình.

- Con nói mẹ nghe nhé. Ông ấy hơn con hai tuổi. Được dạy từ bé, lại đi học trước tuổi một năm. Con không được ai dạy. Lại đi học muộn một năm. Bây giờ ông ấy mới lớp năm, con cũng lớp ba, kém gì. Mà đã lần nào một năm ông ấy được hai giấy khen như con chưa? Thế mà việc gì cũng bắt con hầu hạ.

- Mẹ cũng biết là như thế. Thôi, mình cứ chịu khổ, có phúc có phận con ạ. Mà con ngoan, học giỏi, cậu cũng quý con lắm đấy. Cậu bảo hôm nay các con dọn sang phòng cậu cho nó rộng để con có chỗ học riêng.

- Thật không? Con được một chỗ học riêng?

- Cậu bảo sẽ đóng cho mỗi đứa một cái bàn. Không phải chung đụng chen chúc nhau nữa.

- Được thế, con sẽ tập viết thật đẹp để cô giáo không phê bình nữa. Mẹ ơi, mẹ được làm cán bộ nhà nước rồi phải không?

- Ừ, mẹ được vào biên chế nhưng chỉ là công nhân viên, không phải là cán bộ.

- Đã là người của nhà nước là cán bộ đấy. Mẹ không biết thì thôi. Mẹ làm nhà nước có lương rồi, nếu cậu không cho chúng con học, mẹ cứ cho chúng con học mẹ nhé.

- Cậu rất muốn các con học lên mãi.

- Cậu chỉ thích anh Ý học đến hết đại học thôi.

- Cậu vừa nói với mẹ là tất cả đều đi học. Kể cả con Biển từ nay cũng phải sắm bảng để tập viết.

- Mẹ ơi, tại sao tự nhiên cậu lại tốt thế?

- Thời buổi mỗi lúc một khác. Mà trước đây không phải cậu không tốt đâu. Nề nếp từ xưa của cậu là thế. Mẹ ở nhà này mẹ biết. Bây giờ các con ngoan, học chăm, học giỏi, cậu thấy ai cũng khen thì cậu quý hơn trước. Con có hiểu không?

- Thế thì con cũng phải học đến đại học như anh Ý.

- Cứ cố cho bằng bạn bè. Mẹ không khi nào để con phải bỏ giữa chừng.

Sáng hôm ấy cả nhà được ăn xôi chấm đường. Gần một năm nay cậu không được lĩnh lương "lưu dung" chỉ được lĩnh như lương chuyên viên. "Của chìm, của nổi" trong nhà cũng không còn gì. Sáng ra, hoặc ăn cơm rang, hoặc một bát ngô bung từ tối hôm trước. Hắn không hiểu vì sao hôm nay cậu lại "mạnh tay" cho cả nhà ăn xôi sáng và đến chiều thì ăn bún chả lại có cả chuối tiêu tráng miệng. Riêng hắn lại được tặng một cái bút chì xanh đỏ và một quyển vở ba hào. Chìa hai tay run run cầm quyển vở, hắn nói lí nhí:

- Con xin cậu ạ.

- Con hứa gì với cậu đi.

- Con xin chăm học, chăm làm, còn ngoan nữa ạ.

- Tốt lắm. Cậu tin con cũng như anh Ý học giỏi, cậu yêu. Cậu cũng nói ngay hôm nay là, đứa nào lười biếng lêu lổng thì không bao giờ cậu tha.

Từ buổi hôm ấy kéo dài đến năm năm sau cuộc sống gia đình hắn có thể là yên ổn.

Hai người lớn đi làm chia nhau mang bao tải, mang can đi xếp hàng mua gạo, mua dầu, xoong nồi, giường chậu, chăn màn... Những đứa trẻ con được dạy dỗ sử dụng các ô tem phiếu và phân công nhau đi "phụ trách" từng cửa hàng đậu, cá, xà phòng, muối mắm...

Cho đến một buổi sáng đầu năm 66, hắn không nhớ rõ là ngày tháng nào, chỉ nhớ lúc ấy những tán cây phượng vỹ đọng đầy sương đêm rung lên đồng loạt trong liếng loa vang truyền khắp thành phố lệnh sơ tán khẩn cấp.

Gia đình hắn được sẻ làm ba. Anh Ý về ở với cậu em út của mẹ cả bên Thủy Nguyên. Hắn "chỉ huy" ba đúa em về nhà cậu mợ ở huyện Kinh Môn. Bố mẹ hắn ở lại vừa bám sát cơ quan, nhà máy vừa gấp rút chuẩn bị phương án chiến đấu, một cuộc chiến đấu mất còn với máy bay giặc Mỹ. Rồi bố mẹ còn phải lo hàng tuần, hàng tháng tiếp tế cho các con ở cả hai nơi. Hắn và các em hắn ra đi trong một tư thế nghiêm trang, phải nói rõ rằng bốn anh em hắn vô cùng thích thú.

Cuộc chiến tranh mà người lớn đang ngày đêm lường tính mất còn, căng thẳng, quên cả ăn, cả ngủ và lúc nào cũng căng ra trong sự chờ đợi thì trẻ con lại háo hức chờ đón nó như đứng bên các tay kiếm chờ phút giao đấu. Khi ở thành phố anh em hắn bị bố và các anh gọi là đám nhà quê. Về đến nhà quê lại được gọi là người thành phố. Đám trẻ con nhà quê nhìn hắn vừa xa lạ vừa đầy vẻ thèm muốn. Ở thành phố hắn là học sinh giỏi của cấp I. Lên cấp II hắn chỉ còn là trung bình khá. Về quê, hắn thi tốt nghiệp vào lớp tám dễ dàng rồi trở thành học sinh giỏi nhất toán của trường cấp III huyện. Ở thành phố hắn là đầu sai của cả bố mẹ và anh Ý. Về quê, hắn là ông chủ của một gia đình. Nếu trước đây hắn phải nằn nèo xin mẹ từ năm xu, thì bây giờ hắn lại tính chi li từng hai xu với các em. Mười sáu tuổi đầu hắn đã có đầy đủ phẩm chất của một ngưới lớn biết lo toan học hành, nuôi dậy các em. Những tháng đầu, cậu đi cùng mẹ lai gạo mì lên cho anh em hắn. Hàng chục người, kể cả cậu mợ, chú dì, các bá các anh gặp bố hắn dường như chỉ có một việc để nói về hắn: "Thằng Núi đi học vất vả quá. Phải đi bộ sáu, bảy cây số mà nó vẫn thức khuya dậy sớm còn hơn cả nhà nông". "Vừa tắm rửa giặt giũ, vừa lo liệu cho các em học, mà ăn đứt cả đám học sinh vùng này". "Ai cũng chỉ sợ sau này yên hàn ông bà mang nó về thành phố mất thì cả làng, cả xã nhớ nó". "Nói gì thì nói, đám trẻ con xóm này hôm nào không gặp được anh Núi là cứ đần mặt ra". "Có các cháu nó về đây trẻ con của làng cũng được ảnh hưởng: Ít chửi bậy, không nghịch đất cát".

Lần nào cậu cũng chỉ nói đúng một câu:

- Chúng tôi ở xa. Các cháu về đây phải nhờ cậy các bá, các dì trông nom dậy dỗ.

Lần nào sau câu nói ấy, lập tức năm sáu ông bà cô dì, cũng tranh nhau nói: Đại loại là: Ông bà không phải lo, chúng tôi cũng là trách nhiệm lắm. Có sự gì là chúng tôi có ý kiến ngay tức thì, các cháu về đây, tuy là cơm của các cháu, các cháu ăn, áo các cháu, các cháu mặc, nhưng chúng tôi vẫn cứ phải để mắt đến.

Những lời trầm trồ khen ngợi, những cử chỉ vồ vập âu yếm của xóm làng, họ mạc ở quê ngoại dành cho hắn lúc này là rất mộc mạc và thành thật. Những bãi nước bọt nhổ ngay trước mặt và những khuôn mặt quen thuộc vội vã quay đi của những năm sau này của quê ngoại cũng rất chất phác và thành thật.

Còn bố mẹ hắn, những lúc "một chốn ba nơi" vật vã ngược xuôi ở thành phố đã mệt mỏi, đã khô héo, đi thăm con về lại được nở nang rạng rỡ ra, lại thấy bõ công sớm hôm gian nan cực nhọc đánh giặc nuôi con. Sự hãnh diện của mẹ hắn được biểu hiện gần như cả một đêm không ngủ. Lần nào cha hắn cơm nước xong, đợi hết giờ "phòng không" đạp xe trở về thành phố, mẹ hắn cũng ở lại với các con thêm một đêm. Đầu tiên là thằng Cả ra cái buồng quây lá chuối, gọi là nhà tắm cạnh giếng khơi, cởi quần, cởi áo gội đầu và tắm bằng xà bông thơm. Bà vừa kỳ cọ cho con, vừa "ném" ra ngoài một tràng "ca dao" na ná như mọi lần khác: "Giời ơi! Sao lại để đầu tóc người ngợm em bẩn thế này. Nào ngồi im mẹ kỳ cho. Anh Núi trông nom các em thế này ư? Mẹ yên tâm làm sao được. Ừ, thì anh đàn ông đàn ang, lại bận bịu, sao Biển không tắm rửa cho em? Vẫn tắm hở con? Trơi ơi, tắm mà ghét vẫn kịt vào mang tai thế này! Tắm rửa cho em nhớ phải kỳ cả hai vành tai. Nhưng cẩn thận, không nước vào tai là thối tai đấy. Thế những lúc chị Biển nấu cơm thì anh Sông đi đâu? Thằng Sông mày đoảng lắm con ạ. Lớn rồi thì cũng phải lo cho các em đỡ đần bố mẹ, đỡ đần anh chứ. Nào thôi, khô rồi mặc quần áo vào, nhanh lên. Không được đứng ra ngoài gió. Thằng Sông đâu, ra đây nhanh lên. Lại chưa thay quần áo ư? Thế mà bảo anh nói cái gì là em làm ngay cái ấy. Thôi quàng lên. Hãy lấy một cái áo và quần đùi cũng được. Cái đũng quần dài để lát nữa mẹ khâu cho. Thôi vào đây. Biển chuẩn bị con nhé. Bắc nồi bồ kết trên bếp xuống. Mẹ đun sôi rồi đấy. Sao con không gội cây cứt lợn như các mợ bảo. Hồi xưa mẹ toàn gội đầu cây cứt lợn dày tóc lắm con ạ. Thôi nhá, từ nay không được gội xà phòng nữa, nó rụng hết tóc đấy. Ừ thì không gội cây cứt lợn, mẹ mua bồ kết để sẵn đấy, từ nay phải gội bằng bồ kết. Không có khó gì cả. Lát nữa mẹ vừa gội vừa dạy cho con. Con gái phải học nhiều thứ lắm con ạ. Không đểnh đoảng như các anh được đâu. Khổ các con tôi, lúc cần có mẹ ở bên cạnh thì lại phải đi sơ tán. Sông ngồi im nào, ướt hết mẹ bây giờ..."

Hầu như cả đời mẹ chỉ được nói ở chỗ quây lá chuối, chỗ "buồng tắm" ấy. Từ lúc lôi thằng cu Cả vào, cho đến khi tắm gội cho ba "vị" xong và cũng "lấp" xong cái cống bằng ghét của chúng thì mới kết thúc "bản ca dao nhạc cổ" để rồi lại tiếp tục thu thập tất cả quần áo để xem cái nào hơi có mùi mồ hôi, cái nào cổ vò chưa kỹ. Tất cả vất vào chậu cùng với quần áo vừa thay để mẹ vò xà phòng, kín nước giũ. Một mình mẹ làm thôi, không khiến đứa nào. Các cô, các cậu ăn xong đi học bài. Hôm nay ngủ sớm. Không ai khiến dính vào đây. Phần thì thương các con vất vả, phần không tin vào sự cẩn thận của chúng, nên mẹ tranh làm tất. Thật lạ lùng về mẹ. Hàng tháng giời, có khi phải hai tháng hoặc hơn, mới lên được với các con, một năm độ mươi lần giặt giũ hộ chúng nó, còn hàng trăm lần khác chúng phải tự làm lấy mà lần nào mẹ cũng sợ chúng không biết làm, không thể giặt sạch một cái áo. Dù chúng có đến hai mươi tuổi, mẹ cũng vẫn không tin chúng có thể giặt sạch bộ quần áo như ý mẹ. Phơi phóng xong, trời đã tối mịt. Lúc ấy, đáng nhẽ mẹ phải ngồi thở và "ca dao" tiếp thì mẹ lại lục túi xách đem cam hoặc nhãn, chuối hoặc bánh mì thừa hấp phơi khô, bày ra đĩa. Nhất định phải có một vài món gì đấy để mời các cậu, các mợ và anh chị "liên hoan". Rồi cả đêm mẹ lần mò khâu vá. Có khi "tu sửa" xong mọi thứ thì trời đã tang tảng sáng. Những đêm mẹ mất ngủ như thế hắn cũng không ngủ được. Mẹ gấp quần áo, rồi đi gài màn, đắp lại chăn, sửa lại tư thế nằm cho từng đứa. Xong, lại đi sàng sẩy nhặt sạn gạo, xếp lại chỗ để mì, để ngô. Hắn biết hết sự mò mẫm lần mần của mẹ. Đấy là những ấn tượng càng xoáy thêm vào nỗi đau đến khôn cùng khi hắn và lũ em hắn không còn mẹ nữa.

Đến khi đạp xe về thành phố trước giờ "cao điểm", nhất định mẹ cũng lại phải dặn chúng không được uống nước lã, nghe tiếng máy bay dù xa, dù gần cũng phải xuống hầm. Bao giờ dắt xe ra đến đống rơm mẹ cũng phải quay lại gật gật đầu và chớp chớp mắt. Hắn cau mặt bảo: "Thôi mẹ đi đi. Cứ lẩn quẩn đến bao giờ". Hắn nói thế nhưng khi mẹ hắn lên xe đạp ra khỏi ngõ, đạp như có người đuổi thì chính hắn lại ứa nước mắt trước tiên. Tay lau nước mắt, mồm lại quát các em: Để yên cho mẹ đi. Những đứa khác nghe lời hắn gạt nước mắt quay vào, còn thằng Cả cứ choài người lên trong tay hắn để theo mẹ. Hắn phải hít mũi thùn thụt nhưng mặt lại đanh lại để giữ nghiêm cho các em không được khóc nữa. Đêm qua, lúc mẹ sàng sẩy lại gạo, hắn giả vờ dậy lấy sách học nhưng lặng lẽ ngồi nhìn mẹ, nhìn cái bóng in vào tường lúc nhô lên, lúc gục xuống như đang lễ lạy cầu xin việc gì. Cả đời mẹ, lúc nào cũng tất tả, nhục nhã, phải lạy lục cầu xin vẫn không được sung sướng. Lúc không bị khinh rẻ miệt thị nữa thì lại phải cáng đáng chạy vạy nuôi các em. Lương bố tuy nhiều hơn, nhưng mỗi ngày hai cốc bia hơi, hai tách cà phê, một bao thuốc mua ngoài. Còn đồng nào phải đưa cho anh Ý.

Hắn cứ nhìn mẹ chăm chăm, bỗng mẹ hắn quay lại. Không biết con dậy học từ lúc nào, mẹ hỏi:

- Tối nào cũng học khuya thế hả con?

- ...

- Làm sao hở con? Con phải giữ sức khoẻ để lo cho các em đỡ mẹ.

Hai mắt hắn vẫn trân trân nhìn vào tường chỗ cái bóng lầm lũi như dán vào đấy một mảnh tối của đời mẹ.

- Con làm sao thế? Hay là đói?

Đột nhiên hắn quay mặt lại úp xuống bàn tay để ở bàn khóc nức nở. Mẹt gạo trong tay mẹ rơi xuống nền nhà. Mẹ chạy lại ôm lấy hai vai con lay:

- Núi ơi, con ơi làm sao thế?

- ...

- Lam sao hở con? Núi ơi, con làm sao nói đi, đừng để mẹ sợ.

- Con thương mẹ. Con nhớ mẹ lắm.

Nói được ra, nước mắt hắn vợi đi. Nhưng hai tay mẹ đặt trên vai hắn bỗng như hẫng hụt, run run. Đến khi hắn ngẩng lên thì nước mắt đã giàn giụa thành hai hàng chảy xuống hai má mẹ.

- Mẹ ơi. Hay mẹ nói với cậu cho chúng con về thành phố. Một buổi đi học, một buổi con đi bán lạc rang hoặc chịu khó đi xếp hàng thuê, kiếm mỗi thứ cũng được vài hào.

- Mẹ biết ở trên này các con vừa nhớ mẹ, vừa ăn đói. Mỗi tháng mẹ có gửi thêm cho các con dăm cân mì nữa.

- Tiêu chuẩn cả nhà có sáu mươi lăm cân. Gửi cho anh Ý mười lăm cân, bốn chúng con bốn mươi cân. Cậu với mẹ chỉ có mười cân, lại còn định gửi nữa.

- Tuần nào mẹ cũng rửa bát thêm được ba bốn giờ lấy tiền đong gạo (mẹ không dám nói rằng có những ngày mẹ đi dồn các bát mì "không người lái" còn thừa thành suất ăn của mình. Nhưng hắn cũng có thể đoán được). Vậy mà cả hai mẹ con đều không dám nói ra điều ấy.

- Con muốn cả nhà mình ăn tập trung vào một chỗ nó đỡ tốn. Con cũng không muốn mẹ ăn ở cửa hàng.

- Ừ, mẹ đã cố kiếm thêm tiền đong gạo về nhà ăn cùng với cậu. Chỉ tội, cậu thì thích ăn bánh mì quệt bơ như kiểu ăn của tây mà mẹ lại không thể ăn khô được. Có ăn ở nhà, cũng mỗi người một món. Nhưng thôi mẹ nghe con, về ăn ở nhà. Còn các con không về được đâu. Những người lục đục kéo về, mấy hôm nay lại phải đi hết. Nghe đâu nó đang mở chiến dịch sấm rền hay chớp liền gì đấy san bằng cả thành phố mình. Bao nhiêu là bao cát đem lên đắp ụ súng cao xạ trên nóc nhà ngân hàng, nhà ga, nhà thành đội. Không biết cơ man nào là bộ đội, tự vệ, mang súng máy, súng trường lên các nhà cao quyết chí bắn rơi máy bay Mỹ. Các đội cứu thương, đội cứu nhà sập, hầm sập luyện cả ngày cả đêm. Cơ quan mẹ cũng thành lập các đội xung kích phục vụ cơm nước cho bộ đội tự vệ chiến đấu.

Mẹ nói mà như bao nhiêu cái sôi sục của thành phố quyết chí sống chết với kẻ thù ùa cả vào hắn, khiến hai mẹ con không ai nhớ đến gạo mì thiếu hay đủ, bữa ăn của anh em hắn no hay đói mà mấy phút trước hai mẹ con đã gục vào nhau khóc lóc than thở cho cảnh chia ly, thiếu đói. Hắn xăm xắn lấy chổi quét gạo đổ bốc vào mẹt cho mẹ sàng sẩy. Bê vại gạo vại mì để vào góc nhà rồi ra giếng múc nước đổ vào bể. Hắn làm như là để bù đắp cho sự thiếu hụt của một thằng bé chưa thể vào tự vệ hay đi bộ đội, vác súng chạy lên nóc nhà bắn cháy máy bay giặc. Cho đến lúc rửa cà chua và thái hành để mẹ xào nấu mì cho anh em hắn thì hắn quả quyết rằng tự hắn sẽ lo được tất cả mọi việc cho ba đứa em để mẹ hắn không phải lo nghĩ gì cả, cứ yên tâm mà phục vụ chiến đấu.

- Nhưng mà mẹ không được chủ quan đấy. Mẹ mà làm sao, con không sống được nữa đâu.

- Nói đổ xuống sông, xuống ao dại dột. –Mẹ biết hắn xúc động nên nói cứng: – Thanh niên gì mà yếu đuối thế. Mai kia đi bộ đội ra trận cũng mang mẹ theo à?

Nhưng rồi mẹ hắn cũng hứa sẽ nghe lời hắn không được coi thường chỗ bom rơi, đạn nổ.

Ở cái tuổi nửa là người lớn, nửa là trẻ con như hắn không bao giờ cái nửa người lớn và nửa trẻ con được cân bằng với nhau. Nếu nó không nghiêng về phía này cũng phải lệch về phía kia. Chẳng hạn, với hắn, hắn chỉ là thằng trẻ con trước những lo toan cực nhọc và sự chầm vập âu yếm của mẹ. Ngoài ra, hắn luôn luôn muốn làm người lớn, mà thực chất hắn đã chứng tỏ tư cách người lớn của mình trong cư xử và quản lý một gia đình những bốn con người đâu phải là ít. Còn anh Ý, đứa con út của mẹ cả thì lại rất người "lớn" trong mọi cử chỉ khinh khỉnh với dì ghẻ và lũ em. Ngoài ra, cậu ta có thể là đứa trẻ rất chăm chỉ, ngoan trong sự sai phái chỉ bảo của người khác, không bao giờ tự cậu làm được việc gì kể cả nấu một nồi cơm. Lúc nào cậu cũng chỉ muốn làm trẻ con để được nuông chiều và đuợc quyền đòi hỏi. Đấy là một trong ba lý do chính để những tháng sau này cha hắn "không có điều kiện" đến thăm anh em hắn ở Kinh Môn trừ một lần đi theo xác mẹ hắn về chôn ở quê ngoại.

Về lý do thứ nhất, dù đã gửi con cho người em ruột của vợ, một người rất cẩn thận và nghiêm ngặt, ông vẫn phải "bám sát" nó từ việc ghi nhật ký, việc ăn ngủ chơi bời, học hành. Những bài nào, môn nào còn "hổng" của từng tuần từng tháng. Ngay đến chiếc dép cao su tuột mất một bên quai hậu nó không rút nổi lên cắt nốt bên còn lại vứt vào một xó, để biến thành dép lê. Ông cũng phải về rút cho nó cái quai hậu của chiếc dép.

Lý do thứ hai: cơ quan ông sơ tán nhiều nơi cách nhau mỗi bộ phận hàng chục cây số, điều kiện liên hệ công tác đã quá vất vả, làm xong việc cơ quan đến được chỗ thằng Ý đã hết hơi, sức đâu ông lên tận Kinh Môn để thăm chúng nó. "Cô lên đấy, tôi sang Thủy Nguyên. Mỗi người chịu trách nhiệm một nơi". Ông nói thế. Âu cũng là sự công bằng không để cho ai hờn, cũng không bắt ai chịu thiệt.

Lý do thứ ba: Bà con họ hàng bên Kinh Môn người ta tốt cả, để chúng nó ở đấy là hoàn toàn yên tâm. Bốn đứa con cùng ở một chỗ vừa vui, vừa có điều kiện bảo ban nhau, nhắc nhở lẫn nhau, đâu có một thân một mình như thằng Ý. Vứt bốn thằng ở Kinh Môn cả năm cũng đã làm sao? Đấy là những lý giải hết sức thành thật. Nó đúng với hoàn cảnh và tính nết của ông. Từ một viên chức lưu dung, gia đình khá giả, đầm mình giữa cuộc chiến đấu và lao động gian nan thiếu hụt rất nhiều thứ vào lúc này, khi tuổi đã ngoài năm mươi, sức vóc đã giảm sút, thế là ông đã cố gắng lớn lao lắm rồi. Thế mà trước đây, mỗi lần ông về thăm vẫn để lại cho anh em hắn những chuyện hậm hực.

Lần nào cũng vậy, từ khi bước chân vào nhà đến khi đi, ông chỉ nói với anh em hắn vài câu. Đấy là lúc tất cả bốn đứa đứng thành hàng ngang chào cha mà như người lính đứng nghiêm nghe đọc nhật lệnh:

- Anh em phải bảo ban nhau học hành cho cẩn thận. Cấm không được làm việc gì ảnh hưởng đến bố mẹ. Đứa nào không ăn lời thì đừng có trách.

Chính vì thế sự thiên vị tình cảm trong lũ trẻ ngày càng tăng lên, nhất là ở hắn. Trong khi chúng sợ đến run rẩy cái phút mẹ hắn phải ra đi thì chúng lại muốn cha nhanh chóng trở về thành phố. Và, hiếm hơn, chúng không thấy thiếu hụt khi phải xa cách người cha. Chi tiết này rất cần lưu ý vì nó tác động không nhỏ trong việc cấu thành tội trạng của hắn sau này.

 


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp