Đi Tìm Lẽ Sống

Những Trải Nghiệm Trong Trại Tập Trung (5)


9 tháng


Ngày cuối cuối cùng trong trại của chúng tôi đã đến. Khi mặt trận tiến đến sát bên, cuộc chuyển tù hàng loạt đã được tiến hành. Các viên chức trong trại, các Capo và các đầu bếp đã bỏ trốn. Trong ngày này, giới chỉ huy trong trại ra lệnh di tản toàn trại trước hoàng hôn. Thậm chí một số ít tù nhân còn lại (người bệnh, các bác sĩ, và một vài “y tá”) cũng phải rời đi. Đến đêm, trại bị đốt cháy. Vào buổi trưa, các xe tải tiếp nhận người bệnh vẫn chưa đến. Thay vào đó, tất cả các cánh cổng trại bỗng nhiên bị đóng lại và hàng rào kẽm gai được bọn lính SS giám sát chặt chẽ để không một ai có thể trốn thoát. Các tù nhân còn lại có nguy cơ bị thiêu cháy cùng với trại. Lần thứ hai, tôi và bạn tôi quyết định bỏ trốn.

Chúng tôi được lệnh phải chôn ba xác người bên ngoài hàng rào kẽm gai. Trong trại chỉ còn có hai chúng tôi đủ sức làm việc này. Gần như tất cả những người khác đều đang nằm trong các dãy nhà còn dùng được, sốt mê man. Chúng tôi lên kế hoạch: Chúng tôi sẽ giấu chiếc ba lô của bạn tôi trong cái chậu giặt đồ cũ vốn được dùng như cái quan tài và chuyển nó ra ngoài cùng với cái xác đầu tiên. Khi chuyển cái xác thứ hai, chúng tôi sẽ giấu ba lô của tôi bên trong và đến lần chuyển xác thứ ba, chúng tôi sẽ bỏ trốn. Hai chuyến đầu tiên diễn ra theo đúng kế hoạch. Sau khi trở về, tôi đợi anh bạn đi tìm một ít bánh mì để chúng tôi có thể ăn trong vài ngày tới trong rừng. Tôi chờ đợi. Mười phút trôi qua. Tôi trở nên mất kiên nhẫn khi không thấy anh ấy quay lại. Sau ba năm trong tù, nhiều lần tôi đã mường tượng khung cảnh ngày tự do, cảm giác tuyệt vời khi được chạy đến chiến tuyến. Nhưng ngày ấy vẫn chưa đến.

Vào lúc bạn tôi quay trở lại, cánh cổng trại mở ra. Một chiếc xe tuyệt đẹp, màu sáng, sơn một chữ thập đỏ lớn, chầm chậm chạy vào trong. Một phái đoàn từ Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế ở Geneva đã đến, trại và những người tù được bảo vệ dưới quyền kiểm soát của những người này. Phái đoàn tạm trú trong một trang trại ở vùng lân cận để có thể đến được trại vào bất cứ lúc nào trong trường hợp khẩn cấp. Giờ thì ai thèm quan tâm về việc chạy trốn nữa chứ? Những chiếc hộp đựng đầy thuốc được dỡ xuống khỏi xe, thuốc lá được phân phát, người ta chụp ảnh chúng tôi, không bao giờ chúng tôi có thể quên niềm hạnh phúc dâng trào tại thời khắc ấy. Giờ thì chúng tôi không cần phải mạo hiểm chạy đến nơi chiến sự nữa.

Trong lúc vui mừng, chúng tôi quên mất cái xác thứ ba, vì vậy chúng tôi khiêng cái xác ra ngoài và đặt vào cái huyệt nhỏ mà chúng tôi đã đào cho ba xác chết. Người lính canh đi cùng với chúng tôi - một người khá hiền lành - đột nhiên trở nên hòa nhã. Anh ấy thấy tình thế có thể đã thay đổi và cố gắng lấy lòng chúng tôi. Anh ấy tham dự buổi cầu nguyện ngắn dành cho những người chết trước khi lấp đất. Sau những căng thẳng và hào hứng trong những giờ phút vừa rồi, sau những ngày cuối cùng trong cuộc đua của chúng tôi với tử thần, những lời cầu nguyện tha thiết của chúng tôi cho sự thanh thản, bình an cuối cùng cũng được nhiệt thành cất lên.

Chúng tôi trải qua ngày cuối cùng trong trại với tâm trạng háo hức chờ đón tự do. Nhưng chúng tôi đã vui mừng quá sớm. Phái đoàn Chữ Thập Đỏ đảm bảo với chúng tôi rằng một thỏa thuận đã được ký kết và trại sẽ không bị sơ tán. Nhưng vào đêm đó, bọn lính SS đã đến với những chiếc xe tải và mang theo lệnh sơ tán. Những tù nhân cuối cùng ở lại sẽ được chuyển đến trại trung tâm, từ nơi đó chúng tôi sẽ được chuyển đến Thụy Điển trong vòng 48 tiếng để đổi lấy một số tù nhân chiến tranh. Chúng tôi khó mà nhận ra các lính SS lúc này. Họ rất thân thiện, cố gắng thuyết phục chúng tôi đừng sợ khi bước lên xe, nói rằng chúng tôi nên biết ơn vì sự may mắn này. Những người còn khỏe tập trung trong xe tải, còn những người bệnh nặng và yếu sức được khiêng lên. Tôi và bạn tôi - chúng tôi lúc này không cần giấu những chiếc ba lô nữa - đứng ở nhóm cuối, từ nhóm đó 13 người sẽ được chọn cho chuyến xe cuối cùng. Vị bác sĩ trưởng đếm số lượng cần thiết, nhưng ông ấy đã bỏ sót hai chúng tôi. Người thứ 13 đã được đưa lên xe tải còn chúng tôi bị bỏ lại phía sau. Tâm trạng chúng tôi nhanh chóng đi từ ngạc nhiên đến tức giận và thất vọng, chúng tôi trách vị bác sĩ trưởng. Ông xin lỗi, nói rằng vì quá mệt và bị phân tâm, ông nghĩ rằng chúng tôi vẫn còn có ý định muốn bỏ trốn. Chúng tôi ngồi xuống mà cơn giận vẫn dâng trào, trên vai vẫn còn đeo những chiếc ba lô, cả hai cùng với những tù nhân còn lại chờ đợi chuyến xe cuối. Chúng tôi phải đợi rất lâu. Cuối cùng, chúng tôi nằm trên những tấm nệm trong căn phòng bỏ trống của lính canh, kiệt sức vì đã phấn khích trong những ngày giờ qua, dao động liên tục giữa tâm trạng hy vọng và thất vọng. Chúng tôi ngủ thiếp đi, để nguyên cả quần áo, giày dép trên người để sẵn sàng cho chuyến đi.

Tiếng ồn từ súng trường và đạn pháo đánh thức chúng tôi; các vệt sáng của súng đạn đan chéo trong phòng. Vị bác sĩ trưởng xông vào và ra lệnh cho chúng tôi nằm úp xuống sàn nhà. Một tù nhân từ trên giường nhảy xuống, đạp trúng bụng tôi. Tôi tỉnh giấc hoàn toàn! Rồi chúng tôi hiểu chuyện gì đang xảy ra: chiến trường đã lan đến chỗ chúng tôi! Tiếng súng rồi cũng ngớt và bình minh ló dạng. Bên ngoài, trên chiếc cọc ngay cổng trại, một chiếc cờ trắng bay phấp phới trong gió.

Nhiều tuần sau, chúng tôi nhận ra rằng ngay cả trong những giờ phút cuối cùng đó, số phận vẫn đùa giỡn với số ít tù nhân còn lại chúng tôi. Chúng tôi nhận ra sự mong manh của kiếp người, đặc biệt là trong những thời khắc giữa sự sống và cái chết. Người ta đưa cho tôi những tấm hình đã được tìm thấy trong một trại nhỏ cách trại của chúng tôi không xa. Các bạn của chúng tôi, những người đã nghĩ rằng họ đang trên đường đến với tự do vào đêm hôm ấy, đã bị đưa lên những chiếc xe tải chở đến trại này, ở đó họ bị nhốt trong những dãy nhà kho khóa chặt và bị thiêu cho đến chết. Những thi thể bị cháy thành than ở nhiều chỗ đã được nhận diện trên tấm ảnh. Một lần nữa, tôi lại nghĩ về câu chuyện Thần Chết ở Teheran.

Ngoài vai trò như một cơ chế bảo vệ, sự vô cảm của người tù cũng là kết quả từ nhiều nhân tố khác. Đói và thiếu ngủ góp phần vào trạng thái đó (giống như trong cuộc sống bình thường) và tính cáu bẳn - một đặc điểm khác trong trạng thái thần kinh của người tù. Sự thiếu ngủ một phần là do đám chấy rận lúc nhúc trong các lều trại đông đúc thiếu vệ sinh và hệ thống nhà xí bẩn thỉu. Việc cơ thể chúng tôi không được cung cấp nicotin và cafein cũng là nguyên nhân góp phần tạo ra sự vô cảm và tính cáu bẳn.

Ngoài những nguyên nhân bên ngoài này, các tác nhân tinh thần cũng góp phần dẫn đến những diễn biến tâm lý phức tạp của người tù. Trong đa số tù nhân đều có phức cảm tự ti. Tất cả chúng ta đều một lần hoặc đã từng tưởng tượng mình là “một người nào đó”. Ở trong trại, chúng tôi bị đối xử như những sinh vật vô giá trị. (Nhận thức về giá trị bên trong của một người nằm ở mức độ cao hơn, mang tính tâm linh hơn và không thể bị dao động bởi cuộc sống trong trại. Nhưng có bao nhiêu người tự do, không tính những người tù, nhận thức được điều này?). Không cần nghĩ về điều đó thì người tù cũng đã có cảm giác bị thoái hóa rồi. Điều này thể hiện rõ khi quan sát sự tương phản trong cấu trúc xã hội đơn lẻ của trại. Như một quy luật ở trại, những tù nhân, Capo, đầu bếp, người giữ kho, các cảnh sát viên càng “nổi tiếng” thì họ càng ít có cảm giác bị thoái hóa như đa số các tù nhân khác, mà ngược lại, còn có cảm giác được nâng cấp! Một vài người thậm chí còn tạo ra những ảo tưởng về sự vĩ đại. Phản ứng tâm lý của số đông ghen tị và chống đối với thiểu số có lợi này thể hiện ở nhiều cách khác nhau, đôi khi là trong các câu chuyện đùa. Ví dụ, tôi nghe một tù nhân nói với một tù nhân khác về một Capo rằng: “Xem này! Tôi biết cái tên ấy khi hắn chỉ là chủ tịch của một ngân hàng lớn. Số của hắn phải đỏ lắm mới leo lên được thế này!”.

Bất cứ khi nào số đông bị giáng cấp và thiểu số được thăng cấp thì sẽ nảy sinh xung đột (có rất nhiều dịp xảy ra việc này, bắt đầu từ việc phân phát thức ăn), và kết quả là các xung đột này sẽ bùng nổ. Vì vậy, cường độ cáu bẳn (mà nguyên nhân từ thể chất đã được nói ở trên) gia tăng cùng với những căng thẳng thần kinh. Chẳng có gì ngạc nhiên khi tình trạng căng thẳng này thường kết thúc bằng nắm đấm. Bởi vì tù nhân cứ phải liên tục chứng kiến những cảnh đánh nhau cho nên tính bạo lực trong họ cũng gia tăng. Chính tôi đã cảm thấy nắm tay của mình siết chặt lại khi tức giận trong những lúc đói khát và mệt mỏi. Tôi thường rất mệt bởi vì phải canh để cho than vào bếp lò cả đêm (chúng tôi được phép giữ nó trong bệnh xá cho những bệnh nhân bị sốt). Tuy nhiên, tôi có được vài giờ tĩnh lặng cho riêng mình vào giữa đêm, khi mọi người hoặc đã ngủ yên, hoặc chìm trong cơn mê sảng. Tôi có thể nằm duỗi người trước lò than và nướng một ít khoai tây đã ăn cắp được. Nhưng ngày hôm sau tôi còn cảm thấy mệt mỏi hơn, căng thẳng và dễ cáu bực hơn.

Trong lúc chăm sóc các bệnh nhân trong khu bệnh xá với tư cách một bác sĩ, tôi cũng phải làm luôn việc của người lính canh đang bị bệnh. Vì vậy, tôi có trách nhiệm giữ lều trại sạch trước ban quản lý trại - nếu từ “sạch” có thể được dùng trong trại để mô tả cho điều kiện sống như vậy. Việc giả bộ kiểm tra lều trại thường được thực hiện với mục đích tra tấn hơn là vệ sinh. Giá như họ có thể cung cấp thêm thực phẩm và một ít thuốc men, nhưng mối quan tâm duy nhất của những giám sát viên là cọng rơm đã được quét khỏi phòng chưa hay những chiếc khăn bẩn, rách nát và đầy chí của bệnh nhân có được xếp gọn gàng dưới chân họ không. Giống như số phận của các tù nhân, chúng thường không được chú ý đến. Nếu tôi khôn khéo báo cáo, dỡ nón khỏi cái đầu trọc của mình và dậm chân: “Trạm số VI/9: 52 bệnh nhân, hai y tá, và một bác sĩ” thì họ sẽ hài lòng và rời khỏi. Nhưng cho đến lúc họ đến - thường sẽ trễ hơn vài giờ so với thông báo, và đôi khi chẳng hề có thông báo gì - tôi vẫn phải giữ tấm chăn thật thẳng, nhặt từng cọng rơm nhỏ rơi từ trên giường và la hét những con quỷ tội nghiệp đang làm bừa bộn giường, đe doạ họ vì đã phá hỏng bao công sức của tôi trong việc giữ cho lều trại được gọn gàng và sạch sẽ. Sự vô cảm đặc biệt gia tăng trong các tù nhân bị sốt, vì họ không có phản ứng nào trừ khi bị la hét. Thậm chí có khi la hét cũng chẳng ích gì, và tôi phải kiềm chế lắm mới không đánh họ. Sự tức giận của một người tỷ lệ thuận trước sự vô cảm của đối phương, nhất là khi nguy hiểm đang tới gần (chẳng hạn như sắp bị kiểm tra).

Khi cố gắng lý giải về những đặc điểm tâm lý tiêu biểu của người tù trong trại, tôi nhấn mạnh việc con người hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. (Trong trường hợp này, môi trường xung quanh là cấu trúc duy nhất về cuộc sống trong trại mà người tù buộc phải thích ứng theo một khuôn mẫu nào đó). Thế còn sự tự do của con người thì sao? Chẳng lẽ không có sự tự do về tinh thần trong hành vi và phản ứng của con người trước môi trường xung quanh sao? Có phải lý thuyết cho rằng con người chẳng qua chỉ là một sản phẩm của hoàn cảnh và môi trường là đúng? - Tính cách của con người được quyết định bởi các nhân tố thuộc về bản chất sinh học, tâm lý hoặc xã hội? Có phải con người là một sản phẩm ngẫu nhiên của những điều này? Điều quan trọng hơn, các phản ứng của người tù đối với thế giới duy nhất là trại tập trung có chứng minh được rằng con người không thể thoát khỏi tác động của môi trường xung quanh? Có phải con người không có lựa chọn cho hành động của mình trước những hoàn cảnh này?

Chúng tôi có thể trả lời những câu hỏi này từ trải nghiệm cũng như từ niềm tin của mình. Những trải nghiệm từ cuộc sống trong trại cho thấy con người có sự lựa chọn cho hành động của mình. Có đủ ví dụ cho điều này, thường là về bản tính quả cảm, chứng minh rằng con người có thể vượt qua sự vô cảm và kiềm chế sự tức giận. Con người có thể giữ vững sự tự do về tinh thần, sự độc lập về tâm trí, ngay cả trong những điều kiện tồi tệ do căng thẳng về tinh thần lẫn thể chất.

Chúng tôi, những người đã sống trong trại có thể nhớ đến những người đã đi bộ qua các dãy nhà để động viên những người khác, chia sẻ với họ mẩu bánh mì cuối cùng của mình. Có thể họ chỉ có vài người, nhưng điều đó cũng đủ để chứng minh rằng người ta có thể lấy đi của một người mọi thứ, chỉ trừ một điều: sự tự do - sự tự do trong việc lựa chọn thái độ sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào, và sự tự do lựa chọn hướng đi của mình.

Và luôn có những lựa chọn mà ta phải quyết định. Mỗi một ngày, mỗi một giờ thường đem đến cho ta cơ hội để đưa ra quyết định, quyết định về việc bạn sẽ khuất phục hay ngẩng cao đầu trước những thế lực đang đe doạ cướp đi con người thật của bạn, cướp đi sự tự do bên trong của bạn; quyết định về việc bạn có trở thành trò đùa của hoàn cảnh, chối bỏ sự tự do và phẩm giá của mình để bị nhào nặn thành hình nhân tiêu biểu cho phận tù hay không.

Theo quan điểm này, các phản ứng tâm lý của người tù trong trại dường như xuất phát từ chính bản thân họ hơn là từ tác động của những điều kiện nhất định về vật chất và xã hội. Thậm chí ngay cả các điều kiện như thiếu ngủ, thiếu ăn và các kiểu căng thẳng thần kinh có thể gợi ý rằng người tù bị buộc phải phản ứng theo những cách nhất định thì trong phân tích cuối cùng, rõ ràng người tù trở thành loại người nào là kết quả từ quyết định bên trong của họ, chứ không đơn thuần chỉ là kết quả từ ảnh hưởng của hoàn cảnh sống trong trại. Vì vậy, về cơ bản, bất cứ ai cũng có thể quyết định mình sẽ trở thành người như thế nào về mặt tinh thần và tâm hồn, ngay cả trong những hoàn cảnh như thế. Người ấy vẫn có thể giữ lại phẩm giá của mình, dù là ở trong trại tập trung. Dostoevski đã nói rằng: “Chỉ có một điều mà tôi sợ: không xứng đáng với những đau khổ của mình”. Những lời này thường hiện lên trong đầu tôi sau khi tôi quen biết những người mà cách cư xử ở trại, sự chịu đựng và cái chết của họ đã xác nhận một điều rằng sự tự do còn lại bên trong tâm hồn không thể mất đi. Mọi người có thể nói rằng họ đã xứng đáng với những đau khổ của họ; cách họ trải qua đau khổ đã là một thành công đích thực. Chính sự tự do về tinh thần này - vốn không thể bị cướp đi - đã khiến cuộc sống trở nên có ý nghĩa và có mục đích.

Một cuộc sống chủ động đem lại cho con người cơ hội nhận ra giá trị trong những công việc sáng tạo, trong khi một cuộc sống hưởng thụ thụ động mang lại cơ hội để trải nghiệm cái đẹp, nghệ thuật hoặc tự nhiên. Nhưng trong cuộc sống còn có một kết quả khác mà hầu như không đem lại sự sáng tạo lẫn việc hưởng thụ, một cuộc sống chỉ chấp nhận một khả năng duy nhất về hành vi đạo đức: đó là thái độ của con người về sự tồn tại của mình, một sự tồn tại bị giới hạn bởi các tác nhân bên ngoài. Người đó bị cấm đoán sống một cuộc sống sáng tạo lẫn một cuộc sống hưởng thụ. Nhưng không chỉ có cuộc sống sáng tạo và cuộc sống hưởng thụ mới có ý nghĩa. Nếu cuộc sống có ý nghĩa, thì sự đau khổ nhất định cũng phải có ý nghĩa. Đau khổ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, thậm chí giống như số phận và cái chết. Không có đau khổ và cái chết, cuộc sống của con người không thể hoàn thiện.

Cách một người chấp nhận số phận và những đau khổ của mình, cách một người dám vượt qua những thử thách đó đem lại cho người ấy nhiều cơ hội để hiểu được ý nghĩa sâu xa hơn của cuộc sống ngay cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Người đó có thể giữ được lòng dũng cảm, tự trọng và bao dung. Hoặc trong lúc đấu tranh sinh tồn, người đó có thể quên đi phẩm giá của mình và trở nên không khác gì một con thú. Ở đây ẩn chứa cơ hội mà một người có thể tận dụng hoặc bỏ qua để nắm giữ các giá trị đạo đức mà nghịch cảnh đem lại. Và điều này quyết định việc người đó có xứng đáng với nỗi đau khổ của mình hay không.

Đừng nghĩ rằng những suy xét này cao xa và quá viển vông. Đúng là chỉ có một số ít người mới có thể chạm tay vào các tiêu chuẩn đạo đức cao như thế. Chỉ có một số ít tù nhân giữ được sự tự do bên trong và hiểu được giá trị mà những đau khổ đem lại, nhưng chỉ riêng những ví dụ ấy thôi cũng đã đủ chứng minh rằng sức mạnh bên trong của con người có thể giúp người ấy vượt lên số phận. Những người như vậy không chỉ có ở trong các trại tập trung. Ở đâu con người cũng phải đương đầu với số phận và cũng có cơ hội đạt được điều gì đó từ chính nỗi đau của mình.

Hãy lấy số phận của những người bị bệnh, nhất là những người mắc bệnh nan y, làm ví dụ. Có lần tôi đọc được lá thư của một cậu bé bị bệnh viết cho người bạn của mình. Trong thư, cậu bé nói rằng cậu vừa biết mình sắp chết, và việc phẫu thuật cũng chẳng giúp gì. Cậu ấy nhớ lại một bộ phim mà mình đã từng xem, trong đó kể về hình ảnh một người đang chờ đón cái chết với lòng dũng cảm và tự trọng. Cậu bé đã nghĩ rằng đó là một thái độ sống đáng nể phục. Giờ đây - cậu viết - số phận đã đem lại cho cậu một cơ hội tương tự.

Những ai trong chúng ta từng xem bộ phim Phục sinh chuyển thể từ tiểu thuyết của Tolstoy nhiều năm trước có lẽ cũng có ý nghĩ tương tự. Phim kể về nhiều số phận thú vị và nhiều con người tuyệt vời. Đối với chúng tôi vào lúc đó, số phận chẳng có gì lớn lao, cũng không có cơ hội đạt được điều gì vĩ đại. Sau khi xem phim xong, chúng tôi bước vào một tiệm cà phê gần nhất, uông một ly cà phê và ăn một cái bánh sandwich, và quên mất những ý nghĩ trừu tượng kỳ lạ vừa lướt qua đầu mình. Nhưng khi phải đối mặt trước bước ngoặt cuộc đời và buộc phải đưa ra các quyết định của mình, nếu không còn nhớ chút gì về quyết tâm của thời tuổi trẻ nhiều năm về trước, chúng tôi sẽ thất bại.

Có lẽ một ngày nào đó, chúng ta sẽ có dịp chiêm nghiệm cảm giác này khi xem lại bộ phim ấy hoặc một tác phẩm tương tự. Nhưng đến lúc ấy, những bức tranh khác cùng lúc sẽ được mở ra trong tâm tưởng chúng ta - đó là hình ảnh về những con người mà cuộc đời họ có thể nói lên nhiều điều hơn cả những tình tiết của một bộ phim. Một số chi tiết về sự vĩ đại bên trong một con người đặc biệt có thể sẽ đến với tâm trí chúng ta, giống như câu chuyện về một thiếu nữ mà tôi đã chứng kiến cái chết của cô trong trại tập trung. Đấy là một câu chuyện rất bình thường. Có rất ít điều để kể và nghe có vẻ như thể tôi bịa ra nó, nhưng đối với tôi nó giống như một bài thơ.

Cô gái trẻ biết rằng mình sẽ từ biệt cõi đời trong một vài ngày tới. Nhưng khi tôi nói chuyện với cô, cô rất vui. “Tôi biết ơn vì số phận đã nghiệt ngã với mình”, cô nói. “Trong cuộc sống trước kia của mình, tôi chẳng là gì và không đạt được sự trưởng thành đáng kể nào cả”. Chỉ tay qua phía cửa sổ của trạm xá, cô nói: “Cái này là người bạn duy nhất của tôi lúc cô đơn”. Qua cánh cửa sổ đó, cô chỉ có thể nhìn thấy một cành của cây dẻ, và trên cành cây đó có hai đoá hoa.“Tôi thường nói chuyện với cái cây này”, cô gái nói. Tôi ngạc nhiên và hoàn toàn không biết phải hiểu lời nói của cô như thế nào. Có phải cô đang bị mê sảng không? Hay cô đang bị ảo giác? Lo lắng, tôi hỏi cô rằng cái cây có trả lời cô không. “Có chứ”. “Nó nói gì với cô?”, tôi hỏi. Cô trả lời: “Nó nói với tôi rằng: “Tôi đây - tôi đây - tôi là sự sống, sự sống bất diệt”.

Như đã nói, tác nhân chịu trách nhiệm cuối cùng cho trạng thái bên trong của người tù không phải là các tác nhân tâm sinh lý mà phần nhiều là kết quả của một quyết định tự do. Các cuộc nghiên cứu về tâm lý tù nhân đã chứng minh rằng chỉ những người nào giữ được tâm hồn và tinh thần bên trong tĩnh tại thì mới không trở thành nạn nhân của những ảnh hưởng suy đồi trong trại. Câu hỏi lúc này mới xuất hiện, rằng cái gì có thể, hoặc sẽ tạo thành “sự kìm giữ bên trong” này?

Các cựu tù nhân, khi viết hoặc nói về những trải nghiệm của họ, đều đồng ý rằng việc họ không biết mình còn phải ở tù bao lâu nữa khiến họ vô cùng chán nản. Họ không biết ngày nào mình sẽ được thả ra. (Trong trại của chúng tôi, cho dù có được nhắc tới thì đó cũng là một đề tài vô vị.) Thực ra, thời gian ở tù không những không xác định mà còn không giới hạn. Một nhà nghiên cứu tâm lý học nổi tiếng đã chỉ ra rằng cuộc sống trong trại tập trung có thể gọi là “sự tồn tại tạm bợ”. Chúng tôi bổ sung bằng cách định nghĩa nó là “sự tồn tại tạm bợ và vô hạn định”.

Những người mới đến thường chẳng biết gì về điều kiện ở trại tập trung. Những người đã trở về từ những trại khác bị bắt phải giữ im lặng, và ở một số trại thì chẳng có ai trở về. Khi bước vào trại tập trung, sự thay đổi diễn ra ngay lập tức trong tâm trí mọi tù nhân. Với một cái kết không chắc chắn thì sự không chắc chắn về một cái kết là điều hiển nhiên. Thật không thể đoán trước được khi nào hoặc bao giờ hình thái tồn tại này mới chấm dứt.

Từ finis trong tiếng Latin có hai nghĩa: nghĩa thứ nhất là sự kết thúc hoặc chấm dứt, và nghĩa thứ hai là một mục đích để vươn tới. Một người không thể nhìn thấy sự kết thúc của việc “tồn tại tạm bợ” của mình thì không thể hướng tới một mục đích tối hậu trong đời. Người đó ngừng sống cho tương lai, khác với một người có cuộc sống bình thường. Vì vậy, toàn bộ cấu trúc đời sống tinh thần của người đó cũng thay đổi; các dấu hiệu suy thoái xuất hiện, và chúng ta có thể nhận biết các dấu hiệu này trong các lĩnh vực khác của đời sống. Ví dụ, một công nhân thất nghiệp cũng ở trong tình thế tương tự. Sự tồn tại trở nên tạm bợ và chắc chắn anh ta không thể sống cho tương lai hoặc nhắm tới một mục tiêu nào đó. Công trình nghiên cứu trên các công nhân mỏ thất nghiệp cho thấy họ phải trải qua một loại thời gian méo mó kỳ lạ - thời gian tinh thần - là kết quả của tình trạng thất nghiệp. Các tù nhân cũng chịu đựng “trải nghiệm thời gian” kỳ lạ này. Trong trại, một đơn vị thời gian nhỏ nhất, ví dụ một ngày, với sự tra tấn và mệt mỏi thì dường như kéo dài vô tận. Trong khi một đơn vị thời gian lớn hơn, có thể là một tuần, lại dường như trôi qua rất nhanh. Các bạn trong trại của tôi cũng đồng ý khi tôi nói rằng một ngày dài hơn một tuần. Thật là một nghịch lý thời gian! Trong mối liên hệ này, chúng tôi nhớ tới tác phẩm Ngọn núi phù thuỷ của Thomas Mann với những nhận xét tâm lý sắc sảo. Mann đã nghiên cứu diễn biến tinh thần của những người đang trong trạng thái tâm lý tương tự, chẳng hạn như các bệnh nhân bị lao phải nằm điều trị trong bệnh viện mà không biết khi nào mới được xuất viện. Họ trải nghiệm một sự tồn tại tương tự - không có tương lai và không có mục đích.

Một trong số tù nhân đi cùng với những người tù mới trên đường từ bến xe về trại đã nói với tôi rằng anh ấy có cảm giác như đang đi trong chính đám tang của mình. Đời anh như hoàn toàn không có tương lai. Anh xem như nó đã qua và mọi chuyện đã chấm dứt như thể anh đã chết rồi. Cảm giác sống mà không phải đang sống càng được nhấn mạnh vì các nguyên nhân khác: thời gian tù đày vô định và sự gò bó về không gian trong tù.

Bất cứ thứ gì bên ngoài những hàng rào kẽm gai đều trở nên xa xôi ngoài tầm với và theo một cách nào đó là những điều không thật. Tất cả những sự kiện và con người ở ngoài đó, tất cả cuộc sống bình thường ở ngoài đó đều có vẻ ma quái đối với người tù. Cuộc sống bên ngoài hiện lên trước người đó như trước một người chết đang nhìn về từ một thế giới khác.

Một người buông xuôi vì không thể nhìn thấy tương lai và mục đích thường hay hồi tưởng về quá khứ. Trong con người tìm về quá khứ để tạo dựng một hiện tại ít đáng sợ hơn so với thực tại. Nhưng việc bỏ qua hiện thực cũng bỏ qua các cơ hội làm cho cuộc sống trong trại tích cực hơn, trong khi các cơ hội ấy là có thật. Chính cuộc sống “tồn tại tạm bợ” của chúng tôi là một nhân tố quan trọng khiến cho người tù buông xuôi, thấy mọi thứ đều trở nên vô nghĩa. Những người này quên rằng chính ngoại cảnh đặc biệt khó khăn ấy mới đem lại cho con người cơ hội phát triển vượt bậc về tinh thần. Thay vì xem những khó khăn trong trại là một bài kiểm tra sức mạnh bên trong của mình, họ đã xem nhẹ cuộc sống và cho đó là điều vô ích. Họ thích nhắm mắt và sống với quá khứ. Cuộc đời của những người này đều trở nên vô nghĩa.

Dĩ nhiên chỉ có một số người có khả năng vươn tới một tầm cao vĩ đại về tinh thần. Nhưng một vài người đã có được cơ hội để vươn tới tầm cao ấy nhờ cuộc sống trong trại tập trung, cho dù họ có phải thất bại và phải chết đi nữa; nhưng đó là điều mà trong hoàn cảnh bình thường, họ sẽ không bao giờ đạt được. Đối với những người khác trong số chúng tôi, những con người bình thường và sợ sệt thì lời nói của Bismarck[10] có thể áp dụng: “Cuộc sống giống như việc bạn đang ở chỗ nha sĩ. Bạn luôn nghĩ rằng điều tồi tệ nhất vẫn còn đang đến, thế nhưng nó đã qua mất rồi”. Theo đó, chúng ta có thể cải biên và nói rằng, hầu hết mọi người trong trại đều tin rằng cơ hội được trở lại cuộc sống thực sự của họ đã hết. Thế nhưng trên thực tế, cơ hội và thử thách vẫn còn đó. Con người có thể vượt qua những trải nghiệm đó, biến cuộc sống thành một chiến thắng cho bản thân, hoặc có thể bỏ qua thử thách và sống một cuộc sống vô vị như hầu hết những người tù khác.

Bất kỳ biện pháp nào chống lại ảnh hưởng về tâm thần ở trại lên người tù, dù bằng tâm lý trị liệu hay tâm lý thần kinh, thì cũng đều phải hướng đến việc trao cho người đó sức mạnh bên trong bằng cách chỉ ra một mục tiêu ở tương lai mà người đó có thể nhìn thấy được. Theo bản năng, một số tù nhân cố tìm kiếm một mục tiêu nào đó cho mình. Điều kỳ lạ về con người là chúng ta chỉ có thể sống bằng cách hướng về tương lai - sub specie aeternitatis. Và đây là sự cứu rỗi cho con người trong những lúc khó khăn nhất, mặc dù đôi khi ta phải buộc tâm trí mình vào nhiệm vụ đó.

Tôi nhớ lại trải nghiệm của chính mình. Gần như chảy nước mắt vì đau (bàn chân đau buốt vì những vết thương trong đôi giày rách nát), tôi lết đi nhiều cây số trong hàng người dài từ trại đến công trường. Những cơn gió lạnh buốt đập vào chúng tôi tê cóng. Tôi luôn nghĩ đến những vấn đề nhỏ nhặt, vô tận trong cuộc sống khốn khổ của mình. Tối nay tôi sẽ ăn gì? Liệu người ta có phát cho tôi thêm một ít xúc xích không, liệu tôi có nên đổi nó để lấy một mẩu bánh mỳ không? Liệu tôi có nên bán đi điếu thuốc cuối cùng còn sót lại từ phần thưởng nhận được hai tuần trước để lấy một chén xúp không? Làm sao tôi có thể kiếm được sợi dây để thay cho sợi dây giày bị đứt? Không biết tôi có đến nơi làm việc đúng giờ để nhập vào nhóm quen hay là phải nhập vào một nhóm khác và có thể gặp phải một tên quản đốc hung bạo? Tôi có thể làm gì để tạo thiện cảm với tên Capo để được hắn giúp cho vào làm trong trại thay vì phải làm việc bên ngoài và buộc phải đi bộ hàng ngày kinh khủng như thế này?


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play