Chương 1: Dẫn truyện
Tống Giản mở to mắt. Trước mắt là từng chiếc bóng xám li ti rơi xuống, phản ánh một trận tuyết lớn đang rơi bên ngoài.
Gông xiềng nặng đến ba mươi lăm cân đã khiến tay và cổ y bị ma xát đến mức máu thịt lẫn lộn. Mới đầu y còn có thể miễn cưỡng đứng được, sau đó cơ thể dần không chịu nổi sức nặng của gông xiềng, y chỉ có thể quỳ xuống mà đi.
Vào ngục khoảng hai tháng, Tống Giản đường đường là Thám hoa năm Bình Chiêu thứ hai mươi lăm, từng là Phò mã gia của Lâm Xuyên công chúa, giờ đã chẳng còn chút tôn nghiêm nào.
Hai tháng rưỡi trước đây, vì muốn cạy miệng y, ép y khai nhận tội danh hợp mưu với phụ thân, xúi giục Thái tử phát động cung biến, y và phụ thân đều bị đẩy vào Hoằng Minh điện, đánh tám mươi trượng trước mặt các quan viên. Miệng vết thương đến nay vẫn chưa lành, văn sĩ sa cơ, mất hết thể diện.
Sau khi nhận bốn mươi trượng, phụ thân già yếu chết thảm trên hình sàng (1) đầy máu. Trước khi chết, ông dùng hết chút sức lực cuối cùng, cầu xin hoàng đế giữ lại tính mạng cho Tống Giản. Tống Giản tận mắt nhìn thấy phụ thân nhắm mắt gục xuống, miệng lại bị bịt chặt, ngay cả tiếng khóc cũng không phát ra tiếng.
Cả tộc đều bị giam trong lao ngục. Người lên điện nhặt xác cho phụ thân lại là thê tử của y, Lâm Xuyên Công chúa - Kỷ Khương.
Công chúa đội cửu địch quan (2), trên mão kết chỉ bạc thêu chín con đa đa, miệng ngậm châu sa. Châu ngọc lấp lánh phản chiếu thứ ánh sáng huy hoàng trên điện, cứ thế lay động trong mắt Tống Giản.
Khoảnh khắc đó, cuối cùng Tống Giản cũng hiểu ra rằng, cuộc hôn nhân của y và Kỷ Khương, rốt cuộc cũng chỉ là cuộc tàn sát mà hoàng thất Đại Tề thực hiện với quyền thần.
Kỷ Khương mà một nữ tử độc nhất vô nhị, là con gái duy nhất của Chương Đức Hoàng đế.
Tất cả con cháu quan gia trong Đế Kinh Đại Tề đều phải nhường nhịn nàng. Thật ra nguyên nhân quan trọng nhất cũng không phải vì họ cam tâm tình nguyện khuất phục dưới cái uy công chúa của nàng, mà là vì luật lệ hôn nhân của hoàng thất Đại Tề. Vì để đề phòng hoàng quyền rơi vào tay người ngoài, phàm là kẻ cưới công chúa Đại Tề, bản thân và người thân của họ đều không được làm quan.
Đối với Tống gia mà nói, chuyện này còn âm độc hơn tước hết binh quyền rất nhiều.
Phụ thân y vốn là thầy của đế vương, dạy Hoàng đế tử thuở ấu thơ, tận tâm dạy bảo, đã sớm quên đi khác biệt quân thần. Nhưng sau khi hoàng đế trưởng thành vẫn chỉ là cái vỏ rỗng tuếch chứa đựng vinh hoa quyền quý.
Hoàng đế luôn bị áp chế, không có cá tính, nhưng thê tử của ông ta là Hứa Hoàng hậu lại không cam tâm khuất phục.
Hứa Hoàng hậu chính là mẫu thân của Kỷ Khương, cả đời không có con trai, chỉ có một nữ nhi là Kỷ Khương. Sau này mới nhận nuôi dưỡng nhi tử của một nữ quan, lại vì ấu tử ngang bướng, dám bứt râu hùm của Tống Thái sư, liền bị Hoàng đế đánh cho thương tích đầy mình. Loại quan hệ quân thần này khiến Hứa Hoàng hậu cảm thấy bất an lo lắng.
So với Hoàng đế đầu gỗ chỉ biết nghe lời, bà bình tĩnh và sáng suốt hơn rất nhiều.
Thế cho nên mới có cuộc hôn nhân của Tống Giản và Kỷ Khương.
Trước khi đại hôn với Kỷ Khương, Tống Giản chưa từng gặp vị công chúa trong truyền thuyết này. Nhưng chuyện về nàng thì y đã nghe kể không ít. Ví như lúc nàng sinh ra, hoa mẫu đơn ở Đông Kinh nở rộ trái mùa. Ví như trong cung nàng nuôi một con khổng tước lông vàng có cùng ngày sinh với nàng... Hoàng gia rất thích thêu dệt những câu chuyện kỳ lạ, để chứng minh họ thuộc mệnh trời, là chính đạo. Cho nên Tống Giản không có thiện cảm gì với nữ tử này.
Thế nhưng, khi Kỷ Khương chân chính đứng trước mặt y, thật sự có thể so sánh với một viên minh châu rực rỡ sắc màu.
Nàng là nữ tử được Đại Tề dồn toàn bộ tâm huyết nuôi dưỡng nên người, cử chỉ đúng mực. Nhưng điều hiếm có là nàng không giống những nữ tử nặng nề khác trong cung, sinh mệnh nàng có một sức sống rực rỡ, ngay cả trong chuyện phòng the cũng có thể khiến y say sưa thích thú. Nàng đến, hủy hoại công danh tiền đồ của y, kết thúc thời đại của phụ thân ở Đại Tề, nhưng cũng cho y cuộc đời phú quý, rực rỡ gấm hoa. Ba năm này, y không thể nói hết mình yêu Kỷ Khương bao nhiêu, cũng chưa từng oán hận nàng.
Thế nhưng y chưa từng ngờ tới, người tống y vào đại lao, đẩy y lên Huyền Minh điện chịu hình trước triều thần lại là nàng.
"Tống Giản, hôm nay ngươi phải lên đường rồi."
Trước mặt xuất hiện một bóng người, che khuất quầng sáng chói lọi, cũng che đi bóng những bông tuyết đang rơi ào ạt bên ngoài.
"Lên đường? Đi đâu đây? Không đưa cơm rượu trước khi chặt đầu sao?"
Người đứng trước mặt y là Chưởng quản Đông Xưởng - Lương Hữu Thiện. Ông ta là người quen cũ của phụ thân Tống Giản. Có thể xem như đã nhìn thấy hậu bối có tiền đồ vô lượng này trưởng thành, lại nhìn thấy Tống Gia đang trên đỉnh cao sụp đổ. Giờ thấy y chật vật như thế, trong lòng Lương Hữu Thiện lại thương xót không thôi.
"Tống Giản à, đừng nói gì mà chặt đầu. Cậu sẽ không chết đâu."
Tống Giản gian nan ngẩng đầu, vết thương bị xiềng xích ma xát trên cổ nhìn thấy càng ghê người. "Tại sao không chết? Chẳng phải là tội mưu phản sao? Thế nào chứ? Kỷ Khương có bản lĩnh thông thiên, lúc này còn có thể cứu ta à?"
Y thống khổ mà chế nhạo thê tử của chính mình.
Lương Hữu Thiện ngồi xổm xuống. "Cậu tích chút khẩu đức đi, vì cứu mạng cậu, công chúa đã quỳ trước Hoằng Minh điện ba ngày rồi, cũng không dễ gì mới cầu xin được Hoàng thượng thay đổi ý chỉ."
Cổ họng Tống Giản cay xè. "Cô ta biết ta muốn chết không?"
"Ta biết chứ."
Lương Hữu Thiện còn chưa lên tiếng, người đã xuất hiện phía sau lưng hắn.
Nàng mặc áo tang, mái tóc chỉ cài một chiếc trâm bạc. Tuy tiều tụy, nhưng vẫn không thể che đậy nét tao nhã như trước.
Nàng đường hoàng đứng đó, tiếp nhận câu nói của y, đầu hơi ngẩng lên, nhưng không nhìn ra chút kiêu căng nào. Chỉ là vóc người thẳng và tư thái nhìn từ trên xuống, khiến răng môi Tống Giản đều rét lạnh.
"Cô... cô..."
Đôi mắt y đỏ rực, giãy giụa muốn đứng dậy, nhưng Chỉ huy Cẩm Y Vệ bên cạnh lại sợ xảy ra chuyện, vội cầm lấy hình côn ở cửa phòng giam, hạ một côn xuống đầu gối y.
Y còn chưa kịp đứng lên đã bị đánh quỳ xuống, thốt ra một tiếng đau nghẹn ngào. Vết thương bị trượng hình còn chưa lành hẳn cũng vỡ ra. Dáng vẻ chật vật nhất cuộc đời đều bại lộ trước mặt nữ tử cao quý đang mặc áo tang trước mặt.
"Kỷ Khương, cô cởi bộ y phục đó xuống cho ta."
"Tội nhân to gan, còn dám bất kính với công chúa."
Lương Hữu Thiện sợ Cẩm Y Vệ lại ra tay, vội chắn phía trước. "Đại nhân nương tình. Nếu còn đánh nữa hôm nay cậu ấy sẽ không lên đường nổi mất."
"Các người ra ngoài hết đi."
"Công chúa... Chuyện này..."
Kỷ Khương cất giọng lãnh đạm: "Yên tâm đi. Chàng sẽ không thương tổn tới ta."
Lương Hữu Thiện nương theo lời nàng nói, vội lôi kéo Cẩm Y Vệ. "Chúng ta ra ngoài chờ công chúa, tới giờ lại vào."
Cẩm Y Vệ bị Lương Hữu Thiện kéo đi, cánh cửa đen nhánh liền đóng lại.
Cuối cùng trong ánh đèn mờ ảo, Tống Giản cũng nhìn thấy rõ gương mặt Kỷ Khương. Nhưng mà ngay cả quỳ y cũng không quỳ nổi, chỉ có thể dựa vào vách tường lạnh băng, duỗi chân ra.
"Kỷ Khương, cô cởi bộ y phục này ra cho ta."
Kỷ Khương bước đến bên cạnh hắn, ngồi xổm xuống. "Cởi ra? Sao phải cởi? Ta là người Tống gia của chàng mà. Chẳng lẽ chàng muốn hưu ta?"
Tống Giản gian nan ngẩng đầu, lúc nuốt nước bọt, hầu kết vừa động liền đau điếng. Y liều mạng nuốt máu huyết trong miệng xuống. "Ta hưu được cô sao? Công chúa điện hạ, Tống Giản xin cô, xin cô buông tha ta đi. Đừng dày vò ta nữa."
Kỷ Khương vươn tay, vén mái tóc đầy mồ hôi lên khỏi vầng trán đầy máu của y. Lúc da thịt cọ xát, toàn thân Tống Giản run kịch liệt.
Ba năm da thịt thân cận, gắn bó như môi với răng, tới tận lao tù này, cả người y đầy máu huyết, sục sôi đối diện trước mặt nàng, có nhiệt tình, cũng có hận thù cay độc.
Mà, nàng vẫn bình đạm như trước.
"Ta sớm đã buông tha chàng. Nhưng chàng có thể không buông tha ta. Núi cao biển rộng, chàng một mình độc hành. Tính mạng của Lâm Xuyên vẫn ở Đế Kinh. Đến khi nào vết thương của chàng lành hẳn, thì cứ đến lấy."
"Ha ha..."
Tống Giản cười ra tiếng. "Nếu hiện giờ ta muốn thì sao?"
Kỷ Khương nhìn y. "Vậy chàng cứ lấy đi. Nhưng ta chết rồi, chàng cũng không thể ra khỏi Đế Kinh được. Chàng phải cùng độc phụ như ta, sống ở cùng nhà, chết chôn cùng huyệt vậy."
"Cô... Rốt cuộc vì sao phải làm vậy với ta?"
"Ta cũng không có lựa chọn nào khác."
Không có lựa chọn là ý gì? Trong mắt Tống Giản, chẳng qua là vì quốc gia thiên hạ của nàng. Nhưng rốt cuộc quốc gia thiên hạ của nàng có quan hệ gì tới mình dâu? Dựa vào cái gì mình phải tác thành cho nàng chứ?
"Cô cho là, ta sẽ tạ ơn cô đã bố thí cái mạng này sao?"
"Chàng không cần tạ ơn ta. Chàng hận ta là được. Hận ta, chúng ta mới còn có thể gặp lại."
Trên mặt Tống Giản hiện ra một nụ cười thống khổ. Y nheo mắt lại, giống như nhìn thấy một người chưa bao giờ quen biết.
"Công chúa Đại Tề, quả thật là một vai diễn tàn nhẫn."
Nói rồi y chống tay vào vách tường, chật vật đứng dậy.
"Cô muốn đưa ta đi đâu?"
"Gia Dục."
"Gia Dục? Vì sao lại là nơi đó?"
"Đây là ý kiến của hình bộ. Nhưng mà, muội muội của chàng, Tống Ý Nhiên bị sung đến Gia Dục trông coi quân doanh. Nếu hôm nay chàng khởi hành, có thể sẽ đuổi kịp cô ấy."
Bả vai Tống Giản run rẩy, vội túm lấy tay áo nàng.
"Kỷ Khương, rốt cuộc Tống Gia chúng ta đã làm sai gì? Khiến cô ngay cả một cô gái cũng không buông tha?"
Kỷ Khương không nói gì nữa, từng chút một kéo tay áo ra khỏi tay hắn. Nàng xoay người đi ra cửa. Đi được vài bước lại ngoảnh đầu lại.
"Ta đã nói, ta không có chọn lựa nào khác. Chàng có thể không cần buông tha nữ tử như ta."
Bình Chiêu năm thứ mười tám, Phò mã Tống Giản bị biếm làm thứ dân. Bởi vì thân mang xiềng xích nặng nề, phải quỳ ra khỏi Đế Kinh, sung quân đến Gia Dục.
Lâm Xuyên Công chúa Kỷ Khương theo đoàn đưa tiễn.
Lúc chia tay ở quan đạo(3), Tống Giản dập đầu bái biệt công chúa. Y hỏi: "Ba năm ân tình đến đây là chấm dứt sao?"
Công chúa đáp: "Không dứt. Kỷ Khương trước là công chúa Đại Tề, sau đó vẫn là thê tử của Tống Giản."
"Vậy nếu như có một ngày, cô chỉ là thứ dân thì sao?"
----
(1) Hình sàng: Là giường để hành hình, thường có xích ở bốn góc để trói tay chân phạm nhân lại, lúc hành hình sẽ không thể vùng vẫy được.
(2)Cửu địch quan: Một loại mão thời xưa. Hình tròn, trên mão có chỉ bạc kết thành chín con chim đa đa (một loại gà rừng đuôi dài, được nhắc tới trong sách cổ), miệng ngậm hạt châu. Bên trong dùng tơ đồng kết thành viền nón tròn.
(3) Quan đạo: Đường lớn ở các thành thị thời xưa.
----