Mẹ tôi và Tiểu Hồ hợp nhau lắm, y như là một cặp bài trùng vậy. Tôi đoán là do tính cách của hai người họ có sự tương đồng. Chính xác hơn thì hai người họ giống nhau như một.
Mẹ tôi lên đến Hà Nội vào lúc sáng sớm, bà còn mang theo rất nhiều đồ. Hai cái túi lớn xách hai bên, trên vai thêm một cái ba lô nữa.
Dọc đường đi, mẹ mắng tôi không ngớt vì không chăm sóc tốt để Tiểu Hồ phải nằm viện. Tôi nói mẹ về trước để cất đồ rồi qua chỗ Tiểu Hồ sau, vì hôm nay Tiểu Hồ cũng ra viện rồi nhưng bà nhất định không chịu. Chỉ đến khi tôi đưa ra lí do cần phải làm bữa sáng cho Tiểu Hồ thì bà mới đồng ý.
Một đêm tôi đi vắng, con Mập đã cày tan nát ngôi nhà lên rồi. Nó cắn xé mấy quyển sách rồi rải đều từ nhà vệ sinh ra phòng khách. Tôi lượm một cái dép trên kệ toan ném về phía nó thì mẹ tôi ngăn lại:
"Con muốn làm gì hả?"
Tôi bất ngờ trước thái độ của mẹ. Chỉ mấy ngày trước, tôi về nhà đưa nó lên mẹ còn ca thán nó các kiểu, vậy mà bây giờ bà nhẹ nhàng ôm lấy đầu nó vuốt ve, không hề tức giận với nó chút nào cả.
Mẹ giúp tôi dọn dẹp lại đống bừa bộn, thời gian đó, tôi tranh thủ đi nấu một nồi cháo thịt bằm với hành lá cắt nhỏ.
Quãng đường từ nhà tôi đến bệnh viện khoảng chừng mười ki lô mét. Qua giờ cao điểm nên đường không quá đông, tôi cũng có thể lái xe nhanh hơn một chút. Mẹ tôi vừa thấy Tiểu Hồ thì ôm chầm lấy cô ấy, cẩn thận xem xét khắp người Tiểu Hồ rồi thì thầm:
Mẹ tôi hắng giọng quay ra nhìn tôi. Biết thân biết phận, tôi đặt cái cặp lồng cháo xuống bàn nói là đi làm thủ tục xuất viện cho Tiểu Hồ. Chỉ nán lại thêm vài giây nữa thôi, chắc chắn mẹ tôi sẽ lấy tôi ra làm nguyên nhân để trách phạt.
Ở ngoài hành lang, tôi gặp Kẹo.
Kẹo dường như bất ngờ. Tôi thấy Kẹo không mặc chiếc áo trắng blouse quen thuộc của bác sĩ mà là một bộ đồ bình thường. Hai mắt Kẹo vẫn còn dấu vết như vừa mới khóc, vẻ mặt có chút mệt mỏi. Kẹo chỉ gật đầu với tôi rồi thoăn thoắt bước đi, như đang cố tình tránh mặt tôi vậy.
Tôi đưa mẹ và Tiểu Hồ về nhà. Mẹ tôi và Tiểu Hồ ngồi ghế sau chuyện trò rôm rả. Cả một buổi sáng rồi mà hai người vẫn chưa hết chuyện để nói. Đến một siêu thị bên đường, Tiểu Hồ đòi tôi dừng xe, qua đó xem thử họ có bán vải không. May mắn là lần này mẹ đứng về phía tôi. Tiểu Hồ tạm thời nghe theo mẹ, nhưng tôi biết chỉ được một thời gian thôi. Cái gì Tiểu Hồ đã muốn thì cô ấy sẽ cố mà đòi tôi cho bằng được.
Mẹ tôi không bao giờ ăn mấy món ăn kiểu Âu cả. Bà là kiểu phụ nữ trung thành với đồ ăn dân tộc. Vậy mà đến bữa trưa, bằng một cách thần kì nào đó, Tiểu Hồ đã khiến mẹ tôi ăn hết cả miếng sườn sốt BBQ to bự chảng. Hai người ăn xong liền kéo nhau đi mất, mẹ tôi nói đưa Tiểu Hồ đi vận động mới nhanh khoẻ lại. Tôi còn nghe thấy Tiểu Hồ nói với mẹ sẽ mua thật nhiều đồ ăn vặt về để hai người vừa ăn vừa xem phim. Trước đây, Tiểu Hồ thường ăn snack trong phòng ngủ. Sau một lần khổ sở vì bị kiến đốt khắp người, tôi đã không cho Tiểu Hồ được ăn ở trên giường như vậy nữa. Bây giờ, có mẹ tôi chống lưng, trọng lượng lời nói của tôi cũng sẽ chỉ như một tờ giấy mỏng dính.
Tôi đá con Mập một cái hòng kiếm chuyện với nó. Nó chẳng để tâm, đưa mắt lườm tôi khinh bỉ rồi ngoáy đuôi lỉnh đi nằm ngủ.
Buổi tối, tôi tan làm sớm mục đích về nấu bữa tối cho mẹ và Tiểu Hồ. Bước chân vào trong siêu thị của trung tâm thương mại, trong đầu tôi phân vân giữa một vài lựa chọn. Tôi gọi điện cho Tiểu Hồ để hỏi cô ấy muốn ăn món gì. Tiểu Hồ nói cô ấy và mẹ đang đi ăn lẩu bò rồi, tại tôi không nói trước. Mẹ tôi còn nói vào điện thoại dặn tôi kiếm gì mà ăn, không thì ở nhà còn cơm nguội với cá kho, tôi về ăn cùng với con Mập cũng được.
Còn lâu. Tôi thầm nghĩ. Tôi cũng sẽ đi ăn một bữa cho ra trò chứ đâu chịu phần thiệt hơn.
Tôi đi ngang qua quầy bán trái cây, ở đây có rất nhiều loại như táo, cam, chuối, có điều, tôi tuyệt nhiên không thấy quả vải nào cả.
Tôi gặp một anh nhân viên siêu thị ở đó, anh ta đang kiểm tra và phân loại sản phẩm. Đắn đo giây lát, tôi hỏi:
"Mình có bán vải không anh?"
Anh quay lại nhìn tôi, tôi nhắc lại:
"Quả vải đó."
"Qua mùa vải lâu rồi mà", anh nói, "tháng 7, tháng 8 là hết rồi, cùng lắm cũng chỉ đến tháng 9 thôi. Bây giờ đang là mùa Đông."
"Biết đâu có những cây vải ra quả muộn."
Tôi vừa nói xong thì anh ta mở tròn mắt. Tôi cười trừ lẳng lặng tránh cái nhìn của anh ta về mình thầm thốt lên:
"Em hại anh rồi Tiểu Hồ."
Kì lạ là dù biết trước kết quả nhưng tôi lại vẫn dẫm chân vào đó.
"Có vẻ như anh mới làm một chuyện ngu ngốc."
Tôi quay lại khi nghe giọng nói quen thuộc của một cô gái. Kẹo đang xách một chiếc giỏ với một ít đồ dùng bên trong. Kẹo tiến lại chỗ tôi, cầm quả táo lên nhìn ngắm cẩn thận rồi cho vào giỏ. Kẹo hỏi:
"Anh không đi cùng bác gái và Tiểu Hồ sao?"
"Hai người họ ăn trước rồi", tôi đáp, "tôi cũng vừa mới tan làm."
"Vậy là anh chưa ăn tối?"
"Ừ."
"Em mời anh một bữa nhé. Em biết một quán lẩu rất ngon."
Tôi suy nghĩ một chút rồi gật đầu đồng ý. Kẹo đưa tôi đến một quán lẩu nằm sâu trong con hẻm nhỏ. Quán bé, nhưng đông khách. Các chỗ ngồi trong nhà đều đã chặt kín người. Một anh trai xăm trổ xếp cho chúng tôi một chiếc bàn gần bờ tường tróc vữa. Kẹo xem menu một lượt rồi gọi một nồi lẩu bò thêm thịt, đậu hũ và hai cốc nước chanh nóng.
"Hi vọng anh vẫn còn thích uống nó."
Tôi gật đầu đút hai tay vào trong túi. Buổi tối lạnh nhưng không có mưa. Mùi thơm thoang thoảng theo gió bay lại càng làm tôi thấy đói hơn bao giờ hết. Nhiệt độ xung quanh cũng ấm hơn với những ngọn lửa đang bập bùng cháy. Kẹo nói:
"Mẹ anh còn trẻ quá."
Tôi mỉm cười. Đúng là mẹ tôi trẻ hơn so với những người phụ nữ cùng tuổi. Tính bà thoải mái, dễ gần, lúc nào cũng vui vẻ. Người ta vẫn nói, nụ cười là liều thuốc níu lại thanh xuân.
"Tiểu Hồ thế nào rồi?"
"Cô ấy khoẻ rồi", tôi đáp, "cám ơn cậu đã chăm sóc cho cô ấy."
"Tiểu Hồ rất đáng yêu. Em thật sự thích Tiểu Hồ."
"Cô ấy cũng rất thích cậu. Tiểu Hồ luôn nhắc đến cậu với một tâm trạng háo hức."
"Tốt quá."
Kẹo cười đón lấy hai cốc nước chanh mới được mang ra. Kẹo ôm hai tay lên cốc nước rồi áp vào khuôn mặt, sau đó lấy ông hút quậy đều một vòng, uống một hơi rồi xuýt xoa:
"Chua ngọt ấm áp. Anh có biết vì sao em thích uống nước chanh không?"
"Nước chanh tốt cho sức khoẻ."
Tôi trả lời và cũng uống một hơi. Dòng nước ấm nhè nhẹ lan tỏa trong cổ họng rồi chảy đều khắp cơ thể, một thứ đồ uống tuyệt vời giữa cái lạnh đang bủa vây bên cạnh. Tôi hỏi Kẹo:
"Vì sao cậu biết Tiểu Hồ cũng như tên của cô ấy? Lần trước cậu cũng là người đưa cô ấy đến bệnh viện."
"Những thứ em biết còn nhiều lắm. Anh có muốn nghe không?"
Dường như thấy bộ dạng của tôi, Kẹo bật cười nói:
"Giỡn anh thôi, thật ra em biết Tiểu Hồ một cách cũng rất tình cờ. Có một lần em đi mua kem thì gặp Tiểu Hồ ở đó. Cô ấy đang thuyết phục chị chủ giữ giấy tờ của cô ấy lại để cô ấy mang tiền đến chuộc sau. Hôm đó, Tiểu Hồ không mang theo tiền trong ví, chiếc kem vừa mua Tiểu Hồ cũng ăn hết một nửa nên không cách nào trả lại được. Em nhìn thấy tên Tiểu Hồ trên chứng minh thư. Một lúc sau thì em thấy anh xuất hiện."
Lúc này trên ti vi đang chiếu một bộ phim, giữa không gian tràn ngập tuyết trắng là một cặp đôi đang tay trong tay. Chàng trai bế thốc cô gái đặt lên chiếc xích đu rồi nhẹ nhàng cúi xuống đặt lên đôi môi cô gái một nụ hôn trong khoảng trời lạnh giá.
"Đẹp quá."
Kẹo nói khẽ còn tôi thì quay mặt đi chỗ khác.
"Lâu rồi em chưa được thấy tuyết rơi. Anh chưa từng thấy tuyết rơi phải không?"
"Tôi thấy rồi."
"Thật sao? Ở đâu vậy?"
"Hàn Quốc."
"Anh từng đến Hàn Quốc?"
"Không. Tôi thấy trên phim Hàn Quốc."
Tôi trả lời qua loa rồi chỉnh lại bàn để anh chàng xăm trổ đưa bếp với nồi lẩu lên. Ngọn lửa cháy sáng khuôn mặt, Kẹo chắp hai tay vào nhau reo lên. Mùi thơm từ nồi nước đang sôi sùng sục tỏa ra, tôi múc một ít nước húp thử rồi gật đầu:
"Rất ngon."
"Em nói mà, quán này là ngon có tiếng đấy."
Kẹo cười vui vẻ và lấy đũa gạt một nửa đĩa thịt bò vào nồi. Tôi vội vàng đưa tay ngăn lại.
"Không sao đâu", Kẹo nói, "còn nhiều lắm. Anh cứ ăn thoải mái, đừng tiếc cho túi tiền của em."
"Cậu nói vậy thì tôi không khách sáo nữa."
"Phải thế chứ. Em cũng đói sắp chết luôn rồi."
Kẹo gắp đầy thịt vào bát cho tôi, tôi không ý kiến gì ăn một cách ngon lành. Lần đầu tiên mà tôi ăn lẩu ngoài trời, một trải nghiệm không lạ nhưng lại hoàn toàn mới.
Cồn cháy rất nhanh, phút chốc Kẹo lại phải gọi thêm. Tôi kéo thanh điều khiển bếp cho lửa nhỏ lại, tôi muốn từ từ thưởng thức để cảm nhận. Kẹo lẳng lặng nhìn nồi lẩu đầy vẻ suy tư rồi nói:
"Những ngày đi du học, em vẫn luôn thích được ăn lẩu như thế này. Vừa ấm áp vừa ngon miệng."
"Lẩu ở bên Hàn Quốc cũng rất phổ biến", tôi nói, "ẩm thực của họ khá đa dạng."
"Thật ra, em chưa từng nói với anh là em đi du học ở Hàn Quốc", Kẹo nhìn tôi mỉm cười, "vì sao anh lại biết?"
Tôi lặng người không đáp. Kẹo thì thầm:
"Anh biết thông qua văn phòng khoa của trường phải không?"
Đúng là vậy. Tôi biết Kẹo đi Hàn Quốc nhờ một anh làm công tác sinh viên trong trường. Qua sự giúp đỡ của Thất Thất, tôi còn biết được địa chỉ phòng trọ của Kẹo. Ngày đó, tôi đã đến Hàn Quốc giữa mùa Đông tuyết rơi.. lạnh lẽo..
Kẹo nắm lấy bàn tay tôi, đôi mắt trùng xuống mang một nỗi buồn man mác:
"Tam Lục.. anh có gì muốn hỏi em không? Về khoảng thời gian đó.."
Tôi lắc đầu thở dài. Bàn tay tôi đưa lên khi hạt mưa bắt đầu rơi xuống:
"Thật ra, tôi đã cầu hôn cô ấy."
Tôi đưa Kẹo về. Ngoài kia mưa ngày một lớn. Mưa làm không gian thêm mờ mịt, nhạt nhòa ô cửa kính. Kẹo nói muốn qua bệnh viện, tôi không hỏi, chỉ im lặng lái xe. Khi đến nơi, Kẹo đưa cho tôi một túi nhỏ, bên trong là năm quả táo Kẹo đã mua ở siêu thị. Kẹo chào tôi rồi vội vã bước vào màn đêm, tấm thân nhỏ bé băng qua những hạt mưa, nhỏ dần, mờ dần rồi ẩn khuất sau cánh cổng rộng lớn.
Tôi nhìn năm quả táo được đặt bên cạnh.
Tiếng mưa rơi đều đều bên tai.
Cách đây không lâu, Trần Hi từng nói một điều cho tôi biết về những quả táo mà tôi được tặng. Trong tiếng Hàn Quốc, 사과 (sagwa) ngoài mang nghĩa là quả táo, nó còn được hiểu theo một nghĩa khác nữa.
Lời Kẹo muốn nói với tôi. Sau cùng, đó lại là lời xin lỗi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT