Đường phố đông đúc và ồn ào hơn trong giờ cao điểm. Từ lâu, tắc đường đã trở thành một nét đặc trưng không thể thiếu, đi kèm với những món ăn, những công trình lịch sử có từ lâu đời của Hà Nội.
Dừng xe trước một ngã tư đèn đỏ, tình cờ tôi nhìn thấy một cửa hàng bán hoa ở bên đường. Không chút phân vân, tôi lái xe đến đó. Chị chủ tươi cười chào đón, mời tôi vào bên trong.
Cửa hàng không lớn nhưng có rất nhiều các loại hoa khác nhau. Tôi xem qua một lượt rồi chỉ tay vào một bó hoa hồng, thứ mà tôi vẫn thấy các cặp đôi gửi tặng cho nhau. Trước giờ, có lẽ tôi chưa từng tặng cho Tiểu Hồ một bó hoa nào cả.
Tôi thích sự mới mẻ của màu vàng, nhưng chị chủ lại nói:
"Nếu tặng người yêu thì nên dùng màu đỏ. Màu vàng sẽ phù hợp hơn nếu tặng cho khách hàng hoặc đối tác quan trọng."
"Lạ vậy?", tôi ngạc nhiên hỏi lại, "hoa mà cũng quy định với đối tượng nữa à?"
"Cậu không biết?", chị nhìn tôi đáp, "mỗi loại hoa đều mang trong nó một ý nghĩa khác nhau. Ở đám tang người ta thường sẽ dùng hoa cúc, hoa huệ trắng, ngược lại trong đám cưới thì lựa chọn sẽ là hoa hồng, hoa lan, cẩm tú cầu."
"Vậy còn người bệnh?"
"Ở đó đó."
Chị đưa tôi ra bên ngoài vỉa hè, chỉ vào những bông hoa hướng dương đang nở:
"Hoa hướng dương là đại diện của mặt trời, luôn quay mặt về ánh sáng. Nó mang biểu tượng của một sức sống mãnh liệt, may mắn, bình an. Ngoài ra, nếu tặng cho người mình thương thì nó cũng mang ý nghĩa của một tình yêu chung thuỷ."
Tôi hoàn thành giao dịch với đóa hoa hướng dương khổng lồ trên tay. Sự thay đổi thời tiết đột ngột đã khiến Tiểu Hồ mới về nước đã bị ốm phải nhập viện điều trị.
Chiều hôm qua, tôi có mặt ở sân bay để đón Tiểu Hồ. Sân bay là một nơi khá đặc biệt. Nói nó đặc biệt bởi trong lịch sử tồn tại của mình, sân bay là nơi chứng kiến biết bao cuộc chia ly và hội ngộ. Vui mừng có, đau buồn có. Nụ cười có, và giọt nước mắt cũng có. Những giây phút bịn rịn, những bước chân không nỡ rời, những cánh tay đưa lên chào tạm biệt, và cả những cái ôm siết chặt trong vòng tay ai đó.
Một thời gian ngắn không có Tiểu Hồ bên cạnh, tôi đã nhận thấy bản thân mình lệ thuộc vào Tiểu Hồ như thế nào. Nó giống như một kiểu định luật mà tôi đã từng học qua trong bộ môn Sinh học. Theo đó, khi một sự vật, hành động lặp đi lặp lại tác động vào trong não bộ của chủ thể, sẽ hình thành nên những tác động thần kinh gọi là phản xạ có điều kiện. Chính vì lẽ đó, việc ngôi nhà của mình thiếu đi giọng nói, tiếng cười và hình ảnh của Tiểu Hồ khiến tôi cảm thấy thật trống vắng.
Trên bảng điện tử, số hiệu chuyến bay của Tiểu Hồ đã hạ cánh được gần mười lăm phút. Tiểu Hồ chỉ gửi cho tôi một tin nhắn ngắn gọn.
"Em đáp rồi, anh tìm em đi."
Trong sảnh chờ lớn hàng trăm con người, việc tìm được Tiểu Hồ đâu phải chuyện đơn giản. Nhiệm vụ có vẻ bất khả thi. Ít nhiều gì thì phạm vi khoanh vùng của tôi cũng là rõ rệt. Không giống như lần Tiểu Hồ đi ăn tiệc uống say rồi gọi tôi ra đón. Tôi hỏi ở đâu thì Tiểu Hồ chỉ miêu tả đang đứng cạnh cây bằng lăng nở hoa tím, gần đó có thêm một chiếc taxi đang đậu dưới cột đèn đường.
Vài phút hết kiên nhẫn, tôi chịu thua. Tiểu Hồ xuất hiện phía sau tôi từ lúc nào rồi. Dáng vẻ rạng rỡ, Tiểu Hồ nhảy lên, hai tay siết chặt lấy cổ, ghì tôi xuống, hai chân ôm chặt người tôi. Tiểu Hồ ghé sát tai tôi mà thì thầm rằng:
"Bất cứ lúc nào anh quay đầu lại, anh sẽ thấy em ở đó chờ anh."
Con Mập đang nằm trong phòng ngủ nghe thấy tiếng Tiểu Hồ liền kêu lớn. Nó chồm lên đẩy ngã Tiểu Hồ xuống đất, hai chân cứ vậy cào lên người Tiểu Hồ. Tôi túm lấy cái đuôi nó kéo mạnh ra. Nó quay lại nhe răng gầm gừ tôi mấy tiếng. Tiểu Hồ đột nhiên kéo tôi xuống ghế, nói là muốn ăn thịt tươi. Vừa nói, Tiểu Hồ từ từ đưa mặt lại gần, hai mắt Tiểu Hồ nhắm lại đặt lên tôi một nụ hôn. Hương thơm dịu nhẹ của một ly rượu Vang thượng hạng. Đôi môi Tiểu Hồ ngọt ngào, đỏ mọng giống như một chùm nho mới chín. Tôi run người, hai tay ôm lấy Tiểu Hồ, cả cơ thể tan ra trong sự đê mê và rạo rực. Tôi bỗng như lâng lâng trên không trung, cảm giác chơi vơi giống như một người say rượu. Từng tế bào, từng dây thần kinh vỡ ra rồi hợp lại, hợp lại rồi tan ra. Và tôi không biết mình sẽ đắm chìm vào Thiên đường này đến bao giờ, nếu con Mập không kêu lên mấy tiếng đầy vẻ hăm dọa.
"Nó sẽ táp anh thật đấy."
Con Mập đang thủ thế sẵn sàng vồ lấy tôi để cắn xé bất cứ lúc nào. Tiểu Hồ nhìn nó rồi bật cười ha hả:
"Chúng ta phải thịt nó thôi."
Hôm nay, tôi thức dậy từ bốn giờ. Nét đặc trưng trong ngành nghề của tôi luôn là về khuya đi sớm. Tôi đi khi mặt trời chưa lên, khi tôi về mặt trời cũng đã yên giấc.
Không biết từ lúc nào, Tiểu Hồ đã kéo hết phần chăn của tôi, nằm cuộn tròn lại ở bên cạnh, chỉ để mỗi khuôn mặt thò ra ngoài.
Tôi có chuẩn bị một nồi gà hầm thuốc Bắc để sẵn trên bếp. Căn chỉnh gia vị và thời gian thích hợp để khi Tiểu Hồ thức giấc, sẽ có một bữa ăn bổ dưỡng.
Tiếng lục cục trong khi thay đồ của tôi làm Tiểu Hồ thức giấc. Tiểu Hồ nói những tiếng không rõ của người đang ngái ngủ, hai tay hươ hươ trên không. Tôi rúc đầu vào vòng tay ấy nghe Tiểu Hồ thì thầm:
"Anh đi rồi về với em nhé."
Tôi ngắm nhìn gương mặt Tiểu Hồ một lần nữa rồi mới nhẹ nhàng đóng lại cánh cửa.
Bên ngoài trời lạnh. Mùa Đông Hà Nội lạnh hơn vào sáng sớm và đêm khuya. Đường phố vắng, mưa cùng sương đêm bay bay lấp lánh trước ánh đèn. Quá trưa, Tiểu Hồ cũng không liên lạc gì cho tôi cả. Tôi không nghĩ Tiểu Hồ ngủ say giấc đến vậy. Tôi gọi điện thoại, Tiểu Hồ bắt máy nhưng không nói gì, mấy giây sau tôi nghe thấy tiếng Tiểu Hồ khóc.
"Mất điện rồi anh ơi. Họ cắt điện của em rồi."
"Hai giờ chiều rồi. Anh có làm đồ ăn cho em, em dậy đi."
"Em không biết đâu. Anh mua túi chườm nóng về cho em đi. Lạnh quá em hết chịu được mất."
"Tối tan làm anh ghé mua cho em."
"Không. Luôn bây giờ cơ."
"Anh không về luôn em chết rét cho anh xem."
Tôi nói cùng lúc với Tiểu Hồ và bật cười vì câu nói trùng khớp. Tiểu Hồ lại kêu lên rồi không nói nữa. Có lẽ lại ngủ luôn rồi.
Tôi nhìn đồng hồ còn hơn ba mươi phút nữa mới đến giờ làm việc. Tranh thủ thời gian, tôi lấy xe chạy về nhà. Thấy tôi, con Mập vẫy đuôi chạy lại, miệng cắn cắn vào ống quần tôi rồi rên lên ư ử.
Hôm nay sao tự nhiên nó quý tôi vậy? Tính khí nó cũng thất thường chẳng khác gì Tiểu Hồ. Nồi gà hầm tôi làm vẫn còn nguyên chưa mở nắp. Tiểu Hồ trùm chăn kín hết người, không hở một không gian để cho oxy đi vào nữa. Hết hiểu nổi. Tôi lắc nhẹ người Tiểu Hồ. Con Mập nhảy cả lên đệm cứ vậy sủa lớn. Giật mình, tôi kéo chiếc chăn ra.
Tiểu Hồ mặt xanh ngắt, mồ hôi đầm đìa, cả người chốc chốc lại run lên trong giọng nói yếu ớt:
"Anh ơi.. em khó chịu quá.."
"Anh đây. Anh đưa em đi bệnh viện."
Tôi thở gấp, vội vàng bế thốc Tiểu Hồ lên. Sốt rồi. Người Tiểu Hồ nóng ran như lửa vậy.
Tiểu Hồ được đưa vào phòng khám, một nữ y tá nói tôi đứng chờ ở ngoài. Qua khe cửa nhỏ, tôi thấy anh Nguyễn Ngọc đang loay hoay để lấy chiếc chăn mà tôi đã quấn chặt lại với Tiểu Hồ. Tôi nghĩ làm như vậy, Tiểu Hồ sẽ dễ chịu hơn.
Khoảng nửa tiếng sau, anh Nguyễn Ngọc bước ra cùng chiếc băng-ca. Tiểu Hồ được đưa qua phòng hồi sức. Có cả một chai thuốc treo phía trên đang truyền vào cơ thể Tiểu Hồ qua cái ống nhỏ. Tôi giúp anh Nguyễn Ngọc đặt Tiểu Hồ lên giường. Thấy nét mặt Tiểu Hồ hồng hào trở lại, tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
"Sốt rét", anh Nguyễn Ngọc nói, "bệnh phổ biến trong thời tiết này. Bây giờ ổn rồi, cứ để cô ấy nghỉ ngơi là khoẻ lại."
Anh Nguyễn Ngọc dặn dò tôi về nhà mang ít đồ dùng sinh hoạt và nấu cho Tiểu Hồ một bát cháo. Anh không quên nhắc tôi quay trở lại sớm. Không có tôi, anh sợ Tiểu Hồ thức giấc lại phá cả cái bệnh viện này ra như lần trước.
Khi tôi trở lại thì Tiểu Hồ đang ngồi trên giường ăn một quả táo đỏ. Tôi đặt tay lên trán thấy nhiệt độ của Tiểu Hồ đã ngang ngửa với tôi rồi.
Tiểu Hồ có vẻ bất ngờ vì đóa hoa hướng dương tôi cầm theo.
"Anh mua hoa cho em đấy à?"
"Đẹp không?", tôi đáp, "em có biết hoa hướng dương mang trong mình điều gì không?"
"Hạt hướng dương. Cái đó ăn ngon lắm."
Tôi cốc nhẹ lên trán Tiểu Hồ, nhắc lại lời nói của chị bán hoa:
"Hoa hướng dương là loài hoa đại diện cho mặt trời, nguồn gốc của sự sống. Nó mang ý nghĩa về sức khoẻ, may mắn và bình an. Ngoài ra hoa hướng dương còn dùng để thể hiện tình cảm."
Tiểu Hồ đón lấy chiếc cặp lồng từ tay tôi rồi tự mình múc cháo ăn. Điều này trái ngược với suy nghĩ mình sẽ tỏ ra ga lăng như lúc đầu của tôi. Tôi cầm quả táo đang ăn dở của Tiểu Hồ lên hỏi:
"Ở đâu em có thứ này vậy?"
"Chính là chị gái lần trước em kể anh nghe", Tiểu Hồ nói, "chị ấy mới qua kiểm tra giúp em, còn cho em táo nữa. Trời ơi. Chị ấy đẹp lắm, bác sĩ mà em cứ tưởng là diễn viên không à."
Lại là người phụ nữ bí ẩn ấy. Tiểu Hồ kể là cô gái đó nói là bạn của tôi và anh Nguyễn Ngọc. Tự nhiên trong đầu tôi xuất hiện một cái tên. Nhưng vì sao cô ấy có thể biết được Tiểu Hồ như vậy?
Sức khoẻ Tiểu Hồ tốt lên trông thấy. Một phút tôi trầm tư Tiểu Hồ đã ăn hết cháo. Tiểu Hồ nói thèm ăn vải, đòi tôi mua cho. Bây giờ là giữa mùa Đông, mùa vải đã kết thúc từ những ngày tháng tám. Tiểu Hồ chống chế:
"Biết đâu có những cây vải ra quả muộn."
Tôi bịa ra lý do ngày mai mẹ tôi sẽ lên Hà Nội. Tôi và Tiểu Hồ đã thống nhất với nhau cuối tuần về nhà thăm mẹ. Vì sự cố này mà tôi phải tạm thời hoãn lại. Tôi nghĩ chuyện này có thể đánh lạc hướng Tiểu Hồ vì giống như tôi, Tiểu Hồ cũng sợ sẽ làm mẹ lo lắng. Tiểu Hồ bị trúng kế rồi rất nhanh lại quay về với yêu cầu lúc đầu:
"Vậy anh mua vải cho em rồi em sẽ nói đỡ anh với mẹ."
Tôi ôm đầu kêu lên một tiếng. Có điều, câu chuyện tôi mới nghĩ ra nó lại thành sự thật. Buổi tối mẹ gọi điện cho tôi. Mẹ nói tôi không chịu về thì mẹ tôi lên. Mẹ tôi lên để gặp Tiểu Hồ thôi, còn tôi thì mẹ mặc kệ, không thèm quan tâm.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT