Độ Thiên Lư thì nói phàm là bất kể việc gì cũng không thể nhìn bề nổi, dù là mắt thấy tai nghe cũng chưa chắc là đúng, kể cả có là Khổng Tử - một bậc thánh nhân. Vì thế nếu như muốn nhìn nhận một việc cho tận tường thấu đáp phải dùng tim mà cảm nhận, làm người sống không nên xốc nổi, việc gì cũng có nguyên nhân.

Độ Thiên Lư năm nay chắc cũng trạc mười bốn mười lăm, tầm tuổi của thằng bé Mạc Đĩnh Chi, chỉ có điều học tập với một người có kiến thức uyên bác về mọi mặt và tâm hồn phóng khoáng như Trần Nhật Duật khẳng định là hơn hẳn vị thầy giáo này.

Tiếp đến là Phạm Ngộ cũng cùng trang lứa với Độ Thiên Lư, cậu ta nói tuy rằng Khổng Tử vô cùng đau xót và tự trách khi phát hiện ra người học trò mà mình vô cùng thương yêu đang ăn vụng cơm, nhưng lại không lập tức trách phạt và kết tội học trò trước các môn đệ. Ông đã khéo léo dẫn dắt để người học trò ấy tự nhận lỗi, nhờ vậy mới phát hiện ra mình đã nghĩ sai mà không phạm phải sai lầm nghiêm trọng nào.

Người còn lại là Đoàn Nhữ Hài. Cậu bé này tuy còn nhỏ tuổi nhưng sau khi nghe Phạm Ngộ và Độ Thiên Lư phát biểu xong, đã ngay lập tức đưa ra kiến giải theo một hướng khác không hề trùng lặp. Cậu bé ấy nói về khía cạnh của người học trò kia, biết nhận lỗi và suy nghĩ cho thầy và các bạn là một điều hết sức đáng quý. Tuy lén lút ăn phần cơm bẩn nhưng lại không muốn thầy và các bạn nhìn thấy, ấy là âm thầm nhận khổ về mình.

Tôi cảm thấy thằng bé này vốn mang trong mình tấm lòng lương thiện, biết nghĩ theo hướng chịu thiệt, ắt hẳn sau này sẽ là một cánh tay đắc lực của thằng nhóc Thuyên.

Cả ba cậu học trò phát biểu hôm nay đều là những người tài không đợi tuổi, bèn âm thầm ghi nhớ tên họ định bụng tối nay sẽ kể lại cho Trần Khâm. Chuyến đi này tuy nhìn thấy thằng nhóc Thuyên học hành chểnh mảng nhưng ít ra chính bản thân cũng hiểu thêm được nhiều điều.

Mãi nghĩ không chú ý lớp học đã đến giờ tan tầm, các môn sinh còn nán lại với nhau để luận bàn kiến thức khi nãy, tôi và Thụy Hương thì quay gót trở về. Bỗng nhiên phía sau vang lên tiếng thằng nhóc Thuyên gọi với tới, tôi quay mặt lại thì thấy nó đã đứng phía trước tôi.

Vốn dĩ tôi đã hơi nguôi giận, lúc này bất chợt trông thấy vẻ mặt tỉnh táo của thằng nhóc này cười hề hề với mình khác hẳn với bộ dạng ngủ gà ngủ gật ban nãy, liền có chút bực tức. Tôi cau mày nhìn nó, nhỏ giọng nói:

"Con là hoàng thái tôn do tiên đế đích thân chọn lựa, sao lại không có chí tiến thủ như thế? Một lần bắt gặp vạn lần không, hôm nay con học hành lơ đễnh khiến dì thật không tài nào nghĩ tốt cho con được, trong lòng dì thắc mắc không biết có phải ngày nào đi học con cũng không tập trung như vậy hay không?"

Thằng bé gãi đầu, xụ mặt nói với tôi:

"Dù sao lúc tiên đế chọn con là hoàng thái tôn chỉ mới có mình con được sinh ra, làm sao ngài ấy biết được sau con còn có những ai tài giỏi hơn chứ?"

"Con.."

Tôi chưng hửng nhìn nó. Cũng không nghĩ ra được nó sẽ trả lời như thế này nên từ bực mình tôi chuyển sang rầu rĩ, thầm nghĩ tương lai của nước Việt có chắc chắn là nhóc Thuyên làm vua không cũng chưa thể khẳng định được. Quyết tâm hừng hực của tôi bỗng nhiên nguội tắt đi không ít.

Con lớn rồi tự có suy nghĩ của riêng mình, người làm mẹ kế như tôi muốn nhọc lòng răn dạy chính bản thân cũng thấy mình với tay quá dài.

Suy cho cùng là xuất phát từ sự kỳ vọng quá lớn, tôi lại không kìm được mà trách:

"Dì nhìn thấy trong học đường không ai là không chuyên tâm nghe lời thầy dạy, chỉ có con là lơ là. Nếu như sau này bọn họ lên làm thần tử mà người làm vua không chịu học hành thì làm sao biết được lời nào đúng lời nào sai, người nào trung người nào gian để phân biệt thị phi phải trái? Đến lúc đó nhỡ đưa ra quyết định sai lầm, hại nước hại dân thì phải làm thế nào?"

Nghe tôi nói lời này thằng nhóc Thuyên không khỏi nghĩ ngợi, nghĩ xong thì chậm rãi nói:

"Thật ra trong lũ họ thiếu gì những con bò hay chữ, học tốt không có nghĩa là sau này sẽ giúp ích được cho dân. Từ cổ chí kim cho dù là những kẻ học rộng tài cao, miệng lưỡi giảo hoạt cũng chưa chắc sẽ không vì tư lợi mà đem lòng phản trắc. Kẻ tốt hay người xấu chỉ chênh nhau ở một ý niệm. Thay vì tu học con nghĩ là một vị vua thì cũng nên tu tâm, lúc đó phân rõ thẳng ngay không sợ bị gian thần lộng quyền."

Tôi lắc đầu:

"Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó."

Tôi nói xong thì cho nó đi khỏi, lúc này có mấy người học trò ban nãy tiến đến cúi đầu chào tôi rồi cùng nhóc Thuyên sóng vai rời đi. Tôi nhìn bóng lưng nó sao mà hiu quạnh, trong lòng cũng thấy buồn phiền.

Lúc tôi định trở về thì Đoàn Nhữ Hài từ trong nhà học chạy ra, trên tay cầm mấy tờ giấy gấp gáp nói:

"Con thấy người trách mắng hoàng thái tôn, nhưng mà người trách lầm anh ấy rồi đấy ạ, thực ra trông anh ấy có vẻ không đáng tin nhưng lời thầy dạy anh ấy vẫn luôn để tâm đấy ạ!"

Đoạn lại có vẻ ngượng ngùng:

"Thật ra con cũng là do anh ấy cấp cho ăn mặc học hành mới có thể học ở đây ấy ạ!"

Tôi cầm lấy mấy tờ giấy, thằng bé ấy cũng cúi chào rồi xách tập vở chạy theo phía sau đuôi của nhóc Thuyên giống như một tên sai vặt. Tôi thầm nghĩ làm một kẻ có số má thật tốt, lúc nào cũng có một vài tên đàn em sẵn sàng chống đỡ cho mình. Tôi nhìn bộ dạng thấp bé của thằng nhóc ấy chạy nhanh thoăn thoắt, không nén được bật cười.

Chợt nhớ đến mấy tờ giấy trên tay, lật xem thì thấy bức tranh vẽ một người đàn ông mặc Hán phục, đầu đội kim quan, mặt hổ râu rồng vô cùng khí thế. Bên cạnh lại đề hai câu thơ:

"Tru Tần diệt Hạng cứu sinh linh,

Giá ngự anh hùng đại nghiệp thành."

(Đánh Tần, diệt Hạng, cứu dân chúng,

Chế ngự anh hùng, hoàn thành sự nghiệp lớn.)

Tôi ngẫm một hồi mới hiểu thằng nhóc này đang làm thơ ca ngợi Hán Cao Tổ Lưu Bang. Hán Cao Tổ nói thẳng ra thì từ một kẻ thất phu lên làm vua, thảo nào nó lại cãi nhau với tôi về việc học hành. Nhìn nét vẽ và cả giọng thơ, xem ra cũng là một kẻ yêu nghệ thuật. Lại lật xem tờ giấy bên dưới, thì thấy lộ ra mấy câu luận như sau:

"Nhan Hồi ăn vụng cơm, nhìn bề nổi thì thấy những đức tính tốt được phô bày của thầy trò Đức Khổng Tử, nhưng nhìn vào bề chìm chỉ thấy sự loạn lạc của thời đại Xuân Thu. Kẻ thống trị tranh giành nhau từng tấc đất khiến dân chúng lầm than, người người khổ cực mà lại không thấu được cốt lõi là sự no ấm của người dân.

Chỉ khi dân giàu nước mới mạnh, khi đó cũng không còn cảnh đói kém khiến thầy trò trải qua gian khổ đến mức chỉ vì một nhúm gạo không đủ no mà nghi ngờ lẫn nhau. Kẻ làm vua phải nhìn vào điều đó mà lấy làm bài học".

Tôi hết nhìn Thuỵ Hương lại nhìn về hướng nhóc Thuyên vừa đi khỏi, tại quét mắt vào tờ giấy mình đang cầm trên tay. Giật mình ngẫm lại suýt chút nữa thì bản thân trở thành một kẻ hồ đồ.

Chẳng qua chỉ là vài câu tuỳ tiện, chữ viết nghuệch ngoạc khó coi nhưng tôi giống như nghe được nỗi trăn trở của con trẻ vậy. Cõi lòng bỗng chốc ấm lên, hoá ra chính bản thân suýt thì hiểu lầm thằng bé giống như Đức Khổng Tử đối với môn hạ của mình.

Tôi đem chuyện kể với Trần Khâm, anh cười bảo:

"Đi một ngày đàng học một sàng khôn, mấy lời tôi nói không có ảnh hưởng bằng việc em tự mình trải nghiệm nhỉ?"

Tôi liếc anh ta, anh ta đúng là xem mình thành một đứa trẻ con rồi.

Gác việc thằng nhóc Thuyên qua một bên thì cũng đến ngày tháng Chạp cúng ông Công ông Táo. Đây là tục thờ Ngũ tự để trả công cho năm vị thần trong nhà là Môn thần, Hộ thần, Trung lưu thần, Táo thần và Hành thần, Vua quan cúng ngày hai mươi ba, thứ dân cúng ngày hai mươi bốn và những người làm nghề chài lưới, ngư dân cúng vào ngày hai mươi lăm.

Tôi cũng chẳng biết tại sao lại có sự như thế, nhưng chị Trinh cứ nằng nặc bắt tôi phải ghi nhớ làm tôi choáng hết cả đầu, nào là cơm canh rượu nước vàng mã, nào là cau trầu thịt gà thịt lợn... Điều đặc biệt phải có ba bộ mũ áo, hài, một hoặc ba con cá chép. Tôi dứt khoát sai Thuỵ Hương tìm giấy bút ghi vào.

Sau ngày đưa ông Táo về trời cách tết âm lịch chỉ còn sáu bảy ngày phải quét tước toàn bộ phòng ốc, thường gọi là tảo trần, trảo trần để bỏ cũ đón mới, quét sạch điềm xấu. Còn phải dán cửa, dán tranh tết vân vân, rồi đi tảo mộ ông bà, xong xuôi hết thì cũng đến Tết Nguyên Đán.

Tết năm nay vừa đánh đuổi ngoại xâm, tuy kinh tế vẫn còn chưa phục hồi nhưng không khí cũng phá lệ xem như là vui vẻ nhất trong suốt hơn hai mươi năm trở lại đây.

Thông thường vào tháng Giêng mọi người đều tạm ngưng lại công việc để tham gia hội xuân, nhưng năm nay có lẽ sẽ phải tăng gia sản xuất. Dẫu sao thì tháng Chạp là tháng trồng khoai, tháng Giêng trồng đậu tháng hai trồng cà.

Học đường cũng cho các học trò tạm nghỉ để chơi tết, ở Thăng Long bình thường vốn đã nhộn nhịp nay lại càng náo nhiệt hơn, cả quý tộc cùng thường dân đều cùng nhau chơi mấy trò chơi dân gian làm rộn ràng cả con phố. Tôi nhìn cái dáng vẻ muốn chảy cả nước dãi của thằng nhóc Thuyên liền cảm giác hoàng cung sắp không giữ nỗi nó nữa rồi.

Tôi kéo bọn nhỏ chơi trò cắt giấy hoa, đúng lúc phát hiện ra thằng nhóc Thuyên đúng là một nhân tài về khoản này. Quốc Chẩn trố mắt nhìn những tờ giấy hoa mà anh trai mình vừa cắt cắt vẽ vẽ xong, trên mặt hiện lên ánh nhìn hâm mộ. Trong lòng tôi cũng vui vẻ, tự nhủ những năm về sau cũng khỏi phải cực nhọc rồi.

Năm nay Quốc Chẩn làm việc rất có năng suất. Dù sao trong hoàng thành này nó là người nhỏ tuổi nhất lại có người cha rất mát mặt là quan gia, thế nên mới có cảnh tôi ngồi đếm tiền mừng tuổi của nó mà không khép miệng lại được.

Thằng nhóc cũng háo hức ngồi một bên xem, tôi nói rằng đây là tiền để dành sau này lấy vợ cho nó nên đạt được thống nhất giữa hai bên, tâm tình thằng nhóc cũng rất tốt.

Đón giao thừa và cúng đầu năm xong, tôi và chị Trinh cũng bắt đầu sắp xếp chuẩn bị trở về Vạn Kiếp ăn cưới.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play