Cát Thăng Khanh nhặt cặp kính lên ném vào thùng rác, ngẫm nghĩ một lúc rồi lại lấy ra, bỏ tròng kính vỡ đi chỉ để lại gọng.

Đột nhiên, ngoài hành lang vang lên tiếng bước chân từ xa tiến lại, còn có cả giọng nói của Vĩnh Quý: Thăng Khanh, anh tắm xong rồi, mày có đi tắm luôn không?

Vĩnh Quý: Sao đèn lại tắt rồi? Công tắc ở đâu đấy?

Anh mò mẫm, cuối cùng cũng sờ thấy công tắc. Nhà ăn sáng đèn trở lại, Cát Thăng Khanh đang ngồi trên một chiếc tủ đông, tay đỡ lấy góc mắt.

Đó là chiếc tủ đựng đồ đông lạnh và kem của trường học.

Cát Thăng Khanh: Không sao, đèn đột ngột tắt nên em mới ngã đập đầu vào tủ.

Y ngồi trên chiếc tủ đông, muốn đuổi khéo người kia đi; thế nhưng Vĩnh Quý ngược lại thấy tò mò, nói sao thì tủ rung lắc thế kia cơ mà, hẳn là ngồi trên đó cảm giác cũng chẳng ra làm sao.

Anh quan sát Thăng Khanh: Mày ngồi đấy làm gì? Đau đầu à? Hay khó chịu chỗ nào?

Phó Vĩnh Quý muốn ghé lại gần xem nhưng bị người nọ đẩy ra; Cát Thăng Khanh dùng lực rất mạnh, suýt chút nữa đẩy anh ngã lăn quay.

Cát Thăng Khanh: Anh đi ra xem nào! Em đã bảo là không sao rồi!

Trong lòng anh bỗng chốc bùng lên một ngọn lửa giận: Làm trò gì đấy?! Ăn nói cho hẳn hoi!

Thăng Khanh giữ chặt nắp tủ, nóng lòng suy nghĩ phải làm sao mới đuổi được cái người này đi để xử lý “thứ” trong tủ; thấy y không đằng hắng gì, ngọn lửa trong bụng Vĩnh Quý càng bùng lớn hơn, tính làm đến cùng mới thôi.

Anh tựa người vào chiếc bàn gần tủ đông, cầm lấy hộp thuốc trên bàn đốt một điếu, mặt mày ủ rũ nhả khói ra ngoài.

Vĩnh Quý: … Mày nói thật đi, có phải mày không mong anh về không?

Cát Thăng Khanh: Không mà. Anh hiểu lầm rồi.

Vĩnh Quý: Anh biết giờ mày khác xưa, thành thầy giáo rồi, bảng tuyên truyền đâu đâu cũng dán ảnh mày, thanh niên ưu tú này nọ, mặc vest đeo kính bảnh bao. Nghĩ lại mà xem, nếu anh là mày thì chắc cũng sẽ vạch rõ ranh giới với những chuyện ngày xưa thôi.

Vĩnh Quý nhìn ra cửa sổ, mưa nhỏ dần, chắc cũng sắp ngớt rồi: Thôi, anh cũng không ở lại đây nữa để mày khỏi phải mất ngủ. Anh chỉ định về xem mày sống thế nào, chứ không định ăn bám chú mày đâu…

Vĩnh Quý: Tiền với quần áo sau anh sẽ trả mày, không quỵt đâu khỏi lo.

Cát Thăng Khanh: Anh có thôi đi không? Em đâu có nói chuyện này! Kiểu gì thì em cũng sẽ nghĩ cách giúp anh, chuyện đã qua lâu thế rồi ai lại đào nợ cũ lên nữa?

Phó Vĩnh Quý ném điếu thuốc đi, lao về phía người ngồi trên tủ, móc tiền trong túi ra nhét lại vào tay người kia.

Vĩnh Quý: Hôm nay anh trả luôn, chúng ta không ai nợ ai hết!

Cát Thăng Khanh không chịu nhận, hai người dùng dằng xô đẩy y như đang giành nhau trả tiền trong quán ăn, anh gắt lên: Làm cái gì đấy? Mau cầm đi!

Vĩnh Quý: Anh giờ vô dụng với mày rồi, tối nay coi như là anh mày sáng mắt ra rồi!

Cát Thăng Khanh: Anh ngồi tù lâu quá nên đầu óc mụ mị rồi phải không? Em….

Bỗng dưng, giọng y đột nhiên ngừng lại; bên ngoài nhà ăn tối thui có một bóng người nhỏ bé chẳng biết đã đứng đó từ khi nào, nó nghiêng đầu, khuôn mặt hiện rõ sự ngờ vực và bất an.

Cô nhóc Chu Tiểu Thu đã tỉnh, chạy ra khỏi phòng ký túc xá, kết quả là bắt gặp cảnh hai người trong nhà ăn đang lôi kéo xô đẩy nhau.

Cả hai ngay tức khắc dừng tay, vội vàng nở nụ cười xoa dịu không khí. Cát Thăng Khanh xuống khỏi tủ, chạy đến trước mặt con bé nhẹ giọng nói: Tiểu Thu sao thế? Dậy đi vệ sinh hả?

Chu Tiểu Thu lắc đầu, lo lắng nhìn chằm chằm vào vết thương trên mặt thầy: Lê Tử Huân bảo muốn ăn kem, không ăn thì không ngủ được.

Cát Thăng Khanh: Thầy nói rồi mà, mỗi ngày chỉ được ăn một que thôi, ăn nhiều là mập đấy, lại còn sâu răng nữa.

Nói rồi y quay lại hỏi Phó Vĩnh Quý: Nếu con không tin thì thử hỏi thầy đó xem. Vĩnh Quý, anh nói có phải khô….

Y quay đầu lại, ngay lập tức nhìn thấy cảnh tượng khiến máu trong người mình như đông cứng lại – Phó Vĩnh Quý mở nắp tủ đông, định lục tìm kem cho đứa nhỏ.

Ngay sau đó, động tác của Vĩnh Quý khựng lại, sập vội cửa tủ xuống rồi ngồi lên nắp tủ giống như Cát Thăng Khanh ban nãy: Hết kem rồi, ăn hết rồi.

Chu Tiểu Thu không tin, vòng qua người thầy mình đi tới: Rõ ràng hôm qua còn nhiều lắm mà, chắc chắn là chú không thấy, để con tự tìm.

Vĩnh Quý: Không đừng đừng đừng! Nhóc mau đi ngủ đi! Mau quay về ngủ!

Chu Tiểu Thu loạng choạng chạy tới, Phó Vĩnh Quý nào dám cho con bé đến gần, tay giơ lên sẵn rồi mà không dám đẩy nó; Cát Thăng Khanh vừa nói khuya rồi vừa từ bên cạnh lao tới xách con bé lên, kẹp vào nách rồi đi về hướng phòng ký túc xá: Nửa đêm nửa hôm không đi ngủ, giờ chạy buổi sớm ngày mai chạy thêm ba vòng sân cho thầy!

Hành lang tối thui vang lên tiếng đóng cửa, sau đó liền im ắng trở lại; rất nhanh, Cát Thăng Khanh quay về nhà ăn, đánh mắt với anh.

Ánh mắt hai người giao nhau, cùng lúc gật đầu; sau đó Phó Vĩnh Quý từ trên tủ nhảy xuống, rút dây điện ra rồi mỗi người một bên bê tủ đông xuống tầng.

Vĩnh Quý: … Cái đéo gì xảy ra thế?

Thăng Khanh lắc đầu: Em không biết, bọn nó đánh lén em, toàn đòn trí mạng thôi, em không dừng được, thế… thế là….

Phó Vĩnh Quý hai mắt sáng lên, thả tay ra làm cho tủ đông đập bộp xuống bậc thang, nói: Bọn nó chủ động đánh? Thế ngon! Coi như là mày phòng vệ chính đáng, mình báo cảnh sát là xong chuyện!

Cát Thăng Khanh lắc đầu cật lực: Không được! Anh Vĩnh Quý, mau bê đi thôi, phải xử lý ngay trong đêm nay!

Vĩnh Quý: Tại sao?

Cát Thăng Khanh: Ngày mai có lãnh đạo ở huyện đến thăm trường! Bàn ghế nước nôi năm nay của bọn nhỏ có được cải thiện không phụ thuộc hết vào lần này đấy! Không được để xảy ra án mạng!

Thực ra vừa nãy y đánh cho hai chị em nọ bị thương thôi cũng được, nhưng cứ nghĩ đến chuyện ngày mai lãnh đạo đến thăm bèn quyết tâm không thể để bất cứ chuyện gì gây rối, thế nên mới một phát dứt điểm luôn.

Hai người bê tủ đông ra khỏi dãy phòng học, chuẩn bị tìm chỗ chôn; nhưng chưa đi được mấy bước, Cát Thăng Khanh ngẩng đầu, chẳng biết đã nhìn thấy gì mà đứng khựng lại cắn môi.

Lần này đến lượt Phó Vĩnh Quý giục y: Đi thôi còn đứng đấy làm gì!

Thăng Khanh lắc đầu: … Không được rồi, anh nhìn lên tầng mà xem.

Trong căn phòng ký túc xá tầng hai, khuôn mặt nho nhỏ của bọn trẻ dán vào cửa sổ, tò mò nhìn xuống hai người ở bên dưới, chúng tưởng Phó Vĩnh Quý là thầy giáo mới đến đây. Nơi này hầu như không có người lạ đến, thế nên bọn nó có vẻ phấn khích lắm, hơn chục đôi mắt sáng ngời nhòm họ cười ngây ngô. Phó Vĩnh Quý gượng gạo vẫy tay với lũ trẻ.

Hai người họ chỉ còn cách bê tủ trở lại trên tầng.



Tám giờ sáng, tất cả giáo viên, học sinh của trường Bạch Sơn đều đứng đợi ngoài cổng, ba mươi phút trôi qua, một chiếc xe công đầy bụi bặm đỗ xịch trước cổng trường.

Thầy giáo Cát Thăng Khanh ngay lập tức vỗ tay mở màn, nhiệt liệt hoan nghênh lãnh đạo đến thăm. Mấy năm nay, ngành giáo dục của huyện muốn vươn lên, chủ tịch huyện họ Kiều đã nhắc đi nhắc lại chuyện này mấy tháng nay rồi.

Vừa xuống xe, chủ tịch huyện Kiều Chân túm tay thầy Cát lắc thật lực, đám người đi theo lập tức lấy máy ảnh ra chụp lại cảnh này.

Kiều Chân: Thầy Cát đúng là thanh niên gương mẫu, thi đỗ vào trường Đại học ở thành phố lớn nhưng tốt nghiệp xong vẫn quay lại huyện ta, hoàn thành nghĩa vụ chức trách của nhà trường, là hy vọng của nền giáo dục huyện Bạch Sơn chúng ta trong tương lai!

Kiều Chân nhìn mọi người xung quanh – bọn trẻ đứa nào đứa nấy cũng lanh lẹ hoạt bát, còn có một người đàn ông có khuôn mặt tròn mũm đứng đằng xa.

Kiều Chân: Thầy Cát này, chẳng phải thầy bảo mãi vẫn chưa tuyển được thêm giáo viên sao? Sao lại tuyển được rồi thế kia?

Cát Thăng Khanh: Đó là giáo viên thể dục ạ.

Thư ký đi theo Kiều Chân tiếp lời phụ hoạ: Tốt, tốt lắm, ngành giáo dục của huyện Bạch Sơn chúng ta hôm nay đã tiến thêm một bước từ không lên một rồi!

Đám người lại bắt đầu vỗ tay. Thư ký ra hiệu cho thầy Cát, nói rằng bác chủ tịch thích nhất là xem bọn trẻ bừng bừng sức sống học tiết thể dục đấy!

Một đoàn người hết dạo khuôn viên lại đến dãy phòng học, dọc đường đi máy ảnh nhấp nháy không ngừng. Lúc đến nhà ăn, Cát Thăng Khanh vốn định mau chóng lướt qua nhưng Kiều Chân lại dừng bước, muốn xem ngày thường bọn trẻ được cho ăn những gì.

Thầy Cát nhìn về phía thư ký, người kia bèn hiểu ý ngay: Chủ tịch, phải một lúc nữa mới đến giờ ăn của tụi nhỏ.

Kiều Chân: Ừ nhỉ, tôi quên mất tiêu. Mà thực đơn bữa trưa là gì thế? Tôi nhớ có nhà dân làm nghề bán buôn từng ủng hộ một lô đồ ngọt với nước giải khát lạnh nhỉ, bọn trẻ đều thích hết chứ?

Cát Thăng Khanh: Thích lắm ạ. Thế mà chú vẫn còn nhớ.

Kiều Chân: Chuyện của bọn trẻ chú nhớ chứ! Chẳng phải có nhà nào đấy bán thịt quyên tặng cho cái tủ lạnh phải không? Ở đâu thế? Ta qua chụp tấm ảnh chứ nhỉ.

Cát Thăng Khanh nở nụ cười không hề lộ sơ hở: Tủ lạnh để ở phòng nước, cháu sợ đi đi lại lại mất thời gian lắm. Chúng ta qua phòng học tiếng Anh chụp ảnh trước rồi giờ giải lao hẵng quay lại chụp nhà ăn nhé?

Kiều Chân đang định gật đầu thì bỗng nhiên người thư ký gỡ miếng vải ở góc tường ra: Thầy Cát, thầy lấy ga giường bọc tủ lạnh lại làm gì thế? Còn khoá lại nữa chứ?

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play