Thùy ngồi phía cuối giường, mái tóc buông bờ vai gầy, dáng người thon gọn, vẻ mặt buồn như đã từng trải qua nhiều khổ đau.
Thùy thấy khoé mắt ông Tuấn hai lần ngấn lệ. Nước mắt cô tự ứa ra cháy dài xuống má, môi cô mặn chát. Cô lo lắng. Ông Tuấn đã hôn mê hơn ba tuần rồi. Nước mắt ông ứa ra như thế là dấu hiệu xấu hay tốt. Cô gọi bác sĩ Phúc ngay.
"Tốt em, có thể anh ấy sắp tỉnh. Anh ấy khóc chứng tỏ bắt đầu có cảm xúc, buồn hoặc vui. Anh ấy đang dần hồi phục. Các kỹ niệm, ký ức buồn vui lộn xộn được hồi phục và sắp xếp lại.
MRI não tốt, các máu tụ đã tan gần hết. Em yên tâm nhé! Tí anh sẽ khám lại."
"Em cám ơn anh lắm!"
Cuộc đời cô là một chuỗi nỗi buồn. Chỉ có một đoạn ngắn hạnh phúc mấy năm trong tình yêu đầu tiên với Tuấn. Người thanh niên nghèo của một vùng quê gió cát nhưng có một tâm hồn trong sáng, một tấm lòng rộng mở, ông có nghị lực. Nhưng sao mẹ cô lại không thấy cái tốt ở ông mà chỉ thấy trước mắt lúc ấy ông chẳng có gì cả. Thùy đâu biết là bà Thanh, mẹ cô có bao mối dằn vặt riêng tư.
* * *
Sau khi rời làng trong khổ nhục, bà Thanh không dám ngẩng lên nhìn mặt ai từ khi mang bầu thằng bé Lợi. Luật bất thành văn của làng quê thật khắc nghiệt với đàn bà không chồng mà chửa như bà. Không ai có thể sống nổi với ánh mắt khinh khi, những câu đàm tiếu, những lời cảm thông móc mé của người đời.
Bà không dám về lại làng.
Nhưng qua một người thân bà biết cha Lợi chết do bị cây ngã đè khi làm than trong rừng. Bà biết nhiều người bị nạn như vậy, nhưng cái rủi này sao lại cay nghiệt giáng xuống nhà ông, thằng Lợi sẽ ra sao!
Lúc đó, bà đã sanh Thùy được một năm. Gia đình bà cũng rất khó khăn, sống lay lắt ở thành phố, làm đủ việc qua ngày tháng.
Rồi thằng Lợi vào cô nhi viện. Bà lân la làm quen với các Xơ ở đó. Lúc rảnh bà vào quét dọn, lau chùi nhà cửa. Bà không được phép chăm trẻ, vì bà chỉ làm công quả một tháng một hai ngày. Bà nhìn Lợi từ xa, lẫn trong đám trẻ đông đúc, nuốt nước mắt vào trong. Bà bất lực. Thằng bé Lợi ốm yếu quá, nhút nhát quá chắc bị những đứa khác hiếp đáp. Làm sao nó sống nổi trong trại trẻ đông đúc, chật chội, thiếu thốn như thế này. Nó èo uột, bủng beo quá. Tội bà lớn quá. Bà biết làm gì. Nếu nó có mệnh hệ gì, thì..
Thật phúc đức cho nhà bà khi Lợi may mắn được nhận làm con nuôi. Mong sao nó gặp được người tốt, đời nó đỡ khổ, thì tội của bà nhẹ đi.
Khi Lợi về với nhà Phiến Phấn, ngày mỗi có da thịt hơn, họ không có con, bà mới tạm yên lòng. Bà cũng chỉ dám nhìn Lợi từ xa, bà không đủ can đảm, hay bà lo sợ gì đó..
Thời gian qua đi, ngày Lợi vào lớp một, thằng bé xúng xính trong bộ đồ mới, áo trắng ngắn tay, quần sooc xanh, tay xách cặp, mặt rạng ngời. Đôi mắt tròn to đen láy giống đôi mắt của bà, sóng mũi cao thanh tú. Nó, Lợi bây giờ là Tân cùng với Hoàn, Tánh học chung một lớp. Ba đứa chơi thân với nhau gần một năm từ lúc học mẫu giáo. Qua bà Thoa bà gửi ba phần quà đầu năm học mới cho ba đứa trẻ. Bà không giàu có gì lúc đó, nhưng bà cố gắng để con trai bà giống những đứa trẻ khác.
Sau đó, như thành lệ đầu năm học và Tết đến bà gửi bà Thoa cho ba đứa những phần quà giống nhau. Bà mua những sách, truyện, thơ hay để ba đứa cùng đọc..
Thời gian dần trôi, yên ổn, Tân vào đại học sư phạm..
* * *
Không biết kiếp trước bà gây ra nghiệp chướng gì mà kiếp này bà gặp nhiều đau khổ.
Chuyện thằng bé Tân tạm yên lòng bà thì Thùy, con gái út thương yêu của bà lại gặp thằng Tuấn. Hai đứa tâm đầu ý hợp, yêu đương mặn nồng.
Gần ngày tốt nghiệp đại học, chúng nó muốn chính thức ra mắt gia đình bà. Khi Thùy cho biết quê quán Tuấn ở làng Hòa L, xã Đức T, huyện Đức L. Bà như chết lặng. Oan nghiệt cứ bám riết lấy bà không tha.
Bà không thể về làng..
Gia đình của thằng Tuấn khi biết Thùy là con gái bà họ có chịu cưới con bà không?
Sao mà oái ăm, cả mấy triệu người trong thành phố đông đúc này, cả ngàn sinh viên trong trường đại học, hàng chục ngàn thanh niên cùng tuổi với Thùy, nó lại không gặp ai mà gặp rồi yêu thằng Tuấn không biết nữa.
Bà không thể cho chúng lấy nhau. Tiếng xấu ô nhục của bà ở làng sẽ làm thằng Tuấn và họ hàng nó coi khinh Thùy và gia đình bà, làm sao con bà có hạnh phúc.
Chưa nói đến việc thằng Tuấn cũng nghèo làm sao đảm bảo cuộc sống. Mà khi thiếu thốn mọi bề, tình yêu thơ trẻ sẽ dễ rạn nứt khi gặp thực tế cuộc sống khó khăn. Khi đó, cuộc sống hôn nhân dễ bị moi móc những điều tiếng cũ..
Ôi, không thể, không thể!..
Thế là bà ngăn đôi trẻ đến với nhau. Hy vọng đó như là tình học trò, sẽ dễ dàng phai nhạt theo năm tháng và khoảng cách xa xôi khi Tuấn ra trường về quê.
Gia đình ông bà Xuân Bích, bạn của nhà bà gần mười năm nay là một doanh nghiệp xây dựng có cậu con trai hơn Thùy một tuổi rất yêu Thùy từ lâu. Cậu ấy sẽ tiếp quản công ty của bố, một tương lai sáng sủa và bảo đảm. Bà quá sợ cái nghèo. Nếu Thùy lấy Tuấn, tụi nó sẽ nghèo, tương lai sẽ ra sao. Bà đã trải qua hơn nửa cuộc đời để thấm thía cái nghèo, cái đói đã hủy hoại nhân cách, đạo đức, phẩm giá, và cả tình yêu thơ mộng đẹp đẽ cũng không là ngoại lệ. "Một túp lều tranh hai quả tim vàng" giờ chỉ còn trong tiểu thuyết.
Năm đầu, bà cũng đau lòng khi Thùy héo úa, buồn khổ, thao thức khi xa Tuấn. Nhưng dần dần, thời gian, công việc cùng với việc Tuấn không liên lạc, gặp gỡ cũng làm Thùy vơi đi nỗi buồn. Trung, con trai ông bà Xuân Bích có cơ hội đón đưa, đến nhà bà gần như mỗi ngày. Hai gia đình thân nhau, đôi trẻ được thuận lợi gặp nhau. Mới đầu Thùy miễn cưỡng, dần dần có tình cảm tốt hơn nhờ sự kiên nhẫn của Trung và sự vun đắp của hai gia đình.
Khi trước, lúc bà không muốn Thùy lấy Tuấn, nhưng bà không cấm ngay, bà sợ con gái bà sốc, bà chỉ mong muốn Tuấn có công việc và một tương lai chắc chắn bảo đảm cho Thùy thì hãy nói chuyện cưới xin. Nhưng bà biết trong thời buổi khó khăn, một thanh niên hai lăm tuổi trắng tay, học tổng hợp toán làm sao gây dựng được sự nghiệp. Sự tự ái của Tuấn khi không làm nên trò trống cộng với khoảng cách và thời gian rồi tự hai đứa xa dần nhau. Bà mong thế, và chắc chắn như thế.
* * *
Ngày ông Tuấn cưới Hoàng, Thùy biết.
Cô vẫn dõi theo ông. Biết ông gần bốn mươi vẫn chưa lập gia đình, cô thấy mình có lỗi. Vì cô, cô biết thế. Ông mãi một mình, gặm nhấm nỗi buồn vì cuộc tình của cô và ông. Ông lao vào làm việc, có thể vì muốn quên đi tất cả. Cô muốn ông lấy vợ, để tội lỗi phụ tình của cô với ông vơi bớt đi phần nào. Nhưng ngày ông lên xe hoa lòng cô đau thắt. Cô ích kỷ sao. Cô phải mừng cho ông chứ. Từ đây, ông có người đầu gối tay ấp, lo cho ông miếng ăn giấc ngủ, thuốc thang khi trái gió trở trời.
Thế mà cô lại buồn, lại đau. Cô khóc trong quán vắng một mình!
Khi đó cô đã lấy Trung, con trai ông bà Xuân Bích gần mười hai năm, có hai con. Bề ngoài, gia đình cô thật lý tưởng. Vợ chồng không một lần lớn tiếng, kinh tế vững vàng, con trai con gái khỏe, ngoan. Hai gia đình sui gia vui vẻ.
Thế nhưng, trong lòng cô không yêu Trung và Trung cũng biết vậy. Trung quá yêu Thùy trước đó. Khi Thùy xa Tuấn mới có cơ hội cho Trung chinh phục Thùy. Trung nghĩ, thời gian, gia đình sẽ làm cho Thùy quên Tuấn. Trung tự tin tạo dựng một gia đình hạnh phúc với Thùy. Vậy mà, lòng cô ấy còn góc khuất không khơi mở được.
Cuộc sống vợ chồng không tránh khỏi lúc buồn vui, lúc mệt mỏi, căng thẳng bao vấn đề, từ nuôi dạy con cái, ứng xử trong xã hội luôn có bất đồng..
Khi va chạm, nóng nảy thì không kiểm soát lời nói thoát ra, nhất là khi có hơi men bia rượu Trung nặng lời, xỉa xói. "Cô lấy tôi vì tiền." "Nhà cô lợi dụng gia đình tôi." "Cô mà lấy thằng khố rách đó chỉ có nước ăn mày, chứ có được như giờ nhà cao cửa rộng, xe đón xe đưa."
"Anh chửi rủa tôi sao cũng được vì tôi là vợ anh, đã sai lầm khi lấy anh. Nhưng xin anh đừng xúc phạm anh ấy."
Lúc đó ông Tuấn đang cô đơn trôi nổi ở quê nghèo, một chân cán bộ sở điền địa lang thang.
Ông Tuấn cũng đâu biết rằng bà Thanh, mẹ Thùy là người làng của ông. Người phụ nữ lỗi lầm sinh ra Lợi, đứa con trai ngoài giá thú và đã bỏ làng ra đi gần năm mươi năm trước. Ông có nghe tin Linh từ Mỹ về thăm chú ruột đột quỵ và đi tìm Lợi, đứa em trai út thất lạc khi anh em lìa xa sau ngày cha Linh mất trong rừng. Trước đây, mỗi lần về làng ông đều thăm và ở lại nhà chú của Linh.
* * *
Ông Linh sau bốn tuần về nước, ông đã về thăm lại làng quê, thăm gia đình chú thím, gặp hai em Long và Lanh. Long là một biểu hiện của sự chán nản, làm bạn với rượu. Nó không muốn gặp ông. Nó trách ông, tại sao ngày cha mất, ông cũng bỏ đi.
"Cuộc đời của một người do chính bản thân người đó quyết định. Dĩ nhiên, mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, dòng đời đẩy đưa, tự mình phải thích nghi và vượt qua, tự mình chịu trách nhiệm với bản thân, chứ trách móc hoàn cảnh, đỗ thừa cho người khác thì sẽ không thể làm gì được." ông nói với các cháu của mình. "Bác cũng đã vượt qua biết bao nghịch cảnh, giờ cũng đang làm việc, con còn nhỏ, chưa được nghĩ ngơi. Còn chú Lợi của các cháu, vào cô nhi viện, giờ chưa biết ở phương trời nào, còn sống hay đà mất. Ngày mai bác phải trở lại Mỹ.." Ông lấy khăn giấy thấm nước mắt ứa ra trên khóe mi. Ông đã trở lại nhiều lần các nơi quanh cô nhi viện, nhưng những nổ lực của ông cũng chưa có một manh mối nào về Lợi. Việc tìm Lợi giờ ông thấy như mò kim đáy biển, gần năm mươi năm, biển đời đổi thay. Về làng, ông cũng có hỏi thăm thông tin về gia đình bà Thanh, mẹ đẻ của Lợi, nhưng không có thông tin gì về họ cả. Bà Thanh không trở lại làng lần nào kể từ ngày đó.
* * *
Bà Thanh nằm lúc tỉnh lúc mê. Tay phải luôn nắm chặt cuốn kinh dày bằng cuốn sổ tay nhỏ.
Trong phòng máy lạnh chạy rì rì êm dịu, yên ắng.
"Thùy, con gọi thầy Tân cho mẹ." Bà thều thào trong hơi thở khó nhọc. "Đến gấp nhé."
Khi thầy Tân đến, bà Thanh nhìn anh, nước mắt chảy thành dòng ướt đẫm hai má. Bà nhìn anh, đằm thắm yêu thương, như người mẹ lúc lâm chung. Bà đưa cuốn kinh bằng cuốn sổ tay nhỏ mà bà luôn nắm chặt cho anh. Bà lấy tay Thùy đặt trong tay anh gửi gắm như hôm ở bệnh viện cách đây gần ba tháng. Bà mấp máy môi trong nổ lực muốn nói điều gì đó nhưng không nói được..
Mắt bà từ từ nhắm lại, hơi thở, mạch đập yếu dần, yếu dần..
Anh gật đầu, nắm chặt tay Thùy và tay bà trong hai tay mình..
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT