Sau những tháng cuối năm Kỷ Tị tất bật hoàn thành những công đoạn xây dựng cuối cùng, đồng thời chuyển toàn bộ người và tài vật sang kinh thành mới, thì mùa xuân năm Canh Ngọ chính là mùa xuân đầu tiên Hoàng tộc họ Đinh cùng văn võ bá quan tổ chức đón tết ở Kinh đô Hoa Lư mới. Cũng từ đây, người dân Đại Cồ Việt đã chính thức có một kinh đô bề thế, khang trang, được xây dựng quy củ để hướng về.
Họ Đinh ban lệnh phát chẩn lương thực cho người nghèo, miễn tô thuế trong ba tháng và ban bố lệnh đại xá để người dân mở hội ăn mừng khắp nơi.
Cũng mùa xuân năm này họ Đinh quyết định lấy niên hiệu là Thái Bình năm thứ nhất và đúc tiền xu Thái Bình Hưng Bảo để tiện cho việc giao dịch trong cả nước.
Ngày rằm tháng giêng năm Canh Ngọ, triều đình long trọng tổ chức lễ tấn phong Hoàng Hậu cho năm người vợ của họ Đinh. Gồm có Dương Nguyệt Nương phu nhân, Đinh Nương, Nguyễn Thị Sen, ta và Hoàng Thị Lan phu nhân.
Hoàng Thị Lan phu nhân chính là thân mẫu của Phò mã Ngô Nhật Khánh!
Vốn dĩ cho tới cuối năm Kỷ Tị, họ Đinh chỉ có bốn người vợ, chính là không có Hoàng Thị Lan phu nhân. Nhưng sau khi nhận được lời tư vấn từ Khuông Việt đại sư, nhằm thắt chặt mối thâm tình với phò mã trẻ Ngô Nhật Khánh khi đó vẫn chưa thực toàn tâm toàn ý phò tá nhà Đinh, họ Đinh đã thu nhận người mẹ góa của Ngô phò mã làm người vợ lẽ thứ năm của mình. Rồi mùa xuân năm Canh Ngọ, cứ theo đó mà phong liền năm Hoàng hậu. Dương Nguyệt Nương phu nhân được phong làm Đan Gia Hoàng Hậu; Đinh nương làm Trinh Minh Hoàng Hậu, Kiểu Quốc Hoàng Hậu chính là Hoàng Thị Lan phu nhân; ta và nàng Sen lần lượt là Cồ Quốc và Ca Ông Hoàng Hậu.
Hậu cung của các Hoàng hậu cứ theo tên tấn phong mà đặt.
Giữa năm Hoàng hậu thực ra mà nói không có thứ tự cao thấp. Vì vốn dĩ người vợ cả chính thức của họ Đinh là Đặng Thị phu nhân đã qua đời từ lâu rồi. Hiện thời năm Hoàng hậu về lý mà nói, đều chỉ là vợ lẽ. Chịu trách nhiệm cai quản chung ở Hậu cung là Đan gia Hoàng Hậu, còn lại các Hoàng hậu khác, cứ theo thứ tự tuổi tác mà ứng xử với nhau.
Về cơ bản thì Cung của ai người nấy quản. Những công việc chung của Hậu cung như chi tiêu, quản lý kẻ hầu, người hạ, trang phục của người trong cung.. đều được giao cho từng Hoàng hậu chịu trách nhiệm rõ ràng. Phụ giúp từng người trong các công việc chung này đều có các ban bệ chuyên trách ở trong triều đình. Bởi vậy cũng là việc ai người nấy lo, không ai can thiệp vào việc của ai. Theo đó Đan Gia hoàng hậu quản việc chi tiêu chung ở hậu cung; ta với Đinh nương phụ trách mảng tuyển người, cắt đặt nhân sự; Ca Ông Hoàng hậu phụ trách mảng phục trang, quần áo, lụa là; Kiểu Quốc Hoàng hậu phụ trách về khánh tiết, trang trí, đồ dùng vật dụng ở trong cung. Đối với từng Cung, từng Phủ mà nói, cũng là cứ theo định mức đã được quy định về kinh phí, người, đồ dùng, gấm vóc mà cắt đặt, phân phát theo định kỳ. Có hỏng hóc, mất mát, phát sinh ở đâu thì xem xét bổ sung, sửa chữa cho hợp lý. Bởi vậy công việc thực chất cũng hết sức nhàn nhã, ít va chạm.
Họ Đinh làm như vậy là nhằm tránh những xung đột có thể xảy ra giữa những người vợ của mình trong việc cai quản việc trong cung. Hậu cung có hòa thuận thì triều đình mới có thể yên ổn mà lo việc nước được. Họ Đinh vẫn cười bảo với ta như vậy.
Lo xa như thế cũng tốt, cho dù vào thời điểm đó ta thấy, các Hoàng hậu của họ Đinh đều là những người hết sức nhu mì và không có dã tâm tranh giành.
Tuy nhiên đó chỉ là nhận định thiển cận của ta vào thời điểm đó.
Còn về sau này lại là chuyện của sau này.
Mùa xuân, Thái Bình năm thứ hai, lại quy định cấp bậc, tước vị, bổng lộc của văn võ bá quan trong triều. Kèm theo đó là quy định về Triều phục của Hoàng tộc, quan lại, tướng sĩ. Hai việc này một mặt làm cho hoạt động của triều đình đi vào quy củ, nền nếp; một mặt cũng là sự ghi nhận chính thức của họ Đinh đối với những khai quốc công thần đã từng cùng vào sinh ra tử trong những tháng năm loạn lạc.
Đứng đầu bộ máy quan lại giúp nhà Đinh cai quản công việc triều chính phải kể đến tướng Nguyễn Bặc được phong làm Định Quốc Công; Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư; Đinh Điền làm Ngoại Giáp và Phò mã đô úy Trịnh Tú. Đây được coi là "Tứ trụ" giúp lo liệu công việc triều đình về mọi mặt.
Lê Hoàn được giao chỉ huy việc tuyển mộ, huấn luyện, biên chế mười đạo quân trong cả nước, giữ chức Thập đạo tướng quân.
Các tướng lĩnh khác có công trong công cuộc thống nhất đất nước như Phạm Cự Lượng, Đinh Dưỡng Xã, Đinh Cung Linh, Đinh Đại Mộc, Đinh Bắc Phương.. đều được phong chức tước, cấp thực ấp và bổng lộc hậu hĩnh.
Về triều phục của Hoàng tộc, quan lại, và binh sỹ, chính là nhờ Ca Ông hoàng hậu một tay lo liệu. Suốt mấy năm liền nàng dạy bảo cho các cung nữ ở Ban y phục cách se tơ, dệt lụa, thiết kế mẫu mã, chọn vải chọn màu, thêu rồng, đính phượng. Để đến khi ấy, triều đình nhà Đinh từ trên xuống dưới đã thống nhất được về quan phục, đàng hoàng, nghiêm chỉnh.
Tới thời điểm ấy mà nói, mọi thứ mọi mặt của triều đình cũng đều đã đi vào nền nếp, quy củ, vận hành bài bản và trơn chu.
Lại nói về kinh đô Hoa Lư, quả đúng như lời họ Đinh khi xưa đã nói với ta: Nguy nga lộng lẫy không biết bao nhiêu mà kể! Thành quách tầng tầng lớp lớp, sơn son thếp vàng, chạm rồng khắc phượng. Nơi nơi trang trí bằng hoành phi, câu đối, trướng gấm, đỉnh vàng, lụa là, ngọc quý, sắc màu rực rỡ. Ta chưa từng đến Cổ Loa, kinh đô cũ của Hoàng tộc nhà Ngô, nhưng thiết nghĩ giàu sang phú quý tót vời trong thiên hạ chắc cũng chỉ đến thế là cùng.
Kinh thành Hoa Lư có diện tích lên tới hàng ngàn mẫu đất. Được bao bọc bởi các núi Cột Cờ, Mồng Mang, Mã Yên.. lại có sông Sào Khê uốn lượn xung quanh, tạo nên thế tọa sơn hướng thủy, không những thuận tiện cho việc phòng ngự mà còn tạo cho kinh thành phong cảnh non nước hết sức hữu tình. Chỗ này có thể ngắm núi cao, rừng thẳm, chỗ kia lại có thể ngắm sông hồ, nước chảy; bên này thì săn thú, hái măng, bên kia lại có thể buông thuyền, hái sen, thả cần.
Kinh thành được chia ra làm ba khu thành lớn, thành Đông và thành Tây (hay vẫn được gọi là thành Ngoại và thành Nội) và thành Nam. Thành Đông và Tây là nơi đặt toàn bộ cung điện của nhà Đinh, được gọi chung là Thành Hoa Lư; còn thành Nam, như dân gian vẫn hay gọi là thành Tràng An, là doanh trại của quân đội tại Kinh đô. Đây là nơi dự trữ lương thảo, là căn cứ quân sự, nơi đóng quân, luyện tập của lực lượng quân đội tinh nhuệ ở kinh thành. Từ đây sẵn sàng bảo vệ cho kinh thành khi có chiến tranh xâm lược.
Thành Đông là nơi đặt Ngự điện, là nơi họ Đinh thiết triều, giải quyết các công việc của đất nước, là nơi tiếp Sứ giả của lân bang, tiếp quan lại từ các địa phương về tấu trình, chiêu đãi yến tiệc, tiếp đãi khách khứa của triều đình. Ở đây cũng có các khu nhà khách để cho sứ giả, quan lại từ phương xa về nghỉ ngơi, có biệt điện, Ngự thư phòng để những khi phải giải quyết công việc muộn, họ Đinh có thể nghỉ lại.
Thành Tây chính là hậu cung, là nơi ở của Hoàng tộc họ Đinh, gồm năm cung Hoàng Hậu, Vương phủ của Nam Việt Vương Đinh Liễn, Phủ của hai Phò mã đô úy và gia thất của các quan lại cấp cao: Đinh Điền, Lưu Cơ, Nguyễn Bặc.
Các Cung, Phủ này đều được xây dựng rộng rãi khang trang với nhà trăm gian, với vườn Ngự uyển nhiều hoa thơm cỏ lạ trải rộng trên hàng trăm mẫu đất.
Ngoài Hoàng tộc nhà Đinh, dinh thự của các quan lại cấp cao, Thành Hoa Lư còn là nơi đóng quân của ba nghìn cấm vệ quân tinh nhuệ của triều đình.
Riêng phủ Thập đạo tướng quân của Lê Hoàn được đặt ở thành Nam để thuận tiện cho công việc nhà binh. Những năm này Lê Hoàn tướng quân vẫn chưa chịu lập thất. Nên thực ra mà nói ở đâu cũng không mấy quan trọng.
Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo
Hoa Lư đô thị Hán Tràng An
Đấy là hai câu thơ vẫn lưu truyền trong dân gian khi ấy để nói về Hoa Lư.
Nhưng bản thân ta mà nói, có đôi lúc thiết nghĩ, lại thích ngôi nhà của mình ở Động Hoa Lư hơn. Hoặc có thể vì ta đã quá thân thuộc với nó nên cảm giác vậy. Nhà nhỏ, vườn nhỏ, mà vẫn đầy đủ, sung túc lại rất gần gũi, giản dị. Khi đó ta và Đinh nương có thể sang thăm hỏi nhau rất dễ dàng. Khi thấy người không được khỏe, hay lười một chút thì ngồi kiệu tay hai người khiêng, hay ngồi võng; nếu hứng chí lên thì có thể đi bộ, mà thường là ta và nàng đi bộ, hơi xa một chút nhưng cũng là rèn luyện thân thể cho dẻo dai.
Còn về đây rồi, muốn sang thăm nàng, lại phải ngựa ngựa xe xe, ra vào phép tắc rất đỗi rườm rà. Chính vì thế việc thăm hỏi chẳng được siêng năng như trước.
Hậu cung lại tách biệt hoàn toàn với Ngự điện, nên mặc dù đi lại thuận tiện, nhưng vì khá xa, nên những hôm giải quyết việc triều đình muộn, đa phần họ Đinh đều nghỉ lại mà không trở về hậu cung thường xuyên như trước.
Bởi vậy cung điện nguy nga, lầu son gác tía nhưng chẳng thể vui vầy bằng gian nhà nhỏ khi xưa. Giầu sang phú quý, mà vẫn không thể tránh khỏi những lúc lòng lạnh lẽo, cô quạnh.
Bị giam lỏng trong một chiếc lồng son hóa ra là cảm giác như vậy!
May ở nơi đây có núi non, sông suối đẹp tươi lúc nào cũng bầy ra trước mắt để mà ngắm nghía, vui vầy sớm tối. Nếu không thì không biết còn buồn não đến nhường nào..
Những ngày dài ở trong cung, hai nơi mà ta thích nhất và thường hay lui tới nhất, không kể Cung Trinh minh của Trinh minh Hoàng hậu, là lầu Vọng Nguyệt và Chùa Am Tiên.
Lầu Vọng Nguyệt ở ngay phía sau cung Cồ Quốc, chính là được đặt tên theo lầu Vọng Nguyệt khi xưa ta với Trinh Minh hoàng hậu rất yêu thích ở Động Hoa Lư. Lầu được xây trên một hồ nước lớn, bao quanh bốn phía đều là núi đá vôi hết sức hữu tình. Từ cung đi ra đây, có một đoạn phải men theo chân núi đá cheo leo rất là ngoạn mục. Tuy không thể rộng mênh mông bát ngát, với tầm nhìn mút mát tận chân trời như ở đầm Cút, nhưng cảnh núi non ở ngay cạnh bên, soi mình xuống mặt hồ trong văn vắt cũng tạo cái hứng thú riêng. Mùa xuân có thể ngắm những bụi hoa tím, hoa trắng không rõ tên nở trên núi đá, theo gió đưa về những mùi hương lạ lẫm thoang thoảng. Mùa hè thì ngắm cây cối xanh thẫm in bóng xuống mặt hồ. Còn mùa thu hay đầu đông, những tia nắng trong vắt như xuyên thấu xuống tận đáy hồ, làm mặt hồ ánh lên lấp lánh, trong trẻo. Núi non như được nhuộm trong thứ ánh nắng vàng thơm như mật, mơ màng tươi đẹp. Vào những hôm trăng sáng ngồi ở trên lầu, ngắm vầng trăng từ từ nhô lên khỏi đỉnh núi, như xa đó mà như gần đó, ngỡ là cứ trèo lên đỉnh núi rồi đưa tay lên là có thể hái được. Lại nghe sương đêm thấm vào người se se lạnh. Thật thú vị vô cùng!
Những lúc như thế ta cứ muốn ngồi ở đó mãi mà ngắm nhìn. Đôi khi vào giữa ngày đông hay cuối xuân nắng ấm, còn bảo người hầu kẻ hạ mang ghế đệm đến để ngủ quên trong ánh nắng ấm áp ấy.
Nơi thứ hai mà ta hay lui tới chính là Chùa Am Tiên. Đây là một ngôi chùa được xây dựng cheo leo trên núi đá, từ đây nhìn xuống, có thể thấy hồ Am Tiên ở phía dưới. Hồ này là nơi họ Đinh cho nuôi cá sấu, nên người trong Cung còn hay gọi là Ao giải. Cùng với Động Am Tiên nhốt hổ và sư tử ở sườn núi phía bên kia, đây là hai nơi họ Đinh dùng để xử tử các tử tù phạm trọng tôi. Giống như các vị vua, chúa thời xưa, họ Đinh cũng thích dùng hình phạt cho cá sấu ăn hay cho hổ vồ để trừng phạt các tử tù và răn đe kẻ khác. Cũng chính vì lẽ đó mà Khuông Việt Đại sư đề xướng việc xây dựng chùa Am Tiên ở chốn này. Một mặt để người trong Cung có nơi lễ lạp, hương khói, tĩnh tâm; mặt khác để cầu siêu cho linh hồn của những người đã bị xử tử. Đại sư mong rằng tiếng cầu kinh sẽ giúp những linh hồn tội lỗi ấy mau chóng siêu thoát về nơi miền cực lạc.
Trụ trì chùa Am Tiên là một ni cô tên là Giác Huệ. Ni cô Giác Huệ tinh thông Phật pháp, am tường thiên văn, địa lý, lại thích uống trà bình hoa, vì thế ta thường hay lui tới chùa để nghe Ni cô giảng Kinh sách và nói chuyện.
Họ Đinh thấy ta chăm chỉ đi lễ chùa thì không hài lòng mấy, bảo ta hãy còn trẻ tuổi, cũng không nên quá đắm đuối với tụng kinh niệm Phật. Việc ấy vốn chỉ dành cho người già mà thôi. Ta cũng chỉ gật đầu bảo "vâng" nhưng rồi cũng kệ. Suy cho cùng nếu không đến những nơi ấy, thì còn có mấy việc để làm?
Trinh Minh hoàng hậu đôi khi cũng cùng ta đi chùa. Những lúc khác khi nàng qua thăm ta, hai người đều tới lầu Vọng Nguyệt ngồi chơi.
Một bận ta và nàng đã bàn bạc rồi sai kẻ hầu người hạ, đến mùa xuân phải sang đầm Cút lấy giống sen về để thả trong hồ. Những ngày sau đó, qua mùa thu rụng lá, qua mùa đông giá rét, cứ khi nào tới lầu ngồi sưởi nắng là chúng ta lại không ngừng mơ tưởng về ngày hồ sẽ nở đầy hoa sen. Sen hồng rồi sen trắng sẽ nở ở ngay đây thôi, ngay bên cạnh chân núi đá. Những ngọn núi sẽ nhốt không cho hương hoa sen bay đi xa. Thế là không gian sẽ dịu ngọt vô cùng!
Những tưởng tượng ấy ít nhiều cũng giúp cho những ngày dài dằng dặc ở trong cung trôi qua bớt muộn phiền.
Ta không nhớ khi đó chính xác là vào ngày nào, chỉ còn nhớ đó là một buổi chiều mùa thu.
Sau khi ở cung Trinh Minh bàn bạc về việc tuyển người dịp cuối năm để chuẩn bị cho năm mới về, ta và Lan Nhi một chủ một tớ bảo nhau, sẽ không về thẳng nhà mà đi luôn tới lầu Nghênh Phong ở phía trước Cung Cồ Quốc để hóng gió cho mát. Lan Nhi sẽ tạt về Cung để sai mấy đứa hầu nhỏ chuẩn bị trà nước, quà chiều mang ra, nên ta đi một mình. Đang đi trên đường thì ta chợt nghe thấy tiếng khóc thút thít vọng lại. Tiếng khóc nhỏ, lúc ẩn, lúc hiện khiến ta thoạt tiên tưởng là tiếng một con mèo hoang, hoặc do mình đang hơi mệt vì trời nóng bức mà tưởng tượng ra như vậy. Nhưng đến khi định dợm bước đi thì tiếng thút thít lại cất lên. Đứng lại lắng nghe kỹ thì thấy tiếng ấy vọng ra từ phía sau một bụi hồng dại um tùm. Sao lại có cung nữ nào ra đây ngồi khóc? Ta đi vòng ra phía sau bụi hồng, thì nhìn thấy ở ngay trên bãi cỏ Ngọc Nhi đang ngồi gục mặt vào đầu gối mà nức nở.
Bất ngờ quá đỗi vì không ngờ đó chính lại là thị nữ thân cận của mình, ta vội vã tiến lại phía nàng:
- Ngọc Nhi, có việc gì vậy? Sao em lại ra đây ngồi khóc?
Giật mình vì có người bắt gặp mình khóc một thì bất ngờ vì người đó chính là ta mười, Ngọc Nhi đứng phắt dậy, vội vàng đưa hai tay áo lên lau mặt, sau đó cúi gằm mặt xuống đất, lí nhí:
- Hoàng Hậu.. Sao người lại về sớm vậy? Em.. Chỉ là em thấy trong người không được khỏe. Nhưng giờ.. em đã hết rồi.. xin người không cần bận tâm!
Nghe câu nói lấp liếm không ra đầu không ra cuối, nhìn điệu bộ lúng túng ấy của nàng, biết ngay là nàng đang nói dối. Vừa khóc lóc rất đỗi thương tâm ngay đây, mà giờ lại bảo không cần bận tâm nữa. Phải chăng nàng có điều gì muốn giấu ta? Nàng thị nữ thân cận vốn hàng ngày tươi cười, nghịch ngợm không ngừng giờ đây lại có điều gì không muốn cho ta biết? Ý nghĩ ấy làm ta lặng đi trong giây lát. Định gặng hỏi thêm cho rõ ngọn ngành, nhưng rồi lại nghĩ, nếu đã nói được thì nàng cần gì phải trốn ra đây mà ngồi khóc, rồi lại cố tình nói dối như vậy. Đành chỉ bảo:
- Thật là em không sao rồi chứ?
Nàng ngượng nghịu gật đầu:
- Vâng, em không sao rồi! Hoàng hậu không cần bận tâm nữa. Mà Lan Nhi đâu sao Hoàng hậu lại ra đây một mình?
- Nàng ta về Cung bảo bọn hầu nhỏ chuẩn bị trà nước rồi.
- Vậy em cũng về xem thế nào nhé!
Nàng nói rồi chưa đợi ta trả lời, đã ba chấn bốn cẳng chạy đi như chạy trốn.
Chỉ còn lại một mình, ta lững thững đi ra phía lầu. Nàng thị nữ ta vừa gặp cứ như thể không phải là Ngọc Nhi ta vẫn thấy vậy. Hóa ra hàng ngày các nàng ở ngay bên cạnh ta, nhưng tâm tư của các nàng ta cũng không thể nào nắm bắt hết được. Ý nghĩ ấy làm ta thoáng ngỡ ngàng và có chút sầu muộn..
Nhưng việc này chắc phải sai Lan Nhi dò hỏi thì mới rõ ngọn ngành được. Có khi nàng ta đã biết rõ từ trước rồi cũng nên.
Nhưng đến khi ta kể với Lan Nhi việc ấy thì nàng cũng bất ngờ không kém. Nàng gặng hỏi ta mấy lần là có đúng Ngọc Nhi không, hay là ta nhìn nhầm? Đến khi ta phát bực bảo rằng ta đã lại hỏi thăm nàng ấy, chứ không phải là trông thấy từ xa rồi đoán là Ngọc Nhi thì nàng mới chịu tin, rồi hứa sẽ đi hỏi cho rõ ngọn ngành.
Mấy hôm sau lúc ta đang ngồi ở Lầu Vọng Nguyệt để sưởi nắng, sau khi đã kiếm cớ sai Ngọc nhi về nhà lấy một vài thứ lặt vặt, Lan Nhi mới ôm bụng cười lăn lóc rồi bảo:
- Hóa ra cái nàng Ngọc Nhi ngốc này đang yêu Hoàng hậu có tin được không? Nói rồi lại lăn ra cười như ăn phải nấm độc.
- Yêu ư? Yêu ai?
Lan Nhi chẳng thèm trả lời câu hỏi của ta vẫn tiếp tục lăn lộn ôm bụng cười ở trên ghế. Ta nhìn nàng rồi sẵng giọng bảo:
- Em hãy ngừng cười đi và nói cho ta rõ nếu không ta sai người nhúng đầu em xuống ao bây giờ! Mà yêu đương thì sao phải khóc lóc như vậy? Hay hai bên lại giận dỗi gì nhau?
Vẻ đăm chiêu của ta không làm cho nàng Lan Nhi này nghiêm túc trở lại được. Vẫn không ngừng cười. Mãi một lúc sau khi đã cười chán chê đến chảy cả nước mắt, hết cả hơi không thể cười nổi nữa nàng ta mới dừng lại được và bảo:
- Yêu một người họ Ngô bên phủ Ngô phò mã. Nghe nói đâu người này là họ hàng bảy, tám đời của Ngô phò mã, từ quê lên đây được một giao chức quan nhỏ, quản lý việc chăm sóc vườn tược, cây cối trong Phủ.
- Ra là vậy! Nhưng vì sao nàng ta lại khóc lóc như vậy chứ? Hai người giận dỗi nhau hay sao?
- Thì là lo sợ Hoàng hậu bắt phải hầu hạ ở Cung Cồ Quốc đến già không cho lấy chồng chứ sao!
Nói đến đó Lan Nhi lại lăn cả ra ghế, ôm bụng cười. Việc ấy thì có gì mà nàng thị nữ này lại thấy buồn cười như vậy nhỉ? Ta lườm nàng một cái nhưng nàng cũng chẳng thèm để ý. Cứ tiếp tục vừa cười vừa vỗ đùi, miệng không ngừng lảm nhảm "Ngọc Nghi ngốc nghếch! Ngọc Nhi ngốc nghếch!".
Nhưng ta thì không thấy việc ấy có gì đáng buồn cười ở đây cả. Ngược lại chỉ thấy một chút thảng thốt ở trong lòng.
Hai nàng thị nữ này theo hầu ta từ nhỏ. Đều là vì gia cảnh hết sức khó khăn nên cha mẹ phải bán về Dương gia để làm kẻ hầu người hạ. Lúc còn bé cũng có liên lạc với gia đình, nhưng về sau đều li tán hết. Cha mẹ anh em vì nghèo khó mà phải bỏ xứ đi kiếm ăn, rồi người nọ người kia ốm bệnh, bỏ mạng nơi xứ người. Thành ra hai nàng cũng chính là chỉ còn Đông Lỗ trang để nương tựa vậy.
Tuy là người hầu kẻ hạ, nhưng vì cũng sàn sàn tuổi, nên ta thực chất mà nói cũng coi hai nàng như chị em gái của mình. Vì tính tình ta ngỗ ngược, lại chỉ thích chơi cùng hai nàng, nên gia nhân trong nhà đều phải chiều chuộng và không dám coi thường hai nàng. Nhiều khi còn đối xử với hai nàng không khác gì đối đãi với chủ. Rồi ta về Hoa Lư này, hai nàng cũng theo về. Ngày qua tháng lại vậy mà hai nàng cũng đã đến tuổi dựng vợ gả chồng tự lúc nào ta không để ý..
Kể ra mà nói đã là người mua về, thì nếu chủ nhân không ban ơn, bắt phải hầu hạ suốt đời các nàng cũng đành chịu. Nhưng ở trong cung một hai năm gần đây, những cung nữ đến tuổi trưởng thành, Trinh Minh hoàng hậu và ta đều cho về để lập gia thất rồi tuyển người mới vào. Vậy nên với hai thị nữ của mình ta cũng không nỡ nào lại bắt các nàng phải ở mãi bên ta. Chỉ có điều việc này ta chưa bao giờ nghĩ tới..
Bao năm nay hai nàng vẫn ở bên ta, cùng ta trải qua biết bao biến cố. Sự có mặt của hai nàng đã trở thành một điều gì hiển nhiên, nên ta chưa bao giờ nghĩ ngợi gì cả. Nhưng nay nhân việc của Ngọc Nhi, ta chợt hiểu rằng thì ra những việc như thế này sớm muộn cũng sẽ tới và ta cần phải suy nghĩ về nó một cách nghiêm túc thôi. Nhưng sẽ ra sao đây nếu hai nàng đều bỏ ta mà đi..
- Vậy thì chúng ta phải nhanh chóng lo liệu việc này cho Ngọc Nhi thôi. Còn em nữa, nếu có muốn lập gia thất, cứ nói với ta một câu, không phải khóc lóc như vậy đâu. Người ngoài không biết rõ đầu đuôi lại nghĩ ta bạc đãi đối với gia nhân của mình.
Lan Nhi lúc này vẫn đang ôm bụng cười trên ghế, có lẽ không nghe rõ những điều ta nói bèn ngóc đầu lên:
- Hoàng hậu nói gì cơ?
- Ta nói là em cũng nên tìm cho mình một đám như Ngọc Nhi đi. Đến lúc đó nhớ báo với ta một câu, ta đâu phải là kẻ đại gian đại ác đâu mà để thị nữ của mình chịu oan ức như vậy.
- Không phải Hoàng hậu định kiếm cớ việc của Ngọc Nhi đây để đuổi em đi luôn đấy chứ?
- Sao em lại nghĩ ta như thế? Không phải là trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng hay sao? Máy năm nay các cung nữ lớn tuổi, nếu không phải là thành thân với quan lại, binh lính ở trong Triều rồi tiếp tục ở lại cung làm các công việc bên ngoài, thì đều được về quê để lấy chồng. Em với Ngọc Nhi xét cho cùng cũng là người ở trong cung, nên cũng không thể ngoại lệ, cũng nên suy nghĩ về việc đó.
- Vậy chẳng phải là người không muốn nhìn thấy em nữa rồi còn gì! Nàng ta ngúng nguẩy gào lên và nước mắt đã bắt đầu lăn trên má.
Nói phải trái như vậy mà cái nàng Lan Nhi này hàng ngày thông minh là thế vẫn cố tình không chịu hiểu, cứ bù lu, bù loa lên, rồi liền đó lại chuyển vui thành buồn, bắt đầu thút thít khóc. Vừa cười đó lại chuyển sang khóc lóc ngay được, ta cũng đến chịu với nàng ta!
- Không phải thế! Ý ta là nếu em muốn ta hoàn toàn đồng ý. Giờ em chưa có yêu thương ai nên chưa nghĩ đến việc đó, nhưng đến lúc em gặp ai đó mà muốn lập gia thất thì cứ nói với ta, ta không cấm cản gì cả. Tuy em theo ta từ nhỏ, nhưng vào cung rồi thì cũng nên theo phép tắc trong cung mà làm chứ.
Ta vừa dứt lời Lan Nhi liền quỳ xuống nước mắt tuôn như mưa:
- Em không muốn! Em sẽ suốt đời ở bên hầu hạ Hoàng hậu. Em chẳng muốn lấy chồng, chẳng muốn đi đâu hết. Nhưng nếu người định đuổi em đi thì.. - Nói đến đó lại khóc lóc lu loa lên đến nỗi không nói được hết câu.
Ta nhìn bộ dạng ấy của nàng, so với lúc nãy cười lăn lộn trên ghế không khỏi phì cười, nghĩ bụng, đấy là chưa gặp ai ứng ý, chứ mà gặp rồi khéo ta cấm cản cũng chẳng được không biết chừng ấy chứ. Nhưng nói với nàng ta bây giờ thì nàng cũng chẳng chịu hiểu đâu, nên thôi kệ.
- Thôi, em hãy đứng lên đi. Đừng có om xòm lên nữa kẻo Ngọc Nhi đến lại cười cho bây giờ. Ấy là ta cứ nói trước thế, còn như em không muốn thì thôi ta ép uổng làm gì.
Thấy ta nói vậy nàng ta mới chịu thôi, lục cục đứng dậy, lau khô mặt mũi. Vừa khi ấy Ngọc Nhi từ Cung đi tới, may không phát hiện ra chuyện gì.
Một đôi tháng sau người nhà bên Ngô phủ đưa thiệp hồng đến thưa chuyện, rồi xin cưới Ngọc Nhi về cho Ngô Nhân, là một viên quan nhỏ coi sóc ruộng vườn, cây cối ở phủ Phò mã đô úy Ngô Nhật Khánh.
Đám rước dâu được tổ chức rất chu tất, long trọng.
Cưới xin xong xuôi, Ngọc Nhi xin ta vẫn cho tiếp tục làm kẻ hầu người hạ ở cung Cồ Quốc. Nhưng vì chỉ có thể sáng đi, chiều về, nàng không thể hầu hạ ta như trước. Mà việc lặt vặt ở trong Cung cũng không thiếu người lo liệu, nên ta bảo nàng không cần khách khí nữa. Rồi bên Ngô phủ cũng sắp xếp cho nàng một chân phụ việc ở nhà bếp. Thế là nàng trở thành người biên chế Ngô phủ, chỉ thỉnh thoảng mới sang thăm ta và Lan Nhi.
Họ Đinh thấy Ngọc Nhi đi rồi, bảo ta hãy tìm lấy một cung nữ ưng ý thế vào chỗ ấy. Nhưng ngẫm kỹ thì cũng chẳng cần đến hai người, chỉ cần một mình Lan Nhi hầu hạ ta, còn những việc lặt vặt khác thì vẫn có các cung nữ bên ngoài lo đủ cả. Vậy nên lại thôi. Cứ thế một chủ một tớ quấn quít bên nhau.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT