Mùa thu năm nay cũng là một mùa thu thê lương và ảo não. Trời lạnh sớm và mưa rất nhiều. Lúc nào cũng âm âm, u u. Thảng hoặc có một ngày hiếm hoi nắng lên, trời cao xanh vòi vọi, điểm một vài đám mây trắng bồng bềnh. Ánh nắng trong suốt xiên nghiêng trên những tán cây trong vườn. Như reo. Như gọi mời. Mà vẫn không khiến lòng người thôi u buồn.
Có đôi lúc ta không hiểu mình sống ở nơi này để làm gì sau tất cả những đau đớn, mất mát này. Nếu không phải dạo này Toàn Nhi về thăm ta luôn thì ta không biết mình có ngủ quên một buổi sáng nào đó và không bao giờ tỉnh dậy hay không!
Nhưng rồi điều gì cần biết cuối cùng ta cũng biết. Không ai có thể dấu mãi một cái kim trong bọc, một cục than ở trên tay cả. Chỉ có điều sự thật ấy lại quá đau lòng, quá sức chịu đựng của một con người!
Hôm đó cũng là một ngày nắng đẹp, ngày nắng đẹp hiếm hoi sau nửa tháng mưa lê nhê. Buổi trưa, đang nằm trằn trọc trên giường không ngủ được thì thấy ánh nắng bừng lên ngoài sân, ta không kìm được ý nghĩa muốn đi dạo ngoài vườn, bèn ngồi dậy khoác chiếc áo choàng mỏng rồi nhẹ nhàng đi ra ngoài sân.
Ánh nắng mùa thu trong văn vắt, mỏng và nhẹ xuyên qua các kẽ lá, tán cây, tạo thành vô vàn những đốm nắng đủ hình thù lấp lánh trên mặt đất, trên tay người. Nhưng ánh nắng rất yếu ớt, nên ở bên dưới tán lá, không gian vẫn se se lạnh, và khô.
Ta đi lang thàng ngoài vườn, nghe gió xào xạc thổi, ngắm những tán cây đu đưa, những ô nắng nhảy nhót mà thấy lòng trống rỗng. Không hiểu là do cái nắng mênh mang của mùa thu gây ra, hay là giờ đây lòng đã thành trống rỗng như vậy.
Vừa kiếm một chiếc ghế đá ngồi nghỉ tạm cho đỡ mỏi chân, thì những tiếng cười khúc khích của một hầu gái vang lên đâu đó quanh đây làm ta giật mình. Định thần lại, thì nghe cả tiếng nam nhân thì thầm ở đó. Dạo gần đây ta cũng chẳng thiết tha gì nữa, nên quy củ trong Cung lỏng lẻo đi nhiều, có lẽ vì thế mà bọn hầu gái này mới ngang nhiên giữa trưa ra đây hẹn hò, tình tứ với thị vệ như thế này.
Khi tràng cười cùng những tiếng thì thầm nhỏ dần, thấy tiếng người hầu gái cất lên:
- Khi muội đủ tuổi xin ra khỏi Cung, huynh nhớ giữ lời hứa cùa mình đấy. Thực ra muội ước có thể xin ra ngay, nhưng quy định ở trong Cung đâu có cho như vậy?
- Sao lại vậy chứ?
- Còn sao nữa? Những chuyện ở Dương cung huynh còn chưa nghe thấy hay sao? Dương hậu vốn từ lâu không được sủng ái, lại rất thờ ơ vô tình với người hầu kẻ hạ, nên bổng lộc ở đây đã kém hơn so với các Cung khác rồi. Vừa rồi vì chuyện của Dương hậu mà tất cả người hậu kẻ hạ ở trong Cung đều bị vạ lây. Hai người thị nữ hậu hạ ngay dưới chướng thì kẻ bị đánh chết, kẻ bị đánh gãy chân trả về quê. Đến cả thị nữ thân cận nhất của Dương hậu là Lan Nhi, cứ tưởng bình an mà cuối cùng cũng đâu có tránh được kiếp nạn. May cho muội là chỉ hầu hạ ở ngoài vườn, đúng dịp đó muội lại ốm xin nghỉ, chứ nếu không thì không biết bây giờ ra sao rồi.
Nói đến đây hai người chuyển sang rì, rầm rúc rích chim chuột với nhau.
Ta quá đau lòng khi nghe họ nhắc tới tên Lan Nhi, định đứng dậy bỏ đi. Nhưng rồi nghĩ, chắc chắn chúng phải biết rất nhiều chuyện khác nữa, bèn quay lại, rẽ những luống cây, luống hoa tiến về phía họ.
Hai người lúc này đang quấn lấy nhau ở trên ghế, khi nghe tiếng chân người đi tới ngẩng lên nhìn và nhận ra ta thì mặt cắt không còn giọt máu. Họ vùng lên, định bỏ chạy. Họ nghĩ ta là bóng ma chăng? Đến khi ta quát lên rõ ràng và dứt khoát "đứng lại" thì họ mới quay lại, vội vã quỳ mọp xuống, đập đầu lịa lịa cầu xin tha tội.
Ta cho đứng dậy rồi bảo:
- Ban ngày ban mặt mà các ngươi dám trốn ra đây tình tự. Thật các người không coi quy củ, phép tắc trong Cung ra cái gì nữa!
Hai người thấy ta nói thẳng tội của mình ra, lại run rẩy quỳ xuống, miệng không ngừng líu ríu:
- Chúng thần biết tội rồi! Xin Hoàng hậu tha cho!
- Muốn ta tha tội thì mau nói cho ta biết đã có chuyện gì xảy ra với Lan Nhi?
Hai kẻ kia nghe nói thế thì mặt biến sắc. Chúng biết là ta đã nghe được cuộc nói chuyện nên càng thêm kinh hãi. Chúng thi nhau dập đầu đến tóe máu trán trên sàn gạch, mồm lắp bắp:
- Bọn thần không biết gì hết thưa Hoàng hậu! Thực sự là bọn thần không biết!
Nghe chúng nói thế ta càng tin là chúng biết. Ta không nói một câu, chỉ đứng trừng trừng nhìn chúng, cũng không bảo chúng dừng lại. Chúng thấy thế càng sợ mất mật, khóc không thành tiếng, úp mặt, úp trán xuống mặt đường, không dám ngẩng lên. Một lúc vẫn không thấy ta nói gì, người hầu gái nước mắt đầm đìa, pha lẫn máu đỏ chảy ngoang nguếch khắp mặt mới hé đầu lên nhìn ta rồi bảo:
- Hoàng hậu, Hoàng thượng đã hạ lệnh nếu ai để Hoàng hậu biết chuyện sẽ bị chém đầu. Nên thần không thể! Xin Hoàng hậu hãy thương xót chúng thần!
Ra là vậy đấy! Ra là chúng đều biết cả. Chỉ có điều Lê Hoàn đã bịt miêng chúng mà thôi. Ta là người duy nhất không biết chuyện gì về Lan Nhi, người thị nữ thân cận còn hơn cả người thân trong nhà của ta! Máu ta sôi lên, như trực trào hết cả ra ngoài! Ta gằn giọng bảo:
- Vậy ngươi nghĩ là nếu không nói cho ta biết, hai ngươi có sẽ sống sót qua hôm nay sao?
Người hầu gái khóc lặng đi.
Ta không nói một câu nào nữa, cứ đứng trừng mắt nhìn chúng. Một lúc lâu sau, biết là không thể lay chuyện được ta, người hầu gái tội nghiệp lấy vạt váy lau nước mắt rồi bảo:
- Tiểu Lan cô nương sau khi nhận mình là chủ mưu và thủ phạm đầu độc Diệu cô nương đã tự tử ở trong ngục rồi thưa Hoàng hậu. Theo ý nguyện của nàng ta, nàng ta đã được mai táng trong vườn chùa Am Tiên trên núi..
Hổn hển nói tới đó, người hầu gái lại phủ phục ra đất. Còn ta, ta thấy hình như có một nhát rìu vừa bổ vào đầu mình. Ta đổ vật ra lối đi.
Sau đó ta ốm miên man, nằm liệt ở trên giường gần một tháng. Lê Hoàn đến thăm ta hàng ngày. Ngự y ở Đông cung túc trực ngày đêm để trông nom, kê đơn thuốc bồi bổ, an thai.
Người hầu gái và thị vệ tình tứ với nhau hôm đó đã bị chém đầu ngay lập tức.
Về sau ta còn biết được rằng, liên quan tới cái chết của Diệu cô nương, không chỉ có hai nàng thị nữ hầu nước nôi trà thuốc ở Dương cung, một người bị đánh tới chết, một người bị gãy chân trả về quê, mà kẻ hầu người hạ ở Diệu nữ cung cũng bị tra khảo, đánh đập dã man, ba người bị thương nặng cuối cùng cũng không qua khỏi, những người khác đều không tránh khỏi bị đòn roi, sau đó bị lột sạch bổng lộc, tiền bạc rồi bị đuổi về quê. Tất cả chỉ vì không ai hay biết gì, không ai chịu nhận tội.
Cuối cùng Lan Nhi đứng ra nhận tất về mình, mà cũng không tránh khỏi kết cục bi thương!
Kẻ nào đã âm mưu việc này? Kẻ nào đã mượn tay ta mà có thể không để lại dấu vết? Kẻ nào tàn độc gây ra kết cục thảm khốc thế này? Gần chục người phải chết. Biết bao người vì sự việc này mà trở nên thân tàn ma dại, trắng tay mất sạch cơ đồ!
Còn Lan Nhi! Tại sao em phải nhận tội? Như thế giải quyết được việc gì? Tại sao lại phải tự tử ở trong ngục? Hay thực ra Lê Hoàn đã ép cho Lan Nhi chết? Có phải em chỉ là một con tốt thí trên bàn cờ hay không? Những câu hỏi ta không thể nào trả lời được.
Lan Nhi chết đi rồi, ta thấy xót xa như rụng cánh tay. Không niềm vui, hạnh phúc nào trên thế gian còn có thể lấp đầy khoảng trống đau xót do em để lại!
Lan Nhi! Ta nợ em cả một kiếp người!
Khi khỏi ốm dậy, ta bị cấm khẩu, không nói năng được gì nữa, như khi xưa sau khi chứng kiến cái chết của thân phụ và thân mẫu mình. Ta cũng không biết là ta thực sự bị cấm khẩu, hay ta cũng chẳng còn nhu cầu mở mồm nữa mà thành ra thế.
Lê Hoàn thấy vậy hết sức tức tối, bắt tìm đủ các thần y khắp nơi về nhưng đều vô ích. Thấy ta vẫn không nói năng gì, càng thêm cáu gắt, muộn phiền. Nhưng ta thực sự không còn quan tâm nữa. Lê Hoàn này là Lê Hoàn xa lạ với ta. Những tâm tư của con người này không bao giờ còn có thể chạm tới ta một lần nữa.
Một buổi trưa cuối thu lạnh, nằm ở trên giường không ngủ được, trong khi đám gia nhân kẻ thì ngủ đứng, người thì ngủ ngồi quanh nhà, ta bèn trở dậy lấy áo choàng lông khoác lên người rồi nhắm hướng chùa Am Tiên thẳng tiến. Ta muốn lên thăm Lan Nhi.
Vừa rồi nghe tin có một nhóm người đang chiêu binh mãi mã định nổi dậy làm loạn ở vùng An Sách, Hải Dương, với số lượng tụ tập cũng đã lên tới gần năm trăm người, Lê Hoàn đã vội vã mang quân đi về vùng ấy để dẹp loạn rồi, nên người hầu kẻ hạ cũng có vẻ lơ là, chẳng ai chú ý để mà can ngăn ta cả.
Những ngày nay thai nhi cũng đã được chừng bốn, năm tháng, nên ta đi lại đã tương đối khó khăn, chậm chạm. Vừa đi phải vừa nghỉ, nhất là đoạn leo từ chân núi lên chùa Am Tiên. Đến xế chiều thì lên được tới nơi.
Ni cô Giác Huệ thấy ta lên một mình thì không khỏi bất ngờ, nhưng rồi có vẻ cũng hiểu ra vấn đề, chỉ khẽ bảo:
- Hoàng hậu lên thăm nàng ta?
Ta gật đầu. Nước mắt đã nhòe đi.
Ni cô dẫn ta đi vòng ra sau chùa, lần theo con đường mòn ven núi tới một khoảnh đất thoai thoải nơi chùa vẫn dùng để trồng rau, trồng thuốc. Đi qua những luống rau, luống hoa cuối mùa, tới cuối con đường thì thấy một nấm mồ. Trong ánh hoàng hôn yếu ớt của những ngày cuối thu đang tắt, nàng ta nằm đó cô độc và nhỏ bé. Một khóm hoa cúc đang tàn mọc trên mộ nàng. Chỉ còn một, hai bông hoa xót lại, ánh lên màu vàng đau đớn và đơn côi.
Ta phục xuống bên mộ nàng. Ta ước gì được ôm lấy nàng một lần. Người con gái nhỏ bé chân tình này! Người con gái chu toàn và thấu hiểu sự đời. Nàng đã ở bên ta bao nhiêu năm, đã lo cho ta từng miếng ăn, giấc ngủ. Cứ tưởng chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua bao bão giông rồi bình thản bên nhau đón tháng ngày đang tới, thế mà giờ nàng lại nằm đây, dưới ba tấc đất lạnh lẽo này. Tối tăm và câm lặng!
Ta không hiểu! Ta không hiểu sao nàng phải hi sinh? Sao lại phải là nàng? Sao nàng phải chết? Lan Nhi!
Bóng tối những ngày cuối thu ập xuống rất nhanh ở trên núi. Ni cô Giác Huệ đứng lặng bên cạnh nãy giờ khẽ vỗ vào vai ta, bảo:
- Thần đã làm lễ quy y cho Lan Nhi. Giờ đây nàng ta đã là môn đệ của chùa, thênh thang đường mây khói. Hoàng hậu không nên quá đau lòng nữa! Sương lạnh đã xuống rồi, hãy mau vào nhà nghỉ. Rồi sáng mai lại ra thăm nàng.
Ta theo ni cô đi vào chùa. Hai ni cô trẻ tuổi đã đốt một lò lửa ở trong bếp. Buổi tối trên núi quả là lạnh. Sương xuống buốt giá hơn nhiều.
Đang ngồi bên bếp lửa chờ nồi cháo chín thì có tiếng người xôn xao, đèn đuốc sáng trưng ở bên ngoài. Ta không cần nhìn ra cũng biết chính là người của Triều đình. Thấy ta biến mất chắc là họ cuống lên đi tìm, giờ thì đã lên tới đây rồi.
Ni cô Giác Huệ và một đệ tử thấy vậy đứng lên đi ra ngoài, nghe lào xào gì đó một hồi rồi thấy đám người rút đi. Hai ni cô trở lại vào bên trong. Thấy ta nhìn lên, Ni cô Giác Huệ bảo:
- Thần bảo họ Hoàng hậu đã an toàn ở đây, họ cứ về Cung. Mai kia hãy cho người lên đón Hoàng hậu về. Chứ nếu đêm hôm gió máy, sương ướt như thế này mà xuống núi, có mệnh hệ gì với Hoàng hậu, với Long thai thì họ khó mà bảo toàn được tính mạng. Thế là họ đi rồi.
Ta gật đầu cảm ơn Ni cô rồi lại im lặng ngồi bên bếp lửa.
Sáng hôm sau ta dậy thật sớm ra thăm mộ Lan Nhi. Dù mặt trời đã bắt đầu nhô lên ở đằng Đông, nhưng xung quanh hãy còn rất buốt giá. Sương đêm buông đầm đìa trên cành cây ngọn cỏ.
Ở đây em có buồn không Lan Nhi? Em có nhớ ta không? Em đang vui hay đang buồn? Ta lên thăm như thế này chắc em vui chứ?
Khi mặt trời nhô lên khỏi rặng núi, chiếu những ánh nắng đầu tiên xuống mặt đất thì những giọt sương trên cây lá long lanh lên như ngàn con mắt, vừa như cười vui lại vừa như tuôn trào.
Nhìn cảnh tượng vừa huy hoàng vừa thê lương đó, ta đột nhiên quyết định một điều.
Ta đứng dậy, trở vào chùa, ta đi tìm ni cô Giác Huệ.
Ni cô đang cùng hai đệ tử tụng kinh buổi sáng trước bàn thờ Phật. Ta ngồi xuống bên cạnh. Xong xuôi, Ni cô quay ra nhìn ta cười.
- Thưa thầy, con muốn quy y cửa phật, xuống tóc đi tu – Chính ta cũng bất ngờ vì mình có thể cất tiếng rõ ràng, đơn giản đến như vậy.
Ni cô nhìn ta, ân cần bảo:
- Hoàng hậu đâu cần phải làm thế. Từ Dương cung lên đây cũng đâu có xa. Trở về Cung rồi, vẫn có thể dăm ba ngày lên thăm nàng ta một bận cơ mà!
- Ta làm thế không phải vì Lan Nhi. Mà vì sự an toàn của chính mình thôi, xin Thầy hãy giúp!
Giác Huệ nghe rồi trầm ngâm một lúc, sau đó bảo:
- Nếu Hoàng hậu đã quyết, sáng sớm mai ta sẽ làm lễ cho Hoàng hậu.
Buổi trưa, người của Triều đình lại cùng Tiểu Hồng lên đòi đón ta về. Có lẽ chúng sợ nếu Lê Hoàn trở về mà không thấy ta thì chúng sẽ mất mạng nên chúng mới sốt sắng như vậy. Tiểu Hồng còn khóc lóc van xin vì mình đã chểnh mảng để ta một mình lên đây. Ta nhìn nàng ta quỳ rạp dưới chân cũng không khỏi thương xót. Nàng thị nữ này cũng vì số phận đưa đẩy mà hậu mà phải hầu hạ ta chắc cũng bao phen mất mật rồi.
- Ta muốn ở lại đây tĩnh tâm thêm, em hãy cứ về đi, chiều mai hãy lên gặp ta. Đừng lo, ta sẽ nói cho Hoàng thượng biết, việc này là tự ý ta, em không có lỗi gì cả. Hãy mau đứng dậy đi!
- Hoàng hậu đã nói lại được rồi! Nàng ta ngạc nhiên thốt lên!
- Đúng vậy – Ta nói thế rồi động viên nàng. Cuối cùng thấy việc ta nói được trở lại chắc chắn sẽ làm Lê Hoàn rất vui lòng, nên nếu có, tội của nàng cũng sẽ giảm đi ít nhiều, nên nàng và người của Triều đình lại lục cục xuống núi.
Buổi tối ta không ngủ được, ngồi ở bên bàn viết cho Lê Hoàn một bức thư. Viết rồi lại xé. Không biết bao nhiêu lần.
Đêm trên núi thật hoang liêu, tịch mịch. Những tiếng chầng chậc, tắc tắc, eng éc thảng hoặc của loài thú gì đó không biết tên, hay tiếng một vài con chim ăn đêm rời rạc vang lên ở đâu đó, vọng lại giữa các khe núi làm cho không gian như mênh mông ra mãi. Mà bóng thêm thì đặc quánh và thâm u.
Thế nhưng không có gì khiến ta sợ. Xâm chiếm ta chỉ là một cảm giác yên bình thẳm sâu, khiến ta như tan loãng ra.
"Hoàng thượng, Vân Nga ngàn lần xin lỗi!
Thần thiếp biết làm như thế này là quá ích kỷ. Nhưng thật sự thần thiếp chỉ muốn rời xa Hoa Lư, rời xa kinh thành. Thần thiếp mệt mỏi quá rồi!
Nếu có kiếp sau, thần thiếp nguyện làm thân trâu, ngựa để đền đáp ơn sủng mà Hoàng thượng bấy lâu ban cho!
Về phần Tiểu Hồng, nàng ta đã chăm sóc thần thiếp rất tốt, đã ra sức can ngăn thiếp. Nhưng ý thần thiếp đã quyết rồi. Vậy nên nàng ta cũng bất lực mà thôi. Xin Hoàng thượng không trách mắng nàng ta, xin hãy ban ơn hậu hĩnh. Thần không muốn nàng ta lại trở thành Lan Nhi thứ hai.."
Sáng sớm ta trở ra, ngồi ở trước hiên chùa. Từ đây phóng tầm mắt qua khoảng sân nhỏ, có thể nhìn thấy hồ Am Tiên phía dưới. Giờ này mặt trời chưa lên. Nhưng đã có thể nhìn thấy những ánh hồng đang ửng lên ở đằng Đông.
Xunh quanh Hồ từng bụi lau cuối thu trắng xóa, phất phơ theo gió. Nước hồ mùa thu thực sự là kỳ diệu. Nó trong văn vắt và phản chiếu mọi sắc thái của bầu trời. Khi thì nó có màu vàng phai như màu nắng; khi thì nó xanh ngăn ngắt; khi thì nó phản chiếu rõ từng đám mây trắng tinh, bông xốp trên bầu trời.
Như lúc này đây mặt hồ đang chuyển từ màu tối sẫm sang màu hồng đỏ buổi sáng. Rồi dần dần chuyển sang màu hồng nhạt, hồng vàng. Tuy sắc nước thay đổi, nhưng vẫn thấy rõ ở đây đó trong lòng hồ những cụm xanh như ngọc của từng chùm rong đuôi chó. Nếu đến thật gần có thể nhìn thấy rõ một một từng lá rong xanh mướt bồng bềnh dưới làn nước với những bầy cá li ti nhiều màu sắc bơi lội chơi đùa tung tăng, náo nhiệt ở quanh đó.
Vẻ đẹp yên bình đến nỗi, chỉ cần tưởng tượng thôi cũng thấy lòng ngập tràn niềm vui.
Một lúc mặt trời bắt đầu nhô ra khỏi khe núi, thì mặt hồ bừng lên sắc vàng rực rỡ. Bóng đêm bị xua đi hết ở dưới lòng hồ. Đã có thể nhìn tháy rõ làn nước trong vắt yên lành.
Đang ngồi lặng đi trước vẻ tráng lệ của buổi sáng, thì Ni cô trẻ tuổi ra gọi ta vào để làm lễ xuống tóc đi tu.
Đầu tiên, mọi người cùng nhau Nguyện hương, làm lễ Phật, lại hướng dẫn ta đọc kinh Sám hối ba nghiệp, lạy báo ân sau rồi làm lễ Quán đảnh.
Từng lọn tóc rơi xuống. Nước mắt tuôn rơi. Mà thấy lòng nhẹ nhõm và bình yên.
Bên ngoài tiếng chim ríu ran trên mái chùa, báo hiệu một ngày mới đã sang thật rồi.
Chiều hôm đó Tiểu Hồng và Thị vệ Triều đình lại rầm rầm kéo lên chùa. Đến khi nhìn thấy bộ dạng mới của ta trong trang phục nâu sồng thì không khỏi kinh hãi. Tiểu Hồng vội quỳ rạp xuống khóc lóc không thành tiếng. Có lẽ nàng ta nghĩ đến sự trừng phạt từ Lê Hoàn nên quá khiếp đảm rồi.
Ta đỡ nàng ta dậy, đưa cho bao thư rồi bảo:
- Tất cả mọi việc đều là do tự ý ta. Ta đã giải thích hết ở trong thư này. Em hãy mang về đưa cho Hoàng thượng. Tương lai của em chắc không đến nỗi quá bi đát đâu.
Dùng đằng một hồi, đám người đó cũng chịu rời đi, trả lại sự bình an cho nhà chùa.
Ta ngồi ở bên hiên chùa nhìn theo bóng họ, mắt vô tình dừng lại nơi cây keo năm nào. Giờ đã thành một gốc keo cổ thụ, tán lòa xòa phủ bóng cả một góc chùa. Những bông keo cuối mùa thưa thớt. Nhưng vẫn vàng rộm và thơm lừng.
Nhưng không có bóng hình của Lê Hoàn nào nữa.
Chừng nửa tháng sau, khi ta đang cùng Ni cô trẻ tuổi chăm sóc vườn rau, trồng thêm hoa trên một Lan Nhi ở sau chùa thì một thị nữ vốn hầu hạ ở thành Đông tới, chuyển cho ta một túi lụa đỏ, trong có hai phong thư. Một từ Lê Hoàn và một từ Lan Nhi.
Nhìn thấy phong thư của Lan Nhi, ta không kìm nổi nước mắt. Cảm giác như nàng vừa hiện về từ nấm mồ nhỏ bé kia vậy. Vội chạy vào phòng riêng để đọc.
"Tiểu thư,
Em biết khi cầm trên tay lá thư này, khi đọc những dòng chữ này hẳn tiểu thư đã phải trải qua rất nhiều muộn phiền. Hẳn là tiểu thư sẽ trách móc em rất nhiều. Nhưng em thực sự đã suy nghĩ rất kỹ và thấy rằng chẳng còn cách nào khác để minh oan được cho Tiểu thư cả. Em không muốn cả đời người phải sống nơi lãnh cung cũ nát đó. Nên em phải chọn cách này. Sau khi em chết rồi, em sẽ muốn được chôn cất ở vườn sau chùa Am Tiên - Nêu Hoàng thượng giữ lời hứa của mình..
Thư thoảng Tiểu thư hãy lên thăm em.
Nếu có kiếp sau, em vẫn nguyện được ở bên hầu hạ Tiểu thư.."
Lan Nhi ngốc, ta đã ở đây rồi! Ở ngay bên em rồi! Sáng cũng như chiều ta đều ra thăm em. Ta sẽ trồng thêm thật nhiều hoa ở quanh mộ cho em. Như vậy ta hi vọng em sẽ không còn cô đơn. Từ đâu đó nhìn xuống em có thấy ta không? Nếu có kiếp sau, ta hi vọng chúng ta sẽ được làm chị em tỉ muội cùng cha cùng mẹ, để chúng ta được yêu thương, gắn bó như keo sơn suốt đời.
Đọc đi đọc lại thư nàng, ta nước mắt rơi như mưa, trong lòng đau như cắt. Nhưng có một điều ta vẫn thắc mắc, liệu có phải chính là Lê Hoàn đã ép nàng chết, và cũng chính là Lê Hoàn đã bắt ép nàng phải viết bức thư này không?
Một câu hỏi ta không bao giờ trả lời được. Một chân tướng ta không bao giờ có thể tìm ra..
Buổi tối, sau khi kết thúc mọi công việc và chuẩn bị đi ngủ, ta mới dám dở bức thư của Lê Hoàn ra đọc. Chắc là đi đẹp loạn ở vùng phương Bắc về, nghe tin nên Lê Hoàn đã biên thư này.
"Nga Nhi, nàng làm ta quá đau lòng!
Sau khi dẹp xong bọn phản tặc, ta đã vội vã trở về bên nàng. Thế mà nàng đã nhẫn tâm bỏ ta đi rồi.
Nga Nhi, chúng ta đã xa nhau tự bao giờ? Ta luôn tự hỏi như vậy. Những ngày tháng đó ở bên sông Càu Chày, chúng ta như đã tìm lại được mình ngày xa xưa, chúng ta đã bên nhau quên cả ngày tháng. Khi ấy ta mới hạnh phúc làm sao! Nga Nhi, nàng có hạnh phúc hay không? Ta cứ ngỡ như từ đây chúng ta sẽ sống bên nhau hạnh phúc đời đời. Thế mà dường như nàng đã không vượt được qua cái bóng của Đinh Bộ Lĩnh phải không? Tại sao đến khi về Hoa Lư, tự khi nào nàng lại như trở thành một người khác, tự khi nào nàng trở nên im như thóc như vậy? Nàng nghĩ gì cũng không buồn nói, nàng muốn gì cũng không buồn bảo với ta. Nàng càng ngày càng rời xa ta. Nàng vẫn ở đó trước mắt ta mà tâm trí nàng không thuộc về ta nữa. Đến những lúc sau này nhìn vào mắt nàng, ta còn thấy cả hình bóng của Đinh Bộ Lĩnh trong đó. Có những lúc ái ân với ta, dường như nàng cũng nghĩ tới hắn! Vì sao chứ? Phải chăng thực ra là nàng chưa bao giờ thuộc về ta?
Rồi dần dà ta cảm thấy chúng ta ngày càng xa cách. Có những khi ái ân mà như hai người xa lạ..
Tháng Năm năm đó nàng ốm, ta đã phá lệ đến Dương cung để thăm nàng. Ta vốn đã thề rằng sẽ không bao giờ qua đó. Ta không muốn tưởng tượng ra cảnh nàng và họ Đinh bên nhau ở nơi ấy. Ta còn đang định kéo đổ cái Cung ấy đi để xây cho nàng một Cung khác. Thế mà bước vào thì thấy người ta yêu mê man nằm đó, miệng không ngừng gọi tên Đinh Bộ Lĩnh!
Cái đêm nàng được vời vào Điện Trường Xuân vừa rồi, chính là ta chủ ý gọi nàng. Ta nhớ nàng! Ta muốn gặp nàng! Nhưng đến khi nàng đến, ta đã mượn hơi rượu để cố ý gọi nhầm tên Phụng Càn Hoàng hậu. Thế nhưng nàng cũng không nói với ta một lời, cứ im lặng mà ân ái với ta. Sự im lặng của nàng làm ta quá đau lòng! Nếu người ta còn bực tức, còn giận hơn trách móc, thì chính là người ta còn quan tâm, còn yêu thương. Nhưng khi người ta im lặng, thì thực sự là trong lòng họ đã không còn có nhau nữa rồi. Hoặc vốn dĩ chưa từng có nhau..
Đến khi nàng mang thai cũng không nói với ta một câu. Tại sao?
Tại vì rốt cuộc chính là ta đã thua tên họ Đinh đó? Ngay cả khi nàng đã về Hoa Lư và ở bên ta, cũng chỉ là cái xác không hồn thôi sao?
Thế mà giờ đến cuối cùng cái xác không tim ấy cũng bỏ ta mà đi.. Thật quá đỗi đau lòng!"
Buông lơi bức thư trên bàn, ta ngồi khóc suốt một đêm dài. Thương cho chàng, thương cho ta. Là lỗi của chàng, của cả ta, nên mới đi đến kết cục này!
Nhưng đã quá muộn rồi!
Nếu có kiếp sau, ta vẫn xin nguyện làm thân trâu ngựa để trả hết ân chàng!
Buổi sáng bình minh lên. Ta đi rửa sạch mặt mũi rồi theo các Ni cô trong chùa tới trước bàn thờ Phật.
Con đường này ta đã chọn rồi!
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT