Sau khi tốt nghiệp đại học, Mai Mai vẫn tiếp tục làm cho công ty truyền thông của đàn chị, vinh hạnh thoát kiếp lính lác, trở thành leader của một team ba người. Nghe thì có vẻ rất gì và này nọ nhưng thực ra vẫn cày như trâu bất kể ngày đêm mà thôi, dù sao công ty chỉ vừa mới start up hai năm, đang ở giai đoạn dự án lớn nhỏ lời ít lời nhiều gì cũng phải nhận, mỗi ngày trước khi bắt đầu làm việc Mai Mai đều phải niệm ba lần "không được đánh khách hàng".

Vì không được đánh khách hàng, Mai Mai đánh bàn phím máy tính, khiến cho ông anh IT mỗi lần thay bàn phím mới cho cô đều van vỉ:

"Mai, anh xin em, cái thứ hai trong một tháng rồi."

Còn đàn chị kiêm sếp thì rú lên:

"Mai Mai, nếu em còn phá bàn phím chị sẽ trừ vào lương của em."

Sau đó Mai Mai chuyển qua đập chuột, vì nó rẻ hơn.

Mai Mai không quá thích công việc này nhưng cô không có ý định chuyển qua một công việc khác. Vì chính ngay cả bản thân cô cũng không biết mình muốn gì. Mấy năm trước chạy ra tận Miền Bắc để học chỉ vì muốn trốn tránh, nghành học cũng chọn đại một nghành dễ đậu, sau đó đi làm cũng nghĩ kiếm được tiền là được. Công việc tại công ty truyền thông này dù vất vả nhưng bù lại lương cao, lễ tết đều có sự kiện phải chạy, có lý do để không phải về nhà, cũng khiến cho cô thậm chí không có cả thời gian rảnh để nghĩ ngợi.

Nhiều năm Mai Mai không về nhà, bà Giao lại suốt ngày càm ràm qua điện thoại nói nhớ cô nên Mai Mai dự định sẽ đón mẹ ra Bắc chơi một chuyến. Vé máy bay chưa kịp mua thì nhận được tin bà nội mất, lúc này Mai Mai đã ra trường đi làm được hơn hai năm. Chần chừ một ngày, cuối cùng Mai Mai vẫn quyết định về đưa tang bà.

Có thể nói với bà nội của mình, Mai Mai không có bao nhiêu tình cảm. Lúc còn nhỏ chưa hiểu chuyện, cô cũng từng khát khao một ngày sẽ được bà yêu thương nhưng lại không được. Sau này lớn lên biết mình sẽ không bao giờ từ một đứa con gái biến hình thành con trai như bà kỳ vọng nên chủ động cách xa bà nội hết sức có thể, tránh cho cả hai đều phiền lòng. Một người cố chấp phải có cháu trai như vậy, lại không kịp chờ được cháu trai kiếm được tiền để phụng dưỡng đã buông tay nhân gian.

Bà nội mất vào tháng mười hai, trời cao nguyên cuối năm lạnh cóng chân tay, Mai Mai kết thúc chuyến bay dài, gọi được taxi về tới nhà đã bắt đầu di quan. Ông Dần nhìn con gái cảm kích, chưa kịp nói câu nào đã bị gọi đi cho chuyện mồ mả tang lễ. Mai Mai không ngồi lên xe của dịch vụ mai táng mà đeo khăn tang rồi lặng lẽ đi bộ theo sau. Dù bà nội không yêu thương cô nhưng ít nhất chưa từng hành hạ tàn nhẫn hay để cô phải đói khát, vì điều này Mai Mai sẽ tiễn bà đi hết đoạn cuối của cuộc đời.

Ngày hôm sau, sáng sớm ông Dần, em trai cô và bà Giao đã phải ra nghĩa trang, chôn cất bà cụ xong rồi nhưng vẫn còn phải đôn đốc xây mồ mã, chuẩn bị cúng ba ngày.

Tối qua Hồng Thúy nhắn tin cho cô, biết cô đang ở quê thì nói sáng này sẽ đón Mai Mai qua nhà chơi. Nhiệt tình đến mức Mai Mai không biết từ chối như thế nào. Dù rời quê lâu nhưng cô vẫn giữ liên lạc với đám đàn em này, thỉnh thoảng chat chít với nhau trên FB, quan hệ có khi còn tốt hơn cả với người nhà. Hồng Thúy lấy chồng được hai năm, vừa sinh con được mấy tháng, lúc đám cưới Mai Mai không tới dự được nên hơi áy náy, quyết định dời chuyến bay ở lại thêm một ngày.

Mai Mai thức dậy thì nhà chỉ còn mình cô, còn một tiếng nữa mới tới giờ hẹn với Hồng Thúy, có lẽ trong lòng có chút hoài niệm, cô không ăn sáng mà thay đồ rồi khoác áo đi dạo xung quanh. Đám cúc quỳ mọc xiêu vẹo trước cổng nhà nay được thay thế bằng hai hàng chè tàu thẳng tắp, cửa gỗ cũ cũng được thay mới lành lặn cứng cáp hơn. Từ dạo con Meo chết vì già ba mẹ cô không nuôi thêm con chó nào khác. Mà kể cả con Meo có còn sống thì với bộ răng già đó, ăn cơm còn không nổi huống gì gặm lung tung. Mai Mai cứ đút tay trong túi áo nghĩ ngợi mông lung đi lang thang không mục đích, tới khi hồi hồn lại thì thấy mình đã đứng trước nhà sàn, tự cười mình một tiếng định quay lưng đi thì cánh cổng đột nhiên mở ra.

Mai Mai nghe tim mình đập thịch một tiếng vội quay người lại, thấy người đang mở cửa là ông Ba Bình, lúc này cô cũng không rõ cảm giác hốt hoảng vừa rồi là gì. Đã gặp rồi không thể không nói tiếng nào, Mai Mai cười:

"Con chào chú, lâu rồi mới gặp chú ạ."

Ông Ba Bình nheo nheo đôi mắt một lát mới trả lời:

"Mai phải không? Con về đưa tang bà nội ha?"

"Dạ, con về hôm qua ạ."

"Nếu không bận con vào nhà chút nhé, chú đang dọn nhà, có món đồ chắc là của con, chú định gửi qua nhà con nhưng gặp con ở đây rồi thì may quá." Nói rồi ông mở rộng hai cánh cửa ra.

Mai Mai không nhớ mình còn quên món đồ nào đó ở nhà sàn, nhưng vì lịch sự vẫn theo ông Ba Bình đi vào.

Có lẽ ông Ba Bình vẫn chú ý chăm sóc nên căn nhà sàn nhìn không đến nỗi nào, hơi cũ một chút nhưng không có cảm giác hoang phế. Sân dưới nhà sàn, bộ bàn ghế gỗ vẫn còn nhưng chiếc võng thì không thấy đâu, chắc cũ quá đã bị bỏ đi. Ông Ba Bình vừa đi chầm chậm vừa nói:

"Chú về ở hẳn trên thị trấn rồi, dạo này xương khớp cũng nhức mỏi không thể đi về chăm sóc cái nhà này nữa nên chú đã bán đi, vừa bán xong. Có mấy anh bạn trẻ, nói là mua sửa sang làm homestay, sẽ giữ lại căn nhà chứ không dỡ bỏ đi."

Mai Mai đi theo ông, chỉ "dạ", không biết nói gì.

Ông Ba Bình để Mai Mai ngồi ở sofa rồi đi vào phía trong.

Đúng lúc này điện thoại của Mai Mai rung lên, là Hồng Thúy gọi, nói con gái quấy quá không tự mình đi đón Mai Mai được mà để chồng đi, chồng cô đã đi tới ngã ba gần nhà Mai Mai nhưng không biết rẽ hướng nào, kêu Mai Mai gửi định vị qua. Mai Mai mở ứng dụng chat, gửi vị trí của mình cho Hồng Thúy, vừa xong thì ông Ba Bình cầm một cây đàn ghi ta đi ra.

"Chú thấy trên đàn có khắc tên con, nghĩ chắc ngày trước con và Nguyên cùng mua, giờ Nguyên không có ở đây, con giữ nhé."

Mai Mai nhận lấy cây đàn, khẽ vuốt phần thùng đàn nơi có khắc một dòng chữ nhỏ "Đàn của Mai Mai và Nguyên". Dòng chữ này lúc mua đàn cô đã bắt Nguyên dùng compa khắc lên, lúc khắc xong còn cười đắc ý nói đây là tài sản chung đầu tiên của hai đứa, phải ghi ra cho rõ ràng bài bản, thực tế cô không góp đồng xu teng nào để mua cả, ngoại trừ một cặp dây sơ cua.

Hồi lâu cô trả lời "dạ," do dự một chút lại hỏi: "Nguyên đó, bạn ấy có khỏe không chú."

Ông Ba Bình có chút kinh ngạc:

"Hai đứa không giữ liên lạc sao?" Dù không thường xuyên về nhà nhưng ông biết hồi đó hai đứa trẻ này luôn như hình với bóng.

"Dạ không, cậu ấy đi khi nào con cũng không biết." Mai Mai khó khăn trả lời.

"Nó đi mấy năm rồi mới chủ động liên lạc với chú, dạo này lâu lâu vẫn gửi quà về rồi hỏi thăm, tuần trước nó nói chú vừa bảo vệ luận án thạc sĩ xong."

"À, vậy thì tốt rồi, con có việc nên chắc con xin phép." Mai Mai nói rồi liền đứng dậy.

Ông Ba Bình đi sau lưng cô, lúc ra đến gần cổng đột nhiên hỏi:

"Ngày đó, Nguyên có nói với con vì sao nó đi không?"

"Không ạ."

"Vậy con có muốn.."

Mai Mai cắt lời ông "Dạ, không ạ, mọi chuyện qua rồi."

Trong quãng thời gian mất ngủ nhiều năm trước, Mai Mai từng điên cuồng muốn biết vì sao cậu ấy lại ra đi, nhưng không tìm thấy ông Ba Bình để hỏi, nhà sàn luôn trong tình trạng khóa trái cửa. Sau cái lần suýt chết đó cô không còn muốn nữa, hoặc ít nhất cô đã đủ trưởng thành để bình tĩnh hơn, nếu bắt buộc phải biết lý do, cô muốn chính tai mình nghe từ Nguyên chứ không phải từ bất cứ ai khác.

Tiếng mô tô gầm rú cắt đứt câu chuyện giữa hai người. Trước cổng nhà, một chiếc xe phân khối lớn hầm hố đỗ xịch lại. Chạy xe là một anh chàng cao to, giữa mùa lạnh như thế này vẫn mặc áo thun cộc tay, khoe ra hình xăm tay uốn lượn. Hồng Thúy nhắn tin đến, đính kèm là tấm hình một anh trai cưỡi mô tô nói là chồng mình cho Mai Mai nhận dạng. Khỏi phải bung hình ra lớn, chỉ nhìn con xe thôi Mai Mai đã biết kia là ai rồi. Cô quay ra chào ông Ba Bình thì nghe ông hỏi:

"Kia là bạn trai con à?"

Mai Mai nghĩ đến người nào đó đi không một lời từ biệt, gần đây còn liên lạc với người nhà, còn cô chẳng là gì cả, trong lòng động đậy muốn xả cơn giận, thầm xin lỗi Hồng Thúy rồi trả lời:

"Dạ, bạn trai con tới đón, con đi nha chú."

Nói xong vội đi mất.

Ở lại sợ xấu hổ vì trót nói xạo.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play