La Cẩn giật mình quay ngoắt lại, mắt dõi về hướng phát ra tiếng động, môi lắp bắp, mồ hôi vã ra như tắm.
- Xin lỗi, tôi chỉ muốn uống một cốc nước. - Trung gãi đầu áy náy.
Hai người ngồi bên lò sưởi thở phào nhẹ nhõm. Đại cười, vỗ vào chỗ trống bên cạnh mình:
- May quá, tôi đang sợ mình sẽ không nhớ nổi câu chuyện chị đây sắp kể. Lại đây ngồi.
La Cẩn dè dặt:
- Từ lâu, tục "bắt vợ" đã là một nét văn hóa đặc sắc của tộc H'Mông. Theo tục lệ, khi đôi trai gái đã có quá trình tìm hiểu và yêu nhau thì chàng trai sẽ cùng nhóm bạn "giả vờ" đi "bắt vợ". Thế nhưng khoảng chục năm trở lại đây, tập tục này đã bị biến tướng, chính nó đã đẩy các bé gái và thiếu nữ mới lớn rơi vào bi kịch.
Vài năm nay, khi làng này được nhiều giáo viên tình nguyện tới dạy chữ phổ thông, truyền dạy tư tưởng tiến bộ, chúng tôi dần nhận ra hủ tục "biến tướng" kia không nên tồn tại nữa. Các già làng cũng đã dần dần không tổ chức lễ "bắt vợ", thế nhưng gã súc sinh đó..
Cách đây một năm, Giàng A Phú tuyên bố hùng hồn với dân làng rằng gã muốn bắt vợ cho con trai, nhưng phải là các bé gái từ mười tuổi trở xuống.
Tất nhiên không ai ủng hộ, bởi gã là một kẻ điên, tâm lý không ổn định, chẳng ai muốn con gái mình dính tới gã. Mỗi đêm, gã đi rình mò từng hộ gia đình có con gái, chỉ cần sơ hở một chút, gã sẽ tìm cách lẻn vào bắt người đi mất. Trong vòng một năm đã có sáu bé gái mất tích..
Mọi người trong làng phản ánh rất nhiều với trưởng làng, nhưng lão cũng bó tay. Nếu ở cương vị của lão, tôi tin sẽ chẳng có ai dám cản trở A Phú.
Bởi bà mẹ già của gã là một thầy nuôi ngải.
Đại và Trung bất chợt rùng mình.
Xưa kia các câu chuyện về luyện ngải, nuôi ngải ở vùng sâu vùng xa này vốn chẳng phải hiếm, nhưng lúc này thì khác, nghĩ tới việc mình đang ở rất gần "kẻ đó", ai cũng thấy lạnh sống lưng.
Bà Cẩn thở dài:
- Nuôi ngải vốn không phải xấu, đã có rất nhiều gia chủ mong muốn việc buôn bán làm ăn khấm khá nên thỉnh ngải về cầu tài. Nhưng các "thầy" có lòng dạ độc ác sẽ dùng bùa chú để rước ngải về nuôi ở vườn nhà, rồi luyện để ngải có linh hồn. Khi được một pháp sư cao tay "nuôi" và "luyện", ngải sẽ có linh hồn bất diệt. Nó sẽ bám theo "bố mẹ nuôi" để bảo vệ như một vệ sĩ vô hình, mọi mong muốn của gia chủ đều sẽ được thực hiện.
Đổi lại, thức ăn của nó sẽ không còn là bánh kẹo được đặt trên ban thờ như trước kia, mà là máu người.
Đoàng, đoàng.
Tiếng sét đánh vang trời.
- Ôi trời.. - Đại run rẩy nắm lấy tay bạn - Làm sao bây giờ, Châu nhà tôi..
- Đừng lo, vẫn chưa chắc chắn con bé có bị đưa đến đây không mà. - Trung thì thầm.
La Cẩn không để ý tới hai vị khách đối diện, tiếp tục nói:
- Đó là lý do không ai dám động tới mẹ con A Phú. Nếu làm bà ta không vui, hậu quả sẽ là một cái chết bất đắc kì tử.. Dạo gần đây cửa nhà đều có dấu vết cạy cửa, gã đã tìm đến đây.. Tôi rất lo cho con gái mình.. trong một năm đã mất nhiều người như vậy, hiện giờ trong làng chỉ còn con bé là con gái.. năm nay vừa tròn mười tuổi.. Nếu được, xin các anh hãy giúp đỡ. Trưởng làng và các già làng đã buông bỏ rồi, chính quyền địa phương hay nhà nước cũng không muốn can thiệp sâu vào các hủ tục dân tộc.. tôi không biết phải làm gì để bảo vệ con gái nữa.
Anh Đại sốt sắng hỏi:
- Vậy nhà gã ở đâu? Làm thế nào để tìm gã? Nếu bắt được gã, không chỉ tìm được con bé nhà tôi mà còn cứu được rất nhiều bé gái ở đây.
- Đó là một căn nhà gỗ được sơn đen kịt từ trong ra ngoài, nằm ở cuối làng. Vì ở sâu bên trong, gia chủ lại là thầy luyện ngải nên ai cũng e sợ, vốn đã ít người qua lại, giờ lại càng ít hơn. - La Cẩn đứng dậy. - Tôi chỉ khuyên các anh, tốt nhất nên bàn bạc trong phạm vi trong nhà tôi, có lẽ sẽ không sao vì căn nhà này được chồng quá cố của tôi dán bùa tránh tà thỉnh từ một cao nhân người Mường. Tuyệt đối không được tiết lộ cho người ngoài, bà ta có tai mắt ở mọi nơi, ngay cả con chim ưng thỉnh thoảng lượn trên đầu các anh cũng có thể là tay sai của ả.
* * *
Sáng hôm sau, Đại bảo đội cứu hộ ở lại nhà La Cẩn nghỉ ngơi thêm một ngày, hai anh sẽ đi xem xét đường xá ở đây trước.
Trước khi đi, Trung không quên nhờ bà Cẩn trông nom bé Đăng đang ngủ say trong phòng.
Vì đã thống nhất từ trước nên gặp ai hai anh cũng chỉ hỏi một số tin tức ngoài lề để thu thập manh mối.
Trời vừa hửng nắng, người dân trong làng thức dậy chuẩn bị ra ruộng cày bừa. Đại đến gần một người phụ nữ đang địu con, lân la hỏi chuyện:
- Chào cô, chúng tôi là nghiên cứu sinh từ miền xuôi lên đây. Được biết đây là ngôi làng do người Mông dựng lên, nên chúng tôi muốn khảo sát một chút về đời sống của mọi người trong làng..
Thấy người phụ nữ hơi do dự, Đại sợ câu nói dối của mình bị lộ tẩy nên nhanh chóng nở nụ cười thân thiện:
- Đừng lo, chúng tôi sẽ giấu tên người kể.. Không biết gần đây có ai đi làm ăn xa làng không?
- Nhà tôi ở đầu làng nên ai đi ra khỏi cổng làng tôi đều biết cả. Hàng ngày mọi người đều rời làng để đi làm ruộng, ra chợ buôn bán.. nhưng đến tối sẽ trở về. Duy chỉ có Giàng A Phú..
Thấy cô ta ngập ngừng không muốn nói nữa, Đại gật đầu cảm ơn rồi rời đi.
Từ xa trông thấy ông bạn quay lại, Trung vội chạy ra hỏi han:
- Sao rồi?
Đại xua tay rồi lấy điện thoại ra soạn tin nhắn gửi vào máy Trung: "Gã A Phú đích thị là có vấn đề."
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT