Con Thuyền Trống

36| Trao đổi hồi ức


4 tháng

trướctiếp


Tôi không có cách nào khác


Lại thế nữa, lại thế nữa rồi!

Tôi và Cam Linh giống như đang thi kéo co với luật lệ kì quặc. Tôi nhận phần sai về mình, kéo dây thừng về phía này, còn Cam Linh lại cãi của cô ấy mới đúng, giật dây ngược trở lại. Hai chúng tôi dùng hết sức bình sinh mà đấu với nhau, thân mình ngả hẳn ra sau, bắp tay ngửa thẳng lên trời. Chúng tôi lại tựa như hai con bò tót trong trường đấu với cặp mắt đỏ long lên sòng sọc, sừng gí sát sừng, phì mạnh luồng hơi trắng xóa từ cái lỗ mũi nở rộng. Chúng tôi tranh nhau phần sai từ cái chết của Trịnh Ninh Ninh, nhưng điều khác biệt là lúc nhận trách nhiệm thì tôi cũng cho phép Cam Linh thừa nhận lỗi lầm của cô ấy; còn tính tình Cam Linh cực đoan, cô ấy khăng khăng là người sai chỉ có mình cô ấy, tôi thì chẳng có lỗi gì, chuyện không liên quan tẹo nào đến tôi cả, lấy chân đá tôi khỏi đấu trường.


Thế này không được.

Nhưng khi tôi nghĩ thông suốt, sửa sang lại từ ngữ xong, đến lúc há miệng ra thì lại hỏng bét, cái lưỡi như thể không nằm trong miệng, hệt như là bị thắt gút lại. Tôi chỉ có thể vừa cà lăm vừa tức muốn phát khóc: "Cô... Cô... Đừng có nói như vậy... Tôi..."


Lại cô cô tôi tôi mãi không ngừng, tôi dứt khoát nín bặt.

Cam Linh lại gãi tóc, khuôn mặt u ám bỗng dưng chuyển mây rạng rỡ, ngó sang chỗ khác, phát ra tiếng cười dè dặt, rồi vươn cánh tay như cái máy gắp thú xách tôi từ mặt đất lên sa lông.


Cái sa lông này tựa như nơi đàm phán giữa tôi và Cam Linh, chẳng ít thì nhiều đao quang kiếm ảnh đều diễn ra ở đây. Tôi ngồi xuống, bình tâm lại một chút, ngồi bắt tréo chân và rót nước đưa qua lấy lòng Cam Linh. Cô ấy xua tay: "Cô muốn nghe chuyện... Vậy cô còn nhớ vừa rồi nói tới đâu rồi không?"


Tôi cố gắng nhớ lại, hệt như tìm đầu sợi len trong quả cầu rối nùi, hết sức chuyên chú đắm chìm vào hồi ức, dốc công tìm chiếc chìa khóa có thể bật đài của Cam Linh. Cuối cùng tôi cũng thấy thứ mình cần: "À, tôi hỏi cô này, ừm, tại sao cô lại nói cô là kẻ xấu vậy."

"Tại vì tôi không hợp với ai hết."

Cam Linh đáp gọn lỏn, hai chúng tôi lại đăm đăm nhìn nhau.


"Thế... chẳng hạn như?"

"Chẳng hạn như mẹ chồng tôi, là bà nội Ninh Ninh đó, tôi căm bà ta vô cùng."

Tôi gật đầu, Cam Linh lại không nói tiếp.


Nếu tôi là phóng viên trải qua đào tạo cả kiến thức và thực tiễn, hẳn tôi mà đối mặt với Cam Linh thì cũng chẳng moi ra được cái gì. Hai năm rõ mười là cô ấy giấu giếm lời nói dưới đầu lưỡi, chỉ cần nhẹ nhàng mở miệng là nó sẽ nhảy ra, nhưng mà cô ấy cắn chặt hàm không chịu tiết lộ. Cô ấy chỉ nói khi mình muốn, lúc không muốn là lặng thinh hoặc là nói vòng nói vèo, luôn luôn nắm thế chủ động trong lòng bàn tay.


Nhưng từ nhỏ đến lớn tôi đã quen với cái đúng mực và lễ nghĩa, khi người khác không muốn nói thì tôi sẽ lướt qua rất tự nhiên, hoàn toàn chẳng có ý nghĩ truy hỏi gì hết. Mà dẫu cho lúc này tôi biết thừa là Cam Linh cố tình làm vậy, thế nhưng tôi cũng chẳng hỏi được nên lời.


Tôi há miệng ra, ngậm lại, rồi lại nói lắp nửa câu, rồi lại nuốt trở về. Tôi y như con cá chép bị câu lên bỏ vào bể nước sống lay sống lắt, liên tục phun ra bong bóng nước, nôn nóng quẫy cái đuôi đập bôm bốp vào thành bể nhựa.

Tôi bỏ cuộc, đứng lên lấy chìa khóa: "Chúng ta đi xuống ăn cơm đi."


Tôi không phải là người có khả năng khơi chuyện, chỉ có thể chờ Cam Linh tự nguyện mở lòng.

Cam Linh nói: "Cô hỏi đi."

"Tôi không biết hỏi thế nào, chỗ nào trong đầu tôi cũng toàn là thắc mắc hết."

Cam Linh ngẫm nghĩ, nhận ra đúng là cô ấy đang làm khó tôi thật, xì ra vài thông tin vắn tắt trước khi đi ăn: "Chẳng hạn như, quan hệ giữa tôi và Ninh Ninh không được tốt, mà tôi với ba con bé cũng không vui vẻ bao nhiêu, rồi thì mỗi ngày tôi còn chửi lộn với hàng xóm — "


Mấy việc này cô ấy đã kể trước đây rồi, tôi muốn nghe thứ khác; nhưng Cam Linh hệt như đã đọc xong mục lục, đóng lại quyển sách, đứng lên kết thúc cuộc nói chuyện như lẽ đương nhiên.


Cọng mì dai dai sựt sựt đậm màu nước lèo ăn rất bắt miệng, trong tô có rau thơm điểm xuyết cạnh lát đậu hủ khô và trứng kho, cọng mì sắc cạnh, hai bên cạnh mỏng đến mức gần như trong suốt. Cam Linh gắp lấy, giũ thịt bằm ra, lùa lấy lùa để vào miệng. Cô ấy ăn nhanh hơn tôi, cầm lấy điện thoại chuyển cho tôi tám đồng bạc.


Tôi bảo tô mì này có bảy đồng thôi, thế là Cam Linh nhón đũa kẹp mất cái trứng kho tôi chưa đụng đến cho đủ tám đồng.

Theo mớ tin tâm lý học tôi đọc dạo vỉa hè thì người này thật là kì quái, một đằng thì cực kỳ cảnh giác với tôi, chẳng để lọt tí thông tin nào, thoạt trông kín kẽ vô cùng. Nhưng về mặt hành động thì cô ấy không mấy đề phòng tôi lắm, ngay từ lần đầu gặp mặt thì ăn dưa muối của tôi, sau đó xử cái chén dưa leo xắt tôi cầm mà chẳng hề ghét bỏ gì, thời đại Covid mà cô ấy cũng chẳng sợ tôi có thể lây bệnh truyền nhiễm cho — vẫn con người như vậy, cứ hỏi một câu là im phăng phắc, hở ra một tí là xua đuổi "Cô bớt nhiều chuyện đi", "Lại nữa hả", "Mắc mớ gì tới cô" này nọ.


Ăn xong mì, chờ nước mì nóng nguội bớt, tôi xoa tay tới lui, nghĩ cách mở miệng.

Cam Linh đã bắt đầu húp nước mì, thổi đi mạt rau thơm lềnh bềnh trên mặt nước, hớp thêm miếng dưa muối rồi mới lên tiếng: "Có một số chuyện... Tôi chưa nghĩ ra nên nói với cô thế nào. Kể chi tiết ra thì giống đạo đức giả quá, tôi cũng không có tư cách..."

Thái độ thật là mềm mại, địch mệt ta đánh, tôi lập tức đồng ý: "Không sao đâu, cái gì tôi cũng muốn nghe hết."


"Hẳn là tôi nên kể về Ninh Ninh nhiều hơn... Nuôi dạy con cái không giống với mấy chuyện khác đâu. Lúc đứa nhỏ sinh ra cũng là lúc nó tự động gom tất cả mọi thứ trong cuộc sống của cô lại và gắn chặt vào nó. Cô không thể nào nuôi nó lớn lên mà tách biệt khỏi người khác được... Tôi, cô biết không, khi nghĩ lại... nhớ lại quá trình từ lúc tôi sinh Ninh Ninh đến khi nó chết đi... Quá sức, quá sức là tàn nhẫn, tôi thà trở thành kẻ giết người còn hơn."


Cam Linh gần như là moi tim móc ruột thổ lộ, tôi chôn mặt trong tô mì hòng trốn chạy trong giây phút ngắn ngủi.

Tôi vẫn chỉ có thể khô khan nhắc nhở: "Đừng giết người."

"Tôi biết."


Tôi lại cúi đầu uống nước mì. Hơi nóng bốc lên, làm tôi như đang đeo cặp kính vô hình, từng luồng sương trắng nhờ nhờ uốn lượn trước mắt.

Tại sao vậy chứ? Hung thủ đi giết người thì có pháp luật trần gian xử tội, đến khi ra tù thì đúng lý hợp lẽ bảo mình đã chịu hình phạt rồi, mọi việc có thể dừng ở đấy. Còn người vô tội lại liên tục chịu tổn thương, tuy rằng chưa chết đi, nhưng họ bị đau đớn khổ sở dày vò ngày ngày đêm đêm như án lăng trì, thậm chí chẳng có thời hạn kết thúc.


Giết hung thủ còn không đủ giải tỏa nỗi thù hận trong lòng, ấy thế mà tôi lại còn muốn khuyên người ta đừng có đi giết người.

Ông trời thật có mắt sao? Nếu ông trời thật sự công bằng thì đã bắt tên đó lở loét khắp người, bị hành hạ trong ngục tù, tóc rụng trụi đi, hàm răng rơi hết, miệng méo xệch đi. Lúc ra tù thì bị tất cả mọi người khinh thường, bước hụt chân, cuối cùng bị chó hoang xé xác ở cái mương hôi thối hẻo lánh nào đó, kêu trời trời không biết, gọi đất đất chẳng hay. Sau khi chết thì bị đày xuống địa ngục, khi thấy mặt Trịnh Ninh Ninh phải nơm nớp lo sợ thét lên tôi sai rồi, xú uế dây ra cả quần, phải chịu cực hình bị lửa đỏ thiêu đốt, kêu la khóc lóc thảm thiết luôn mãi cho đến ngày thế giới diệt vong (1).


Nhưng lời nguyền rủa của tôi có ích gì đâu cơ chứ, tôi đã rời bỏ Đức Chúa, cũng tức là khước từ cái công bằng Người đưa ra kia rồi. Hy vọng về cõi thiên đường và địa ngục ấy bị tôi chém đứt mất rồi, từ đây về sau chỉ tin vào những việc mình có thể làm — mà tôi không làm được chuyện giết người báo thù, tôi cũng không cho Cam Linh thực hiện điều đó. Tôi nắm giữ chân tướng phũ phàng, gánh vác một mạng người trong sự đau khổ cùng cực; phải chọn lựa giữa sát nghiệp và sống trong nỗi oan khuất, tôi không đành lòng, tôi không muốn.


"Hồi ức... Không phải tất cả hồi ức đều đau khổ." Tôi cảm thấy mình hơi vớ vẩn.

Nhưng mà khi thốt những lời ấy ra, chợt có rất nhiều hình ảnh ùa vào đầu tôi. Hơi nước che lấp vẻ mặt của tôi và Cam Linh, tôi trông không rõ cô ấy nữa, cho nên tự nhủ là mình đang tự lầm bầm với bản thân, lời nói trở nên lưu loát hơn.


"Nếu chẳng ai còn nhớ Trịnh Ninh Ninh ngoại trừ tôi và cô... tôi muốn nhân lúc trí nhớ còn tốt thì ghi lại. Lỡ đâu sau này tôi quên mất dáng vẻ con bé ở nhà trẻ, thì cô sẽ chẳng thể nào biết được khi đó con bé trông như thế nào. Tương tự, nếu cô không kể cho tôi, chẳng may... Tôi cũng muốn biết những dáng vẻ còn lại của con bé. Tôi chưa có nhiều dịp nhìn kỹ con bé lúc sinh thời, tuy rằng kỷ niệm sau khi mất thật vô dụng, nhưng mà tôi muốn biết. Dù là không biết bắt đầu từ đâu, nếu cô không muốn nói thì để tôi nói."


Cam Linh buông cái tô không xuống, xếp đôi đũa chỉnh tề trên thành tô.

"Có lần Ninh Ninh xin nghỉ, mà ít khi con bé xin nghỉ lắm, hình như là bị cảm thì phải? Dù sao thì lúc đi học lại thì cũng chỉ có mình con bé tự đến. Đúng hôm con bé nghỉ thì tôi có dạy tụi nhỏ viết chữ 'con ngựa' (2), hôm sau con bé lấy vở tập viết ra, không biết viết nên bắt chước vẽ theo, đầu tiên là vẽ sống lưng con ngựa, thêm một nét dọc, rồi không biết viết tiếp thế nào nữa. Tôi nhìn thấy nên nắm tay nó, viết nét ngang trước, rồi dựng bút sổ dọc, ngoặc nét cong, rồi lại thêm một nét ngang — rất đơn giản, con bé học cực nhanh, viết được bốn năm dòng liền. Mấy chữ đầu trông vẫn còn xấu, nhưng sau đó đẹp hơn hẳn."


Tôi vứt một viên gạch ký ức ra.


Chần chờ trong chốc lát, rút ra được viên ngọc của Cam Linh.


"Con bé không hay bị bệnh vặt đâu, tôi có nhớ lần đó. Nó thèm ăn đồ hộp nên giả bộ bị bệnh. Tôi không thích con nít nói dối, bà nó liền mắng tôi, nói là con nít thích ăn đồ hộp thì có sao đâu chứ, đi mua đi. Thật ra tôi... Bỏ đi, là tôi không ưa được bà ta, muốn cãi lộn với bả, tôi ghét cay ghét đắng bà ta đi được. Tôi bảo là Ninh Ninh đang nhức răng nên không được ăn ngọt. Con bé đang nói dối nên cũng không dám thừa nhận mình không có bị bệnh, liên tục hùa theo là mình không ăn được."


Cam Linh nghĩ ngợi, không khỏi cười yếu ớt: "Sau đó, bà ta nói tôi đối xử tàn tệ với con nít, cãi nhau với tôi trên đường. Thật ra bây giờ nghĩ lại thì con bé nên nói thế nào mới được chứ, nó nên nói là muốn ăn, hay là không muốn ăn đây? Chẳng có lựa chọn nào là đúng hết. Tôi mắng bà ta một trận, tôi nuốt không trôi cục tức này, lòng nhủ là cần phải dạy dỗ con bé một phen trước khi mua đồ nó thích về, phải nhìn xem nó có trung thực hay không, nếu nó cư xử tốt thì tôi sẽ thưởng cho nó. Tôi mới rời khỏi nhà thì bà ta đã đem nó đi rồi, nói là đi mua đồ hộp. Có điều bà ta vừa keo kiệt vừa tham lợi, không biết xin được hộp quýt từ nhà hàng xóm nào đó. Trên lý thuyết thì đồ hộp để lâu cũng không sao, nhưng rõ ràng là cái hộp kia có vấn đề, mà con bé lại ăn mất. Lúc tôi trở về, con bé nói nó ăn rồi, tôi nhìn nhãn trên chai ghi là năm hai ngàn lẻ hai."


Nghe Cam Linh kể làm tôi nhớ đến bà cụ kia, ghép khuôn mặt bà ấy vào câu chuyện; còn Cam Linh thì vẫn mang vẻ mặt không vui.


"Tôi liền ầm ĩ với bà ta, trách là thứ này có thể đưa con nít ăn được à. Bà ta sừng sộ rằng lượng muối bà ta từng ăn còn nhiều hơn hột cơm tôi từng nuốt, sao bà ta có thể hại con bé được chứ? Rồi bà ta bắt đầu đổ rằng là tôi gây sự, quản con cái không được thì bắt đầu kiếm chuyện bắt nạt người lớn, suốt ngày đánh nhau với bà ta, không ồn ào là không sống yên. Tôi nổi xung lên, đứng giữa đường mắng bà ta xối xả. Chòm xóm can ngăn là tôi đôi co với bà ta làm gì, nhường nhịn chút là được. Tôi không đồng ý, tiếp tục chửi mắng. Tối đến, bà ta dạy dỗ Ninh Ninh trên bàn cơm ngay trước mặt tôi, bảo rằng, 'Mẹ con toàn rỗi hơi thích đi kiếm chuyện, nó không muốn cho con ăn đồ hộp, nó thích mắng con vậy đó. Nó chẳng ưa ai trong cái nhà này cả, nó đã muốn bỏ quách cái nhà này từ lâu lắm rồi.'"


Vừa nói Cam Linh vừa chà xát khuôn mặt: "Tôi nổi giận bỏ cơm. Sau đó thì ba con bé trở lại, mẹ hắn đi kể tội là tôi ức hiếp người lớn tuổi. Hắn cự nự với tôi, chửi tôi bất hiếu, tôi nói bà ta cho con bé ăn đồ hết hạn nên đổ bệnh. Hắn lôi con bé đến săm soi, thấy nó không có chuyện gì, đầu lưỡi cũng không bị vàng. Con nít con nôi thì biết gì đâu, nó thật thà kể lại, nói tôi muốn bỏ trốn cùng với ông nào đó. Hắn ta nổi đóa đánh tôi, sỉ vả tôi là hạng lẳng lơ lăng loàn, tôi móc mỉa lại đồ con bò ngu ngốc, đập tất cả xoong nồi chén đũa đi. Hắn quát lên, tôi còn gào to hơn hắn, hắn lại đánh tôi, thế là tôi đập cái tivi, tôi cứ nhè thứ đồ gì quý giá với hắn mà đập. Sau cùng hắn cầm dao chém nhau với tôi — làm ầm ĩ suốt cả tối, rồi bà ta chạy vào vừa đấm đất vừa la khóc là không sống nổi được nữa, có con trai con dâu thế này thì bà ta chết đi cho rồi."


Đáy mắt Cam Linh ánh lên lấp loáng: "Cuối cùng hắn nể mặt mũi mẹ mình nên thủ hạ lưu tình rồi đi ngủ. Tôi thì vì Ninh Ninh nên nhận phần thua, đi dọn dẹp rác rưởi.


Tiếng người ồn ã trong quán mì, còn tôi vẫn luôn thinh lặng không nói.

Cam Linh rút tờ giấy ăn: "Ninh Ninh hỏi tôi, tại sao mẹ cứ đập đồ vật mãi thế, mẹ không đập là không được à? Tôi đáp là mẹ đánh không lại. Ninh Ninh bảo, mẹ nghe ba là được rồi mà, tôi nói mẹ không muốn nghe. Ninh Ninh tức giận, con bé trách tôi tại mẹ đập đồ đạc làm ba bực bội, ba giận nên mới không chịu về nhà, mà tại vì ba không về nhà nên bà nội mới cảm thấy mẹ không tốt..."


"Tôi khi đó còn trẻ, vẫn còn nghiêm khắc với con nít. Tôi đe nếu con còn nói kiểu này nữa thì coi chừng mẹ đánh con đó. Ba con bé thì ngọt ngào với nó, chỉ cần mỗi lần vắng mặt tôi là đi xếp máy bay cho nó, dẫn nó đi ăn đồ ngon, cho nó tiền tiêu vặt, cũng không cáu gắt với nó. Tôi nghe xong mà bực cả mình, đánh nó hai cái thật mạnh.


"Ninh Ninh khóc suốt cả đêm, thầm mắng mẹ nó là đồ ác quỷ xấu xa, cứ luôn muốn đánh đập nó, nó trông ngóng tôi ly hôn với ba nó càng sớm càng tốt, nó muốn sống với ba nó, rời xa tôi mãi mãi... Tôi không nên nặng lời với nó, cũng không nên mắng nó, đánh nó... Tôi thấy các bà mẹ khác nói chuyện rất có lý có tình, vẻ mặt thì hiền dịu nhẹ nhàng... Tôi không làm được, tôi không có đủ tư cách, tôi không có cách nào khác cả (3)."


Cam Linh xoa xoa hốc mắt.



Chú thích:

(1) Ở đây Tiểu Hồi đang nói về hình phạt trong đạo Công giáo cho những kẻ ác sau khi chết đi: linh hồn sẽ bị thiêu đốt vĩnh viễn trong chốn hỏa ngục, nơi mà "giòi bọ rúc rỉa chúng sẽ không hề chết, lửa thiêu đốt chúng sẽ không hề tắt." (Sách Isaiah 60:24)

(2) từ "con ngựa" tiếng Hán là "mã", viết như sau:


(3) nguyên văn cụm từ cuối cùng là "tôi không có biện pháp", có thể hiểu là "không thể không làm việc đó, không thể ngăn mình lại, không thể làm khác đi, không cưỡng lại được."

Ed: Cam Linh đang phải chống lại đủ thứ áp lực bủa vây tới, vậy mà con gái lại còn ca ngợi ông bố tồi kia rồi quay sang trách mình, nên cô ấy đã không thể ngăn nổi cơn giận và sự thất vọng mà trút lên người Ninh Ninh. Vả lại, cô ấy có thể đổi cách phản ứng với những người bên ngoài khi sự kiện đồ hộp xảy ra không? Tất cả mọi thứ ập tới rất nhanh, và cô ấy đã "không thể làm khác được, không có cách nào khác."


Chuyện vô tri tại đấu trường thiên hà XY18744:

Tui: Hai đấu sĩ sẵn sàng chưa? Nhào dzô!

Cam Sói Lớn: (lao tới) Là của chị! Em cứ xen vào làm gì hả? Ra chỗ khác chơi đi!

Khương Thỏ Con: (xông vào) Không được! Chị phải chia cho em chứ! Em giành được thì cũng chia cho chị mà!

Ầm!

Bụi mù tan đi.

Tui (văng ra ngoài): Ặc, tui không nên đứng gần mấy bả quá :v Có cái bánh mà giành dữ vậy mấy bà =.=

Sói + Thỏ: Kệ tụi tui! Ra chỗ khác đi!

Thế là tui bị đá ra ngoài lần 2. Bảo bảo quạo nha :v


Hết giờ giải lao, mọi người đã chuẩn bị chịu ngược từ Tấn Giang chưa?

ID Lộ Tra — 19/05/2023:

Đau lòng quá đi, không thể nói nên lời được. Hình như những người chỉ biết chơi đùa, ngọt ngào với trẻ con luôn luôn được yêu mến hơn cả, nhưng thật ra chính người mẹ mới là người luôn vất vả gồng gánh, phải chăm lo tất cả không được để sót thứ nào, chao ôi, người làm mẹ, người làm mẹ ơi...

Cập nhật: Chị Cam trông như một thanh niên tự do có lý tưởng riêng, thật không dễ dàng gì khi phải chịu đựng thật lâu như vậy rồi mới thoát khỏi nơi đó.

ID Mỹ Ngọc Lam Điền — 26/03/2023:

Lúc còn nhỏ tôi cũng từng chờ mong rất nhiều ở người bố xa nhà quanh năm, vì có mẹ luôn ở bên nên tôi không để ý việc bày tỏ tình cảm với mẹ. Say này bố mẹ đều ở bên tôi, tôi bắt đầu cãi nhau với họ ngang nhau. Trẻ con đúng là gần thường xa thương; ngay cả người lớn cũng bị mắc lừa, nhưng ít nhiều họ vẫn có thể phân biệt đúng sai, nhưng trẻ con thật sự không có khả năng làm điều đó.

ID Người chăn dê — 07/03/2023:

Có ai quy định người làm mẹ phải ôn tồn dịu dàng đâu chứ. Tôi muốn mẹ tôi được sống vui vẻ hài lòng, cũng như mẹ mong tôi được bình an, mạnh khỏe. Trước khi trở thành mẹ thì chính mẹ cũng là một cô gái có cá tính riêng mà.

ID Hậu cần hiệu con Cánh Cụt — 19/01/2023:

Cảm giác đặt mình vào hoàn cảnh của chị Cam đúng là hít thở không thông, nhưng tình huống kiểu này xảy ra rất nhiều ngoài đời thật, các bé gái sống trong chế độ phụ quyền sẽ vô thức lấy lòng người cha mà ức hiếp, coi thường chính mẹ của mình.

Chú thích: Chế độ phụ quyền (Patriarchy) là một hệ thống xã hội trong đó nam giới nắm vai trò là nhân vật quyền lực chủ yếu với tổ chức xã hội, đồng thời là nơi mà người cha có quyền lực đối với phụ nữ, trẻ em và tài sản. Từ này ngụ ý về một thể chế mà nam giới nắm quyền lực và phụ nữ phải chịu sự lệ thuộc.

ID Đậu phộng là loại cây gì thế — 11/12/2022:

Dưòng như tất cả mấy đứa nhỏ đều giống thế này, chúng không thể phân biệt ai là người thật sự tốt với chúng đâu.

Hồi nhỏ tôi rất thích bà nội (không phải ruột thịt mà là vợ kế của ông nội) bởi vì bà hiền lành, không mắng mỏ mà chiều tôi hết mực, lại còn khéo léo và kể chuyện hay. Nhưng đôi khi bà cũng kể vài chuyện xấu về mẹ và bà nội ruột của tôi, lúc đó tôi nghĩ rằng những chuyện đó đều là thật. Trong khi đó thì ba mẹ tôi và một số cô bác khác lại nói trước đây bà gây ra vài chuyện rất xấu, chẳng hạn như ngược đãi ba và các anh chị em này nọ, tôi cứ thắc mắc tại sao mọi người đều nói bà rất xấu xa, nhưng tôi thì cảm thấy bà rất tốt. Đến khi lớn lên, tôi mới nhận ra rằng cùng một câu chuyện nhưng người kể khác nhau thì câu chuyện sẽ khác nhau, chỉ là họ nhìn vấn đề ở những khía cạnh khác nhau mà thôi, mọi người đều cảm thấy mình là người tốt, còn người khác mới là kẻ xấu (câu chuyện gia đình của thế hệ ông bà tôi có thể đem đi quay phim drama truyền hình dài tập luôn đó). Tôi rút ra kết luận là ân oán giữa họ không phải là việc của tôi, cả ba mẹ và bà đều yêu tôi, tôi chỉ cần hiếu thảo với họ là đủ rồi.

Cập nhật: Nói đi nói lại thì nguồn gốc của tất cả những oán hận này là từ ông tôi, người đã hại hai người phụ nữ và không chịu trách nhiệm với những đứa con máu mủ của mình, có thể nói là một người rất ích kỷ.

ID Tiếng gió vù vù — 29/11/2022:

Quy luật của thế giới này là vậy đấy, đàn ông áp bức phụ nữ, kẻ mạnh hà hiếp kẻ yếu. Nếu bạn ngoan ngoãn nghe lời thì sẽ không gặp phải nhiều chuyện trắc trở như thế, nếu bạn nhắm mắt đưa chân thì đã không bị đánh đập đến vậy. Nếu bạn học được cách chịu đựng thì sẽ không phải chịu nhiều cực khổ, vậy nên bạn chỉ có thể tìm đến tín ngưỡng, tìm đến sự công bằng không tồn tại.

ID Im lặng đi — 06/08/2022:

Tác giả viết hay thật... Tôi đọc truyện này với tâm thái đang thưởng thức một tác phẩm văn học, và quyển tiểu thuyết này đã vượt ra khỏi thể loại văn học mạng rồi.

>> ID Vũ Mộc Tương trả lời — 28/11/2022:

Tôi cũng vậy.

ID Đại Ca Bụng Bự — 26/11/2022:

Tác giả viết chân thật quá, tôi sợ sinh con lắm.

ID Minh Huyễn — 31/10/2022:

Truyện này đúng là của báu hiếm có khó tìm đấy, thật sự là nổi trội trong muôn vàn những cuốn tiểu thuyết mạng. Mấy khi nhân tài được trọng dụng ở Tấn Giang đâu, tác giả hãy thử các nền tảng khác với nhé.

ID 43765641 — 15/10/2022:

Chết tiệt chết tiệt chết tiệt chết tiệt, con nhóc ranh hôi sữa kia, ba mi một tháng về được mấy lần đâu hả, ngọt ngào với mi có một chút là mi vui quên trời đất rồi hả! Mẹ mi thì lo hết chuyện này đến chuyện kia, vừa đối phó với mụ già độc địa và tên đàn ông vô trách nhiệm để giành lấy lợi ích cho bản thân, vừa muốn đấu tranh đến cùng với cái thế giới thối nát ăn thịt phụ nữ này. Cô ấy còn nghĩ đến chuyện chờ mình có điều kiện hơn thì sẽ đưa mi đến nơi khác sống cuộc đời tươi sáng hơn, vậy mà mi vẫn đang tâm đứng trong vũng lầy cô ấy căm thù nhất mà đối đầu với mẹ mình. Mi bị tên sát nhân đâm dao vào cổ, còn mi thì không cầm dao đâm vào cổ chính mẹ ruột mình à?

ID Điên cuồng còn hơn bạn — 12/09/2022:

Thế giới này chẳng có cái gì gọi là công bằng cả.

ID Chấp Nhật Âu — 02/09/2022:

Đến phục tên chồng và bà mẹ chồng này, không hổ là người một nhà đâu.

ID Jennierubyjane — 09/08/2022:

Đau lòng quá đi.

ID Vol — 04/08/2022:

Đây là khuôn khổ, không muốn đi vào khuôn khổ có sẵn chính là sai lầm.

ID 1203 — 30/07/2022:

Có rất nhiều gia đình như vậy, trông như người cha rất chiều chuộng con cái, nhưng thực ra là kẻ cực kỳ vô tâm, thối nát. Người làm mẹ vừa mệt mỏi trăm thứ vừa bị trói buộc đủ đường, lại còn không được con cái yêu mến, thấu hiểu.

ID Cơm ngon quá xá là ngon — 25/07/2022:

Nhưng nếu cô ấy không cứng rắn mạnh mẽ thì chắc chắn đã bị ăn tươi nuốt sống trong cái gia đình đó rồi.

ID Ước mơ được nuôi thỏ — 23/06/2022:

"Tôi thấy các bà mẹ khác nói chuyện rất có lý có tình, vẻ mặt thì hiền dịu nhẹ nhàng... Tôi không làm được, tôi không có đủ tư cách, tôi không có cách nào khác cả." Hức hức hức hức hức... Không thể nói Cam Linh là "người mẹ tồi" được đâu mà... Tình cảnh của cô ấy, lập trường của cô ấy, suy nghĩ của cô ấy, có quá nhiều yếu tố đan xen vào nhau như vậy, cô ấy chỉ là "không có cách nào khác" mà thôi... hức hức hức...

ID _DYKHILY_ — 20/06/2022:

Viết hay thật.

ID Sở Tầm — 19/06/2022:

Mỗi ngày đều chờ đọc chương mới, tôi rất ngạc nhiên vì những từ ngữ và câu văn quá tuyệt vời của bộ truyện. Ước gì tôi có thể chui vào tâm trí của Ngưu Nhĩ Nhĩ để xem mấy câu từ đẹp đẽ này hình thành thế nào vậy nhỉ. Thật sự là hay hết sức không chê vào đâu được luôn.

ID Bất kể quá khứ, không hỏi tương lai — 19/06/2022:

Nuôi dạy con cái đúng là rất gian nan.

ID Tiểu Vi — 19/06/2022:

Sâu thẳm trong trái tim ai ai cũng muốn được người khác thấu hiểu và ủng hộ, nếu có người nào đó muốn nghe về quá khứ của bản thân và con gái một cách vô cùng chân thành như thế, thì người đó đáng yêu và quan trọng như một thiên thần vậy.

ID Cá trong chậu — 19/06/2022:

Chị Cam và cô Tiểu Khương rất hợp nhau đó. Đôi khi tôi lo rằng Cam Linh sẽ nổi nóng khi cô Tiểu Khương cứ mãi lắp bắp vì sự ăn nói vụng về của mình, nhưng Cam Linh càng ngày càng kiềm chế thái độ mình nhiều hơn, đôi khi lại là im lặng, có lúc thì bày tỏ quyết tâm của mình. Mấy ngày đầu có hơi tàn nhẫn một chút, nhưng sau này cô ấy cũng không có làm gì cô Tiểu Khương, nếu giẫm lên chân Tiểu Khương thì cũng có chuẩn bị món quà xin lỗi (ừm, tuy đó là vớ con nít!)

Tính Cam Linh có thể hơi nóng nảy, không thể giao tiếp nhẹ nhàng với bên ngoài, nhưng chính cô ấy cũng không được hoàn cảnh và con người xung quanh đối đãi tử tế đâu mà. Chẳng hạn như trong vụ đồ hộp này, cô ấy lo lắng cho Ninh Ninh, lại không thích cô bé nói dối cho nên mới nghiêm khắc một chút. Cô ấy cũng chuẩn bị đi mua cho cô bé rồi, vậy mà bà ta cho Ninh Ninh ăn đồ hết hạn, thử hỏi cô ấy không tức giận mà được à? Ông chồng thì không thèm hỏi rõ đầu đuôi, chẳng lẽ lại không phản kháng để mình tùy ý bị đánh sao? Còn hàng xóm thì chỉ biết ba phải, trách móc cô ấy mà chẳng để tâm đến lỗi lầm của bà mẹ chồng kia. Không một ai chịu quan tâm, tìm hiểu cô ấy, không một ai chịu đặt mình vào hoàn cảnh cô ấy mà thông cảm cho Cam Linh, mà vụ đồ hộp này chỉ là một cái ví dụ điển hình, chỉ là một trong vô số lần khiến cô ấy muốn rời đi thôi.

Bây giờ đã có cô Tiểu Khương hiểu cho Cam Linh rồi, ngay cả khi Tiểu Khương không đồng tình việc cô ấy đi báo thù, dù có cứng đầu cứng cổ trở thành cục đá chặn đường đi nữa thì Tiểu Khương vẫn muốn tìm hiểu về cô ấy. Với Cam Linh thì việc Tiểu Khương hỏi chuyện Ninh Ninh chưa chắc không phải là một kiểu xát muối vào vết thương, nhưng Cam Linh có thể nhìn ra lòng tốt, sự chân thật của cô Tiểu Khương, và mở cửa đón nhận tấm lòng ấy chứ không trơ ra như gỗ đá. Người như vậy không thể cùng đồng hành trên chặng đường báo thù, nhưng có thể làm bạn đường trên hành trình cuộc đời cũng là một loại cứu rỗi rồi.

Cập nhật: Đoạn cuối cùng không trực tiếp tả cảnh chị Cam khóc, nhưng nước mắt của cô ấy đã chảy vào tim tôi rồi hức hức hức.

ID Im lặng đi — 19/06/2022:

Thể hiện tình yêu thương cũng là một môn học khó khăn.

ID Cọc gỗ — 19/06/2022:

Cái gia đình này đã bắt Cam Linh đóng hết các vai xấu trong việc giáo dục trẻ nhỏ rồi.

Chú thích: vai ác – vai tốt (thuật ngữ "mặt trắng – mặt đỏ" trong kinh kịch, hoặc "cớm xấu – cớm tốt") là phương pháp giáo dục con cái phổ biến bên Trung, trong đó một người dùng phương pháp nhẹ nhàng, thuyết phục, người còn lại thì cứng rắn, có khi còn dùng vũ lực bức ép. Ngoài ra đây cũng là một kỹ thuật dùng trong đàm phán, hoặc lấy lời khai từ tội phạm thường thấy.

Về khía cạnh dạy dỗ con cái, đã có nhiều bài viết khuyên rằng không nên sử dụng phương pháp này, vì nó đòi hỏi sự vận dụng khéo léo, linh hoạt, cần đổi vai thường xuyên để con trẻ không bị "lờn" và phân biệt đối xử với cha mẹ, và hơn hết là cần có sự nhất quán trong mục đích và thông điệp đưa ra với con trẻ.


Ed:

Con cò một nắng hai sương

Gian nan tất tả đủ đường lo con

Này đây một tấm lòng son

Cò đau, cò xót, họ coi chuyện thường

Đớn đau ngấm tận thịt xương

Chính con mình ghét, ai thương thân cò.



........

amocbinhphuong.



Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp