Khi còn rất rất nhỏ, bà nội thích bế tôi ra khỏi chiếc nôi, khẽ khàng ngân nga một câu ca dao xa xưa, hương thơm hoa sơn chi, màn mưa bụi lạnh tái, tay khua mái chèo, chậm rãi hòa vào rừng sen, kinh động, kinh động đàn cò trắng. Vẫn còn nhớ rõ rành, nụ cười của bà nội rất dịu dàng, dịu dàng đến đau lòng.
Lớn rồi, chỉ mơ hồ nhớ được vài câu ——
Thái chi dục di thuỳ, sở tư tại viễn đạo, đồng tâm nhi ly cư, ưu thương dĩ chung lão(1).
Khúc ca tha hương nơi đất khách, nghe không hiểu lắm, cũng từng hỏi bà nội, bà chỉ vuốt ve mái tóc màu vàng của tôi rồi đáp, con à, con còn rất đơn thuần, có những việc con mãi mãi không cần biết đến.
Đúng vậy, tôi không biết, nhưng vận mệnh biết, nên nó đưa tôi tới Trung Hoa, đưa tới bên cạnh y.
Không bao giờ vãn hồi được nữa. Thượng đế dạy, đứa con đáng thương của ta, chưa cần nhận thức được vị ngọt ngào của sinh mệnh làm gì, hãy cứ hiểu rõ tan vỡ và hoang lạnh của cái chết trước đi.
Khi đã già rồi, càng chẳng ngừng mơ được trở về, trở về, trở về, dựa vào những hình ảnh đen trắng vỡ vụn, trở về con ngõ ngoằn ngoèo nọ, sư tử chạm đá đã điêu tàn loang lổ, dưới tòa nhà mái cong còn treo chiếc đèn lồng giấy, ánh nến đỏ tươi leo lắt trước gió.
Mùa thu năm 1915, chẳng mấy, tôi đã ở Bắc Bình hơn nửa năm.
Gió thổi qua hiên nhà cong cong, một chuỗi chuông đồng dao động, đinh đang lại đinh đang, nghe giá buốt lạ thường. Y không chịu được lạnh, từ lâu đã nhóm lò sưởi trong phòng.
Một đêm nọ, y dạy tôi viết tên y. Tôi nhớ rõ, y dịu dàng nắm tay tôi, đôi tay ấy, nhỏ bé mà lạnh giá, như nụ sen trắng. Bút lông nhúng mực loãng, hơi nặng. Ái, Tân, Giác, La, Hiển, Di, từng chữ từng từ loang trên mặt giấy trắng. Sau đó, một giọt sương mai rơi xuống. Tôi quay đầu, nhìn thấy nước mắt y, rất gần rất gần, thấy cả ánh nến lung linh trong dòng lệ quang.
Như một tín đồ thành kính, tôi cúi đầu, từng chút từng chút, hôn lên những giọt nước mắt đang rơi, đắng chát và thoảng đâu đó mùi hương của thuốc. Lông mi y đặt bên bờ môi tôi khẽ run, như đôi cánh bươm bướm chực bay đi.
Giả như Thanh triều không diệt vong, y sẽ là đứa con thứ mười bốn của Túc Thân vương Thiện Kỳ, chỉ tiếc rằng chẳng được, đành phiêu dạt bốn phương, cả triều đường phồn hoa sau một đêm tan vỡ. Là loạn thế mà, hoa giữa thời loạn trắng xanh và chờn vờn, tàn lụi sớm lắm.
Đừng đi. Y nắm chặt tay tôi, như người chết chìm trong đáy nước nắm được cọng rơm cuối cùng. Làn da trắng tái gần trong suốt, thấp thoáng mạch máu màu xanh nở rộ như đóa cúc mới chớm.
Khi chân trời đằng Đông hiện lên mảng màu xanh trắng, lửa tắt, ánh hồng lấp loáng giữa đống tro tàn. Qua màn sương khói vấn vít, gương mặt y ngủ thật lặng yên, một kẻ cô đơn, một đứa trẻ không nơi nương tựa.
Khớp ngón tay mảnh khảnh co lại, đem cả cuộc đời ký thác vào bàn tay tôi, tôi không muốn buông ra, cả đời cả kiếp này không buông.
Những ngày sau đó, có lẽ là năm tháng hạnh phúc nhất đời tôi.
Người yêu của tôi, Hiển Di của tôi, y như mèo con tựa vào lòng tôi, đọc Kinh thi của người Hán, nghi ngôn ẩm tửu, dữ tử giai lão; cầm sắt tại ngự, mạc bất tĩnh hảo(2). Y rất thích mấy câu này, cứ lật qua lật lại quyển sách đã ố vàng, mỗi lần lật xem đều mang hơi thở cổ kính như sóng triều xô tới. Cho đến một ngày, tôi bất giác đọc theo y, con ngươi đen sẫm như mực chớp chớp, và rồi, hàng mày dài mảnh cong lên như vầng trăng. Đêm khuya, y sẽ trải tấm tranh cuộn thật dài lên án kỷ, hết sức cẩn thận mà tô vẽ, đóa mẫu đơn to đẹp, đỏ đến lóa mắt, mỗi cánh hoa đều nở rộ cực cùng, dường như chỉ khẽ chạm thôi cũng sẽ vỡ tan.
Hiển Di không thích ra khỏi nhà nên tôi cùng lão bộc treo trong đình viện một chiếc đèn lồng màu đỏ từ trúc xanh đan thành, chẳng phân rõ được đâu là ngày đâu là đêm, cứ treo lên cao cao, như một mặt trời nho nhỏ.
Thường thường, tôi hay kể cho y nghe về Pháp, có nhà thờ Đức Bà, có cánh đồng nho, có bảo tàng Louvre, đất nước đáng yêu, có người đẹp, có phong quang của người yêu nước, ngón tay y chuyển đến mái tóc vàng của tôi, một vòng lại một vòng quấn vào, Raleighan, ánh nắng ở đâu đẹp được như tóc anh, mỹ lệ và rực rỡ.
Em có bằng lòng theo tôi tới Pháp không?
Y cười, phồn hoa như hải, vĩnh dạ thịnh khai, nhưng cũng chỉ thế thôi, và chẳng lên tiếng nữa.
Cho nên, thời gian từ ấy dừng lại, bắt đầu từng bước từng bước học chải tóc cho y, trong tay luôn nắm chặt mái tóc đen lạnh như tơ tằm, chia làm ba phần, đan rồi đan, bệnh thành một đuôi sam thật dài. Nếu có thể, cứ bên nhau mãi thế này đến khi già yếu cũng được, thậm chí, lúc y nằm trên tháp hút thuốc phiện tôi sẽ thắp cho y một cây đèn cầy, lặng yên đợi bên cạnh y, vẫn luôn khiêm nhường, như nô như tì, nhưng vì yêu nên vẫn có sự trang nghiêm chẳng gì sánh bằng.
Hạnh phúc không?
Có, vô cùng vô cùng hạnh phúc, dù vĩnh viễn cách biệt với nhân gian, dù cuộc sống như ở cô đảo.
Sau này nghĩ lại, không khỏi tự giễu, ai có thể bằng lòng mà sống cả cuộc đời mơ mơ màng màng, ai có thể vĩnh viễn nắm chặt một vốc nước… Chẳng qua niên thiếu khinh cuồng.
Và khi ấy, tôi từng cho rằng, một đời một kiếp cứ qua thế thôi.
Hiển Di từ nhỏ được chiều chuộng đâm kiêu ngạo, cả tòa nhà chỉ trông vào y, phong cảnh cứ thế điêu tàn, ngày qua ngày dùng thuốc phiện giải sầu, thời gian càng dài, cơ thể càng yếu, cả gian nhà cũng nồng hương thuốc Bắc dành cho y. Nhưng nếu chỉ vẻn vẹn như thế, cũng không sao hết, song rốt cuộc, rốt cuộc cả tinh thần y cũng mắc bệnh, chẳng thuốc gì chữa được.
Có lúc, y vô cớ đập tan tất cả đồ sứ trong phòng, suy suy bại bại, loang loáng những tia sáng vỡ vụn, cơ thể ngày càng nhợt nhạt cuộn mình nơi góc phòng, rất nhỏ rất nhỏ, nhỏ đến mức khiến người ta nhức buốt con tim. Nhiều lần, giữa những đêm không trăng, y từ trong cơn ác mộng choàng tỉnh, sẽ khóc mãi khóc mãi, và vươn đôi bàn tay trắng bệch sắc đào đã chẳng còn chút máu, khe khẽ gọi tên tôi, Raleighan, Raleighan.
Nước chảy, hạnh phúc như nước chảy, len lỏi giữa những khe hở, có một giọng nói cổ kính đã từng bảo rằng, đây chỉ là mơ, rồi nhất định sẽ có một ngày phải tỉnh. Tôi nghe được, nghe rành rọt, nhưng bất lực.
Một ngày kia, tôi tỉnh giấc giữa đêm, vải lĩnh xanh ngăn ngắt bên cạnh đã lạnh buốt, không còn dư chút hơi ấm. Hoảng loạn chạy ra khỏi phòng, hoa cỏ trong sân nhà cũng chỉ thấy được những dáng hình mơ hồ, bút trúc xào xạc trong đêm tối. Hiển Di ở sau hòn giả sơn, áo quần trắng tinh kéo lê trên đất, nhiễm cả mùi thơm của đất bùn. Y bế một chú mèo con từ trong lồng trúc xanh, đặt trên cánh tay, dịu dàng vỗ về, ánh trăng từ sau quầng mây dè dặt ghé đầu nhìn, y mỉm cười, một nụ hoa non nớt khẽ khàng nở giữa nơi u tối. Sau đó, móng tay trắng như băng phiến bóp mạnh cổ con mèo nhỏ, con vật vô tội liều mình vẫy vùng, từng chút từng chút bóp nghẹt, từng chút từng chút, từng chút từng chút, cho đến khi chẳng còn nghe thấy tiếng rít đằng đẵng đầy thê thảm nữa.
Không biết gió từ đâu thổi tới, chiếc đèn lồng đỏ thê lương lay động, chịu đựng rồi chịu đựng, cuối cùng lửa vẫn tàn, thoáng chốc đó, sao trăng trầm ám, cả trời đất chỉ còn màu đen thăm thẳm.
Hết chương 2
***
Chú thích:
(1) Trích từ bài “Thiệp giang thái phù dung”, tác giả khuyết danh.
Bản dịch của Điệp luyến Hoa:
Qua sông hái phù dung,
Đầm lan nhiều cỏ ngát.
Hái rồi biết tặng ai,
Nhớ tới người xa cách.
Ngoảnh đầu vọng cố hương,
Đường dài sao xa tắp.
Chung lòng mà ly biệt,
Suốt đời u hoài mãi.
(2) Trích “Nữ viết kê minh 2” trong Kinh thi.
Bản dịch của Nguyễn Văn Thọ:
Được mòng chàng hãy đưa em,
Em nấu em nướng em đem dâng chàng.
Đôi ta chuốc chén hân hoan,
Trăm năm em muốn chu toàn tình ta.
Đôi ta cầm sắt hiệp hoà,
Đời ta thắm thiết, tình ta êm đềm.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT