Thẩm Hòe Nam
Sau khai giảng một thời gian, anh luôn là trung tâm của mọi chủ đề trong trường học. Vào thời điểm ấy, nếu muốn lên mạng thì phải đến phòng máy của trường hoặc ra tiệm net, chỉ có điện thoại tiên tiến mới có thể lên mạng được. Trang đầu của diễn đàn đều tràn ngập tên của anh, cả trường không ai là không biết rõ cuộc sống của anh. Sau khi cha mẹ ly dị, anh theo mẹ sang Mỹ, anh trai Cảnh Diệc vừa mới được tiếp quản công ty giải trí của cha anh, còn anh là thiên tài tennis, vì bị thương nên đành phải về nước…
Chắc anh cũng không ngờ, trong cái thời đại giới giải trí cũng có thể giết người này, người anh trai đang vụt sáng như mặt trời ban trưa của mình lại chỉ vì một nữ diễn viên mà thân bại danh liệt, trở thành một vụ tai tiếng chấn động. Mà có lẽ anh cũng không ngờ sự xuất hiện của anh có thể thay đổi cuộc đời của bao nhiêu người.
Lần thứ hai chúng ta gặp nhau là ở phòng thay đồ, bởi vì ban điền kinh và ban tennis ở ngay cạnh nhau. Buổi trưa ngày hôm ấy, dì Lý - hộ lý, gọi điện cho em, nói rằng mẹ em bị khó thở, hỏi em xem có muốn đưa bà đến bệnh viện kiểm tra hay không. Lúc đó em đang ở câu lạc bộ điền kinh, không kịp đi tìm chủ nhiệm lớp để xin nghỉ, em không chần chờ định trèo tường ra ngoài. Nhưng lúc em vừa chuẩn bị đứng lên bàn, ngẩng đầu lên đã thấy anh đang lau tóc, nửa người trên để trần.
Khi ấy em cũng không nghĩ được nhiều nữa, lập tức lao ra ngoài. Thời điểm ngồi trên xe buýt, trong đầu em toàn là hình ảnh của anh, bọt nước trên người anh lăn dọc theo đường cong cơ bắp nhấp nhô, nối tiếp nhau chảy vào trong cạp quần đùi, mái tóc ướt đẫm mồ hôi buông trên vai anh, ngọn tóc như những mũi kim đang đâm vào da, đen đến mức loá mắt ở dưới ánh mặt trời. Em ôm chặt cặp sách vào lòng, nhắm mắt lại, tự nhủ bản thân không được nghĩ tới chuyện đó nữa.
Vấn đề của mẹ không nghiêm trọng lắm, sau khi tới bệnh viện làm kiểm tra tổng quát, bác sĩ vẫn nói một câu như thường lệ với biểu cảm vừa bất lực vừa thương hại. Tuy rằng đã tới giai đoạn cuối, sự thương hại dần dần bị thay thế bởi sự sốt ruột. Em liên tục nói cảm ơn, nhưng bác sĩ chỉ nhẹ nhàng đáp lại một câu, con về đi.
Lúc trở lại Bắc Thành thì trời cũng đã tối, mò mẫm hồi lâu em mới phát hiện ra không thấy chìa khóa và thẻ học sinh đâu. Biết là để quên ở câu lạc bộ, em cảm thấy ảo não. Em tuyệt vọng đi xuống dưới lầu, gõ cửa nhà Trần Hoành Vũ. Hồi đó anh còn chưa biết quan hệ giữa em và Trần Hoành Vũ, cho nên mới làm khó cậu ấy ở trên sân tennis. Đó cũng là lần đầu tiên em nhìn thấy một người tràn đầy nhiệt huyết đối với tennis như cậu ấy lại tỏ ra thất vọng đến mức ngẩng đầu ngồi quỳ trên sân bóng như thế. Còn anh lại chỉ nhẹ nhàng rời đi, không nói một câu.
Trần Kiến Quốc mở cửa cho em với vẻ mặt tươi cười, em nói với ông ấy rằng mình để quên chìa khóa ở trường học. Ngay lập tức, ông ấy kéo em vào trong nhà, bảo em mang bánh ngọt do dì làm lên phòng Trần Hoành Vũ. Lúc em vào phòng, Trần Hoành Vũ hốt hoảng tắt chiếc TV ồn ào. Sau khi nhìn thấy người tới là em, cậu ấy thở phào nhẹ nhõm rồi lại tiếp tục mở TV lên, trên màn hình đang chiếu trận chung kết giải quần vợt Mỹ mở rộng. Em hỏi cậu ấy đã làm xong bài tập về nhà hay chưa? Trần Hoành Vũ chỉ mỉm cười nói, không phải trận chung kết đang phát sóng hay sao, đợi cậu ấy xem xong sẽ làm bài. Em không nói gì, nhìn cậu ấy cố kiềm chế để không hò hét ầm ĩ lên, em đã biết cậu ấy dành nhiều tình cảm cho tennis đến mức nào.
Em lấy sách bài tập ra, ánh mắt lơ đãng nhìn thoáng qua bức ảnh chụp chung đã ố vàng nằm trên mặt bàn. Đó là ảnh chụp bọn họ trước khi dì đi lấy chồng và Trần Kiến Quốc tái giá, Trần Hoành Vũ mười hai tuổi đứng bên cạnh chị gái Trần Hiểu Đồng,phía sau là Trần Kiến Quốc cười thẹn thùng và dì vẫn còn trẻ trung xinh đẹp. Dì mặc một chiếc áo sơ mi trắng in hoa, mái tóc đen nhánh, uốn xoăn lọn lớn cực kì thời thượng, trong ánh mắt tràn ngập sự kỳ vọng vào tương lai.
Nhưng tất cả những điều tốt đẹp ấy đã lụi tàn chỉ trong nháy mắt, ngọn lửa từ vụ nổ thiêu rụi toàn bộ xưởng dệt, đồng thời phá vỡ ước mơ của vô số người. Ngọn lửa khiến cho một người hay nói, hay cười như dì mất đi khuôn mặt xinh đẹp và cánh tay trái mảnh khảnh, chỉ có thể trốn sau căn bếp nho nhỏ của mình, không lộ mặt ra ngoài. Ngọn lửa làm mẹ em bị bỏng 93% diện tích cơ thể, nhiều cơ quan bị tổn thương, cho nên cả đời chỉ có thể nằm liệt trên giường bệnh. Ngọn lửa làm dì không thể gả đi được, Trần Kiến Quốc cũng không thể cưới mẹ em. Ngọn lửa khiến Trần Hoành Vũ không còn theo học tennis nữa. Lúc ấy, trước ánh mắt tiếc nuối của huấn luyện viên, Trần Hoành Vũ chỉ đành ngậm ngùi bị Trần Kiến Quốc kéo về.
Muốn trưởng thành thì phải dựa vào những bước ngoặt trong cuộc đời, nếu chỉ trưởng thành theo thời gian thì khó có thể thực sự trưởng thành. Năm em mười hai tuổi, khi nhìn mẹ nằm trên giường bệnh, khuôn mặt hoàn toàn biến dạng, thấy Trần Kiến Quốc vì em mà khóc cũng là lúc em biết bản thân đã trưởng thành.
Trần Hoành Vũ chắn hết màn hình nhỏ, toàn thân như đang phát sáng, mái tóc ngắn nhìn có vẻ càng cứng cáp hơn. Em không quấy rầy cậu ấy, em biết cậu ấy vẫn luôn muốn trở thành một tuyển thủ tennis và có thể thi đỗ môn tennis của Đại học Hồng Kông cũng chính là ước mơ của cậu ấy. Dường như đối với Trần Hoành Vũ, tennis là cách để cậu ấy chứng minh bản thân và thoát ra khỏi quá khứ, là tín ngưỡng mà cậu ấy không thể nào với tới.
Cậu ấy khác với anh. Lúc ấy anh đã đạt đến trình độ quốc tế, có được đội ngũ hàng đầu, chi phí được mời ra sân đáng kể, luôn biểu hiện xuất sắc ở mọi cuộc thi, được rất nhiều phương tiện truyền thông coi như nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất trong đội ngũ tuyển thủ trẻ. Thậm chí nhiều người còn dự đoán trước trong vòng một năm tới anh sẽ có thể tham gia giải Grand Slam* hơn nữa còn giành được hợp đồng đại diện tầm cỡ quốc tế.
(*Grand Slam: là danh hiệu của các chức vô địch tại các giải đấu ở Australia, Pháp, Mỹ và Wimbledon.)
Đương nhiên là Trần Hoành Vũ cảm thấy rất hứng thú với anh, những lúc cậu ấy kể về anh trước mặt em, ánh mắt cậu ấy tràn ngập sự hâm mộ và khát vọng, thậm chí còn có một chút sự thất vọng về bản thân. Cậu ấy tắt đèn rồi chúc em ngủ ngon, em gật đầu trong bóng đêm, trở mình, nương theo ánh sáng lờ mờ sau bức màn mỏng manh, em chợt nhận ra hình như bản thân đã quên hết những chuyện xảy ra trước năm mười hai tuổi.
Em còn bị chủ nhiệm lớp gọi tới nói chuyện, em cúi đầu nhìn chằm chằm vào đôi giày vải đã ố vàng của mình, nhỏ giọng giải thích cho chủ nhiệm về chuyện xảy ra với mẹ vào ngày hôm qua. Giọng của chủ nhiệm lớp oang oang, khiến mấy giáo viên bên cạnh cũng phải quay sang nhìn em, ông ta nói: “Đừng suốt ngày dùng chuyện của mẹ em để qua loa lấy lệ với tôi, em tự nhìn lại thành tích của mình xem, cho dù em có đáp ứng được chỉ tiêu tuyển sinh riêng thì với thành tích của mình, em nghĩ mình có thể thi được trường nào?”
Em càng cúi đầu thấp hơn.
Ông ta lại nói tiếp: “Đúng rồi, huấn luyện viên Xa còn nói với tôi, dạo gần đây em luyện tập cũng chẳng ra gì, lần trước thi đấu không đạt được thành tích nào, sắp tới là cuộc thi cấp thành phố, em đó, tự xem lại bản thân đi!”
Em chỉ gật đầu không nói gì. Kiểu nữ sinh bình thường lại có thành tích tầm thường như em, có tồn tại ở trong lớp hay không cũng không quan trọng. Huống chi em còn dựa vào thân phận con cái của công nhân xưởng dệt gặp tai nạn tại Hồng Kông để vào được trường cấp ba tốt nhất, cho dù là xét về thân phận hay địa vị, em chắc chắn đứng ở vị trí thấp nhất.
Có lẽ là vì em cứ vâng vâng dạ dạ khiến chủ nhiệm lớp bực mình, ông ta cứ nói mãi không ngừng, thậm chí qua lời nói của ông ta cũng có thể nghe ra sự bất mãn. Chủ nhiệm nói: “Những gì có thể hỗ trợ được thì chính phủ cũng đã hết sức hỗ trợ rồi, được cung cấp nơi ở, được chăm sóc y tế miễn phí, ngay cả chi phí thuê hộ lý cũng đã được chi trả, lại còn cho em theo học trường cấp ba tốt nhất. Em nên biết thế nào là đủ, đừng có ngày nào cũng lấy chuyện này ra làm cái cớ, mỗi nhà mỗi cảnh, cho dù chúng tôi muốn thông cảm…”
Em vẫn cúi xuống, thầy nói tới đâu gật đầu tới đó. Trường hợp này em đã trải qua rất nhiều lần rồi, từ năm mười hai tuổi, sau khi trở thành con gái của nữ công nhân bất hạnh, em đã quen với những lúc phải đối diện với các bác sĩ, y tá, các phương tiện truyền thông đại chúng. Đối với chuyện này, mọi khó khăn và mâu thuẫn đều đã được giải quyết, không cần suy xét đến lập trường và thái độ, đạo đức hay lương tâm, không cần phải châm chước giá trị quan hay phương thức biểu đạt, điều duy nhất mọi người có thể làm đó chính là lợi dụng nó để giải tỏa cảm xúc của bản thân. Mà em không thể nói gì cả, em chỉ sợ bản thân buột miệng một câu sẽ vô tình lôi vết thương trong lòng kia ra. Tất cả những giọt nước mắt, sự phẫn nộ, bất mãn, tủi thân đều sẽ tuôn ra, em sẽ trở nên giống như bọn họ.
Cũng không biết qua bao lâu, sau khi thầy chủ nhiệm lớp nói xong, em ngẩng đầu lên thì nhìn thấy anh đứng ngoài cửa cười nhếch mép. Hai chúng ta mắt đối mắt, em vội vàng nhìn sang chỗ khác, sau đó chạy ra ngoài. Em chạy đến rừng cây nhỏ sau khoa điền kinh, tìm một cái ghế dài rồi ngồi xuống. Xung quanh vô cùng yên tĩnh, chỉ thỉnh thoảng mới có tiếng chim hót líu lo. Trong lòng em cảm thấy rất khó chịu, từng đợt chua xót xộc thẳng lên mũi, em tự mắng bản thân không biết nỗ lực, ở trước mặt người khác luôn cố gắng ngụy trang, nhưng khi ở một mình lại không kiềm chế được nước mắt. Em nhanh chóng dùng mu bàn tay lau đi dòng nước mắt. Em bị kéo hơi ngả người về phía sau, ngay lập tức mái tóc xõa tung ra, nước mắt thi nhau rơi xuống. Em quay đầu lại nhìn, thấy anh đang dùng đầu ngón tay xoay xoay dây buộc tóc của em, trên mặt nở nụ cười xấu xa.
Anh nhìn em sững sờ một hồi, sau đó hỏi: “Chó con, sao em lại khóc?”
Nhất định anh đã nghe thấy hết chuyện của em, không muốn để anh nhìn thấy bộ dạng này của mình, cho nên em đứng dậy, hơi nghiêng đầu để tóc che khuất khuôn mặt. Em duỗi tay nói: “Trả lại cho tôi.”
Anh càng cười lớn hơn, để lộ ra hàm răng đều tăm tắp: “Em lại đây mà lấy đi.”
Em duỗi tay về phía trước, anh lại giơ dây buộc tóc lên cao hơn, em định nhảy lên cao theo bản năng, nhưng lại không làm. Em ngẩng đầu lên, nụ cười bất cần đời của anh như hoà làm một cùng với ánh mặt trời, có chút chói mắt. Em đã nhìn thấy rất nhiều đôi gà bông trong trường cũng như thế này, cho nên cũng chưa từng nghĩ đến sẽ để ý tới anh. Mở khoá kéo cặp sách, em rút từ trong ví ra hai mươi tệ rồi dúi vào tay anh, đầu ngón tay vô tình chạm vào bàn tay ấm áp của anh. Sau đó bỏ chạy.
Gió thổi làm tóc em bay bay, khóe mắt ướt át cảm thấy hơi lạnh lẽo, nhưng là không hiểu sao trong lòng lại vì anh mà cảm thấy có chút ấm áp. Cái dây buộc tóc kia mang ý nghĩa thế nào, trong lòng em hiểu rất rõ nhưng lại không nói ra.
Anh quay trở lại phòng học, ném thẻ học sinh của em lên bàn em. Em ngẩng đầu lên, thấy tóc của anh được buộc thành một chỏm nhỏ trên đầu, anh mỉm cười với em, nói anh muốn giữ cái dây buộc tóc này. Mãi về sau, tận cho đến khi chúng ta xa nhau, anh vẫn luôn mang theo dây buộc tóc của em bên cạnh, nếu không phải là đeo trên cổ tay thì sẽ là để buộc mái tóc dài của anh lại. Có một lần, ở nhà ăn, anh ngồi đối diện em, Bùi Tử Quân thắc mắc tại sao ngày nào anh cũng mang theo cái dây buộc tóc đã cũ này. Anh trả lời, bởi vì anh là người đã có chủ. Em đột ngột ngẩng đầu lên, anh chớp chớp mắt nhìn em, đôi mắt của anh như một biển sao trời mênh mông, bị hàng lông mi vây kín. Thật lòng thì luôn có những khoảnh khắc anh khiến tim em loạn nhịp.
Lúc xuống xe buýt đã khuya, em vốn định mua hai cái bánh bao. Nhưng nghĩ lại thì A Chính đã ở nhà cả một buổi chiều, vậy nên em vào quán McDonald ở bên cạnh. Hơn nữa, dạo gần đây A Chính ăn càng ngày càng nhiều, có thể là vì đang trong giai đoạn cơ thể phát triển, cho nên em cố ý mua một phần ăn lớn.
Cảm xúc của em lẫn lộn, bước lên cầu thang vừa tối tăm vừa lộn xộn. Bây giờ, những người còn sống ở đây chỉ có những người ban đầu làm việc ở xưởng dệt cùng với con cháu của họ, ngoài ra cũng chỉ có khách thuê từ nơi khác đến hoặc là người làm công. Trên hành lang chồng chất chai lọ, bình vại, còn có những thứ ve chai được giữ lại. Lúc bước lên tầng hai, em cố ý nhìn thoáng qua cửa nhà Trần Hoành Vũ, chữ phúc dán trên cánh cửa đã bong mất một góc. Bây giờ ở đây chỉ còn dì và Trần Kiến Quốc. Sau khi không còn làm cảnh sát nữa, Trần Kiến Quốc làm tài xế xe tải chở đồ cho một vài tiệm tạp hóa. Còn dì thì từ năm hai mươi tuổi đến bốn mươi tuổi vẫn luôn sống trong thế giới nhỏ bé của riêng mình. Sau khi tháo băng gạc, dì hét lên trong đau đớn, tử cung của dì bị tổn thương, suốt quãng đời còn lại đều không thể có thai được nữa.
Em móc chìa khóa ra, mở cửa, nhìn thấy bóng dáng của anh, tấm lưng của anh so với hồi 18 đã trở nên to rộng hơn nhiều. Tiếng nước sôi trào ra vang lên, nắp nồi bị đẩy lên, nước từ trong nồi tràn ra, em chạy vội qua, mì trong nồi đã chín. Em tắt bếp gas, nước sôi rơi xuống mu bàn tay, em kêu một tiếng “A”. Ngay lập tức, anh cầm lấy bàn tay của em, đặt dưới vòi xả nước.Khoảng cách giữa chúng ta rất gần, ngoài việc để chút râu, dường như so với năm 18 tuổi anh cũng không thay đổi gì nhiều lắm.
Anh nói: “Đã lâu không gặp, Thẩm Hòe Nam.”