Edit: Huyền
Beta: Chúi
Thực tập sinh ở thư viện không có chìa khóa kho tư liệu, sáng sớm ngày hôm sau, Tần Thanh đứng chờ ở cửa mới gặp được người thủ thư giữ chìa khóa. Người nọ nhận giấy giới thiệu rồi mới dẫn Tần Thanh tới kho tư liệu, vừa đi vừa giải thích, “Học bạ của sinh viên và hồ sơ các giảng viên đều ở bên trong đây, không cẩn thận không được.”
Tần Thanh nói vậy em đứng chờ bên ngoài cũng được, thủ thư lại hỏi cô tìm sách gì, Tần Thanh nào biết sách gì, chỉ nói chung chung là sách về văn học dân gian, sau đó nói tên của giáo sư Thi, người nọ cầm hai, ba quyển lại, “Đây là sách do giáo sư Thi biên soạn, có quyển ông chủ biên, có quyển ông làm tác giả biên soạn, cầm đi đi.”
Ba quyển sách đều rất mỏng, nhập lại làm một còn không dày bằng sách giáo khoa của Tần Thanh, trang bìa cũng rất “thô sơ”, có mấy cái hình cộng thêm chữ, thấy thế nào cũng giống như chỉ cần dùng word là làm được.
Nhưng mà sách lại rất mới, giống như từ trước tới nay chưa từng có ai lật qua.
Hình như thủ thư đã làm ở đây rất nhiều năm, nói: “Sách này do chính nhà trường biên soạn, tự in ấn, cũng không có số seri nào, chỉ để sử dụng trong nội bộ nhà trường. Quyển này được thêm vào lúc tái bản.” Ông chỉ chỉ quyển sách [Phong tục tập quán làng Từ Gia – Tập 1] nằm bên trên.
Tần Thanh cầm sách trở về ký túc xá.
[Phong tục tập quán làng Từ Gia – Tập 1] xuất bản lần đầu tiên vào đầu tháng một năm 1953, tái bản năm 1993. Nó là quyển sách cũ nhất trong ba quyển. Tần Thanh lật sách ra, phát hiện thông tin trong quyển này là chi tiết nhất, mặc dù nó hơi mỏng nhưng tất cả đều là truyện kể dân gian, có hơn 1300 chương, mở đầu mấy câu chuyện đều viết rõ người ghi chép, người kể chuyện, ngày tháng, địa điểm, nhân vật đều là tên thật. Chắc chắc người viết quyển sách này đã dồn hết sức lực để đưa những câu chuyện xưa này trở về bản chất thực sự của nó.
Hơn nữa, chủ biên và tổng biên tập của đa số những câu chuyện đều cùng một người, ông tên Đại Ngọc Thư, giáo sư Thi Vô Vi là người chỉnh lý tái bản.
Tần Thanh có hứng thú đặc biệt đối với quyển sách này, không chờ nổi nữa mà đọc ngay khi ăn cơm xong.
“Năm 1921, tôi chuyển đến làng Từ Gia, cậu chủ của xưởng ép dầu coi tôi như một nhân tài, vừa biết đọc biết viết lại vừa biết tính toán, có tay nghề đánh bàn tính, thế là cậu ấy cho phép tôi đến học ở phòng học của Từ gia. Mỗi ngày trời chưa sáng tôi đã thức dậy làm việc tại xưởng ép dầu, sau khi ăn sáng cùng gia đình ông chủ xong là đến phòng học cùng con trai và cháu trai cậu chủ, nếu đến muộn sẽ bị thầy giáo phạt roi.”
“Tôi xem như là đầy tớ của Từ gia nhưng cậu chủ không muốn giấy bán thân của tôi. Cuộc sống ở xưởng ép dầu Từ gia là những tháng ngày đẹp nhất của tôi từ khi sinh ra. Lúc đó, tôi thật tâm thật ý muốn bán mình cho xưởng ép dầu nhưng cậu chủ cười, bảo tôi đừng gấp, chờ khi nào tôi cao bằng thùng dầu rồi bán cũng còn kịp. Tôi biết cậu chủ chỉ đang dỗ dành tôi thôi, thùng dầu kia cao khoảng 6m, còn cao hơn một cái đầu so với đầy tớ cao nhất của xưởng ép dầu nữa.”
“Gia đình cậu chủ đều là người tốt, sau này họ còn cho tôi đi học ở trên huyện. Tôi trở về sau khi đất nước thống nhất thì xưởng ép dầu đã không còn, một nhà cậu chủ cũng ly tán khắp nơi. Khó khăn lắm tôi mới tìm được một người tên Từ Tứ là công nhân từng làm ở xưởng ép dầu, vợ của anh là chị Từ còn nhớ tôi, một hai bắt tôi phải ở lại ăn cơm, nhà bọn họ đặc biệt vì tôi mà làm mì sợi, còn bỏ thêm hai giọt dầu vừng.”
“Làng Từ Gia có bốn trăm năm lịch sử, đền thờ sớm nhất trong thôn được thành lập vào thời Minh Thái Tổ(1), nếu trưởng thôn muốn thông báo chuyện gì thì gọi già trẻ lớn bé ở trong thôn tới đền thờ để nói. Tôi muốn nghiên cứu lịch sử của làng Từ Gia, để con cháu đời sau có thể hiểu rõ về thôn trang nhỏ với bốn trăm năm lịch sử này.”
(1)Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương) cai trị đất nước Trung Hoa từ năm 1368-1398, các sử gia gọi thời cai trị của ông là Hồng Vũ chi trị.
Theo lời mở đầu của Đại Ngọc Thư, hóa ra ông có cảm tình rất sâu đậm với làng Từ Gia nên mới nghiên cứu phong tục tập quán nơi đây. Có lẽ khi ông lựa chọn đề tài này, nơi đầu tiên muốn nghiên cứu chính là làng Từ Gia.
Có thể thấy theo lời mở đầu, Đại Ngọc Thư dùng tổng cộng tám năm để nghiên cứu làng Từ Gia, trong tám năm này, ông đích thân đi thăm mỗi một gia đình nơi đây, còn cất công nghiên cứu cả những ghi chép từ các huyện về làng Từ Gia. Đây chính là một công trình lớn vì trong suốt bốn trăm năm, làng Từ Gia đã phải di dời bốn lần. Lúc thì huyện phía Đông cai quản bọn họ, lúc thì phía Tây, qua vài thập kỷ lại thuộc về huyện phía Nam.
Ngoại trừ ghi chép của huyện còn có gia phả Từ gia. Câu chuyện đầu tiên của Đại Ngọc Thư chính là về truyền thuyết tổ tiên Từ gia.
Tần Thanh đọc hăng say đến bỏ ăn bỏ ngủ. Tới khi giáo sư Thi lên lớp, cô ôm theo sách vở chạy đi chiếm chỗ đầu tiên.
Giáo sư Thi không ngờ vẫn còn nhớ Tần Thanh, sau khi tan học thấy cô lại gần thì vẫy tay cười tủm tỉm với vô: “Em đến mượn sách hả? Có thắc mắc gì không?”
Tần Thanh lắc đầu, “Em đang đọc quyển 1 [Phong tục dân gian làng Từ Gia] nhưng vẫn chưa rõ lắm, em định tìm thêm mấy quyển khác để xác minh một chút, bây giờ không có thắc mắc gì để hỏi giáo sư cả ạ.”
Giáo sư Thi ồ một tiếng thật dài như mang theo chút phiền muộn, “Quyển này thì…” Ông lắc đầu nói, “Quyển sách này… Xem như là bản duy nhất, trường học không nghiên cứu về mảng này, làng Từ Gia cũng không còn nữa, sau năm 1974 đã đổi thành huyện, người dân ở đó cũng đã chuyển đi rồi, thế nhưng đền thờ vẫn còn giữ để làm du lịch. Tài liệu nghiên cứu năm đó cũng đã thất lạc. Quyển này em xem một chút là được rồi.”
Tần Thanh rất ngạc nhiên, “Nhưng mà thưa giáo sư, tác giả [Tập 1] này viết rất nghiêm túc, tư liệu ông ấy tìm cũng rất đầy đủ mà!” Sao có thể nghiên cứu tám năm mà chỉ viết một quyển này thôi? Hơn nữa còn rất rõ ràng, quyển sách này tác giả Đại Ngọc Thư viết chỉ là mở đầu, chắc chắn phần sau ông ấy còn tiến hành nghiên cứu và xác minh diện rộng, chưa nói sau này có thể phát triển thành một học phái(2) hay không nhưng dù sao cũng không thể chỉ có một quyển sách này được.
(2)Học phái (từ cũ): nhóm học giả chuyên về một khuynh hướng, ngành học riêng biệt (ví dụ Trường phái triết học, Trường phái tài chính toán học…)
Giáo sư Thi lắc đầu, không nói gì thêm, “Em đọc quyển khác đi, mấy quyển khác tôi còn có thể giảng giải cho em một chút.” Nói xong, ông xua tay rồi bỏ đi.
Tần Thanh thất vọng trở về, Tư Vũ Hàn bảo: “Chắc tác giả đã qua đời rồi, nếu ông ấy còn sống có lẽ tư liệu sẽ nhiều hơn một chút, ông ấy vừa đi, cái này liền kẹt lại ở đây. Nhiều công trình nghiên cứu đều là như vậy, không có ai tiếp nhận tự nhiên sẽ biến mất.”
Nói thế cũng đúng.
Tần Thanh thở dài, “Tớ cảm thấy có chút đáng tiếc, cậu chưa đọc quyển sách kia.” Cô lấy quyển sách từ đầu giường tới, “Đừng nhìn quyển sách này mỏng, thật ra không có một câu nào thừa thãi, tất cả 1357 chương đều do ông ấy tự mình đi nghiên cứu trong suốt tám năm đó.”
“Người nghiên cứu học vấn trước kia đều rất nghiêm túc.” Tư Vũ Hàn cầm quyển sách, thở dài đối với cái bìa hoàn toàn không chút tỉ mỉ, mở ra, thấy câu chuyện đầu tiên viết: “Năm 1936, ghi chép lại. Người kể chuyện: Từ Nhị Mao, nam…” Mấy chương sau đó đều trình bày theo cách này.
“Khi đó còn chưa có máy vi tính, tất cả đều do ông ấy nghe người ta kể rồi tự mình viết xuống.”
Tư Vũ Hàn cũng đọc say mê, không thể không nói, cách hành văn của Đại Ngọc Thư rất có sức hấp dẫn nhưng nhìn ra bầu trời đêm tối đen như mực, cô không dám đọc nữa, “Tớ đọc mà nổi da gà luôn á!”
Câu chuyện thứ nhất kể về việc mẹ hai của Từ Nhị Mao sau khi chết trở về quấy phá.
Cha Từ Nhị Mao có hai người vợ, vợ cả là mẹ ruột Từ Nhị Mao, dùng kiệu tám người khiêng cưới vào cửa, đã lạy tổ tiên trời đất. Vợ hai cũng chính là mẹ hai, khi Từ Nhị Mao còn nhỏ đã thắt cổ tự vẫn. Sau khi lớn lên, Từ Nhị Mao đoán là mẹ hai do cha mình lừa về.
Cha Từ Nhị Mao là một người bán hàng rong đi khắp hang cùng ngõ hẻm, thường thường mấy tháng không trở về nhà. Nghe nói khi mẹ hai vào cửa còn chưa cao bằng cái tủ. Mẹ Từ Nhị Mao sau khi biết chuyện đuổi đánh cha anh ta tới tận đền thờ mới được mấy người lớn tuổi khuyên trở về. Mẹ anh ta bảo mẹ hai giúp việc trong gánh hát, những lúc bận rộn thích hát lẩm nhẩm, giọng hát hay như tiếng chim ca.
Cha Từ Nhị Mao lừa mẹ hai, nói có thể giúp bà tìm được cha mẹ mới lừa được bà về nhà, một năm sau, mẹ hai phát hiện bị lừa, bởi vì bà hỏi người trong làng mới biết cha Từ Nhị Mao chỉ là người bán hàng rong bình thường, đời này chưa từng đi quá hai mươi dặm cách làng Từ Gia, hoàn toàn không có khả năng đưa bà về nhà, cũng không thể nào gặp qua cha mẹ bà, từng đến quê hương bà. Sau đó mẹ hai đã treo cổ.
Về sau, mẹ và cha Từ Nhị Mao đều mơ thấy mẹ hai, bản thân Từ Nhị Mao không nhớ rõ nhưng mẹ anh ta nói khi còn nhỏ anh ta đã mơ thấy mẹ hai đứng ở mép giếng vẫy tay kêu mình đi qua, thế là cha anh ta lấp cái giếng trong nhà đi, mẹ anh ta cũng dặn anh ta không được một mình ra khỏi cửa.
Từ gia đã từng mời bà cốt, bà cốt nói người này đã chết rồi nhưng hồn không đi vì vẫn nhớ rõ cha Từ Nhị Mao bảo sẽ dẫn bà về nhà. Cha Từ Nhị Mao không thể làm gì khác đành phải mang bài vị đi hỏi thăm khắp nơi, tìm người của gánh hát hỏi thăm, xem có ai biết quê hương mẹ hai ở đâu không. Từ đó về sau cha Từ Nhị Mao không trở về nữa, mẹ Từ Nhị Mao trước khi chết đã nói, cha anh ta đã bị mẹ hai mang đi.
Tần Thanh cảm thấy câu chuyện này có nhiều chỗ tương đồng với cô, ví dụ như người Từ gia đều mơ thấy mẹ hai nhưng vì không có nhiều tư liệu, chỉ có câu chuyện cũ này, cô tựa như đứng bên ngoài ngọn núi cấm vò đầu bứt tai vì không vào được bên trong.
Hình như tác giả Đại Ngọc Thư cũng muốn tránh cho ý tưởng của ông tạo cho người đọc một ấn tượng định sẵn, khi ông ghi lại thì vứt bỏ tất cả ghi chép chủ quan, cố gắng hết sức viết dưới góc độ của người kể chuyện. Ông không có bất kỳ lời nhận xét nào, cũng không giải thích đầu đuôi câu chuyện.
Đọc xong, Tần Thanh nhịn không được suy nghĩ: Khi Đại Ngọc Thư viết lại câu chuyện này, ông đã nghĩ gì? Ông cảm thấy thế nào từ người kể chuyện Từ Nhị Mao? Hàng xóm Từ Nhị Mao đã nói gì? Mộ mẹ hai ở đâu? Thật sự năm đó cha của Từ Nhị Mao bởi vì chuyện này mà mất tích sao? Vẫn còn đó đủ loại nghi vấn, người kỹ tính như Đại Ngọc Thư chắc chắn sẽ không rời đi sau khi chỉ nghe một câu chuyện, chắc chắn ông sẽ đi tìm nguyên nhân hậu quả của câu chuyện này.
Nếu như… nếu như người này còn sống, nếu ông là giáo sư của trường học, nếu có thể lên lớp của ông nghe giảng, được đối mặt với ông đặt ra câu hỏi thì tốt biết bao nhiêu!
Có lẽ bởi vì ý nghĩ này của Tần Thanh, tối hôm đó, cô đã có một giấc mơ.
Trong mơ, cô đang đi học, chính là lớp của giáo sư Thi. Thế nhưng rèm cửa không được kéo lên, ngoài cửa sổ là những chiếc lá phong xanh tươi mơn mởn đang lay động trong gió, ánh mặt trời đầu hạ rót xuống khiến màu xanh kia càng thêm biêng biếc.
Một vị giáo sư bụng phệ mặc tây trang kiểu cũ với dây đeo đang đứng trên bục giảng nói một cách chậm rãi, ngón tay cái móc vào đai áo với phong cách tân thời, ấn tượng đầu tiên của Tần Thanh về ông chính là: Hình như ông đã du học ở nước ngoài.
“Trung Quốc chúng ta có rất nhiều vùng đất đai màu mỡ. Không giống như nước Mỹ chỉ mới xây dựng đất nước hai trăm năm không có lịch sử, quốc gia chúng ta có lịch sử lâu đời, bất kỳ một làng quê nhỏ nào ngoài kia đều có mấy trăm năm lịch sử.”
Sinh viên bên dưới khẽ cười.
“Các cô cậu đừng có cười, theo như ngôi làng Từ Gia mà tôi biết, đền thờ nơi đó được lập từ thời Minh Thái Tổ, các cô cậu tính xem đã mấy trăm năm? Nói không chừng bể nước ở căn tin trường học chúng ta cũng có lịch sử bảy tám chục năm ấy chứ.”
Toàn bộ sinh viên đều cười phá lên, một nam sinh đứng lên hỏi: “Giáo sư Đại, bút máy của thầy có lịch sử bao nhiêu năm rồi ạ?”
Giáo sư trên bục giảng nhướng mày, lấy bút máy từ trong túi áo sơ mi ra một cách trịnh trọng, nghiêm túc nói: “Nó có lịch sử năm mươi năm, tôi mua được nó ở một cửa hàng đồ cũ khi du học ở Anh, chỉ tốn một bảng Anh.” Ông xoay bút một vòng, “Người thứ nhất có được nó đã khắc ngày lên.” Ông đưa bút máy cho sinh viên truyền tay nhau xem, “Tôi đoán, nó là món quà sinh nhật không được chào mừng.” Ông nói một cách dí dỏm.
Bút máy cũng truyền đến trong tay Tần Thanh, chuyện này thật kỳ lạ. Tần Thanh thấy trên cây bút thật sự có khắc chữ, là chữ in hoa.
K·J·LF·1910
Buổi sáng thức dậy, Tần Thanh thoáng nhớ lại cảnh tượng trong giấc mơ kia, cô bèn lật quyển sách [Tập 1] bên gối, lật đến lời mở đầu thứ hai, lời mở đầu này là do giáo sư Thi viết, ông chỉ giới thiệu đơn giản về cuộc đời cũng như năm sinh của Đại Ngọc Thư. Đại Ngọc Thư sinh năm 1910, mất năm 1963.
Tần Thanh suy đoán, cô cảm thấy cây bút máy kia Đại Ngọc Thư mua để làm quà sinh nhật cho mình. Vốn dĩ nó chính là quà sinh nhật, bị chủ nhân thứ nhất ghét bỏ nhưng lại được chủ nhân thứ hai quý trọng.
HẾT CHƯƠNG 8
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT