Chim hót líu lo, ánh nắng xuyên qua cửa số chiếu vào màn đỏ sáng rực một vùng.

Lông mi Triệu Bạch Ngư run run, nhíu mày vùi mặt vào trong chăn, một lát sau ý thức mới trở về, từng mảnh kí ức vụn vặt thoáng qua, hình ảnh giường chăn đỏ thẫm bị mồ hôi thấm ướt dần cuộn trào như sóng trong đầu.

Trời đất đảo điên, hơi thở quanh quẩn bên tai tựa màn sương ẩm ướt mịt mờ, hòa với mùi đàn hương lẫn với thuốc bắc vẫn còn nồng đậm, trong bóng tối có ánh nến lay lắt, chớp nhoáng lại bắt gặp khao khát cuồn cuộn trong đôi mắt màu lưu ly, vừa từ bi lại vô tình, giống hệt như vị Bồ Tát sa đọa từ ba mươi ba tầng trời xuống biển hồng trần vô biên.

Cửa phòng bị đẩy ra kêu két một tiếng, Hoắc Kinh Đường ném roi ô kim lên bàn, tay trái tháo đai lưng, cởi áo bào ra rồi đi vào phía trong, hắn vén màn ngồi xuống mép giường, vươn tay thử nhiệt độ trên trán Triệu Bạch Ngư, bàn tay dường như to bằng nửa trên khuôn mặt, lúc y kéo cong khóe môi cười có thể thấy được hàm răng trắng đều.

Thân thể dưới chăn chỉ mặc một lớp trung y, vạt áo mở rộng lộ ra cần cổ và xương quai xanh, dấu đỏ nở bừng lan tràn xuống bên dưới, không cần vén chăn lên cũng biết bên trong còn dày đặc hơn thế nữa.

"Không có sốt."

Triệu Bạch Ngư rũ mắt, ỉu xìu đáp bằng giọng mũi: "Ừm." Y nằm trên gối, mí mắt cứ muốn sụp xuống, tóc đen xõa tán loạn ở đầu vai lẫn sau lưng, nếu vén qua thì sẽ thấy được cảnh tượng dấu hôn, vết cắn chằng chịt sau lưng, tất cả đều là tác phẩm của Hoắc Kinh Đường.

"Ngươi chạy đi đâu vậy?" Ngó roi ô kim trên bàn cùng với trang phục chỉnh tề của Hoắc Kinh Đường, trên trán và cánh tay đều có một lớp mồ hôi mỏng, mùi đàn hương và thuốc bắc trên người cũng nồng hơn, Triệu Bạch Ngư không thể tưởng tượng nổi, khàn giọng hỏi: "Mới sáng sớm đã đi luyện võ —— sao còn nhiều sức thế?"

Y cảm giác như từ cần cổ trở xuống đều không thuộc về mình nữa rồi, sao người thật sự làm hết mình thì tinh thần lại phấn chấn thế kia?

Hoắc Kinh Đường mỉm cười nhìn Triệu Bạch Ngư, xoa bóp sau lưng cho y: "Xương cốt của ngươi kém quá, đổi động tác một chút là chân vọp bẻ, eo vọp bẻ —— đời này ta chưa từng thấy ai bị vọp bẻ eo, ngươi đã khiến ta mở mang tầm mắt rồi."

Triệu Bạch Ngư thoải mái híp mắt, mất hứng phản bác: "Người bình thường không tập võ cũng đâu làm được động tác quá khó, huống chi ta là người làm việc công, cả ngày lẫn đêm ngồi phê văn sao có thể không mắc bệnh văn phòng* chứ?"

(*) Chỗ này bé Cá dùng từ hiện đại: Bệnh văn phòng hay hội chứng bệnh văn phòng (SBS) là thuật ngữ chỉ về các loại bệnh tật khác nhau có nguyên nhân từ những điều kiện và môi trường làm việc ở văn phòng, cao ốc và những công việc liên quan đến lao động đặc thù tại văn phòng. Đối tượng đặc thù của loại bệnh này chính là những nhân viên văn phòng thường xuyên tiếp xúc và làm việc với máy vi tính, giấy tờ, hồ sơ... với hoạt động lao động trí óc, có nhiều mối quan hệ công tác đa dạng, phức tạp, cường độ làm việc cao, áp lực công việc lớn, tình trạng va chạm, căng thẳng trong công tác nhiều, công việc thường không có giờ giấc cố định.

Mặc dù không biết từ "bệnh văn phòng" có nghĩa là gì nhưng cũng có thể dựa theo từ ngữ đoán ra ý, Hoắc Kinh Đường không tỏ rõ ý kiến: "Sau này theo ta học Ngũ Cầm Hí*, cần kiên trì tập luyện, nếu không mấy năm nữa người ngươi sẽ sinh cả đống bệnh cho xem. Nếu như còn muốn tiếp tục làm quan thì phải rèn luyện thân thể."

(*) Ngũ Cầm Hí (五禽戲), tập luyện dựa theo động tác của năm loài vật: hổ, hươu, gấu, khỉ và chim của Hoa Đà.

"Vậy thì liên quan gì đến làm quan?"

"Nếu như bị điều ra ngoài tỉnh làm quan, ít nhiều cũng phải bôn ba đường sá ba bốn ngày trời, ngươi chịu đựng được không?" Hoắc Kinh Đường vỗ mông Triệu Bạch Ngư một cái: "Dậy ăn chút gì đi."

Triệu Bạch Ngư gãi đầu ngồi dậy, phát hiện y phục đều bị gom đi cả rồi, nghiêng đầu nhìn thấy Hoắc Kinh Đường vỗ tay ba cái, một hàng tỳ nữ và hai tên thái giám chia nhau bưng chậu nước, khăn lông, các vật phẩm khác và y phục bước vào, một trong số những người đó có khuôn mặt rất quen thuộc, y nhớ mang máng là tỳ nữ đêm qua được gọi vào thay giường và chậu nước.

Ăn mặc ở trong gia đình quan lại đều có người hầu hạ, dù Triệu Bá Ung và Tạ thị chưa bao giờ quá nuông chiều con cái cũng sẽ sắp xếp mấy người hậu thân cận trong viện của các lang quân, đến cả Triệu Bạch Ngư còn có Tú ma ma kia mà.

Có điều Triệu Bạch Ngư đã quen với việc tự mình sửa soạn mọi thứ rồi.

Hoắc Kinh Đường thay bào phục, lúc đưa tay đòi đai lưng bỗng có một tỳ nữ dung mạo xinh đẹp tiến lên hai bước, to gan hỏi: "Quận vương điện hạ, để nô tỳ đeo cho ngài."

Động tác rửa mặt của Triệu Bạch Ngư ngừng lại, ngẩng đầu nhìn lên thấy tỳ nữ thẹn thùng nhìn Hoắc Kinh Đường, người hầu bên cạnh thì cúi đầu chuyên tâm làm việc, giả vờ như không thấy gì hết.

Hoắc Kinh Đường chỉ liếc một cái, tỳ nữ đã tránh né ngay, sau đó hắn chẳng nói gì nữa, cầm đai lưng thắt lại, hiển nhiên bình thường đã quen với việc không cần người khác hầu hạ mặc y phục.

Hành quân đánh giặc nhiều năm, từ một tên lính quèn đi lên, ai mà lại đi nuông chiều hắn đến mức cho hắn mang theo tỳ nữ thái giám vào quân doanh phục vụ cuộc sống thường ngày.

Trong nháy mắt biểu cảm của tỳ nữ đã trông như sắp khóc, hốc mắt đỏ au, tủi thân không yên xoắn khăn tay lùi về vị trí cũ.

Động tác của Hoắc Kinh Đường rất nhanh, Triệu Bạch Ngư cũng không tỏ ra khó chịu, mặc y phục đơn giản nhẹ nhàng, rửa mặt xong liền cùng hắn đến tiền viện ăn sáng. Hai ba người hầu cũng rời đi theo, chỉ còn lại người quét dọn trong nhà và ngoài sân, suốt cả buổi chẳng ai thèm ngó ngàng đến ả tỳ nữ vừa quyến rũ chủ nhân.

Tỳ nữ dậm chân, siết chặt lấy khăn tay bất bình: "Đắc ý gì chứ? Một tên đàn ông nằm dưới người khác mà cũng không biết xấu hổ!" Quận vương rồi sẽ cần người nối dõi tông đường, trước mắt cũng chỉ là vì thấy mới mẻ nên chơi cho vui thôi, kiểu gì cũng quay đầu phát hiện còn biết bao nhiêu phụ nữ tốt, đến lúc đó ả sẽ trở thành di nương, trắc phi, để xem coi đám nô tài không có mắt này còn dám coi thường người khác hay không!

Phải nói trước khi ả được đưa vào quận vương phủ, nghe nói Lâm An quận vương có biệt danh là Tu La tướng quân, dung mạo cực kì xấu xí, lúc đó ả còn không cam tâm, bây giờ thấy người thật mới biết cái gì gọi là thần tiên.

Ả đỏ mặt, ngượng ngùng bước ra khỏi phòng, cũng chẳng đụng vào chút việc nhà nào, chuẩn bị đi dạo đó đây trong phủ, vừa mới đặt chân đến đình viện đã bị ma ma ở quận vương phủ dẫn người tới cản lại.

"Cũng xinh đẹp đấy chứ, chẳng trách tâm tư cao ngạo dám mị hoặc chủ nhân." Ma ma chừng bốn mươi tuổi, tóc mai đã điểm bạc, ánh mắt cay độc tràn đầy kinh nghiệm, nắm cằm tỳ nữ nhìn trái nhìn phải, giọng thờ ơ: "Giam năm sáu ngày đi, cho ả ăn cháo giữ mạng là được, nếu cơ thể không có vấn đề sẽ đưa đi biệt trang làm ruộng."

Tỳ nữ nghe mà da đầu ngứa ran, kinh hoàng hét lên: "Các ngươi định làm gì? Các ngươi không thể đối xử với ta như vậy, ta là người trong cung đến đây, là do bệ hạ ban thưởng —— "

"Là do bệ hạ đích thân chỉ tay hay là vị nương nương kia ban thưởng?" Ma ma lạnh lùng cắt lời tỳ nữ. vừa lau tay vừa nói: "Tốt nhất nên cầu nguyện thân phận của ngươi đủ sạch sẽ, nếu không thì đến làm ruộng cũng không có cửa, mà là đứng khóc ở hoàng tuyền đấy."

Tỳ nữ mềm nhũn chân, không ngừng giãy giụa, mê sảng kêu la ả là cung nữ ngự ban, là trắc phi của quận vương vân vân mây mây, nhưng rồi cũng bị bịt miệng lại ép kéo đi.

Chủ viện khôi phục yên lặng, những người khác câm như hến, ma ma đảo mắt lướt một vòng, không dặn dò thêm nữa mà chi đi thẳng.

Giết gà dọa khỉ đã là cảnh giới cao nhất mà sự im lặng tốt hơn là lên tiếng, vậy nên không cần phải nhiều lời.

***

Triệu Bạch Ngư vừa húp cháo trắng vừa nghĩ bụng, xem ra quận vương phủ cũng không phải quá vắng lặng, còn tưởng rằng Hoắc Kinh Đường không có thực quyền nên mới cần ẩn thân để tránh bị người ta căm ghét.

Hoắc Kinh Đường: "Ba ngày nữa hồi môn*, có về không?"

(*) Hồi môn: Lại mặt, tức vợ chồng về nhà bố mẹ vợ sau ngày cưới.

Triệu Bạch Cá: "Không về."

Hoắc Kinh Đường múc một vá tào phớ vào trong bát y, "Đồ chuyển đến hết rồi à, có bỏ sót gì không?"

Triệu Bạch Ngư: "Sáng sớm đã kiểm tra xong rồi, Nghiên Băng đã quyết định không để lại Triệu phủ dù chỉ là một miếng gạch ngói. À đúng rồi, ta có thể để Nghiên Băng ở quận vương phủ được không?"

"Đến chỗ Hải thúc nói một tiếng là được, ông ấy là quản gia trong phủ. Ta nhớ bên ngươi còn hai người nữa, không đưa bọn họ đến đây luôn sao?"

"Ngụy bá không thích ở nơi nhiều người, ông ấy sẽ ra ngoài sống một mình. Tú ma ma thì quản lý quán rượu, tiệm trà, thuận tiện giúp Lý Ý Như và các cô nuong bắt đầu lại." Triệu Bạch Ngư tò mò hỏi: "Chờ đã, cần làm gì hả? Ta có cần đến thăm hỏi phủ ngoại gia của ngươi không? Thân phận quận vương phi của ta còn phải làm những gì nữa vậy, như xã giao, quản gia ấy?"

Động tác của Hoắc Kinh Đường rất tao nhã nhưng tốc độ ăn không chậm, Triệu Bạch Ngư mới ăn đến bát thứ hai mà hắn đã giải quyết xong ba bốn cái bánh bao và hai bát mì, ăn xong thì dùng khăn tay của Triệu Bạch Ngư lau miệng, nghiêng người tựa vào ghế ngồi, hai tay giấu trong tay áo, khép hờ mắt nói: "Ở không, chơi đùa, phơi nắng, không có gì làm thì ngủ. Ta không có chức vụ gì, trước mắt ngươi còn có ngày nghỉ kết hôn, thoải mái thả lỏng, mở lòng đi hưởng thụ thôi, chẳng ai dám nói gì ngươi. Quận vương phủ chưa từng kết giao với ai nên cũng không cần đi xã giao, nếu thích thì có thể cùng Hải thúc từ chối thiệp mời, tháng nào cũng có một xấp, cần kiếm đủ thứ cớ để không phải đi, Hải thúc còn đang muốn có người gánh vác giúp một phần đấy."

Triệu Bạch Ngư vội vàng lắc đầu: "Ta không thích xã giao đâu."

Hoắc Kinh Đường: "Trung quỹ trong phủ, đối ngoại đều có Hải thúc lo, hậu viện còn có mấy vị ma ma quản lí. "Còn những chuyện khác, nếu ngươi không ngại thì cứ nói với bọn họ một tiếng."

Triệu Bạch Ngư thở phào nhẹ nhõm, kiên định nói: "Ta cũng có một đống chuyện nhức đầu, thôi thì cứ giao cho người có chuyên môn đi."

Y là người có chức quan, vốn vô cùng bận rộn, nếu như còn tham gia xã giao, quản lí chuyện trong phủ nữa thì còn đâu thời gian mà làm việc? Cuối cùng nhất định sẽ bị buộc từ chức, thậm chí sẽ bị mấy việc lặt vặt ở hậu trạch ép cho không thở nổi.

"Đã từng đi lâm viên ở ngoại ô Kinh đô chưa?"

"Cái nào?" Lâm viên ở ngoại ô rất nhiều, nhưng nếu không phải đều là của các hoàng tử công chúa, thì cũng là của vương công đại thần, những người không phận sự không vào được, "Ta chưa đi cái nào cả."

"Sơn trang Long Tuyền nằm sau đỉnh núi Bảo Hoa tự, đó là phần thưởng ta được ban cho năm mười lăm tuổi sau khi đánh bại Đột Quyết, là biệt trang lâm viên duy nhất ở ngoại ô có suối nước nóng. Dù sao cũng đang nhàn rỗi không có việc gì làm, qua đó chơi mấy hôm nhé."

Triệu Bạch Ngư: "Được."

Cơm nước xong, sai người chuẩn bị xe ngựa đơn giản liền rời phủ, bên ngoài có người gọi Triệu Bạch Ngư lại, thì ra là Trần Phương Nhung.

Trần Phương Nhung lại gần nói: "Trải qua án thi cử và tranh luận đạo lý trên ngự tiền, bệ hạ cảm thấy cha ta là người thanh liêm có tài, ngay thẳng không nghiêng lệch, cũng không bảo thủ, càng không quan tâm đến đường làm quan, là người thích hợp nhất để đi đầu trong việc đốc thúc mở cửa cải cách, cho nên đã giao chế độ xây dựng sương phường cho cha ta, vậy nên ta cũng được nhờ. Vốn chỉ cần không đến mấy tháng là đã được thông qua, ta lại mất đến hai ba năm khảo hạch, dù sao cũng nhận được một chức Huyện lệnh ở huyện Tứ Thủy, Sơn Đông, giấy ủy nhiệm hai ngày nữa sẽ được gửi xuống."

Ngưng một chút, hắn móc một tấm linh ký tặng cho Triệu Bạch Ngư, dùng ánh mắt mong đợi nói: "Ta cầu ký văn này ở Bảo Hoa tự nửa tháng liên tục, là vật linh nghiệm nhất, có thể bảo vệ ngươi bình an."

Linh ký được đóng khung đẹp mắt, xâu thêm một chuỗi ngọc đẹp, nửa năm chỉ phát hai trăm tờ, gọi là ký văn linh nghiệm nhất được Phật tổ làm phép, đa số dùng để cầu duyên, số ít dùng để cầu sự nghiệp cầu bình an, Triệu Bạch Ngư nhìn một cái liền biết ngay đây chính là chiêu tiếp thị đói khát của mấy tên hòa thượng ở Bảo Hoa tự.

Y nhận lấy linh ký, mi mắt khiêm tốn vô tư: "Con đường phía trước mênh mông, mỗi người một chân trời, hy vọng người bảo trọng."

Trần Phương Nhung nhìn Triệu Bạch Ngư chằm chằm, hồi lâu mới lùi hai bước, mười ngón tay đan vào nhau giơ cao quá đầu, khom người cúi chào thật sâu, không hề nói một lời chia tay nào, rồi sau đó đứng thắng dậy, hai người nhìn nhau cười một tiếng, có lẽ đều đã thông suốt rồi.

Triệu Bạch Ngư bước lên xe ngựa, Hoắc Kinh Đường vươn tay ra trước mặt y rồi kéo y vào lòng, vùi mặt vào hõm vai Triệu Bạch Ngư chợp mắt, lười biếng nói: "Tiểu lang, ngủ với ta một chút đi."

Triệu Bạch Ngư bị lây cơn buồn ngủ ngáp một cái, cũng mơ màng ngủ theo hắn.

***

Ngâm suối nước nóng ở sơn trang mấy ngày, Triệu Bạch Ngư cảm thấy xương cốt y sắp sửa bị ngâm đến mềm luôn rồi, chứ đừng nói tới suối nước nóng trơn trượt ẩm ướt là nơi không khí thích hợp nhất để ân ái, Hoắc Kinh Đường căn bản không biết thỏa mãn là cái quái gì.

Mấy lần Triệu Bạch Ngư nửa tỉnh nửa mê được Hoắc Kinh Đường ôm ra khỏi hồ tắm. Nghiên Băng đáng thương cũng vì thế mà bị ép hiểu chuyện giường chiếu giữa hai người đàn ông trưởng thành, cuối cùng thì hôn nhân cũng trở thành bóng ma trong lòng của nó.

Quá sai lầm.

Triệu Bạch Ngư cảm thấy vô cùng có lỗi, cho phép Nghiên Băng đi hồ sen nhặt hạt sen chơi, không cần cứ đi kè kè bên cạnh mình, phải để cho đệ đệ đương tuổi thiếu niên mà mình nuôi lớn thậm chí xem như ruột thịt, nhìn thấy cảnh mình chẳng có chút uy danh nào thì thật là mất mặt.

Triệu Bạch Ngư vừa mới ngồi xuống, Hoắc Kinh Đường đang nằm nghiêng sẵn trên tháp liền tựa lên y như người không xương, cánh tay vòng qua eo y, mắt không mở nhưng lần tìm theo trí nhớ đến cần cổ trắng nõn của Triệu Bạch Ngư khẽ hôn lên: "Buổi sáng có ngắt ngó sen, làm canh sen đi, còn giết được con dê, cá và thịt trâu xắt lát ướp chừng hai giờ, vừa vặn làm một nồi cổ đông canh ăn trưa."

Cổ đông canh chính là món lẩu, thời Đại Cảnh có vô vàn món ăn ngon, cứ đến mùa đông là bàn ăn nhà nào cũng có một cái bếp lò nhỏ để ăn lẩu, có điều bây giờ đang là mùa hè.

Triệu Bạch Ngư giương mắt nhìn lên, y đang nằm trên tháp gần cửa sổ, cánh cửa đang hé mở nên có thể nhìn ra ngoài, loáng thoáng thấy được núi non xanh tươi hùng vĩ.

Sơn trang được xây ở chỗ cao, quanh đây chỉ toàn rừng núi trùng điệp, tòa tháp nơi mà bọn họ đang ở là nơi cao nhất của sơn trang, cao chừng bảy tầng, xấp xỉ ba mươi thước, tiền triều từng gọi kiểu kiến trúc này là lầu Trích Tinh, bây giờ đã đổi thành lầu Sơn Hà, hình ảnh này thường xuất hiện trong thơ ca văn chương của các văn nhân sĩ tử, mượn ý xưa để ngày nay hoài niệm, có thể thấy đây là một trong những danh lam thắng cảnh ở ngoại ô Kinh đô.

Lúc này, bên ngoài trời đang đổ mưa phùn, trong phòng vừa mát lại vừa tĩnh, lắng nghe gió thổi mưa bay qua dãy núi, thỉnh thoảng lại có tiếng chim hót, cứ thế một ngày nhàn nhã chậm rãi trôi qua, Triệu Bạch Ngư cảm thấy dường như linh hồn của mình cũng trở nên thư thái an tĩnh.

"Mưa bao lâu rồi?"

"Chắc là bốn năm giờ rồi."

"Không phải có hơi bất thường sao? Bình thường thì cuối hạ mưa bất chợt, cơn mưa có ngắn thì cũng sẽ như thác đổ, từng trận từng trận, hiếm khi mưa cứ tí tách nhỏ giọt không ngừng như vậy."

Thật ra thì cũng không phải quá nhỏ, phải là hơi to mới đúng.

"Ngươi đang lo lắng điều gì?"

"Mùa lũ năm nay."

Mùa lũ đến vào tháng bảy, tháng tám, liền ngay sau đó là lũ mùa thu vào tháng chín, mười, lũ mùa thu hàng năm chính là vấn đề gây đau đầu cho Nguyên Thú đế và kinh quan nhất, chỉ sợ Hoàng Hà vỡ đê, lũ lụt tràn lan.

"Công bộ thủy lợi, Đô thủy giám ở Nha môn từng địa phương và công nhân trú đóng ở công trình trị thủy đều đo đạc và ghi chép lại mỗi năm hơn mười lần, tất cả ghi chép về cơ bản là giống nhau, vậy nên năm nay Hoàng Hà sẽ không thể vỡ đê được."

"Vậy thì tốt."

Lòng Triệu Bạch Ngư hơi ổn định lại, trong đầu có ý tưởng nào đó chợt lóe lên, nhưng dù có cố nghĩ về nó thế nào đi nữa thì cũng không thể nghĩ ra được cho nên liền quên mất.

Chẳng mấy chốc người hầu đã mang cái lò đồng nhỏ lên, trên mặt bàn bày đầy rau củ tươi, thịt dê, thịt heo và cả thịt trâu đều đã được tẩm ướp sẵn, còn có đủ loại gia vị, ớt và hạt tiêu.

Thịt dê được sơ chế rất sạch sẽ, không còn mùi hôi, trộn lẫn với vị cay tê hơi nóng, bỏ vào trong miệng là cảm nhận được ngay hương vị tươi và thơm đến nỗi muốn nuốt cả đầu lưỡi.

Ăn được một lúc, cả người Triệu Bạch Ngư đã đổ đầy mồ hôi, lúc đang cởi áo lót ngoài thì có người hầu đến báo, khoảng một giờ trước, sơn trang có giúp đỡ một nhóm nhân sĩ vào phủ tránh mưa, bởi vì đã đưa cho bọn họ một chậu thịt dê tươi, đám người đó liền đòi gặp chủ nhà để tự nói lời cảm ơn.

Triệu Bạch Ngư nhìn Hoắc Kinh Đường, thấy hắn không ừ hử gì bèn từ chối.

Không lâu sau, người hầu lại mang đến một viên minh châu to bằng trái nhãn, nói là trong mấy người trú mưa đó có một công tử tặng quà tạ ơn.

Triệu Bạch Ngư thấy vậy thì rất ngạc nhiên, một viên minh châu thế này trị giá ít nhất cũng một hai ngàn lượng, trú mưa một chút thôi, nói đưa là đưa, đáng giá vậy sao?

Mặt Hoắc Kinh Đường vẫn không đổi sắc: "Trả về đi. Trong phủ có dù không?"

Người hầu không hiểu: "Có ạ."

Hoắc Kinh Đường: "Đưa mấy cây dù cho bọn họ đi về đi. Nếu sợ trời mưa đường trơn hay không thấy rõ đường đi, có thể đến Bảo Hoa tự ở mặt trước núi để trú."

Người hậu vội lui ra: "Vâng."

Triệu Bạch Ngư cắn đũa: "Là đến vì ngươi sao? Danh tiếng của ngươi trong Kinh làm người ghét chó ngại, sao lại có người muốn chạy đến tận đây lấy lòng thế?"

"Cũng không biết ai phao lời đồn, nói ta mặc dù đã giao lại binh quyền, nhưng thật ra trong tay vẫn còn giữ một đội binh thần quỷ kiêu dũng thiện chiến, những năm này có người lục tục tới thăm dò, mấy năm trước còn lợi dụng nhét vào phủ ta mười mấy hai mươi người nam nữ."

Triệu Bạch Ngư trố mắt ngạc nhiên: "Là hai mươi mấy thi thể mang ra từ trong phủ của ngươi đó sao?"

"Ngươi biết à?"

"Ta từng xử vụ đó."

"Tiểu lang có duyên với ta thật."

"..."

Hoắc Kinh Đường nhìn vẻ mặt rầu rĩ của y, cong môi nói: "Nhưng không ai biết chủ nhân sơn trang này là ta, năm đó ta là người nổi bật dễ bị chú ý, bệ hạ sợ cây cao đón gió, không dám công khai ban thưởng."

"Vậy là ai?"

"Những kẻ không phận sự thôi, đừng nghĩ nhiều."

***

Cửa nhỏ sơn trang.

Một thanh niên mặc đồng phục học sinh Quốc tử giám cầm lấy dù và viên minh châu bị trả lại, vô cùng tức giận: "Có gì đâu mà ra vẻ thanh cao? Biết chúng ta là ai không? Cả Kinh đô này ai mà không muốn chen một chân vào đám người của mình chứ! Tứ lang, chúng ta đừng ở cái nơi rách nát này nữa, đến Bảo Hoa tự trú mưa thôi."

Giữa đám người là Triệu Ngọc Tranh mặc la sa màu hạnh hoàng, hắn nhận lấy dù, nhếch môi nói: "Đi thôi."

Đã đi xa một quãng rồi, Triệu Ngọc Tranh vẫn còn quay đầu nhìn lầu Sơn Hà mờ mịt trong màn mưa, không rõ sắc mặt, ánh mắt sáng lên, không ai biết lúc hắn mười một, mười hai tuổi đã từng đi lạc lên một đỉnh núi, đứng từ xa thấy ở phía lầu Sơn Hà có một người đang đi lên, phong thái xuất chúng, hoàn toàn tách biệt với thế giới.

Sau đó, năm nào hắn cũng đến Long Tuyền sơn trang một lần, vậy mà chưa bao giờ gặp được chủ nhân của nơi này, vất vả lắm hôm nay mới thấy có người ở, muốn được gặp nhưng lại bị từ chối, Triệu Ngọc Tranh có hơi không cam tâm.

***

Giữa tháng bảy cùng năm.

Phương Bắc đã trải qua nửa năm hạn hán, bỗng một ngày mây đen giăng đầy trời, sấm chớp rền vang, tựa như những con rồng giấu mình nơi núi sông ao hồ chỉ trong vòng một ngày đều chui ra khỏi nơi ẩn náu. Ban đầu trời mưa vẫn còn rả rích nhỏ giọt, dần dà trút xuống như thác lũ, liên tục ba ngày, bầu trời giống như đang trải qua trận chiến, sắp sửa bị đâm thủng một lỗ, tình hình làm người ta lo lắng không thôi.

Trần Phương Nhung nhậm chức chưa tới một tháng, khoác áo tơi* đứng ở nơi có địa thế khá cao của đường sông nhìn sóng nước cuồn cuộn dưới dáy sông Tứ Thủy, trong màn mưa hướng về phía lão hà công** dày dặn kinh nghiệm rống lên: "Mưa to như trút nước vậy, thế nước cũng lên rồi, không có chiều hướng ngừng lại, ta lo rằng nó sẽ đánh vỡ đường sông, nhấn chìm huyện Tứ Thủy mất!"

(*) Áo tơi: áo choàng, khoác để che mưa, nắng, thường được đan bằng lá cây, lá cọ khô,...

(**) Hà công: công nhân trị thủy (làm việc ở công trình trị thủy trên sông)

Hà công cũng lớn tiếng đáp lại: "Bẩm đại nhân, hạ sai đã lệnh người xuống đường sông lấp thêm bao cát và đá rồi. Nhưng Tứ Thủy không phải là đường ra biển của sông Hoàng Hà, theo lý mà nói thì dù cho mưa có lớn hơn nữa, thì chỗ chúng ta không thể nào bị nhấn chìm được."

Trần Phương Nhu: "Chuyện chưa xảy ra vẫn nên phòng ngừa thì hơn —— chuẩn bị đưa bách tính đi trú ẩn ở nơi cao, ta đến Đô thủy giám một chuyến."

***

Huyện Dương Vũ, cửa sông Hoàng Hà.

Răng rắc! Đoàng đoàng! Tiếng sấm vang khắp trời đất, từng sợi sét bạc chằng chịt trong đám mây đen kịt, hạt mưa to như hạt đậu lộp độp đập xuống, nước sông chòng chành không ngừng đụng vào đường sông. Ầm! Bỗng nhiên có một tiếng nổ ầm vang lên át đi tiếng sấm, nước lũ đục ngầu cuộn trào mãnh liệt tựa như một con thú dữ tàn nhẫn nuốt chửng lấy nhà cửa và ruộng đất, chỉ trong một khoảnh khắc, mảnh đất đã trở thành một vùng mênh mông là nước.

Trên thượng nguồn, hà công trực thuộc Tu hà ti của Đô thủy giám trở nên khủng hoảng, tiếng kêu đầy sợ hãi phá vỡ màn mưa đêm: "Cửa Hoàng Hà vỡ rồi —— Cửa Hoàng Hà vỡ to rồi ——!!!"

***

Đêm khuya, huyện Tứ Thủy, Sơn Đông.

Ngọn đèn trong thư phòng huyện Nha vẫn sáng, dưới mắt Trần Phương Nhung là quầng thâm xanh đen, đốt đèn chiến đấu vài đêm liền, nhận ra sông Tứ Thủy vẫn còn khá vững như lời hà công nói mới thoáng buông lỏng thần kinh đã căng thẳng nhiều ngày.

Ngay lúc hắn sắp sửa chìm vào giấc ngủ, trái tim bỗng dưng đập lên liên hồi, Trần Phương Nhung chợt bật dậy đi qua đi lại, vô cùng bất an, ngay lập tức có đốc công phụ trách trông coi đê điều đội mưa đến gõ cửa huyện nha, suýt nữa là té trước mặt Trần Phương Nhung, thê lương kêu lên: "Đê vỡ rồi! Đê sông vỡ rồi."

***

"Tám trăm dặm tốc hành! Tám trăm dặm tốc hành!"* Bụi vàng cuồn cuộn, tuấn mã phi nhanh như bay, cửa cung đã mở sẵn, cũng trong lúc đó, Văn Đức điện đã đưuọc thắp nến sáng choang như ban ngày. Dịch binh xuống ngựa, chạy bước nhanh hô lên: "Hoàng Hà đổi dòng, đoạt Tứ nhập Hoài!

(*) Bát bách lý gia cấp – Tám trăm dặm tốc hành: Một phương pháp vận chuyển tin tức, hàng hóa bằng ngựa nhanh nhất của thời xưa, khi có việc khẩn cấp, ví như ý chỉ của hoàng đế hoặc đại sự theo lệnh của quan thì mới được dùng.

Keng một tiếng giòn giã, Nguyên Thú đế kích động quét đổ tách sử trên bàn, thái giám vội tiến lên dọn dẹp, mà dịch binh đã xông vào, người ngợm ướt đẫm quỳ xuống đất lớn tiếng bẩm: "Khởi bẩm Thánh thượng, cửa sông Hoàng Hà huyện Dương Vũ đã vỡ, lũ lụt đoạt Tứ nhập Hoài, nhà cửa trong thành đều sụp đổ, gia súc trôi đầy trong nước lũ, ruộng lúa, cây giống không còn sót lại gì! Hoàng Hà nuốt chửng Tứ Thủy, lấn đến sông Hoài, Từ Châu ở đầu sóng ngọn gió, thương vong vô số, người dân bị nạn ở khắp nơi, Kinh đông Đông Nam và phần lớn đất Hoài Nam gặp họa nghiêm trọng, cần sớm được cứu trợ, hồng thủy cần được xử lí gấp không thể chậm dù chỉ một giây!"

Nói xong, dịch binh cạn sức ngất xỉu, được dìu đi nghỉ ngơi.

Sắc mặt Nguyên Thú đế nặng nề: "Triệu kinh quan tam phẩm, không, tứ phẩm vào cung nghị sự ngay trong đêm nay!"

Giờ Tý, đèn trên nghị sự đường đều được thắp sáng rực. Nguyên thú đế ngồi bên trên, trăm quan ngồi ở dưới, mỗi người được dâng một tách trà đậm, sắc mặt căng thẳng nghị luận.

"Phạm Văn Minh, trẫm hỏi ngươi, đường sông huyện Dương Vũ cả trăm năm nay chưa từng xảy ra chuyện, vì sao lại đột nhiên vỡ cửa dưới quyền quản lí của ngươi?"

Công bộ Thị lang Phạm Văn Minh bước ra khỏi hàng hồi bẩm: "Gần trăm năm qua, sông Hoàng Hà chuyển dòng sang hướng Nam càng lúc càng rõ ràng, lòng sông được bồi đắp, chỉ cần có một nơi bị vỡ thì nó sẽ đổi dòng trở lại! Hiện tượng này xưa nay không ít, là thảm họa do tự nhiên gây ra, không phải tại người, những nơi trước đây không gặp phải nạn lụt bị sông Hoàng Hà chuyển hướng đột ngột tàn phá là chuyện bình thường, bởi vì chưa từng có tiền lệ, vậy nên vật liệu sữa chữa, ngân lượng dự trữ phát xuống các Đô thủy giám, Tu hà ti và công trình trị thủy ở Tứ Thủy, Hoài Nam tương đối ít hơn những nơi thường xuyên bị lũ lụt. Trước mắt bất ngờ gặp phải thiên tai, không kịp đề phòng, cũng không ai có thể dự đoán được tai họa xảy ra khi nào. Thần thỉnh bệ hạ, chờ đến khi lũ lụt được giải quyết triệt để rồi hãy truy cứu trách nhiệm những người làm việc không thỏa đáng. Hiện giờ quan trọng nhất chính là lấp kín chỗ vỡ, đắp đê điều, thu xếp ổn thỏa cho người dân bị nạn và các vấn đề khác."

Tế chấp Triệu Bá Ung bước ra khỏi hàng: "Bệ hạ, Phạm Thị lang nói phải. Ngay bây giờ ta cần cố hết sức giảm bớt thương vong và tổn thất, lấy đề phòng cửa sông lại bị vỡ lần nữa, cứu giúp người dân gặp nạn làm trọng, sau nạn lụt có thể còn xảy ra dịch bệnh, huống chi lần thiên tại này xảy ra không xa nơi này, phần lớn bách tính sẽ di dời về hướng Kinh đô lẫn Lưỡng Giang, Lưỡng Chiết, sợ rằng sẽ gây ra bạo động, Đột Quyết cũng có khả năng nhân cơ hội này xuôi Nam, uy hiếp sự an toàn của biên cảnh, đồng thời dẫn đến vùng biên Tây Bắc cũng không an phận, việc quan trọng nhất trước mắt chính là làm lắng mầm họa, ổn định lòng dân!"

Nguyên Thú đế: "Theo chư vị khanh gia, chúng ta nên làm như thế nào đây?"

Triệu Bá Ung: "Thần cho rằng, lệnh cho Chuyển vận sứ, Trấn phủ ti các tỉnh, Tri phủ các châu đề cao việc tu sửa sông ngòi, an trí cho dân gặp nạn, có thể điều động quân vụ xem xét lấp kín các cửa sông chưa bị ảnh hưởng, yêu cầu hợp tác với Đô thủy giám để trị thủy. Triều đình sẽ phát lương thực, phát bạc và thuốc men, cấm các thương nhân bán hàng tăng giá, lệnh cho Hàn lâm y quan, Thái y cục phái người đi theo đến nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, phòng ngừa dịch bệnh xảy ra."

Nguyên Thú đế: "Được."

Thái tử cũng bước ra khỏi hàng: "Nhi thần đề nghị ta nên lệnh cho cường hào ở địa phương các nơi mắc thiên tai nghiêm trọng, hoặc cường hào ở các tỉnh, các châu lân cận gom góp ngân lượng để cứu trợ, sau chuyện này triều đình sẽ đứng ra tiến hành khen thưởng."

Nguyên Thú đế: "Chuẩn."

"Thần có tấu..."

Trăm quan lần lượt bước ra khỏi hàng, cùng nhau nghĩ cách, nhanh chóng nhập tâm vào vấn đề Hoàng Hà chuyển dòng, họa vào hai tỉnh Kinh Đông và Hoài Nam, cũng là đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất từ khi Đại Cảnh khai quốc đến nay.

==

Tác giả muốn nói:

Trong lịch sử, huyện Dương Vũ ở Hà Nam, ở gần Khai Phong (thời Bắc Tống), trong truyện có lẽ hơi xa.

==

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play