Sự lo lắng và oán giận của mẫu thân Liêm Bính Lan đã bất chi bất giác ảnh hưởng đến nàng. Vì vậy nên giữa hai vị biểu ca Thôi Hành Chu và Triệu Tuyên, ban đầu nàng không chút do dự mà chọn người trước. Không chọn Triệu tuyên vì bản tính của Triệu Tuyên rất giống với phụ thân Liêm Hàm Sơn, đều là dạng được chăng hay chớ, không có chí tiến thủ, là hạng người tầm thường.

Nàng không muốn giống như mẫu thân mình, chỉ biết trơ mắt mà nhìn người ta hưởng vinh hoa phú quý, cả ngày chỉ biết than trời trách đất.

Nàng đã sớm tìm hiểu rõ sở thích của Thôi biểu ca, biết hắn thích người dịu dàng, biết điều, hiểu lý lẽ, hiếu thuận với mẫu thân của hắn, tất cả mọi chuyện đều đặt dì lên đầu. Nếu được Sở thái phi thích thì chắc chắn có thể gả vào vương phủ, cũng coi như đền bù được những tiếc nuối đời này của mẫu thân.

Chỉ cần giữ vững lòng Sở thái phi thì hoa cỏ bên ngoài có hương sắc tới nhường nào cũng chẳng thể rung chuyển được vị trí của nàng.

Nghĩ đến đây Liêm Bính Lan cảm thấy thư thái hơn, nàng thầm trách bản thân khi trước không nên nghe lời thuyết phục của mẫu thân, đi theo đường lối tầm thường. Đêm đã khuya, nàng nên mau chóng đi ngủ để mai tinh thần phấn chấn, phụ họa mẹ chồng tương lai, càng khiến biểu ca thấy được sự hiền đức của mình…

Bởi vì tiệc mừng thọ của Thái phi sắp tới nên người tỷ tỷ Thôi Phù lấy chồng xa của Thôi Hành Chu cũng dẫn theo con trai Cẩm Nhi hai tuổi của mình về nhà mẹ đẻ.

Phu quân nàng là con trai trưởng Khánh quốc công, phủ đệ đặt tại Duyện Châu, về được một lần cũng rất xa xôi, trắc trở.

Trong khi xem biểu diễn mừng thọ, Thôi Phù mỉm cười hỏi Thôi Hành Chu đang bắt chuyện với cháu trai Cẩm Nhi: “Mấy ngày trước đệ tới trấn Nam giải quyết công việc, tỷ nhờ đệ mua giúp son phấn ở Hàm Hương trai, đệ có mua được không?”

Thôi Hành Chu đung đưa trống bỏi đùa cháu trai, ngẫm nghĩ rồi nói: “Mua được rồi… nhưng lại tặng cho người khác mất rồi, để lần sau đệ mua đền cho tỷ.”

Thôi Phù trừng mắt với đệ đệ: “Son phấn ở Hàm Hương trai đều phải đặt trước, bởi vì phấn đó cần sương sớm trộn với cánh hoa cúc mọc trên thượng nguồn sông bắc, năm nay không đặt được phải chờ tới thu năm sau… Là vị giai nhân nào khiến cho đệ đệ vẫn luôn đoan chính của ta thần hồn điên đảo, tặng không hộp phấn tỷ đã đặt trước vậy?!”

Thôi Hành Chu nào ngờ hộp phấn mình tiện tay đưa cho Liễu Miên Đường lại phức tạp tới vậy. Khi đó vì Liễu Miên Đường ân cần may áo kép cho hắn nên hắn vì lịch sự mới tiện tay đưa hộp phấn trong ngực mình vừa có cho nàng.

Bây giờ thấy tỷ tỷ lấy chuyện này ra trêu chọc mình, hắn không đáp lại, chỉ chăm chú chơi đùa với cháu trai Cẩm Nhi.

Thôi Phù tính tình phóng khoáng, không nỡ giận đệ đệ mình chỉ vì một hộp phấn. Về phần vị hồng nhan đệ đệ gặp được kia, ắt phải là người dịu dàng, dễ mến mới khiến đệ ấy thích vậy.

Thôi Phù khác với mẫu thân Sở thị, từ nhỏ đã chán ghét người dì Liêm Sở thị với đứa con gái chỉ thích chiếm phần hơn của bà ta.

Khi mẫu thân bị các quý thiếp trong phủ chèn ép, chế giễu vì không sinh được con trai, các bác các chú nhà họ Sở thường tới thăm mẫu thân, chỉ có người dì này lần nào tới cũng giống như muốn chứng kiến vẻ khổ sở của mẫu thân, nói vào nói ra rằng phụ thân chẳng phải rể hiền, tỷ tỷ số khổ.

Mỗi lần như thế, lời nói của dì đều khiến mẫu thân rơi nước mắt.

Bây giờ thì tốt rồi, mẫu thân cũng coi như là khổ tận cam lai, cuối cùng cũng được hưởng phúc, đệ đệ nhận tước Hoài Nam vương, người dì ấy cũng thoạt biến thành người khác, nịnh nọt mẫu thân có phúc trời sinh, qua bao khổ cực nay được hưởng trái ngọt, chỉ một lòng muốn nhét con gái bà ta vào vương phủ.

Thôi Phù vì lấy chồng ở xa, không lo được chuyện nhà mình. Bằng không, nàng ở nhà góp lời, chắc chắn không để Hành Chu cưới con gái dì.

Cho nên đối với chuyện Thôi Hành Chu gặp gỡ hồng nhan khác, Thôi Phù lại có cảm giác vui mừng.

Tuy nhiên hai tỷ đệ cũng chỉ nói được vài câu qua quýt, Thôi Hành Chu đã phải ra ngoài tiếp khách.

Tiệc mừng thọ của vương phủ vô cùng náo nhiệt, yến hội được tổ chức trong năm ngày, đoàn biểu diễn được mời tới biểu diễn cũng toàn là những nghệ nhân nổi tiếng.

Nhưng so với các năm trước, khách tới vương phủ chúc thọ lần này ít vài phần so với trước đây.

Thôi Hành Chu hiểu rõ, điều này có quan hệ rất lớn với việc trong triều có người dâng tấu vạch tội hắn hợp quân mưu đồ đoạt quyền.

Đương kim vạn tuế vô cùng kiêng dè các vị vương gia khác họ được tiên đế sắc phong. Giờ nạn trộm cướp tại Chân châu đã tốt lên nhiều, đương nhiên vạn tuế đã hết kiên nhẫn, chỉ muốn qua cầu rút ván.

Chốn quan trường cần cực kỳ chú ý tới hướng gió. Hiện tại gió xuân chẳng thể nào thổi tới địa giới Chân châu, ắt sẽ có những kẻ lần ra Thánh ý, không dám tới, tránh hiềm nghi.

Sống trong quan trường, có đôi khi cũng chìm nổi trong đó, dẫu ngoài phòng hoa nở rực rỡ sáo trúc réo rắt âm vang nhưng ai có thể biết được một khắc sau sẽ rơi xuống vực sâu, tịch thu gia sản, chém đầu cả nhà?

Trên bàn rượu ăn uống linh đình, ngồi cùng bàn với Hoài Dương vương ai cũng niềm nở hân hoan nhưng trong lời nói lại giấu diếm rất nhiều ẩn ý, như muốn thăm dò.

Đối với một số kẻ, đầy miệng phát ra a dua nịnh hót, hy vọng vớt được chỗ tốt trên bàn tiệc vương phủ, chiếm được chút quan lộc từ miệng Hoài Dương vương.

Phàm là tiệc xã giao, những thứ này muốn tránh cũng không tránh được, Thôi Hành Chu đã quá quen rồi.

Nhân lúc kết thúc tiệc rượu, bắt đầu tiệc trà, Hoài Dương vương mượn cớ tửu lượng không cao, về thẳng thư phòng nghỉ ngơi.

Trong thư phòng vắng vẻ, Thôi Hành Chu ngồi một mình bên bàn đọc sách bằng gỗ đàn hương, dõi mắt nhìn khoảng không bên ngoài cửa sổ.

Trên bàn có vài bức thư cầu quan từ họ hàng. Lướt qua, hầu hết đều là các cháu của nhạc phụ tương lai.

Bởi vì dì tự tay đưa tới nên y cũng nể mặt nhìn qua. Nhưng mấy kẻ cầu quan này, thực sự chẳng đáng được trọng dụng. Mới rồi, trên tiệc rượu, người chú chất phác, cứng nhắc bị dì đẩy ra nhưng ông ta không biết cách nói chuyện, ăn nói trúc trắc khiến Thôi Hành Chu còn phải khéo léo giảng hòa giúp.

Loại chuyện như thế này đã diễn ra rất nhiều. Nếu là bình thường, Thôi Hành Chu nhất định giữ mặt mũi cho nhạc phụ tương lai mà lo liệu thỏa đáng.

Nhưng hắn không ngờ là nhạc phụ tương lai lại nghe dì xúi giục, sai gã hầu tới trấn Linh Tuyền điều tra, chạm vào vảy ngược của Thôi Cửu.

Linh Tuyền Trấn đã bày sẵn thiên la địa võng, chỉ đợi phản tặc tự chui đầu vào rọ. Sao có thể cho phép kẻ khác tới quấy rầy?

Việc này là việc công hắn không cần phải giải thích với dì và biểu muội.

Hoài Dương vương không thích nữ tử tự tung tự tác, cho dù đề nghị của dì hôm nay có phải là ý của Liêm Bính Lan hay không, hắn cần phải gõ nhẹ cản cáo cả nhà biểu muội.

Cho nên những bức “thư nhà” còn lại kia hắn cũng không buồn liếc tới, ném thẳng vào trong lư hương.

Khách khứa đến đông đúc ở ngoài sảnh đường, vậy nhưng Thôi Hành Chu trào dâng cảm giác uể oải, không muốn ra ngoài xã giao. Bầu không khí vương phủ ồn ào náo nhiệt, nhưng hắn chỉ muốn được yên tĩnh một lát.

Thế rồi hắn chỉ dẫn theo gã sai vặt Mạc Như, ra khỏi vương phủ từ cửa sau, lên thuyền xuôi dọc theo con sông.

Lúc này tuy thời tiết đã vào xuân nhưng đêm xuống trời vẫn hơi se lạnh, hắn uống chút rượu trong bữa tiệc, bị gió lạnh thổi vào khiến đầu óc hơi quay cuồng choáng váng.

Người chèo thuyền hỏi Mạc Như muốn đi hướng nào, Mạc Như ngó nhìn vương gia đang ngồi tựa mạn thuyền, không biết nên quyết định ra sao, đành dặn người chèo thuyền cứ xuôi chèo tiếp, chưa tới nửa canh giờ sau đã đến bến tàu Linh Thủy Trấn.

Tiệc mừng thọ của mẫu thân vẫn chưa kết thúc, sáng mai hắn cần phải trở về, nếu tới quân doanh, thời gian đi về quá gấp gáp, như một lẽ tự nhiên, hắn nghĩ tới căn ốc trạch có sẵn nơi phố bắc, đã về khuya, sẽ không ai chú ý tới hành tung của hắn, cũng có thể ngủ yên lành một đêm.

Thế là Thôi Hành Chu mang theo cơn say váng vất của rượu bảo người lái thuyền cập bờ, bước dưới trời đêm ngợp sao, thong dong đi tới phố bắc, gõ cửa.

Lại nói đến Liễu Miên Đường, từ khi mua được cửa hàng, nàng lập tức thúc giục thợ xây sửa lại cửa hàng.

Chỉ mất mấy ngày đã thu xếp cửa hàng khá tươm tất, nhưng lại không biết phu quân đi theo Triệu thần y tới xã giao ở đâu mà mãi vẫn chưa thấy về.

Hôm nay lúc nàng đi lên phố thuê thợ mộc về dựng kệ hàng, còn nghĩ biết đâu quan nhân sắp về, nào ngờ tới đêm, vòng cửa chính vang lên tiếng gõ.

Nghe tiếng động ngoài cổng lớn, Liễu Miên Đường vội vàng đứng lên.

Trong mấy ngày này, nàng sợ phu quân lại về nhà khi nửa đêm, lo mình phải đón hắn với bộ dạng luộm thuộm, đầu bù tóc rối cho nên luôn sắp sửa từ trước, nhờ Lý ma ma tết mái tóc dài gọn sang một bên.

Nghe thấy tiếng bước chân của phu quân, nàng thay chiếc váy xếp nếp, điểm chút son môi, sau đó đi chiếc giày thêu hoa vào, diện mạo chỉnh tề, bước ra ngoài phòng, mỉm cười e lệ nghênh đón quan nhân: “Quan nhân đã về đấy ư?!”

Trời đã khuya, Thôi Hành Chu định yên lặng về sương phòng ngủ một đêm, ai ngờ Miên Đường vẫn còn thức, hắn chưa kịp bước vào sương phòng nàng đã ra đón.

Không để hắn kịp nói gì, cô vợ nhỏ đã vén màn cửa, trông mong chờ hắn tới.

Thôi Hành Chu nhìn nàng, mấy ngày không gặp, tiểu nương tử này dường như lại xinh đẹp thêm mấy phần. Mặc dù mấy năm này nàng trải qua nhiều trắc trở nhưng có lẽ do gương mặt xinh đẹp, được đàn ông thương yêu nên không để nàng lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Làn da nàng trắng muốt, đôi mắt đẹp sáng trong không chút vẩn đục.

Khi được đôi mắt ấy nhìn đến, người ta sẽ không kìm được gỡ xuống mọi phòng bị, cũng khó trách hai gã chủ quán kia phải bán rẻ cửa hàng cho nàng.

Thôi Hành Chu vừa lười biếng nghĩ vừa vô thức cất bước sang gian phòng ngát hương thơm.

Đã có kinh nghiệm hai lần quan nhân đột kích ban đêm, Miên Đường – luôn tự nhận là vợ hiền có thể học mọi thứ liên quan tới “đạo làm thê”, đã chuẩn bị chu đáo hết thảy.

Mấy ngày nay, nàng dẫn Lý ma ma đi mua thịt muối, chuẩn bị trứng gà và nhiều món lặt vặt khác. Nếu như đêm tới có đói bụng cũng vẫn có thể thái thịt, xào một nồi thịt thơm phưng phức ăn với cơm.

Mặt khác nàng còn mua một thùng tắm rất to, chỉ là có hơi tốn chút củi nấu nước. Cho nên sau khi mua được, chính Miên Đường còn không nỡ dùng. Nàng sẽ đợi quan nhân về, đun nước nóng hôi hổi bằng hai chiếc nồi sắt lớn, để chàng ngâm cho vơi hết mọi mệt mỏi.

Cho nên sau khi Thôi Hành Chu bước vào, Miên Đường vô cùng phấn khởi dẫn hắn ra sau bình phong xem “gia sản” mới tậu được.

“Nhà Bùi nương tử ở phố bắc có tay nghề làm thùng gỗ nức tiếng gần xa cho nên ta đặt một chiếc ở nhà nàng ấy. Vì là hàng xóm thân thiết nên nàng ấy chỉ lấy ta một nửa tiền thôi. Đợi một lát, ta bảo Lý ma ma nấu nước nóng cho quan nhân tắm rửa…”

Nói được nửa, Miên Đường chợt ngửi thấy mùi rượu nồng nặc trên người Thôi Hành Chu, nàng chần chừ hỏi: “Quan nhân uống rượu đấy à?”

Bởi vừa rồi đã uống rất nhiều trên tiệc rượu, Thôi Hành Chu khẽ đẩy Liễu Miên Đường, chẳng thèm cởi giày mà ngả luôn xuống giường.

Hôm nay hắn thấy phiễn não, chẳng màng giả vờ làm tướng công gì hết, chỉ muốn nằm yên một chỗ, tốt nhất là đừng có ai tới làm phiền hắn.

Nếu như nữ tử này có ác ý, giờ chính là cơ hội tốt nhất… Thôi Hành Chu mặc dù ưu phiền nhuốm trong men say nhưng vẫn tự giễu nghĩ tới điểm này.

Hắn chầm chậm nhắm mắt, nghe thấy trong phòng vang lên tiếng bước chân khe khẽ, cô nàng Liễu Miên Đường kia đi ra ngoài, không biết nói với Lý ma ma cái gì, một lát sau mới về lại.

Thôi Hành Chu nhắm mắt bất động thế nhưng hai tai hắn có thể nắm bắt mọi tiếng tiếng động dù là nhỏ nhất một cách rõ ràng. Một lát sau, có chiếc khăn ấm áp khẽ khàng đặt lên trán hắn.

Thì ra mới rồi Miên Đường bưng chậu nước tới, nhúng ướt khăn, lau mặt cho Thôi Hành Chu.

Miên Đường chỉ khẽ lau đã thấy Thôi Hành Chu nhíu mày, dường như không muốn người khác quấy rầy giấc ngủ của mình.

Lúc này, nếu là người hầu trong vương phủ, ắt biết rõ cần nhìn mặt đoán ý của chủ tử mà làm, không dám phiền nhiễu vương gia nghỉ ngơi, càng không dám vượt trái ý vương gia, tiếp tục lau mặt cho hắn.

Nhưng Liễu Miên Đường nào phải hầu gái, nàng tự nhân là người vợ đúng nghĩa của Thôi tướng công. Mùi rượu trong hũ vô cùng thơm ngọt, nhưng một khi đã vào bụng, để thêm mấy canh giờ nữa sẽ trở nên thối hoắc.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play