Trong thư phòng.

Sau khi lật xem nốt chồng tấu chương đã chất đống mấy ngày nay, vua Gia Ninh lướt mắt nhìn xung quanh, sau đó dừng lại trên người Thái tử Hàn Diệp.

Thái tử từ lâu đã thông minh cơ trí, nội liễm ôn hòa, dưới cương vị của một trữ quân thì không còn nghi ngờ gì nữa, hắn chính là niềm kiêu hãnh của vua Gia Ninh. Nhưng cũng giống như các hoàng đế của triều đại trước, ông không mong muốn hoàng quyền mình có sẽ bị phân tán khi còn tại vị, cho dù người đó có là đứa con trai ưu tú nhất của ông đi chăng nữa.

Hàn Diệp sinh ra không giống vua Gia Ninh, nhưng trước nay chưa từng có người nào dám buông lời đàm tiếu, chỉ vì dáng vẻ của vị Thái tử này quá giống Thái tổ, hệt như từ một khuôn đúc ra vậy. Đối diện với một gương mặt giống Tiên đế như vậy, mọi người tự khắc sẽ sinh ra cảm giác hoảng hốt, ví dụ như lúc này.

"Phụ hoàng?" Hàn Diệp đã rất quen thuộc với dáng vẻ này của vua Gia Ninh, nhẹ giọng gọi một tiếng, vẻ mặt cực kì kính cẩn

Vua Gia Ninh chợt bừng tỉnh, ho nhẹ một tiếng: "Hoàng nhi, Nhậm An Lạc cũng chỉ là một nữ tử hoang dã ngoài biên ải, lỗ mãng ngu ngốc. Đợi đến lúc nàng ta vào kinh, con cứ làm ngơ là được, đừng so đo quá nhiều, đánh mất khí khái của trữ quân"

Những lời nói trên triều ngày hôm nay đã bị truyền ra ngoài, Nhậm An Lạc sẽ trở thành cái đinh nhọn trong Đông cung và trò cười cho đám quyền quý ở kinh đô này. Dù sao cũng đã lấy được ba vạn thủy quân, vua Gia Ninh cho rằng bày tỏ thái độ khuyên giải thỏa đáng vẫn là cần thiết nhất.

"Phụ hoàng yên tâm, nhi thần nhất định sẽ nhắc nhở hạ thần" Hàn Diệp nhíu mày hồi đáp

Biết rõ con trai trước giờ nói lời đều sẽ giữ lời, vua Gia Ninh gật đầu, đột nhiên chuyển chủ đề, bình tĩnh mở miệng: "Thái tử, con không còn nhỏ nữa, Đông cung không có chủ cũng không thích hợp. Trẫm muốn hỏi, đến bây giờ tâm ý của con... vẫn không thay đổi?"

Khoảnh khắc nói ra lời này, vua Gia Ninh mới vừa rồi còn ra vẻ dịu dàng từ tốn, bỗng cả người toát lên sát khí đáng sợ, nhìn chằm chằm Thái tử. Hai tay chống nhẹ lên trên ghế rồng, tiếng gõ nặng nề thờ ơ nhưng lại tràn đầy uy hiếp.

Chân mày của Hàn Diệp khẽ động. Đây mới chính là vị hoàng đế đã từng tiếp bước Tiên đế chinh phạt Nam Bắc, diệt sạch Đế gia, một tay điều khiển Đại Tĩnh. Mấy năm nay an nhàn đã lâu, hắn suýt chút nữa đã quên phụ vương của mình từng là nhân vật oai phong hùng dũng như thế nào.

"Khiến phụ hoàng nhọc lòng là nhi thần bất hiếu" Hàn Diệp nâng mắt, vẻ mặt trịnh trọng, không chút sợ hãi nhìn thẳng vua Gia Ninh: "Chỉ có điều, hôn sự này là di nguyện của Hoàng tổ phụ, trước lúc lâm chung người Hoàng tổ phụ thương nhất là nhi thần, nhi thần chỉ mong có thể hoàn thành tâm nguyện của người, vẫn mong phụ hoàng có thể tác thành"

Thanh âm của Hàn Diệp quá kiên quyết, mười năm đã qua nhưng vẫn không hề thay đổi. Vua Gia Ninh nheo mắt lại, lạnh lùng phất tay nói: "Được rồi, chuyện này hôm khác hãy nói, con lui xuống trước đi"

Hàn Diệp đáp lại một tiếng "Vâng", rồi hành lễ cáo lui.

Thái tử bước đi với vẻ mặt bình thản, tựa như không hề để ý đến cơn tức giận này của phụ hoàng. Cửa thư phòng nhẹ nhàng đóng lại, vua Gia Ninh bất lực thở dài một hơi, thần sắc u ám.

"Bệ hạ, uống một ngụm trà an thần đi. Trà này là do Tứ công chúa tự tay hái trong ngự uyển mấy ngày trước đấy ạ"

Một chén trà thanh đạm thơm mát được đặt lên trên bàn, Triệu Phúc nhỏ giọng bẩm. Hắn hầu hạ vua Gia Ninh đã mấy chục năm, tự khắc biết sở thích của người, cũng biết mỗi lần nhắc đến chuyện kia, hậu cung sẽ phải chịu trận lôi đình cả nửa tháng. Bây giờ nghĩ cách làm vua Gia Ninh phục hồi tâm trạng là quan trọng nhất.

Quả nhiên, sắc mặt của vua Gia Ninh bình tĩnh lại: "Thiều Hoa là đứa hiểu chuyện" Ông nhấp một ngụm trà, đột nhiên nói: "Triệu Phúc, ngươi nói xem, năm đó trẫm giữ lại nàng ta có phải là sai lầm không? Hiện giờ Thái tử dựa vào di nguyện của Thái tổ, nhất quyết bảo vệ nàng ta, quả thực khiến trẫm khó xử"

Nếu người thực sự muốn diệt trừ nàng ta, vậy thì ai trong thiên hạ có thể ngăn cản? Chẳng qua chỉ lấy Thái tử làm cái cớ mà thôi. Nhưng Triệu Phúc không dám nói những lời này ra, chỉ khom lưng kính cẩn nói: "Bệ hạ danh chấn thiên hạ, Đế gia chỉ là năm đó uy danh hiển hách, bây giờ còn con kiến nhỏ bé thấp kém nào dám chống lại hoàng thất Đại Tĩnh ta nữa?"

"Cũng không phải là một con kiến nhỏ bé" Vua Gia Ninh uống hết chén trà, đáy mắt dần hiện lên vẻ hài lòng

"Lão nô lỡ lời, bệ hạ tha tội" Triệu Phúc vội vàng quỳ xuống thỉnh tội, khuôn mặt lộ vẻ sợ hãi. Vua Gia Ninh nâng tay ra hiệu "Bỏ đi", lúc này hắn mới chậm rãi lui ra ngoài.

"Con kiến? Sư tôn, nếu như người biết có một ngày, Đế thị sẽ bị một tên hoạn quan gọi là con kiến, năm đó liệu người... có nhường lại giang sơn thiên hạ này không?"

Vua Gia Ninh nhìn thanh kiếm xanh sẫm được đặt ngay ngắn trên chiếc án bên trái thư phòng. Một âm thanh kì lạ trầm thấp truyền đến từ Thượng Thư các, giữa ban ngày ban mặt, lại khiến cho người khác có cảm giác ớn lạnh sống lưng.

Hoàng hôn, phía sau Lễ bộ.

Cung thượng thư đã bận rộn sắp xếp chuyện của An Lạc trại cả ngày trời, chập tối mới bắt đầu viết những tặng phẩm do vua Gia Ninh ban thưởng trong buổi triều sáng nay. Khi chuẩn bị hạ bút, một tiếng kêu vội vàng đột nhiên truyền đến từ bên ngoài, ngòi bút của ông ngừng lại, khiến cho một vết mực nhỏ rơi xuống cuộn giấy màu vàng tươi.

"Cung lão huynh, thời tiết hôm nay không tệ, ngày mai còn là ngày nghỉ, huynh cùng ta đến kĩ viện xem thử đi, trốn ở nơi này làm gì?" Một người mặc triều phục không chỉnh tề bước vào, khoảng ngoài ba mươi, tướng mạo bình thường, đôi mắt chuyển động rất linh hoạt, vừa nhìn vào còn đem theo vài phần thô bỉ nơi phố phường.

Cung Quý Chá đã ngoài năm mươi, là nguyên lão kiên trì bám theo hai triều đại, tính tình ngay thẳng quật cường, rất ít người có thể đối phó với ông. Ông còn hay trưng ra dáng vẻ sắp chết trước mặt người khác, lĩnh giáo mấy năm, ông cũng quen rồi.

"Hồ đồ, bổn thượng thư hơn ngươi mấy chục tuổi, ngươi phải kính cẩn xưng hô, đừng có lần nào cũng tới lôi kéo làm quen! Đường đường là trọng thần của triều đình, sao có thể tùy ý nhắc đến mấy nơi như kĩ viện chứ!" Cung Quý Chá phất tay áo, đau đầu nhìn vết bẩn trên thánh chỉ, đưa bút mực qua, phùng má trợn mắt nói: "Hơn nữa, An Lạc trại đầu hàng, tặng phẩm chuyển vào Hộ bộ cũng không ít, sao ngươi rảnh rỗi mà đến đây đi dạo thế?"

Người đến là Hộ bộ Thị lang Tiền Quảng Tiến. Đôi khi Cung Quý Chá cảm thấy, cha mẹ của Tiền Quảng Tiến quả thực thức thời, đặt cho con mình một cái tên hay. Là thương nhân giàu có nhất vương triều Đại Tĩnh, chỉ trong vòng năm năm, sọt tiền này đã mở ra cho mình tiền đồ tươi sáng trên triều đường. 

Không có lý do nào khác, mấy năm trước, khi Đại Tĩnh lập quốc đã ban ơn cho thiên hạ, không hề tích lũy chút vàng bạc nào. Vua Gia Ninh lại là vị hoàng đế hiếu chiến, mỗi năm chinh chiến đều tiêu tốn hơn nửa quốc khố, mấy năm trước đánh trận có lúc còn thiếu tiền, suýt chút nữa phải tăng thu thuế má để chi viện cho những tướng sĩ trên chiến trường.

Có điều, năm đó chuyện thu thuế má này đã gây náo loạn rất lớn, vua Gia Ninh còn chưa kịp hạ chỉ thì một nhóm lão thần tử đồng loạt dâng thư, kêu trời đạp đất cho rằng không được làm khổ nhân dân. Đúng lúc vua Gia Ninh đang đau đầu, thì người kế nhiệm mới của Tiền thị giàu có đã quyên góp chín phần gia sản vào quốc khố, được tôn là nhờ gia chủ anh minh che chở nên mới có được của cải sung túc, lấy của dân dùng cho dân làm lẽ phải.

Thiên tử được nịnh nọt, số vàng bạc Tiền gia đóng góp vào quốc khố quả thực hào phóng. Vua Gia Ninh rất vui vẻ, vì thế đặc cách cho Tiền Quảng Tiến làm ở Hộ bộ, cho hắn đứng vào hàng ngũ triều thần. Hắn cũng không hề thua kém, mới vào Hộ bộ được năm năm đã có thể lấp đầy ngân khố, lại giỏi nịnh nọt nên rất được lòng vua, một bước thăng tiến. Hiện nay hắn đã là Hộ bộ Thị lang, cai quản tiền ở Giang Nam.

Mặc dù Cung Quý Chá là người cổ quái quật cường, ông cũng không thể không thừa nhận rằng, tuy Tiền Quảng Tiến thô bỉ nhưng hắn quả thực là một kỳ tài kiếm tiền làm giàu đất nước.

"Cung lão huynh, thủ tiết giữ lễ có tác dụng gì? Huynh đã ngoan cố cả đời, thứ gì béo bở đều chưa từng thử qua, còn không bằng một hạ quan Hộ bộ Thị lang này" Tiền Quảng Tiến gặp người nói tiếng người, gặp quỷ nói tiếng quỷ, bình thường rất khéo đưa đẩy, nhưng không hiểu sao hắn cứ thích chọc lão Thượng thư cứng nhắc ở Lễ bộ. Chuyện này cũng xem như là một chuyện thú vị trong triều

Lông mày của Cung thượng thư nhăn lại, nhanh chóng viết xong chiếu thư, cuộn thánh chỉ lại, rồi ngẩng đầu nói với vẻ không kiên nhẫn: "Ngươi có chuyện gì thì nói đi, lão phu không rảnh tán gẫu với ngươi đâu"

"Ha ha, lão thượng thư quả thực rất dễ chọc tức" Tiền Quảng Tiến chỉnh lại triều phục, khom lưng tiến đến gần, dáng vẻ rất cẩn thận. Cung thượng thư nhìn với vẻ kỳ lạ, nhưng không ngờ rằng Tiền Quảng Tiến vừa mở miệng đã khiến ông đứng sững tại chỗ

"Lão Thượng thư, hôm nay ở trên triều, hạ quan thấy bầu không khí sau khi Triệu phó tướng nhắc đến Thái tử phi quả thực rất quái lạ. Thái tử điện hạ đến nay vẫn chưa nạp chính thê, không lẽ vị trí Thái tử phi thực sự giữ lại cho cô nữ Đế gia?"

"Hồ đồ, nhắc đến việc này làm gì!" Cung thượng thư nổi gân xanh đầy trán, thô lỗ nói: "Ngươi cứ làm tốt chuyện ban thưởng là được"

"Lão thượng thư, ngài cũng biết hầu hết các đại thần trong triều đều xuất thân tôn quý, trước giờ chưa từng có ai dựa vào kinh doanh mà vào triều như ta, đương nhiên không bằng mọi người. Mặc dù hạ quan có nghe qua chuyện năm đó, nhưng vẫn chưa rõ lắm, nếu đụng vào vảy rồng thì là tội lớn đó, vẫn mong lão Thượng thư thông cảm, nhắc nhở cho hạ quan một chút" Tiền Quảng Tiến không để ý đến thái độ của Cung thượng thư, vội vàng làm ra vẻ cung kính, nhìn qua cũng có vài phần chân thành

Cung thượng thư biết hắn nói không sai, mặc dù chuyện năm đó thiên hạ đều biết, nhưng truyền qua truyền lại cũng đã mất đi chân tướng. Tiền Quảng Tiến dựa vào thánh sủng mới có thể có được chỗ đứng trong triều, nếu vì điều này mà đắc tội hoàng đế thì quả thực là vô cớ rước hoạ. Niệm tình hắn là một nhân tài, năm đó Cung lão phu nhân bệnh nặng cũng nhờ hắn giới thiệu đại phu dân gian cho, nhưng tính tình Cung lão thượng thư ngay thẳng, vì vậy vẫn hơi chần chừ, sau đó mới thấp giọng nói.

"Lựa chọn vị trí Thái tử phi là cấm kỵ trong hoàng thất, sau này ngươi tuyệt đối không được nhắc tới chuyện này trước mặt người khác, đặc biệt là cô nữ Đế gia"

Cung thượng thư chỉ nói một câu, Tiền Quảng Tiến đã gật đầu lia lịa, chỉ có điều vẫn hơi khó hiểu.

"Lão thượng thư, Thái tử cũng không còn nhỏ nữa, vị trí Thái tử phi cũng không thể bỏ trống mãi chứ?"

"Vậy thì phải xem bệ hạ và Thái tử ai có thể kiên trì được lâu hơn. Dù sao cũng là hôn sự do Thái tổ định, cuối cùng cũng sẽ có ngày cô nữ Đế gia vào kinh. Nếu không, ngươi cho rằng các thế gia tôn quý trong đế đô không dám mơ tưởng đến vị trí Thái tử phi là vì điều gì" Nếu bệ hạ nghĩ thông suốt thì cũng chỉ khoảng một hai năm thôi

Câu này là phán đoán của Cung Quý Chá, nhưng ông ta không nói ra. Ông phất tay áo với Tiền Quảng Tiến: "Đi đi đi đi, trở về Hộ bộ của ngươi đi, nhớ kỹ không được nhắc đến những lời này nữa"

Cung Quý Chá là nguyên lão của hai triều, khi nói chuyện tự khắc sẽ có mục đích. Thấy ông bắt đầu đuổi người, Tiền Quảng Tiến lẩm bẩm "Đa tạ lão thượng thư nhắc nhở", rồi lui ra ngoài.

Sảnh đường yên tĩnh trở lại, Cung thượng thư lấy thánh chỉ vừa mới viết ra, tầm mắt dừng lại trên cuộn giấy màu vàng tươi, có chút ngơ ngẩn.

Mười năm trước, ông cũng đã từng thay vua Gia Ninh viết một chiếu chỉ, chỉ có điều... không phải ban ơn, mà là đến từ cơn thịnh nộ của hoàng đế.

Đế thị Tĩnh An, phụ công ơn của Tiên đế, làm xằng làm bậy, phản loạn cướp nước. Trẫm thay trời trừng phạt, ban cho toàn bộ Đế gia tội chết. Niệm tình nữ nhi Đế thị được Tiên đế xem trọng, đặc xá long ân, giam cầm ở Quốc tự Thái sơn, không có thánh chỉ, vĩnh viễn không được nhập cung.

Chỉ vài câu khiêm tốn, một tờ thánh chỉ, thế gia công thần lập nên Đại Tĩnh từ đó sụp đổ.

Có lẽ, vốn không nên gọi Đế gia là bề tôi mới đúng.

Cung lão thượng thư nhắm đôi mắt hơi đục ngầu lại, nặng nề thở dài một hơi.

Bốn mươi năm trước, Trung Nguyên hỗn chiến, các thế gia tranh nhau chiếm giữ thiên hạ. Trong số các anh hùng, thực lực của Đế gia ở phía Nam và Hàn gia ở phía Bắc là mạnh nhất. Gia chủ Đế Thịnh Thiên của Đế gia tuy là nữ tử nhưng lại chiêu mộ được rất nhiều nhân tài trong thiên hạ, chỉ mất mười năm đã thống trị được phía Nam. Cùng năm đó, gia chủ Hàn Tử An của Hàn gia cũng nắm trong tay quyền cai trị phía Bắc. Ngay khi bách tính thiên hạ cho rằng hai nhà sẽ nổ ra một trận chiến ác liệt, gia chủ hai nhà đã đồng thời chiếu cáo thiên hạ rằng hai người quen biết từ lâu, cùng chung cảnh ngộ, đồng ý không động binh cùng thống nhất Nam Bắc. Bách tính nghe thấy tin này thì vô cùng vui mừng, truyền miệng thành một giai thoại.

Trong nửa năm, Đế Thịnh Thiên lui về ở ẩn, giao quyền cai trị phía Nam cho gia chủ Hàn Tử An của Hàn gia.

Một năm sau, Hàn Tử An thành lập nên vương triều Đại Tĩnh. Nhớ ơn gia chủ Đế thị đã nhường ngôi cho, nhưng vì Đế Thịnh Thiên đã ngao du thiên hạ, ông liền phong cháu trai làm Tĩnh An Hầu, phụ trách mười vạn binh mã ở Tấn Nam, đồng thời hạ thánh chỉ, Tĩnh An Hầu cũng có quyền kế thừa hoàng vị như đương kim hoàng tử. 

Ngay khi thánh chỉ được ban ra, thiên hạ chấn động, Đế thị hiển hách tôn quý không vào hoàng thất nhưng lại được tôn làm trụ cột của Đại Tĩnh. 

Vài năm sau, Tĩnh An Hầu có được một cô con gái, coi như là viên ngọc quý. Thái tổ biết được tin vui nên đã đích thân đặt tên cho nàng là Tử Nguyên, đồng thời còn ban chiếu chỉ, quyết định hôn sự cho nữ nhi của Đế gia với con trai trưởng của Trung Vương.

Giải thích: "Trung Vương": Là thụy hiệu hoặc tước hiệu của một số vị phiên vương, quận vương hoặc thân vương trong lịch sử khu vực Á Đông thời phong kiến

Trung Vương Hàn Trọng Viễn năm đó, cũng chính là vua Gia Ninh bây giờ.

Những năm tiếp theo, Tĩnh An Hầu đã nhiều lần viết thư, từ chối kế thừa hoàng vị, nhưng Thái tổ trước sau đều không đồng ý với lời khẩn cầu. Đưa đẩy đến bốn năm sau, vì phải chinh chiến từ khi còn trẻ nên bệnh cũ tái phát, Thái tổ băng hà ở điện Chiêu Nhân, để lại ý chỉ lập Trung Vương làm vua, con trai Hàn Diệp là Thái tử, còn câu cuối cùng trong thánh chỉ truyền ngôi đó lại là — Nữ nhi của Đế gia, nhận trọng trách trời ban, phải gánh lấy trách nhiệm, phong làm Thái tử phi.

Khi Thái tổ băng hà, Thái tử Hàn Diệp sáu tuổi, còn Đế Tử Nguyên chỉ mới hai tuổi.

Nhận trọng trách trời ban, đó chẳng qua chỉ là vinh hạnh lớn nhất mà Thái tổ để lại cho Đế gia mà thôi. 

Đế gia nắm trong tay mười vạn binh mã của Tấn Nam, chuyện cam nguyện từ bỏ hoàng vị năm đó còn được sự kính trọng của thiên hạ. Trong hai năm đầu khi Thái tổ băng hà, vương triều bất ổn, Tĩnh An Hầu toàn lực ủng hộ vua Gia Ninh mới có thể giúp Đại Tĩnh an ổn trải qua thời kỳ hỗn loạn của triều đình.

Để thể hiện ý tốt của hoàng thất với Đế gia, vua Gia Ninh thậm chí còn hạ chỉ, dùng lễ của công chúa để đón nữ nhi của Đế gia Đế Tử Nguyên vào trong cung tĩnh dưỡng, phong làm khách quý của hoàng thất.

Khi đó, bách tính trong thiên hạ đều cho rằng, đợi khi Thái tử lớn lên, hai nhà Hàn Đế tôn quý nhất Đại Tĩnh kết thông gia, thì có thể viết tiếp giai thoại về Thái tổ và Đế Thịnh Thiên năm đó.

Chỉ đáng tiếc, năm Gia Ninh thứ sáu, Tĩnh An Hầu tự ý điều động tám vạn đại quân rời khỏi Tấn Nam, tiến quân thần tốc vào biên giới phía Bắc, còn định cấu kết với nước Đông Khiên phát động chiến tranh. Khi tin tức truyền đi, cả nước chấn kinh, vua Gia Ninh soạn quốc thư, vội vàng hòa giải với Bắc Tần Vương, phái đại quân đến biên giới xa xôi, đồng thời sai Tả tướng Khương Du đem theo thánh chỉ trị tội đi về Tấn Nam.

Điều khiến người khác khó hiểu là, Tĩnh An Hầu không chịu nhận tội, thậm chí còn tự sát trước tông từ Đế thị, bách tính toàn thành và Tả tướng để chứng minh sự trong sạch. Tĩnh An Hầu tự vẫn đã khiến toàn bộ Đế thị bị thiên hạ nhìn chằm chằm. Thành thật mà nói, cho dù đại quân Tấn Nam tiến vào phía Bắc thì bách tích cả nước cũng không tin Tĩnh An Hầu có dã tâm làm phản, thêm vào đó là cái chết thảm của Tĩnh An Hầu, vương triều Đại Tĩnh càng hỗn loạn bất ổn hơn bao giờ hết, các vương tôn chớp được thời cơ đều bắt đầu có hành động.

Đúng lúc này, Tả tướng Khương Du tìm thấy một bức thư âm mưu tạo phản của Tĩnh An Hầu và vua Đông Khiên trong phủ Tĩnh An Hầu, sau khi chiếu cáo thiên hạ, theo thế lôi đình mà giết hết ba mươi người và hàng trăm dòng họ của Đế gia. Trong một đêm, Đế Bắc thành máu chảy thành sông. Khi lòng người đang hoang mang, viên tướng bảo vệ Đế Bắc Thành, Quý Xuyên đã đem theo hai vạn quân canh gác quy hàng vua Gia Ninh, còn giúp Tả tướng nhanh chóng kiểm soát được Đế Bắc thành.

Khi tin tức về Đế Bắc thành truyền ra thiên hạ thì đã quá muộn, Đế thị bị diệt đã được định trước, huống hồ trong cùng một ngày, tám vạn đại quân của Đế gia đi về phía Bắc đã gặp phải đội quân tinh nhuệ của Bắc Tần, bị chôn sống ở chân núi Thanh Nam. Lúc đó, toàn bộ vương triều đều trở nên trầm mặc.

Tám vạn đại quân bị tiêu diệt, có nghĩa là... từ đó về sau, chỉ có Hàn gia là tôn quý nhất vương triều Đại Tĩnh.

Sách sử đã ghi, xưa nay thắng làm vua thua làm giặc, ai dám chọc vào cơn thịnh nộ của đế vương thì cả nhà đều phải chịu tai họa.

Vài năm sau, phàm là những thần tử từng có quan hệ tốt với Đế gia thì đều bị lưu đày hoặc giết chết. Thủ đoạn của vua Gia Ninh tàn ác, vì vậy bất luận là vua tôi hay thần dân, đều không dám nhắc đến Đế thị hiển hách từng nhường ngôi Đại Tĩnh nữa.

Còn trong vụ mưu phản này, bách tính thiên hạ cũng đã khẳng định được một chuyện: Người năm đó đoạt được phương Bắc, địa vị trên vương triều Đại Tĩnh không kém Thái tổ, gia chủ trước của Đế thị, Đế Thịnh Thiên sớm đã qua đời, nếu không, với tính tình của bà, nhất định sẽ không đứng nhìn Đế thị bị diệt vong. 

Cô nữ Đế thị Đế Tử Nguyên, người mà Thái tổ từng chiếu cáo thiên hạ là Thái tử phi, kể từ đó cũng đã trở thành cấm kỵ trong hoàng thất Đại Tĩnh, bị giam trong Quốc tự Thái sơn. Ngoại trừ vị trí Thái tử phi vẫn chưa bị tước đi, toàn bộ Đế gia đều không còn lại gì.

Cứ như vậy, chớp mắt đã trôi qua mười năm.

Cung lão thượng thư mở mắt ra, cảm nhận thánh chỉ trong lòng bàn tay đang âm ỉ thiêu đốt.

Tử Nguyên, hai chữ đều có ý nghĩa nguyên vẹn.

Nhận trọng trách trời ban, phải gánh lấy trách nhiệm.

Cũng chỉ có rất ít lão thần mơ hồ đoán được lời nói thực sự còn sót lại trong ý chỉ năm đó. Thái tổ không chọn Thái tử phi theo quyết định của Thái tử, mà là... bởi vì nữ nhi Đế gia mới là người đã chọn ra đế vương tiếp theo. 

Điều này có nghĩa là, chỉ cần Đế Tử Nguyên còn sống, nàng chính là chủ nhân Trung Cung danh chính ngôn thuận duy nhất của hoàng đế Đại Tĩnh tiếp theo. 

Giải thích: "Chủ nhân Trung Cung": Ở đây mọi người có thể hiểu là Hoàng hậu, làm chủ tam cung lục viện thất thập nhị phi là được

Ban đầu Thái tổ phải rất coi trọng nữ nhi Đế gia nên mới ban cho cái tên này, trên người nàng lưu lại sắc lệnh uy nghiêm không kém việc lập hoàng đế, đến nỗi mười mấy năm sau khi Thái tổ qua đời, Đế gia sụp đổ, thì toàn bộ vương triều Đại Tĩnh vẫn giữ thái độ trầm mặc với chuyện hoang đường về vị trí Thái tử phi Đông cung bị bỏ trống bấy lâu.

Bỏ đi, Đế gia đã lụn bại, có cảm thán thế nào cũng chỉ phí công, chỉ sợ Đế Tử Nguyên đó đến nay còn không quan trọng bằng một nữ thổ phỉ của An Lạc trại.

Cung thượng thư liếc mắt nhìn sắc trời, kính cẩn đặt thánh chỉ vào trong hộp, vội vàng vào cung diện kiến vua Gia Ninh.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play