Lúc mười bốn tuổi, để thỏa mãn chấp niệm nào đó về giới hạn tuổi tác, một tuần nào đó sau khi thi xong tôi đã trốn tiết tự học, lén la lén lút chạy đến quán bar Nhất Phường gần trường để uống rượu.

Nghe nói chủ quán bar này là một cậu ấm quái đản, mở quán chỉ để thỏa mãn đam mê dở hơi tìm kiếm sự mới lạ của mình. Lần đầu tiên tôi vén tấm rèm đỏ thẫm trước cửa quán lên thì đã bị máy phun sương màu xanh IKB lắp khắp nơi trên các mặt tường, màu đỏ khiến người ta hết hồn trên trần nhà và cả những ly rượu viền xanh neon giương nanh múa vuốt tra tấn thẩm mỹ của mình.

*Xanh IKB: International Klein Blue từa tựa màu xanh sẫm nhưng mà sáng hơn một xíu.

Tôi bị cách phối màu ghê gớm này dọa tới nỗi tê hết cả da đầu. Ngay lúc tôi đang do dự có nên lùi bước về sau không thì chủ quán tinh mắt đã ngắm trúng tôi, anh ta nhiệt tình quàng vai bá cổ, đưa tôi chai Power Station rồi cười híp mắt, bảo là tặng cho bạn nhỏ lần đầu đến quán này.

Thế là tôi bị ép ngồi xuống cái ghế gỗ màu xanh cơ hồ có thể khiến mông tôi dính đầy sơn, nghe bài tình ca cũ mèm từ cái loa ồm ồm kỳ cục đang phát trong bar, chợt cảm thấy gượng gạo vì đặt mình trong cái khung cảnh thất tình lúc nửa đêm.

Chẳng qua, sự gượng gạo ấy chẳng mấy chốc đã chuyển thành một cảm xúc khác.

Cũng giống như mở màn phim, tấm màn sân khấu vén lên, phụ đề đã tắt, trong loa vẫn đang phát bài “Sao tôi không nhớ anh ấy được đây” của Thái Cầm. Nương theo ánh đèn tối, tôi trông thấy bóng dáng của một người.

Trên cổ người ấy xăm hình đuôi cá vàng, màu đỏ đẹp đẽ phóng khoáng, cá vàng vẫy đuôi lượn vào xương quai xanh, sống động như thật, như muốn uốn lượn trên làn da để hôn lên hầu kết của người ấy.

Ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi lại muốn chạm vào nó. Nhưng ngay lúc định sờ thật thì lý trí quay về, gồng sức cản cái tay đã vươn về phía trước lại.

Ấy là lần đầu tiên tôi gặp Bách Quý.

Hôm ấy Bách Quý mặc chiếc sơ mi mỏng rộng rãi, ánh đèn mờ màu đỏ có thể dễ dàng phác họa đường nét cơ thể anh. Bách Quý lịch sự ngồi xuống bên cạnh tôi, chúng tôi im lặng uống rượu, chưa nói với nhau câu nào. Bài hát nhiễm hơi thở của những ngày xưa cũ. Trạng thái lúc hơi say rượu rất kì lạ, tôi nghiêng đầu là có thể tưởng tượng được dáng vẻ anh chống cằm uống rượu một mình, lạnh lùng chẳng có độ ấm, đôi môi đẹp đẽ, một chút rượu chảy dọc theo cằm anh xuống dưới, ung dung nhẹ nhàng chảy qua thân cá rồi đọng lại ở xương quai xanh.

Tôi bị hút hồn, rõ ràng là tôi ngẩng đầu định nhìn cho rõ cái đuôi cá dính bọt nước ấy, nhưng tầm mắt vừa chuyển lên thì kỳ diệu làm sao, chúng tôi chạm mắt nhau.

Tôi chớp chớp mắt, thăm dò anh bằng ánh mắt say mùi rượu của mình.

Tôi cảm nhận được một ngọn lửa ngay tức thì, nó bắt đầu bùng cháy trên mặt tôi. Lửa ngấu nghiến tất cả không khí xung quanh tôi, khiến tôi run rẩy như tự thiêu.

Ngay sau đó tôi nghe thấy mình lúng búng, giọng nói ướt át, có cả mùi trái cây riêng biệt của Power Station: Chào anh, em là Tiêu Ngọc.

Lời mở đầu này giống y hệt lúc tự giới thiệu ở lớp học ngày đầu khai giảng, vừa ngây ngô vừa thẳng thắn.

Tôi nghĩ có lẽ dáng vẻ bây giờ của tôi có thể sánh với mấy thằng ngốc trong tiểu thuyết mới thấy nhân vật chính đã mê ngay. Ngu rõ luôn.

Anh bật cười, cổ họng chuyển động một chút, con cá kia cũng quơ quơ theo. Giọng anh rất khẽ: Chào em, anh là Bách Quý.

Tôi phải thừa nhận rằng mình là cái đồ u mê sắc đẹp, nông cạn chả có tí ti liêm sỉ nào, thế nên giây phút ấy chả biết do cồn quấy phá hay gì mà tôi đã mê Bách Quý ngay lần đầu gặp mặt, mê thiệt luôn á.

Môi anh rất mềm, hôn lên đó sẽ thấy vị ngọt thanh của cam quýt.

Đối với tôi ngày xưa thì lớp 12 chỉ là một đống cứt nhão, là kiểu cứt mà chó cũng chả thèm đụng đến ấy. Nhưng bởi sự xuất hiện của Bách Quý, nó đã trở thành một cái bánh kem dừa thơm ngát hương, màu trắng ngà, vừa đẹp vừa mềm, cảm giác tơi xốp có thể khiến người ta nhung nhớ khi mất ngủ mỗi đêm, ngọt ngào đến tận đáy lòng.

Mọi thứ đều biến thành một từ ngữ đẹp đẽ: Tình đầu.

Trong thùy thái dương của tôi chứa những ký ức về Bách Quý, như một thước phim liên tục. Có cảnh chúng tôi đứng dưới đèn đường, cùng nhau nghe một bài hát bằng tai nghe; có cảnh anh chơi ác giơ cọ vẽ, vẽ cho tôi đôi mày. Anh luôn cười, để lộ chiếc lúm đồng tiền nho nhỏ. Con cá mắc cạn nơi xương quai xanh anh, tôi có thể dùng ngón tay nhẹ nhàng vuốt ve những chiếc vảy đỏ thắm của nó.

Vào những lúc đi học, sau tiết tự học buổi tối mỗi ngày, tôi thường lén lút chui qua lỗ tường chưa xây lại của trường học, chạy đến chỗ quán ăn cách Nhất Phường hai cái đèn đường, mua mười lăm đồng món kho, mặn mặn ngọt ngọt thoảng mùi cay. Khoai tây và trứng cút được ướp rất ngon, Bách Quý thích ngậm lát khoai tây, dựa vào vai tôi, xem những bộ phim cũ với chất lượng hình ảnh gần như méo mó được ông chủ của Nhất Phường sắp xếp. Mỗi ngày xem mười phút, rồi lại dùng một phút để ôm ấp. Tôi ôm cổ anh, anh vân vê tai tôi, chúng tôi trao nhau nụ hôn có vị đồ kho dưới ánh đèn sặc sỡ đủ màu của Nhất Phường, xong tôi lại dùng năm phút còn lại của tiết học để phi như bay về phòng học nóng nực ngột ngạt, rồi ngồi nhớ nhung cho hết tiết cuối cùng của buổi tự học tối dưới sự che chắn của mớ đề thi.

Cảm giác yêu đương chiếm cứ đầu óc hệt như rượu Rum, tôi thường nghĩ đến Bách Quý trong lớp, nhớ khuôn mặt của anh, nhớ đôi mắt của anh, rồi nở nụ cười si mê như cô gái mộng mơ, cuối cùng lúc nào cũng nhớ đến con cá trên cổ anh… Nó đỏ rực, quấn trên cổ anh một cách sống động, vừa phách lối vừa điên cuồng. Bách Quý bảo đó là anh tự vẽ, anh là một sinh viên mỹ thuật đang học lại*, ngoài lúc ở cùng tôi thì anh đều học tập và vẽ tranh một cách thành kính. Tôi cười, hỏi sao anh lại vẽ một con cá ở chỗ nổi bật huênh hoang thế, anh chỉ cong mắt cười với tôi, lắc đầu không nói gì.

*复读生: Chỉ những người đã thi đậu đại học nhưng không đi học đại học mà học lại cấp 3.

Chẳng qua, điều lạ lùng là hình như trừ tôi ra thì chẳng có ai đặt ánh mắt vào chú cá đó cả. 

Ngày tháng cứ trôi lạch cạch như thế, cấp ba mệt như chó chẳng bao lâu đã sắp kết thúc. Trời nóng lên, không biết vì sao quán ăn kia lại chuyển khỏi địa chỉ quen thuộc, ve bắt đầu kêu rả rích, con đường nhỏ đã bị cỏ cây sum sê tươi tốt chiếm cứ. Tôi và tất cả trăm ngàn học sinh lớp mười hai khác rơi vào sự lo lắng khi sắp thi, hôm nào cũng phải bất lực nổi khùng với những đề bài mình không làm được.

Một ngày trước kì thi đại học, Bách Quý lén đưa tôi một xấp giấy. Sau khi tôi hết hồn mở xấp giấy ra thì thấy bên trong có rất nhiều cảnh kinh điển của các bộ phim cũ được vẽ tay. Bách Quý biết tôi học biên đạo, thích mấy bộ phim cũ, thế là anh bèn vẽ những phân cảnh này bằng đường nét lưu loát… Trong đó, tôi thấy Sebastian và Mia nhảy điệu clacket trong [Thành phố tình yêu], cả cái thang dài trong [Nghệ sĩ dương cầm trên biển] lúc anh muốn xuống thuyền một mình, cả cánh cửa tủ lạnh không thể đóng lại trong [Manchester bên bờ biển], vân vân.

Trang cuối cùng của tập tranh đó là kí họa hình ảnh tôi đứng dưới đèn đường, Bách Quý vẽ ánh sáng của đèn đường thành hình con cá, thân cá uốn lượn như muốn ôm tôi vào lòng.

Anh giơ tay xoa mặt tôi, vò rối mái tóc tôi vừa chải gọn gàng, bảo tôi cố lên nhé.

Tôi cẩn thận từng li từng tí đặt tập tranh vào cặp sách, hơi bực bội đánh vào cái tay anh đang làm loạn trên mặt tôi, xấu hổ đỏ mặt đáp lại anh cũng cố lên nhé.

Đó vốn là một buổi tối bình thường, bầu trời đêm lấp lóe những vì sao rải rác, ánh trăng sáng rỡ. Rồi ngay lúc tôi và Bách Quý tạm biệt nhau ai về nhà nấy, tôi bỗng thấy hình như con cá trên gáy anh hơi động đậy.

Màu đã phai đi nhiều.

Kì thi đại học của tôi rất bình thường, không phát huy tốt hơn mà cũng không phạm sai sót gì to lớn, cảm giác qua quýt bình thường như những buổi thi thử ngày thường, thi thử nhiều tới nỗi chai hết cả ra. Mãi đến lúc thi xong môn cuối cùng, ra khỏi trường thi tôi vẫn không có cảm giác cụ thể gì. Tôi nhìn các bạn học đang ngơ ngác xung quanh mình, chợt có cảm giác hụt hẫng vô cớ kiểu ‘”tuổi trẻ của tôi thế này là xong rồi đấy à?”

Những ngày sau thi, dĩ nhiên là muốn thưởng thức tất cả những điều tiếc nuối mà học sinh cấp ba không được phép làm, đi nhảy nhót, chơi game thâu đêm suốt sáng, đi du lịch… Tôi từ chối khéo lời mời đi xem phim của bạn, kéo Bách Quý đi hát hò ở Nhất Phường cả đêm. Tôi và anh cùng khui rượu Whisky, sau cùng cả hai người đều mơ mơ màng màng, tôi nhìn anh chằm chằm, muốn nhìn rõ khuôn mặt anh dưới ánh đèn sặc sỡ này, bèn hôn anh một cách vụng về.

Bách Quý chồm người qua ôm lấy eo tôi, chuyển một ngụm rượu ấm nóng cho tôi. Ngón tay tôi vùi sâu vào mái tóc anh, chúng tôi hôn nhau đắm đuối như lần đầu gặp mặt bên tiếng hát của Thái Cầm trong chiếc loa cũ. Khác với lần trước là hôm nay loa đang phát bài [Bến đò], khi hát đến câu “Tuổi trẻ dừng lại từ đây, nước mắt trong tim đọng thành dòng sông” thì cánh cửa kính của Nhất Phường vang lên âm thanh chói tai, dường như có thứ gì bị vỡ. Tôi hoảng hốt ngẩng đầu nhìn ra ngoài, não như bị bổ ra. Tôi thấy khuôn mặt đầy nếp nhăn của một người đàn ông trung niên, mắt ông ấy như sắp nứt toác ra.

Từ khi khuôn mặt ấy xuất hiện, thế giới bắt đầu méo mó, tôi không ngừng xoay mòng mòng, dạ dày cũng nhộn nhạo vô cùng. Tôi cố gắng muốn ngẩng đầu lên, nhưng cả người tôi mất sức chỉ có thể tựa vào quầy bar. Tôi thấy đôi mắt bình tĩnh nhưng cũng buồn thương của Bách Quý, đôi mắt đen láy chẳng thấy cảm xúc gì. Anh đứng dậy bước về phía người đàn ông kia, tôi nghe giọng nói khàn khàn của anh gọi người ấy là ba. Rồi khi khoảng cách giữa họ chỉ còn một mét, người kia lao lên cho anh một bạt tai.

“Bốp.”

Gần như cùng lúc đó, đầu tôi có tiếng gào thét chói tai. Giây phút tôi đánh mất ý thức, tầm mắt của tôi lướt qua cổ của Bách Quý.

… Nơi ấy trống không sạch sẽ, không có dấu vết của hình xăm, tựa như hình xăm kia chưa từng ở đó.

Một bộ phim có thể chia làm ba phần.

Nếu cuộc đời của tôi được dựng thành một cuộn phim, có lẽ tôi sẽ chia khoảng thời gian trước khi tôi gặp Bách Quý làm phần mở đầu trắng đen im lặng dài dằng dặc, ngày tháng ở bên anh sẽ là phần cao trào, cuối cùng lấy sự xuất hiện của người đàn ông trung niên để đi đến phần kết.

*Ý Tiêu Ngọc là bạn ấy xem mười chín năm cuộc đời mình là một bộ phim, và bộ phim ấy đã kết thúc khi bạn ấy vừa được mười chín tuổi, vào cái ngày ba của Bách Quý đến.

Mạch phim có lẽ là lời tự sự không theo thứ tự của trí nhớ rời rạc, khiến người ta không hiểu nổi hệt như cách phối màu của Nhất Phường. Bộ phim này chiếu đến lúc tôi mới mười chín tuổi thì hết hơi, để lại một mùa hè ngỡ ngàng.

Nếu bảo tôi viết bình luận một ngàn chữ để đánh giá xem đây có phải một bộ phim tuyệt vời không, có lẽ tôi sẽ cắn bút, tốn năm trăm chữ để nói rõ đây là câu chuyện khó quên nhất đáng hận nhất của đời tôi, nội dung phát triển của nó dở y chang như mấy bộ phim rác bị mắng ngập đầu. Nếu cho lên douban chấm điểm thì tôi cá chắc nó sẽ là một bộ phim được đánh giá dưới bốn sao khiến người ta giận sôi máu.

Tôi hỏi rất nhiều người, hỏi họ có biết tung tích của Bách Quý không, hỏi họ có nhớ cậu trai có hình xăm cá vàng trên cổ không, nhưng đáp án trăm lần như một: Hệt như bức tranh bị tẩy sạch bong, Bách Quý biến mất hoàn toàn sạch sẽ, dường như anh chưa từng xuất hiện trong thế giới của họ, cũng chẳng có ai nhớ* chú cá ấy.

Con phố ở cổng trường dài đến vậy, quán món kho đã bị dẹp, cây cỏ vẫn xanh tốt như xưa, hoa trong bồn hoa của trường đã đổi thành loại khác, nhưng chỉ có mình tôi nhớ* anh ấy.

*Nhớ ở đây ý là chỉ có Tiêu Ngọc nhận thức được là anh từng xuất hiện, còn những người khác thì như kiểu chưa từng biết đến, chưa từng thấy Bách Quý. Chứ không phải nhớ nhung nha.

Sau đó, cuộc đời tôi như đã được bấm nút tua nhanh. Mấy năm sau đó trôi qua một cách chóng vánh, tôi cởi bỏ lớp da non nớt và trở thành một người trưởng thành khôn khéo, quay phim được vài năm, rồi thực hiện vài kịch bản video đơn giản. Lúc tay cầm máy quay, dường như lần nào tôi cũng thấy góc dưới khung cảnh có một chú cá đang vẫy đuôi, nó hé miệng, không nhả bọt nước mà chỉ im lặng nằm ở đó… Nó nằm trong video của tôi tự nhiên như nằm ở xương quai xanh của Bách Quý.

Tôi nhìn nó chằm chằm, đôi mắt cá chết đen láy của nó cũng nhìn chằm chằm tôi.

Tôi hoảng hốt, đầu cực kì đau đớn. Cuối cùng, tôi loạng choạng ném máy quay, bàng hoàng trở về quê như chạy trốn.

Hai mươi tám tuổi, tôi đến Nhất Phường lần nữa, nghe bài [Bến đò] của Thái Cầm truyền từ trong đó ra, tư thế đứng im ở đó chả khác mấy so với năm mười chín tuổi. Song ngay lúc tôi đang chăm chú nhìn biển hiệu của Nhất Phường, ký ức của tôi bắt đầu rối rắm, thùy thái dương tuyên bố bãi công, có tiếng thét gào chói tai.

Thực ra cửa của Nhất Phường là cửa gỗ mộc mạc, trong quán bày trí kiểu phục cổ mà bọn học sinh ưa thích, máy hát đang mở nhạc cổ điển, trên quầy bar có một con mèo.

Không có cách phối màu khiến người ta hoảng hồn, không có băng ghế quét sơn xanh, cũng không có chủ quán nhiệt tình cười híp mắt. Trong quán chỉ có một người đàn ông trung niên trông khá dễ gần, cất giọng đều đều hỏi tôi muốn uống gì.

Khoảnh khắc ấy, tôi cứ như bị dội nửa thùng nước lạnh, không quay đầu mà lảo đảo rời khỏi đó.

Trí nhớ của tôi nói với tôi một cách tàn nhẫn rằng: Sự thực chỉ là hoang tưởng, là giả, giống như phim tâm lý vậy, hai phần ba nội dung của phim là nhân vật chính ảo tưởng 1 mình, một phần còn lại là sự đau đớn tức giận sau khi vạch trần sự thật.

Bộ phim ấy có lẽ sẽ có điều bất ngờ, nhưng hiện thực thì không.

Đêm ấy tôi nằm mơ.

Trong mơ, tôi biến thành một vũng nước mềm mại, vũng nước ướt nhẹp được anh tô màu, trải lên chiếc giường trắng muốt. Chúng tôi kề sát bên nhau, nhấm nháp thứ tuyết trắng mịn màng dưới ánh đèn neon, tôi đếm được anh có bao nhiêu sợi lông mi, cũng nếm được vị chát thoang thoảng của rượu whisky trong miệng anh, cảm nhận được hơi thở hổn hển của anh. Tôi vươn tay định ôm chặt anh, muốn nhìn rõ khuôn mặt anh, nhưng cuối cùng vẫn dần rơi vào bóng tối.

Tôi vuốt ve chú cá trên cổ anh, hỏi anh rốt cuộc đây là gì.

Anh hôn trán tôi, bảo đây là con cá của cá nước thân mật, là ham muốn của sắc dục chiếm lấy tâm trí, cũng là ngọc của Tiêu Ngọc. Anh đã xăm tên tôi lên vảy cá.

Phần cuối của giấc mơ là con phố quen thuộc, lúc ấy Nhất Phường vừa mở, bày trí kiểu văn nghệ bình thường. Tôi không vào đây trước kì thi đại học, cũng không thích món kho, xưa nay chưa từng ghé quán đó.

Có điều, Bách Quý trong giấc mơ là thật, chúng tôi đều phải lòng nhau ngay từ lần đầu gặp gỡ. Anh ấy tặng tôi tập tranh, chúng tôi cùng trốn tiết để ngắm trời đêm đầy sương mù, cùng bướng bỉnh tìm kiếm nửa mảnh trăng, chúng tôi cùng uống một chai Power Station một cách hư hỏng, rồi lén lẻn vào tiệm băng đĩa, dùng màn hình nhỏ trưng bày của tiệm để xem những bộ phim cũ.

Tôi sẽ lén dùng chiếc điện thoại cũ chụp gò má anh, rồi mỗi đêm mất ngủ, tôi sẽ ôm nó chìm vào giấc ngủ.

Bách Quý rất thích cách phối màu sặc sỡ, anh bảo sau này kiếm đủ tiền sẽ mở một quán ở cổng trường, trang trí trong quán tất cả dựa theo ý tưởng của anh, chắc chắn phải có băng ghế màu xanh IKB và đèn màu khắp nơi. Có cả chiếc loa cũ phát những bài hát từ mười chín năm trước, rồi anh sẽ tặng mỗi người khách tò mò bước vào quán một chai Power Station.

Lúc nói vậy miệng anh còn đang nhai lát khoai tây kho, trong túi vẫn còn mấy quả trứng cút, anh cong mắt cười, bảo rằng sẽ lắp cả máy chiếu, đến khi ấy có thể vừa ăn vừa xem những bộ phim cũ với tôi. Do tôi thích cá nên lúc ấy anh định vẽ một con cá màu đỏ lên cổ, rồi lại xăm tên tôi lên vảy cá của nó.

Kết thúc của giấc mơ vẫn là người đàn ông trung niên chợt lao ra ấy, ông ấy đập vỡ tất cả ảo tưởng của Bách Quý dễ như trở bàn tay, rồi cương quyết kéo anh đi, biến mất khỏi thế giới của tôi.

Tôi muốn đuổi theo, nhưng tôi nhận ra dường như giày của tôi đã mọc rễ dưới đất, chỉ có thể trơ mắt nhìn anh lảo đảo rời khỏi đó.

Ở phần cuối của giấc mơ, ngày thứ ba sau khi Bách Quý biến mất, tôi nhận được một tin nhắn. Thời gian gửi là buổi tối hôm anh biến mất, anh nói đã mua vé xe để rời khỏi nhà, hai vé, thời gian là chín giờ sáng mai. Anh hỏi tôi có muốn bỏ trốn cùng anh không.

*Ý là tối hôm đó Bách Quý nhắn tin, sáng mai sẽ đi. Nhưng ba ngày sau Tiêu Ngọc mới thấy tin nhắn.

Bỏ trốn là một từ ngây ngô và lãng mạn biết bao. Bách Quý bảo anh muốn cùng tôi đến nơi khác, đi ngắm biển, anh muốn vẽ tôi trên bờ biển, tôi có thể tìm kiếm linh cảm phim nơi những con sóng lớn.

Lúc nhận được tin nhắn đã là mười một giờ sáng. Mấy ngày trước điện thoại của tôi hết tiền, bỏ lỡ tin nhắn này như một trò cười khổng lồ. Tôi vội vàng chạy đến trạm xe đường dài, đứng đờ người ba tiếng dưới trời nắng chang chang, từ đó không hề gặp lại Bách Quý.

Anh ấy đã bỏ số điện thoại cũ, tài khoản mạng xã hội trắng xóa, tôi không tìm được anh ấy nữa.

Tôi tìm nhân viên của trạm xe, hỏi cô ấy có gặp một chàng trai đeo dụng cụ vẽ tranh không.

Đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ ánh mắt của nhân viên công tác ấy. Cô ấy nhìn tôi bằng ánh mắt kinh ngạc, bảo đúng là có một người, hình như là bỏ nhà đi, lúc chín giờ sáng bị ba của cậu ấy kéo đi rồi, tranh rơi đầy đất, toàn là tranh vẽ hình xăm con cá màu đỏ trên cổ. Chàng trai ấy liều mạng đòi nhặt, nhưng cuối cùng vẫn bị người đàn ông trung niên kia vứt ở bãi rác gần trạm xe.

Đầu tôi như ăn một cú trời giáng, tôi hoảng hốt đến mức mắt nổ đom đóm. Những lời nói ấy như nổ súng về phía tôi, tôi không còn nghe thấy âm thanh nào nữa.

Mười năm sau đó, một lần sơ ý nọ, điện thoại của tôi rơi đến độ tan xương nát thịt, mất hết ảnh trong album. Trừ những bức ảnh tôi chụp trộm Bách Quý bằng chiếc điện thoại cũ lúc tốt nghiệp cấp ba, tôi chẳng còn tìm được bức ảnh nào tôi và anh ấy chụp chung. 𝑻hách‎ thánh‎ tìm‎ được‎ ﹍‎ 𝑻r𝑈m𝑻ru‎ yen.vn‎ ﹍

Chất lượng hình ảnh của điện thoại cũ rất kém. Năm hai mươi chín tuổi, tôi dốc vốn, dùng tất cả tiền tiết kiệm để mua lại Nhất Phường, dựa theo mong đợi lúc đầu của Bách Quý để đổi quán thành kiểu phối màu lộn xộn ấy. Tôi mua chiếc loa cũ, phát đi phát lại những bài hát của Thái Cầm. Rồi tôi rửa những bức ảnh trong chiếc máy cũ ra, đặt vào ví của tôi.

Tôi muốn đi tìm anh ấy, nhưng chất lượng của những bức ảnh đó kém thực sự, khuôn mặt của Bách Quý dần phai mờ. Theo dòng chảy thời gian, ký ức của tôi cũng dần trở nên mơ hồ, tôi sẽ có những giấc mơ vốn không phải của chính mình, sẽ vừa khóc vừa cười trong mơ. Nhưng khi thức giấc, tôi luôn không nhớ rõ khuôn mặt của anh.

Tôi từng đi khám bác sĩ tâm lý. Nhưng đến khi người ta hỏi tất cả những ký ức liên quan đến Bách Quý của tôi, khi người ta kiên nhẫn bảo tôi nhớ lại có khung cảnh nào rõ ràng nhất với tôi thì trong đầu tôi chỉ còn lại cảnh trong mơ, cứ như cuộn băng cũ đang quay chầm chậm.

Tôi chỉ nhớ con cá với cái đuôi màu đỏ trên cổ anh.

___________________ 

Chanh: Thực ra ban đầu tui định mần cái này cho đỡ stress, vì lần trước mần Bún ốc Sầu riêng của Shijiu thấy hài vl, lần này đọc sơ qua Cá trên cổ thấy cũng bình thường nhẹ nhàng dịu dàng các thứ, thế là chưa đọc hết đã đào hố. Mà không ngờ mần tới đoạn hẹn nhau ở trạm xe là nghẹn nghẹn rồi, mần xong tui khóc như dở hơi.

Có thể hiểu hình ảnh “chủ quán” của Nhất Phường ở phần mở đầu của câu chuyện này chính là Tiêu Ngọc. Tiêu Ngọc mua lại Nhất Phường, trang trí nó với cách phối màu ma chê quỷ hờn như mong ước của Bách Quý, nhưng sau khi trải qua những giấc mơ liên miên thì có lẽ chính Tiêu Ngọc cũng lẫn lộn hiện thực và giấc mơ. Khuôn mặt của Bách Quý dần phai mờ trong tâm trí của Tiêu Ngọc, kể cả mong ước về “Nhất Phường”, thứ còn lại chỉ là đuôi cá màu đỏ trên cổ thôi.

Có lẽ Bách Quý có thật, có lẽ anh đã chết, hoặc do nghĩ Tiêu Ngọc không đi cùng mình vì không yêu mình nên biệt tăm biệt tích, Tiêu Ngọc không tìm được anh, với cả chính bản thân Tiêu Ngọc cũng quên mất khuôn mặt anh rồi.

Cũng có lẽ Bách Quý chỉ là một người Tiêu Ngọc tưởng tượng ra, bằng chứng là mọi người đều không có ấn tượng, không để ý đến con cá trên cổ anh. Duy chỉ có cô gái nhân viên trạm xe bảo có chàng trai làm rơi tranh đầy đất, tranh toàn vẽ con cá màu đỏ trên cổ. Nhưng Tiêu Ngọc cũng chỉ nhớ mỗi con cá đó, nên không loại trừ khả năng cô gái kia cũng là do Tiêu Ngọc tưởng tượng.

Đến cùng tui vẫn không hiểu Bách Quý có thật hay chỉ là nhân vật Tiêu Ngọc tự tạo ra, ngay cả Tiêu Ngọc còn không biết nói chi tui… Khác là xuyên suốt câu chuyện không thấy ẻm khóc, có tui khóc như khùng thôi.

Nhưng tui thiên về việc Bách Quý không có thật, tại ngay từ đầu Tiêu Ngọc hỏi về con cá đó thì ảnh chỉ cười không nói gì. Người ta thường bảo nghĩ gì mơ đó mà, Tiêu Ngọc nghĩ về con cá đó nhiều quá xong tự tạo ra một câu chuyện liên quan đến con cá đó thì sao hén?

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play