Việc gì cũng cần có thời gian, huống chi việc binh lại tính theo tháng, theo năm. Triệu Tử Ái đã đến kinh kỳ gặp Lê Hoàn. Ông được phong đại sứ hòa bình, mang theo lễ vật gấp rút qua nhà Tống xin phong tập vị cho Đinh Toàn. Đây chính là hành động câu giờ của nhiếp chính vương, cũng là tìm kiếm một cơ hội để không đi tới chiến tranh.
Ngày Quý Mão, mồng Ba tháng Chín năm Canh Thìn (14- 10-980), Triệu Tử Ái tới Biện Kinh, xin cầu kiến hoàng đế. Công công nhà Tống bảo ông đợi. Vậy là ông lão đợi từ sáng đến tối, hoàng đế day dưa không muốn gặp. Ngày hôm sau vẫn kiên nhẫn đợi như vậy, Triệu Khuông Nghĩa đành cho truyền vào. Mang theo ý chỉ của Lê Hoàn, Triệu sứ thần khéo léo đưa đẩy, xin hoàng đế phong vương cho Đinh Toàn để nối ngôi cha, nhằm công nhận đất Đại Cồ Việt có chủ, giữ thế độc lập như thời vua Đinh Tiên Hoàng.
Dĩ nhiên Triệu Khuông Nghĩa có hàng trăm cái cớ để bác bỏ. Nào là Vệ Vương tuổi nhỏ không làm được chính sự, nào là nội bộ có loạn khiến hắn lo âu rồi cả việc Lê Hoàn nhiếp chính tiếm quyền là trái đạo lý trời đất. Nhìn chung gã hoàng đế nhà Tống xem đất Việt như một phần lãnh thổ Trung Hoa, vì nó mà “lo nghĩ”. Sợ rằng kẻ cường quyền ức hiếp bá tánh, sợ rằng dân vô học lại được nước lên làm vua, biến Giao Châu thành xứ mọi rợ. Vì lẽ đó mà hắn phải ra tay diệt trừ “kẻ ác”, “cứu nguy” cho chúng dân!?
Lần đi sứ thất bại. Triệu Tử Ái cùng với Tối hậu thư của nhà Tống trở về Hoa Lư. Tại điện Thiên Long, Lê Hoàn, Lưu Cơ, Trịnh Tú, Ngô Chân Lưu, Trương Ma Ni, Đặng Huyền Quang, Phạm Cự Lạng, Trần Thăng, Trần Nguyên Thái, những “đầu tàu” chủ chốt trong ban tham mưu đều tề tụ quanh bàn dài. Lê Hoàn ngồi ở đầu bàn, tôi ngồi phía trong điện, phía sau bức rèm chứng kiến cuộc họp kín này.
Trịnh Tú giở thư của vua Tống ra, đọc vừa đủ nghe:
[Tối hậu thư này ý tứ rất sâu xa, Hoa Ban mất nhiều thời gian nghiên cứu và phân tích, bạn đọc đừng bỏ qua mà nên xem kĩ nhé!]
“Trung Hoa đối với Man Di cũng như thân người có tứ chi, vận động duỗi co tùy ở tim mình, cho nên nói tim là chủ.
Nếu ở một tay, một chân mà mạch máu ngưng đọng, gân cốt không yên thì phải dùng thuốc thang để chữa. Chữa mà không công hiệu thì lại phải châm cứu cho kỳ khỏi, không phải là không biết thuốc thang thì đắng miệng mà châm chích thì rách da. Phải làm như thế là vì tổn hại ít mà lợi ích nhiều. Kẻ làm vua thiên hạ cũng phải làm như vậy chăng? Cho nên Thái Tổ Hoàng Đế nhận ngôi do nhà Chu nhường, đổi tên nước là Tống, văn vật trong sáng, một phen biến đổi theo xưa, ở ngôi đế vương mà nhìn Man Di mắc bệnh. Cho nên năm thứ nhất, thứ hai thì thuốc thang cho các đất Kinh, Thục,Tương, Đàm; năm thứ ba thì châm cứu cho các miền Quảng, Việt, Ngô, Sở gân cốt huyết mạch ra dáng trẻ con, có phần khỏe mạnh. Không do cơ trí thần diệu sáng suốt của bậc vương giả mà trù liệu được đến thế ư?…”
Tôi ngồi nghe cẩn thận từng câu, từng chữ. Quái lạ, Triệu Khuông Nghĩa đang bàn về ngành y để nói đến chính trị hay sao? Hắn ví các vùng đất xung quanh biên giới là “chi”, còn nhà Tống là “tim”, tim làm chủ. Kim, Thục, Tương, Đàm, Quảng, Việt, Ngô, Sở cũng là gân cốt của Trung Hoa, vì lẽ đó mà bị “châm cứu” rồi thu phục lật đổ triều đình, sáp nhập vào bờ cõi nhà Tống. Hắn xem các quốc gia đó, cũng giống như Đại Cồ Việt là “mộttay, một chân mà mạch máu ngưng đọng, gân cốt không yên”, buộc lòng phải có “thuốc thang”, nếu thuốc không trị khỏi thì dùng “châm cứu”. Thuốc thì đắng, châm chích thì rách da, tuy có đau, có khổ nhưng buộc phải trị! Rồi tự nhận mình là một vị đại phu sáng suốt, nhìn xa trông rộng.
Trịnh Tú vẫn chăm chú đọc, cả bàn cẩn thận dõi theo:
“…Đến khi ta nối giữ cơ nghiệp lớn, đích thân coi chính sự, cho rằng đất Phần, đất Tinh là bệnh ở lòng bệnh, nếu lòng bệnh chưa chữa khỏi thì làm sao chữa nổi tứ chi? Vì thế mới luyện thuốc thang bằng nhân nghĩa, sửa đổi châm cứu bằng đạo đức, hết sức chữa cho các đất Phần, đất Tinh, chỉ một lần là khỏi bệnh, chín châu bốn biển đã mạnh lại yên.
Chỉ có Giao Châu của người ở xa cuối trời, thực là ngoài năm cõi. Nhưng phần thừa của tứ chi ví như ngón tay, ngón chân của thân người, tuy chỉ một ngón bị đau, bậc thánh nhân lại không nghĩ đến hay sao? Cho nên phải mở lòng ngu tối của người để thanh giáo của ta trùm toả, người có theo chăng? Huống chi từ thời Thành Chu, nước ngươi đã đem chim trĩ trắng sang dâng, đến thời Viêm Hán dựng cột đồng làm mốc, cho đến thời Lý Đường vẫn thuộc về nội địa. Cuối thời đường thì nhiều họa nạn, chưa kịp xử trí. Nay thánh triều lòng nhân trùm khắp muôn nước, cơ nghiệp thái bình nghĩ cũng đã thịnh. Lễ phân phòng đã sắp đặt sẵn, còn đợi ngươi đến chúc sức khỏe của ta…”
Trời ạ, ông vua này tự nhận mình là người dùng nhân nghĩa trị quốc, dùng đạo đức xâm chiếm lân bang. Còn nhắc tới 1000 năm nước ta bị đô hộ, nói đến sự hèn yếu, thấp cổ bé họng mà phục tùng Hán, Đường, Chu,… sau đó kết luận Đại Cồ Việt là một phần của Tống, nay triều đình đã gom về một mối, đất này cũng sớm sáp nhập đi thôi! Bầu không khí trong điện nặng nề, không khó nhận ra ai ai cũng nhăn nhó, khó chịu, tức giận với sự xảo biện của vua Nghĩa. Lê Hoàn thì vẫn vậy, mặt lạnh từ đầu tới cuối.
“Ngươi đừng ru rú trong bốn góc nhà khiến cho ta buồn phiền phải chém cờ, bổ sọ làm cỏ nước ngươi, hối sao cho kịp? Dù cho sông nước ngươi có ngọc, ta vứt xuống suối; núi của ngươi sẵn vàng, ta ném xuống bụi để thấy chẳng phải ta tham của báu của nước ngươi. Dân của ngươi hay bay nhảy. Còn ta thì có ngựa xe; dân của ngươi thì uống mũi, còn ta thì có cơm rượu để thay đổi phong tục của người; dân ngươi thì bắt tóc còn ta thì có áo mũ, dân ngươi nói tiếng chim còn dân ta thì có Thi, Thủ để dạy lễ cho dân ngươi. Cõi nóng chói chang, khói hơi mù mịt, ta toả mây Nghiêu tưới cho mưa ngọt. Khí biển hầm hập, cháy mày chảy đá, ta gãy đàn Thuấn quạt làn gió thơm. Sao trên trời nước ngươi chẳng ai biết tên gì, ta quay chòm tử vi để ngươi biết chầu về. Đất ngươi nhiều ma quỷ, ai cũng sợ chúng quấy, ta đã đúc vạt lớn để yểm trừ, khiến chúng không làm hại. Ra khỏi đảo di của người mà xem nhà Minh đường, Bích ung chăng? Trút áo quần cỏ lá của ngươi mà mặc áo cổn hoa thêu hình rồng núi chăng?
Ngươi có theo về hay không, chớ mau chuốc lấy tội. Nay ta đang chỉnh đốn xe cộ, quân lính, truyền hiệu lệnh chiêng trống. nếu chịu theo giáo hóa, ta sẽ tha tội cho, nếu trái mệnh ta sẽ sai quân đánh. Theo hay chống, lành hay dữ tự ngươi xét lấy…”
Đoạn cuối này chịu hết nổi, đúng là khinh người quá đáng! Hắn nói sẽ “chém cờ, bổ sọ, làm cỏ” Đại Cồ Việt. Còn nói dân ta “hay bay nhảy”, ý này là hoang dã, vô văn hóa, không văn minh. Trong khi nhà hắn thì đã có ngựa xe, là người của đấng tối cao thần thánh, không phải dùng hai chân mà di chuyển, sống trong ánh sáng văn minh lỗi lạc. Ta thì “uống nước mũi” mà Tống thì có rượu cơm. Ta nói “tiếng chim”, còn Tống thì có thơ ca thi họa. Đất Tống là chốn bình yêu, cao quý, chỉ có nhân tài lỗi lạc. Còn ta là xứ ma quỷ, hại nước hại dân. Hắn xâm lược là để thay trời hành đạo, khai hóa cho chúng dân, đem tới ánh sáng văn minh chứ không phải tham của cải đất Việt. Nước có ngọc thì hắn vứt, đất có vàng, hắn cũng ném đi. Thế này là cuồng ngạo và tự kiêu, nói rằng nhà ta giàu to, có thèm chi chút xíu của cải nhà ngươi nữa?
Mấy lời cuối không nhắc tên những rõ ràng ám chỉ Lê Hoàn. Nói rằng anh nên ra khỏi hòn đảo man di mà nhìn về thế giới tuyệt đẹp nơi trời Bắc. Chê người cởi “áo quần cỏ lá” rồi mặc áo thêu rồng, thế là tưởng rằng ta đã thành vua. Sau cùng là lời lẽ khiêu khích, đe dọa đánh Đại Cồ Việt. Khuyên Lê Hoàn mau đầu hàng thì sẽ được khoan hồng mà tha mạng cho!?
Xong rồi, thế là xong rồi.
Tống đế đã chạm vào lòng kiêu hãnh của người nào đó. Giống như kì phùng địch thủ gặp nhau, chắc lão hoàng đế không biết anh Lê nhà này cũng ngạo mạn không thua thì lão. Kẻ tám lạng người nửa cân, chỉ còn chờ xem ai phát huy được tinh thần kiêu hãnh này cho tới phút cuối.
Bức thư kết thúc, mọi người đều trầm mặc len lén nhìn Lê Hoàn, chờ xem anh nổi cơn thịnh nộ ra sao. Phạm Cự Lạng lại cho rằng mình nên thay nghĩa huynh trút giận, thế là rút kiếm nhào tới muốn bâm bổ lá thư kia. Hai vị phò mã phản ứng nhanh, mỗi người một bên kéo Cự Lạng lại.
- Buông, buông ra… ta phải chém chém chém….!!
Trần Thăng khống chế tay kiếm của Lạng, thở hắt ra
- Tướng quân bình tĩnh, vương còn chưa quyết mà!
Lê Hoàn chầm chậm dùng hai ngón tay kẹp tờ giấy lên, nhìn nhìn một chút rồi tự nhiên đưa về phía tôi đang ngồi sau bức rèm:
- Đem cho Thái hậu dùng xếp đồ chơi đi!
Cả bàn họp trợn mắt, tôi thì mắt trợn. Tiểu An lảo đảo đi tới, kinh sợ mà nhận tờ chiến thư về cho tôi. Trời ơi, bút pháp cổ đại – hiện vật lịch sử – thư của hoàng đế Trung Hoa… thứ này cũng đem đi xếp Origami được sao??? Tôi cầm tờ giấy, nghĩ xem mình nên xếp thành con heo bu hay là con cá sấu…
Sau vài phút kinh ngạc, cả bàn định thần lại bắt đầu chuyển qua phần bàn bạc kế sách ứng phó. Lê Hoàn hỏi:
- Người viết thư này rất am hiểu y học?
Độ hộ phủ sĩ sư gật đầu:
- Chính là do Vương Vũ Xương viết, một cận thần rất uyên bác về y và lý.
Lê Hoàn gật gù
- Được rồi, bọn họ muốn “châm cứu” Đại Cồ Việt thì ta sẽ “châm cứu” Triệu Khuông Nghĩa trước, để trị cái bệnh ngông nghênh, cuồng ngạo của y. Đã điều tra ra Hầu Nhân Bảo là tên nào chưa?
Trần Thăng trả lời:
- Bẩm vương, Hầu Nhân Bảo là con thứ ba của tướng Hầu Ích phục vụ dưới triều Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu. Là con rể của cố tể tướng Triệu Phổ. Vua Tống phong chức Thái thường bác sĩ, cho đi trấn giữ tri Ung Châu, tới nay đã 9 năm, lúc nào cũng an phận. Đột nhiên vừa rồi lại dâng sớ Đắc Giao Châu Sách (Kế sách lấy Giao Châu), xin lên Biện Kinh bày mưu chiến lược xâm chiếm Đại Cồ Việt. Lư Đa Tốn khuyên Tống đế nên dùng chiêu “sét đánh không kịp bịt tai”, không triệu Bảo về kinh để giữ bí mật, đồng thời ban chỉ xuống điều động binh lực Ung Châu và Kinh Hồ chuẩn bị Nam tiến. Cũng để Hầu Nhân Bảo làm tổng chỉ huy.
Lê Hoàn nghe xong thì híp mắt hỏi
- Lư Đa Tốn? Là tể tướng thay thế Triệu Phổ?
- Thưa, phải.
Nói tới đây anh đột nhiên cười
- Vậy Hầu Nhân Bảo là gã thế nào?
- Bẩm, trước nay không có gì nổi bật, gian tế không tìm thấy nhiều thông tin nhưng… dường như hắn không thích ở Ung Châu cho lắm…
- Nhà Hầu gia ở đâu?
- Thành Lạc Dương ạ!
Lê Hoàn càng cười tươi hơn, ngón tay vui vẻ gõ xuống bàn. Các hội viên đều bị sự vui vẻ bất ngờ này làm tò mò.
- Đại sư, ngài nói xem vụ này có ẩn tình gì không?
- Nếu lão nạp đoán không lầm thì Lư Đa Tốn có tâm cơ riêng. Muốn hạ bệ Hầu Nhân Bảo – con rể Triệu Phổ để trả thù tể tướng tiền nhiệm. Vậy mới ngăn hoàng đế truyền Bảo về kinh, để mọi chuyện cho y tự liệu. Nếu xảy ra bất trắc thì Bảo chịu toàn tránh nhiệm!
Khuông Việt Đại sư nói xong, giống như khai sáng cho mọi người, tôi cũng vỡ lẽ ra. Nội bộ nhà Tống cũng không ổn, triều thần nuôi tâm địa riêng, thế này thì dễ lộ sơ hở. Lê Hoàn tán thưởng gật đầu
- Chính là như thế. Vấn đề này… là vì Triệu Khuông Nghĩa quá xem trọng Lư Đa Tốn hay là… quá xem thường ta? Để một tên họ Hầu gà mờ đi chiếm Đại Cồ Việt… Gã này cũng rỗi rãi không việt làm, muốn tìm tới chỗ chết mà!
Phạm Cự Lạng trầm tư:
- Ta thấy Ung Châu so với thành Lạc Dương chỉ là nơi khỉ ho cò gáy!
Tăng lục Trương Ma Ni bổ sung:
- Hắn nghĩ nước ta dễ xơi nên bày vẽ một kế sách tìm đường lập công với vua. Sau đó xin về lại Lạc Dương!
Lê Hoàn lại gật đầu tán thưởng. Cứ như vậy mọi ẩn tình phía sau cuộc chiến tranh này đều bị từng người một trong ban tham mưu vạch trần. Chẳng mấy chốc tình thế sáng tỏ như ban ngày. Tôi ngôi nghe các vị cổ nhân say sưa bàn luận. Họ cười nhạo Tống đế, thương hại cho Hầu Nhân Bảo, chỉ trích Lư Đa Tốn. Hội nghị hóa thành hội chợ buôn dưa của những người đàn ông. Không khí hào hứng và lạc quan, khác xa sự căng thẳng nặng nề ban đầu.
Tôi nhìn tờ Tối hậu thư trong tay, chữ đẹp và bay bướm, đem đi xếp đồ chơi thì hơi uổng, thôi để cất lên làm tư liệu cho các nhà sử gia về sau. Lê Hoàn ném thứ này cho tôi, lại ngầm ám chỉ tôi biết cách làm Origami, xem ra anh biết hết mọi chuyện rồi phải không?
Haizzz… thôi kệ, sớm muộn gì cũng lộ, chỉ cần tôi thà chết không nhận thì đố anh ta làm được gì.
Cuộc họp kết thúc với những kế sách bước đầu được bày ra. Tôi sai Tiểu An bí mật hẹn Phạm Cự Lạng đến cung Vân Sàng. Ngai vua này, cũng tới lúc tôi hành dộng rồi!
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT