Mùa hè tháng Sáu năm Canh Thìn, giữa cái nắng cháy da, Thông tín sứ cưỡi ngựa tức tốc vượt muôn dặm đường, từ ải biên thùy đi thẳng về đế đô. Vượt qua sông hồ, vượt qua rừng rậm, vượt qua những cánh đồng, những thôn xóm,… Nơi nào cũng bình yên. Đại Cồ Việt chao nghiêng trên lưng ngựa, mồ hôi đỗ thấm vào đất, mống ngựa giẫm lên cỏ non ven đường. Nhanh, nhanh nữa…

Qua trạm Chi Lăng, đổi ngựa. Qua trạm Phong Châu, đổi ngựa. Qua trạm Tây Kết, đổi ngựa. Viên quan Thông tín không màng ngủ nghỉ ăn uống, một mình đích thân chạy về Hoa Lư, ôm theo mật tin khẩn cấp từ đất Tống truyền sang. Ống giấy bé xíu nhưng tựa như ngàn cân, một chút chậm trễ có thể đưa đến họa mất nước.

Hừng sáng giờ Sửu (3h), ngựa và người tới được cổng thành. Nhiếp chính vương bị dựng dậy trong lúc ngủ, quần áo lỏng lẻo đã chạy bổ ra. Thông tín sứ quỳ dưới chân vương, dâng xong mật thư cũng lăn ra bất tỉnh, mấy ngày đường, sức chịu đựng của con người tới thế là cùng.

Hôm đó buổi chầu họp sớm, toàn triều bị gọi đến khi trời mới tờ mờ. Hoàng đế ngủ không đủ giấc, đành tiếp tục ngáy khi cả điện Chính Nghiêm ngập tràn không khí căng thẳng.

Tôi cũng được biết tin, lập tức nhảy xuống giường, mặc cung trang đơn giản, không làm tóc và để mặt mộc mà chạy tới Đông thành. Tưởng là sớm hóa ra sân triều đã tề tụ đông đúc. Tôi ngồi vào ghế phượng dưới ngai, nơp nớp chờ xem là chuyện gì.

Lê Hoàn đưa mật tin cho Trịnh Tú, ông dõng dạc đọc lên:

- Khẩn! Hầu Nhân Bảo dâng sớ Nam tiến. Lư Đa Tốn bày kế “sét đánh không kịp bịt tai”. Ung Châu, Kinh Hồ họp binh. Biện Kinh đã quyết. Đánh. Rất khẩn!

Trịnh Tú đọc xong cũng giống như vừa trèo qua một ngọn núi, mồ hôi ứa ra, mặt trắng bệch. Mật tin dùng máu làm mực, viết gấp và gọn, không thừa một từ. Xem ra gian tế rất cố gắng để liều lĩnh đánh tin sang Đại Cồ Việt. Cả điện Chính Nghiêm im phăng phắc, không khí ngưng trọng. Trịnh Tú trả lại mẫu giấy cho Lê Hoàn. Anh nhìn nó hồi lâu rồi cất tiếng gọi:

- Mạnh Dũng?

Chàng thanh niên tên Mạnh Dũng hóa ra đang nấp kín đáo trong đội lính gác dọc theo sân triều. Anh nghe gọi thì bước ra, quỳ dưới chân Lê Hoàn

- Chủ tử.

Lê Hoàn đưa mật tin cho Mạnh Dũng:

- Nét chữ này thật sự của Thiên Hương?

Mạnh Dũng nhận giấy, vẫn quỳ. Sau một lúc cân nhắc thì đáp rất kiên định

- Thưa đúng, nét ngang thứ hai dài và nghiêng sang trái, đây là quy ước!

Lê Hoàn đã bỏ cái bàn nhiếp chính mà đứng giữa điện. Anh đưa tay bóp mi tâm, nghĩ một lát rồi lại hỏi:

- Thế này là sao? Giấy ở đây, người không thấy… Chị gái của ngươi muốn làm gì?

Mạnh Dũng cúi đầu

- Thưa, có lẽ… Thiên Hương vẫn còn cơ hội, sẽ tìm thêm thông tin báo về. Vì vậy chị ấy quyết ở lại!

Lê Hoàn thở dài, cúi nhìn tên thuộc hạ rất quy cũ, chưa có lệnh thì tuyệt đối không đứng

- Thành Biện Kinh không phải nhà bỏ hoang, ngươi lập tức đem ngựa bắt chị của ngươi về!

Mạnh Dũng không ngẩn đầu nhưng đáp chắc nịch

- Thuộc hạ không đi. Chủ tử đi đâu, thuộc hạ theo đó.

Lê Hoàn hình như cũng đoán ra trước, không vui không giận mà phẩy tay một cái, chàng thanh niên như cơn gió biến mất vào trong điện. Quân thần không ai biết Mạnh Dũng nhưng nghe cuộc nói chuyện cũng suy đoán động tác của vương gia. Cài nội gián trong Biện Kinh? Trời ạ, họ nằm mơ cũng không nghĩ Lê Hoàn làm được tới mức này.

- Các vị triều thần cũng nghe rồi đó. Triệu hoàng đế đã quyết thu phục Đại Cồ Việt. Ung Châu, Kinh Hồ, xem ra đây là hai cánh quân sẽ tham gia trận chiến. Gấp gáp như thế, dùng cả quân địa phương, đòn này quả là “sét đánh không kịp bịt tại”. Độ hộ phủ sĩ sư!

Lưu Cơ từ trong hàng bước ra

- Có vi thần!

- Dán thông cáo tình trạng khẩn cấp chiêu mộ thêm hai đạo* binh, bắt đầu thu thuế điệu [1]

- Tuân lệnh!

- Phạm Cự Lạng.

- Có mạc tướng

- Nhanh chóng triển khai nhận binh, triệu tất cả nhân lực về Tràng An họp khẩn. Lập tức triển khai kế hoạch tập dợt, sắp xếp quân bị.

- Đã nghe rõ!

- Trịnh Tú, ngài đề cử ngay một người sứ giả có thực lực cho bổn vương. Phải lập tức sang Tống tìm cách kéo dài thời gian

- Thần đề nghị Triệu Tử Ái, hắn là một đồng môn thần rất coi trọng, hiện tại đang làm nghề dạy học ở Phong Châu.

- Vậy thì triệu ngay về kinh gặp ta, thời hạn một ngày!

Lê Hoàn ra một loạt mệnh lệnh, anh đi tới đi lui dưới ghế rồng, cật lực suy nghĩ tất cả những việc phải làm, ánh mắt sáng rực và căng thẳng, nhớ tới đâu, an bài tới đó, trù bị trước sau trong ngoài, chỉ lo thiếu sót điều gì khiến việc nước chậm trễ thì hỏng. Tôi nhìn Lê Hoàn như vậy, rồi lại nhìn hai hàng quan văn võ cúi đầu chờ nghe chỉ thị, giống như lời nói của anh là thiên lệnh, sau cùng thì nhìn Đinh Toàn đang chảy nước dãi ngủ trên ngai vàng. Có phải đây là lúc nên nhường ngôi rồi không?

Buổi chầu họp sớm mà kết thúc muộn. Bá quan rời đi trong bộ dáng vội vã, ai cũng có việc phải làm. Chuyện lớn chuyện nhỏ, Lê Hoàn không cho một vị nào ngồi chơi xơi nước, phát huy hết sức người để chuẩn bị lực lượng, lương thảo, vũ khí… sớm bao nhiêu thì cơ hội thắng nhiều bấy nhiêu.

Đợi khi triều thần lui về hết, trong điện chỉ còn ba người. Đinh Toàn vẫn ngủ say sưa, thậm chí lúc hô vạn tuế nó cũng không bị giật mình. Tôi không cho thái giám gọi nó dậy, tự mình đi tới bế thằng nhỏ lên. Trời ạ, sao dạo này ông vua con mũm mĩm thế, không biết có bị béo phì không, phải đem giấu hết bánh gạo trong điện Thiên Long mới được. Tôi đang cố nhấc nó lên, nhẹ nhàng ôm vào người thì một bàn tay khác đã tranh lấy.

- Để ta!

Lê Hoàn bế thằng nhóc dễ dàng, nhìn tôi một cái rồi đi khỏi điện. Tôi theo sau, thái giám và cung nữ nối đuôi.

- Nhiếp chính vương, hay cứ để nô tài đưa bệ hạ về. Ngài còn nhiều việc cần xử lý…

- Thái hậu đừng lo, việc có thể làm đều đang làm rồi… chỉ còn chờ xem phản ứng tiếp theo của nhà Tống.

Tôi gật gù, xem ra tháng ngày bình yên ngắn ngủi đã hết rồi. Sắp tới chắc sẽ nhốn nháo lắm đây. Phải tìm cơ hội nói chuyện riêng với Phạm Cự Lạng. Vân Nga đã căn dặn, trong trường hợp Tống triều xâm lược thì nên tôn Lê Hoàn làm vua. Nhưng vấn đề là phải tạo ra bối cảnh thích hợp, thuận theo ý trời và lòng người, tránh để anh bị gọi là cướp ngôi. Phải làm thế nào đây nhỉ?

Vừa đi vừa suy nghĩ mênh mang, hậu quả của việc này chính là não không điểu khiển được chân, bất cẩn vấp vào thềm gạch rồi cứ theo nguyên lý quán tính mà hun xuống đất. Aaaaaaaa… không phải xui xẻo vậy chứ?

Mắt thấy mặt đất ngày một gần, tôi đang cầu nguyện A men thì may mắn là đấng cứu thế đã ra chân trợ giúp. Là “ra chân” chứ không phải “ra tay”. Lê Hoàn đối với sự chuyển động có độ nhanh nhạy nhất định. Tay anh bận ôm Toàn nhi nên đành giơ chân ra ngăn lại. Hú hồn, tôi ôm được cái chân liền tự mình giữ thăng bằng. Người gì mà dẻo như tập Aerobic, một chân trụ, một chân giơ ngang mà vẫn thẳng đuột, cân bằng. Thật ra chẳng lãng mạn chút nào, tôi nghĩ anh nên ném ông vua con sang một bên để nhào qua ôm tôi mới đúng, đằng này…

- Cái thềm chỉ có bây cao mà Thái hậu cũng vấp được?

Này là sao? Khinh thường tôi à?

- Gì chứ? Ai quy định thềm thấp thì không thể vấp?

Tôi chật vật kéo cái váy dài, thật lòng là muốn xé luôn cho dễ bước. Lại lẻo đẽo đi theo ngươi ta, hình như có gì đó không đúng. Tôi là Thái hậu, so vai vế thì chính là má của hoàng thượng. Mà Nhiếp chính vương thì không bằng vua, như vậy tôi là “má lớn” của Lê Hoàn mới đúng. Có đời nào má lại theo đuôi con thế này? Ngẩn cao đầu, sải bước dài đi lên trước một đoạn, tôi cảm thấy mình rất oai phong! Lê Hoàn cũng không phản đối, chỉ nhàn nhạt hỏi:

- Thái hậu nương nương, người đi trước như vậy, nếu lại vấp cục đá thì ai đỡ người đây?

Tôi suy nghĩ một lát, thấy cũng có lý. Cao thủ ở đây phản xạ tốt như vậy, tôi có ngã thì chắc cũng được giải cứu kịp thời. Thôi cứ chọn cách an toàn. Vậy là tiếp tục đi ngang hàng với anh ta. Tôi thoáng thấy Lê Hoàn lén cười. Cảm giác này sao sao ấy, cứ như vừa bị lừa thì phải?

Đoàn người chẳng mấy chốc đã vào Tây cung, tôi nói Lê Hoàn đưa bệ hạ đến Vân Sàng luôn, để tôi trông thằng bé, còn Thiên Long cung thì yên tĩnh cho anh làm việc. Lê Hoàn không ý kiến, chỉ nghe theo. Tôi nhận lại Toàn nhi khi tới trước cửa cung. Thằng nhỏ này hay thật, cứ thế này có ngày vị bán đi Campuchia xẻ thịt cũng không hay. Tôi dè dặt ôm nó, chào một tiếng nhưng thấy lê Hoàn không chịu đi

- Sao thế?

Anh nhìn nhìn tôi một chút rồi cười bảo:

- Thái hậu nương nương, thật ra người không làm tóc, không thoa phấn trông còn đẹp hơn!

Và rồi tôi đứng đó ngẩn ngơ, kẻ gây họa xong thì khoan thai rời đi. Nhớ lại thì đúng là sáng sớm chỉ rữa mặt đã chạy như bay. Tóc để suông cột lại lưng chừng bằng ru băng đỏ, trâm không có, hoa tai cũng chẳng đeo. Như vậy mà đẹp sao? Tôi rất bân khuân vào trong tẩm phòng, quyết định lôi gương ra soi. Cuối cùng cũng hiểu ý anh. Không có lớp phấn dày cộm, nhìn da tôi chân thật hơn, còn hồng hào một cách tự nhiên. Bớt đi mấy thứ rườm rà trên đầu, thấy vậy là lại mộc mạc và trẻ trung… Haizzz, ngày thường tôi luôn cố làm mình già thêm vài tuổi, thế mà cái mặt búp bê này vẫn cứ phơi phới ra, ai mà tin tôi là Thái hậu chứ? Tóm lại là rất thất bại!

[1] Triều Đinh chỉ có 4 loại thuế:

- Thuế lao dịch: xây dựng không công

- Thuế hộ: giống thuế đinh, mỗi nhà phải nộp hàng năm

- Thuế điệu: thuế quân sự, khi có chiến tranh thì thu thêm

- Thuế ruộng: thu từ ruộng công của nhà nước.

*Quân đội của nhà Ðinh thời bấy giờ phân ra: Ðạo, quân, lữ, tốt, ngũ.

- Một đạo có 10 quân

- Một quân có 10 lữ

- Một lữ có 10 tốt

- Một tốt có 10 ngũ

- Một ngũ có 10 người.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play