Hồi trống gọi mời vang lên ba tiếng, y như hiệu lệnh, nến thơm trong Tứ gia phủ đồng loạt được thắp lên. Dận Chân xin mời các thành viên trong Hoàng tộc cùng vào dự tiệc. Trên con đường khách vào dự tiệc, hai bên đường, hoa giấy đan vào nhau thành bờ tường. Tuy là hoa giấy, nhưng Đông Triều có cho đặt một mẩu nến thơm bên cạnh nên tỏa hương như hoa thật, mùi thơm nhè nhẹ, thoang thoảng, nghe như loài hoa thường được ướp với trà mà Dận Chân thưởng thức hằng ngày. Cuối con đường,những bông hoa đẹp nhất – các phúc tấn của Dận Chân – đứng xếp hàng chào mừng khách mới đến.
-Chúng tức nhi xin thỉnh an Hoàng Amã. – Phúc tấn quỳ xuống thi lễ.
Các trắc phúc tấn theo hiệu lệnh, đồng loạt quỳ xuống ra mắt Hoàng đế đại Thanh.Khang Hy cho miễn lễ. Ông nhìn Phúc tấn bằng đôi mắt hiền từ, khen nàng bỏ công sức để làm nên khung cảnh hoành tráng này. Phúc tấn khiêm tốn chối từ công lao,nàng định nói đó đều nhờ Đông Triều, nhưng Đông Triều lắc đầu, không muốn thêm phiền phức nữa, Phúc tấn đành thôi, nói đấy là của cả các tỷ muội.
-Phải phải. Của các tỷ muội là đúng.– Khang Hy nhìn qua Đông Triều rồi nói với Dận Chân. – Hôm nào con cho tiểu đồng kia vào cung thăm trẫm, trẫm rất nhớ nó.
-Vâng, thưa Hoàng A mã.
-Cùng vào thôi ! – Khang Hy khoát tay, cùng các con vào bàn tiệc.
Mỗi người khách được gia nô dẫn về chỗ ngồi của mình. Đông Triều và quản gia rất khổ cực trong việc bắt gia nô học thuộc lòng thứ tự chỗ ngồi của khách vì có đến mấy trăm khách. Tập luyện thuần thục năm ngày trời trên sân, các gia nô mới đưa khách về đúng chỗ ngồi của mình. Đông Triều đặc biệt xếp chỗ cho Dận Chân ở một nơi không phải là cao nhất nhưng có thể tập trung mọi ánh nhìn vào chủ nhân của buổi tiệc. Khi Dận Chân về chỗ ngồi, mọi người trong Hoàng tộc có thể chúc trực tiếp, không bị ai che khuất mất. Một kinh nghiệm khi còn là thám tử, bắt buộc phải để đối tượng trong phạm vi vòng vây. Còn với đoàn múa lân, họ phải đi một lối riêng và ngồi ở bàn khuất nhất, khó cho việc ám sát.
Tiệc chưa hẳn là bắt đầu, gia nhân chỉ mang rượu và ít thức nhắm nhẹ gọi là làm ấm bụng trước, sợ có người kiêng rượu nên cho mang cả trà nóng. Khang Hy nhấp chén rượu,rượu rất cay nhưng chẳng có vẻ gì là sẽ làm người uống say. Ý đồ của Dận Chân chăng ? Hay là của một ai đó ? Ông quay sang Dận Chân, Dận Chân cũng đã nhấptrà. Tuy nhiên, các phúc tấn vẫn chưa động đũa.
-Còn chờ ai sao ?
Tiểu Uyển lễ phép trả lời :
-Hồi Hoàng A mã, chúng con còn chờ Ngạch nương.
-Kính mời Đức phi !
Kiệu của Đức phi hạ giá bên ngoài. Toàn gia Dận Chân cùng ra ngoài tiếp đón. Đức phi hôm nay trang điểm đẹp, ăn mặc đẹp, cài trên đầu toàn trang sức quý giá. Đông Triều không tin vào mắt mình. Dận Chân cười buồn, Đông Triều không hiểu, Đức phi đang giễu tính tiết kiệm của Dận Chân đấy thôi. Nhưng mẹ đến là mừng rồi. Dận Chân đích thân dìu mẹ vào ghế ngồi.
-Thần thiếp xin khấu kiến Hoàng thượng.– Đức phi thi lễ với Khang Hy.
Khang Hy đỡ Đức phi dậy :
-Đứng lên đi ! Đức phi chớ quá đa lễ.Hôm nay là ngày vui của lão Tứ trước khi đi kinh lý mà.
-Tạ ơn Hoàng thượng. – Rồi Đức phi ngồi vào bàn.
Đông Triều lướt qua hết bàn tiệc, khách khứa đã đến đông đủ. Đã đến lúc dứt điểm bọn ruồi nhặng rồi. Nàng muốn làm nhanh để khoảnh khắc trước khi Dận Chân đi kinh lý chỉ có vui vẻ, hạnh phúc, ấm áp, không một kẻ nào được phép làm chàng hồi hộp,căng thẳng ! Đông Triều nhìn Dận Hề, khẽ nháy mắt. Dận Hề như bắt được vàng, liền đứng lên, chắp tay nói :
-Khởi bẩm Hoàng A mã, nhi thần xin mạn phép được tặng quà cho Tứ ca trước.
Dận Tự khẽ quở trách :
-Sao lại vô lễ thế,trong khi Tứ tẩu và Hoàng A mã còn chưa nói gì.
Phúc tấn mỉm cười, nói :
-Không sao, vì lúc nãy có bàn bên trong trước rồi.
Dận Tự nhìn Đông Triều. Đông Triều mỉm cười :
-Đây sẽ là món quà đặc biệt dâng tặng cho Tứ gia và mọi người. Đảm bảo độc nhất vô nhị ! – Nàng nói chắc như đinh đóng cột.
Khang Hy vỗ tay :
-Hay ! Hay lắm !Trẫm rất muốn xem !
Dận Hề vỗ tay, cho gọi đoàn múa lân đến. Còn gia nhân trong phủ lại đến đưa cho Dận Chân tấm lưới và sợi dây thừng.Mọi người trong bàn tiệc khá ngạc nhiên, trừ đoàn lân ra. Phúc tấn ra hiệu cho Đông Triều đứng lên giải thích. Đông Triều đứng lên, chắp tay xin được nói.Khang Hy gật đầu. Bằng giọng điệu ngây ngô của trẻ con, Đông Triều nói rằng :
-Nghe nói Tứ gia sắp đi kinh lý, trừng trị bọn tham quan, sâu dân mọt nước. Thiết nghĩ, điều ấy giống như bài trừ thủy quái, áp chế ác lân nên tức nhi muốn trước khi Tứ gia đi tiêu trừ quái yêu quái thật, hãy làm giãn gân cốt với bọn quái thú giả đã. Tứ gia đã ngồi bàn giấy quá lâu rồi mà.
Khang Hy bật cười ha hả. Trong khi đó, có một số người tỏ vẻ không thích. Đông Triều mặc kệ, có liên quan gì đến nàng đâu, ai nấy có tật giật mình thôi.
-Thật đáng để thư giãn gân cốt đấy, trắc phúc tấn. – Dận Chân căng sợi dây thừng.
Đông Triều mỉm cười, ngồi xuống ghế.
-Mặc kệ huynh ! –Đông Triều lầm bầm.
Dận Chân đứng lên, xin phép Khang Hy được múa rìu qua mắt thợ. Khang Hy gật đầu, cho phép Dận Chân được “thư giãn gân cốt” trước khi thi hành nhiệm vụ. Dận Chân chắp tay đa tạ rồi bước ra sân giữa. Đông Triều ra hiệu cho gia nhân đến tiếp nhận trống, đánh nhịp cho lân vì người đánh trống đã bị đuổi đi rồi. Ba hồi trống dõng dạc vang lên, lân ra sân.Thoáng trông bóng hình người đầu đàn, Dận Chân nhận ra ngay đó là người xưa của mình. Nàng không làm thổ địa nữa mà muốn trực tiếp đấu với chàng. Thấy mà lòng bùi ngùi. Chợt, tiếng Đông Triều vang lên làm cắt đứt cảm xúc.
-Bão đã nổi lên,sông ngập nước, bốn bề là nước !
Dứt lời nàng, từ dưới sân, bốn tấm lưới sắt được dựng lên. Đây là tấm lưới đi săn hạng nhất của các tráng sĩ trong phúc phủ, mắt lưới nhỏ, kết chắc chắn, không dao kiếm gì xâm phạm được. Bốn tấm lưới sắt dựng đứng, cao sừng sững, kết với nhau khóa chặt đoàn lân và Dận Chân ở trong đó. Ai nấy cứ tưởng đấy là màn sắp đặt nên vô cùng hào hứng. Chỉ có Đông Triều thầm lo lắng, không biết Dận Chân có nhớ lời mình dặn hay không… hay là vì thương vì nhớ mà quên mất rồi.
-Nước cuộn, sóng dâng, rồng cuộn lân !
Liền kề câu hô, ba hồi trống mở màn một tiết mục múa lân bất kỳ vang lên. Con lân xông vào chỗ Dận Chân. Đông Triều để ý thấy trên vảy, trên đầu, trong miệng, dưới chân lân lấp lánh ánh kim loại,dường như họ đã gắn dao kiếm trên ấy, nàng khá lo lắng. Dận Chân quay ra sau nhìn nàng, gật đầu, hàm ý xin nàng đừng lo lắng làm chi.
-Đến đây nào !
Dận Chân vung dây thừng lên, thừng biến thành roi. Con lân lao thẳng vào chỗ Dận Chân, những lưỡi đao kiếm lấp lánh trên lưng nó làm Đông Triều nghẹt thở. Dận Chân không nói không rằng, quất roi vào miệng con lân. Lạ kỳ thay, roi gai mà làm gãy cả kiếm sắt.
-Hay quá ! – Mọingười tưởng là có thêm ảo thuật nên vỗ tay rầm rầm.
Thật ra đấy cũng là ảo thuật. Dây thừng ấy không phải là dây gai mà là sắt dẻo (mọi người ở Phúc phủ gọi thép là sắt dẻo). Dây gai chỉ là ngụy trang thôi. Đây là cây roi để giết cọp của một tráng sĩ trong Phúc phủ, Đông Triều năn nỉ gãy lưỡi mới mượn được. Đã có ba cao thủ giang hồ chết vì cây roi này, vết quất chạm đến tận xương. Qua tay Dận Chân, cây roi có thể quất gãy cả lưỡi kiếm chứ không đùa.
-Roi sắt dẻo của Trương Tấn ? – Lộc nhi thì thầm. – Sao hắn lại có món vũ khí này.
Một thành viên trong đoàn thì thầm :
-Tấm lưới hắn đang cầm cũng là lưới săn thú bậc nhất.
Đoàn lân thấy không thể chần chừ nữa, bèn phá nhịp, xông thẳng vào Dận Chân, muốn đá vào chàng. Hai con lân bọc tiền bọc hậu, lấp lánh ánh kiếm trên người nhào đến Dận Chân. Dận Chân vì lý do gì đó đã buông roi và lưới.
-Dận Chân ! – Đông Triều thầm lo lắng.
Dận Chân buông roi và lưới, tung người lên trên không. Hai con lân từ dưới chồm lên, từ trong miệng của nó phóng ra một mũi phi tiêu. Đông Triều chờ xem Dận Chân sẽ xử lý như thế nào, Dận Chân không được cho mọi người biết mình đang gặp nguy hiểm nếu không sẽ rắc rối vô cùng, liên lụy đến cả Dận Chân và Dận Hề.
-Dận Chân.
Dận Chân đáp trên một mũi phi tiêu, thuận tay nắm lấy mũi phi tiêu bay bên cạnh trả lại cho chủ của nó. Chàng giáng vào đầu con lân một cước làm nó ngã lăn quay ra. Kỹ thuật của Dận Chân rất tốt, tuy nhiên, vì đó là phi tiêu nên Dận Chân nắm, mũi phi tiêu đã sượt qua da, làm chảy máu. Các phúc tấn bắt đầu thấy bất an. Còn Đông Triều, nàng nghẹt thở từ lâu rồi.
-Lần này có bị trầy xước gì thì muội sẽ lóc thịt bọn lân ấy.
Đến lúc này, không ai cảm thấy thích thú được nữa. Rồng đuổi lân không còn là trò vui nữa, ai cũng nhận ra mối nguy hiểm mà Dận Chân đang đương đầu. Đến Dận Hề còn nhận ra nữa mà, nãy giờ cứ thấp tha thấp thỏm sợ bọn lân sẽ cắn nát lưới sắt rồi lao ra cắn chết mình. Dận Nhưng biết đây là cơ hội làm khó dễ Dận Chân và Dận Tự, liền đứng lên, nói với Khang Hy :
-Hoàng A mã, nhi thần thấy có điều không hay. Nhi thần thấy Tứ đệ và con lân ấy có điều bất thường, sợ rằng…
Dận Tự đổ mồ hôi. Đây là buổi tiệc của Dận Chân nhưng đoàn lân ấy là của Dận Hề. Nếu luận tội, tội của Dận Hề sẽ lớn hơn nhiều, và có thể Dận Chân chỉ mang danh là kẻ bị liên lụy. Dận Tự suy nghĩ cách ứng phó với tình huống này, khiến cho Khang Hy chỉ nghi ngờ mỗi Dận Chân thôi.
-Thưa Hoàng A mã…
Khang Hy mỉm cười, gạt phắt đi :
-Không hề gì ! Kẻ trong cuộc chưa lo, người ngoài cuộc lo gì.
-Dạ ?
Khang Hy chỉ tay về hướng Đông Triều :
-Nhìn đi !
Dận Nhưng rất ngạc nhiên, trong tình thế nước sôi lửa bỏng, Dận Chân phải quần thảo với con lân đó, Đông Triều vẫn bình thản. Ai có biết đâu trong lòng nàng đang nóng như lửa đốt. Chỉ có người trong lồng kia biết đọc được những gì diễn ra trong mắt nàng.
Dận Chân ở trong lồng sắt, nhìn ra ngoài, khẽ mỉm cười. Đông Triều thấy vậy tự nhiên yên tâm hơn, thản nhiên thả lỏng vai, xem Dận Chân đánh nhau với lân. Nàng cười rất hạnh phúc, như đang rất tự hào về con người ấy vậy.
-Kết thúc rồi ! – Người giữ đầu lân nói.
Dận Chân bám tay lên chiếc lồng sắt. Con lân cuối cùng trụ lại cũng lên được thành. Cuộc rượt đuổi nhau quá ngoạn mục. Con lân suýt bắt được Dận Chân mấy lần nhưng Dận Chân thoát được. Dận Chân cũng suýt đánh trúng con lân nhưng nó rất lanh lẹ, đoán biết đòn thế của chàng. Cũng phải, võ công của Dận Chân đa số xuất phát từ dân Trung Nguyên, học từ Thiên địa hội ngày xưa, chỉ có miếng võ đấu vật của dân Mãn Thanh là không ai biết, đã tung đòn thành công mấy lần.
-Để xem ngươi làm được gì.
Dận Chân giăng bẫy sẵn ở dưới, chỉ cần xô được con lân này xuống là xong. Nhưng con lân này là con mạnh nhất trong đoàn, Dận Chân dùng miếng võ nào cũng không có tác dụng với nó, có đánh trúng cũng không hất được xuống. Dận Chân không biết nên làm thế nào, đành chạy trốn trước khi tìm được cách dụ cho con lân mắc bẫy.
-Nha đầu đó đã nghĩ ra gì chưa ?
Ngoài lồng, Đông Triều cũng đang suy nghĩ hộ Dận Chân đây. Đông Triều với Dận Chân soạn ra tuồng này, cái bẫy dưới đất, nàng cũng góp một phần sức vào đó. Không đẩy được con lân xuống, kế hoạch hỏng hết. Phải nhanh, gọn, lẹ, nếu không thì con lân kia sẽ đọc được kế hoạch của nàng. Chợt, Đông Triều thấy Dận Chân hơi lựng khựng khi ra đòn ngay đầu con lân. Nàng hiểu ra rằng người xưa của Dận Chân đang ở đó. Thế thì dễ cho Đông Triều hơn nhiều.
Đông Triều đứng dậy, hành lễ :
-Mạn phép Hoàng A mã, tức nhi có thể hát một khúc trợ lực cho người hùng đi bắt lân không ?
Khang Hy gật đầu :
-Lâu rồi ta không nghe lại kể từ hôm cưỡi ngựa.
-Tạ ơn Hoàng A mã.
Đông Triều hắng giọng. Nàng bắt đầu hát. Vẫn như mọi khi, tiếng hát vẫn trong trẻo, thánh thót, như mang theo ngọn gió của thảo nguyên đến xua tan đi cái ngột ngạt trong buổi hội. Ta có nên nói là nhờ tiếng hát của nàng mà Dận Chân bám được lên trên một bức tường khác, tránh khỏi cú táp của con lân kia.
-Nha đầu này… - Dận Chân thầm cảm tạ nàng.
-Nha đầu này…
Đột nhiên, Đông Triều ngừng hát. Cả buổi tiệc xôn xao, không biết chuyện gì đã xảy ra. Đông Triều đặt hai tay lên ngực mình, hít một hơi sâu. Giai điệu đang hào hùng, sôi nổi, tự nhiên lại chậm rãi, mềm mại đến không ngờ. Lời lẽ trong bài hát hết sức ngọt ngào, đầy ý nhị.
-Xin hãy bước đi nhưng xin hãy nhớ đến ngày trở về. Dù người không còn gì, ta cũng mãi bên người. Dù người không cần gì, ta cũng mãi là của người.
Cách Đông Triều hát rất tự nhiên, mắt sáng ngời, má ửng hồng, trông hạnh phúc lắm. Các Hoàng tử đang là tướng canh giữ biên thùy thì thầm :
-Hậu phương có một người thế này, chúng ta còn mong gì hơn.
Giai điệu ấy thật mượt mà, mượt mà. Và đánh thức lòng ghen tuông của một người. Con lân kia vì quá lo nghĩ vớ vẩn nên bị trượt chân khỏi mắt lưới. Đến một đoạn nhỏ, Đông Triều nhấn giọng khá mạnh, đó là để báo hiệu cho Dận Chân. Dận Chân nhân cơ hội đó, đẩy con lân xuống. Và chàng đã thành công.
-Kết thúc rồi !
Dận Chân kéo đoạn dây thừng dưới đất, cái bẫy giăng sẵn dưới đấy mở rộng lưới, bắt trọn bọn lân. Bốn tấm lưới sắt đồng loạt hạ xuống. Dận Chân bước ra ngoài với ánh mắt sáng ngời niềm tự hào khi đã chiến thắng. Cùng lúc đó, Đông Triều cũng kết thúc bài hát của mình. Tràng vỗ tay vang dội, chúc mừng Tứ A ca đã chiến thắng quỷ dữ.
-Làm tốt lắm, lão Tứ. – Khang Hy khen ngợi.
-Làm tốt lắm ! – Đức phi khen cho có lệ, nghe miễn cưỡng lắm.
Đông Triều ra hiệu cho quản gia đem tất cả các con lân nằm lúc nhúc trong lưới ra ngõ sau, giao tất cho Huệ Đạt và Phong Di. Tự họ biết cách xử lý người nhà của mình. Đông Triều có lén Dận Chân viết cho Huệ Đạt một bức thư, chắc ông ta đang ở bên ngoài chờ người.
-Uyển tỷ !
Đông Triều nháy mắt với Tiểu Uyển. Tiểu Uyển gật đầu. Nàng đứng lên hành lễ với Khang Hy rồi chầm chậm tiến đến bên Dận Chân. Tiểu Uyển nhìn tay chàng :
-Gia, tay gia…
Dận Chân gật đầu :
-Không sao !
Tiểu Uyển khẽ khàng trao cho Dận Chân một vật. Đó là một chiếc áo choàng mà Tiểu Uyển mất công may mấy ngày trời. Tiểu Uyển run run choàng nó lên người Dận Chân, nói rằng :
-Trời lạnh, chỗ đi kinh lý lại xa, gia hãy giữ gìn sức khỏe.
Dận Chân mỉm cười :
-Một món quà quý giá, gia sẽ hết sức trân trọng.
Đông Triều đệm thêm :
-Một món quà quý giá, xứng đáng với một người có công diệt lân dữ.
Đám đông trong buổi tiệc vỗ tay tán thành.
-Vậy… - Dận Trinh hắng giọng. – Tứ tẩu đã tặng quà cho Tứ ca rồi, tiểu đệ mạn phép là người tiếp theo vậy.
Dận Trinh vỗ tay ra hiệu. Gia nhân (đã qua ải kiểm tra) của chàng ta vác hai bao lớn vào giữa sân.Mọi người thắc mắc, không biết Dận Trinh định làm gì. Các gia nhân mở bao lớn, lấy ra hai cây chống khổng lồ, dựng lên. Họ còn khệ nệ khiêng ra một nghiên mực rất lớn, cùng với một cây bút lông gà khổng lồ, to như cây thương. Đông Triều quan sát thấy ở đỉnh hai cây chống treo hai cuộn vải gấm rất lớn, nàng đoán được Dận Trinh sẽ tặng Dận Chân thứ gì.
-Mài mực cho ta ! –Dận Trinh ra lệnh.
Gia nhân đi theo Dận Trinh lật đật mài mực. Thanh mực quá lớn, hai người gia nhân phải giang tay ôm chặt rồi đi vòng vòng. Mực trên thanh dính vào áo họ, mặt họ. Các quan khách dự tiệc trông thấy thì bật cười, coi bộ khoái chí lắm. Đông Triều rất bất mãn về việc này.
-Có lẽ Hoàng A mã,Ngạch nương và Tứ ca cũng biết đệ sẽ tặng cho Tứ ca điều gì. – Dận Trinh cầm cây bút lông múa vun vút như múa thương. – Đúng vậy, đệ xin mạn phép tặng Tứ ca một đôi câu đối làm quà mừng thọ.
Quan sát nét mặt của Dận Trinh,miệng nói tặng quà, Đông Triều chỉ thấy toàn sự thách thức ở đó. Sống ở đây một thời gian, Đông Triều biết trong số các Hoàng tử của Khang Hy, Dận Chân nổi tiếng về thư pháp nhất, liếc qua các tập văn thư, không có bất cứ Hoàng tử nào sánh được. Hôm nay Dận Trinh dâng tặng đôi câu đối, trổ tài thi họa trước mặt mọi người, há chẳng phải là đang vỗ ngực tự xưng mình tài hoa không kém bào huynh của mình hay sao?
Khang Hy biết thừa ý định của Dận Trinh, ông đập tay lên bàn, cười ha hả :
-Hay ! Hay ! Tặng thư họa cho một người giỏi thư họa ! Hay ! Hay ! – Đột nhiên, mặt ông nghiêm lại. – Dận Trinh, bức thư pháp đấy phải là hay nhất để Tứ ca của ngươi không phải hổ mặt đấy.
Dận Trinh đang hứng chí, nghe vậy thì có phần run rẩy. Đông Triều nhận thấy quản bút đang trong tay Dận Trinh đang dao động lên xuống. Nàng cười thầm, xem Thập tứ A ca hùng hổ thế, thật ra cũng chỉ là một đứa trẻ con.
-Vâng, thưa Hoàng A mã, nhi thần sẽ cố hết sức. – Dận Chân chắp tay với những người ngồi trên. –Mong Tứ ca chiếu cố cho đệ.
Dận Chân vẫn giữ phong thái lạnh lùng, tỉnh táo như mọi ngày, khẽ gật đầu xem như đã nhận lời chiếu cố. Đức phi thấy vậy, nói :
-Lão Thập tứ đã khổ luyện rất nhiều để tặng quà cho con, con đừng phụ lòng hắn.
Dận Chân đáp :
-Xin Ngạch nương yên tâm, nhi thần tự biết phận mình. Là thủ túc với nhau, lý nào lại phụ lòng nhau.
Khang Hy gật đầu, phất tay, ra hiệu cho Dận Trinh bắt đầu trình diễn. Dận Trinh cầm quản bút, chấm mực rồi quay hai vòng cho mực thấm đều trên túm lông. Đến lúc bắt đầu, Dận Trinh giậm chân ba cái.
-Đã bắt đầu rồi.
Gia nhân đứng hai bên gật đầu, ra hiệu cho nhau. Bức trướng thứ nhất được thả xuống. Vừa bắt đúng thời cơ, Dận Trinh nhún người, phóng như bay đến. Quản bút trong tay Dận Trinh được di chuyển nhanh như chớp, những mẫu tự dần dần hiện ra theo tốc độ bức trướng trải mình. Khi bức trướng thứ nhất trải mình ra hoàn toàn, câu đối đầu tiên cũng xong. Quan khách vỗ tay chúc mừng, khen cho con người anh tài, thiên hạ độc nhất vô nhị. Dận Trinh cúi người nhận lĩnh.
-Cũng được đấy ! –Đông Triều lầm bầm.
Chợt, Đông Triều thấy có một thị vệ đứng gần mình, tay cầm viên đá lạ, định làm gì đó. Theo trực giác, Đông Triều nghi ngờ hắn ta định làm cho bức trướng thứ hai được thả xuống nhanh hơn, làm cho Dận Trinh bất ngờ mà không xoay sở kịp. Điều đó giúp vị thế Dận Trinh giảm,nhưng Đông Triều không cần, cái nàng cần bây giờ là một không khí vui vẻ cho Dận Chân yên tâm lên đường. Nhân lúc khách đang bận tán dương người anh tài,Đông Triều lén cắt lấy một mẩu sáp đang nóng chảy, ném vào tay cầm đá của ông ta.
-Á ! – Ông ta kêu lên, buông viên đá xuống.
Lúc đó, bức trướng thứ hai được thả xuống dưới sự kiểm soát của Dận Trinh. Dận Trinh kịp chấm mực, hoàn thành câu đối thứ hai ngay khi bức trướng thứ hai trải mình hết ra. Đông Triều thở phào. Nàng không biết thị vệ kia là ai mà định phá đám Dận Trinh, làm hỏng cuộc vui. Nhìn lên trên, nàng thấy Dận Chân phóng tầm mắt về phía người thị vệ tỏ ý trách cứ. Vậy đấy là người của Dận Chân.
-Hay quá ! Lão Thậptứ thật tài năng ! – Dận Hề vỗ tay, la hét.
Đông Triều thôi không suy nghĩ nữa,cứ thả mình vào buổi tiệc thì hơn. Chuyện người thị vệ, nàng nghĩ mình sẽ hỏi Dận Chân sau.
-Xin dâng quà cho Tứ ca ! – Dận Trinh đặt quản bút xuống nghiên mực.
Mọi người trầm trồ trước nét chữ gh itrên hai bức trướng. Nét chữ đẹp, cứng cỏi, sắp xếp ngay hàng thẳng lối. Với mọi người là thế. Nhưng, Đông Triều nhận ra khuyết điểm trong đó. Nàng nhận ra nét mực của Dận Trinh không đều trên từng mẫu tự, bên trên quá đậm, bên dưới quá nhạt, đã vậy các nét sổ lại có sự xê dịch khá lớn.
-Lão Tứ, con thấy thế nào ? – Đức phi gợi mở.
Dận Chân lễ phép đáp :
-Thập tứ đệ quả nhiên đã tiến bộ rất nhiều. Thần nhi rất hân hạnh khi được nhận món quà này.
Đông Triều phì cười trước bộ dạng miễn cưỡng của Dận Chân. Đông Triều nhận ra sai lầm của Dận Trinh, một người sành thư pháp như Dận Chân càng nhận ra. Dận Chân bảo Dận Trinh “tiến bộ” chứ không giỏi. Đông Triều biết Dận Chân rất ghét nhìn những mẫu tự viết sai, hồi tập viết cho nàng, Dận Chân đã búng sưng trán nàng vì viết chữ sai, một nét xê dịch của nàng cũng là sai. Đông Triều dám chắc chàng đang ngọ nguậy tay chân một cách ngầm, coi như trút hết bực tức của mình dành cho một tên viết chữ xấu.
-Liên Nhi, muội cười gì vậy ? – Tiểu Uyển ngồi cạnh nàng, thắc mắc hỏi.
-Không có gì ạ !
Dận Trinh sai lính khiêng hai bức trướng để ra sau Dận Chân. Tặng quà xong, Dận Trinh về chỗ ngồi. Dận Tự đứng lên, chắp tay, kính cẩn xin được là người tặng quà tiếp theo. Khang Hy gật đầu,chuẩn y. Dận Tự vỗ tay, lệnh cho lính đem đến dâng cho Dận Chân một chiếc hộp nhỏ bằng gỗ có khảm vàng và đề nghị Dận Chân mở ra xem. Dận Chân theo lời, mở chiếc hộp ra.
-Bạch ngọc Quan Âm ?
Dận Tự gật đầu :
-Đệ nghe nói Tứ ca thích tham thiền nên xin tặng cho Tứ ca bức tượng quý. Hy vọng Tứ ca thích nó.
Dận Chân đóng ngay chiếc hộp lại,gật gù, gật gù :
-Đẹp ! Đẹp lắm ! Như là người tạc tượng đã lấy xương lấy máu của mình mà tạc nên vậy.
Dận Tự biết Dận Chân xỏ mình, nhưng vẫn mỉm cười :
-Tứ ca đoán rất hay,quả đúng là vậy.
Nhược Hoa ngồi bên bất bình, thì thầm vào tai Dận Tự rằng :
-Bối lạc gia, rõ ràng đây là do chính tay Bối lạc gia khắc nên, sao Tứ ca có thể nói như vậy.
Dận Tự xua tay, bảo vợ đừng nói gì cả.Dận Tự biết dù Dận Tự có cố gắng thế nào, mối quan hệ giữa chàng và Dận Chân cũng khó có thể xoay chuyển nổi. Tuy nhiên, Dận Đường đứng dậy ngay, chắp tay xin được là người tặng quà tiếp theo. Chàng ta vỗ tay, để nô tài dâng lên cho Dận Chân một hộp gỗ tiếp theo. Dận Chân mở ra, thấy có nhân sâm và các vị thuốc quý. Dận Đường hình như đã thấy lờ mờ Dận Chân có bệnh rồi.
-Ngu đệ hy vọng Tứ ca có thể sống thật khỏe mạnh, để tiếp tục cống hiến sức mình cho Đại Thanh.
Dận Chân đóng hộp thuốc lại, gật đầu:
-Tạ ơn Cửu đệ. Đương nhiên là phải sống lâu chứ. Phải sống thật lâu đấy chứ.
Dận Đường nhếch mép cười, ngồi xuống trở lại. Buổi tiệc trầm lắng trông thấy. Khang Hy tìm cách thay đổi không khí.Ông cười, nói :
-Lão Thập tam, ngươi có quà gì nào ?
Dận Tường vui vẻ đứng lên, chắp tay nói :
-Khởi bẩm Hoàng A mã, hôm sinh nhật nhi thần ba năm trước, Hoàng A mã có tặng cho nhi thần một đôi ngựa ô rất tuyệt vời.
-Đúng vậy.
-Đôi ngựa đó đã sinh con, bây giờ đã lớn, cũng là một chiến mã. Nhi thần nuôi nó lớn lên, huấn luyện đàng hoàng. Nhân dịp sinh nhật này, nhi thần tặng nó cho Tứ ca. Hiện nó đang được cột bên ngoài.
Khang Hy gật đầu. Rồi ông quay qua hỏi Dận Nhưng :
-Còn ngươi ?
Dận Nhưng gật đầu, nói :
-Khởi bẩm Hoàng A mã, nhi thần xin gửi tặng Tứ đệ một số hương trầm.
Khang Hy gật đầu. Rồi ông quay qua hỏi Đức phi :
-Còn nàng ?
Đức phi cúi đầu, lễ phép nói :
-Khởi bẩm Hoàng thượng. Thần thiếp đã gửi riêng cho lão Tứ một bức trướng thêu.
Khang Hy vỗ tay khen ngợi :
-Xem ra chỉ còn mình ta. Lão Tứ, lại đây.
Dận Chân đến bên Khang Hy rồi quỳ xuống. Khang Hy lấy từ trong ống tay áo ra một tờ giấy được gấp lại, đưa cho Dận Chân. Dận Chân cung kính nhận lấy bằng hai tay. Khang Hy bảo Dận Chân hãy mở ra xem. Dận Chân mở ra xem, thấy bên trong có một chữ “Ung”.
-Hôm nọ đã sắc phong Quận vương nhưng chưa kịp đặt hiệu. – Khang Hy nói. – Hôm nay ta tặng hiệu cho con chữ “Ung”, có nghĩa là “hòa thuận”. Hãy lấy nó làm đạo cho cuộc đời mình.
Mọi người trầm lắng lại. Dận Chân run run đôi tay. Đây là món quà ý nghĩa nhất mà chàng nhận được, cùng với chiếc áo của Phúc tấn. Khang Hy ra lệnh cho Dận Chân đứng lên. Bữa tiệc lại tiếp tục.Mọi người cùng ăn uống, xem kịch. Vậy mà Đông Triều thấy Dận Chân không chú ý,mà chỉ nhìn con chữ “Ung” và tấm áo. Đấy mới là hạnh phúc.