Đông Triều pha màu xanh với nước, sao cho màu xanh thật nhạt. Nàng chấm cọ, tô phớt lên vầng trăng trong tranh. Rồi Đông Triều lại pha chấm mực đen vào nước, lấy một cây cọ sạch khác chấm nước đó, tô phủ khắp tranh. Như vậy bức tranh sống động như là nhìn cảnh thật.
-Xong rồi đây. – Đông Triều mỉm cười.
Thu Nguyệt ngắm nghía bức tranh, trầm trồ :
-Trung thu chưa đến mà trăng đã tỏa sáng khắp phủ.
-Tỷ quá khen rồi.
Sau hôm thưởng trăng ở hồ, Đông Triều đã vẽ cho Dận Chân một bức tranh cảnh khuya vào ngày rằm. Dận Chân rất thích, mang treo ngay ở gian nhà chính. Tiểu Uyển, Thu Nguyệt đương nhiên đến nhờ đầu tiên nhưng ngay cả Tống thị, Lý thị và Cảnh thị cũng đến nhờ vả Đông Triều vẽ cho một bức mang treo trong phòng. Dận Tường đến chơi, ngỏ ý xin bức tranh về treo. Đông Triều nói không cần, nàng sẽ vẽ một bức tranh khác. Bức tranh nói trên là vẽ tặng Dận Tường.
-Nha đầu, xong chưa ? – Dận Chân vào.
-Xong rồi ạ. – Đông Triều nói.
-Vậy thì mang ra mau lên, Thập tam đệ đang chờ đấy.
-Vâng, gia nói ngài ấy chờ lát nữa, thiếp sẽ mang ra ngay.
Dận Chân cáo biệt Thu Nguyệt, ra tiểu đình. Dận Tường đang ngồi đó chờ, tay rót rượu, mắt thưởng hoa, chân nhịp nhịp. Dận Chân ngồi đối diện với Dận Tường. Rót một chén trà đầy, Dận Chân nhấp từ từ, cảm nhận vị đắng tuyệt diệu kia hòa tan trong miệng.
-Trắc phúc tấn của đệ vẫn khỏe chứ ?
Dận Tường chớp mắt :
-Trắc phúc tấn của đệ ?
-Qua Nhĩ Giai Trắc phúc tấn đấy.
Dận Tường đặt chén rượu xuống bàn :
-À, nàng vẫn khỏe.
Dận Chân rót một ly trà đầy, đẩy đến chỗ Dận Tường :
-Tính đệ thích bay nhảy, ngao du sơn thủy, ta biết. Nhưng hãy nhớ lấy lời ta, dù có bản lĩnh thế nào thì không tránh khỏi một lần vấp ngã để bản lĩnh hơn. Khi đó, gia đình chính là bến đỗ bình yên nhất.
Dận Tường cầm ly trà uống một hơi :
-Đệ hiểu. Bởi vậy đệ đang hối hận đây.
-Hối hận gì ?
Dận Tường thở dài :
-Đệ hối hận vì mình đã mở lòng mình với quá nhiều người, đến mức quên mất người mình cần là ai.
-Phải là Hiệp vương không đấy ? Một Hiệp vương luôn giúp đỡ cho người khó khổ mà không màng đến bản thân mình.
Dận Tường cười buồn :
-Đệ đang suy ngẫm lại. Từ ngày đệ chú ý đến Nghi Nhi nhiều hơn thì đệ đã biết mình đã làm khổ nàng đến mức nào. Lương bổng của đệ không bao nhiêu mà cứ đưa người này vào phủ, rước người kia vào phủ, chu cấp đàng hoàng, Nghi Nhi vẫn không hề than van, chỉ tìm cách xoay sở. Đệ đã hiểu vì sao huynh lại nạp ít Trắc phúc tấn thế.
Dận Chân gật đầu :
-Ta nghĩ rằng… cuộc đời này ta nợ Phúc tấn là nhiều nhất.
Xoảng ! Dận Chân, Dận Tường nhìn ra xem có chuyện gì. Thì ra Đông Triều bị một gia nhân tông phải. Thế đứng của nàng rất vững, chỉ có người kia ngã nhào, làm vỡ ấm trà. Đông Triều cúi đầu xin lỗi bao nhiêu lần, người đó thụp lạy nàng bấy nhiêu lần. Cả hai cứ làm như vậy liên tục. Dận Chân hắng giọng :
-Ngươi lui ra đi ! Vào chuẩn bị ấm trà khác.
Gia nhân vội vàng thu dọn lại mảnh vỡ, quay về bếp. Đông Triều ôm bức tranh, chạy đến chỗ Dận Chân :
-Tứ ca, lỗi vừa rồi là của muội, có phạt thì phạt muội đây, đừng trừ tiền của người đó.
Dận Chân nheo mắt :
-Đương nhiên rồi. Ta thừa biết muội dư sức né mà. Chuẩn bị chép phạt mười cuốn kinh đi.
-Khoan đã, khoan đã. – Dận Tường xen vào. – Cô nương vừa gọi Tứ ca của ta là « Tứ ca » phải không ?
-Vâng.
Dận Tường ngạc nhiên :
-Đáng lý ra phải gọi « gia » chứ.
Dận Chân nói thay cho Đông Triều :
-Đây không phải Trắc phúc tấn của ta mà.
Dận Tường nhận tranh Đông Triều giao cho mang về. Triệu Giai Nghi ra đón chàng đầu tiên, kế đó là Phú Sát thị, Qua Nhĩ Giai thị ra sau cùng. Qua Nhĩ Giai thị định thi lễ nhưng Dận Tường vội đỡ dậy :
-Nàng đang mang thai, không nên hành lễ.
Qua Nhĩ Giai thị tạ ơn Dận Tường. Dận Tường sai gia nhân đỡ nàng vào trong, mình thì cố tình nán lại với Triệu Giai Nghi và Phú Sát thị, hai người vợ hiền của đời chàng. Trong hai người, Dận Tường yêu Triệu Giai Nghi hơn cả, chàng nắm tay nàng :
-Nghi nhi, Tứ tẩu vừa vẽ tặng ta một bức tranh, ta nghĩ nên treo trong phòng khách đi. – Rồi quay qua Phú Sát thị. – Nàng thấy thế nào ?
Phú Sát thị mỉm cười ôn nhu :
-Xin theo ý gia.
Dận Tường sai gia nhân mang tranh treo ở phòng khách. So với những bức tranh Dận Tường tốn công sưu tầm khắp nơi, tranh Đông Triều vẽ tặng nổi bật hơn hẳn. Tính chân thực trong tranh cuốn hút người xem hơn sự phù phiếm mờ ảo. Triệu Giai Nghi nói :
-Vầng trăng rất đẹp.
-Đúng vậy. – Phú Sát thị gật gù.
-Tứ tẩu vẽ tặng thì không bao giờ xấu cả.
-Vậy sao ?
Giọng nói lạ làm Dận Tường giật mình, quay lại. Dận Nhưng đứng sau lưng chàng hồi nào mà chàng không hay. Dận Nhưng cười, xua tay :
-Đừng quá đa lễ, cũng đừng trách gia nhân của đệ, ta đã sai chúng để ta tự nhiên đấy.
Dận Tường định thần, vái chào Dận Nhưng, mỉm cười :
-Vâng, Thái tử dạy chí phải.
Dận Nhưng quan sát bức tranh treo trên vách, tấm tắc :
-Tranh quả nhiên rất sắc nét. Của Nữu Hỗ Lộc Trắc phúc tấn nhà Tứ đệ sao ?
-Vâng.
Dận Nhưng mỉm cười :
-Quả nhiên rất có tài. Tứ đệ thật có phước.
Dận Nhưng ngắm nhìn bức tranh, nét nhấn trên tranh và màu mực làm bố cục tranh hài hòa, đặc biệt là chỗ mặt trăng, tưởng như mặt trăng được thu nhỏ, phong vào bức tranh ấy. Chợt, Dận Nhưng nhận ra một nét hất vô cùng đặc biệt trên tranh, ngay dòng chữ nhỏ trên tiểu đình. Nét hất làm Dận Nhưng nhớ đến chữ viết trên bức tranh vẽ những con mèo mà Khang Hy đã tặng cho hắn hôm bữa.
-Coi bộ Thập tam đệ vẫn khỏe, gia đình vẫn bình an. Thôi thì ta không quấy rầy nữa. – Nói rồi bỏ đi một nước.
Dận Tường hơi khó chịu vì sự xuất hiện đột ngột này nhưng càng khó chịu hơn khi Dận Nhưng ra đi mà chẳng để cho bào đệ hỏi thăm lấy một câu.
-Thật là...
-Gia, thôi vào dùng bữa đi. - Triệu Giai Nghi khẽ khàng. – Đã trễ rồi.
-Ừ.
Dận Nhưng ra xe, kêu người hầu đánh xe đến nhà Dận Chân. Giống như lúc vào nhà Dận Tường, Dận Nhưng bảo với gia nhân phủ Tứ A ca không cần bẩm báo, chỉ cần nói cho mình chỗ của Dận Chân, tự mình sẽ vào đó. Vừa đi, Dận Nhưng vừa suy nghĩ đến bức tranh vẽ mấy con mèo kia. Nếu Tứ Trắc phúc tấn cố tình vẽ bức tranh ấy để chọc tức hắn thì hắn quyết không tha.
Lúc này Dận Chân và Đông Triều vẫn còn ngồi ở tiểu đình. Dận Chân đọc sách, Đông Triều chép kinh. Dận Chân bỏ sách xuống, nhìn bản chép của Đông Triều, nhíu mày :
-Dừng lại !
-Sao ạ ? – Đông Triều ngừng lại, xem xét bản chép. – Đâu thấy sai chỗ nào đâu.
Dận Chân trỏ vào một chỗ của bản chép :
-Bỏ cái nét hất đáng ghét này đi !
-Sao vậy ? Muội cứ viết như thế có sao đâu.
Dận Chân nói :
-Ta không thích cái nét hất này.
-Thế mà cái nét hất này cứ hiện diện trong bản chép kinh của huynh đấy và tất cả những bức thư pháp mà huynh sưu tầm được. – Đông Triều bắt bẻ.
-Bởi vậy nên ta mới không thích. Muội có biết là ta viết chữ mẫu cho Hoằng Quân, nó cứ nghĩ là muội viết đấy.
Đông Triều bật cười :
-Thì huynh cứ lấy ấn mộc làm dấu luôn đi.
Rồi Đông Triều lại cặm cụi viết kinh. Đến chữ « tử » Dận Chân bỏ sách xuống, vòng ra sau Đông Triều, cầm tay nàng :
-Cấm không được viết nét hất.
-Đau, đau !
Dận Nhưng đứng từ xa, lẩm bẩm :
-Lẽ nào không phải ?
Xen lẫn với dòng suy nghĩ về bức tranh, Dận Nhưng vẫn để ý đến khung cảnh chung quanh. Chẳng ngờ được một ngày nào đó sẽ thấy vị A ca mệnh danh « Lãnh diện », một tay bức tử công thần và vị cách cách mệnh danh « Nhược băng », dùng lời nói giết chết phi tử nhà vua lại cùng nhau đùa giỡn. Dù cho nụ cười chỉ xuất hiện vài ba lần trên khuôn mặt họ nhưng ai biết được họ đang nghĩ gì.
-Huynh bỏ tay muội ra ! – Đông Triều gỡ tay Dận Chân.
Dận Chân càng siết chặt tay nàng hơn :
-Ta phải buộc muội sửa cái nét hất ấy.
-Thì bỏ tay muội ra đã !
Dận Chân cứ ghì tay Đông Triều xuống, bắt nàng phải viết nét hất theo ý mình. Đông Triều thì muốn giãy ra. Kết quả là xuất hiện một vết sổ toẹt trên bản kinh chép. Đông Triều dừng cả việc gỡ tay Dận Chân ra, chỉ lườm Dận Chân. Dận Chân buông tay nàng ra. Đông Triều đặt bút xuống, lấy tay trỏ vết sổ toẹt trên bản kinh :
-Huynh thấy cái nét đáng ghét này thế nào ?
Dận Chân nhún vai :
-Muội đã nói là đáng ghét thì còn hỏi ta làm gì nữa.
Đông Triều vẫn còn lườm Dận Chân. Dận Chân thở dài :
-Được rồi, không phạt muội nữa.
-Và...
-Cứ viết nét hất thoải mái đi.
Đông Triều nhe răng cười. Nàng xếp tờ giấy lại thành hình hoa sen :
-Lát nữa muội sẽ phết màu lên. – Rồi lại lấy bút chấm mực, viết kinh tiếp.
Dận Chân phì cười, nhìn chung quanh để giấu đi khuôn mặt không nhịn cười nổi. Chợt, Dận Chân thấy Dận Nhưng đang đứng đó, vội vàng đập bàn ra hiệu cho Đông Triều bước xuống hành lễ. Dận Nhưng phất tay :
-Đừng đa lễ. À, Tứ đệ cũng đừng trách bọn gia nhân, ta đã bảo chúng cứ để ta tự nhiên.
Dận Chân giữ y cái giọng lúc xem Đông Triều là Dận Nhưng :
-Thái tử hôm nay trông hào hứng chuyện gì đó.
Dận Nhưng nói :
-À, hồi nãy ta có qua nhà Thập tam đệ chơi, thấy Tứ đệ muội vẽ tặng cho đệ ấy bức tranh rất đẹp nên qua đây ngỏ ý muốn xin muội ấy vẽ tặng một bức. Không phiền chứ ?
Dận Chân mỉm cười :
-Đâu có. Được Thái tử nhờ vẽ tranh là diễm phúc của tệ nội đây. – Rồi quay qua nói với Đông Triều. – Nàng thấy thế nào ?
Đông Triều nói :
-Được Thái tử nhờ vẽ là niềm vinh hạnh của tiểu nữ. Nhưng tiểu nữ kém tài, phải ít nhất hai ngày mới có thể vẽ xong một bức tranh.
Dận Nhưng thầm kinh hãi, hai ngày là quá nhanh với một bức tranh như thế. Đông Triều sống với Dận Chân, kết bạn với Dận Tường là hai danh họa xuất sắc, cứ tưởng hoàn thành một bức tranh sau hai ngày là cực kỳ kém cỏi. Đông Triều chớp mắt :
-Thái tử ! Thái tử !
Dận Nhưng gật đầu. Đông Triều hỏi :
-Chẳng hay Thái tử thích tiểu nữ vẽ tranh về gì ạ ?
Dận Nhưng suy ngẫm một lúc rồi nói :
-Mèo.
Dận Chân nghe qua, biết Dận Nhưng đã nghi ngờ tác giả bức tranh hôm bữa. Dận Chân quay qua Đông Triều, ra hiệu nhưng rút lại ngay vì tâm trạng khó chịu. Mắt Đông Triều sáng rỡ :
-Mèo ? Hay thật, ở đây có sẵn cả hai con.
Đông Triều muốn chia vui với Dận Chân nhưng thấy khuôn mặt sa sầm của chàng thì im bặt. Dận Chân gượng nặn ra một nụ cười :
-Thái tử đến chơi, không trà cũng rượu, đệ xin mời Thái tử đến tiểu đình cùng uống trà thưởng hoa. – Rồi vòng tay ra sau Đông Triều. – Tệ nội có việc phải làm, xin cho nàng lui vào trong.
-Được thôi.
Dận Chân nắm tay Đông Triều đi về phòng nàng, đoạn đầu rất tình tứ, khuất khỏi tầm nhìn của Dận Nhưng, bàn tay ấy chuyển qua vành tai Đông Triều, nhéo một cái đau điếng.
-Ái da ! – Đông Triều kêu réo.
-Vào chép kinh cho xong đi !