Không ai biết tin tức của “Rheinische Zeitung” vượt qua quan thẩm tra của Vương thất như thế nào.
Giống như không ai biết vì sao cộng tác viên “Rheinische Zeitung” thu thập được vô số thông tin. Nhìn đi, từng câu từng chữ đều vô cùng sống động, ai không biết còn tưởng cộng tác viên nằm dưới gầm giường nhà ông ta!
Nhưng điều này không quan trọng.
Quan trọng là… “Rheinische Zeitung” không chỉ biết, còn đăng bài công khai. Tất cả những người biết chữ trong Paris đều thấy rõ!
Đương nhiên giáo hội và giáo đồ đạo Thiên Chúa không mua “Rheinische Zeitung” bị giáo hội công khai chỉ trích. Tuy trong đó từng có không ít người theo dõi “Nỗi đau của chàng Werther”, dù giáo hội công khai chỉ trích, họ vẫn trộm ra ngoài mua. Dù sao những tờ báo khác rất nhàm chán, ngoại trừ khoe khoang thân phận không còn tác dụng nào, đến cả bọc bánh mì cũng ngại không đủ cứng.
Sau khi giáo hội công khai chỉ trích, các giáo đồ trộm phái người hầu buổi tối đi mua, miễn không để bạn bè biết mình lén đọc là được.
Vì thế giáo hội trở thành đối tượng biết tin sau cùng.
Một ngày nào đó, hồng ý giáo chủ Beaumont lại chủ trì lễ Missa.
Kết thúc buổi lễ đầu, ông ta định chuẩn bị buổi lễ thứ hai, đột nhiên phát hiện ánh mắt mọi người… thay đổi.
Ánh mắt này rất khó hình dung, nhưng Beaumont cảm giác bản thân mình dính dớp, hoặc áo choàng bị xé rách. Một khi suy nghĩ này xuất hiện rất khó xua tan, Beaumont đứng ngồi không yên rời tế đàn, chạy tới góc khuất xem bản thân làm sao.
Đúng lúc này, cô gái nhỏ quay đầu liếc ông ta, lại ngây thơ quay đầu hỏi mẹ, “Mẹ, ‘dâm ô trẻ em’ là gì ạ?”
Ầm, máu toàn thân Beaumont nổ tung.
. . .
“Antoinette thân mến, có kẻ muốn bắt người.
Jeanne yêu dấu của người.”
Antonia nhìn bức thư phu nhân du Barry lặng lẽ gửi mình, thầm cảm thấy buồn cười. Tờ giấy trắng muốt thoang thoảng hương hoa hồng, quả nhiên chỉ phu nhân du Barry xa hoa lãng phí mới làm được.
Cô kẹp mép giấy, đặt trước ngọn nến.
Bắt sao… vậy bắt đi.
Tháng tám năm 1770, Paris và Versailles huyên náo.
Các quý tộc là độc giả trung thành của “Rheinische Zeitung” đồng loạt thở dài. Tuy không biết vì sao lúc trước “Rheinische Zeitung” tự tung tự tác đăng tin, nhưng hiển nhiên lần này họ làm quá trớn.
Phần lớn thành viên giáo hội là quý tộc, đương nhiên bọn họ không thể chịu đựng nhục nhã.
“Tin giả! Đồn vớ vẩn! Phỉ báng!” Đức giám mục nói: “Đây là hành vi phạm tội tuyệt không thể tha thứ, bọn họ đều phải xuống địa ngục! Không, chúng ta không thể chờ họ xuống địa ngục. Tổ chức tà ác đó còn tồn tại một ngày, ung nhọt vẫn tiếp tục tái diễn!”
Ngày thứ ba sau khi “Rheinische Zeitung” đăng tin gièm pha về giáo hội, đội điều tra cầm vũ khí tới trước cửa tòa soạn báo “Rheinische Zeitung” ở Paris.
Ngoài dự đoán của họ, bên trong trống trơn, ngoài cửa dán giấy quảng cáo: “Bà chủ ôm tiền bỏ trốn, cho thuê nhà giá rẻ! Gần hoa viên Hoàng gia, nằm trên trục đường hoàng kim, người người nối đuôi nhau không dứt. Tôi cam đoan bạn không thể tìm được tòa nhà nào tốt hơn trên con đường này!”
Đội điều tra cầm kiếm và gậy, giữ vững tâm thế nếu đối thủ phản kháng sẽ áp chế như thế nào: “…”
Bọn họ lần theo địa chỉ tờ quảng cáo viết, kết quả phát hiện chủ tòa nhà là… Quốc Vương bệ hạ.
Mấy năm trước Quốc Vương mua nhà ở đây, đương nhiên để tặng tình nhân của ông ta. Trên tầng không chỉ khai trương nhà thổ, còn có một tiệm sách.
Về phần cho ai thuê?
Làm ơn, Quốc Vương bệ hạ không quan tâm chuyện nhỏ nhặt.
Giáo hội biết tin, tức giận viết bài mắng chửi trên “Thời sự Pháp”, “Báo thái dương”, “Người đưa tin”, công khai yêu cầu “Rheinische Zeitung” đầu hàng.
“Con chuột chui lủi trong cống ngầm! Cóc ghẻ cố nuốt miếng lạp xưởng! Cá ươn dơ bẩn phương bắc! Quả mận thối rữa! Có gan phỉ báng nhưng không có gan để bị bắt!”
Giáo hội cần mặt mũi, đương nhiên bọn họ viết dưới hình thức nặc danh.
Không ai hồi đáp.
Trong suy nghĩ của rất nhiều người, cho dù “Rheinische Zeitung” trộm mượn các tờ báo khác đáp trả, nhưng những tòa soạn báo trên dám đăng?
Đáng tiếc đội điều tra giáo hội xem nhẹ lời đồn bên ngoài.
Bài ca dao nọ bắt đầu lan truyền khắp phố.
“Chúng mặc áo choàng dài tối tăm như quạ đen.
Đôi mắt trắng bệch như cá chết.
Dưới tấm áo là cái gì?
Suỵt, đừng hỏi.
Ma quỷ sẽ móc mắt ngươi!”
Người dân Paris cực lực hoan nghênh bài vè đơn giản dễ hiểu này.
Giáo đồ không vui, nhưng phần lớn mọi người đều biết Đức cải cách tôn giáo. Cho dù không thể tiếp thu, ít nhất họ hiểu “Giáo hội không ngang hàng Thượng Đế”.
Một tuần sau mọi chuyện mới điều tra xong.
Lúc này công chúng không còn hứng thú, bao gồm giáo đồ căm phẫn chửi “Rheinische Zeitung”, trong lòng lại nghĩ “Chẳng lẽ là thật?”, ánh mắt của họ dần chuyển hướng.
Paris mãi mãi không nhàm chán.
Ví dụ như “Rheinische Zeitung” bị niêm phong, nhưng đủ loại in ấn, thiết kế giống “Rheinische Zeitung” lan truyền khắp phố lớn ngõ nhỏ.
Những tờ “Rheinische Zeitung” này in ấn thô ráp, nội dung ẩu tả, mười phần thì chín phần giả mạo.
Nhưng mọi người lại tìm thấy khoái cảm mới. Nhìn đi, báo chí không thể sinh tồn, chúng ta có thể trộm để nó sinh tồn!
“Điện hạ! Rất nhiều người tìm cách liên lạc với ‘Rheinische Zeitung’.” Henriette hưng phấn nói: “Ít nhất phải thêm mấy trăm cộng tác viên.”
Henriette thật sự hạnh phúc. Cô ấy được tận mắt chứng kiến ngành báo chí Paris phát triển rực rỡ! Trước kia cô ấy chưa bao giờ dám tưởng tượng chuyện này.
“Tốt lắm.” Antonia bình tĩnh đáp: “Vừa lúc ‘Rheinische Zeitung’ cần thời gian hòa hoãn… Ta cũng tập trung tinh thần xử lý những chuyện khác.”
Cung điện Versailles là cung điện khổng lồ, công trình cải tạo không phải chuyện dễ dàng. May mắn có một nhân tố vô cùng quan trọng trợ giúp bọn họ, bởi vì tất cả mọi người đều không chịu nổi…
Nếu được chọn, đương nhiên không ai muốn sống ở nơi thối hoắc. Ngoại trừ các thành viên Vương thất, gần như tất cả mọi người trong cung điện Versailles đều sống trong phòng ở chật chội, không có nơi để tắm. Hơn nữa chất phóng uế, rác rưởi ở khắp mọi nơi, không ở trên thì cũng ở dưới, hoặc chất đống ngoài cửa sổ cách đó không xa.
Lần đầu tiên một vị điện hạ có phòng tắm riêng nguyện ý thay đổi điều này.
Trời ơi! Hy vọng Thánh mẫu Maria phù hộ cô ấy mãi mãi trẻ trung!
Cứ như vậy, trong sự chờ mong của quý tộc, việc cải tạo hệ thống nguồn nước được triển khai. Tuy nơi nơi chất đầy bùn đất và ống dẫn, nhưng mọi người tưởng tượng một, hai năm sau tạm biệt mùi hôi và rác rưởi, cảm thấy chờ mong và nhẫn nại đều đáng giá.
Trong quá trình có không ít người nghi ngờ, đặc biệt việc trang bị dụng cụ cho đội phòng cháy Paris.
Khác với thị vệ và quân đội kiêm nhiệm phòng cháy khi xảy ra hỏa hoạn, những “lính cứu hỏa” đầu tiên đào ao quanh thành phố. Bọn họ không đảm nhiệm chức vụ nào khác, chỉ yên lặng đợi lệnh.
“Các lính cứu hỏa không vô công rồi nghề khi không xảy ra hỏa hoạn. Phải biết đào ao, thuần thục sử dụng máy bơm nước, hơn nữa vệ sinh ống nước là chuyện vô cùng quan trọng.” Tờ báo được công nhận giống “Rheinische Zeitung” nhất trích dẫn đưa tin.
Được rồi, chỉ cần không nộp nhiều thuế, mọi người không quan tâm tiểu tiết.
Thời gian cứ vậy trôi qua, từ từ tới tháng 2 năm 1774.
Ba năm này là ba năm hòa bình. Tuy ba năm trước Nga, Áo và Nga thỏa thuận chia cắt Ba Lan – Litva khiến cả lục địa kinh hoàng, nhưng có Quốc Vương Pháp ngầm đồng ý, ba quốc gia đạt thành kết quả, chia cắt lãnh địa vốn thường xuyên bị chia cắt.
Nước Pháp không đánh giặc, việc sửa chữa Versailles và Paris vô cùng náo nhiệt. Dạo gần đây Quốc Vương bệ hạ thường xuyên trúng gió, dù các bác sĩ giải thích thời tiết thất thường nên dễ đổ bệnh, bởi vì bọn họ không muốn trở thành lang băm không phán được bệnh tình của Quốc Vương bệ hạ. Tất cả mọi người đều biết Quốc Vương bệ hạ lớn tuổi, đây là chuyện bình thường.
Thái Tử trưởng thành, dưới anh ấy còn hai cậu em trai.
Nói nhỏ một câu, Quốc Vương băng hà thì sao? Quốc gia này đã có người kế tục.
Tất cả mọi người đều tràn ngập hy vọng.
Ngày 4 tháng 2, trong cung tổ chức salon vũ hội sang trọng, tuyên bố trao tặng các giải thưởng quan trọng.
Ngay cả viện trưởng viện hàn lâm Paris hơn tám mươi tuổi cũng kích động. Ông ấy vô cùng chờ mong buổi tối ngày hôm nay, vui tới phát khóc, “Ngàn năm khó gặp! Ngàn năm khó gặp!”
Dưới bầu không khí nhiệt liệt, vũ hội bắt đầu.
Gần như tất cả nhân vật có tiếng tăm ở Paris đều tham dự vũ hội. Rất nhiều người chú ý quý phu nhân, quý công nương nào tham gia; nhưng đối với học giả viện hàn lâm Paris, người nọ còn đáng giá hơn.
Buổi salon vang danh khắp chốn, ngay cả Lagrange từ Vienna xa xôi cũng tới góp vui.
Chà! Hy vọng ngài đây không cướp đoạt thêm giải thưởng. Mọi người đùa vui.
Nhưng đám đông không ngờ giây phút vũ khúc đầu tiên vang lên, một người xa lạ thu hút ánh mắt họ.
Điệu Waltz mới chỉ cất tiếng, một thiếu niên tóc vàng điển trai đi vào.
Một khắc đó, ánh đèn phía sau lưng chàng trai tỏa vầng hào quang mộng ảo, điểm tô ngũ quan hoàn mỹ.
Mấy người đứng gần cửa thấy anh ta đầu tiên. Tựa như làn sóng lan xa, mọi người đều quay đầu.
Một giây ngắn ngủi sau, có người tò mò hỏi: “Là bá tước Thụy Điển kia?”
“Là ngài ấy! Tôi biết ngài ấy. Ngài ấy là con trai chủ tịch quốc hội nghị viện Thụy Điển.”
“Ôi chao! Nếu tôi điển trai như ngài ấy, dù làm con gã ăn mày tôi cũng nguyện ý.”
Tiếng cười nói rôm rả vang khắp salon. Antonia đang cúi đầu xem mạch điện với Nikola phát hiện có gì đó không đúng.
Cô quay đầu.
Ngay sau đó, bàn tay đang cầm danh sách trao giải buông thõng.
Thiếu niên tỏa ánh hào quang đi về phía cô, đôi mắt xanh lam trong suốt mê hoặc lòng người. Đôi mắt anh ta thiếu vài phần toan tính, nhiều vài phần chân thành tha thiết.
Suốt bao đêm mộng mị, ánh sáng đó mang theo bi thương và luyến tiếc.
“Rơi rồi.” Người nọ nói.
Antonia giật mình hồi thần, phát hiện Nikola cầm bản danh sách cô đánh rơi, dùng ánh mắt kỳ lạ nhìn cô.
Thấy Antonia không phản ứng, anh nhét thẳng nó vào tay cô.
Nikola nhướng mày, nhìn theo hướng cô vừa nhìn, lập tức hiểu vừa rồi cô ngắm ai.
Đương nhiên, giờ phút này hơn nửa đại sảnh đều đang ngắm anh ta.
Nikola mỉm cười.
Anh khom lưng, thì thầm nói: “Điện hạ, giờ phút này ánh mắt người… có phần nguy hiểm.”
_______
Một số bình luận của cư dân mạng Trung:
– Tôi không biết tình nhân của Antonia là ai, nhưng hiện tại Nikola bắt thóp lịch sử đen tối của cô ấy.
– Axel đúng không? Dù ở thời khắc cuối cùng, anh ta cũng không từ bỏ giải cứu Marie.