Chuyện tình của các chính khách Việt Nam

Chương 3: CHUYỆN TÌNH YÊU EM TỪ CÁI NHÌN ĐẦU TIÊN CỦA CHỦ TỊCH LÊ QUANG ĐẠO VÀ NHÀ VĂN NGUYỆT TÚ


1 năm

trướctiếp

Lê Quang Đạo và vợ - Nguyễn Thị Nguyệt Tú gặp nhau lần đầu tiên vào một ngày thu năm 1946 tại Hà Nội. Khi đó, anh đang là Bí thư Thành ủy Hà Nội, còn chị Nguyệt Tú là Phó bí thư Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh ra Hà Nội học và công tác, đến báo cáo công tác với đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội.



Ngay lần đầu gặp, Quang Đạo bị ấn tượng mạnh bởi cô cán bộ trẻ măng và “tròn” như hạt mít, có đôi mắt đen to và rất sáng, thông minh, giọng Huế nhẹ nhàng pha âm sắc xứ Nghệ nghe thật dễ thương khiến ông nhớ mãi

Về phía Nguyệt Tú, mặc dù vẫn xây dựng cho mình hình tượng người bạn đời phải cao to, đẹp trai nhưng lại phải lòng người con trai trắng trẻo, nhỏ nhắn, thư sinh Lê Quang Đạo từ cái nhìn đầu tiên. Khi được giới thiệu “Đây là đồng chí Đạo, Bí thư Hà Nội”, bà Tú còn nghĩ: Đồng chí bí thư trẻ quá, trông chỉ như bạn học, thoạt nhìn anh giống nhà thơ, nhà báo hơn là cán bộ cấp tỉnh. Ra về, bà vẫn thắc mắc hỏi đi hỏi lại bạn bởi bí thư mà trông mặt… non choẹt.



Gặp nhau thêm vài lần trong công việc rồi đến năm 1948, hai người mới có dịp gặp lại, lần này có vẻ gần gũi hơn. Lúc ấy, Nguyệt Tú nghe nói anh Đạo đã đề nghị tìm hiểu bà với tổ chức, thế nhưng mấy ngày liền, Lê Quang Đạo sang gặp, Nguyệt Tú chỉ say sưa kể chuyện về vùng địch tạm chiếm quanh Hà Nội, chuyện công tác… mà không thấy nhắc chút nào đến chuyện đặt vấn đề gì!?



Sau đó, Lê Quang Đạo đi công tác, về thì Nguyệt Tú đã đi Nam Định, anh viết mấy dòng vào mẩu giấy nhỏ gửi cho Nguyệt Tú:



- Rất tiếc, tôi về chị đã đi Nam Định. Mong có ngày gặp lại.

Mảnh giấy khiến Nguyệt Tú vừa buồn vừa thất vọng. Thao thức mấy đêm liền, chị viết trả lời:

- Chúng ta chỉ nên là hai người đồng chí tốt thôi anh ạ. Có lẽ quan niệm về tình yêu không giống nhau.



Nửa tháng sau Nguyệt Tú nhận được thư của Lê Quang Đạo, lần này anh chính thức đặt vấn đề tìm hiểu chị, lời lẽ rất tình cảm, chân thành. Thực ra, Quang Đạo đã nhận được thư từ chối của bà Tú nhưng coi như chưa nhận được, trong lá thư đặt vấn đề tìm hiểu, ông cố tình đề ngày sớm hơn ngày nhận được thư của bà… Lần gặp sau, anh không xưng “tôi”-“chị” nữa mà chuyển sang “anh”-“em”... Hai người hẹn nhau 5 năm nữa mới cưới, vì Tú còn muốn được tham gia công tác thêm.



Một lần hai người đi công tác cùng nhau trên đoạn đường rừng vắng vẻ ở Thái Nguyên. Lần đầu đi bên nhau khiến Nguyệt Tú bối rối, nhìn những chiếc lá đỏ (cây trạng nguyên) bên đường thắc mắc với Lê Quang Đạo:

- Hoa gì mà lạ quá, cánh hoa như chiếc lá, đo đỏ lại xanh xanh. Lá hay hoa?



Không ngờ, lúc đó nhà thơ Thâm Tâm đi sau nghe được. Trong Hội nghị Tuyên truyền toàn quốc, câu chuyện “lá xanh xanh, hoa đo đỏ” ấy đã được nhà thơ kể lại rất hài hước, sinh động.

Rồi có lần, hai người đi công tác, gặp nhau ở Hà Đông và được bố trí gặp nhau ở một nhà dân. Khi Lê Quang Đạo định nhè nhẹ kéo Nguyệt Tú vào lòng thì bà chủ nhà ngồi bên kia vách ho lên khiến cả hai giật mình. Thì ra bà chủ nhà vẫn “canh chừng” đôi trai gái. Người dân ở đây có tục kiêng không cho người lạ thân mật trong nhà vì như vậy lợn nhà nuôi sẽ chê cám

Trước khi chia tay ở Hà Đông, Nguyệt Tú chép gửi Lê Quang Đạo bài thơ “Đợi anh về” của Simonov và tặng tấm ảnh chân dung. Lần bơi qua sông Đuống lên Việt Bắc, phải bỏ lại ba lô, Lê Quang Đạo chỉ đem theo ảnh Bác Hồ, chứng minh thư, ảnh Nguyệt Tú và giữ tấm ảnh đến mãi sau này.



Tháng 9-1948, chẳng đợi đến 5 năm như lời hẹn ước bởi chiến tranh chẳng biết được điều gì sẽ xảy ra, hai người tổ chức lễ cưới, nhân bữa cơm tiễn đoàn cán bộ Trung ương do ông Lê Đức Thọ dẫn đầu vào Nam công tác. Đám cưới được ông Lê Đức Thọ làm chủ hôn. Những bông hoa rừng được hái xuống cắm vào cốc thủy tinh. Chú rể vẫn mặc bộ quần áo nâu thường ngày. Cô dâu quấn tóc kiểu “một lô cốt”, mặc chiếc áo nâu, quần lụa đen đi mượn vì vừa bị mất ba lô quần áo do chạy Tây nhảy dù. Trong đám cưới, Lê Quang Đạo hát bài “Cây trúc xinh” rất hay, đúng chất quan họ Bắc Ninh quê ông và hát thay cô dâu một bài hát dân gian “Nồi niêu” dí dỏm.



Vậy là từ khi làm cách mạng, Lê Quang Đạo đã nhiều lần lấy vợ…, giả làm vợ chồng với các cán bộ nữ để che mắt mật thám. Nhưng đến lần này, đám cưới với Nguyệt Tú mới là chính thức được lấy vợ thật. Sau cưới, hai người có một tuần nghỉ trăng mật. Theo chế độ, Lê Quang Đạo được cấp 50 đồng khi xây dựng gia đình nhưng anh không lấy. Tranh thủ nghỉ trăng mật, anh bàn với vợ đi mổ mi mắt vì lo bận công tác không có thì giờ. Mấy ngày sau mổ, Nguyệt Tú dắt anh đi thay băng ở trạm quân y, mỗi lần đi qua chiếc cầu, cầm theo chiếc gậy tre lại có người trêu: Nhìn như vợ chồng xẩm. Hết tuần trăng mật chủ yếu ở trạm quân y, anh Đạo về Thành ủy tiếp tục công tác, Nguyệt Tú xuống các xã lấy tài liệu viết bài cho Báo Phụ nữ Việt Nam.



Chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nguyệt Tú gửi lại hai con ở Khu Bốn, chuyển công tác sang Báo Quân đội nhân dân. Lúc này, còn Lê Quang Đạo đang làm nhiệm vụ trực tiếp ở Điện Biên Phủ.

 Tú ở bộ phận hậu phương của báo, làm nhiệm vụ viết tin, bài, tìm và biên tập các bài báo ở hậu phương, gửi Báo Quân đội nhân dân ở tiền phương. Thời gian này, Quang Đạo và Nguyệt Tú vẫn chỉ liên lạc với nhau qua thư từ, cho đến khi giải phóng Thủ đô, hai vợ chồng mới gặp lại nhau một  cách rất bất ngờ. Đó là, khi đơn vị của cả anh Đạo và chị Tú đều về Hà Nội, cùng đường mà không hay biết. Khi dừng chân tại một bản, có người đến gặp chị Tú bảo bà ra có người muốn gặp...  Tú vô cùng bất ngờ, vui mừng khi gặp lại chồng trong hoàn cảnh này.



Nguyệt Tú và anh Quang Đạo ngoài tình yêu, nghĩa vợ chồng, còn có cả tình đồng chí. Những năm 1962, 1963, 1964 là 3 năm Tú được đoàn thể cử đi học Trường Đảng Liên Xô, là ba năm anh bận rộn công tác mà vẫn đảm đang nuôi dạy bốn con, đứa nhớn 13 tuổi, đứa bé 5 tuổi. Anh viết thư ngày “27/1/1963”: “… Anh biết lúc này em cũng đương nghĩ đến anh và các con, đến cả gia đình, đến quê hương, đất nước và nhớ nhiều lắm. Anh ước ao có cách gì làm em khuây khỏa đôi phần. Có lẽ cách tốt nhất là anh hết sức làm việc, và hết sức dạy dỗ con cái, và cũng hết sức gìn giữ vun đắp tình yêu của Tuệ và anh…”.



Ngày 17/11/1963 anh viết: “… Nhìn ảnh sao mà nhớ những ngày sống với nhau quá. Anh thích những tấm ảnh anh và Tuệ chụp riêng với nhau. Anh nom hình Tuệ sao mà giống in đúc, không phải chỉ giống cái vẻ mặt, dáng người mà quan hệ nhất là phản ánh trung thực tinh thần, tính tình của Tuệ và tình yêu của em đối với anh. Tuệ mà có ở đây anh sẽ thưởng cho rất nhiều cái hôn thật nồng cháy. Hiện nay cái ảnh hai đứa ngả đầu vào nhau mà em đã cắt nhỏ lại, anh gấp vào cuốn sách lý luận: “Nguồn gốc của gia đình” để sáng nào đọc sách anh cũng giở ra dựng ở trên bàn để Tuệ cùng đọc sách với anh. Xem hình em rất thích nhưng lại càng nhớ em da diết…”.



Hồi mới lấy nhau, anh cũng xưng là “Anh – Em” nhưng sau đó Tú lại thấy không… bình đẳng kiểu gì ấy, thế là đề nghị anh xưng tên và anh chiều ý tôi. Anh gọi chị bằng tên từ thuở ấy. Chị vẫn còn giữ những bức thư của anh viết hồi còn xưng “Anh – Em”: “Có người nói có con sẽ yêu con hơn yêu vợ. Anh không tin. Anh không được sống gần con nên tình yêu con có lẽ chưa thật đầy đủ. Nhưng anh cho rằng nó là một thứ tình cảm không thể nói hơn hay kém mà chỉ làm tăng thêm tình vợ chồng”. Đặc biệt, anh Đạo biết Nguyệt Tú rất yêu quê hương Hà Tĩnh cho nên mỗi lần đi công tác tại Hà Tĩnh anh đều viết thư cho Tú rất nhiều.



Tuy ở cách xa nhau hàng vạn cây số, nhưng hàng tuần hai nhười vẫn viết thư đều đều cho nhau kể chuyện mọi thứ. Những năm chiến tranh chống Mỹ, anh Lê Quang Đạo đều làm Chính ủy các chiến dịch nóng: Đường 9 – Khe Sanh, Đường 9 – Nam Lào, Bộ Tư lệnh Đoàn 500, chiến dịch Quảng Trị, hễ có chút thì giờ rảnh, anh vẫn viết thư đều về nhà.



Anh Song Hào từng nói: “Chiến dịch quyết liệt nhất là ở Khe Sanh, hy sinh gian khổ nhất cũng ở Khe Sanh”. Cuộc tổng tiến công đêm mùng 1 Tết Mậu Thân năm 1968, cuộc tiến công của ta nổ ra toàn miền Nam làm Mỹ choáng váng. Nhưng Mỹ vẫn dành cho Khe Sanh sự quan tâm đặc biệt.



Đài BBC thời gian này luôn đưa tin, theo dõi sự di chuyển của “Tướng Lê Quang Đạo” đi thực hiện ý đồ lập lại một Điện Biên Phủ của Tướng Giáp ngày xưa''. Ngày 7/4/1968, anh Đạo viết thư về cho Nguyệt Tú: “Những lúc vượt đèo núi, xuyên rừng, lội suối, anh lại nhớ đến ngày đi cùng em ở núi rừng Việt Bắc năm xưa, nhất là lúc Tuệ mới ở khu 4 ra. Tuệ nhớ chứ? Tuệ nhớ năm nay là năm gì không nào? Tháng 9 này là kỷ niệm đúng 20 năm ngày cưới của chúng mình đấy”.



Khi đọc thư, Nguyệt Tú không biết rằng anh vừa thoát chết mấy hôm trước. Trong hai ngày, máy bay B52 Mỹ tập trung đánh phá sở chỉ huy chiến dịch, một khu vực rất hẹp. Bộ Tư lệnh gồm anh Trần Quý Hai, Lê Quang Đạo và các đồng chí cùng đi nằm trong bãi bom B52 nhiều giờ liền. Bom ném vào núi đá đổ xuống, đã làm nhiều người bị thương, cả tiểu đội nữ thông tin liên lạc của tổng đài mặt trận hy sinh vì bị bom lấp trong hang đá. Mấy đồng chí cán bộ bị thương nặng và hy sinh…



Những chuyện gian khổ, ác liệt nơi mặt trận anh ít kể trong thư. Ngay cả khi đã trở về nhà, anh cũng không nhắc đến. Sau khi anh mất, bác sĩ Trung trong đoàn kể lại, thoát bom B52, cả đoàn lại bị lạc mấy hôm. Mọi người nhịn đói hai ngày. Một đồng chí tìm được nắm gạo thính trong túi, chia ra làm 13 suất, ăn cho đỡ đói. Mỗi suất chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay. Anh Đạo chia đôi phần gạo thính của mình cho đồng chí liên lạc vừa ốm dậy sau cơn sốt rét.

Trở về từ Khe Sanh, được nghỉ ít ngày, anh Đạo lại chuẩn bị hành trang đi chiến dịch. Anh được phân công làm Chính ủy Bộ Tư lệnh 500. Lúc này, không quân Mỹ ngừng ném bom miền Bắc nhưng tập trung đánh phá dữ dội vùng “Cán Soong”, phía Nam khu 4 giáp với Lào. Bộ Tư lệnh 500 thành lập để giải quyết việc xăng dầu và gạo cho miền Nam. Anh lên đường. Chiến dịch này phần lớn thư có thể gửi về nhanh hơn nhưng lại lâu lắm mới nhận được thư anh. Tú lo lắng, nhiều đêm mất ngủ. Vào mặt trận hai tháng sau, mới nhận được thư anh.



Sau chiến tranh, hai người có điều kiện ở gần nhau, ông luôn dành mọi sự quan tâm, chăm sóc bù đắp cho bà. Mỗi lần chị đi công tác xa, ông lại tỉ mỉ xếp hành lý cẩn thận cho bà không bỏ sót thứ gì dù là nhỏ nhất.



Khi Nguyệt Tú làm Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ, lo vợ thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý cán bộ và kinh doanh nên trong những bữa ăn, anh tranh thủ trao đổi kinh nghiệm công tác cán bộ với vợ… đến nỗi bác sĩ riêng của ông còn nói đùa:

- Nhà mình nên treo biển “không nói chuyện chính trị trong bữa ăn”.



Bà Nguyệt Tú kể, ông Đạo là người ngăn nắp, gọn gàng, bà Tú lại hay để sách bừa bộn trên bàn những khi viết văn. Ông phê bình, bà giận, tự ái... Những lần sau ông không nói gì, chỉ lẳng lặng dọn lại ngăn nắp… Ông thông cảm, thường động viên vợ sáng tác, nhiều khi bà lười viết, ông lại nhắc hỏi: 



- Sách Tú viết đến đâu rồi? - Rồi ông giúp bà thu thập tài liệu viết sách. Ông cũng là bạn đọc đầu tiên của bà. Vậy nên sau này bà nói:



- Nếu hôm nay tôi được gọi là nhà văn Nguyệt Tú thì công không nhỏ thuộc về anh Đạo.

Khi bà Nguyệt Tú về hưu, Lê Quang Đạo đang làm Chủ tịch Quốc hội khóa VIII, thường tạo điều kiện cho Nguyệt Tú tiếp xúc với không khí chính trị của đất nước để tiếp tục viết văn, nói chuyện cùng chị để vơi bớt cảm giác hụt hẫng khi nghỉ hưu. Quang Đạo động viên Tú viết báo và vui với từng bài báo, tác phẩm của vợ.



Sau này bà Tú nói: Người con gái nào cũng muốn tìm cho mình người đàn ông lý tưởng. Tôi và anh Đạo cùng lớn lên trong môi trường học sinh, cùng đi hoạt động cách mạng, cùng thích thơ văn. Nhưng chúng tôi có nhiều điểm khác nhau. Nếu anh Đạo không kiên nhẫn, nhường nhịn và rất yêu tôi, chúng tôi đã không có những ngày hạnh phúc như thế. Nếu có ai hỏi tôi bí quyết hạnh phúc vợ chồng, tôi sẽ trả lời, đó là “tình yêu và sự thông cảm, vị tha”.



Năm 1998, ông Lê Quang Đạo và bà Nguyệt Tú tổ chức đám cưới vàng, kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Năm đó ông đã 77 tuổi, bà 73 tuổi, nhưng càng lớn tuổi ông bà còn cảm thấy tình yêu thương sâu sắc hơn thời trẻ.

Sau khi ông Đạo mất, bà Nguyệt Tú đã xuất bản tập thơ đầu tiên Mây trắng tặng chồng. Các bài thơ chỉ nói về một đề tài duy nhất: Tình yêu dành cho chồng, sự thiếu vắng anh. Chính tình yêu đã khiến bà Nguyệt Tú lấy lại cảm xúc và sức sáng tác thơ văn của những ngày còn trẻ.



Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp