Chuyện tình của các chính khách Việt Nam

Chương 2: MỐI TÌNH ĐẪM NƯỚC MẮT CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ LIỆT SĨ QUANG THÁI


1 năm

trướctiếp



ĐẤT NƯỚC, CHIẾN TRANH, MÁU VÀ EM



Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Nguyễn Thị Quang Thái gặp nhau lần đầu tiên năm 1929, trên chuyến tàu Vinh - Huế. Hai cô nữ sinh xinh xắn ríu rít lên tàu. Một cô là Hồ Cầm, em của chị Hải Đường, cùng sinh hoạt trong Đảng Tân Việt với anh Giáp. Anh để ý cô bạn đi cùng Hồ Cầm. Cô gái rất xinh, khuôn mặt trái xoan hiền dịu, da trắng hồng, đôi mắt đen láy thông minh, tóc xõa ngang lưng. Anh Giáp vui vẻ nói chuyện với hai cô gái. Ngày ấy anh Giáp còn rất trẻ, ăn mặc theo lối ký giả. Hồ Cầm giới thiệu:



- Đây là bạn Quang Thái.



Anh Giáp đã từng nghe tên Quang Thái trong đợt công tác qua Vinh mới đây. Tổ chức Đảng giao cho anh nhiệm vụ đi bàn với Liên tỉnh ủy Nghệ Tĩnh thu xếp cho chị Minh Khai, đảng viên Đảng Tân Việt, đi thoát ly. Anh Giáp nghe nói chị Minh Khai có em gái là Quang Thái xinh xắn, học giỏi, hoạt động cách mạng hăng hái, sôi nổi.



- Các cô đi đâu thế?



- Em đưa Quang Thái vào nhập học Trường Đồng Khánh.

Quang Thái sinh ở Vinh nhưng quê gốc là làng Nhân Chính, Hà Nội. Cha Quang Thái là một kỹ sư cầu đường. Trong khi anh Giáp nói chuyện với Hồ Cầm, Quang Thái vẫn ngồi im không muốn bắt chuyện. Cô cho anh là chàng công tử bột với chiếc mũ phớt và bộ comlê trắng, dáng người thanh mảnh thư sinh, khuôn mặt tròn trắng trẻo.



Chỉ đến khi anh giới thiệu mình là nhà báo, Quang Thái mới tham gia câu chuyện. Từ buổi gặp gỡ đầu tiên ấy, hình ảnh cô nữ sinh Đồng Khánh Huế xinh đẹp, dịu dàng Quang Thái đã để lại cho anh ấn tượng sâu sắc. Lần đầu tiên anh thấy xao xuyến với một người con gái. Anh thầm mong sẽ có ngày được gặp lại.



Anh Giáp về quê Quảng Bình. Cha anh muốn anh lấy vợ. Vợ ông bá hộ trong làng sẵn sàng gả con gái cho anh. Nhà ông Bá giàu nhất làng, có hai cô con gái. Cô gái định gả cho anh Giáp ở tuổi mới lớn. Vợ ông Bá hứa nếu thành hôn sẽ cho ruộng, cho nhà. Cha anh Giáp muốn anh nhận lời nhưng mẹ anh nói: “Tùy con, ưng thì lấy, không ưng thì thôi, không ép”.



Một hôm, anh Diểu về Quảng Bình tìm anh Giáp. Anh Nguyễn Chí Diểu, ủy viên Kỳ bộ Trung kỳ của Tân Việt, thay mặt tổ chức kết nạp Võ Nguyên Giáp vào Đảng Tân Việt. Anh Giáp hẹn với anh Diểu sẽ thu xếp công việc ở nhà để vào Huế tham gia hoạt động. Khi anh Giáp xin đi Huế, cha anh chỉ bằng lòng với điều kiện anh nhận lời làm rể ông Bá. Anh Giáp đóng khăn xếp, áo dài đen, quần trắng, đi guốc đến nhà ông Bá. Cô Bá tiếp đón nồng nhiệt. Cô còn đem ra chục trứng gà và tiền để anh đi Huế. Anh nói:



- Cảm ơn, tôi không dám nhận.



Cô Bá cười:



- Cậu làm cao. Sau này lại không đòi nhà, đòi ruộng ấy à.



Thấy anh đến nhà ông Bá, cha anh bằng lòng cho anh đi Huế. Nhưng anh nói riêng với mẹ:



- Con không kết hôn với con gái ông Bá đâu. Thầy mẹ đừng thu xếp.

Trước khi lên tàu, anh Giáp nói với con trai ông Bá:



- Tôi rất tôn trọng gia đình anh nhưng tôi không thể kết hôn với em gái anh được. Tôi và cô ấy không hợp nhau. Nhờ anh về thưa lại với gia đình.



Anh Giáp vào Huế, làm việc tại Quan hải Tùng thư, một nhà xuất bản do Tổng bộ Tân Việt chủ trương. Thực chất là anh tham gia sinh hoạt ở một tiểu tổ bí mật của Tân Việt. Sau đó, anh làm biên tập cho báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng.



Sau buổi gặp Quang Thái trên tàu, nhiều lần anh Giáp đạp xe qua cổng Trường Đồng Khánh hi vọng gặp lại Quang Thái. Anh nhìn vào sân trường thấy thấp thoáng các cô ngồi trên bãi cỏ xanh, những cô tha thướt đi dạo nhưng anh vẫn không gặp được Quang Thái.



Một hôm, anh Giáp đang làm việc ở nhà ông Lê Ấm, con rể cụ Phan Chu Trinh, thì có một thiếu nữ tìm gặp.. Một cô học sinh xinh xắn, giọng nói nhẹ nhàng, âm ấm. Cô có dáng mảnh dẻ, hai con mắt to rất sáng. Đang mải viết, anh Giáp ngẩng lên và sững sờ: chính là Quang Thái, người mà anh vẫn đi tìm bấy lâu nay.



Quang Thái gặp anh để nhận công tác của đoàn thể. Nhiệm vụ của đoàn thể giao cho cô là phát triển tổ "nữ sinh đỏ". Sau đó, do hoàn cảnh công tác, hai người gặp nhau nhiều. Anh Giáp có tình cảm với Quang Thái nhưng Quang Thái vẫn chỉ coi anh như một người đồng chí. Quang Thái dành hết tâm tư, tình cảm của mình cho chị Minh Khai. Chị rất lo lắng cho chị Minh Khai mới đi thoát ly.



Năm 1931, anh Võ Nguyên Giáp bị bắt vì tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Anh bị giam vào nhà lao Thừa Phủ. Đi qua nhà giam nữ, anh giật mình nhận ra Quang Thái. Quang Thái cũng đã bị bắt. Thời gian trong tù anh Giáp hiểu và yêu Quang Thái nhiều hơn. Người thiếu nữ 16 tuổi ấy nét mặt còn ngây thơ nhưng tinh thần thật bất khuất. Quang Thái có câu nói nổi tiếng dặn bạn tù: "Personne ne vous dénoncé, ne dénoncez personne" (Không ai tố giác bạn, bạn đừng tố giác ai). Bài thơ đầy khí phách của Quang Thái được truyền nhau khắp nhà lao:



Mười sáu xuân qua sống ở đời

Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi

Trông phường đế quốc lòng ngao ngán

Thấy bạn cần lao dạ rối bời

Quyết chí hi sinh thây kệ chết

Đem lòng phấn đấu mặc đầu rơi

Ngọn cờ vô sản bao giờ phất

Chín suối hồn ta mỉm miệng cười.



Cuối năm 1931, anh Võ Nguyên Giáp được ra tù với điều kiện phải trở về quê và bị quản thúc. Quang Thái cũng được trả tự do trong dịp này. Anh Giáp và chị Thái bắt đầu viết thư cho nhau. Anh Giáp hay đến nhà Quang Thái chơi. Các em Quang Thái rất quí anh. Quang Thái cũng bắt đầu yêu mến người con trai đất Quảng hiền lành nhưng mạnh mẽ. Quang Thái thích đôi mắt vừa hồn nhiên nhân hậu, vừa cương nghị, sắc sảo của anh. Lúc xa anh, chị thấy nhớ giọng nói ấm áp và ánh nhìn trìu mến anh dành cho mình.



Đám cưới hai người được tổ chức rất vui ở Vinh. Có cả một con heo quay đeo hoa tai đặt trên mâm đồng. Lúc đó chị Thái tròn 20 tuổi, anh Giáp 24 tuổi. Sau khi cưới, hai vợ chồng ra Hà Nội, lúc đầu thuê một căn nhà ở phố Đường Thành. Anh Giáp dạy Trường Thăng Long. Anh vừa dạy vừa lãnh đạo Đoàn thanh niên dân chủ trong trường.

Chị Quang Thái thi đỗ xuất sắc vào Trường Bà đỡ Hà Nội thuộc ngành y (sages femmes d'Etat). Nhưng sau chị bị đuổi học vì những hoạt động cách mạng trong giới học sinh, sinh viên. Cuộc sống của anh chị thanh đạm nhưng mỗi khi có các đồng chí đến nhà anh chị đều tìm cách giúp đỡ. Có những đợt đấu tranh cán bộ địa phương về đông, hai vợ chồng nhường chỗ ở và chia sẻ những bữa ăn giản dị gia đình cho anh chị em. Anh chị sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Hồng Anh.



Cuối 1939, Mặt trận bình dân đổ, Pháp khủng bố mạnh. Anh Võ Nguyên Giáp rút vào hoạt động bí mật. Anh được Đảng cử sang Trung Quốc hoạt động. Con gái Hồng Anh còn quá nhỏ, hai vợ chồng không thể cùng đi như đã hẹn. Anh Giáp phân vân, lo lắng khi để lại người vợ trẻ và đứa con còn quá nhỏ. Chị Thái động viên chồng: “Đây là một thời cơ lớn, trên đã muốn anh thoát ly thì anh nên quyết tâm. Mẹ con em tự lo được mà”.



Chị Thái gửi con về quê chồng - Quảng Bình, để đi hoạt động cách mạng. Chị được tổ chức phân công làm nhiệm vụ vận động phong trào phụ nữ, trí thức, công thương ở Hà Nội và các vùng lân cận. Đồng thời chị là liên lạc viên của Trung ương Đảng. Năm 1941, Pháp mở phiên tòa án binh xử chị Minh Khai ở Sài Gòn. Quang Thái rất thương chị. Để cha mẹ yên tâm, Quang Thái thuê thầy kiện và tìm mọi cách vào thăm chị trong nhà giam.



Buổi sáng hôm xử chị Minh Khai, Quang Thái ngồi ngay hàng ghế đầu. Quang Thái chỉ muốn chạy lên ôm chặt lấy chị, muốn ghi thật sâu hình ảnh chị trong ký ức. Mảnh thư chị Minh Khai ném cho đồng chí Lê Duẩn rơi ngay trước mặt bọn lính áp giải. Quang Thái nhanh tay giấu được.



Dự phiên tòa xử án chị Minh Khai ra về, Quang Thái khóc nhiều đêm. Chị Minh Khai đã bị kết án tử hình. Ban ngày phải lo công việc, nhưng đêm đến Quang Thái lại úp mặt xuống gối khóc. Vừa thương chị, Quang Thái lại vừa lo cho tính mệnh của chồng. Chị bớt lo khi nhận được thư của anh. Lá thư viết trên mảnh giấy thuốc lá nhỏ bằng nửa bàn tay. Chị run run mở thư, đọc những dòng chữ thân quen: “Chị đã mất vì mục đích cao cả, em đừng quá đau buồn”.



Về Vinh, chị Thái ở nhà mẹ. Lúc đó, trong nhà mẹ chị còn có anh Nguyễn Duy Trinh (sau này là bộ trưởng Bộ Ngoại giao). Năm 1942, trong một lần khám xét, bọn Pháp bắt anh Nguyễn Duy Trinh. Chị Thái cũng bị bắt hôm đó vì có một đồng chí trong phong trào bị bắt trước đó không chịu nổi tra tấn đã khai ra chị. Chị Quang Thái bị kết án 16 năm tù.



Trong tù, chị hết lòng chăm sóc, động viên chị em dũng cảm đấu tranh chống tra tấn, chống chế độ hà khắc của nhà tù thực dân. Chị còn dạy chị em trong tù học văn hóa. Bọn Pháp tra tấn chị để truy tìm anh Hoàng Văn Thụ. Chị kiên quyết không khai. Cuộc sống gian khổ trong tù cùng với những trận tra tấn dã man làm sức chị yếu dần. Những năm 1943-1944, trong nhà tù Hỏa Lò có dịch thương hàn.



Có kiến thức về y, chị Thái tận tình chăm sóc chị em bị bệnh. Cuối cùng, bản thân chị cũng bị bệnh thương hàn. Đến khi đã kiệt sức, chị mới được đưa vào nhà thương làm phúc. Linh cảm thấy ngày ra đi đến gần, chị nhắn mẹ chồng bế Hồng Anh ra cho mình gặp. Bà nội đưa Hồng Anh đi bằng xe lửa. Hai bà cháu đi được nửa đường thì nghe tin đoạn đường ray phía trước bị Nhật ném bom. Bà nội buộc phải bế cháu về. Năm 1944, chị Quang Thái mất mà không gặp được con gái lần cuối.



Khi chị Thái bị bắt giam, anh Giáp đã về nước theo chỉ thị của Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo khác xây dựng chiến khu Cao - Bắc - Lạng. Anh không biết chị Thái bị bắt giam. Nhiều khi ngồi dưới gốc cây trong rừng đại ngàn, anh mong đến ngày được gặp lại vợ và con gái. Do điều kiện hoạt động phải giữ bí mật, lâu lâu anh mới gửi về nhà một bức thư viết trên mẩu giấy thuốc lá khi có liên lạc trực tiếp. Anh chia sẻ với chị nỗi đau chị Minh Khai hi sinh. Anh không biết Quang Thái cũng đã hi sinh trong tù. Những lá thư chứa chan tình yêu viết trên giấy thuốc lá mỏng mảnh vẫn tiếp tục gửi về địa chỉ người đã mất. Nhưng nhà còn đây mà em đã mãi mãi ra đi, những bức thư ấy gửi về sẽ chẳng còn ai hồi đáp nữa rồi.





Cho đến một ngày tháng 4-1945, trong Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ họp tại Hiệp Hòa, Bắc Giang, anh Giáp mới nghe đồng chí Trường Chinh nói tin dữ mà tưởng anh đã biết:



- Chị Thái chưa kịp rút vào hoạt động bí mật thì bị chúng bắt... Cũng không ngờ chị mất ở trong tù.



Nỗi đau quá đột ngột. Anh Giáp lặng người hỏi:



- Anh nói sao?



Anh Trường Chinh rất ngạc nhiên:



- Anh chưa biết tin à?



Quang Thái mất rồi ư? Bị sốc quá mạnh, anh Giáp bàng hoàng đi sang buồng bên, bỏ dở cuộc họp... Anh không ngờ cái ngày hôm ấy, cuộc chia tay ngắn ngủi, bịn rịn bên hồ Tây lại là lần cuối cùng anh gặp người vợ thương yêu. Điều đáng sợ nhất trên đời không phải là chia tay, rời xa hay chờ đợi mà chính là sinh li tử biệt. Anh không ngờ lần tạm biệt ấy lại lần cuối anh còn nhìn thấy cô gái xinh đẹp, dũng cảm của anh.Anh bảo vệ được cả đất nước nhưng vợ của mình thì không. Còn gì bẽ bàng hơn khi vợ mình bị địch bắt, bị tra tấn, bị giết mà mình lại mình không biết. Còn gì hoang mang hơn khi đang trong cuộc họp quốc hội mới nhận ra mình là người cuối cùng biết vợ đã hi sinh. Nén nỗi đau riêng, anh trở lại với trách nhiệm của người chỉ huy đội tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tron đại tướng Võ Nguyên Giáp còn nỗi niềm riêng: trả thù cho người đồng chí, người vợ yêu đã hi sinh khi chưa tròn 30 tuổi.



Quang Thái mất, Đại tướng sốc lắm! Khi về nước ông cố gắng đi khắp nơi hỏi thăm tìm kiếm rất vất vả đi tìm nơi mà người ta đã chôn cất của Thái, vì thời đó người chết trong tù (có thông tin cho rằng bà mất tại nhà thương) như thế, có cả trăm cả ngàn ngôi mộ không tên nằm ở đó, chẳng biết phần mộ của vợ đang ở chỗ nào. Mãi sau này sau bao vất vả Đại tướng mới tìm thấy và đưa hài cốt của bà về nghĩa trang.



Theo năm tháng, cô bé Hồng Anh ngày nào đã trở thành giáo sư, tiến sĩ toán - lý xinh đẹp, thông minh, giàu nghị lực giống mẹ. Chị là người phụ nữ đầu tiên của ngành vật lý VN được tặng giải thưởng Kovalevskaia. Mẹ ra đi khi Hồng Anh còn quá nhỏ.



Kỷ niệm về mẹ Hồng Anh chỉ được nghe bà nội, bà ngoại và ba kể lại. Một tấm ảnh chụp chung với mẹ và những lá thư viết trên giấy cuốn thuốc lá đã ngả vàng được Hồng Anh nâng niu, cất giữ.



-------------------------



Một số bức thư Liệt sĩ Quang Thái gửi cho Đại tướng mà mình sưu tập được.



Gần như toàn bộ số thư được bà Quang Thái xưng hô bằng cách gọi là "Giáp" với "Thái", chỉ một số ít thư bà gọi "người yêu", sau này là chồng thì chuyển sang gọi bằng "anh". Trong thư bà kể những câu chuyện diễn ra xung quanh mình và nói về tình cảm đôi lứa với tư duy khá hiện đại.



Có bức thư bà viết: "Giáp đi phen này, Thái ở nhà nỗi nhớ nhung khó lòng khuây khỏa lắm…”. Hay một thư khác, bà viết: “Nhờ 6 ngày nay mà Thái hiểu Giáp hơn và có ái tình mật thiết hơn xưa. Bây giờ mới đúng là ái tình chứ không phải ái tình 6 tháng trước kia…”.



Có bức thư khi hai người đã kết hôn, bà kể đến cô con gái đầu lòng bằng câu chữ vừa yêu thương vừa có ý hờn trách: “... Con Anh đã ngủ từ lúc 8h. Nó vừa giở mình nằm nghiêng như người lớn… Giáp có biết lúc ở ga về Thái nghĩ gì không?... Nhớ những lần Thái tiễn Giáp ở Vinh ra Hà Nội, vừa đi như đi 'trong mộng'. Thái không biết ai đi chung quanh mình nữa. Về ẵm con, tắm cho con rồi Thái bế nó đi rong trong nhà mãi. Nhà vắng, trời chiều, mẹ bế con rươm rướm nước mắt”.



Bức thư nào của bà Quang Thái cũng thể nỗi nhớ nhung, quan tâm của người vợ trẻ đến chồng ở phương xa. Vì thế, đa phần những bức thư ấy mang âm hưởng buồn mà ai đọc qua cũng có thể dễ dàng nhận ra.



Trong một bức thư khác gửi tướng Giáp, bà Quang Thái viết: "Tối hôm qua viết dài đọc lại thấy không vui Thái lại xé bỏ. Giáp sẽ trách Thái… làm gì cũng không nhất định. Hôm nay không viết dài nữa… Ruột Thái đang rối lên đây. Óc loạn lên đây… Cơn buồn kéo đến!... Sao không bao giờ tôi viết được một bức thư vui? Buồn cười!”.



Tuy nhớ nhung, buồn thương nhưng người vợ trẻ luôn một lòng hướng về chồng. Trong một lá thư hiếm hoi bà gọi chồng bằng "anh": “Anh đã khỏe hơn chưa? Anh có mang theo gương không đấy? Hãy thử soi xem nước da có tốt hơn không?”. Một bức thư bà viết thể hiện rõ tấm lòng son sắt với chồng: “Tương lai với chúng mình khổ ư? Chúng ta có như ai mà mê giàu sang? Tinh thần, lý tưởng thì quyết bền vững, không như những thứ ái tình xốc nổi, yêu vì danh, lợi, tài, sắc”.





Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp