Chuyện tình của các chính khách Việt Nam

Chương 1: TÌNH YÊU ĐẸP GIỮA BOM ĐẠN CỦA ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH VÀ VỢ


1 năm

trướctiếp



Anh Thanh sinh trưởng trong gia đình trung nông. Năm hai mươi tuổi, anh vừa đi làm thuê vừa tham gia hoạt động cách mạng. Trong thời gian đi làm thuê, anh gặp chị Nguyễn Thị Cúc ở xã Nam Dương. Lần đầu tiên gặp nhau, anh Thanh đã để ý cô gái có gương mặt trái xoan với đôi mắt đen thông minh. Cô gái ấy lại có học. Gia đình chị Cúc khá giả, là cơ sở cách mạng thời kỳ những năm 1924-1925. Bố chị là một trong những người thường lui tới nhà cụ Phan Bội Châu. Chị Cúc đi hoạt động cách mạng rất sớm. Chị cũng thầm mến người tá điền thật thà, tốt bụng.

Anh Thanh chưa kịp ngỏ lời thì bị địch bắt. Lúc này, anh là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Dù không tìm được chứng cớ, tòa án vẫn tuyên án anh hai năm tù cấm cố. Anh bị đưa về nhà lao Thừa Phủ. Sau khi bị đày lên Buôn Ma Thuột, anh vượt ngục ra.



Cách mạng Tháng Tám thành công, anh Thanh làm Bí thư Khu ủy Khu 4. Anh rất quan tâm đến cán bộ, đặc biệt là cán bộ nữ. Có lần, chỉ vì nhiệt tình chữa xe đạp cho một cán bộ phụ nữ mà bị hiểu nhầm là anh có tình cảm đặc biệt với cô ấy. Tiếng đồn lan rộng làm anh phải thanh minh mãi. Anh vẫn đợi chị Cúc. Trong khi đó, gia đình chị Cúc giục chị lấy chồng vì đã đến tuổi. Gia đình định gả chị cho người cùng làng nhưng không thành. Chị có ý đợi anh.

Giữa năm 1946, anh chị gặp lại nhau ở Nam Dương, quê chị. Hai người làm đám cưới theo đời sống mới. Và từ đấy, anh chị cùng tham gia chiến trường Bình Trị Thiên gian khổ.

Có lần, anh chị gặp trận càn, mỗi người chạy một ngả. Anh vọt khỏi vòng vây, lặn qua con sông nhỏ trốn thoát. Chiều tối, giặc rút, anh ra bờ sông tìm xác vợ. Anh đinh ninh chị đã bị giặc giết vì chỉ thấy cái khăn quàng của chị trôi vật vờ bên sông. Bờ bên kia, chị cũng đang tìm xác anh. Hai người gặp nhau, mừng quá. Con đầu lòng của anh chị, Trường Sơn sinh ở chiến khu Hòa Mỹ. Hoàn cảnh kháng chiến khó khăn, cháu đau ốm luôn. Để khỏi trở ngại công tác và làm phiền các đồng chí chăm sóc gia đình mình, anh chị gửi cháu về làng nhờ bà con nuôi giúp. Nhưng rồi cũng không nuôi được. Sau này, khi vào miền Nam, anh đã lấy tên đứa con đầu lòng làm bút hiệu cho những bài bình luận nảy lửa về chiến tranh chống Mỹ.



Chị Cúc sinh con gái thứ hai, Thanh Hà, khi chị đang sơ tán ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Lúc ấy, anh Thanh đã lên Việt Bắc. Thời gian xa nhau, anh rất chăm viết thư cho chị:

“Cúc này, anh vừa bị sốt hai hôm. Anh nằm cứ trông thư Cúc. Anh đã gửi ít nhất bảy, tám cái thư rồi. Lần này, chỉ nhận được mấy hàng chữ của Cúc, đang đau mà hết. Nghĩ mãi, đêm nay không ngủ được. Cúc sợ anh biết Cúc đau sẽ lo sao mà không viết thư? Phải viết cho anh biết sức khỏe sau khi sinh đẻ chứ. Em cũng biết, hay nhớ nhung nhiều, hay sinh ra nghĩ thế này, thế khác. Tuy anh hiểu tính Cúc cũng ít viết thư. Cúc ơi, năng gửi thư cho anh. Chắc Cúc cũng muốn cho anh yên tâm. Nói thế nào cho hết tâm trạng của Thanh. Hôn Cúc và con”.



Trên đường đi công tác, Đại tướng dành cho người vợ yêu thương tình cảm lãng mạn khi mua tặng vợ một cây đàn mandoline. Bức thư được viết trên sổ công tác có in Tổng bộ Việt Minh, Liên khu 4, ngày…tháng… năm 1949.

“Em Cúc

Anh đi lần này không phải mệt lắm, vẫn khỏe. Mình về đường cũng dễ đi không có gì vất vả và nguy hiểm. Mua cho Cúc cây đàn Mandoline kẻo Banjo đàn dở, nhất là phụ nữ. Nghe Chương nói Mandoline cách đánh cũng như Banjo thôi. Ngày về mong Cúc đánh được đàn cho anh nghe. Kính gởi lời thăm bà, má và hai em…”

Năm 1950, anh Nguyễn Chí Thanh được làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Chị Cúc cũng theo anh vào quân đội. Hai anh chị sống trong một lán nhỏ trong rừng Việt Bắc. Hai cô con gái sau lần lượt ra đời. Cả gia đình hằng tháng sống dựa vào số gạo Nhà nước cấp theo tiêu chuẩn cho cán bộ. Thấy cháu yếu và anh cũng gầy, cơ quan mua cho một con bò cái để vắt sữa nuôi cháu và cũng để bồi dưỡng sức khỏe cho anh Thanh. Khi các cháu lớn, anh bảo các đồng chí phục vụ dắt bò sang trả cơ quan.

Chiến tranh ngày càng ác liệt. Cuộc sống khó khăn, gian khổ. Anh Thanh bị bệnh phổi vì làm việc quá sức. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch khuyên anh nghỉ và đề nghị Bộ Chính trị ra quyết định buộc anh chấp hành. Anh gửi báo cáo, xin chấp hành nhưng vì công việc đang bề bộn, đề nghị Trung ương cho phép làm xong một vài việc rồi sẽ yên tâm đi nghỉ. Thư vừa gửi hôm trước thì hôm sau Bác Hồ đột ngột đến. Bác đi đường tắt, bỏ qua tổ cảnh vệ. Khi các đồng chí gác trông thấy và xúm lại thì Bác đã vào trong nhà. Bác hỏi thăm sức khỏe anh và không chờ anh kịp thưa, Bác bảo luôn: 

-Bộ Chính trị đã quyết định rồi, chú sắp xếp đi nghỉ thôi. 



-Ngày xưa Bác cũng bị bệnh phổi nhưng kiên trì chữa thì khỏi.

Nghe Bác nói, anh chỉ còn biết chấp hành, phải nghỉ việc đi chữa bệnh.



Sau kháng chiến chống Pháp, anh Thanh được phong hàm Đại tướng. Lúc ấy, quân đội chỉ có hai Đại tướng: Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Chí Thanh. Gia đình anh Thanh được phân một ngôi biệt thự rất đẹp trên đường Thanh Niên. Anh bàn với chị xin chuyển về ngôi nhà cấp bốn giản dị ở đường Lý Nam Đế. Mất đứa con trai đầu trong chiến tranh, chị Cúc muốn sinh cho anh thêm một đứa con trai. Thấy chị yếu, anh Thanh không muốn chị sinh con nữa. Quá yêu chồng, mặc dù sức khỏe không tốt, năm 1957, chị sinh cháu út, Nguyễn Chí Vịnh.



Về Hà Nội, sinh hoạt khá hơn nhưng anh chị vẫn giữ mức sinh hoạt gia đình không cách biệt với những cán bộ bình thường. Tuy chồng làm Đại tướng nhưng chị Cúc sống rất giản dị. Chị luôn có ý thức giữ uy tín cho chồng. Chị có một lòng tin tuyệt đối: Anh ấy làm gì cũng đúng. 



Anh Thanh phụ trách việc phong quân hàm trong quân đội. Mỗi đợt phong, chỉ quy định một tỷ lệ nhất định. Một lần, cơ quan cán bộ trình lên anh danh sách cán bộ được đề bạt từ Thượng úy lên Đại úy, trong đó có chị Cúc, một sĩ quan rất xứng đáng được đề bạt. Nghe báo cáo xong, anh vừa cười vừa nói: “Đồng ý, trừ một người là cô Cúc. Cứ để lại, không vội gì. Không sao đâu. Tôi sẽ làm công tác tư tưởng cho cô ấy”.



Anh Thanh nghiện thuốc lá, mỗi ngày hút mấy bao thuốc. Sợ ảnh hưởng đến sức khỏe anh, chị Cúc chỉ phát cho anh mỗi ngày mười điếu. Nhưng nhiều lúc thương chồng, chị lại dúi thêm cho một điếu. Nhiều khi thèm quá, anh Thanh trốn vợ, hút thêm. Bị bắt gặp, anh đành phải nói dối:

- Đây là thuốc Bác Hồ cho.

Chị Cúc cười, không nói gì.

Cuối năm 1960, tình hình nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Anh Thanh được Trung ương chuyển sang làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương. Tưởng hòa bình về, vợ chồng được ở gần nhau. Nhưng chị Cúc lại phải xa chồng. Anh Thanh đi khắp nơi để tìm hiểu, nghiên cứu cách quản lý và rút kinh nghiệm nhằm phát động phong trào thi đua trong nông nghiệp. Mùa xuân năm 1961, phong trào thi đua “Đuổi kịp và vượt Hợp tác xã Đại Phong” được anh Thanh phát động. Không khí hoạt động sản xuất nông nghiệp sôi nổi hẳn lên.



Bắt đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ, anh Thanh trở về với quân đội. Thời gian ấy, chị Cúc không được khỏe, không thể cùng anh vào Nam. Chị ở lại Hà Nội công tác. Dù đang ở rất xa, cuộc chiến đang căng thẳng, anh Thanh vẫn chia sẻ nỗi vất vả việc gia đình với vợ. Hai vợ chồng chỉ còn được gặp nhau qua thư. Anh chị không tâm sự được nhiều vì nguyên tắc bí mật. Tình yêu của họ, những nỗi lo lắng về nhau phải ngụy trang bằng những quy ước, những dòng chữ khô khan. Việc chỉ huy đánh Mỹ của anh phải chuyển tên gọi thành “công việc làm ăn”.

“Tháng 9-1965

Anh Thao

Đã lâu không được thư anh, nóng ruột quá. Anh có khỏe không. Bà nội, các con đều khỏe. Các con cuối năm học tổng kết vào loại giỏi và khá. Hà A1. Bé tiến bộ rõ rệt. Hà, Tý rất ngoan. Vịnh lớn nhiều, láu cá lắm. Nay Vịnh đang cố học để viết thư cho ba.

Anh Thao ơi, Cúc dặn nhé: Công việc làm ăn của anh nặng nhọc nhiều, anh cố gắng bồi dưỡng đủ sức làm ăn lâu dài anh nhé. Cúc chỉ mong anh đừng ốm đau, làm ăn ngày càng phát tài hơn nữa, thu nhập ngày càng cao hơn. Rứa là Cúc và tất cả gia đình mừng rồi. Còn mọi việc ăn ở của gia đình đã có Cúc và bà con giúp đỡ, anh yên tâm.

Lần nữa mong anh khỏe-nhớ anh nhiều. Anh năng viết thư cho Cúc với. Vợ anh”.



Sau ba năm xa cách, năm 1967, anh Thanh ra Bắc mấy tháng. Nhưng anh chị cũng không có nhiều thời gian cho nhau. Ngày nào anh Thanh cũng đi làm việc tới khuya để chuẩn bị cho Chiến dịch Xuân Mậu Thân. Đêm cuối cùng, trước khi vào Nam, anh còn làm việc đến khuya với anh Song Hào và anh Lê Quang Đạo. Hai vợ chồng chưa nói chuyện được với nhau nhiều trước khi chia tay.





Đêm hôm ấy, mồng 5-7-1967, khu vực Lý Nam Đế mất điện. Trời oi bức. Anh Thanh vừa ăn bữa tối với Bác Hồ. Mọi thứ đều sẵn sàng. Sáng sớm ngày mai, anh sẽ lên đường vào Nam. Anh đi chuyến này để thực hiện nghị quyết mới của Bộ Chính trị với cách mạng Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đang rất ác liệt và kéo dài. Chưa biết đến khi nào anh trở ra Bắc. Chị Cúc nằm cạnh anh, thao thức. Lần chia tay này, chị sẽ còn phải xa anh bao lâu nữa? Bỗng nhiên, anh choàng vùng dậy nói với chị:

- Anh thấy trong người khó chịu lắm. Có cảm giác như nước chảy ào ào trong người. Cúc gọi xe đưa anh đi bệnh viện.

Đồng chí bảo vệ chạy đến đưa vai bảo anh bám vào để đồng chí cõng ra xe. Anh không cho cõng. Anh tự ra đến cổng để lên xe. Xe vừa đến bệnh viện thì anh ngất đi.

Chị Cúc không được đi theo xe. Bác sĩ bảo anh bị bệnh tim. Chị đi lại ngơ ngác, thẫn thờ trong sân nhà. Khi mọi người chở chị đến bệnh viện, anh Thanh còn thở thoi thóp, mạch đập rất yếu không hay biết gì nữa.



Buổi sáng hôm sau, trái tim nhà chiến lược quân sự tài ba của Việt Nam đã ngừng đập. Ngày tiễn anh, có đông đủ bạn bè, đồng chí. Bác Hồ gạt lệ bên linh cữu anh. Bác không ngờ người học trò của mình, người mà mình đặt nhiều hy vọng lại ra đi trước Bác. Chị Cúc ngất xỉu khi anh mất. Nỗi đau mất anh quá bất ngờ…



Bà Nguyễn Thị Thanh Hà con của Đại tướng kể “Chỉ sau khi ba mất, và đến cuối đời mẹ, hơn mười năm sau chúng tôi mới hiểu, hơn mười năm đó mẹ sống như trong địa ngục vì nỗi nhớ thương ba không gì bù đắp nổi, không quên đi được dù một phút, một giây.

Cuộc sống của mẹ những năm sau đó chỉ để nuôi dạy các con, khi đó em Vịnh còn bé quá và chúng tôi cũng chưa nên người – còn về tâm hồn, mẹ đã chết cùng với ba từ ngày 6 tháng 7 năm 1967.”





Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp