Sở Thừa Tắc đồng ý.

“Cứ làm theo ý nàng đi.

Sầm Đạo Khê thăm dò Nguyên Giang, lo nếu bọn Lý Tín chó cùng rứt giậu sẽ phá hủy đập Ngư Chủy, nhấn chìm Thanh Châu và phía nam nên muốn đào một con sông nhỏ dẫn nước từ khúc Đại Khảm thôn, dẫn nước vào sông Xích Thủy, như thế có thể bảo vệ xóm làng hai bên bờ.

Để phía Lý Tín không phát giác, việc đào sông phải âm thầm tiến hành, đúng lúc nàng muốn đào mương dẫn nước vào những xóm làng xa Nguyên Giang, có thể dùng việc này che giấu.”
Khi ấy Tần Tranh mới hiểu tại sao sau khi đi khảo sát Nguyên Giang với mình về, y đột nhiên đề xuất đến Hộ Châu một chuyến.
Việc đào một con sông khác hẳn với đào kênh dẫn nước để tưới tiêu.

Mang toàn bộ ngân lượng dùng để đào kênh ra cũng không đủ để đào sông.
Muốn đạt được hiệu quả dẫn nước giải trừ hồng thủy phải tính toán khả năng chứa nước tối đa của Nguyên Giang, lượng nước nhiều nhất có thể chảy vào sông là bao nhiêu, trừ đi lượng nước sông chính có thể chứa được, còn lại phải dẫn sang sông phụ.

Vì thế phải tính toán ra được sông rộng và sâu bao nhiêu mới đạt đến hiệu quả dẫn nước.
Quy hoạch xong hướng chảy của nhánh sông này, khi bắt đầu động thổ đào, ở cái thời đại không có máy xúc này, chỉ dựa vào sức người, muốn đuổi kịp tiến độ thì chỉ có thể huy động càng nhiều bách tính càng tốt.
Hao tổn nhân lực, cũng hao tổn vật lực.
Quan trọng nhất là hàng ngàn con người đi đào sông, động tĩnh lớn như thế, muốn che giấu quả thật rất khó.
Tần Tranh thuộc tuýp người hành động, lập tức lục tìm quyển sổ ghi chép về lưu vực Nguyên Giang người xưa để lại mà cô hay xem mấy ngày nay.

“Từ thôn Đại Khảm đào một con sông thông với Xích Thủy là chuyện không dễ dàng, ta phải tính xem con sông này phải chứa được bao nhiêu nước.”
Nếu không thể hoàn thành trong thời hạn định ra thì chỉ có thể xả bớt một nửa nước trong đập Đại Độ ở Thanh Châu.
Nhưng một khi xả đập Đại Độ thì sẽ không giấu được nữa.

Phía Lý Tín biết tin đập chứa nước của họ thiếu nước vậy chắc chắn sẽ không xả đập Ngư Chủy để dìm chết họ.
Năm nay Thanh Châu trồng trọt với diện tích lớn, qua hai tháng nữa là vào mùa đồng ruộng cần nước, nếu đập Đại Độ không có nước thì hoa màu sẽ bị hạn hán mà chết, đến lúc đó bách tính tất nhiên sẽ oán thán hành vi xả đập của họ.

Nếu Lý Tín châm dầu vào lửa, nhiễu loạn lòng dân thì họ sẽ mất nhiều hơn là được.

Như thế Lý Tín không cần tốn một binh một tốt nào, chỉ vì mối họa ngầm này mà họ tự đẩy mình vào thế hiểm.
Vì thế biện pháp ổn thỏa nhất trước mắt chính là âm thầm đào thật nhanh con sông dẫn nước.
——
Lý Tín phải gánh chịu tiếng oan đào lăng mộ người ta, đương nhiên là vô cùng phẫn nộ.
Văn nhân trong thiên hạ dùng ngòi bút chỉ trích mắng mỏ hắn.

Giả như hắn làm việc này thật thì không nói, đằng này lại là tiếng oan tai bay vạ gió.
Hắn biết chắc chắn sẽ có không ít cựu thần của Đại Sở bất mãn với mình, Sở thái tử lại càng biết làm người ta buồn nôn, lúc này lại đề bạt quận trưởng Mạnh Quận vì có công hiến kho lương, còn bảo hắn mang theo lễ hậu đi thuyết phục những người khác.
Những người được quận trưởng Mạnh Quận tìm đến đều là kẻ thấy gió chiều nào xuôi theo chiều ấy, Lý Tín sợ họ sẽ mang thành trì quy hàng Sở thái tử thật nên trong cơn giận dữ đã hạ lệnh giết vài viên quan bị thuyết phục, phái thân tín của mình thay vào vị trí ấy.
Địa bàn được giữ lại nhưng danh tiếng của hắn cũng càng thêm nát.
Những tâm phúc theo hắn từ Kỳ Huyện vội khuyên ngăn.

“Dư nghiệt triều trước hắt nước bẩn vào bệ hạ, bệ hạ hà tất vội xông tới nhận lấy?”.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play