- Chưa biết đề án của đại tá sẽ do ai sử dụng? - Nguyễn Thuần nói với Luân trong khi Luân đánh dấu chấm hết trong bản kế hoạch.
- Nghĩa là? – Luân hỏi lại.
- Đại tá quá rõ... - Thuần ngó Luân, mắt như giễu cợt.
Từ hôm đi cùng với Luân, Thuần ít nói. Nhưng Luân đánh giá viên thiếu tá phi công này không phải là “bình thường.” Anh ta từng nhận làm cò mồi cho ai đó để gài bẫy Dung, sau lại tỏ vẻ hối hận... Và anh ta được Nhu tin dùng.
- Chúng ta là quân nhân, nghĩa là chỉ biết kỉ luật! – Luân trả lời chung chung.
- Còn có những thứ kỉ luật khác nghiêm khắc hơn các hoa mai mà đại tá và tôi cài lên ve áo! Tôi nói kỉ luật của thời thế...
- Theo thiếu tá, thời thế sẽ ra sao?
- Câu hỏi như vậy nên để tôi đặt cho đại tá, một trong không nhiều người lắm ảnh hưởng đến thời thế...
- Thiếu tá coi tôi như Nã Phá Luân không bằng!
- Chắc chắn đại tá không là Nã Phá Luân. Trước hết, vì đại tá không thích làm hoàng đế, kế đến, vì thời gian chúng ta cách xa thời đại Nã Phá Luân đến một trăm năm mươi năm. Nhưng, đại tá dù không phải Nã Phá Luân vẫn phải gách vác trách nhiệm, có phần do người ta đùn cho đại tá, có phần do đại tá tự nguyện...
Nguyễn Thuần tiếp tục dồn Luân. “Anh ta hiểu mình như thế nào? Hiểu đến đâu?” Luân tự trách chưa đi sâu về anh chàng này.
- Tôi là một sĩ quan lái máy bay... Chưa ai có thể trình lí lịch gọn bằng tôi! Tôi thích ngành không quân, được tuyển đi học và lái máy bay, từ máy bay trinh sát, chiến đấu, ném bom đến vận tải. Có thể đại tá thắc mắc, tôi đóng trò bỉ ổi ở Buôn Mê Thuột để làm gì? Quá đơn giản.
Tôi thích bà – dù đã là phu nhân của đại tá – lúc ấy, mới là thiếu tá. Có người khích tôi? Vì sao họ khích tôi? Tôi không cần biết. Tôi nghĩ rằng không khó chinh phục một phụ nữ nếu tôi muốn. Tôi nhận lời thách. Nhận như từng nhận và từng thắng trước đây - kể cả với những bà nổi tiếng đức hạnh, vợ của tướng, bộ trưởng, thậm chí, vợ của các cố vấn nước ngoài. Tại Biệt điện, tôi thua – thua như một võ sĩ hạng ruồi lại nghinh chiến với võ sĩ siêu nặng. Tôi tự ái, căm ghét bà, căm ghét luôn ông. Nhưng, không lâu, tôi lại bị “nốc ao” lần nữa. Lần này, khác hẳn về diễn biến. Một bà – xin phép đại tá, tôi giấu tên, vả lại cái tên chẳng nghĩa lí bao nhiêu - từng buông thả vào vòng tay tôi, bỗng trở chứng ngay trong lần hò hẹn mà bà chủ động. Tôi bị kết tội toan cưỡng dâm một mệnh phụ. Đáng lí tôi vào quân lao để chờ ngày lĩnh một cái án, ít nhất cũng mười năm tù... Người ta làm ra vẻ rộng lượng và tôi phải chuộc tội. Tôi chuộc tội bằng cách lái máy bay chở thuốc phiện. Tôi được thăng cấp, Francisci tặng tôi tiền, nghĩa là đôla. Với đôla, tại Sài Gòn, tôi bảo một tay dắt mối tìm cho tôi một mệnh phụ đẹp và nổi tiếng đỏng đảnh. Kẻ đến hiến cho tôi chính là bà mệnh phụ nọ! Lần này, tôi đủ khôn ngoan. Tôi bố trí chụp ảnh lúc ân ái. Bà mệnh phụ khóc, thú nhận trước kia mê cái mã của tôi, lần bà hại tôi là do mưu của chồng, lần này, bà cần tiền... bà xin tôi hủy các bức ảnh... Tôi không đồng ý, phòng xa vẫn tốt hơn. Tôi ra điều kiện: làm trắng cái án cũ của tôi đi. Vài hôm sau, người ta tặng huân chương cho tôi với thông báo toàn quân chủng: Thiếu tá Nguyễn Thuần anh dũng trong công vụ, từ trước tới nay luôn luôn giữ đúng tư cách sĩ quan... Tôi xé ảnh, đốt phim trước mặt hai vợ chồng – tôi buộc chồng bà ta chứng kiến. Ảnh và phim vừa cháy, cả hai trở mặt: sẽ hủy huân chương và tôi phải ra tòa vì bản cung do tôi kí vẫn còn nguyên... Nhưng, tôi sẽ được khoan hồng nếu tôi lung lạc được bà Thùy Dung. Họ nói rõ cần các bức ảnh giống như tôi vừa đốt. Hai vợ chồng gã lái buôn mạt hạng này đắc ý không lâu: tôi bảo cho họ biết, phim đã phiên bản và tôi còn giữ nhiều ảnh... Người chồng thất thểu ra về, người vợ ở lại với mọi trò mà chắc người đứng đắn như đại tá không sao tưởng tượng nổi. Tôi tống cổ mụ ta ra cửa. Tôi kinh tởm. Tôi bảo: thà ngủ với điếm vẫn an toàn hơn, điếm có giá biểu, nếu nhỡ đụng phải vi trùng thì đã có bác sĩ, còn ngủ với loại điếm lậu, vừa đòi hỏi nhục dục vừa muốn giữ danh giá, vừa thèm tiền, vừa tráo trở thật nguy hiểm... Tôi cũng dạy họ, chớ đụng vào bà Thùy Dung...
Nguyễn Thuần nói một hơi và kết luận:
- Một chế độ như thế mà đại tá cùng tôi phục sự nó!
Thái dương Nguyễn Thuần giật giật... Anh ta không bịa, Luân tin ở xét đoán của mình. Đến một anh chàng trác táng còn hiểu được cái nhơ nhớp của cái gọi là “chế độ cộng hòa.” ... Sự cáo chung của nó là tất yếu. Nhưng, Thuần vẫn chưa khám phá bàn tay thực sự xô cả một tầng lớp thượng lưu vào tấn tuồng bỉ ổi đó. Thuần chưa hiểu và cũng chưa phải lúc làm cho Thuần hiểu.
Họ quay về, lần này theo lối khác: dùng đường bộ đến bản Huôi Xai của Lào rồi về Luang Prabang, nơi họ sẽ đáp máy bay tới thẳng Savanakhet. Lộ trình do Nhu quy định, để Luân quan sát được các con đường vận chuyển khác nhau. Bản Huôi Xai vẫn còn tương đối an toàn, ít ra đến vụ thu hoạch mùa xuân sang năm. Đoàn xe rời bản Huôi Then vào lúc gà rừng chưa gáy.
Đoàn xe vòng lên phía bắc thị trấn Mong Wao, rồi quặt xuống phía Nam, xuyên qua thị trấn Kentung - chỉ là một khu dân cư với vài hàng quán. Có vẻ dân địa phương quen với những đoàn xe kiểu này. Xe dừng, mọi người vào một quán điểm tâm. Chủ quán người Hoa rối rít mời khách. Một phụ nữ đen đúa cho con bú; một chú bé chắc chừng ba tháng, mặc dù trời khá rét, vẫn trần truồng.
- Chang Xưởng và vợ ông ta... - Nguyễn Thuần giới thiệu riêng với Luân.
- Người Quảng Đông?
- Phải, bà vợ người H’Mông.
Quán là một căn trong dãy nhà lợp ngói vách ván. Nếu không có người phụ nữ, Luân ngỡ mình đang ở Chợ Lớn. Bày trí, khói, mùi mỡ hành, tiếng dao băm thịt, giống mọi tiệm hủ tiếu. Đủ cả, xíu mại, dầu cháo quẩy, bánh bao... Sau cùng, cà phê và trà – trà ướp lài.
Lúc đoàn xe sắp rời quán, một toán người từ phía Mong Wao sải ngựa đến. Họ gồm trên hai chục, tất cả đều cầm súng carbine và đeo súng ngắn, kèm theo ngọn dao to bản đuôi bọc da dắt trên lưng, đội nón lá cọ rộng vành, đi giày nhà binh, có thể của Mỹ. Họ cột vào gốc cây trước quán bầy ngựa Bắc Thảo, bờm dựng đứng, không một người nào trong họ cao ngang yên ngựa.
Francisci lầm lì hẳn. Khi lên đến xe, anh ta nói với Luân
- Bọn U Ba Thiên đó.
Luân ngoảnh lại: các kị sĩ trông theo đoàn xe và hình như một gã nói điều gì đó với đồng bọn, vẻ nghiêm trọng, gã chủ quán cũng châu đầu vào...
- Có thể xảy ra việc gì? – Luân hỏi.
- Chưa biết... Cũng có thể không xảy ra việc gì cả. Ta đi xe, chúng đi ngựa... - Francisci trả lời. - Hơn nữa, chúng đã đếm số người của ta và nhất là đã thấy số người của ta được trang bị như thế nào...
Ba chiếc Land Rover gồm mười lăm tay súng loại tiểu liên cực nhanh, cực mạnh, chưa kể đến Francisci và nhóm Luân, không kể lái chính và lái phụ đều có súng tùy thân, mỗi xe thêm một trung liên.
Đoàn xe theo con đường đá từ Simao của Vân Nam đổ theo triều Đại Lĩnh qua đầu nguồn sông Mê Kông, xuôi xuống Nam. Đó là quan lộ duy nhất nối miền heo hút này với thế giới bên ngoài. Đường mở vào năm 1941, nay hư hỏng nặng. Tốc độ của đoàn vì thế rất chậm, đôi đoạn nhích từng mét một. Hai bên đường không có làng, bản; các nương ngô cũ cây cỏ dại bít chịt. Mãi trước lúc mặt trời lặn, đoàn mới đến xóm nhỏ, với năm ba ngôi nhà sàn.
- Đây là nơi giáp giới Thái Lan. - Nguyễn Thuần chỉ cho Luân trên bản đồ cùng tô màu đỏ sậm; dải núi Tanen Tong ngăn Miến Điện và Thái Lan.
- Chúng ta vẫn còn ở độ cao gần 2.000 thước. - Nguyễn Thuần nói tiếp.
Bữa cơm nếp thịt gà thật ngon miệng, Francisci cấm các người trong đoàn uống rượu.
- Đoạn thử thách bắc đầu... - Francisci gọi toán bảo vệ quây quần chung quanh anh ta căn dặn. Xe chở Francisci và nhóm Luân chạy giữa, hai xe bảo vệ chạy trước và sau. Mọi người ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Đoàn xe bấy giờ chuyển sang hướng đông
- Khoảng mười giờ, chúng ta vượt sông Mê Kông; trễ lắm hai giờ sáng cũng tới bản Huôi Xai. – Francisci xem đồng hồ tay bảo Luân.
Đoàn xe theo đường mòn, xuống dốc dần. Họ vượt qua một thung lũng chắc có cư dân – ánh lửa, ánh đèn ẩn hiện sau đám lau sậy.
Đến sông. Nước dân cao bởi đang mùa lũ. Xe được chở trên chiếc bè kết bằng nứa, lần theo sợi dây mây căng trên hai bờ. Các đoàn lặng lẽ, luôn những người chống bè.
- An toàn rồi! – Francisci thở phào khi xe lên bờ. Anh ta cho phép cả đoàn hút thuốc, nghỉ ngơi giây lát.
Luân bấm đèn pin soi bản đồ, chợt hỏi:
- Từ Kentum đến bản Huôi Xai ngoài đường mòn dùng cho xe hơi mà chúng ta đang đi có con đường tắt nào chỉ đi ngựa?
- Có. – Francisci trả lời - Một con đường rất hẹp, ngoằn nghèo, gần như song song với xe hơi, trịch về phía Bắc...
- Hai con đường sẽ gặp nhau ở đâu?
- Ngay trên đỉnh đồi trước mặt chúng ta...
- Vậy thì chúng ta nên đi ngay, thật nhanh!
Francisci như hiểu ra nhưng lại nhún vai.
Đoàn xe gấp rút rồ máy, vách núi dựng đứng, xe chậm chạp bò lên đồi.
- Trong số người của U Ba Thiên mà ông gặp ở quán, có ai là sĩ quan? Hoặc cầm đầu? Họ là người thuộc tộc nào? – Luân hỏi.
- Hai thằng chỉ huy, một thì tôi từng chạm mặt song không biết tên, nó nguyên doanh trưởng của Lý Mật – như tiểu đoàn trưởng – sau này về với U Ba Thiên. Một thằng phó chỉ huy, tên Vàng Pao, vốn là tướng cướp. Phần lớn số đó là người H’Mông, cư trú vùng này.
- Hình như U Ba Thiên có căn cứ ở Thượng Lào?
- Đúng, hơn trăm cây số phía đông bắc Huôi Xai, sát biên giới Vân Nam... Vàng Pao chỉ huy căn cứ đó.
- Ông Francisci, ông cho phép tôi bố trí đoạn đường này... Theo tôi, chúng ta chưa an toàn.
Francisci cười nửa miệng:
- Xin mời đại tá, phòng xa tốt thôi, nhưng cũng chỉ là phòng xa. Qua ngọn đồi này, chúng ta đã đến các bản ngoại vi thị trấn bản Huôi Xai, cách ngọn đồi không xa, đồn binh của tướng Raticun...
Luân không tranh cãi với Francisci
- Chú Thạch! – Luân bảo – Chú lái xe thay tài xế...
Thạch trèo lên chỗ tay lái. Người tài xế cũ lầm lì ngồi xuống chỗ của Thạch.
- Tôi sẽ ngồi chỗ người phụ lái! – Luân quyết định tiếp, anh lôi khẩu trung liên lên ghế đầu với anh.
- Thiếu tá Thuần, thiếu úy Tường, khi tình hình cần nổ súng, chú ý bắn cấp tập... Ông Francisci, ông dặn số bảo vệ cũng làm như thế.
Francisci ra lệnh cho tổ bảo vệ trong xe và gọi bộ đàm cho hai xe hộ tống, dặn một cách chiếu lệ.
- Thế còn tôi? Tôi làm gì? – Francisci hỏi, vẫn cười.
- Phiền ông nạp đạn giúp tôi! – Luân bảo, không hề ẩn giấu ý đùa cợt.
- Nạp đạn? – Francisci hỏi ngạo nghễ - Tôi mà nạp đạn cho đại tá? Đại tá xem tôi là hạng người nào?
Francisci lên giọng:
- Chính tôi cầu mong bị phục kích ngay lập tức, để đại tá đánh giá lại tôi như tôi vốn có cái giá ấy... Làm một tên nạp đạn! Hừ!
- Hình như có tiếng vó ngựa… – Luân lắng nghe – Đúng, tiếng vó ngựa rầm rập.
Francisci cũng nhô người qua cửa xe, lắng tai.
- Ừ, tiếng vó ngựa... Khá đông!
- Chú Thạch đạp hết ga nghe! Bóp còi giục xe trước... Ta phải chiếm đỉnh đồi trước họ...
Chiếc Land Rover rùng mình, chồm chồm trên những đoạn đường gồ ghề, một bên vách núi, một bên vực thẳm.
- Cẩn thận! Giặc đâu chưa thấy mà xe lăn xuống vực, chết ráo bây giờ... - Người tài xế cũ hậm hực. Trước kia ở trong quân đội Bảy Viễn, gã đầu hàng Diệm, được giao lái xe đường này, đã hơn năm năm.
- Ngựa thồ của tụi Mèo đi chợ phiên, đâu phải giặc. – Francisci đốt thuốc. Nhưng Francisci chưa kịp hút thì từ đỉnh đồi súng nổ rộ, có cả carbine, súng trường và trung liên... - Cái gì? – Francisci quăng điếu thuốc, rút khẩu Vesson.
Súng càng nổ dữ dội. Francisci luống cuống. Anh ta gọi vào máy bộ đàm, mong liên lạc được với đồn binh của Raticun. Đồn binh trả lời: bọn U Ba Thiên phục kích đấy và đồn không đủ lực lượng để giúp Francisci. Francisci quăng ống nói, giọng lạc hẳn: “Nguy!” Chiếc xe đi đầu trúng đạn, quay ngang, Francisci toan phóng xuống đất, Luân giữ anh ta lại: Đừng!
- Tắt đèn, tăng ga! – Luân ra lệnh cho Thạch. Francisci mọp sát, núp sau lưng Luân.
Đạn vạch từng dây, từng chấm đỏ ối, tuôn xối xả. Khi đến sát chiếc xe dẫn đầu đang quay ngang, Luân ra lệnh:
- Nhảy ra!
Anh là người trước tiên kê khẩu trung liên lên thành xe, miết cò.
- Chúng nó chỉ có một khẩu Bren thôi!
Luân vừa thay băng đạn vừa nói.
Chiếc xe đoạn hậu dừng lại từ xa, bắn ẩu. Nhiều phát đạn véo ngay cạnh bọn Luân.
- Ông bảo họ đừng bắn, thế mà cũng gọi là bảo vệ... - Luân nổi cáu, quát Francisci.
Súng từ đỉnh đồi tuy rộ nhưng rõ ràng không phải là những xạ thủ chuyên nghiệp
- Thiếu tá Thuần, ông lợi dụng những tảng đá bên sườn núi, bắn thật rát vào khẩu trung liên của chúng nó.
Thuần chấp hành lệnh của Luân khá tốt. Khẩu Bren im bặt...
Súng trên đỉnh đồi thưa dần...
- Chú Thạch thử khởi động xe! – Luân chỉ vào chiếc xe đang là công sự của họ - Tôi bắn yểm trợ, chú quay đầu xe lên đỉnh đồi, bật pha.
Ánh pha soi rõ đỉnh đồi. Luân bắn liên tục.
- Phóng lên đồi! – Luân đập vỡ kính chắn gió, nhả đạn về phía trước.
Xe lên đến đỉnh đồi. Chỉ còn vài phát carbine lẻ tẻ của những tên tháo chạy. Mấy con ngựa lăn kềnh, máu đầy mặt đường. Mấy tử thi, kể cả xạ thủ khẩu Bren, mấy người bị thương kêu khóc.
Francisci nạp đạn vào khẩu Bren, nằm xuống, theo ánh pha nhằm số lố nhố lưng đồi quát:
- Cho bọn mày biết tay Francisci!
Nhưng, anh ta chưa bóp cò thì Luân đã giật khẩu trung liên.
- Không bắn! - Giọng của Luân thật nghiêm.
Francisci ngỡ ngàng
- Ông gọi họ: đừng sợ, ở đó ta giao người chết, bị thương của họ. Ông gọi ngay đi!
Francisci đứng lên, ngó Luân trân trối. Nhưng, anh ta làm đúng theo lời Luân.
- Chưa đủ sao? - Giọng Luân khàn đặc – Vô lí đến bao nhiêu người chết, chưa đủ sao?
Người của U Ba Thiên được đưa lên xe, mang xuống đồi. Tổn thất của U Ba Thiên trên đỉnh đồi không nhỏ: năm chết, bảy bị thương. Phần của Francisci nhẹ hơn nhiều: tài xế chiếc xe đầu trúng đạn, chết liền, số còn lại chỉ bị xây xát.
- Ta đánh một trận giặc thực sự, nhưng để làm gì? - Nguyễn Thuần hỏi Luân. Luân cắn môi, không trả lời.
- Ông đụng độ như vậy bao nhiêu lần rồi? – Lúc sau, Luân hỏi Francisci
- Ác liệt, thì đây là lần đầu...
Luân tư lự. “Bọn U Ba Thiên chỉ là đám cướp, không thạo đánh trận, nếu tên chỉ huy có kiến thức hơn... Không cần chiếm đỉnh đồi, cứ dựa vào vách núi bắn tỉa, chẳng ai có thể thoát đạn của họ.”
- Thật là vô lí! – Luân lầm bầm - Những cái vô lí nhất trên thế gian chạm trán tại vùng hoang dại này...
Khi đoàn xe lăn bánh, Francisci nói với Luân, giọng đứt quãng.
- Tôi thách đại tá bắn súng... Đại tá từ chối. Tại đây tôi chỉ có thể làm người lắp đạn cho đại tá...Và, khi tôi lấy lại can đảm, đạn của tôi lạc lõng... Đó là tôi chưa nói cái sai lầm lớn của tôi, chỉ khoảnh khắc, đưa chúng ta vào chỗ chết. Đại tá, về hình thể, thấp hơn tôi ít nhất cũng một tấc, nhưng về trí tuệ thì hơn tôi cả một cái đầu, còn gan dạ, lòng nhân hậu... tôi không biết phải đo bằng gì cho xứng... Tôi không tin Chúa, thế mà lần này, tôi nghĩ là Chúa phái đại tá đến với tôi! Một người như đại tá cần ọi chỗ. Nếu đại tá nhận lời, tôi xin làm một tay giúp việc... - Francisci bỗng thủ thỉ - Thưa đại tá! Biết đâu đến lúc nào đó, đại tá cần tôi. Súng chẳng hạn. Tôi biết đại tá theo sức tôi có. Tiền? Đại tá gọi một tiếng... Đại tá không dùng tiền cho cá nhân mình, rõ ràng như vậy!
“Vô lí! Bao nhiêu người chết...” - Luân ngó thi thể người tài xế trong xe, tiếp tục nghĩ.
- Tôi hiểu những cuộc nổ súng vừa rồi thật vô lí, khiến đại tá đau lòng. Nhưng, xin đại tá đừng giận, tôi sinh ra không để làm những việc có lí. Nếu có thể, lần đầu và chắc cũng là lần cuối, tôi sẽ thử làm việc có lí... Việc đó có liên quan đến đại tá!
Luân liếc Francisci. Gã dân đảo Corse dù hết sức bừa bãi về đủ các mặt vẫn chưa phải mất sạch lương tri.
Dưới bầu trời khuya lung linh sao, Francisci sốt ruột nhìn Luân như chờ một cái gật đầu. Phía trước đoàn xe, thị trấn Huôi Xai mờ ảo trong sương...
*
Luân về đến Sài Gòn, không ghé nhà mà đi thẳng vào Dinh Gia Long. Nhu tiếp Luân rất thoải mái. Nghe Luân xong – Luân trình bày kèm bản đồ bản Huôi Then, sơ đồ bố phòng, các yêu cầu xây dựng công sự và vũ khí, quân số... - Nhu hỏi tỉ mỉ nhiều khía cạnh của cơ sở chế biến bạch phiến, mặc dù anh ta chỉ giao cho Luân nhiệm vụ xem xét và đề xuất ý kiến về phòng thủ. Nhu xúc cảm thật sự trước cuộc đụng độ gần bản Huôi Xai; Luân chỉ thuật qua nhưng Nhu lại dừng ở đó khá lâu.
- Tôi đoán là anh có thể gặp nguy hiểm nhưng không ngờ nguy hiểm đến mức như vậy. Cũng may anh là sĩ quan quân đội, bằng không... Tôi phải cảm ơn anh, anh không thích tôi vẫn cảm ơn. Ít ra, anh cũng giúp tôi yên được một bề. Người Mỹ muốn bóp chẹt viện trợ cỡ nào, tôi cũng không sợ. Francisci sắp sang Hongkong. Khách hàng của ông ta đòi số lượng “hàng” lớn hơn trước đây gấp ba gấp bốn. Chúng ta phải có đủ tiền để nuôi quân. Chúng ta cần tiền cho chiến dịch “giải độc” – chúng ta tiêu tốn không ít ột bài viết tốt về chúng ta đăng trên một tờ báo lớn ở Mỹ. Sắp tới, tôi phải chi thật hào phóng cho phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc. Một nhóm nhà sư gửi thư riêng cho tôi, họ xin thành lập tổ chức bảo vệ tôn chỉ đạo Phật, ủng hộ Chính phủ chống lại phe quá khích, không thể để cho họ chạy theo các đám cúng; họ cần ra báo, lập trụ sở... Còn “Bravo” nữa. Trần Quang Bửu dốt về chính trị nhưng thạo về cách tiêu tiền sao cho có lợi...
Nhu càng nói càng hồ hởi:
- Nhà tôi báo tin, cuộc gặp gỡ với giới chính trị và báo chí ở các nước La Mã, Pháp, Mỹ của phái đoàn ta đạt kết quả không ngờ... Dư luận thế giới bắt đầu chuyển hướng có lợi cho chúng ta. Có lẽ vì vậy mà Tổng thống Mỹ quyết định cử sang đây Bộ trưởng quốc phòng và tướng Taylor chứ không cử những nhà chính trị. Nghĩa là, điều mà Mỹ quan tâm không phải là chuyện Phật giáo. Cần thêm sức mạnh quân sự để chúng ta mau chóng đẩy lùi Việt Cộng. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy cần quét sạch mọi mầm nguy hiểm từ trong ruột của chúng ta. Không rảnh tay trong đối nội thì khó thể thắng kẻ thù, càng khó ăn nói với Mỹ. So với lúc anh đi, tình hình khả quan hơn nhiều... Bây giờ, anh nghĩ. Rất tiếc anh không thể nghỉ dài ngày. Trưa mai, anh nên nắm vững tin tức, các báo cáo và có thể tướng Taylor gặp anh, tất nhiên, về những vấn đề đơn thuần quân sự.
- Về việc anh vắng mặt, tôi đã bảo Việt tấn xã sửa soạn một bản tin, theo đó, anh thị sát lực lượng hải quân theo lệnh của Tổng thống... - Nhu nói tiếp.
- Có lẽ không nên...- Luân lắc đầu – Có lẽ, Việt tấn xã đừng nên nhắc đến tôi. Còn những người tò mò, tôi có cách làm họ tin.
- Cũng được... Tùy anh. À! – Nhu chợt nhớ - Anh đừng nói gì với Tổng thống về chuyến công tác của anh.
Luân chào Nhu ra về. Luân cảm giác Nhu không đủ minh mẫn như trước, từ việc lớn đến việc nhỏ. Tuy chưa nắm tất cả tin tức, Luân khẳng định rằng Lệ Xuân không gặp may như Nhu khoe: Mac Namara sang Sài Gòn không có nghĩa Kennedy đặt quân sự cao hơn các rắc rối về nội bộ Nam Việt, hoặc do nhu cầu quân sự mà phải kết thúc nhanh các trở ngại chính trị. Tại sao lại không là một thứ nghi binh trước khi Mỹ hành động? Luân hiểu Kennedy đứng trước một khó khăn lớn nhất của nước Mỹ đối với Nam Việt từ 1954, thế lực ủng hộ Diệm vẫn còn trong chính giới Mỹ, thậm chí trong CIA, và bài toán mà CIA chưa tin vào đáp số: cái gì xảy ra sau Diệm?
Nhu đã tự lừa dối mình. Khi bắt tay từ giã, Luân thấy Nhu cười, Luân không cười. Anh muốn giữ thái độ độc lập trong cách phán đoán tình hình. Đọc được ý nghĩ của Luân, Nhu bảo:
- Anh không vui? Anh quên Rabelais rồi sao? Tôi nhắc nhé, Rabelais nói: “Mieux est de ris que de larmes, écrire pour ce que rire est le propre de l’homme!”(2)
(2) Tốt hơn là viết về cái cười hơn là bàn về cái khóc, vì cười là thuộc tính của con người
Nhu dựa vào một câu triết lí của nhà văn Pháp - chỗ dựa của Nhu mong manh đến thế. Nhu vốn ít cười. Bây giờ anh tìm chút lạc quan trong tiếng cười. Có lẽ đó là dấu hiệu hoảng loạn thần kinh của Nhu dễ thấy nhất.