- Chờ thời cơ! Biết đâu… – Francisci nhướng mày theo lối anh chị của dân Corse.
Trời vừa tối, Nguyễn Thị Lý mời cơm cả đoàn.
- Quý vị chưa biết tôi... nhưng ông chủ Francisci thì biết... Hai vị này cũng biết… - Mụ Lý chỉ Thuần và Tường – Quý vị chớ ngại, với những bạn bè của ông chủ Francisci, khách sạn “Con gà vàng” tiếp đãi chu đáo, không lấy tiền phòng, không lấy tiền cơm.
- Bởi vậy, đến Savanakhet tôi không thể chọn chỗ nào khác. – Francisci đùa.
- Ông chủ thì đâu phải ngại tốn mà đến đây... Của riêng vẫn dành cho ông chủ.
Mụ Lý nheo mắt cười. Luân hiểu hai người đang nói về gái. Và ngay lúc đó năm cô gái ùa vào phòng. Mà cô sà vào đùi Francisci, cả năm cô đều là người lai: Hoa – Lào, Hoa - Việt hoặc Hoa – Thái, hết sức khêu gợi.
- Ông chủ chưa giới thiệu hai vị khách lạ với chúng tôi. - Mụ Lý ngó Luân và Thạch.
- Đây là ông Thành, người trong công ty của tôi. – Francisci chỉ Luân – Còn đây là ông Chuẩn, em họ của ông Thành... - Francisci nói về Thạch.
- Vậy, tôi may mắn gặp một ông chủ nữa. Xin chúc các vị ngon miệng. Các cô sẽ hầu các vị... Tôi xin kiếu...
Mụ Lý ra ngoài. Luân thầm khen Francisci khôn khéo trong đối phó.
- Đại tá chú ý, có thể bị chụp ảnh! - Nguyễn Thuần ghé sát tai Luân thì thào.
Không phải ai đó cần ảnh Luân đang ôm trong lòng một cô gái - người ta cần biết những cộng sự của Francisci. Nguyễn Cao Kỳ sẽ đặt câu hỏi: Luân sang Lào làm gì? Nhưng làm sao ngăn được? Cabot Lodge, Jones Stepp, thậm chí Maxell Taylor sẽ nhìn Luân với cặp mắt: thì ra gã là tay buôn bạch phiến.
“Được, mình có cách...” - Cuối cùng rồi Luân bình thản trở lại. Anh tỏ cho Thuần hiểu anh không sợ.
Chỉ có hai cô gái được giữ suốt đêm, một với Francisci, một với Tường.
*
Ngày hôm sau, họ đến Vientiane, bằng chuyến bay thường lệ của hãng hàng không dân dụng Lào. Tất cả nghỉ ở nhà khách của hãng, Francisci tiếp họ với tư cách Tổng Giám đốc. Buổi chiều, Francisci vắng nhà. Khi đi, chiếc cặp của anh ta căng phồng, lúc về, lép kẹp. Anh ta làu bàu: mất đứt hơn một vạn dollar.

Bữa cơm vội vã. Trời sụp tối, đoàn lặng lẽ rời nhà khách, ra bờ sông. Họ ngồi trên một chiếc thuyền vượt sông, không gây một tiếng động nhỏ. Đổ bộ lên đất Thái Lan, họ âm thầm nối đuôi nhau – Francisci dẫn đầu - băng qua cánh đồng khá rộng, sau đó lẩn vào rừng. Thỉnh thoảng, Luân nghe tiếng huýt sáo và Francisci đáp lại cũng bằng huýt sáo...
- Ổn rồi! – Francisci thở phào khi cả nhóm lọt ra một con đường mòn.
Ánh đèn pin lấp loáng trước mặt họ.
Ba chiếc Land Rover chực sẵn. Francisci mời Luân lên xe. Xe nổ máy. Trước và sau Luân là xe bảo vệ: Luân đã thấy tốp người mặc quân phục Thái Lan mang tiểu liên.
Đoàn xe theo con đường gồ ghề chạy mãi về hướng tây bắc.
- Các bạn nên ngủ... Ngủ trong tư thế khó chịu nhưng nên ngủ. Nhanh gì cũng phải quá nửa đêm chúng ta mới đến trạm. Sẽ có một bữa ăn khuya đền bù... - Francisci khuyên mọi người, anh toa xoải chân, tựa đầu vào thành cửa, một lúc sau, đã ngáy...
... Nơi mà đoàn xe đến là một thị trấn không to, nhưng khá sầm uất. Nguyễn Thuần cho Luân biết tên thị trấn của Bắc Thái Lan này: Chiêng Rai. Và, họ vào dinh của viên huyện – ông ta xun xoe đón Francisci, dù đã nửa đêm.
“Ghê thật! Francisci xỏ mũi cả huyện trưởng Thái” – Luân thực tâm phục tài Francisci.
- Chúng ta ăn thật nhanh. – Francisci giục mọi người.
Hai giờ sáng, ba chiếc Land Rover lại lăn bánh và độ nửa giờ sau, đến một đường băng, ở đó, một chiếc C.47 đã đợi họ.
- Chúng ta phải bay đêm. Không thể đến “Tam giác Vàng” vào ban ngày được. – Francisci bảo Luân.
Nguyễn Thuần và Tường vào buồng lái. Francisci, Luân, Thạch cùng nửa tiểu đội vũ trang ngồi bẹp ở khoang giữa – không có ghế. Mùi thơm bốc nực mũi: đây là máy bay chở thuốc phiện.
Máy bay nặng nề rời đường băng. Ánh sáng lù mù của thị trấn Chiêng Rai lùi dần.
- Nhớ tắt đèn báo hiệu! – Francisci mở cửa buồng lái nhắc Thuần.
- Chúng ta sẽ đến nơi trước rạng sáng – Francisci bảo Luân.
... Chiếc C.47 đáp xuống đường băng, lấy chuẩn từ mấy đống lửa. Trời còn tối, Luân không nhìn thấy khu vực - một màu đen sẫm.

Họ lại lên những chiếc Land Rover. Vẫn đường mòn xuyên rừng, chỉ khác là nhiều dốc. Trời mát lạnh. Họ đang ở trên một cao nguyên.
- Đến rồi! – Francisci nhảy ra khỏi xe. Trời vừa hửng, Luân có thể nhìn rõ vòng rào kẽm gai, tuyến chiến hào bao bọc một khu giống doanh trại quân đội.
Chiếc cầu treo từ từ thả xuống. Đoàn xe qua cổng. Những người lính – khó mà đoán họ thuộc sắc tộc gì - mặt lầm lì, chào Francisci theo nhiều kiểu. Họ trở nên rạng rỡ khi đám bảo vệ lôi trong xe ra những thùng rượu...
Tam giác Vàng là một khu vực nằm trên tả ngạn sông Saluen – con sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng chảy qua Vân Nam, đông Miến Điện, đổ ra Ấn Độ Dương ở vịnh Martoban - độ cao hơn 1.000 mét so với mặt nước biển; là giáp giới của ba nước: Trung Quốc, Lào và Miến Điện mà phần đất của Miến Điện như chiếc gối nhô sâu vào tỉnh Vân Nam đến hàng trăm cây số. Nhiều tộc cư trú tại đây, Thái, Môn – Khơme, Tạng - Miến, Mèo – Dao... Trong lịch sử xa xưa, khu ba biên giới này không được xác định rõ rệt, lại rất hẻo lánh - gần như tách với thế giới vì không có đường giao thông thuận lợi - thường xảy ra tranh chấp giữa các Chính phủ, chủ yếu là giữa các bộ tộc, các lãnh chúa. Dân cư bên này hay bên kia biên giới vốn có họ hàng với nhau nên sự phân định địa lí chỉ có ý nghĩa tương đối. Đặc biệt, tộc Mèo – Dao tránh sự xâm chiếm của người Hán ở phương Bắc, từ nhiều thế kỉ trước đã tràn xuống vùng biên giới. Thời kì cuối Minh đầu Thanh, những vua nhà Minh kéo dài cuộc đề kháng tại đây. Tại đây, vua Vĩnh Lịch của nhà Minh bị Ngô Tam Quế bắt và bị giết. Do đó, một số người Hán định cư luôn, và nhờ trình độ văn hóa và tài tổ chức, họ thành thống lĩnh các bộ tộc, nói chung, sống ngoài vòng pháp luật của Chính phủ ba nước. Trong Thế chiến thứ hai, Anh và Mỹ dùng con đường Miến Điện tiếp tế cho Tưởng Giới Thạch, qua ba biên giới. Quân đội Nhật không mò tới khu vực này. Khi Trung Cộng kiểm soát lục địa Trung Hoa, một bộ phận quân của Tưởng Giới Thạch lại chọn vùng ba biên giới làm căn cứ ẩn náu.
Là phần đất nhiệt đới nhưng khí hậu mát mẻ do độ cao, cây á phiện mọc khắp vùng. Cây á phiện trong vùng - rộng đến nửa triệu cây số vuông – cho chất lượng nhựa tốt hơn tất cả á phiện trồng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Bắc Việt Nam, Trung Á... Nơi giáp giới ba nước nghiễm nhiên thành “Tam giác Vàng,” nguồn lợi lớn, cứ mỗi năm năm lại lớn hơn. Với cây á phiện, tình hình khu vực đột nhiên phức tạp. Các thế lực buôn lậu á phiện quốc tế tìm cách thâm nhập “Tam giác Vàng.” Luân khi nhận nhiệm vụ của Nhu, nghiên cứu mấy nét về vùng này.
Kasen, từ gốc Miến Điện: Kayin, có nghĩa là “man rợ” do thực dân đặt ột sắc tộc trên cao nguyên Dawna và lưu vực sông Tennaserrin. Vào thế kỉ XVII, các nhà truyền giáo Anh thu hút hàng trăm nghìn người Kasen vào đạo Thiên Chúa trong tổng số bốn triệu dân Kasen, xui Kasen chống lại các cuộc nổi dậy của Miến Điện – năm 1947, Anh tổ chức mặt trận Kasen với quân đội hẳn hoi.
Sau này mặt trận phân hóa, phe nắm các nhóm Kasen mà bọn buôn á phiện lậu là thế lực chi phối quan trọng, thậm chí đứng đằng sau cả “Phong trào đòi quốc gia Shan độc lập.” Xứ Shan thuộc Miến Điện, liền ranh giới “Tam giác Vàng.”
Có thể nói, Tam giác Vàng là nơi cung cấp á phiện sống quan trọng nhất thế giới, tính hàng nghìn tấn mỗi năm. Trước kia, các “băng” buôn lậu chủ yếu thu mua á phiện sống tại đây, chuyển tải sang Hongkong chế biến. Nhu cầu tiêu thụ á phiện trên thế giới tăng vùn vụt, do lượng người nghiện ngày càng đông. Theo thống kê của tổ chức chống ma túy quốc tế, số người nghiện ma túy ở Cộng hòa Liên bang Đức từ năm nghìn ba trăm năm 1955 lên năm mươi nghìn năm 1960. Con số tương ứng ở Canada là từ ba nghìn bốn trăm lên sáu mươi nghìn, ở Anh từ ba trăm ba mươi lăm lên hai mươi nghìn, ở Hongkong từ chín nghìn lên chín mươi nghìn, ở Ý từ một trăm sáu mươi lăm lên mười nghìn, ở Thái Lan từ mười tám nghìn lên ba trăm năm mươi nghìn, ở Mỹ từ mười nghìn lên sáu trăm nghìn. Riêng ở Mỹ, 25 đến 40% sinh viên nghiện ma túy dưới những mức khác nhau. Cũng theo thống kê của tổ chức chống ma túy quốc tế, sản lượng heroine đã lên 50 tấn mỗi năm và riêng Hongkong đã cất chế đến 20 tấn.
Tuy nhiên, việc chuyên chở á phiện sống ngày một khó khăn: khối lượng kềnh càng khó che giấu. Các “băng” - gọi theo một nghĩa thông dụng là các công ty - quyết định chế biến ở những vùng gần nguyên liệu. Nhưng, đầu những năm 1960, Tây Bắc Lào, Đông Bắc Miến Điện, Đông Bắc Thái Lan xáo trộn liên miên – đánh nhau giữa các phe nhóm, phong trào cách mạng phát triển... Thế là các công ty buộc phải chế biến tại chỗ, mặc dù cơ sở vật chất thiếu thốn, mướn nhân viên tốn kém, khó bảo vệ, dễ sạt nghiệp nếu bị quân Chính phủ tấn công. Mỗi công ty, do thỏa thuận theo “luật giang hồ,” chia nhau khu vực thu mua và cũng chia nhau thị trường tiêu thụ. Francisci - từng ở Việt Nam lâu năm - chọn Sài Gòn làm cảng xuất khẩu, bằng đường bay và tàu biển, qua hệ thống người Triều Châu rất già dặn kinh nghiệm xuất khẩu á phiện, qua nhóm thủy thủ đi châu Âu và châu Mỹ, qua cả quân nhân Mỹ.
Như vậy, thắc mắc của Luân được giải đáp: Francisci phải liên kết với Nhu. Mối “đồng minh” này thiết lập từ năm 1960, sau cuộc đảo chính không thành của Nguyễn Chánh Thi. Trần Kim Tuyến môi giới và Francisci gặp Nhu nhiều lần. Nhu cho phép Tuyến thành lập một đơn vị vũ trang gồm mươi sĩ quan người Kinh và một đại đội người Rhadé bảo vệ cơ sở chế biến của Francisci ở ngoại vi thị xã Kon Tum, sau đó, rời về Sa Thầy. Một nhóm công binh xây dựng đường băng áy bay, bố trí công sự mà họ chỉ biết là để phục vụ cho công tác biên phòng. Francisci đón một số chuyên viên chế biến kĩ thuật từ Lào và Hongkong sang. Anh ta sản xuất loại á phiện sơ chế mang nhãn hiệu U.4 – nhãn hiệu thật ra của Raticun, Tổng tham mưu trưởng của Hoàng gia Lào, rất được tín nhiệm trên thị trường vì “nguyên chất” và được luyện với tay nghề cao. Francisci cũng sản xuất các loại kẹo ngậm có thành phần á phiện dành cho trẻ con và tẩm á phiện vào thuốc lá – cách gieo giắc nghiện ngập từng bước và cũng là cách tạo khách hàng bền vững.
Francisci không cần chuyện chính trị. Anh ta có mỗi mong ước là làm sao sản xuất và xuất càng an toàn nhiều heroine, món hàng này không bao giờ xuống giá. Anh ta đang hợp tác với Nhu và sẽ hợp tác với ai khác - chẳng có gì phải bận tâm. Với bất kì ai, anh ta luôn là kẻ mạnh thế, mọi chia chác thực sự tự anh ta quyết định. Ngân hàng Thụy Sĩ, ngân hàng Pháp, Mỹ, Anh, Ý... đâu cũng có tiền gửi của anh ta với nhiều bí số, bí danh. Trong lúc vui miệng, anh khoe với Luân, lãi suất hằng tháng, đã lên hàng triệu dollar. Anh ta tậu cả một đồn điền cà phê ở Brasil, là cổ đông trong các hãng điện tử Nhật, cơ khí Pháp, đóng tàu Tây Đức, sản xuất ôtô Anh...
- Tôi sẽ bỏ nghề vào tuổi năm mươi. Và, bấy giờ tôi sẽ lấy vợ, cùng vợ ẩn cư đâu đó, mọi ân oán chấm hết...
- Tại sao phải mười năm nữa? – Luân hỏi.
- Ông hẳn đinh ninh tôi còn muốn làm giàu... Phải. Song, không chỉ có bấy nhiêu. Tôi còn sức, còn thích thách đố nguy hiểm... Không sao chịu nổi cảnh nằm yên. Tôi hi vọng thời gian giúp tôi.

Francisci nói thật. Luân nghĩ như vậy.
- Ông không định trở thành một chính khách? Hay một nhà hoạt động xã hội, một nhà từ thiện tên tuổi. Cái vỏ đó cần cho sự an toàn cuối đời của ông.
- Tôi dễ dàng trở thành một nghị sĩ Mỹ - quốc tịch Mỹ của tôi cho phép. Nhưng, tôi ghét chính trị. Còn một nhà hoạt động xã hội, một nhà từ thiện... Không cần, cái vỏ che cho tôi tại Mỹ, một nước Nam Mỹ, tại Thụy Sĩ hay một hòn đảo ở giữa Thái Bình Dương là tiền. Đủ rồi. Tôi không hối hận việc tôi đã và đang làm, tại sao tôi phải chuộc lỗi? Interpol đang săn lùng tôi như săn lùng con thú ăn thịt người, nhưng họ lại làm ngơ trước những công ty đúc súng... Ông thấy đấy, heroine đâu có giết người nhanh và hàng loạt bằng những họng súng, những quả bom? – Francisci đang thao thao bỗng ngừng ngang – Tôi lại thuyết chính trị với đại tá rồi! Tuy vậy sẽ không thừa nếu tôi lưu ý đại tá về sự tin cậy đến độ quá cao của ông Nhu dành cho đại tá...
Luân không vồ vập cái chợt lóe lên trong lời của Francisci.
Cả hai đang ngồi trên ban công ngôi nhà hai tầng xây gạch cho phép nhìn bao quát toàn khu doanh trại. Họ nhấm nháp li Wishky pha soda với những mảnh nước đá lấp lánh.
- Với tôi, một khi giã từ cái nghề này – cái nghề mà một số nước treo cổ tôi ngay lập tức nếu vớ được tôi giữa lúc này – thì mọi nguy hiểm tan biến giống làn thuốc phiện. Interpol quên tôi nhanh hơn quên một tay buôn lậu thuốc trị hôi nách giả. Tôi ẩn cư để sống những ngày tháng cuối đời đền bù mấy chục năm đùa giỡn với cái chết chớ không phải vì sợ sự săn lùng. Tôi có thể về Ajoccio và sống đường hoàng nơi quê nhà; sở dĩ tôi không có ý định ấy là vì tôi không thích đảo Corse, chỉ vậy thôi...
Francisci hình như vẫn chưa nói hết điều anh ta muốn nói.
Luân lặng lẽ nghe, đằng xa, trong một dãy nhà lợp tôn, một ít khói nhẹ vương vấn cành cây – có lẽ đó là nơi sơ chế á phiện.
- Đại tá và tôi thuộc hai số phận không có chút gì giống nhau. – Francisci kiên nhẫn ém ý nghĩ khi anh ta chưa nói hết - Người Corse, người Sicile, người Sardainge... đều mang tính khí bẩm sinh miền biển Nam châu Âu như vậy.
Luân bỗng nhớ đến các truyện của Prosper Merermee, các truyện của các nhà văn Ý viết về con người Địa Trung Hải...
- Nhưng tôi có một tương lai vững vàng, còn đại tá - tất nhiên, hiện nay, chúng ta đều phải đương đầu với những may rủi y nhau... Hiện nay sẽ lùi vào kỉ niệm. Ngày mai!
Francisci tặc lưỡi:
- Tôi biết về đại tá, biết đủ để tôi khâm phục. Tôi thích phiêu lưu. Đảo Corse dạy tôi phiêu lưu ngay lúc tôi tập bước. Đại tá cũng là một người phiêu lưu. Từ một kĩ sư, đại tá tham gia cuộc nổi loạn chống nước Pháp, chỉ huy hàng nghìn người, rồi bỏ sự nghiệp mà may mắn đại tá không ngã gục vì nó, lao vào hướng khác, ngược hẳn lại, trong tám năm lên ba cấp... Ông Nhu tin cậy đại tá song song với người Mỹ. Nhưng, ông Nhu cho phép - hoặc, nói thật đúng – xô đẩy đại tá vào tận cái bí mật không còn thể có cái nào bí mật hơn, tức là đường dây sản xuất và buôn nha phiến ở bản Huoi Then này – nơi chúng ta đang uống Whisky – không có trên bản đồ, dù là bản đồ mang tỉ lệ xích lớn nhất, chính là cái rốn của bí mật. Phải chăng ông Nhu muốn cột ông chung một rọ với ông ta? Sống cùng sống, chết cùng chết!
Luân không chen một lời, để Francisci nói. Ai bảo anh ta chỉ biết buôn á phiện lậu?
- Đại tá chắc kinh ngạc vì tôi không quá tách biệt với thời cuộc... Trẻ con ở Việt Nam cũng hiểu như tôi. Ông Nhu, ông Diệm thọ làm sao nổi... Phật giáo là cái cớ của người Mỹ, không có Phật giáo thì sẽ có cái khác. Buôn á phiện không đủ sức nặng để xóa triều đại ông Diệm sao?
Francisci hớp một hớp rượu
- Tôi quen nhiều nhân vật CIA. Họ thích quà cáp của tôi. Nhưng, tôi không bao giờ là CIA dù họ rủ rê, thậm chí dọa già. Tôi không cần tiền – tôi giàu hơn bằng vạn lần bất kì tay CIA sừng sỏ nào. Tôi lại ghét trò rình rập... Đại tá có thể yên tâm. Người Mỹ thích đại tá, tôi dám cam đoan nhận xét này. Và, ông Nhu thừa hiểu đại tá nằm trong danh sách dự bị mà CIA sửa soạn. Tôi thông báo với đại tá: ngay ông Trần Kim Tuyến cũng chưa đến đây, ông ta không được phép. Thiếu tá Nguyễn Thuần và Thiếu úy Huỳnh Tường được phép - những con tốt mà ông Nhu muốn cho biến mất lúc nào cũng dễ. Tại đây, ông Nhu dùng cả một số người Bình Xuyên cũ. Tôi không xếp đại tá vào cùng lứa với số đó. Ông Nhu cột đại tá vào ông ta trong cuộc hụp lặn sắp tới!
- Ông cũng bị cột như vậy! – Luân cười...

- Không! – Francisci lắc đầu – Tôi khi hề bị cam kết sống chết với ông Nhu. Tiền, vàng, tiền – đó là mối quan hệ giữa chúng tôi. Hàng về sân bay, có khi Liên Khương, có khi Tân Hòa, có khi Tân Sơn Nhất, có khi Cát Lái... người của tôi tiếp nhận và cho đi. Ông Nhu sẽ được thông báo trương mục mang kí hiệu của ông ấy thêm bao nhiêu dollar, giới hạn quyền lực của ông ấy chỉ tới đó. Ông Nhu toàn quyền chi xuất thông qua đại diện của ông ta ở nước ngoài... Tôi thấy chẳng có gì phải dè dặt với đại tá: đại diện của ông Nhu ở nước ngoài là Mã Hằng... Đại tá chưa nghe bao giờ? Chưa chắc đã có một tên Hằng thật. Họ Mã thì thật. Đại tá có nghe tên Mã Tuyên? Cũng không... Tuyên ở Chợ Lớn. Tóm lại, họ Mã giữ tủ sắt cho ông Nhu. Tôi dại gì uống máu ăn thề với ông Nhu... Nhiều ông Nhu, theo nhiệt kế chính trị, trong khi chỉ có một Francisci! Trước khi làm ăn với ông Nhu, tôi đã làm ăn với Bảy Viễn...
- Thế ông có định làm ăn với tôi không? – Luân trêu chọc.
- Tôi nói đúng đắn... Đại tá chớ đùa. Đại tá Nguyễn Thành Luân mà buôn lậu á phiện! Thực tâm, tôi mến đại tá, nhưng nếu vì lí do gì mà đại tá không chia sẻ số phận với ông Nhu thì chính tôi phải chuyển hướng: vĩnh biệt Sài Gòn! Không sao, tôi còn Bangkok, Rangoon... Ngược lại, nếu cuối cùng đại tá thấy chính trị là thứ vớ vẩn, xin cứ tìm tôi...
Francisci đứng lên:
- Đại tá lấy súng, ta thử chơi!
Không đợi Luân đồng ý, Francisci đã nhét hai khẩu Vesson vào lưng, trỏ một cành cây bằng cổ tay, cách ban công chừng mươi thước:
- Đạn sẽ xuyên qua cành cây đó, đúng chỗ nó uốn cong... Đại tá thấy chưa?
Hệt một tay Garry Cooper(1) chính cống, nhanh như chớp, Francisci rút cùng lúc hai khẩu súng; hai tiếng nổ nối tiếp, cành cây bị xé toạc.
(1) Tên một diễn viên điện ảnh của Mỹ, chuyên đóng phim cowboy.
Luân mỉm cười:
- Ông bắn giỏi quá!
- Xin mời đại tá!
Luân vẫn mỉm cười, lắc đầu...
*
Nguyễn Thuần cung cấp cho Luân một loạt hiểu biết về các cuộc xung đột ở “Tam giác Vàng.” Bản Houi Then nằm ở phía nam “Tam giác Vàng,” không trực tiếp bị tàn quân Lý Mật của Quốc dân đảng Trung Hoa khống chế, nhưng khi quân của Lý bị quân đội Miến tấn công thì chúng mượn đường này chạy sang đường Lào. Đó là tháng 1-1961. Tên tù trưởng địa phương U Bwê thu góp số súng rơi rớt của Lý Mật, tập hợp một lực lượng chừng hai trăm tên chiếm bản Hoiu Then, liên hệ trực tiếp với nhóm chống Chính phủ Miến Điện. Nhóm li khai này bị đánh tan, U Bwê đầu hàng Chính phủ. Nhưng, sau đó, y lại hợp tác với U Ba Thiên, một lãnh tụ li khai khác. Giữa năm 1961, U Ba Thiên tuyên bố thành lập quân đội Quốc gia Shan, có sự hỗ trợ của CIA. Nhà sư Kham được phong làm Tổng chỉ huy. Chẳng bao lâu, Thiên bắn chết Kham vì tranh giành quyền lợi, chủ yếu là á phiện. U Bwê, thủ hạ tin cẩn của Kham, bất mãn. Thiên bao vây bản Houi Then, triệt hạ nhà cửa, U Bwê chết trong lúc lộn xộn. Francisci đến Houi Then khi bản đã tiêu điều. Anh ta nắm em ruột của U Bwê, quy tụ người La Hủ - tộc của U Bwê - mở con đường sang Bắc Lào, nơi Francisci có một bàn đạp tiếp nhận máy bay. Thế là bản Houi Then hồi sinh nhờ Francisci. Thiên lại tấn công lần nữa, nhưng lần này Thiên đại bại; súng của bản Houi Then tốt hơn - phần lớn là súng trường tự động và trung liên – và được mấy tay “anh chị” của Bảy Viễn chỉ huy – tù binh bị bắt năm 1955, Nhu tha cho, đưa đi phục dịch cho Francisci.
Cơ ngơi mở rộng từ đó. Francisci sử dụng các dân bản tỏa rộng nương rẫy người Mèo, đổi muối, vải, rượu, đồng hồ, thuốc lá... lấy á phiện sống khi tới mùa thu hoạch. Xưởng chế biến hoạt động, triển vọng tốt. “Chuyên viên” từ Hongkong sang. Đường băng cũ được tu sửa – nguyên là đường băng của người Anh. Francisci đã cho thả dù trên vịnh Thái Lan mấy trăm cân á phiện sống và Hồ Tấn Quyền thừa lệnh Nhu, thu nhặt mang về Sài Gòn. Heroine không thể thả theo dù bừa bãi, phải bằng đường hàng không...
Bản Houi Then bố phòng như một thành cổ phương Tây - kiến thức của Francisci không thể vượt những gì anh ta tưởng tượng.
Luân mất trọn hai ngày luồn rừng quan sát ngoại vi của bản. Dẫu sao, anh cũng phải hoàn thành công việc do Nhu giao. Nguyễn Thuần và Tường giúp Luân vẽ bản đồ tổng thể của cả vùng mà bản Houi Then là trung tâm, đồng thời Luân phác một kế hoạch phòng thủ nhiều lớp với nhiều tình huống tiến công giả định.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play