P7 - Chương 7
Frederick E. Nolting thỏa mãn với bài trả lời của ông cho kí giả Don Paker của hãng UPI. Nolting nhẩm đọc:
“Hơn hai năm sống tại Việt Nam, tôi chưa bao giờ nhận thấy dấu hiệu nào chứng tỏ có sự kì thị tôn giáo tại xứ này.
Vấn đề Phật giáo bỗng dưng nổi lên và tôi công nhận tình hình đang rất xấu nhưng không thể nghĩ rằng nguồn gốc của nó là từ phía Chính phủ. Trái lại, Chính phủ Việt Nam thành thật mong muốn giải quyết vấn đề Phật giáo theo nguyên tắc dàn xếp những hiểu lầm nho nhỏ bị phóng đại với những động cơ rõ ràng là không minh bạch. Với tư cách là người đại diện cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ở Việt Nam, tôi rất tiếc có người tung hỏa mù quanh vấn đề Phật giáo cốt làm xóa nhòa những thành quả của Chính phủ Việt Nam trong công cuộc chiến đấu chống Cộng sản và phát triển kinh tế, nâng ức sống rõ rệt của người dân tại xứ này. Dư luận Mỹ và các nước khác cần được soi sáng nếu chúng ta vẫn còn nuôi ý chí chiến thắng Cộng sản. Đó là những gì tôi thấy cần thiết nói với công chúng Mỹ.”
Nolting bấm chuông gọi thư kí. Vài giờ sau, phát biểu của ông sẽ truyền về đến Mỹ và được công bố rộng rãi. Bản sao của bài trả lời được gửi tới cho tờ The Times of Viet Nam tại Sài Gòn.
Với Nolting, đây là một động tác quan trọng cuối cùng với tư cách đại sứ Mỹ trước khi rời Việt Nam. Chiều nay, ông sẽ bay lên Đà Lạt, dĩ nhiên theo lời mời của Trần Lệ Xuân. Ông và Lệ Xuân thỏa thuận nghỉ hai ngày tại Đà Lạt. Ngày thứ ba sẽ dành cho cuộc tiễn đưa của dân Khánh Dương, phía tây Nha Trang, nơi ông và vợ đỡ đầu xây dựng trụ sở của chính quyền, trường học và bệnh xá. Bà Lindsay Nolting sẽ từ Sài Gòn bay thẳng ra Nha Trang để gặp ông và Trần Lệ Xuân từ Đà Lạt xuống. Quyết định của Tổng thống Mỹ thay thế đại sứ ở Việt Nam Cộng hòa đã khiến cho chế độ Sài Gòn hoang mang. Còn với Nolting, ông ta đã sửa soạn từ lâu cho việc rời Sài Gòn. Vai trò của ông đã xong. Ông thỏa mãn hoàn toàn. Và, đã đến lúc không nên dấn sâu hơn nữa: Lệ Xuân hết còn là cái gì khiến Nolting háo hức. Trong vòng nửa tháng nay, hầu như ngày nào Nolting cũng gặp Lệ Xuân. Điều kiện nơi ông làm việc cũng như nhà riêng của ông, không cho phép hai người vượt quá mức nghi lễ mặc dù Nolting cảm thấy Lệ Xuân dễ dàng đối với ông hơn bao giờ hết. Dẫu sao thì cuối cùng rồi hai người vẫn có thể sống bên nhau một cách thỏa mãn và cũng có thể nói là hoàn toàn tự do trong vài ngày. Nolting có trong tay bản báo cáo của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Mac Namara trình cho Tổng thống Mỹ ngày 15-5 cùng với bản báo cáo của Ngoại trưởng Dean Rusk. Nolting tin rằng lần gặp gỡ này với Lệ Xuân được hứng thú là nhờ Mac Namara. Làm sao Lệ Xuân không cảm động được khi đọc những dòng trong báo cáo tuyệt mật này: “Tôi có cảm giác rằng việc nước Mỹ ủng hộ Tổng thống Ngô Đình Diệm là hoàn toàn chính xác. Ông Diệm xuất hiện ở Việt Nam như một phép màu. Chỉ một mình, ông Diệm đã soạn thảo bản Hiến pháp, tổ chức Chính phủ mới và trong vòng không đầy mười năm đã biến Nam Việt Nam từ một nước đang ở chế độ phong kiến trở thành một quốc gia tân tiến, đã tăng gấp ba hệ thống giáo dục trong nước, đã tổ chức được một quân đội quy củ, thiện chiến, trung thành và đã đem lại trật tự trong nước. Cần lưu ý rằng Tổng thống Ngô Đình Diệm đã thực hiện ngần ấy công cuộc trong khi phải đương đầu với các hoạt động chiến tranh do Việt Cộng gây ra. Tuy chúng ta chưa có thể tiên đoán một cách chính xác kết quả chung cuộc của cuộc chiến tranh ở Nam Việt Nam, nhưng công bình mà nói, Tổng thống Ngô Đình Diệm cho chúng ta niềm hi vọng lớn nhất. Quan điểm của Bộ Quốc phòng là bất kì một ý định nào nhằm loại Tổng thống Ngô Đình Diệm, thậm chí nhằm giảm bớt quyền lực của ông, cũng sẽ đưa nước Mỹ đến tai họa.”
Tường trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không là một tài liệu mật. Sau khi công bố phát biểu của Ngoại Trưởng Dean Rusk trong đó, ông xác nhận lập trường không thay đổi của Hoa Kỳ là ủng hộ Chính phủ Việt Nam do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo, mặc dù tình hình nội bộ Nam Việt có rối ren do vấn đề Phật giáo gây ra. Richard Phillips, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao đã đính chính những tin tức đăng tải trên một số báo Hoa Kỳ cho rằng Chính phủ Hoa Kỳ có thể đã dự liệu một giải pháp thay thế ở Việt Nam. Vấn đề nội bộ Cộng hòa Việt Nam về Phật giáo không làm thay đổi lập trường của Hoa Kỳ. “Chúng tôi,” Richard Phillips nói, “nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và giới Phật giáo sẽ giải quyết thỏa đáng và sớm về vụ tranh chấp này.”
Tài liệu thứ hai tuy công khai song Nolting vẫn dùng nó để minh họa cho tài liệu thứ nhất. Nolting đang chìm sâu trong suy nghĩ, sửa soạn trước những lời lẽ một khi chỉ còn riêng ông ta với Trần Lệ Xuân trên biệt điện Đà Lạt, thì tiếng ồn ào từ bên ngoài vọng tới. Phó đại sứ Trueheart hấp tấp xô cửa bước vào:
- Phật tử biểu tình đòi gặp Ngài!
- Gặp tôi? – Nolting sửng sốt.
- Vâng. Họ muốn nhờ đại sứ chuyển một bức thư của Phật giáo cho Tổng thống chúng ta.
- Tôi không thể gặp họ, tôi không thể tiếp xúc với những người biểu tình, nghĩa là Chính phủ Mỹ không thể nhúng tay vào công việc đơn thuần nội bộ của Việt Nam Cộng hòa!
- Nhưng nếu họ cứ ngồi lì hoặc phá cửa vào, thì sao?
- Điều đó nhất thiết không được xảy ra, ông nghe rõ chứ, ông Trueheart?
- Tôi nghe rõ!
Phó đại sứ Trueheart quay lưng, nhưng Nolting đã gọi lại:
- Tuyệt đối không để có va chạm nhỏ giữa quân cảnh Mỹ và người biểu tình!
Trueheart gật đầu. Ông ta hỏi:
- Thế còn quân cảnh và cảnh sát dã chiến Việt Nam?
Nolting nhún vai.
*
Chiếc trực thăng hạ cánh trên một khoảng đất trống ngay rìa quận lị Khánh Dương. Đám đông dân chúng tụ tập - một số người là Thượng, một số là người Kinh, một số là Hoa kiều. Nhưng, binh lính và gia đình họ vẫn đông hơn. Mỗi người cầm trên tay hai lá cờ Việt Nam Cộng hòa và Mỹ. Nhiều băng treo quanh. Đại loại, những băng đó ghi: Tri ân đại sứ Nolting! Tổng thống Ngô Đình Diệm muôn năm! Nhiệt liệt hoan nghênh ông bà Nolting, công dân của Khánh Dương! Nhiệt liệt hoan nghênh bà dân biểu Ngô Đình Nhu!
Vợ chồng Nolting được Trần Lệ Xuân hướng dẫn bước ra cầu thang tiếp nhận tiếng hoan hô của những người có mặt. Trần Lệ Xuân lần này mặc áo pull và quần jean. Khó mà đoán Lindsay Nolting cảm nghĩ như thế nào về Lệ Xuân khi mà bà thừa biết sự đi lại và mưu đồ của chồng và mụ ta từ hai năm nay – vụng trộm với bà nhưng gần như công khai với người khác. Cái lí do mà Nolting bảo là ông cần cùng Lệ Xuân bàn việc hai ngày trên Đà Lạt không thể thuyết phục được bà. Nhưng Lindsay Nolting đã là vợ của một nhà ngoại giao Mỹ chuyên nghiệp, bà hiểu ý nghĩa của những sự tiếp xúc kiểu đó. Nolting có say đắm Lệ Xuân hay không? Lindsay Nolting chỉ băn khoăn bấy nhiêu. Và khi bà nắm chắc chồng bà là một kịch sĩ lão luyện, bà an tâm. Thậm chí đôi lúc bà nghĩ, nếu Lệ Xuân sinh được một đứa con giống hệt Nolting thì chưa hẳn là một điều không may. Bổng lộc của một đại sứ Mỹ ở Việt Nam Cộng hòa rất dồi dào, không phải xét, từ đồng lương hoặc quỹ mật của đại sứ quán. Bà đã có một bộ sưu tập về nghệ thuật điêu khắc người Chàm gần như vô giá. Bà lại có đến hàng trăm cổ vật Trung Quốc - những ấm, những chén cách nay hàng nghìn năm. Quà biếu của Lệ Xuân. Cả Nolting và bà đều được tặng một tượng bán thân bằng vàng do một nghệ sĩ có tài của Việt Nam sáng tác, mỗi tượng cân gần một kí lô. Cũng là quà của Lệ Xuân. Bà đã có thể kí gửi ở ngân hàng Thụy Sĩ và Canada một số dollar hàng trăm vạn - cả đời Nolting dù tằn tiện mấy cũng không thể dành dụm nổi một phần số tiền đó.
Lindsay Nolting biết tính toán. Một lần, tại nhà riêng của đại sứ, bà tiếp lệ Xuân và như vô tình để rơi một bức ảnh kẹp trong một quyển sách. Bức ảnh chụp Lệ Xuân và Nolting đang hôn nhau, trên người Lệ Xuân chỉ còn vài miếng vải mỏng. Lệ Xuân đỏ bừng mặt và hai tượng bán thân ra đời sau sự kiện như vậy để đổi lấy tấm ảnh và phim. Lindsay Nolting trao ảnh và phim với lời dặn gọn gãy bằng tiếng Pháp: Sois prudente!(1)
(1) Hãy thận trọng
Kì mục Khánh Dương đón vợ chồng Nolting và Trần Lệ Xuân khá độc đáo. Ba người được mời lên ba chiếc kiệu thường chỉ dành để rước sắc thần, đòn chạm trổ và sơn son thiếp vàng. Tám người lực lưỡng khiêng một chiếc kiệu. Màn vén lên để chúng dân chiêm ngưỡng. Theo sau kiệu, các kì mục, có người râu tóc bạc, vận áo dài bằng the xanh, bịt khăn be. Kiệu đi một vòng sân rồi thẳng vào một ngôi nhà mà các kì mục gọi là công quán. Tại đây Nolting thay quần áo. Ông ta mặc y hệt kì mục trong làng, còn Lệ Xuân thì diện chiếc áo dài, lần này không hở cổ. Chỉ có mỗi Lindsay vẫn mặc như cũ. Sau tuần trà, kì mục mời ba vị khách đến ngôi đình. Trẻ con, hẳn là đã được người lớn dạy cẩn thận, vẫn cố nín cười bởi một ông Mỹ lại mặc áo dài khăn be, trông hết sức ngộ nghĩnh. Lệ Xuân liếc về các kì mục, cau mày. Mụ ta cảnh cáo thái độ vô lễ, không những của trẻ con mà của một số phụ nữ: có người che miệng cười.
Ba hồi trống vang rền rừng núi. Ba hồi đại hồng chung ngân dài. Lindsay Nolting tựa lưng vào cột đình theo dõi, có thể bà thích thú. Nolting và Lệ Xuân thắp hương rồi quỳ xuống chiếu đã kê sẵn hai chiếc gối. Người ta có cảm giác Nolting và Lệ Xuân làm lễ tơ hồng.
Một kì mục chắc chắn là niên trưởng, đọc một văn kiện như sau: Các bậc trưởng thượng quận Khánh Dương cùng với các hội đồng hương chính trong quận, căn cứ vào lời thỉnh cầu của đại sứ Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ Frederick Nolting, đã quyết định nhận Frederick Nolting là công dân danh dự của quận Khánh Dương và cũng quyết định đổi tên Nolting thành Nguyễn Đôn Tín...
Nolting trịnh trọng tiếp nhận tờ quyết định, đứng nghiêm trước bàn thờ thần chừng một phút. Sau đó, một cuộc mít tinh quần chúng, Nolting nói bằng tiếng Việt, thay mặt cho vợ tỏ lòng cám ơn kì mục và dân chúng quận Khánh Dương. Trần Lệ Xuân thay mặt cho quận Khánh Dương đáp lời. Mụ ca ngợi Nolting là một đại sứ vĩ đại, một người bạn vĩ đại của Việt Nam Cộng hòa.
Bữa tiệc kéo dài đến xế chiều. Trực thăng đón họ và đêm đó họ nghỉ tại Nha Trang.
Không hiểu bằng cách nào mà Nolting lại đến được với Lệ Xuân lúc gần sáng.
- Em nên xuất ngoại một chuyến để giải độc dư luận châu Âu và châu Mỹ.
Đó là sáng kiến cá nhân cuối cùng của Nolting với Lệ Xuân, trước khi ông ta vội vã mặc quần áo, và chuồn khỏi phòng Lệ Xuân. Dù vội vã, ông vẫn như để lại cái nuối tiếc - chính cái nuối tiếc ấy nuôi hi vọng cho Lệ Xuân...
Nolting không ngờ ở Sài Gòn, nhà sư Thích Tâm Châu đã gửi cho ông một văn thư chính thức phản đối bài phát biểu của ông với hãng UPI, kèm theo bản sao bức điện của Tổng hội Phật giáo Việt Nam đánh cho Tổng thống Kennedy, cũng với nội dung như vậy.
*
Sài Gòn (VTX)
Sáng 14/8/1963, bà cố vấn, Chủ tịch sáng lập Phong trào Phụ nữ Liên đới Việt Nam đã vi hành đến Ba Xuyên thăm Phong trào Phụ nữ Liên đới địa phương.
Tại lễ tuyên thệ của Phụ nữ bán quân sự của tỉnh, sau khi bà trưởng Ban Chấp hành Phong trào Liên đới tỉnh đọc diễn văn chào mừng và đệ trình công tác huấn luyện bán quân sự từ 7-7-1962 đến 7-7-1963, bà cố vấn đã ban huấn từ cho hơn một nghìn thanh nữ bán quân sự hai khóa Đồng Tâm và Đồng Tiến với sự hiện diện của một số rất đông thính giả gồm quan khách và dân chúng.
Bà cố vấn đã nhắc lại về cuộc tranh đấu của phụ nữ cho chính nghĩa, trong đó phụ nữ đã cố gắng tột bực và luôn luôn tôn trọng sự thật và lòng ngay thẳng. Đó là tiêu chuẩn của một thành công vững bền và lâu dài.
Bà cố vấn Ngô Đình Nhu đã ứng khẩu nhấn mạnh như sau:
- Như chị em thấy, không phải bất chiến tự nhiên thành, không phải chỉ với chính nghĩa mà tự nhiên chúng ta thắng. Nước của chúng ta không có tham vọng đi xăm lăng nước người, chúng ta chỉ có một ước vọng rất chính đáng là được ăn yên ở yên, được phát triển và bảo vệ đất nước.
Theo ý nghĩa đó, phụ nữ chúng ta không ưa giành giật gì của ai, cai trị gì ai. Chúng ta chỉ suy luận là chúng ta không phải là một con dân thấp kém và chúng ta chỉ xin được thật sự nam nữ bình quyền, bình đẳng.
Như tôi đã nói nhiều lần, chính nghĩa ấy mặc dầu hết sức chính đáng, đã không tự nhiên thắng và cũng không thắng dù chúng ta đã cố gắng khá nhiều một cách ngay thẳng.
Lí do là vì giá phải trả để thắng không những dựa trên một sự đấu tranh ngay thẳng, mà còn phải đấu tranh tột bực.
Ngay thẳng nghĩa là không được dùng các thủ đoạn xảo trá, lừa bịp. Ngay thẳng nghĩa là phải luôn luôn rất trung thực khi đấu tranh.
Tột bực nghĩa là không phải đấu tranh trong một phạm vi nào đó, mà bỏ phạm vi khác, tột bực là làm tròn nhiệm vụ trong tất cả các phạm vi: gia đình, xã hội, quân sự. Dĩ nhiên có thể một người không thể lo được hết nhưng nói chung, chúng ta phải liệu sao có phụ nữ tại cả ba phạm vi, một người phải đảm nhận ít nhất là hai phạm vi.
Hơn thế nữa, để khỏi phản bội chính nghĩa của một con dân là bảo vệ xứ sở, kiến thiết nước nhà và chính nghĩa của phụ nữ là bảo vệ nhân vị, củng cố quyền lợi chính đáng của chúng ta, cũng như để khỏi phản bội công lao của chúng ta để đừng bao giờ trở thành như dã tràng, cố gắng hết sức nhưng không đến đâu, chúng ta phải đặt tất cả cố gắng của chúng ta trong một khuôn khổ có tổ chức bảo đảm, có quy tắc vững chắc, rồi dựa vào đó mà áp dụng kỉ luật “triệt để.”
Một tràng pháo tay vang dội tiếp đón lời huấn thị bà cố vấn.
Xong buổi lễ, bà cố vấn cùng phái đoàn lần lượt đến thăm các cơ sở xã hội của phong trào liên đới: trụ sở tỉnh, cô nhi viện Khánh Hưng và quán cơm xã hội Khánh Hưng.
Bà Chủ tịch sáng lập Phong trào Phụ nữ Liên đới Việt Nam nhân dịp này, đã ứng khẩu nhắn nhủ chị em về đường lối hoạt động của phong trào liên đới trong kỉ luật và dựa trên nguyên tắc dân chủ.
Cử tọa dồn hết tâm trí theo dõi từng chi tiết các lời huấn thị của bà chủ tịch sáng lập Phong trào Phụ nữ Liên đới, nhất là khi bà chủ tịch đề cập đến vấn đề như sau:
“Chị em đừng để cho sự dị đoan, mê tín mê hoặc chị em.
Có thể nói tất cả gia đình chúng tôi là theo đạo ông bà. Riêng thân mẫu tôi theo Phật giáo, thân sinh tôi theo đạo Khổng – hai mươi năm về trước tôi cũng đã rất chú ý tới Phật giáo và cũng có đi chùa, niệm Phật - vì lí do đó, tôi có hiểu phần nào về Phật giáo. Cũng vì tôi hiểu mục đích chính của Phật giáo nên tôi mới ghét thậm tệ những người dám lợi dụng Phật giáo để mê hoặc chị em.
Theo tôi được biết thì giáo lí đạo Phật đã dạy mình phải tự giải thoát ra khỏi những điều nô lệ hóa chúng ta như đau khổ, bằng cách kiềm hãm và không thỏa mãn nó. Những đau khổ của loài người như: đói, khát, lạnh, giận, ghét, hận, tham lam... bất cứ cái gì có thể nô lệ hóa chúng ta.
Theo tôi, ai cũng có thể tin giáo lí đạo Phật vì chính Đức Phật đã thi hành các điều Đức Phật đặt ra và nhờ đó, đã tự giải thoát được, nghĩa là đã đạt được Niết Bàn. Vậy nếu Đức Phật đã thi hành được các điều đó, thì ai cũng có thể làm được.
Chính Đức Phật không bao giờ tự xưng là một thánh nhân nào hết mà chỉ coi mình như một người thường, cố gắng đạt được mục đích của loài người là tự giải thoát. Vì thế mà chị em có thể hiểu ngay là mê tín dị đoan cũng như các chiến dịch không dựa được trên một lí lẽ chính đáng nào và chỉ gây oán hận, bạo động và lộn xộn với những lời mỉa mai mạt sát vu vơ kẻ khác, rồi lại đổ cho họ những tội mà chính mình công khai phạm hằng ngày, nhất là không thể nằm trong đường lối do Đức Phật đã vạch ra.
Chẳng những vậy, đó còn là một sự nô lệ hóa chúng ta một cách trắng trợn, và với ý gì? Không lẽ để bảo vệ một tín ngưỡng mà không ai tranh chấp, nhất khi đức tin là một sức mạnh mà giá trị chính ở điểm là không ai có thể đụng chạm gì tới được vì ở trong lòng ta.
Tôi thấy làm lạ khi thấy những người tự xưng là theo giáo lí đạo Phật mà lại mê tín dị đoan hoặc tệ hơn nữa dùng mê tín dị đoan để mê hoặc thiên hạ. Việc đó, chúng ta không thể chấp nhận được.
Vừa mới đây, có một em bé nhỏ mới mười tám tuổi tự nhiên đi chặt tay mình (may mà không đến nỗi gì) và cho biết rằng “bà Ngô Đình Nhu, là người phụ nữ chúng tôi rất biết ơn vì đã giải phóng phụ nữ, nhưng vì bà đã động tới các sư, những người mà đức độ hơn bà tới một trăm phần, nên tôi thấy tín ngưỡng của chúng tôi bị lâm nguy, vậy tôi chặt tay hi sinh để phản đối và bảo vệ tín ngưỡng.”
Nghe việc đó, tôi hết sức ngao ngán, không phải là vì em đó phán rằng ai đó đức độ trăm phần hơn tôi, vì sự thật về việc đó chỉ có trời mới biết được đúng thôi. Tôi chỉ ngao ngán là vì em đó là một phụ nữ.
Thật vậy, nếu một ai khác làm việc đó thì có lẽ tôi không chú ý gì lắm vì tôi ít khi trọng các việc quá khích vô lí. Theo tôi, mình làm chủ mạng mình. Vậy ai coi rẻ mạng mình đến nỗi sẵn sàng hi sinh mà không cần muốn biết là có nên hay không, thì họ toàn quyền. Quyền mình là phê bình và xem nên đề cao hay coi thường sự hi sinh đó.
Nhưng đây là một phụ nữ lại mới bằng tuổi con tôi, thì có chán không? Mục đích của kẻ trá hình là ngăn cản tôi làm nhiệm vụ công dân, là giải độc ai đã bị mê hoặc. Bây giờ chúng lại xui trẻ con dọa tôi. Tôi mở miệng thì các trẻ tự tử. Vậy chị em nghĩ sao? Nếu ai không đồng ý với tôi, sao không nói công khai lí lẽ của họ đi, các lí lẽ của tôi được nêu rõ khi tôi không tán thành, sao lại mạt sát tôi sau lưng rồi nếu tôi phúc đáp lại xúi các trẻ tự tử phản đối? Quan niệm gì lạ vậy? Như vậy thì ai còn trọng cái chết phi lí của mình nữa. Nhưng như vậy cũng đủ để chị em chú ý đến vấn đề đọc kĩ các lời tuyên bố của tôi và cấp tốc thực thi chiến dịch giải độc và chiêu hồi nếu thấy nên. Chúng ta không thể để ột thiểu số phi lí áp đảo tinh thần của ta đến nỗi ta có thể quên đại đa số phụ nữ đang trông đợi ở một sự lãnh đạo sáng suốt, bất khuất nhưng cũng nhân đạo của chúng ta, nếu những người lầm đường lạc lối biết chiêu hồi.”
Lời tuyên bố của bà cố vấn được đại hội nhiệt liệt hoan nghênh.
Bà cố vấn và phái đoàn trung ương rời Ba Xuyên lúc 15 giờ 30 và đã để lại cho chị em Ba Xuyên một mối tình liên đới sâu đậm, một ý chí quyết thắng vì chính nghĩa và một niềm tin tưởng trong công cuộc giải độc cùng chiêu hồi những kẻ đi lầm đường lạc lối.
*
BÀ CỐ VẤN NGÔ ĐÌNH NHU TRẢ LỜI BÁO NEW YORK TIMES
Thưa ông,
Tham chiếu bài bình luận ngày 9-8-1963 của báo ông mạ lị tôi một cách vô căn cứ và vô ích, với một giọng điệu làm tôi ngạc nhiên khi đọc thấy ở một tờ báo như tờ của ông, tôi xin hỏi rằng: Khi có những người không xứng đáng dám lợi dụng tôn giáo để làm chuyện lố bịch thì những ai sùng kính tôn giáo phải tiếp tay cho cái trò chơi xúc phạm thần thánh hay là phải vạch mặt chỉ tên bọn chúng ra?
Nếu ta không có can đảm để tố giác, nếu ta cúi đầu trước sự điên rồ và ngu xuẩn, thì làm sao có hi vọng đối phó được bao điều lầm lạc sơ hở của thế nhân, thường bị Cộng sản lợi dụng cùng theo một cách thức như vậy?
Có lẽ tôi gây xúc động cho một số người khi nói rằng: “Phải đánh những kẻ khiêu khích mười lần hơn, nếu những kẻ ấy dám khoác áo thầy tu” hoặc “chỉ còn nước vỗ tay cổ võ khi coi tuồng nướng thầy tu. Thật vậy là sao mà chịu trách nhiệm về sự điên rồ của kẻ khác được!”
Đúng vậy, có lẽ tôi gây xúc động thật đối với những lời ấy, nhưng tôi đã phải nói sao bây giờ khi một phần thế giới này đang mất trí – về vấn đề mệnh danh là “Phật giáo,” nhờ sự giúp sức của các báo như báo của ông – nên cần phải được chữa trị bằng cách cho điện giật.”
Hơn nữa, tại sao lại phải bị mê hoặc và áp đảo đến nỗi không thể nhận thấy rằng các nhà tu hành, chính vì được coi là “thánh thiện” và “học thức” nên càng phải được coi là phạm tội và khó bề dung thứ khi họ dám hành động xúc phạm thần thánh nhằm mục đích gây nên tình trạng bất an cho xứ sở đang ở trong tình trạng chiến tranh, cũng như khi họ dám coi thường luật lệ của xứ sở và của tín ngưỡng họ nữa, chung quy gọi là để tranh đấu ột quyền lợi mà thật sự không bao giờ bị ai chối bỏ, và hơn thế nữa, đã được Chính phủ luôn luôn cố gắng bảo vệ.