Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện đúng với chương trình đấu tranh thuần túy tôn giáo, cương quyết từ chối mọi sự lợi dụng của những tổ chức chính trị. Bức thư của Thượng tọa Thích Tâm Châu, Chủ tịch Ủy ban liên phái đăng trên tờ Đồng Nai chống lại sự lợi dụng của Võ Nguyên Giáp đồng thời vạch rõ vị trí hoạt động của Phật giáo Việt Nam trong cuộc đấu tranh thuần túy tôn giáo cho năm nguyện vọng Phật giáo đồ.
Bản thông cáo chung giữa Chính phủ và Phật giáo được kí kết như một giáo nước lạnh xối vào ngọn lửa le lói của bọn trung lập định lợi dụng cuộc đấu tranh huynh đệ ở Việt Nam.
*
Phối hợp chặt chẽ giữa bọn trung lập thân Cộng Việt - Miên
Trong thời gian có cuộc đấu tranh tôn giáo thì tại Cambốt, bọn trung lập thân Cộng Cao Miên cũng như lưu vong Việt Nam hớn hở mừng rỡ. Điện tín, thư từ giữa bọn trung lập Cambốt và bọn trung lập thân Cộng Việt Nam cầm đầu là Trần Văn Hữu có sự giúp sức của bọn Hồ Thông Minh, Phạm Huy Cơ, cấu kết với nhóm Việt Cộng của Mai Văn Bộ định thành lập ngay một Chính phủ lưu vong mà bản tuyên ngôn đầu tiên kiểu trung lập Lào năm 1960.
Một số chính khách lưu vong từ Balê về Nam Vang hăm hở họp hằng ngày để bàn về tình hình Sài Gòn trong thời gian có cuộc đấu tranh tôn giáo.
*
Sự thật về âm mưu Sihanouk và lưu vong.
Cuộc đấu tranh của Tổng hội Phật giáo Việt Nam, đúng như Đức hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam và Thượng tọa Thích Thiện Minh, Trưởng phái đoàn Phật giáo Việt Nam đã nói là thuần túy tôn giáo.
Cũng như Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ đã nói, tinh thần bản thông cáo chung được kí kết giữa Phật giáo và Chính phủ là tinh thần đoàn kết huynh đệ, những minh định trên đây của các vị lãnh đạo Chính phủ cũng như Phật giáo, hơn một lần đã làm sáng tỏ thiện chí xây dựng của những người yêu nước, đặt quyền lợi của Tổ quốc, của dân tộc lên trên hết.
Những bọn cơ hội, bọn hoạt động, bọn tay sai cho Cộng sản, vẫn cố tình lệch lạc, nhắm mắt, bưng tai, âm mưu lợi dụng cuộc đấu tranh huynh đệ trong nội bộ Việt Nam Cộng hòa, muốn biến cuộc đấu tranh thuần túy tôn giáo của Tổng hội Phật giáo Việt Nam thành một cuộc đấu tranh chính trị có lợi cho bọn đế quốc, bọn Cộng sản và bọn thù nghịch quốc tế.
Tại Nam Vang, trong một buổi lễ khánh thành một ngôi chùa, Thái tử Norodom Sihanouk, Quốc trưởng Cao Miên đã tuyên bố, sẽ tích cực can thiệp để cứu “những đạo hữu Việt Nam - của ông.” Sau đó, chính quyền Cao Miên tổ chức cuộc biểu tình của các sư sãi Cao Miên đến trước tòa đại diện Việt Nam Cộng hòa để đưa kiến nghị.
Thái tử Norodom Sihanouk đích thân viết thư cho Tổng thống Kennedy, Thủ tướng Mac Milan, Tổng thống Ấn Độ và UThant, Tổng thơ kí Liên Hợp Quốc yêu cầu can thiệp vào vấn đề nội bộ Việt Nam Cộng hòa.
Tổng thống Kennedy đã trả lời Norodom Sihanouk rằng: “Nguyên tắc dân chủ, Tổng thống Kennedy không thể can thiệp vào vấn đề nội bộ Việt Nam Cộng hòa và Tổng hội Phật giáo đã đi đến một thỏa hiệp tốt đẹp.”
Norodom Sihanouk nấp sau bức bình phong tôn giáo để thực hiện một âm mưu chính trị.
Trong khi ấy, tại Nam Vang, bọn Ca Văn Thỉnh, đại diện kinh tế mậu dịch của Việc Cộng, Lê Phủ Doãn, tên trùm giám điệp Việt Cộng đã cùng với một số lưu manh, chạy theo với một số chính khách Cao Miên để tập hợp thêm một số bất mãn lưu vong ở Cambốt với sự giúp đỡ của Cambốt lợi dụng phong trào đấu tranh tôn giáo ở Việt Nam Cộng hòa điều động một số người đánh phá vùng biên giới. Một mặt, có sự phối hợp của Cộng sản miền Nam phá hoại ở đô thị gây ra những cuộc náo loạn, biến cuộc đấu tranh thuần túy tôn giáo thành cuộc đấu tranh chính trị quần chúng để lật đổ Chính phủ Việt Nam Cộng hòa.
*
Tờ New York Times cuối tháng bảy, đăng một bài tường thuật của Erich Wulf, nhà thần học, gốc Đức, nhiều năm ở Nam Việt Nam. Tường trình của bác sĩ Erich Wulf cùng với hàng loạt cuộc diễn thuyết của ông trên đất Mỹ đã dẫn đến một cuộc hội kiến giữa công và các nhân vật có thẩm quyền của Chính phủ Hoa Kỳ trong đó đáng để ý là Ngoại trưởng Dean Rusk và nhà chính trị có thế lực của Đảng Cộng hòa Cabot Lodge. Erich Wulf nói:
“Ngày 8-5-1963, tại cố đô Huế, tôi phải tìm hết cách mới lén lút vào được căn nhà xác để xem tám tử thi bị quân đội của Tổng thống Ngô Đình Diệm bắn đứt đầu, gãy chân ngay trước khi Chính phủ vội vàng đem chôn... Tôi là người Tây phương, không có ân huệ gì với Phật giáo Việt Nam, không có ác cảm gì với Chính phủ Ngô Đình Diệm; tôi nói những điều này là tôi trông thấy, các ông nghĩ sao?
Đầu tháng sáu, tôi cố gắng lắm mới tìm được cách vào săn sóc chớp nhoáng cho sáu mươi hai sinh viên Phật tử, nạn nhân của những vụ “tạc đạn lửa chế tạo tại Hoa Kỳ” do Chính phủ Ngô Đình Diệm gây ra. Trong chương trình viện trợ của Hoa Kỳ cho Việt Nam, gồm có nhiều thứ, nhưng chắc các ông đã nhận thấy Chính phủ Ngô Đình Diệm không ham chuộng chuyên viên y tế và thuốc men bằng súng bom!
Các ông hiện nay là những yếu nhân của Chính phủ Hoa Kỳ, nếu có những người dân của các ông tuyệt thực để phản đối chính sách của các ông; các ông đối phó với họ bằng cách nào? Tất nhiên, các ông phải áp dụng phương thức nhân đạo chung mà thế giới thường làm: cứu xét nguyện vọng để thỏa mãn; nếu chưa thể được thì phải giữ họ mà tiêm thuốc bổ để duy trì sức khỏe cho cơ thể họ. Các ông có biết ở miền Nam Việt Nam, người ta đã đối phó như thế nào không? Khi ba trăm sư sãi và Phật giáo đồ tuyệt thực bốn mươi tám giờ trong chùa Từ Đàm, thì chính quyền cho lính đến bao vây, cúp điện nước. Hết hạn tuyệt thực của tăng ni, họ lại mang dây thép gai đến phong tỏa, không cho chở thực phẩm vào chùa. Vài ngày sau, một số người hoạt động trong chi nhánh hội Hồng thập tự quốc tế tại Việt Nam bí mật nhờ tôi tới xem xét có muối và nước trong chùa Từ Đàm mà các vị sư đang cần để tìm cách cứu giúp. Nhưng tôi cũng bị chung một số phận với các sinh viên Phật tử đội cơm tới chùa để cúng đường, họ bị đuổi về, sau khi thực phẩm bị quăng xuống cống. Còn tôi, tôi bị dây thép gai trói chặt lấy lương tâm và lòng thương xót của tôi.
Cũng vì việc phong tỏa này nên các sinh viên Phật tử nhất tề nổi dậy, rồi họ bị khủng bố, bị đả thương rất nhiều và nhiều người bị thương tích vô cùng trầm trọng. Tôi không thể dành cho các sinh viên này một phương pháp trị liệu đặc biệt nào, vì nhân viên Chính phủ đã từ chối không cho tôi biết là họ dùng loại lựu đạn gì. Nhưng có biết cũng vô ích vì chỉ một ngày sau, tất cả các bệnh nhân của chúng tôi đều được mang đi và được giam ở một nơi rất cẩn mật, đến nỗi hiện nay chúng tôi cũng không nhận được tin tức gì về số phận của họ. Trong số những người bị thương, và bị giam giữ bí mật này có nhiều người tôi quen biết vì họ là những sinh viên ưu tú của lớp học mà tôi dạy, trước ngày bị thương trầm trọng, một trong những sinh viên ưu tú của Trường y khoa Huế đã gặp người bạn đồng nghiệp rất thân của tôi tại một góc phố. Đồng nghiệp của tôi không nhận ra anh sinh viên Phật tử này nữa, vì trông anh quá hốc hác do sự hành hạ dã man gây ra.”
Mũi tiến công đột phá của Erich Wulf được dư luận Hoa Kỳ tán đồng - dư luận báo chí và dư luận chính giới - như đã chờ đợi từ lâu, theo bản hợp xướng đã xong phần phối âm. Tờ New York Herald Tribune lên tiếng sớm nhất:
“Thượng tọa Thích Quảng Đức, một vị tu sĩ Phật giáo đã biến tấm áo cà sa vàng của mình thành một dàn hỏa thiêu không phải là một người duy nhất có thể tự đốt mình. Tổng thống Ngô Đình Diệm tại Nam Việt Nam cũng đang làm một việc rất hay là ông đang tự đốt hết nền tảng của chế độ ông...”
Thượng nghị sĩ Wayne L.Morse thuộc tiểu bang Oregon dự vào cuộc hòa âm ngay lập tức: “Chúng tôi không đồng ý ột dollar nào nữa để ủng hộ một chế độ độc ác và tàn bạo của Tổng thống Ngô Đình Diệm tại Nam Việt Nam.” Trước nghị viện, ông Morse nói thẳng thừng: “Chế độ hiện thời ở Nam Việt Nam không đáng hưởng sự hi sinh tín mệnh của một trẻ em người Mỹ...”
*
THÔNG BÁO CỦA BỘ NỘI VỤ
Từ ngày 5 đến ngày 12 tháng 7 năm 1963, Tòa án quân sự đặc biệt Việt Nam Cộng hòa đã xử chín mươi tư can phạm gồm mười chín sĩ quan và bảy mươi lăm thường nhân liên quan đến cuộc phiến động ngày 11 tháng 11 năm 1960. Tòa tuyên án chung thẩm tử hình Đại tá Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh lữ đoàn dù, Trung tá Vương Văn Đông, đồng thời đã kêu án từ mười tám năm khổ sai đến bảy năm khổ sai và năm năm cấm cố các Thiếu tá Phan Trọng Chinh, Trung úy Nguyễn Bá Mạnh Hùng vv...
Về thường nhân, tòa đã kết án thỏa đáng các tên Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu, Nguyễn Thành Phương, Đinh Xuân Hoạt, Phạm Lợi, Vũ Hồng Khanh, Phan Bá Cầm, Bùi Lương, Nguyễn Tường Tam, Hoàng Hồ, Trần Văn Hương, Nguyễn Lưu Viên, Huỳnh Kim Hữu, Phan Huy Quát, Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Tăng Nguyên, Nguyễn Tiến Hỷ, Lê Quang Luật, Lê Ngọc Chấn, Trần Văn Tuyên, Phạm Hữu Chương, Tạ Chương Phùng, Trần Văn Đỗ v.v...
*
NHÀ VĂN NHẤT LINH NGUYỄN TƯỜNG TAM TỰ SÁT
Tin các báo:
Nhà văn nổi tiếng Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, một lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng, từng là Chủ nhiệm những tờ báo nổi tiếng như Phong Hóa, Ngày Nay, Xướng Xuất, Tự lực văn đoàn, tác giả nhiều quyển tiểu thuyết, đã có lúc giữ chức Ngoại trưởng Chính phủ Việt Minh, vào 1 giờ 12 phút ngày 8-7-1963 đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Đồn Đất bằng thuốc độc, giữa lúc tòa án quân sự đặc biệt đang xét xử ông.
Đám tang Nguyễn Tường Tam được cử hành theo thể thức Phật giáo và một đoàn người đông đảo đã đưa linh cửu Nguyễn Tường Tam đến cầu siêu tại chùa Xá Lợi. Nguyễn Tường Tam được chôn ở chùa Giác Minh, Gò Vấp. Ông hưởng thọ năm mươi bảy tuổi.
*
MỘT TÊN KHỦNG BỐ VIỆT NAM MƯU TOAN LIỆNG LỰU ĐẠN VÀO ĐÁM TANG NHẤT LINH
Tin VTX.
Một tên khủng bố Việt Cộng đã bị bắt ngày hôm qua trong lúc đang trà trộn vào đám đông người dự đám táng nhà văn Nguyễn Tường Tam tại nghĩa trang chùa Giác Minh (Gò Vấp).
Tên này là phu xích lô số 0125 lúc ấy đậu trước nhà cạnh nghĩa trang.
Theo nhà chức trách, tên này mặc sơ mi kiểu quân nhân, trên túi áo để một trái lựu đạn. Vẫn theo nhà chức trách thì vị trên đường vào nghĩa trang là độc đạo, nên tên VC này chưa dám ném trái lựu đạn, vì y sợ khi ném rồi thì không có lối thoát thân.
Thật quả là một điều may mà tên khủng bố chưa thi hành được thủ đoạn, nếu không, có lẽ sẽ gây tai nạn cho nhiều người, vì lúc ấy còn đông người dự đám tang.
Cuộc điều tra của nhà chức trách còn đang tiến hành.
*
THÔNG BÁO CỦA NHA TỔNG GIÁM ĐỐC THÔNG TIN
Ngày 7-7-1963, trước cửa chùa Nguyệt Quang ở hẻm 164 đường Trương Minh Giảng đã xảy ra một vụ lộn xộn như sau:
Sáng hôm đó, một số sư sãi làm lễ cầu siêu trong chùa rồi sắp hàng kéo ra đường định biểu tình, nên các cảnh sát viên yêu cầu họ trở về chùa với lí do trật tự an ninh. Một vài kí giả ngoại quốc đứng gần đó đã tiến tới vạch lối cho sư sãi đi: đó là một trường hợp đi ra ngoài quyền hạn của báo chí.
Tiếp theo kí giả Peter Arnett, thuộc hãng thông tấn Associated Press giơ máy chụp hình và phó thẩm sát viên Lâm Văn Lý thuộc Tổng nha Cảnh sát quốc gia ra lệnh không được chụp sau khi đã xuất trình phù hiệu cảnh sát. Kí giả Arnett không những không tuân lệnh mà còn quay ống ảnh vào chính mặt ông Lâm Văn Lý chụp.
Ông Lâm Văn Lý lấy tay che ống kính máy ảnh, thì bị kí giả Malcolm Browne, cũng thuộc hãng AP, hành hung. Đồng thời kí giả Peter Arnett quay lại đánh thẩm sát viên Nguyễn Văn Lang tới giải vây cho phó thẩm sát viên Lâm Văn Lý. Cả hai nhân viên công lực đều bị thương nhẹ, và rách áo.
Còn phía kí giả Arnett Browne khai bị hư máy ảnh.
Việc này chỉ là một vụ lộn xộn nhỏ có thể xảy ra bất cứ ở nơi nào. Nhưng rất tiếc rằng một số các kí giả ngoại quốc đã tự ý cho việc này có một tầm quan trọng hơn, cho rằng “Chính phủ Việt Nam định tâm dùng vũ lực đàn áp kí giả ngoại quốc” trong khi chính mấy kí giả đó đã dùng vũ lực để đàn áp cảnh sát - nói tóm lại, đã thổi phồng việc này thành một đề tài chính trị nên Tổng nha thông tin có bổn phận phải đặt lại vụ lộn xộn trong khuôn khổ sự thực.
*
ĐIỆN KHẨN
Peter Arnett gửi Tổng xã AP Sài Gòn ngày 9-7.
Thông báo của Nha tổng giám đốc Thông tin Việt Nam Cộng hòa về trường hợp của tôi và của Browne là hoàn toàn xuyên tạc. Chính Nguyễn Văn Lang và Lâm Văn Lý cùng nhiều cảnh sát đã đánh chúng tôi. Ở Sài Gòn, người ta đang sáng tác những thông báo dối trá đến độ nhơ nhớp. Ví dụ người ta đưa tin một tên khủng bố Việt Cộng mưu toan liệng lựu đạn vào đám tang nhà văn nổi tiếng Nhất Linh và tên khủng bố bị bắt. Đó là một vụ tưởng tượng, mặc dù Chính phủ ông Diệm cố chụp ảnh chiếc xích lô. Thói nói láo đã trở thành một bệnh dịch được nhà nước Việt Nam Cộng hòa gieo rắc và khuyến khích cho lây lan...
*
Luân và Nhu ngồi đối diện cả mười lăm phút. Ngoài rít thuốc, họ im lặng. Luân đoán rằng Nhu sắp tung thêm một đòn nữa vào Phật giáo - đòn gì, anh chưa biết.
Trong những tháng gần đây, Nhu mất hẳn vẻ điềm đạm và sâu sắc mà Luân vẫn phục anh ta. Nhu bắt đầu nói năng thiếu cân nhắc, có nhiều quyết định thật đột ngột và chẳng hợp lí, nhất là trên mặt trận dư luận và trong đối phó cụ thể. Cảm thấy uy tín của chế độ mà anh ta là “linh hồn” - như anh ta tự nhận đôi khi lộ liễu - sa sút nghiêm trọng trong mấy năm nay, Nhu thích ca ngợi quá khứ, kể công. Không ít lần Luân phải chịu đựng hàng giờ với Nhu: anh ta “độc chiếm” diễn đàn thao thao bất tuyệt. So với tuổi, Nhu già quá sớm - già về khả năng suy xét.
Đối thủ của anh ta, bây giờ là cả một Chính phủ Mỹ, tất nhiên rất vui lòng trước những sơ xuất liên tục của anh ta - đúng như tờ New York Herald Tribune nhận xét - “gia đình Tổng thống Diệm đang thúc đẩy sự thiêu hủy của chính mình.”
- Đã đến lúc mà một nhượng bộ nhỏ cũng trở nên nguy hiểm! - Nhu nói. - Ta phải làm mạnh. Tổng thống Mỹ ủng hộ ta. Số đông nhà sư chân chính ủng hộ ta. Các tướng nói chúng đều đứng sau lưng Chính phủ. Ngay Big Minh, ông ta cũng chỉ lưu ý tôi là đề phòng cấp dưới lợi dụng danh nghĩa Chính phủ mà gây ra hiểu lầm trong dư luận... Về người Mỹ, tôi nghe đâu Kennedy đau một thứ bệnh gì đó nan y.
Luân bỗng thấy thương hại Nhu. Anh so sánh Nhu với những ngày cuối cùng của Hitle mà anh xem trong nhiều sách! Đầu tháng tư, nghĩa là cách ngày Hitle tự sát non tháng, khi các vành đai phòng thủ ngoại vi dẫn đến Berlin bắt đầu nát vụn trước các mũi tiến công dữ dội của quân đội Xôviết, Hitle đã hò hét: “Đối với chúng ta, chỉ có việc đơn giản là phải đứng vững. Ở mặt trận phía đông, có thể chống cự với quân Nga ít nhất hai tháng nữa. Từ đây đến đó, liên minh Nga - Mỹ - Anh sẽ đổ vỡ và sẽ kí một thỏa hiệp với nước nào đề nghị với ta trước...” Hitle có cái nhìn lịch sử khá độc đáo vào lúc y mạt vận: y cắt nghĩa thắng lợi của vua Frederik(1) là do... cái chết bất ngờ của Nga hoàng Elizabeth.
(1) Còn gọi là Frederik II đại đế, vua Phổ (1740-1786), chiến thắng cuộc chiến tranh “bảy năm” của các nước liên minh Nga, Pháp, Áo. Elizabeth, Nữ hoàng Nga (1741-1782), con gái của Pierre Đại đế.
Bởi vậy, ngày 13-4, tin Tổng thống Mỹ Roosevelt từ trần được bọn đầu sỏ phát xít tiếp nhận với sự vui mừng điên dại. Goebel ngã lăn ra bất tỉnh, rồi gọi điện cho Hitle: Thưa Quốc trưởng, hôm nay, đúng là bước ngoặt. Hitle cũng nhảy cỡn lên, gọi điện thoại loạn xạ đi khắp nơi.
Nhu đang ở trong tình trạng bấn loạn. Anh ta hi vọng hão huyền.
Nhu đứng lên, Luân biết là Nhu không còn sức để trao đổi với anh những vấn đề thực tế, mặc dù Nhu giao anh một cặp tài liệu cực dày về các vấn đề bảo vệ Ấp chiến lược, hẹn hôm nay bàn. Hai người bắt tay nhau. Chưa bao giờ hai người lại ít nói như hôm nay. Nhu lững thững đi vào phòng riêng. Luân có cảm giác Nhu cố gắng thật dữ để lê đôi chân...