11
Đói quá hoá đau
♦
Thư dài của Kumiko
♦
Chim tiên tri
Tôi thiếp đi mấy lần, sực tỉnh cũng ngần ấy lần. Đó là những giấc ngủ ngắn, chập chờn bất an, như khi ngồi trên máy bay. Hễ sắp ngủ sâu là lại giật mình thức dậy, rồi hễ sắp tỉnh hẳn là lại lơ mơ ngủ, cứ thế lặp đi lặp lại không ngừng. Không có sự thay đổi ánh sáng, thời gian cứ tròng trành như toa tàu có bộ trục lỏng lẻo, xộc xệch. Tư thế co ro, thiếu tự nhiên khiến thân thể tôi không thư giãn được. Mỗi khi thức dậy, tôi lại nhìn đồng hồ để xem giờ. Thời gian trôi nặng nề, bất cân bằng.
Chẳng biết làm gì, chốc chốc tôi lại cầm đèn pin rọi vơ vẩn chỗ này chỗ nọ, khi xuống đất, khi lên vách giếng, khi lên nắp giếng. Bao giờ cũng vẫn nền đất ấy, vách giếng ấy, nắp giếng ấy. Những cái bóng từ ánh đèn hắt ra cứ xê dịch, giãn ra rút vào, phình ra co lại. Chán trò ấy, tôi lại dành thời gian sờ soạng mặt mình, kiểm tra từng đường nét, từng nếp nhăn, khảo sát từng li từng tí một, đặng phát hiện như mới hình thù của nó. Trước đây tôi chưa bao giờ thật sự quan tâm đến hình dạng đôi tai mình. Nếu có ai bảo tôi vẽ đôi tai mình, dù chỉ phác đôi nét thôi, hẳn tôi đã bó tay. Nhưng lúc này tôi có thể tái tạo từng chỗ hõm, từng đường cong một cách chi tiết, chính xác. Tôi lấy làm lạ khi nhận thấy tai trái với tai phải lại khác nhau đến thế. Tôi hoàn toàn không biết vì sao lại có sự khác nhau như vậy, hay liệu sự bất cân đối này có hệ quả gì không (hẳn là nó có hệ quả nào đó).
Kim đồng hồ chỉ 7:28. Từ khi xuống đây tôi đã xem đồng hồ dễ đến hai nghìn lần. Hiện giờ là 7 giờ 28 phút tối, điều ấy thì chắc; trong một trận bóng chày, đây là lúc cuối hiệp ba hay là cao điểm của hiệp bốn. Hồi nhỏ, tôi hay ngồi ở hàng ghế tít trên cùng ngoài sân bóng, ngắm cảnh ngày hè cứ dùng dằng mãi không chịu dứt. Mặt trời đã lặn qua chân trời phía Tây, nhưng ráng chiều vẫn thật huy hoàng, tuyệt đẹp. Đèn sân vận động hắt những cái bóng dài trên sân như để nhắc khéo điều gì. Đầu tiên một ngọn, rồi một ngọn nữa bật sáng, cực kỳ thận trọng, ngay sau khi trận đấu bắt đầu. Tuy nhiên trời vẫn đủ sáng để đọc báo. Ký ức về ánh chói của ngày dài vẫn còn nấn ná nơi cửa, không cho đêm hè được bước vào.
Tuy nhiên, một cách kiên trì, bền bỉ, ánh sáng nhân tạo cứ lặng lẽ mà chiến thắng ánh sáng mặt trời, tuôn ra cả một dòng lũ những màu sắc hội hè. Màu xanh rực rỡ của sân cỏ, màu đất đen nhánh, những đường vôi trắng vừa vẽ trên mặt đất, ánh véc ni lấp lánh trên gậy các đấu thủ đang đợi lượt mình vào đánh, khói thuốc lá bay lơ lửng trong những luồng ánh sáng (vào những ngày đứng gió, chúng như những linh hồn lang thang tìm người để nhập vào), tất cả đều nổi bật lên, rõ nét lạ lùng. Những người bán bia trẻ tuổi chìa tay ra trong ánh sáng, xòe những tấm biên lai kẹp giữa mấy ngón tay. Đám đông chốc chốc lại nhổm dậy khỏi ghế dõi theo một đường bóng bay cao, giọng của họ vống lên theo vòng cung của bóng hoặc tan biến thành một tiếng thở dài. Những đàn chim nhỏ trên đường về tổ thi thoảng lại bay ngang qua, hướng về phía biển. Đó là sân vận động lúc 7 giờ rưỡi tối.
Tôi nghĩ về tất cả những trận bóng chày đã xem từ trước đến nay. Đội Saint Louis Cardinal từng đến Nhật một lần để đấu giao hữu, hồi ấy tôi còn bé lắm. Tôi đã đến sân vận động xem trận đó cùng với cha tôi. Trước khi khai trận, các đấu thủ đội Cardinals đứng dàn hàng dọc chu vi sân, tay xách túi đựng đầy những quả bóng tennis có chữ ký của họ, ra sức ném từng quả lên khán đài càng xa càng tốt. Thiên hạ nháo nhào tranh nhau bắt, còn tôi vẫn ngồi yên tại chỗ, không nhúc nhích, thế rồi chưa kịp nhận ra chuyện gì thì đã thấy một quả bóng rơi đúng vào lòng mình. Điều đó xảy ra như thể có phép màu: kỳ lạ và bất ngờ.
Tôi lại nhìn đồng hồ. 7 giờ 36 phút. Tám phút đã qua kể từ lần xem trước. Chỉ có tám phút. Tôi tháo đồng hồ ra đưa lên tai. Nó vẫn kêu tích tắc bình thường. Tôi nhún vai trong bóng tối. Có sự lạ nào đó đang xảy ra với cảm nhận của tôi về thời gian. Tôi quyết định tạm thời không xem đồng hồ nữa. Có thể tôi không còn gì khác để làm, nhưng cứ xem đồng hồ liên tục như vậy thì có gì đó không lành mạnh. Tuy nhiên, phải khó khăn lắm tôi mới kìm được không xem. Làm việc đó cũng khổ sở như khi bỏ thuốc lá vậy. Từ thời điểm quyết định không nghĩ đến thời gian nữa, tâm trí tôi không thể nghĩ về bất cứ gì khác. Nó là một thứ mâu thuẫn, một cơn loạn tinh thần. Càng cố quên thời gian đi, tôi lại càng buộc phải nghĩ đến thời gian. Ngoài ý thức của tôi, mắt tôi cứ chực tìm cái đồng hồ nơi cổ tay trái. Mỗi khi điều đó xảy ra, tôi lại ngoảnh mặt đi, nhắm mắt lại, tự đấu tranh để không nhìn. Rốt cuộc tôi phải tháo đồng hồ nhét vào trong ba lô. Ấy vậy mà sau đó tâm trí tôi vẫn cứ mò mẫm tìm chiếc đồng hồ trong ba lô, nơi nó vẫn đang tích tắc đếm thời gian.
Thời gian cứ vậy mà trôi trong bóng tối, dù không có sự hành tiến của những cây kim đồng hồ - một thời gian bất phân, không chịu sự đo lường. Khi đã mất những điểm phân giới, thời gian không còn là một dòng liên tục mà trở thành một thứ chất lỏng bất định hình, lúc co lúc giãn tùy ý muốn. Trong thứ thời gian này tôi thiếp đi rồi dậy, lại thiếp đi rồi lại thức, từ từ quen với sự sống không có đồng hồ. Tôi đã luyện cho thân thể mình nhận thức được rằng tôi không cần thời gian nữa. Nhưng chẳng mấy chốc tôi cảm thấy bất an ghê gớm. Đúng là tôi đã được giải phóng khỏi cái thói quen thần kinh là cứ năm phút lại xem đồng hồ, nhưng khi cái khung quy chiếu thời gian đã hoàn toàn biến mất, tôi bắt đầu cảm thấy như mình đã bị ném xuống đại dương giữa đêm khuya từ trên boong một con tàu đang chạy. Chẳng ai nghe ra tiếng thét của tôi, con tàu vẫn tiến về phía trước, càng lúc càng xa cho tới khi hầu như biến khỏi tầm mắt.
Thôi không cố nữa, tôi lại lấy đồng hồ ra khỏi ba lô, đeo vào cổ tay. Kim đồng hồ chỉ 6:15. Chắc là 6 giờ 15 sáng. Lần cuối tôi xem đồng hồ là 7 giờ 36 phút. Bảy giờ 36 phút tối. Vậy có thể kết luận rằng từ lúc đó đến giờ đã mười ba tiếng đồng hồ trôi qua. Khó có khả năng là những hai mươi ba tiếng đồng hồ. Nhưng tôi không biết chắc được. Có gì khác nhau về bản chất giữa mười một tiếng với hai mươi ba tiếng cơ chứ? Dù mười một hay hai mươi ba tiếng, cái đói của tôi đã trở nên dữ dội hơn nhiều. Cảm giác đó khác hẳn với những gì tôi từng tưởng tượng về một cái đói dữ dội. Người ta thường cho rằng đói giống như là cảm giác thiếu cái gì đó. Trên thực tế, nó gần với cái đau thuần túy nhục thể, một cái đau hoàn toàn vật lý, trực tiếp, như thể bị đâm hay bị bóp cổ. Và cái đau ấy, nó không đều. Nó không nhất quán. Có lúc nó dâng lên trong tôi như ngọn triều tới ngưỡng cực đại khiến tôi gần ngất xỉu, rồi nó lại từ từ hạ xuống.
Để thôi không chú ý đến cái đau dữ dội của những cơn đói, tôi cố gắng tập trung vào một cái gì khác. Nhưng tôi không thể nghĩ một chuyện gì cho nghiêm túc nữa. Những mẩu ý nghĩ rời rạc dạt vào tâm trí tôi rồi lại biến mất nhanh như khi chúng đến. Hễ tôi cố nắm bắt một mẩu nào là nó lại chuội khỏi tay tôi như một con vật trơn nhẫy, vô hình.
Tôi đứng dậy duỗi người, hít một hơi sâu. Người tôi đau khắp mọi chỗ. Từng bắp thịt, từng khớp sụn rên siết kêu đau vì phải ở trong tư thế thiếu tự nhiên quá lâu. Tôi chầm chậm duỗi người lên phía trên rồi gập đầu gối xuống mấy lần, nhưng chỉ được mươi lần là đã thấy chóng mặt. Lại ngồi trên nền giếng, tôi nhắm mắt lại. Tai tôi kêu ong ong, mồ hôi chảy ròng ròng xuống mặt. Tôi muốn nắm lấy một cái gì đó, nhưng trong tay chẳng có gì để nắm. Tôi muốn nôn, nhưng trong tôi chẳng có gì để nôn. Tôi thử thở sâu, mong có thể làm tâm trí mình tươi mới lại bằng cách đổi mới bầu không khí trong cơ thể, đổi mới dòng lưu chuyển máu, nhưng mây mù trong tâm trí tôi không chịu tản ra. Cơ thể mình yếu quá rồi, tôi nghĩ, và quả thực tôi đã muốn nói to câu đó lên - "Cơ thể mình yếu quá rồi" - nhưng miệng tôi không động đậy nổi thành câu. Giá như thấy được những vì sao thì tốt biết mấy, tôi nghĩ! Nhưng tôi không nhìn thấy sao. Kasahara May đã bịt kín miệng giếng.
Tôi cứ nghĩ rằng nội trong buổi sáng thể nào Kasahara May cũng sẽ tới chỗ giếng, nhưng cô không đến. Suốt buổi sáng tôi ngồi chờ cô, lưng tựa vào vách giếng. Cảm giác khó ở suốt buổi sáng không chịu rời bỏ tôi, tâm trí tôi không còn sức tập trung vào bất cứ cái gì dù trong khoảng thời gian ngắn ngủi đến mấy. Những cơn đói liên tiếp trào lên rồi lại trôi qua, bóng tối quanh tôi hết dày lên rồi lại mỏng đi. Cứ mỗi làn sóng mới là lại thêm một chút khả năng tập trung của tôi bị lôi đi mất, như đồ đạc bị trộm khoắng từng cái một ra khỏi căn nhà không người ở.
Buổi trưa đã qua, Kasahara May vẫn không xuất hiện. Tôi nhắm mắt cố ngủ, hy vọng sẽ mơ thấy Kano Creta, nhưng giấc ngủ của tôi quá nông nên không thể mơ được. Ngay sau khi tôi từ bỏ mọi cố gắng tập trung, đủ thứ ký ức rời rạc bắt đầu xâm nhập vào tôi. Chúng đến lặng lẽ, như nước từ từ lấp đầy một cái hang ngầm. Những nơi tôi từng đến, những người tôi từng gặp, những vết thương tôi từng bị, những cuộc trò chuyện, những vật tôi đã mua, những gì tôi đã mất; tôi nhớ lại tất cả, vô cùng sinh động và chi tiết đến kinh ngạc. Tôi nhớ lại những căn nhà và căn hộ mình từng sống. Tôi nhớ lại những cánh cửa sổ, những cái tủ, bàn ghế, những ngọn đèn. Tôi nhớ lại những thầy cô, những giáo sư mình từng học, từ cấp tiểu học đến tận đại học. Những ký ức ấy ít hoặc hầu như không liên quan gì với nhau. Chúng là những ký ức vụn vặt, vô nghĩa, hiện lên chẳng theo thứ tự thời gian nào hết. Chốc chốc, dòng hồi tưởng của tôi lại bị gián đoạn vì một cơn đau đói mới. Nhưng mỗi ký ức đều sinh động đến kỳ lạ, khiến tôi rung động một cách vật chất như thể dưới sức mạnh của một cơn gió xoáy.
Tôi ngồi quan sát tâm trí mình theo đuổi những ký ức đó, cho đến khi hồi tưởng lại một sự cố từng xảy ra ở cơ quan khoảng ba, bốn năm trước. Đó chỉ là một sự kiện ngu ngốc, tầm phào, nhưng càng để thì giờ nhớ lại những chi tiết vô nghĩa của nó thì tôi lại càng bực tức, cho đến khi nỗi bực tức trở thành cơn giận điên người. Cơn giận xâm chiếm tôi dữ dội đến nỗi át đi mọi thứ khác - cơn mệt mỏi, cái đói, nỗi sợ -, khiến toàn thân tôi run lên, hơi thở tôi hổn hển. Tôi nghe tim mình đập thình thình, cảm thấy cơn giận đang bơm đầy adrenalin vào máu trong người tôi. Đó là một cuộc cãi vã phát sinh từ một sự hiểu lầm nhỏ nhặt. Một gã trong cơ quan buông mấy lời xúc phạm tôi, tôi cũng trả miếng, nhưng rồi cả hai đều nhận ra mình đã đấu khẩu vì chuyện không đâu, nên liền xin lỗi nhau, xí xóa mọi chuyện và không để bụng làm gì. Chuyện như vậy vẫn hay xảy ra: người ta bận, người ta mệt, thảnh thử mới thốt ra lời nhận xét bất cẩn nào đó. Chuyện ấy tôi đã quên từ lâu. Thế nhưng, trong bóng tối như mực dưới đáy giếng, hoàn toàn xa cách thực tại, ký ức đó lại trở về, sống động đến cháy bỏng. Tôi cảm thấy sức nóng của nó trên da tôi, nghe thấy nó đốt xèo xèo thịt tôi. Cớ sao trước một lời chỉ trích quá quắt như vậy phản ứng của mình lại yếu xìu thế kia chứ? Giờ thì tôi nghĩ ra đủ những lời mà lẽ ra tôi có thể nói với gã kia. Tôi gọt giũa những lời đó, mài sắc chúng, và chúng càng sắc bén, tôi lại càng tức giận.
Thế rồi, hết sức đột ngột, con quỷ ám kia đi mất, và toàn bộ câu chuyện kia chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Cớ sao tôi phải ôn lại những ký ức dở hơi như thế này? Có ích gì? Tay kia hẳn từ lâu đã quên béng cuộc cãi vã đó. Bản thân tôi cho đến thời điểm này cũng đã quên. Tôi hít một hơi sâu, chùng vai xuống, cơ thể tôi lại chìm vào bóng tối. Tôi thử theo đuổi một ký ức khác, nhưng khi cơn tam bành đã qua, tôi chẳng còn ký ức nào nữa. Đầu tôi lúc này rỗng không như dạ dày tôi.
Thế rồi, từ lúc nào không biết, tôi bắt đầu tự nói với mình, lẩm bẩm thành lời những mẩu ý nghĩ rời rạc mà tôi không hề biết là mình có. Tôi không dừng được. Tôi nghe miệng mình thốt ra lời, nhưng chẳng hiểu tí gì những điều mình đang nói. Miệng tôi tự chuyển động, tuôn ra từng chuỗi lời xuyên qua bóng tối, những lời mà tôi không tài nào nắm được ý nghĩa. Chúng tuôn ra từ bóng tối này để rồi bị nuốt chửng vào bóng tối khác. Cơ thể tôi chẳng qua chỉ là một cái ống rỗng, một cầu dẫn để chuyển lời từ đó đến đây. Chúng hẳn nhiên là những mẩu ý nghĩ, nhưng đó là ý nghĩ sinh ra ngoài ý thức của tôi.
Chuyện gì đang xảy ra vậy? Thần kinh tôi sắp đứt ư? Tôi nhìn đồng hồ. Kim chỉ 3:42. Có lẽ 3 giờ 42 chiều. Tôi thử hình dung ánh sáng lúc 3 giờ 42 phút vào một buổi chiều hè. Tôi hình dung chính mình trong làn ánh sáng đó. Tôi lắng tai cố tìm một âm thanh mà tai tôi có thể bắt được, nhưng không có gì hết: không tiếng ve sầu hay tiếng chim, không một giọng trẻ con. Có lẽ trong khi tôi ở dưới đáy giếng này, Chim vặn dây cót đã thôi vặn dây cót và thế giới đã ngừng chuyển động. Từng tí một, dây cót chùn dần, và đến một lúc nào đó, mọi chuyển động - dòng sông chảy, cành lá xao xác, chim bay qua bầu trời - thảy đã ngừng lại.
Kasahara May đang làm gì vậy? Sao cô ta không tới? Cô ta không tới đây đã lâu quá rồi. Đột nhiên tôi nảy ra ý nghĩ biết đâu có chuyện gì kinh khủng đã xảy ra với cô ta, tai nạn xe cộ chẳng hạn. Trong trường hợp đó sẽ chẳng còn ai trên đời này biết tôi đang ở dưới đây. Và tôi sẽ thật sự chết một cái chết từ từ nơi đáy giếng.
Tôi quyết định xét vấn đề theo một cách khác. Kasahara May không phải là người bất cẩn như vậy. Cô ta không dễ gì để cho ô tô chẹt. Hẳn là bây giờ cô đang ở trong phòng, thỉnh thoảng lại lấy ống nhòm quan sát khu vườn này mà hình dung cảnh tôi đang ở dưới giếng. Cô ta cố tình làm thế: cứ kéo dài thời gian ra, để tôi phải sợ, để tôi phải cảm thấy mình đã bị bỏ rơi. Đó là tôi đoán vậy. Và nếu quả thật cô cố tình kéo dài thời gian thì kế hoạch của cô đã quá thành công. Tôi đang thực sự sợ đây. Tôi đang thực sự thấy mình bị bỏ mặc đây. Mỗi khi trong đầu hiện ra ý nghĩ mình rất có thể sẽ chết rục xương trong bóng tối này, nỗi khiếp đảm lại khiến tôi nghẹn thở. Thời gian càng trôi qua, tôi lại càng yếu sức, cho đến khi những cơn đói trở nên đủ khốc liệt để giết chết tôi. Tuy nhiên, trước khi điều đó xảy ra, có khi tôi đã mất khả năng cử động thân mình theo ý muốn. Thậm chí nếu ai đó hạ thang dây xuống cho tôi, có khi tôi không còn leo lên nổi nữa. Toàn bộ răng tóc tôi hẳn sẽ rụng hết.
Rồi tôi lại đâm lo về chuyện không khí. Tôi ở dưới đáy cái ống bê tông sâu, hẹp này đã hai ngày rồi, vậy mà chưa hết, nắp đã bị bịt kín. Lưu thông không khí hoàn toàn chẳng có. Không khí quanh tôi bỗng nhiên có vẻ nặng trịch, đè ép. Tôi không biết đó là do trí tưởng tượng đánh lừa tôi hay quả thật không khí đã trở nên nặng hơn vì thiếu oxy. Để biết chắc, tôi hít vào sâu rồi thở ra mấy lần, nhưng càng thở càng khó chịu. Sợ hãi khiến toàn thân tôi vã mồ hôi. Hễ tôi bắt đầu nghĩ đến không khí là cái chết liền xâm chiếm tâm trí tôi như một cái gì có thật, không tránh khỏi. Nó dâng lên như một làn nước im lìm, đen kịt, thấm vào từng ngóc ngách của ý thức tôi. Cho đến giờ tôi chỉ nghĩ đến khả năng chết đói, mà để chết đói thì vẫn còn nhiều thời gian. Nhưng nếu hết oxy, mọi chuyện sẽ kết thúc nhanh hơn nhiều.
Chết vì ngạt thở thì thế nào nhỉ? Kéo dài trong bao lâu? Có phải đó là một quá trình chậm chạp, đau đớn, hay tôi sẽ dần dần mất ý thức và chết như là thiếp ngủ? Tôi hình dung Kasahara May đến chỗ giếng thì thấy tôi đã chết. Cô sẽ lớn tiếng gọi tôi mấy lần, không nghe tiếng trả lời, cô sẽ thả vài hòn sỏi xuống giếng bởi cho rằng tôi đang ngủ. Nhưng tôi sẽ không thức dậy. Khi đó cô sẽ nhận ra rằng tôi đã chết.
Tôi muốn hét gọi ai đó. Tôi muốn thét lên rằng mình đang bị nhốt ở đây. Rằng tôi đói. Rằng không khí sắp không còn thở được nữa. Tôi thấy như mình đã trở lại là đứa bé bơ vơ không người giúp đỡ. Tôi đã trốn nhà đi trong một cơn bốc đồng và không tìm được lối về nhà. Tôi đã quên mất đường. Đó là một giấc mơ tôi đã mơ hàng bao nhiêu lần. Đó là cơn ác mộng suốt thời niên thiếu của tôi - lạc đường, mất lối về nhà. Tôi đã quên tất cả những cơn ác mộng đó từ nhiều năm nay. Nhưng giờ đây, dưới đáy giếng sâu này, chúng lại trồi lên, sống động đến đáng sợ. Thời gian quay ngược lại trong bóng tối, để rồi bị một loại thời gian khác nuốt chửng.
Tôi rút bi đông ra khỏi ba lô, mở nắp, rồi, hết sức cẩn thận, cố không đánh rơi một giọt nào, tôi ột chút nước vào miệng. Tôi ngậm nước trong miệng một hồi lâu, nếm náp cái hơi ẩm, rồi mới nuốt càng chậm càng tốt. Một âm thanh to phát ra từ cuống họng tôi khi nước trôi qua, như thể một vật gì cứng, nặng vừa rơi xuống đất, thế nhưng đó chỉ là âm thanh khi tôi nuốt vài giọt nước.
° ° °
- Ông Okada ơi!
Ai đó đang gọi tôi. Tôi nghe giọng nói trong giấc mơ.
- Ông Okada ơi! Ông Okada! Dậy đi!
Nghe như giọng Kano Creta. Tôi cố mở mắt, nhưng chẳng có gì thay đổi. Quanh tôi vẫn là bóng tối, tôi không thể nhìn thấy gì. Không có ranh giới rõ ràng giữa ngủ và thức. Tôi gắng nhổm dậy, nhưng mấy ngón tay tôi không còn đủ sức. Cơ thể tôi lạnh ngắt, rúm ró, ỉu xìu, như quả dưa chuột bị bỏ quên lâu ngày trong tủ lạnh. Tâm trí tôi mụ mị vì kiệt sức và yếu ớt. Tôi cóc cần, cô muốn gì cứ làm đi, tôi sẽ lại cương cứng trong tâm trí rồi xuất tinh trong thực tại. Làm đi, nếu cô đã muốn vậy. Trong ý thức mờ đục, tôi đợi hai bàn tay cô cởi thắt lưng tôi. Nhưng giọng của Kano Creta vang lên từ đâu đó ở trên đầu. "Ông Okada ơi! Ông Okada!", cô gọi. Tôi ngẩng lên thì thấy nửa nắp giếng đang mở, bên trên là một bầu trời đẹp đẽ, đầy sao, một mảnh trời hình bán nguyệt.
- Tôi đây!
Tôi nhổm người, cố đứng dậy. Ngẩng lên, tôi lại hét: - Tôi đây!
- Ông Okada! - Kano Creta ngoài đời thực nói. - Ông ở dưới đó à?
- Vâng, tôi ở đây.
- Làm sao lại thế được?
- Chuyện dài lắm.
- Xin lỗi, tôi nghe ông không rõ lắm. Ông nói to hơn chút được không?
- Chuyện dài lắm! - tôi hét. - Để ra khỏi đây xong tôi sẽ kể cô nghe. Ngay lúc này tôi không nói thật to được.
- Đây là thang dây của ông à?
- Phải.
- Làm sao ở dưới đó mà ông đưa nó lên đây được? Ông ném lên à?
- Dĩ nhiên là không! - Cớ sao tôi phải làm vậy chứ? Làm thế nào tôi có thể làm vậy chứ? - Dĩ nhiên là không! Có ai đó đã kéo lên mà không bảo tôi.
- Nhưng nếu vậy thì ông không ra khỏi đây được.
- Dĩ nhiên là không, - tôi nói, cố giữ kiên nhẫn. - Chuyện là vậy đó. Tôi không ra khỏi đây được. Cô có thể làm ơn thả cái thang xuống không? Bằng cách đó thì tôi sẽ ra được.
- Vâng, dĩ nhiên, tôi sẽ làm ngay.
- Đợi một chút! Trước khi thả xuống, cô làm ơn kiểm tra xem nó còn buộc chắc vào gốc cây không. Nhỡ ra...
Nhưng nay Kumiko đã nhập thân xác nàng với thân xác của một kẻ tôi không hề biết, và nàng làm việc đó một cách cuồng nhiệt đến mức tôi khó hình dung nổi. Nàng đã khám phá ra một khoái lạc nàng chưa bao giờ được hưởng khi làm tình với tôi. Khi làm tình với hắn ta, hẳn nàng đã oằn mình quằn quại đến nỗi giường phải rung bần bật lên, nàng đã rền rĩ to đến mức ở phòng bên cũng nghe thấy. Hẳn nàng đã làm với hắn những gì nàng chẳng bao giờ làm với tôi. Tôi đến tủ lạnh, mở ra, lấy một lon bia uống. Đoạn tôi ăn ít salad khoai tây. Vì muốn nghe nhạc, tôi bật đài FM, chuyển sang kênh nhạc cổ điển, vặn âm lượng nhỏ. "Hôm nay em mệt quá", - Kumiko hay nói. "Em không cảm thấy có hứng. Em xin lỗi. Thật đấy". Và tôi trả lời: "Được mà, không sao cả". Khi Serenade cho đàn dây của Tchaikovski đã chấm dứt, một bản đàn piano liền cất lên, hình như của Schumann. Nghe quen quen, nhưng tôi không nhớ được nhan đề. Khi bản nhạc dứt, một giọng nữ cho tôi biết đó là cảnh thứ bảy trong Những cánh rừng của Schumann, nhan đề là Chim tiên tri. Tôi hình dung Kumiko vặn vẹo đôi hông bên dưới gã đàn ông kia, nhấc chân lên, bấu mười đầu móng tay vào lưng hắn, rớt dãi xuống khắn trải giường. Người dẫn chương trình cho biết Schumann đã tạo ra một cảnh hoang đường, rằng trong cánh rừng nọ có một con chim huyền bí sinh sống, nó có khả năng tiên đoán tương lai.
Tôi từng biết gì về Kumiko? Im lìm, tôi bóp nát lon bia trong tay rồi ném vào sọt rác. Có thật là Kumiko mà tôi tưởng mình đã biết, Kumiko mà tôi đã đầu gối tay ấp, đã cùng giao hoan trong ngần ấy năm trời, cô Kumiko ấy chẳng qua chỉ là lớp bề ngoài cạn cợt của Kumiko đích thực, cũng như phần lớn của thế giới này thuộc về vương quốc của lũ sứa? Nếu vậy thì sáu năm chung sống của chúng tôi là gì chứ? Chúng là cái gì? Chúng có ý nghĩa gì?
° ° °
Tôi đang đọc lại thư của Kumiko một lần nữa thì điện thoại reo. Tiếng reo làm tôi bật khỏi sofa. Ai có thể gọi điện vào lúc 2 giờ sáng? Kumiko? Không, nàng hẳn không bao giờ gọi tới đây nữa. Có lẽ là Kasahara May. Cô đã nhìn thấy tôi rời căn nhà hoang và quyết định gọi cho tôi. Hoặc có thể là Kano Creta. Cô muốn giải thích vì sao cô đã biến mất. Cũng có thể là người đàn bà trên điện thoại. Hẳn cô ta muốn truyền đạt với tôi thông điệp gì đó. Kasahara May nói đúng: tôi có hơi nhiều phụ nữ quanh mình. Tôi lấy một chiếc khăn mặt nằm gần đó để lau mồ hôi trên mặt, rồi khi đã sẵn sàng tôi mới nhấc ống nghe. "Alô," tôi nói. "Alô", giọng vang lên từ đầu dây bên kia. Không phải giọng Kasahara May. Cũng không phải giọng Kano Creta hay giọng của người đàn bà bí ẩn. Đó là Kano Malta.
- Alô, - cô ta nói. - Ông Okada phải không ạ? Tên tôi là Kano Malta. Không biết ông có còn nhớ tôi không?
- Dĩ nhiên. Tôi nhớ cô rất rõ, - tôi vừa nói vừa cố ghìm nhịp tim đập thình thịch. Làm sao tôi không nhớ cô ta được?
- Tôi phải xin lỗi đã gọi cho ông giữa đêm hôm khuya khoắt thế này. Tuy nhiên, đây là chuyện khẩn cấp. Tôi biết làm thế này là hết sức bất nhã và ông sẽ lấy làm tức giận lắm, nhưng tôi vẫn buộc lòng phải gọi. Tôi vô cùng xin lỗi.
Tôi trấn an cô ta rằng cô không cần phải áy náy gì, đằng nào thì tôi cũng đang thức và tôi không bực mình chút nào hết.