Trời đã bắt đầu đổ mưa, bên trong nhà, ông Vọng cùng Sửu vẫn đang chờ đợi thầy Lương trả lời câu hỏi. Chỉ tay lên tấm bản đồ, thầy Lương nói:
- - Là của cải hay là một thứ gì đó thì chỉ khi đào được lên chúng ta mới biết chắc chắn được. Lý do tôi đoán rằng ở đó có chôn của là bởi vì những nguyên nhân sau. Thứ nhất, Cao Côn là người gốc Hoa, không chỉ là một bậc thầy về phong thủy, Cao Côn còn là một người cực kỳ giàu có. Chúng ta sau khi đào bới tại Bãi Hoang, phát hiện được nền móng xây dựng bằng những phiến đá vân mây, thử nghĩ mà xem, cách đây gần trăm năm trước, muốn xây dựng được một công trình như vậy chỉ có thể là vua chúa, dòng dõi hoàng tộc. Qua những ghi chép trong quyển trục mà cụ Cẩn để lại, điều này cũng đã được khẳng định. Cao gia khi còn tồn tại, có thể nói là một thế gia vương giả. Tuy nhiên trong quyển trục lại không hề nhắc đến gia tài, cũng như của cải của Cao Côn. Có thể họ không muốn ghi chép về điều này, hoặc cũng có thể, họ không lấy được gì của Cao gia cả. Tôi nói vậy là bởi vì, chỉ cần sở hữu dù là phân nửa gia tài của Cao Côn thôi cũng đủ cho làng Văn Thái trở nên giàu có. Tuy nhiên làng này suốt gần 100 năm qua, đa số người dân vẫn nghèo, vẫn phải lao động lam lũ. Trên bia công đức của làng cũng không có dòng họ nào nổi bật về độ giàu có. Khoảng tầm 40 năm trở lại đây mới xuất hiện một vài gia đình tạm gọi là khá giả mà thôi. Ta sẽ đặt ngược lại 1 câu hỏi, vậy gia tài, vàng bạc, châu báu của Cao Gia đã biến đi đâu...? Nguyên nhân thứ 2 sẽ giải đáp cho câu hỏi vừa rồi, Cao gia cực kỳ thịnh vượng, nhưng bên cạnh đó, chúng ta đừng quên, Cao Côn là một bậc thầy về phong thủy, bùa phép. Từ xa xưa, việc chôn giấu của cải cũng được coi như là một đặc thù của những gia tộc, thế gia giàu sang. Họ luôn cẩn thận, lo xa, hoặc cũng có thể họ có quá nhiều của cải không dùng đến, và họ chọn cách chôn dưới đất để giấu đi. Ngay như trên đất nước này, có rất nhiều nơi vàng bạc được giấu dưới đất, nhiều người vô tình đi làm ruộng cũng đào được hũ vàng, hũ bạc. Kết cục của những người đó đa phần đều là vong mạng, thậm chí đào được của nhưng tán gia bại sản, không thể dùng được. Bởi vì những của cải đó khi chôn luôn đi kèm lời nguyền, thậm chí là có thần canh giữ. Tôi đồ rằng, người như Cao Côn cũng không phải trường hợp ngoại lệ, dường như ông ta tiên đoán được một phần vận số của gia tộc trước khi qua đời, hoặc cũng có thể Cao Côn lo xa nên đem của cải giấu đi phòng cho con cháu đời sau, hoặc cũng có thể, ông ta không muốn bất cứ ai, kể cả là người mang dòng máu của mình được phép động chạm đến của cải của ông ấy. Thêm nữa, nguyên nhân cuối cùng chính là, nếu như Cao Côn muốn trấn yểm địa mạch của làng thì hoa cỏ nơi đó không thể nào nở rộ quanh năm được.
Ông Vọng hỏi:
- - Nhưng chẳng phải đã chục năm nay đất đai nơi đó khô cằn, cỏ không mọc nổi, hoa cũng chẳng dám nở hay sao....?
Thầy Lương đáp:
- - Điều đó chỉ xảy ra khi bắt đầu có người chết ở đó mà thôi. Hãy nhớ lại xem, theo như tấm phổ truyền thì Cao Côn đã chết cách đây 80 năm. Nhưng 20 năm trước khu đất ấy vẫn là nơi đẹp nhất của làng, hoa nở bốn mùa, cỏ cây xanh tốt. Như vậy có nghĩa trước khoảng thời gian có người chết tại chỗ ấy, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, không có gì xảy ra cả.
Sửu hỏi:
- - Nhưng tại sao lại như vậy....thưa thầy...?
Thầy Lương trả lời:
- - Nhiều khả năng, sau khi hai người được cho là người Hoa kia đào bới chỗ đó lên đã vô tình kinh động đến lời nguyền do Cao Côn để lại, cái chết của hai người bọn họ như một hệ quả của việc xâm phạm vào vùng đất cấm.
Ông Vọng thấy thầy Lương giải thích như vậy là không hợp lý, bởi việc chôn cất 2 người Hoa ấy, rồi việc xây miếu cũng là chính tay ông Vọng cùng người trong làng chung tay làm. Ông Vọng nói:
- - Nếu nói như thầy, ai đào bới khu đất ấy cũng chết thì chẳng phải tôi cũng đã chết rồi sao. Bởi vì tôi cũng góp sức đào huyệt để chôn cả hai người bọn họ.
- - Nhưng khi bác đào huyệt chôn cất hai người họ, trong đầu bác có nghĩ đến việc tìm thấy của, hay nghĩ mình đang đi đào của cải hay không...?
Ông Vọng trả lời:
- - Không...Tất nhiên là tôi không nghĩ thế rồi...?
- - Nếu...nếu vậy chẳng phải sau này dân làng sẽ phải sống trong sự sợ hãi hay sao....? Đến cuối cùng thì làng Văn Thái vẫn không thể thoát khỏi tai kiếp.
Ông Vọng đã nghe thầy Lương nói điều này từ trước, bản thân ông cũng từng muốn đánh đổi mạng sống của mình để phong ấn lũ Tiểu Quỷ nhưng thầy Lương nói ông không phù hợp. Giờ trong làng đã có thêm 2 người chết vì chúng, đúng như Sửu nói, tai kiếp của làng Văn Thái vẫn chưa dừng lại. Thân là cháu nội của Cao Côn, cũng là một người được dân làng Văn Thái nuôi nấng, vậy mà giờ đây ông Vọng gần như bất lực trước những cái chết liên tiếp xảy ra.
Nhưng một lần nữa, thầy Lương lại gieo đến cho hai người họ một tia hi vọng, thầy Lương khẽ nói:
- - Khi bắt đầu nói điều này cho 2 người, tôi đã bảo chúng ta phải liều một phen phải không....?