Ba người ra đến mép núi, Lữ Thuần Dương và Ngọc Ngân quay lại nhìn, Tử Dung vẫn lẽo đẽo theo sau hai người đến tận nơi này.

Lữ Thuần Dương ngạc nhiên hỏi: “Cô đi đâu vậy?”

Tử Dung rụt rè đáp: “Cho ta tham gia với, ta muốn xem chuyện của con rắn đó sẽ như thế nào nữa.”

Lữ Thuần Dương quay sang nhìn Ngọc Ngân như muốn hỏi ý cô, thấy Ngọc Ngân gật đầu, hắn quay qua nói với Tử Dung: “Vậy cũng được.”

Ngọc Ngân lại lấy ra hai con hình nhân đại bàng, điểm mắt và họa ngữ để chúng biến thành đại bàng to lớn, Lữ Thuần Dương cưỡi một con, Ngọc Ngân và Tử Dung cưỡi chung một con.

Bay xuống chân núi, Ngọc Ngân lại dùng hình nhân hai con voi như lúc đến, hỏi Lữ Thuần Dương đi tới đâu để tìm con rắn ba chân kia, hắn đáp hắn gặp gã Thiềm Tử đó ở khu rừng Gà Gáy, nên cả ba người cưỡi voi nhắm hướng khu rừng đi tới.

Trên đường đi, Ngọc Ngân hỏi Lữ Thuần Dương về chuyện liên quan giữa Thiềm Tử và hiện kiếp của Uyển Kha, hắn phải kể lại ngắn gọn câu chuyện về thôn Ô Hợp cho hai cô gái cùng nghe.

Nghe xong, Tử Dung thắc mắc: “Vậy ngươi chính là hiện kiếp của Uyển Kha?”

Lữ Thuần Dương gật đầu: “Phải, sư phụ Tiêu Ảnh Tử của tôi nói như vậy.”

“Bây giờ ông ấy đang ở đâu?” Ngọc Ngân hỏi.

“Tôi cũng không biết, từ năm mười tám tuổi, sư phụ đã để tôi một mình rồi.”

“Thật tội nghiệp cho ngươi, còn trẻ mà đã phải lang thang đầu đường xó chợ một mình rồi.” Tử Dung mở giọng tội nghiệp hắn.

Lữ Thuần Dương cười khổ, câu nói của Tử Dung nghe không đúng lắm, nhưng hắn cũng lười giải thích.

“Vậy anh làm gì để kiếm sống?” Ngọc Ngân lại hỏi.

Lữ Thuần Dương nhún vai: “Không hiểu từ đâu nhưng sư phụ tôi có rất nhiều tiền, tuy sống một mình nhưng việc kiếm tiền tôi chưa bao giờ phải nghĩ tới.”

“Không ngờ, nhìn ngươi vậy mà lại con cháu thế gia quá nhỉ!” Tử Dung thốt lên.

Thấm thoát, cả ba đã đến bìa rừng thưa, Ngọc Ngân hỏi: “Làm sao để tìm được Thiềm Tử bây giờ?”

Lữ Thuần Dương chưa kịp mở miệng trả lời thì bỗng nghe có tiếng trống và phèng la vọng đến, có lẽ khoảng cách còn rất xa nên âm thanh rất nhỏ, nhưng trong đêm khuya vắng lại nghe rất rõ ràng.

Hắn quay sang hỏi hai cô gái: “Hai cô có nghe thấy tiếng gì không?”

Ngọc Ngân ngước nhìn trời, gật đầu: “Bây giờ cũng khoảng cuối canh ba, sao lại có tiếng trống nhỉ, không lẽ là lũ gà tinh nhảy múa sao?”

Lữ Thuần Dương ngờ vực: “Không phải, tiếng trống này khác xa tiếng trống của lũ gà, tiếng trống của lũ gà nghe tiết tấu sôi động khiến người ta muốn nhảy múa, còn tiếng trống này nghe rên rỉ, sầu não, cứ như có ai đang than khóc vậy.”

Cảm giác tiếng trống có chút kỳ quái, ba người leo xuống khỏi hai con voi, Ngọc Ngân thu hình nhân lại, rồi cả ba mò mẫm từng bước lần về phía phát ra tiếng trống.

Tử Dung nắm chặt lấy tay của Ngọc Ngân, có chút run rẩy, Ngọc Ngân hỏi khẽ: “Sao tay cô run run vậy, cô thấy lạnh à?”

Tử Dung thì thầm: “Không phải, tôi thấy… sợ.”

Lữ Thuần Dương nghe thế thì trợn mắt, mặc dù trong đêm tối không ai nhìn rõ khuôn mặt của hắn: “Cô là hoa yêu, mà cũng thấy sợ sao?”

Tử Dung thấp giọng đáp lại, có chút hờn dỗi: “Sao lại không, ta cũng là con gái, cảm thấy sợ ma có gì không đúng?”

Trên trán Lữ Thuần Dương chảy một giọt mồ hôi, lời nói ra tắc tị, vô phương suy nghĩ.

Dò dẫm trong rừng, ba người luồn lách qua các thân cây và bụi rậm một lúc, cuối cùng cũng ra đến chỗ rừng thưa thớt, có ánh lửa leo lét hiện ra, tiếng trống đã đến rất gần, xen lẫn giữa những tiếng trống trầm đục là tiếng thanh la điểm những âm sắc vang vọng thê lương.

Họ trông thấy một đoàn người đang di chuyển theo hàng dọc, tất cả đều mặc đồ trắng, có một người đi đầu, hai tay cầm hai ngọn đuốc soi sáng cho tất cả.

Theo sau là hai người cầm hai lá phướn trắng, đuôi phướn lất phơ lất phất theo từng bước đi của người cầm.

Kế đến là một kẻ gõ trống, một kẻ đánh la, tiếng trống vang lên một tràng ngắn thì được điểm vào một tiếng la.

Nối đuôi hai người ồn ào nhất trong đoàn này là hai kẻ cầm một rổ tiền vàng mã, vừa đi vừa rải tiền tứ tung.

Cuối cùng là bốn nam nhân lực lưỡng khiêng một cái quan tài, là loại truyền thống, tục vẫn thường gọi là kim quan, nguyên do là loại này có hình dáng hai bên hông cong tròn, cùng nắp thượng uốn võng xuống như một thỏi vàng.

Người nằm trong quan tài lúc sống dù có khổ cực đến đâu thì lúc chết cũng được ở trong một ngôi nhà tiền bạc.

Nghề đóng quan tài cũng lắm công phu, chỉ riêng mỗi loại gỗ dùng để đóng thôi cũng có tới cả trăm loại, nhưng chung quy có thể gom lại chia thành bốn giai tầng khác nhau.

Cấp thấp nhất chỉ là loại gỗ rẻ mạt, chôn xuống đất nếu là nơi ẩm ướt chỉ sau vài tháng đã mục ruỗng, còn nếu là nơi khô ráo thì chỉ hơn năm là đã xuống cấp, từ đó dễ dàng cho một số loại chui rúc dưới đất như rắn và cá đục thủng quan tài, chui vào bên trong ăn thịt xác chết.

Thứ thịt thối rữa này nuôi bọn chúng đến béo ngậy, căng tròn.

Không ít trường hợp đào bới những huyệt mộ ra, thấy một đàn cá béo núc ních tung tăng bơi lội hoặc thấy một vài con rắn đất mập ù nằm cuộn tròn đợi sẵn, thấy người là ngóc đầu dậy, như kiểu muốn hỏi: lại đưa thêm đồ ăn tới à?

Mà cũng vì loại quan tài này nhanh hỏng đến vậy, từ đó mới sinh ra tục lệ cải táng sau ba năm.

Trong ba năm chờ cải táng đó, gia đình người mất lo chạy chọt vun vén các kiểu để tích đủ tiền bạc, sắm được một cỗ quan tài tươm tất hơn, chờ đến khi đủ kỳ hạn ba năm lại đào lên để chuyển người mất qua nhà mới.

Nhưng thế gian có câu: “Mưa ba năm chưa tạnh, nắng ba năm chưa râm.” Khoảng thời gian ba năm có khi quá ngắn ngủi chưa đủ để cải vận, có những gia đình dành dụm mãi cũng không thể dôi dư ra tiền bạc để mua quan tài mới, thế nên khi đến hạn cải táng, thôi thì nhặt xương cốt cho vào hũ sành để vừa an tâm trong lòng, vừa trọn vẹn tình nghĩa.

Có điều, nếu chẳng may lúc cải táng mà da thịt người chết chưa tan hết thì lại sinh ra cái nghề róc da lóc thịt.

Chẳng biết người sống cảm thấy thế nào, chứ nếu người chết có thể nói, có thể họ sẽ nói rằng: sao không để yên mọi thứ cho họ có thể an giấc ngàn thu, quan tài dù xấu thế nào thì cũng đã ở yên được ba năm quen thuộc, nay đang ngủ ngon, lại bỗng dưng bị dựng đầu dậy, bóc da bóc thịt.

Loại quan tài kế tiếp chính là loại phổ thông nhất, dùng cho đại trà đa số, loại này gỗ chắc chắn hơn, trong vòng ba năm gần như không thể bị hư hại, đảm bảo cho kẻ nằm bên trong không bị làm phiền.

Được xếp giai tầng cao hơn loại quan tài chắc chắn kia một bậc, chính là những loại gỗ có mùi thơm.

Lượng tinh dầu càng nhiều thì càng thơm, mùi thơm này không những ướp cho người chết nằm bên trong trở nên thơm tho sạch sẽ mà còn để người sống bên ngoài thưởng thức.

Hàng quan tài cực phẩm cuối cùng là thứ được làm từ loại gỗ cũng có mùi thơm nhưng chất lượng cao hơn, thứ mùi thơm này vừa tỏa ra xa, vừa giữ được hương vô cùng lâu.

Quan tài lại vô cùng chắn chắn một cách đặc biệt, đặt trên mặt đất thì nặng, thả xuống nước thì nổi.

Người nằm bên trong ba năm, dung nhan vẫn được bảo quản gần như lúc còn sống.

Tương truyền lúc Tần Thủy Hoàng mất, ông được an táng trong một cái quan tài làm từ gỗ Ngọc Kỳ Am, mùi thơm của loại gỗ này vô cùng đặc biệt, lan xa hơn một dặm, ngào ngạt khắp trong hoàng cung, giữ mùi trong vòng ngàn năm không hề phai nhạt, người sống ngửi thấy cũng cảm thấy trong lòng vô cùng sảng khoái, đầu óc minh mẫn, cảm giác được sống thọ thêm vài năm.

Không rõ thứ gỗ này được tìm thấy ở đâu, nhưng từ đó về sau không có cái quan tài tương tự thứ hai được làm ra.

Tiếc là hậu nhân không tìm thấy chính xác cái quan tài đã an táng Tần Thủy Hoàng này để kiểm chứng về mùi thơm và độ bảo quản xác của nó.

Cái quan tài mà đoàn người đang khiêng có lẽ là loại rẻ mạt nhất vì bốn người đang khiêng không tỏ vẻ nặng nề lắm, chứ nếu là loại quan tài chắc chắn, chỉ bốn người khiêng thì không thể ung dung như thế được.

“Lạ thật!” Lữ Thuần Dương thì thầm với vẻ nghi hoặc.

“Ngươi thấy có chuyện gì lạ?” Tử Dung hỏi.

“Đoàn người đưa tang mà không hề có nét đau buồn, cũng chẳng than khóc, người nằm trong quan tài kia dường như chẳng có chút gì liên quan với đám người này cả vậy.” Ngọc Ngân đáp thay.

“Không phải, ý tôi thấy lạ là sao lại đưa tang vào lúc khuya khoắt như thế này? Có chuyện gì ám muội chăng?” Lữ Thuần Dương đính chính cái câu “lạ thật” của hắn.

Cả ba âm thầm bám theo một đoạn, đoàn người tới mảnh đất trống gần một gốc cây to thì dừng lại.

Bốn người khiêng quan chậm rãi hạ quan tài xuống mặt đất, những kẻ cầm cờ và trống la cũng bỏ những thứ trong tay xuống, thắp lên hai ngọn đuốc nữa, khung cảnh bây giờ đã trông rõ ràng hơn.

Vài kẻ trong bọn bắt đầu lấy cuốc đào đất.

“Gì thế, khiêng quan tới nơi mới bắt đầu đào đất ư, không hợp lẽ thường chút nào.” Lữ Thuần Dương nói khẽ.

Đám người nhanh chóng đào được một hố sâu, rồi nhảy xuống dưới tiếp tục đào đất, từng sọt đất đều đặn được đưa lên trên, hết sọt này đến sọt khác, đất chất bên trên đã chất thành đống lớn mà có vẻ như đám người vẫn chưa dừng lại.

Thỉnh thoảng lại đổi người, người ở trên nhảy xuống đào tiếp, thay cho người ở dưới lên trên chuyển qua việc đổ đất ra ngoài.

“Có vẻ bọn họ đào một cái huyệt sâu hơn bình thường.” Ngọc Ngân nhận xét.

Đến gần cuối canh tư thì đám người đào huyệt dừng tay, có vẻ cái huyệt đã được như ý, bọn họ nhanh chóng leo hết lên trên, đan các đoạn dây thừng tròng vào xung quanh cỗ áo quan, thắt nút chắc chắn, rồi dựng một cái chạc ba trên cao, bắt đầu thả quan tài xuống dưới cái huyệt vừa đào.

“Cái gì thế?” Lữ Thuần Dương không tin vào thứ mình đang nhìn thấy, cả Ngọc Ngân cũng biểu lộ vẻ ngạc nhiên thấy rõ.

Đám người đang thả cái quan tài xuống theo chiều dọc, họ đang chôn đứng một cỗ quan tài!

Quan tài được thả chạm xuống nền đất dưới huyệt, đám người nhanh chóng tháo dây, phủ đất lên trên.

Nhưng bọn họ chỉ phủ đất lấp đầy khoảng trống dưới huyệt cho bằng với mặt đất xung quanh rồi dừng lại, chứ không đắp cao lên như một nấm mồ bình thường.

Cuối cùng một người trong bọn thắp ba cây nhang, cắm chụm vào nhau lên nền đất rồi nhanh chóng bỏ đi.

Nhìn thoáng qua thì tưởng chừng như bọn họ thắp nhang để cúng bái cái gốc cây to, chứ không thể nghĩ rằng lại có một nấm mồ bên dưới.

“Bọn chúng giấu giếm thứ gì trong quan tài vậy nhỉ?” Lữ Thuần Dương thấy bọn người đã đi xa thì cất tiếng rõ hơn.

“Nhìn ba cây nhang kia, thì chín phần là có người chết bên trong, chứ nếu là đồ vật gì đó thì không cần phải thắp nhang làm gì.” Ngọc Ngân khẳng định.

Tử Dung này giờ vẫn im lặng, bất chợt lên tiếng: “Trong quan tài đúng là có người, nhưng người này dường như vẫn còn đang sống.”

“Người bị chôn sống? Làm sao cô biết?” Lữ Thuần Dương kinh ngạc quay sang hỏi Tử Dung.

“Bọn họ chôn người gần cái gốc cây kia, lúc đào huyệt đã phạt đứt bộ rễ dưới đất của nó rồi thả quan tài xuống, những nhành rễ bị đứt chạm đến lớp vỏ bên ngoài, tôi có thể thông tâm với cây cối xung quanh, cảm nhận được có hơi thở của người sống thoát ra từ bên trong, nhưng hơi thở này đã trở nên rất yếu, lúc có lúc không, chẳng mấy chốc nữa sẽ tắt lịm thôi.”

“Đám người này nhìn mặt mũi chẳng có vẻ gì là lương thiện, làm chuyện lại mờ ám, đằng sau chắc có điều khuất tất, phải cứu kẻ nằm bên trong ra trước đã.” Lữ Thuần Dương nói xong, thấy đám người đã đi xa khuất dạng, vội vã chạy đến chỗ gốc cây, hất ba cây nhang qua chỗ khác rồi dùng hai tay vội vã bới đất ra.

Tử Dung chạy đến, nói vội: “Hơi thở ngừng rồi.”

“Hai người lùi lại đi.” Lữ Thuần Dương quát lớn rồi mở bọc vải lấy kiếm ra, hắn rút kiếm ra khỏi vỏ, Sát Đế xuất hiện tỏa hồng quang đỏ rực trong đêm tối, Tử Dung kêu ối lên một tiếng vì bị sát khí từ thanh kiếm tỏa ra bức người, phải lùi lại một khoảng rất xa.

Ngọc Ngân tuy không phải chịu áp bức như Tử Dung nhưng cô cũng lùi theo Tử Dung để đỡ lấy bông hoa xinh đẹp này.

“Cứu người là quan trọng, ngươi chịu ủy khuất chút.” Lữ Thuần Dương nói với cây kiếm trong tay mình.

Có lẽ đây là lần đầu tiên, một thượng cổ thần kiếm được dùng để đào đất.

Hắn quay mũi kiếm trên không, nửa phần thân kiếm quay tròn như bông vụ, sắc đỏ loang loáng.

Không khí xung quanh bị hút vào thân kiếm, gió rít lên vù vù, cả một vùng không gian bị nhiễu loạn, lá cây xung quanh bay tung tóe, những gì có thể bay được gần đó đều bị hút vào mũi kiếm.

Lữ Thuần Dương thấy đã tích đủ kình lực, liền đâm mạnh mũi kiếm xuống đất.

Mặt đất lập tức bị xới tung lên như có một bàn tay khổng lồ cắm mấy ngón tay xuống đất rồi hất mạnh lên vậy.

Số đất mới đắp xuống chưa được nén chặt, lại bị cơn cuồng phong khoét sâu xuống, đất đá, cát bụi bay rào rào bốn phía, cái huyệt vừa được lấp đất gần như lại bị bới ra hoàn toàn, lộ ra cỗ quan tài trơ trọi.

Hắn ngay lập tức cắm ngập mũi kiếm vào đầu trên của quan tài, không lo chạm phải người nằm bên trong, vì quan tài được chôn đứng, người bên trong hiển nhiên là sẽ ở phía đầu dưới của cỗ quan.

Bằng một sức mạnh đáng kinh ngạc, hắn cứ thế một cánh tay, một thân kiếm, nâng bổng cả cái quan tài lên khỏi huyệt, đặt xuống mặt đất bên cạnh.

Lại nhanh chóng đâm kiếm vào khe hở giữa thân quan và nắp thượng, nạy bật nắp thượng lên, để lộ ra một thân người nằm bên trong.

Cả quá trình kinh thiên động địa này được Lữ Thuần Dương thực hiện chỉ trong vài cái chớp mắt, tính từ khi Tử Dung thốt lên mấy chữ “hơi thở ngừng rồi”.

Ngọc Ngân và Tử Dung sau khi định thần, vội vàng chạy đến bên quan tài, thò đầu vào trong xem, bên trong là một nam nhân còn trẻ, trạc tuổi của ba người, có điều người này sắc mặt trắng bợt, môi tím tái, dường như đã ngừng thở.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play