Tôi sinh ra ở một thành phố có tên là Trường Khang. Đại khái thì nó được đánh giá là huyện cấp thị [1] sau khi trải qua hai ngàn năm, nhưng điều này cũng không ảnh hưởng tới việc nó là một nơi hoang vu hẻo lánh thông tin bế tắc, một người nào đó ra khỏi cổng qua chỗ quẹo cũng có thể có mối liên hệ với một họ hàng thân thích nào đấy của gia đình bạn. Mẹ tôi từng là y tá của bệnh viện thành phố, sau khi tôi lên cấp 2 bà lên chức y tá trưởng của bệnh viện. Được giao xếp thứ tự gọi số tại phòng siêu âm B [2] của bệnh viện, bà sẽ để trên bệnh viện tìm họ hàng của bà hoặc là họ hàng của họ hàng chờ đến lúc một loạt người quen mà bà nom thấy quen sắp xếp cho chen ngang. Bà còn từng thu tiền phong bì lúc tôi học tiểu học. Một người y tá thu phong bì bây giờ nghĩ tới có lẽ sẽ cảm thấy hơi buồn cười, nhưng vào thời thập niên 80, 90 bệnh viện không thể cho phụ nữ có thai biết giới tính của thai nhi trong bụng mình vì nguyên nhân kế hoạch hóa gia đình, sẽ thường xuyên có người tìm đến mẹ tôi, đưa bà chút tiền phong bì hoặc một ít đồ gia dụng dầu gạo linh tinh để bà lén cho hay giới tính của cái thai trong bụng.

[1] Huyện cấp thị: Hiến pháp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quy định có 3 cấp hành chính: tỉnh, huyện và hương. Nhưng trên thực tế Trung Quốc được chia thành 5 cấp đơn vị hành chính là: tỉnh, địa khu, huyện, hương và thôn. Trong đó, địa khu được định nghĩa là chi nhánh của chính quyền tỉnh, còn cấp thôn không phải là cấp chính quyền chính thức. Tuy thôn chỉ là một tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư nhưng ở nhiều hương do địa bàn rộng lớn không thế quản lý hết được nên thôn đã được cho nhiều quyền lực hành chính.

Thành phố cấp huyện hay huyện cấp thị 县级市 là một đơn vị hành chính ở Trung Hoa đại lục. Huyện cấp thị nằm dưới địa cấp thị (đô thị cấp địa khu) và các đơn vị cấp địa khu. Phần lớn huyện cấp thị được lập trong thập niên 1980 và 1990 bằng cách thay các huyện. Quá trình này đã được dừng lại năm 1997.

Các huyện cấp thị không phải là các đô thị theo nghĩa đúng nhất của nó vì chúng thường có vùng nông thôn có khi rộng gấp nhiều lần so với vùng đô thị.

[2] Siêu âm B (Brightness Mode) là một loại siêu âm một chiều, là kiểu hiển thị dưới dạng thang xám theo thời gian thực, mức thang xám tỉ lệ với cường độ tín hiệu. Khi hình siêu âm hiện trên màn hình có nền đen, các tín hiệu cường độ mạnh hiện lên màu trắng, không có tín hiệu hiện lên màu đen, còn các tín hiệu với cường độ trung gian thể hiện qua các sắc xám (thang xám). (Trích "Đại cương về siêu âm" Website của Bệnh viện Huyết học và truyền máu Trung ương)

Tôi suy nghĩ sâu xa trong chuyện đó mẹ tôi cũng đã từng làm đao phủ giết chết các bào thai nữ, bà không hề cảm thấy điều này có vấn đề gì, tất cả đều là vì cuộc sống, cuộc sống thật là một cái cớ cực kỳ tốt.

Cho nên bình thường mẹ tôi sẽ nhìn tôi, còn nghiêm mặt hẳn hoi giãi bày: "Lê Thốc, đều là vì con, mẹ đều là vì con."

Quả thực mẹ tôi đã ôm một kỳ vọng rất lớn đối với đứa con duy nhất là tôi đây, kỳ vọng đến nỗi thỉnh thoảng sẽ xem trộm nhật ký của tôi, trông thấy cuốn nhật kí của tôi chuyển từ ước mơ trở thành nhà khoa học sang tôi là đồng tính luyến ái, tiếp đấy mẹ tôi liền sụp đổ tinh thần.

Kể ra thì rất đơn giản thôi, khi tôi hơn mười tuổi, giống như ở trong đại não bà vốn đã tồn tại một sợi dây cung căng hết cỡ thời gian dài, rồi sợi dây đó đột nhiên đứt phựt vào đúng cái buổi chiều có ánh nắng vô cùng tươi đẹp ấy.

Nói như vậy có lẽ không được hay cho lắm, bà là người phụ nữ sinh ra tôi nuôi nấng tôi, tôi biết ơn bà, cũng yêu bà, song điều này cũng chả thể ngăn tôi đánh giá khách quan bà là một người điên.

Bà từng trần truồng chạy về phía cây cầu Trường Khang, chẳng bận tâm gì liều lĩnh nhảy ngay từ trên cầu xuống vào một buổi chiều nào đó khi tôi còn nhỏ và bố tôi có ý định ly hôn với bà.

Nỗ lực dốc sức bày tỏ với bố tôi - Nếu bố tôi muốn ly hôn, thì bà tự sát luôn.

Bà còn từng tự dưng thử đút bột giặt cho tôi trong lúc bố tôi cãi nhau với bà.

"Lê Thốc là do tôi sinh ra, nếu anh muốn ly hôn, thì tôi sẽ giết nó trước, sau đó lại tự sát."

Mẹ tôi quả là một người phụ nữ điên, vì thế cũng chẳng lạ khi bà luôn phải lấy cái chết ra uy hiếp người thân bên cạnh bà và người bà yêu.

Hơn nữa cũng cần phải coi như thành công xuất sắc, dẫu sao bố tôi và bà cãi lộn ẩu đả, thậm chí còn từng đập nát cái giá cuối cùng vẫn sống với nhau như cũ, chẳng qua bà chưa từng vượt quá ngưỡng chịu đựng của tôi. Ngày bà mất tôi vẫn chưa xuất viện, nghe nói là bà nhảy xuống từ trên cầu, lần này quần áo hết sức sạch sẽ gọn gàng, ôm tâm tình tìm đến một cái chết có thể diện.

Sau đấy thì tôi rời khỏi thành phố Trường Khang, rất nhiều năm rồi, giữa đường từng về một lần, thời gian còn lại ngay cả mơ cũng chưa từng mơ thấy nó.

*

Tôi ngẫm nghĩ cây cầu Trường Khang xưa cũ này xem như đã từng chứng kiến sinh tử của rất nhiều người.

Cây cầu cũ được xây lên cuối những năm tám mươi. Trước kia khi chưa xây cầu, qua sông đều dựa vào thuyền đò chở sang. Dựa trên trí nhớ có hạn của tôi thì hình như tôi có nghe nói ông ngoại tôi từng là người chèo đò trên sông Trường Khang, thời gian chèo đò ngang sông hơn hai mươi năm, thông báo xây cầu sức xuống ông tức thời lâm bệnh, còn từng cầm thuốc chuột náo loạn chỗ thi công, cuối cùng thành ra kiệt sức quá mức mà nhất thời trượt chân rồi chết đuối ở sông. Sự việc ngoài ý muốn này hồi nhỏ tôi nghe được còn rất khó hiểu, chủ yếu là do tạm thời vẫn chưa thể giải thích mối quan hệ nhân quả ở bên trong, song câu chuyện này đã mơ hồ vạch lên một dấu bằng trong trí óc non nớt của tôi.

Cầu bằng chết.

Đó là nguyên nhân vì sao tôi không thể không cảm thán một lần nữa rằng đời người đúng là giống dải Mobius lúc tôi nghe người ta kể trong nhà có người mất vì xây cầu. Tới khi tuổi mười tám bồng bột ập đến, đầu mối duy nhất có thể vạch ra dấu bằng giữa tôi và cái chết kia chính là cây cầu Trường Khang này.

Năm ấy tôi thực sự đã ôm quyết tâm hùng hồn tìm tới cái chết cùng với người nắm tay mình nhảy khỏi cây cầu này.

Cầu bằng chết.

Sau khi tôi và người ấy chết vì tình thất bại, mẹ tôi lại thay thế vị trí của tôi. Nó có khả năng chính là một lời nguyền, một lời nguyền lén lút lẩn trốn trong gia tộc tôi, cũng có khả năng giao tiếp âm dương với một vài người nào đấy thiệt, thế nào cũng có một vài người chết vì nó hoặc là chết dưới thân nó.

Sau khi tham gia xong lễ tang của mẹ tôi, bị người ta chỉ chỉ trỏ trỏ, tôi bèn rời khỏi thành phố Trường Khang, tôi chạy trốn thứ cảm giác chết chóc bám riết như hình với bóng này, chạy trốn thứ tình cảm ùn ùn kéo đến này.

Tôi nói rồi bây giờ tôi đã có thể thản nhiên chấp nhận hình thái của mình, ví dụ như là một con lừa bị thiến. Cho nên trong thời khắc này tôi mới có thể vừa nghiêm túc vừa thật lòng thuật lại mình đã chết rồi lại sống, tham sống sợ chết, tóm lại là không chết.

Lúc hai mươi tuổi, tôi cứ không muốn thừa nhận thực ra mình không muốn chết, không dám chết, mà còn định cắn răng tuyên bố mình muốn sống đời tươi đẹp cho mọi người xem.

Kỳ thực hoàn toàn không có ai để ý cả, tuổi trẻ thật đẹp.

*

Thật ra trước khi cây cầu mới sắp được xây dựng em họ ngoại của tôi - Nghiêm Lam đã báo ngay cho tôi biết rồi, thời điểm ấy đại khái là cách năm tôi ba mươi tuổi vẫn còn xa hơn ba bốn năm. Sau hai mươi lăm tuổi, trọng tâm sinh hoạt cuộc sống của tôi hầu như đều đặt lên công việc, mỗi ngày đọc số liệu làm thí nghiệm sứt đầu mẻ trán, cuộc đời bận rộn vô cùng dư dả. Khi nhìn lướt qua cái tin nhắn của Nghiêm Lam tạm thời đúng lúc chưa kịp hồi âm, sau đó thì quên béng chuyện này.

Tới khoảng thời gian trước cậu em nhắn WeChat cho tôi kể cầu mới xây đẹp lắm, vài ngày nữa sẽ bắt đầu công tác dỡ bỏ cây cầu cũ, khi đó tôi mới bỗng nhận ra nó như là một lời nguyền khắc vào trong cơ thể tôi, mà hiện giờ đang dần dần biến mất hẳn tại cây cầu cũ này. Lời nguyền trong tôi sắp biến mất. Người chiến thắng là tôi, tôi là một người chiến thắng, theo lý nên đi tưởng nhớ một chút tên đối thủ tôi đã đơn phương nhận định này.

Sau thời gian tám năm xa cách rốt cuộc tôi cũng quyết định quay về một chuyến.

Về mặt công việc, bởi vì trạng thái biểu hiện của tôi đúng thực là nhiệt tình yêu nghề quá mức, mấy năm gần như chưa từng cầu xin vay mượn gì cả, nên ông chủ duyệt giấy xin nghỉ phép rất vui vẻ. Tôi đặt vé xong đâu đấy bằng điện thoại rồi gói ghém nhanh nhẹn lên đường trở về.

*

Trường Khang không được coi là thành phố phát triển gì, tôi ngồi tàu đường sắt cao tốc từ thành phố Thượng Miên bốn tiếng sau đấy lại trằn trọc một tiếng trên xe khách to, đang trong cơn buồn ngủ mới tạm trông thấy bóng dáng của thành phố đã lâu lắm chưa hề trông lại này.

Khi xe khách giảm tốc độ vào trạm thu phí, tôi mới phát hiện trạm thu phí tốc độ cao đã được xây mới đẹp đẽ. Tám năm trước lúc tôi rời đi từ đây cái trạm thu phí cũ kỹ đó ban đầu chỉ có một làn vào và một làn ra, cực kỳ cũ nát. Xem ra trạm thu phí mới vô cùng đồ sộ, trên bức tường trắng treo một dòng đại tự màu đỏ chào đón khách "Thành phố Trường Khang hoan nghênh bạn."

"Thành phố Trường Khang hoan nghênh bạn."

Tôi đã trở về quê hương với lời đón chào sơ sài rõ trào phúng này. Xe khách dừng bánh tại bến xe, lượng người ở bến xe giờ hành chính không tính là lớn, dòng người na balô cặp túi trên lưng túm năm tụm ba đến trạm xe buýt chờ xe buýt, ra cổng bến có dăm ba tài xế lái taxi đang đứng trước cửa xe của mình tán dóc, gặp người bước ra là hỏi hết sức nhiệt tình "Đi đâu đấy, muốn đi xe không?". Tôi tìm trong đám ấy một anh tài nhiệt tình tới nỗi gần như túm tôi lại không cho đi, đồng thời trong quá trình ngã giá tiền xe nhất định đối phương đã giở công phu sư tử ngoạm báo cho tôi một số tiền cao hơn giá thông thường rất nhiều lần. Sau khi cười nhìn chằm chằm vào đôi mắt của anh ta, tôi vẫn ngồi lên chiếc xe taxi giở công phu sư tử ngoạm này.

Tài xế vô cùng nhiệt tình, cũng có thể là do khoản tiền từ một chuyến xe lời bằng mấy chuyến này khiến tâm tình anh ta sung sướng, anh ta hết sức vui lòng chia sẻ đời sống của thành phố này với tôi.

Thí dụ như giá phòng, thí dụ như cây cầu mới được xây dựng, thí dụ như dạo gần đây giá thịt lợn tăng cao đến mức làm người ta líu lưỡi.

Lúc xe tới đoạn gần cầu cũ, anh ta còn sốt sắng muôn phần nói cho tôi biết bởi vì cầu cũ sắp tháo dỡ, hiện giờ xung quanh đây không thông xe, cho nên giao thông chẳng thuận tiện lắm, còn hỏi có cần chờ tôi quay về cùng không.

Sau khi xuống xe, tôi xin khước lòng nhiệt tình của anh ta, rồi đi một đoạn đường không tốt lắm đến chỗ đầu cây cầu cũ.

Ắt hẳn cây cầu này đã bị ngừng khai thác sử dụng từ lâu, đầu cầu cũng bị rào kín bằng lưới kẽm. Tôi đi bộ loanh quanh tấm lưới một vòng, phát hiện cây cầu có khác biệt rất lớn so với trong trí nhớ. Giờ nó tựa một người già sắp chết kéo dài hơi tàn, từ trên mỗi một mạch vữa giữa các viên gạch đều lộ rõ vẻ tiêu điều của nó.

Sau khi đứng mất một lúc lâu ở đầu cầu vắng lặng, tôi nảy sinh một thứ cảm giác khó tả tại nơi có sự chênh lệch quá lớn so với trong trí nhớ này, rồi tiếng một cô bé nữ sinh đánh thức tôi tỉnh lại từ trong thứ cảm giác chênh lệch khó tả này.

"Mau lên, dạo trước mình phát hiện một lỗ thủng ở chỗ này. Tụi mình lên cầu chụp ảnh đi, dù sao bây giờ cũng không có xe chạy, qua hai hôm nữa là cây cầu này biến mất rồi, muốn ngắm cũng không ngắm được đâu nhé!"

Giọng nói nghe cũng rất hồn nhiên truyền cảm, tôi nghe thấy liền đưa mắt, bước tới chỗ đầu cầu nơi mấy học sinh cấp 3 bộ dạng trẻ con đang chơi đùa vui vẻ.

Theo trí nhớ của tôi hình như xung quanh đây có trường trung học. Lúc tôi đi học thì đường đến trường ở gần đây, thỉnh thoảng buổi tối không muốn tự học ca tối tôi sẽ chạy lên cầu hóng gió. Khoảng thời gian khó chịu nhất trong phần ký ức về năm tháng học trò là mùa hè, phòng học không có điều hòa, trên trần chỉ treo hai cái quạt, trên tường bốn cái quạt treo tường, nhưng sao thổi ra toàn là gió nóng. Thời làm học sinh tôi sợ nóng nhất, những tối mùa hè thì tôi thích gió mát bên này hơn. Tôi từng đi dạo từ đầu cầu đến cuối cầu với người đó vào đêm hè, còn kể lại rất chi tiết với người đó trước đây ông ngoại tôi đã chèo đò dưới cầu này như thế nào và cả thông báo xây cầu khiến ông đâm sợ hãi đối với việc sắp thất nghiệp ra làm sao mà tinh thần không ổn, cuối cùng trượt chân rơi xuống nước rồi mất.

Thời điểm ấy quả thật tôi hoàn toàn chưa từng nghĩ tới những chủ đề nghiêm túc về cái chết, nhảy tưng tưng trên cầu với người đó cũng chưa từng nghĩ tới vấn đề cầu sập.

Cả hai đều là những thiếu niên đang thể hiện suy tư sâu lắng của mình hệt như những chú chim đang phô diễn bộ lông đẹp đẽ của nó, giờ nghĩ lại vừa vô căn cứ vừa pha thêm chút hiệu ứng hài hước ở trong đó.

*

Mà hiện tại đứng cạnh cái đám tôi nghi là học sinh cấp 3 trốn tiết ra ngoài chơi kia, chúng liên tục chạy nhảy quanh tôi rồi đi về phía góc rào gần nhất. Có lẽ rào kẽm chỗ đó có một lỗ hổng bị học sinh trung học quanh đây cắt ra, tôi nhìn bóng dáng chúng đang thong thả đến gần liền suy xét một khoảng ngắn.

Khi đi qua tôi, nữ sinh dẫn đầu liếc nhìn tôi, tôi gật đầu với cô bé, cô bé ngẩn người rồi sau đấy nhanh chóng chạy đi. Tôi đang chuẩn bị theo sau mấy cô cậu học sinh ấy xem có thể chui qua cái lỗ kia hay không.

Ba học sinh cấp 3 đều trẻ trung hoạt bát đi qua trước mặt tôi, đi cuối tốp chính là một cậu học sinh, đầu tóc cậu ta thiên về dài. Tôi liếc mắt sang phát hiện tóc mái của cậu ta che khuất hết đôi mắt, vẫn còn đang ngạc nhiên hiện nay các cậu nhóc lại có mốt gì, cậu ta đã nhếch môi hơi hơi ngẩng đầu lườm về phía tôi lúc ngang qua tôi. Cậu học sinh này rất gầy, để lộ làn da trắng nhợt nhạt không bắt nắng lắm, chiếc áo khoác đồng phục lười biếng bao ngoài T-shirt đen. Đại khái là kiểu tóc phô trương có phần tối tăm này làm cậu ta thoạt nhìn có chút thú vị, tôi mới hơi nhếch khóe miệng lên định thể hiện sự thân thiện với người lạ, thì thấy bờ môi cậu ta thu về thành một đường thẳng, thậm chí tôi còn có thể nom thấy gò má cậu ta căng chặt, tiếp theo cậu ta lanh lẹ nhấc chân chạy trốn.

Tôi cho là cậu ta sợ người lạ, không mảy may để tâm theo gót cậu ta, sau đó quan sát hết sức cẩn thận bước chân lúc thì nhanh lúc thì chậm của cậu ta, đôi khi cậu ta còn có thể giậm mạnh tạm dừng, hơi nghiêng đầu sang một bên, tiếp đấy lại quay đầu về vô cùng mau chóng, tiến lên đằng trước lẹ hơn.

Tới khi tôi theo cậu ta đến chỗ cái lỗ trên hàng rào kẽm, toàn bộ nhóm bạn của cậu ta đều đã chui vào, có người ở trong cầu gọi cậu ta: "Mau lên, sao mày chậm vậy?"

Cậu ta đút tay vào túi áo quay lưng về phía tôi, giọng mang theo chút sốt ruột cãi lại: "Tớ đã nói là không muốn đi rồi." Tiếng cậu ta không tính là lớn, sắc giọng cũng hết sức nhẹ nhàng, nhưng trong ngữ điệu bình tĩnh của cậu ta người nghe vẫn có thể cảm nhận được nỗi sốt ruột của con người này.

Cậu nhóc mười mấy tuổi lạnh lùng còn rất đáng yêu, tôi đợi ở đằng sau cậu ta một lát mới vươn tay vỗ nhẹ bả vai cậu ta: "Nếu cậu chưa...". Chủ ý của tôi là tính bảo nếu cậu ta chưa muốn vào trong thì có thể tránh sang bên cho tôi đi được không, mới nói dở chừng thì cái cậu này run bắn, hoảng sợ y như bị người phía sau nào đó thình lình tấn công. Cậu ta làm động tác xoay ngoắt người lườm về hướng có tôi, cặp mắt lộ ra dưới lớp tóc mái rất dày, kinh sợ nhìn tôi chòng chọc hệt một con mèo bị giật mình.

Rất khó để không nói thực ra tôi cũng bị phản ứng này của cậu ta dọa đôi chút, sau khoảng nửa giây ngẩn ra mới chậm chạp thu bàn tay đặt trên vai câu ta tiếp tục bổ sung đầy đủ câu mình chưa nói xong: "Có thể cho tôi vào trước không?"

Cậu trai ngầu gật đầu, tiếp đó vô cùng nhanh nhẹn tránh ra khỏi đằng trước cái lỗ đi vào.

Tôi nói cảm ơn.

Tôi nhận thấy có thể bởi vì gặp mưa sau khi bị cắt bằng kìm mà mép những cái lỗ lớn nhỏ trên rào lưới kẽm có gỉ sắt, với thân hình của tôi rất khó vừa thoải mái dễ dàng chui qua lại vừa đảm bảo không bị dính gỉ sắt. Tôi giơ tay lần lần lưới kẽm, rốt cuộc vẫn chầm chậm chui vào và dĩ nhiên một ít gỉ sắt dây lên quần áo tôi.

Có điều không sao cả, khả năng cao là tôi sẽ không mặc bộ quần áo này nữa.

*

Tôi thư thả đi dọc theo lối đi bộ ven cầu tới chỗ giữa cầu, xa xa có thể ngó thấy mấy cậu nhóc vào trước tôi kia đang tạo dáng chụp ảnh ở giữa cầu, còn thường hay truyền đến tôi ở bên này giọng nói hai câu: "Ghét chụp ảnh", "Khó coi". Tôi đi tới chỗ giữa cầu dựa vào thành cầu nhìn đăm đăm dòng nước sông cuồn cuộn một chốc, đột nhiên sợ hãi tán thán dũng khí của mình năm mười bảy mười tám tuổi. Cũng không nhớ rõ rốt cuộc là ôm thứ tâm trạng gì lao mình từ trên cầu xuống, lúc ấy tôi còn chả biết bơi lội, sau khi làn nước sông tanh hôi ngập đầu, bàn tay ôm chặt quanh tôi của người đó liền không trụ nổi buông lỏng.

Ngay thời điểm cùng nhảy sông tự sát, tôi và người đó vẫn còn bùi ngùi cảm khái rất động lòng người tới rơi lệ rằng cái chết cũng chẳng thể chia lìa hai ta. Kết quả chỉ cần nước sông dâng sóng quá mình đôi bên đã có thể tách chúng tôi ra.

Cũng không phải tại chúng tôi tự cho mình kiên cường như thế.

Cuộc sống đúng là thích trêu người, lúc bạn hùng hồn tự vẫn vì tình nó sẽ kề vào bên tai bạn báo cho bạn hay: "Không có sự đồng ý của ta, mi đừng hòng chết." bằng chất giọng khó chịu nhất có thể.

Tôi nghĩ về điều này, cảm thấy để hợp với hoàn cảnh chí ít cũng phải rít một điếu thuốc. Nhưng tôi đã cai thuốc một thời gian dài rồi, lúc vào viện đi khám mấy năm trước cổ họng viêm rất nghiêm trọng, thỉnh thoảng còn có thể xuất hiện tình trạng mất tiếng. Để cơ thể khỏe mạnh sau đó tôi chuyển sang hút thuốc lá điện tử, hút thuốc lá điện tử lâu ngày không có mùi vị gì, cũng dần dần cai nổi thuốc, lần này không đáp lại cảnh được, thế mà còn sinh ra chút buồn rầu mơ hồ.

Bấy giờ di động trong túi áo rung lên vô cùng đúng lúc, tôi híp mắt quay người vừa mò di động trong túi áo vừa tựa lưng lên lan can cầu, cúi đầu xem tin nhắn mới nhận là từ em họ của tôi. Em họ Nghiêm Lam nhắn WeChat hỏi tôi khi nào thì đến, báo rằng bố nó cũng chính là cậu tôi chuẩn bị cho tôi hai bình rượu ngon, mấy năm không gặp nhất định phải cùng nhâm nhi một chầu đã đời. Tôi cúi đầu chậm rãi nhắn tin trả lời cho Nghiêm Lam, tập trung tinh thần nhìn chăm chăm vào chiếc màn hình nhỏ bé này: "Tối muộn lắm rồi, đừng chờ anh mày, giữa trưa ngày mai..."

Vẫn còn chưa đánh xong một câu đã bị người ta đụng vào cánh tay, di động vốn được nắm hờ suýt nữa rớt thẳng xuống đất từ lòng bàn tay tôi, hai tay bắt được cái di động tí thì rơi xuống bằng hết sức bình sinh, tôi ngẩng lên coi thấy kẻ đầu têu. Là cậu nhóc ngầu tóc mái dài kia, nếu không phải tôi đoan chắc tôi hoàn toàn không biết cậu ta, tôi đã nghi ngờ tôi chọc phải cậu ta làm cậu ta có mưu đồ nhắm vào tôi. Đương nhiên, mặc dù thực sự chẳng biết cậu ta, nhưng tôi cũng có thể có đầy đủ lý do nghi ngờ cậu ta đang cố ý chọc tôi, tôi nắm di động lườm cậu ta, tuy lối đi của người đi bộ trên cầu không tính là rộng, song chưa đến mức khiến cậu ta có thể đánh phủ đầu tôi, hơn nữa hiện tại cả cây cầu không một bóng xe cộ, vài đứa đồng bọn của cậu ta còn đang thử các phong cách chụp ảnh ở giữa cầu cách đây không xa, cậu ta chạy từ chính giữa cầu qua hoàn toàn không phải là vấn đề gì.

Tôi nhướn chân mày gườm cậu ta.

Đôi mắt của cậu ta giấu đằng sau tóc mái, tôi có thể cảm nhận rất rõ ràng cậu ta quan sát người tôi một hồi lâu, mới nói ra một câu xin lỗi mà không hề có ý xin lỗi ở trong đó: "Xin lỗi anh."

Tôi thoáng mỉm cười với cậu ta, cũng chẳng biểu hiện bất cứ phản ứng nào trước lời xin lỗi không hề chứa thành ý xin lỗi gì này. Tôi hy vọng cậu ta có thể nói rõ lí do vì sao cậu ta đụng vào tôi hoặc có thể xin lỗi chân thành với tôi một chút.

Đầu cậu ta đang cúi có phần gục xuống, cậu ta bỏ tay khỏi túi áo, ngón cái và ngón trỏ chậm chạp di mấy lần trên đường chỉ quần. Cậu ta lặp lại: "Xin lỗi anh."

Từ xưa đến nay tính tình của tôi không tệ, hơn nữa cũng chẳng nên kiếm chuyện với trẻ con, sau khi nom đôi mắt cậu ta thì tôi nhận lời xin lỗi của cậu ta rất đơn giản: "Không sao, đi đường nhớ nhìn phía trước."

Cậu ta gục đầu, lại áy náy nói với tôi giống kiểu mồm mép hơi vụng về: "Xin lỗi anh ạ."

Bây giờ tôi bắt đầu có phần tin cậu ta không cố ý thiệt. Cái dạng nói năng chả khéo léo cỡ này của cậu ta quả thật có thể dùng tất cả các từ ngữ như sợ người lạ, nhát gan, xấu hổ, hướng nội, chắc chắn sẽ không cố tình khiêu khích người khác để mô tả con người cậu ta.

"Không sao đâu." Thậm chí giọng điệu của tôi đã bắt đầu chứa đôi chút an ủi.

Cậu ta chẳng nói nữa. Tôi cảm thấy chắc là vụ tranh chấp ngoài ý muốn này được giải quyết trong hòa bình rồi, bèn cầm di động rũ mắt nhắn tin cho Nghiêm Lam tiếp: "Giữa trưa mai hẵng đi ăn cơm, mày gửi địa chỉ nhà cho anh trước."

Sau khi nhắn tin xong, tôi giải quyết một số công chuyện đơn giản bằng điện thoại, trả lời hai tin nhắn SMS không thể không trả lời, lúc ngẩng đầu lần nữa cậu học sinh vừa mới đang đứng cách chỗ tôi bảy tám bước kia dòm tôi. Tôi ngần ngừ giây lát. Cậu ta xoay mình tiến về đằng trước, đi được hai bước lại ngoảnh đầu nhìn về hướng tôi, đến nỗi tôi có ý định ngoái đầu liếc xem có phải phía sau tôi có ai đó khiến cậu ta đi chốc chốc rồi ngừng chân ngó lặp đi lặp lại mấy lần như vậy hay không.

Sau đấy thì đại não của tôi nhắc tôi sau tôi là không khí, bên dưới là nước sông, ngoại trừ ma quỷ và người sắp nhảy sông tự sát, không ai có thể xuất hiện ở vị trí đằng sau tôi.

Tôi nhíu mày với cậu ta, cậu ta lùi từng bước về phía sau chậm rì rì, nhưng tầm mắt vẫn hướng về chỗ tôi như cũ. Tôi mở lời hết sức lịch sự bắt chuyện dò hỏi: "Chào cậu?"

Cậu ta đứng tại chỗ nghe thế hơi cúi đầu, lát sau lại ngẩng lên, học vẹt âm giọng bình tĩnh: "Chào anh."

Tôi gật đầu với cậu ta, tự vì nguyên nhân khoảng cách khiến tôi cảm thấy nói chuyện phải cất cao giọng, nên tôi nhấc chân đi về chỗ cậu ta, nhã nhặn hỏi: "Có chuyện gì à?"

Đầu của cậu ta từ tốn ngẩng lên cùng với sự tiến lại gần của tôi, mãi tới khi tôi đứng trước mặt cậu ta, cậu ta mới hơi ngửa mặt, tóc mái nhẹ nhàng nghiêng sang hai bên, để lộ một đôi mắt dịu dàng bên dưới lớp tóc mái đen dày ấy của cậu ta. Đồng tử cậu ta so với người bình thường mà nói thì có phần lớn hơn một chút, không tính là nổi bật, từa tựa cặp mắt của trẻ thơ, nhìn chăm chú vào người khác, nhìn chăm chú vào tôi một cách thành thật và lặng lẽ.

...Cậu ta sở hữu một đôi mắt thật đẹp. Dường như bộ não của tôi chợt nảy ra ý nghĩ này, dù rằng chỉ thoáng qua.

Làn da trên mặt cậu ta rất trắng. Sau khi chạm phải ánh nhìn của tôi vài giây, cậu ta lại cúi đầu một lần nữa giấu cặp mắt mình, gương mặt không mang biểu cảm nào, ngay cả biên độ mở miệng nói chuyện cũng rất nhỏ: "Anh..."

Tôi kiên nhẫn chờ đợi chốc lát, không nghe thấy đoạn sau, đành phải cất tiếng hỏi: "Tôi làm sao?"

Cậu ta hỏi: "Anh không phải người địa phương ạ?"

"Hử?" Tôi nghe vậy dừng một tẹo, sau đó lại cảm thấy buồn cười, không ngờ rời xa Trường Khang thời gian tám năm tôi có thể trở thành kẻ tha hương trong miệng người khác, thuận miệng giễu một câu: "Tôi khác với người địa phương nhiều lắm à?"

"..." Phía bên kia dùng sự im lặng đáp lời tôi.

Trong thế giới người trưởng thành cuộc đối thoại không nên im bặt như thế mà kết thúc, tôi chuyển chủ đề: "Nhóm bạn của cậu đâu?"

Giọng cậu ta bình tĩnh, trả lời tôi hết sức phối hợp một hỏi một đáp: "Em không biết ạ."

Tôi ừ một tiếng: "Cậu là học sinh quanh đây nhỉ, bây giờ chắc đang là giờ đi học, cúp tiết trốn ra ngoài với bạn đúng không?" Thói quen lập dị sau tuổi ba mươi của tôi lại trỗi dậy phát tác, theo phản xạ tôi bắt đầu khuyên giải một cậu nhóc xa lạ mới gặp mặt: "Lần sau đừng như vậy, học tập chăm chỉ vào."

Sau khi tôi vừa dứt lời, quai hàm của người nghe là cậu nhóc xa lạ này đây siết chặt. Bằng suy đoán của mình tôi cảm thấy có khả năng cậu ta đang cắn răng. Tôi nghĩ cũng phải. Thời đi học tôi cũng ghét nhất là bị những người lớn nói chung làm bộ làm tịch muốn tốt cho tôi khuyên tôi chăm học, như thế chẳng trẻ trung chẳng nhiệt huyết chút nào, mỗi lần nghe bố mẹ thầy cô nhắc đã đủ khiến con người ta ói mửa, tình cờ gặp một người lạ trên đường còn bị răn dạy "học hành chăm chỉ, ngày càng tấn tới", cuộc đời cũng không khỏi quá vô vị rồi.

Tôi khó tránh được sự nhạt nhẽo trong việc làm phiền cậu thiếu niên dễ thương này, tôi nói câu chào mang tính phải phép: "Tôi đi đây."

Bạn nhỏ hơi thẳng cái lưng vốn khom khom. Tôi mỉm cười với cậu ta chuẩn bị rời đi, bỗng dưng cậu ta lên tiếng: "Đợi một chút."

Tôi ngoảnh lại nhìn cậu ta.

Câu ta mím môi: "Anh có thể cho em mượn di động báo tin cho giáo viên chủ nhiệm của em, nói hiện giờ em đang bị ốm ở bệnh viện không ạ?"

Tôi cười: "Quả nhiên là trốn tiết đi chơi đúng không?"

"..." Cậu ta chả nói, tôi có thể cảm nhận được ánh mắt của cậu ta nhìn tôi hơi căng thẳng đằng sau lớp tóc mái.

Tôi lấy di động ra: "Cậu cho tôi biết số điện thoại giáo viên chủ nhiệm của cậu, tôi có thể giúp cậu gọi cuộc điện thoại này."

"..." Cử động của cậu ta ngừng lại một đôi giây.

Tôi mở khóa màn hình điện thoại nhấn vào giao diện bấm số điện thoại rồi, vẫn không kìm nổi thói quen "Khuyên người hướng về cái tốt": "Nhưng lần sau không được như thế này."

Cậu ta kéo dài giọng, từng chữ số bắt đầu nhảy ra ngoài, tôi chỉ cần nhập từng chữ số vào trong di động.

Chờ cậu ta đọc xong mười một con số, tôi cầm di động dán lên tai mình. Tiếng chuông vang lên mới vọng vào tai một tí, thì tôi loáng thoáng nghe thấy tiếng rung trong túi áo khoác của người đứng đối diện này.

Do trên cầu không có ai, tiếng gió thổi cuối xuân cũng vô cùng dịu nhẹ, dòng nước dưới cầu cũng êm đềm, nên tiếng rung trong túi áo khoác của cậu ta có vẻ rất rõ ràng. Tôi bỏ điện thoại ra khỏi tai mình, ấn tắt cuộc điện thoại đang gọi, thực sự không nhịn nổi kèm theo chút chịu trận quan sát cậu ta một hồi.

Rồi trông cậu ta rút di động từ trong túi áo mình ra, liếc sơ qua cuộc gọi nhỡ mà tôi gọi tới kia, sau đó cầm di động cúi đầu nhanh nhảu nói tạm biệt với tôi: "Em đi đây."

Cậu ta buông một câu xong không đợi tôi mở miệng đáp đã quay mình bỏ đi trong nháy mắt, chạy chậm một quãng, cuối cùng tăng tốc độ chạy nhanh hơn, biến mất trong phạm vi tầm nhìn của tôi hết sức mau lẹ.

Tôi cúi đầu coi dãy số trên di động mình. Tôi nảy sinh chút cảm giác vô lý lẫn ngờ vực về tình huống trước mắt, trong cuộc đời tôi chưa từng xảy ra sự việc tức cười kiểu "Bị học sinh cấp 3 lừa số điện thoại" như vậy, mà cái dãy số kia còn gửi cho tôi một tin nhắn ngắn sau đấy mấy chục giây.

"Ông anh, em đâu có trốn tiết. Hôm nay bãi trường đúng không nào?"

Được lắm, tôi cất di động của mình về lại trong túi áo.

12/10/2021

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play