Hôm đó ở quán, tổng cộng tôi làm vỡ ba cái chén và hai cái ly, chị Mẫn Hoa xót thương cho đám ly chén của mình nên để tôi về sớm. Tôi với Trang Nhu lang thang ngoài đường từ chiều tới tận sụp tối, hai đứa ngồi chễm chệ ngoài công viên, một chủ, một cún. Tôi là chủ, cô là cún, từ đầu tới cuối không ai nói gì hết, không có an ủi, không có hỏi chuyện, chỉ có nhiều lúc để ý thấy cô len lén nhìn tôi, lén lút đến phát tội. Tôi tu bia ừng ực, cô thỉnh thoảng để lon nước ngọt lên miệng nhấm nháp một ngụm. Hai đứa không nói gì nhau, thẫn thờ ngồi nhìn chân người ta đi tập thể dục chạy qua chạy lại. Tới một hồi tôi quay sang nhìn cô, ngừng một lát thì hỏi:
- Sao không về nhà đi!
Cô uống một ngụm nước, tròn mắt nhìn tôi.
- Ông chưa về mà?
- Nhà mày mày về, nhà tao tao về, liên quan gì nhau?
Cô lườm tôi.
- Nói vậy mà nghe được! Tôi lo cho ông đang buồn vì thất tình chứ bộ.
- Mày không thấy tao kinh tởm thật hả? Tao là gay, tao còn đi yêu chính...
Đoạn sau tôi ngập ngừng không nói nổi vẹn ý. Trang Nhu đặt lon nước ngọt xuống đất, cô quay nhìn tôi rồi có vẻ nghiêm túc lắm nói:
- Đừng có nói vậy nữa. Tôi với ông là bạn, vả lại tôi không có kì thị gay, còn chuyện ông yêu ai đó thì...là chuyện của ông thôi. Mặc dù ban đầu nghe...tôi thực sự kinh ngạc, trước đó tôi còn nghĩ...người ông thích là Ngọc Phong chứ?!
Tôi quay mặt nhìn trời, nhếch miệng cười.
- Nghĩ sao tao với thằng đó...
- Vậy sao tôi cứ thấy ông hay đi với ông Phong hoài, không chỉ tôi, bọn trong lớp ai cũng nói hai người có gì mờ ám.
- Còn có chuyện đó nữa hả? – Tôi tu một ngụm bia, "khà" một tiếng đắt chát.
- Chúng sợ Phong nghe nên toàn nói sau lưng hai người thôi. Mà tôi cũng từng nghe Phong nói...nói ổng thích ông mà...
- Nhưng tao đâu có thích nó!
- Không thích vậy sao cứ dây dưa với người ta làm gì? Ông cũng biết Phong thích ông, nhưng ông cứ lập lờ nhùng nhằng như vậy chỉ khiến mọi chuyện sau này thêm rắc rối thôi.
Tôi nghe Trang Nhu chất vấn, chợt ngộ ra thời gian qua mình quả nhiên nhùng nhằng thật. Tôi không đủ sáng suốt, không đủ chín chắn, không dày dặn kinh nghiệm tình trường để suy nghĩ thấu đáo được như thế, tôi chỉ là một thằng con trai ích kỷ. Tôi yêu Bách Tiệp, nhưng tôi cũng thích nhìn lưng Angry bird. Ban đầu chịu qua lại với hắn cũng là vì quyến luyến tấm lưng, bờ vai y hệt Bách Tiệp, lúc ngồi phía sau hắn, tôi có cảm giác mình đang gần gũi với anh vậy, nhưng từ hồi hắn nói hắn thích tôi, hắn còn vì tôi mà mất công việc, mất luôn bạn bè, tự nhiên tôi lại có cảm giác không nỡ từ chối hắn nhưng đồng thời cũng không muốn chấp nhận, muốn hắn ở bên cạnh quan tâm tôi như trước tới giờ nhưng không muốn cho hắn cái gì. Chế giễu nghĩ, sự ích kỷ đã dung túng tôi thành con người quái đản.
Về nụ hôn mấy ngày trước với Angry bird, nói thật tôi không có chán ghét mà chỉ vì quá kinh ngạc, tôi là gay, tôi cũng không phải một thằng công tử thuần khiết thơ ngây, tuổi mười tám nhiệt huyết tràn đầy cho tôi có cái quyền tò mò về tình dục, nhưng đương nhiên là đối với người đồng giới. Nếu xét về mặt tình cảm, Bách Tiệp mãi là người tôi yêu duy nhất, dù trời có sập thì sự thật này không tài nào thay đổi, nhưng về mặt...tình dục, tôi cũng "có thể" bị thu hút bởi một người đàn ông nào đó bất chợt gặp trên đường, đẹp trai, cao ráo, nam tính. Bình thường như chuyện một gã đàn ông dù chung thủy cỡ nào với vợ mình nhưng vẫn không khống chế được một cặp mắt thèm khát hay tò mò tìm nhìn những chỗ bí hiểm cực kì quyến rũ của phái đẹp, đó là loại bản năng gốc không chối bỏ được. Tôi đối với Angry bird có một chút xíu là loại đó, tôi không thể phủ nhận mặc dù biết bản thân mình như thế thật tởm lợm.
Cái lay nhẹ vai kéo tâm trí đang lơ đãng của tôi trở về, Trang Nhu lại hỏi:
- Rốt cuộc ông có thích Ngọc Phong không?
Tôi không biết vì sao trong ánh mắt cô lại có vẻ gì đó kiên quyết như muốn xác định rõ ràng.
Tôi lắc đầu. Như trong lòng mình tường tận, tôi chưa từng "thích" hay nói chính xác hơn là "yêu" ai đó ngoài một mình Bách Tiệp. Tương lai có thể yêu thêm ai đó nữa hay không thì còn chưa biết. Đối với anh, tôi hầu như tuyệt vọng rồi nhưng tôi vẫn chưa tài nào bắt bản thân trong một phút ngừng yêu anh được vì đã yêu anh thành thói quen.
Đêm đó Trang Nhu có nói với tôi một câu, một câu duy nhất khiến cho tôi nhớ mãi về tận sau này không quên được.
Cô nói:
- Yêu thì đến, không yêu thì đi. Cuộc đời ai đủ dài để mãi lẫn lộn hai thứ đó hoài? Đắn đo làm gì, ông còn có tôi ở cạnh đây này!
Tôi nhìn vào đôi mắt tròn tinh anh của cô, nhìn vào nụ cười sáng rỡ như trăng ngày rằm, thanh thản nghĩ: "Ừ, ai cần quan tâm yêu đương song đành gì chứ, tôi còn cô nữa mà! Bạn thân của tôi!".
.
.
.
Hôm đó nửa đêm tôi ôm chậu cá lững thững đi bộ về nhà, trong người có men bia, đầu óc bắt đầu lú lẫn nên bất tri bất giác lấy điện thoại ra bấm số gọi cho Bách Tiệp. Cũng không biết gọi làm chi, chỉ là giây phút nông nỗi tự nhiên muốn được nghe giọng nói trầm ấm dịu dàng của anh, muốn chất vấn anh thật nhiều thứ. Tôi bấm vào lịch sử cuộc gọi, chọn con số đầu tiên trong dãy số vì đinh ninh đó là số của anh nhưng không ngờ rằng người cuối cùng tương tác điện thoại với mình lại là Angry bird. Khi tôi nhận ra mình gọi nhầm số thì cũng đã muộn, khóc lóc một hồi, nỉ non một hồi hỏi vì sao anh không chịu chấp nhận tôi, vì sao anh cứng rắn được như thế, nhẫn tâm như thế...
Trong điện thoại im ắng một hồi lâu, sau đó tôi nghe thấy giọng ồm ồm hỏi:
- Đang ở đâu?
Tôi vừa nghe xong giọng của hắn, giật mình rồi cúp máy luôn.
Angry bird gọi tới liên hồi, gọi tới cuộc thứ bảy tôi mới miễn cưỡng chậm chạp ấn nút nghe.
Hôm đó hắn đưa tôi về, hơi cồn đã ngấm vào người khiến từng bước chân của tôi nặng trịch, ôm chậu cá vào nhà mà suýt làm rơi xuống đất mấy lần nhưng cũng may được Angry bird bắt lại kịp. Hắn ném tôi lên sofa, đứng chống nạnh nhìn xuống, thở nói:
- Trông gầy gầy mà cũng có nhẹ mấy đâu!
Tôi ôm cái đầu đang quay mòng của mình, lè nhè nói:
- Ra ngoài...nhớ...đóng cửa lại, không tiễn!
Hắn nghiến răng keng két rồi đá vào chân tôi.
- Mày nghĩ thằng Phong này là ai? Osin cho mày chắc? Chạy từ nhà qua đây tha mày về tổ được rồi, giờ đuổi tao đi là xong hả?
- Ai mượn mày đâu....cũng tại mày...ực...dai dẳn gọi lại...hỏi tao ở đâu...chứ bộ. – Tôi lè nhè nói.
- Oke, oke! Coi như tao ngu đi. Khi không lại dính vào cái thứ công tử không biết điều như mày!
Hắn đi vào, loảng xoảng làm gì trong bếp một hồi hông biết. Tôi nằm trên ghế sofa, dù đã xỉn tới mức đầu óc quay cuồng cũng ráng chỉnh tư thế nằm sao cho ra "phong cách" của mình một chút, hai tay đặt lên ngực trang nghiêm, hai chân chéo lại, tưởng tượng ra cảnh mình đang thanh thản nằm trên một chiếc bè lênh đênh giữa biển khơi, đầu óc mơ màng khiến kí ức nhiều năm trước đây chắp vá thành những thước phim ngắn đang tua lại, tôi nhớ...
Trước năm tôi chín tuổi, cả bác sĩ Vinh và mẹ đều bận rộn có điều bữa cơm tối của gia đình luôn ấm cúng. Sau năm tôi chín tuổi, bữa ăn tối bắt đầu có những cuộc xung đột nhỏ. Gia đình dần rạn nứt, rồi dần về sau đó, hôm thì có ba, hôm thì có mẹ, có hôm không ai về. Những cuộc cãi vã dai dẳng về mọi vấn đề có thể mâu thuẫn đều mâu thuẫn trong cuộc sống giữa hai người khiến tôi dần nghĩ thế giới này thật phiền phức, thật ồn ào, rồi tôi bắt đầu sống khép kín hơn so với bạn bè cùng trang lứa.
Ngày sinh nhật của tôi, họ không thể đưa tôi thảo cầm viên, không thể đưa tôi đi xem phim hay đơn giản chỉ là khung cảnh ba người cùng quay quần một cái bánh kem hát bài hát chúc mừng sinh nhật mà đáng ra với những thằng nhóc trạc tuổi vào sinh nhật, ba mẹ chúng nó thường làm thế. Họ không bỏ được công việc, để tôi ở nhà một mình thì lại lo, lại thấy tội cho tôi nên mới đưa tôi đến chỗ làm của họ. Lúc đó, lần đầu tiên tôi gặp anh.
Tôi nhớ quà sinh nhật của bác sĩ Vinh năm đó là một cái máy game điện tử cầm tay hàng chính hãng của Nhật vừa sản xuất không lâu, nó là thứ quà có thể khiến mọi đứa trẻ cùng lứa gào thét vì sung sướng khi nhận được, nhưng...ngoại trừ tôi. Ba kêu tôi ngồi trong phòng mình chơi một lát, ông và mẹ có việc bận lát sau mới về. Ông đi rồi, tôi cầm theo cái máy điện tử lững thững rời phòng, đi đầu này đầu kia tham quan, cuối cùng lên đến tận sân thượng. Sân thượng nơi phơi toàn đồng phục bệnh nhân, drap giường trắng phếu từng hàng thẳng tắp bay phấp phới và xung quanh đây không có người.
Còn nhớ rõ ráng chiều hôm đó thật đẹp, gió ở tầng thượng thổi tới mang theo mùi nắng khô dìu dịu khoan khoái khiến tôi đột nhiên muốn ngủ. Tôi tìm một chỗ trống, đặt cái máy điện tử lên đầu rồi nằm xuống đó lim dim mắt. Mơ màng được một lúc thình lình nghe thấy mùi thuốc lá, tôi mở mắt, thấy người đàn ông trẻ tuổi đứng bên lang can đón gió, điếu thuốc nghi ngút khói cặp giữa hai ngón tay anh, blouse trắng phấp phới, anh xa xăm nhìn một vùng trời thoáng đãng trước mặt với dáng vẻ đạm nhiên nhưng đầy mê hoặc. Giọng anh trầm ấm nghe ra một chút nghiêm túc mà dịu dàng hỏi:
- Dậy rồi à? Em biết trẻ con không được phép lên đây không? Cha mẹ em đâu?
Tôi không trả lời anh mà hỏi ngược:
- Anh là bác sĩ sao hút thuốc?
Lúc này anh mới quay sang nhìn tôi, tỏ vẻ thú vị hỏi:
- Bộ bác sĩ là không được hút thuốc hả?
- Ba nói là bác sĩ phải làm gương cho bệnh nhân.
- Thế nên anh mới lên đây hút thuốc.
Tôi nhìn anh, ngừng một chút mới nói:
- Em là bệnh nhân.
Anh nghẹn lại vài giây rồi đột nhiên bật cười.
- Nghe cách nói chuyện, anh có cảm giác em không trẻ con như bề ngoài của mình nhỉ?
Tôi ngây ngô hỏi:
- Khen hay chê?
Anh lại cười.
- Cả hai!
Rồi anh hỏi tiếp:
- Thế em bệnh gì?
- Suyễn.
- Hôm nay tới khám à?
- Không, ba mẹ đem em tới đây.
Nghe nói tôi là con của bác sĩ Vinh và bác sĩ Quỳnh, anh không ngạc nhiên. Hôm đó anh nói dẫn tôi đi tìm ba mẹ của mình, nhưng tôi tôi từ chối vì tôi nhớ còn rõ đường để trở về phòng của bác sĩ Vinh mặc dù nói cái bệnh viện vừa lớn, lối đi lại nhiều như mê cung. Khi gặp được ba ở phòng, ông mắng cho tôi một chập vì tự ý chạy đi mà không nói với ai khiến ông lo phát hoảng, anh thì đứng khoanh tay tựa người bên lề cửa, nhìn tôi với ba mặt lớn mặt nhỏ, không nén cười nói:
- Anh đừng trách thằng nhóc nữa, nó còn nhớ đường trở về mà! Phải nói nó thông minh thật đấy! Gặp người lớn cũng chưa chắc gì nhớ được đường đi như thế!
Bác sĩ Vinh hừ một tiếng.
- Cậu đừng có khen nó, lúc nào cũng vậy hết á, ỷ có cái đầu trí nhớ tốt một chút là ngông ngông, muốn đi đâu thì đi!
Tôi nói:
- Sân thượng gió mát.
Tôi nhìn qua anh, đột nhiên nhớ tới chuyện trên sân thượng nên kéo ống tay áo bác sĩ Vinh, mách:
- Ba, hồi nãy anh bác sĩ đó hút thuốc!
Anh nghẹn, chỉ biết cười trừ.
Bác sĩ Vinh cốc đầu tôi.
- Là đồng nghiệp của ba, con phải kêu bằng chú!
Tôi nhìn nhìn sang anh, sau một hồi quan sát thì nghênh ngang nói:
- Con tên Vân Đình. Thế chú đẹp trai tên gì?
Anh nhìn tôi, cười ấm áp.
- Chú tên Bách Tiệp.
Bách Tiệp...
Bách Tiệp...
Đinh Bách Tiệp...
Cái tên luẩn quẩn trong đầu khiến tôi đau đến buồn nôn.