Tôi bắt đầu việc làm bán thời gian cho một quán ăn có cái tên khá tượng hình "Quán nướng Vú Dê 88", đương nhiên đặc sản làm nên thương hiệu là vú dê nướng. Chủ quán là hai vợ chồng mới ngoài ba mươi tuổi, ông chồng gầy nhom không biết bệnh tật gì mà ngày nào cũng ru rú trong nhà, triền miên với siêu thuốc bắc, còn bà vợ là một người phụ nữ khá có nhan sắc rất chịu khó chưng diện, ngày nào cũng trét lên mặt mình một lớp phấn dày cui, môi son đỏ chót như đang diễn tuồng. Một mình cô ta lo toan cả cái quán ăn và còn sở hữu hai tầng phòng trọ cho thuê, công việc làm ăn rất khấm khá.

Lại nói một điều, cô ta khá có thiện cảm với tôi mà chữ "thiện cảm" đó khá nhuốm mùi mờ ám.
Ngày chủ nhật, khách tuy không đông bằng ngày thường nhưng công việc thì chả thiếu. Tôi vừa đem xô đá gắp bỏ vào ly cho một bàn bốn người khách thì nghe có giọng hỏi:
- Cậu em năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
Tôi nhìn lên, thấy người ngồi đó hỏi là một gã đàn ông trung niên có điệu cười khá thô bỉ.
- Mười tám! – Tôi vừa gấp đá vào ly, cộc lốc đáp.
Người đàn ông kia lại hỏi:
- Thấy cậu em có gương mặt khá đấy, muốn làm người mẫu ảnh cho công ty bọn anh không?
Tôi hơi cáu, nhưng vẫn nhẫn nhịn. Tuy đã làm ở đây không lâu nhưng rõ thấy sức nhẫn nại của mình cũng được cải thiện khá đáng kể. Tôi không còn giống như ngày đầu tiên, quay qua, chả thèm kiêng nể gì mà quát với người có ánh mắt rất bỉ ổi kia rằng: "Đừng có nghĩ dụ được tôi, ông coi từ trên người ông có chỗ nào giống người làm việc lớn mà "công ty" này "công ty" nọ? Thèm trai lắm hả? Vậy thì đi mà kiếm mấy thằng trai bao ấy ngoài lề đường ấy!"
Tôi không phải hạng người tham giàu sang và khát cầu danh vọng tới nỗi bị ma đưa lối quỷ dẫn đường. Tôi đủ thông minh, đủ tỉnh táo để nhận ra cái thần thái khác biệt giữa một người làm đại sự và một kẻ lang băm. Một người làm đại sự họ thường có loại ánh mắt nhìn xa trông rộng, tỏ ra thứ hào quang không thiển cận, nham tạp và hèn mọn như loại người đang ngồi trước mặt tôi lúc này.
Xong phần việc của mình, tôi cầm theo xô nước đá, thủ tục cúi chào bọn họ rồi xoay người đi. Gã đàn ông ban nãy bất chợt níu lấy cánh tay tôi kéo lại. Cảm giác tởm lợm làm tôi phản ứng hơi thái quá, hất tay ông ta ra như sợ bị lây cùi hủi.
Ông ta nghiến răng vì tự ái nên hùm hùm hổ hổ quát:
- Cái loại nhân viên gì mà thái độ kì cục vậy? Kêu bà chủ ra đây!!!
Tôi nói:
- Là ông đụng vào tôi trước.
- Tao đụng mày đấy thì sao? Con gái trinh cũng không chảnh bằng mày.
Không khí ồn ào ở quán không lấn áp được giọng nói chua lét của gã đàn ông. Lúc đó, anh Liêm, cũng là nhân viên ở quán nhưng anh ta là quản lý ở "khu Tây", không biết có chuyện gì mà qua "khu Đông" này. Thấy tôi gặp chuyện nên anh ta hớt hải đi tới cúi đầu xin lỗi gã đàn ông đó rồi đẩy gáy bắt tôi cũng phải làm theo. Nếu như trước kia, khi tôi vẫn là một thằng cậu ấm không động móng tay vì được gia đình bảo bọc hết cỡ, có mơ cũng không khiến tôi phải cúi đầu nhận lỗi với cái thể loại người hèn mọn thế này. Nhưng khi đã bước vào đời, tự lập rồi mới biết được cái xã hội này nó tạp nham và xô bồ, trắng đen bất phân, thật giả đảo lộn hết chỉ cần bạn xòe ra tiền.
Anh Liêm thủ thỉ vào tai tôi nói:
- Chị Mẫn Hoa tìm em đấy, vào trong đi! Chuyện này cứ để anh lo.
Gã khách hình như vẫn chưa hết cau có, nhưng khi nghe thấy anh Liêm nói bill của ông ta sẽ được đặc cách giảm ba mươi phần trăm thì ông ta ngay lập tức lộ vẻ mặt đắc ý vô cùng, ngồi xuống dâng ly bia của mình với đám bạn nhậu, tu từng ngụm ừng ực, gắp một miếng vú dê bỏ vào miệng nhai nhồm nhoàm. Tôi dửng dưng nhìn bọn người họ, không muốn tỏ thái độ chán ghét gì vì biết ông trời chẳng vì một ánh mắt của tôi mà trừng phạt loại người kia. Tôi xoay người, sải chân bước thẳng vào trong.
Chị Mẫn Hoa là chủ quán, người đàn bà dù đã ngoài ba mươi tuổi nhưng chỉ cần không có nhân viên nào khác xung quanh, cô ta lại lệnh cho tôi phải gọi mình bằng tên. Không được gọi là chị Mẫn Hoa, càng không được phép là cô Mẫn Hoa, mà chỉ là Mẫn Hoa, cái tên diêm dúa y hệt con người bả, thật khó chịu làm sao nhưng tôi vẫn nhếch miệng cười trừ gọi thế, nghĩ...miễn bả trả lương cho mình đầy đủ là được, chỉ là một tiếng gọi cũng không mất mát gì. Lúc này, cô ta gọi tôi vào phòng mình mà chả hiểu để làm chi. Chồng bả ở phòng bên cạnh, bả kể vì không chịu nổi mùi thuốc bắc nên chia phòng với chồng lâu lắm rồi, nhưng cũng có người truyền tai nói hai vợ chồng chia phòng nguyên nhân là vì ông chồng bệnh tật không còn đủ "đàn ông" để khiến cô vợ sung mãn của mình vui vẻ. Một đoạn bàn tán tôi nghe lỏm từ mấy nhân viên, thật thô tục, nhưng hoàn toàn có lý.
Một người phụ nữ xa cách chồng nhưng lúc nào cũng thích mặc đồ hở hang, bầu ngực nảy nở như gái tám con, mà nhiều lúc tôi nghĩ...bọn đàn ông vào quán này thích ăn vú dê là hoàn toàn có dụng ý. Tôi đứng ở cửa phòng nhìn cô ta đang ngồi trước gương trang điểm, bộ dạng như sắp sửa đi đâu đó, vươn tay ra đằng sau muốn kéo cái phéc-mơ-tuya trên lưng nhưng kéo hoài mà kéo không tới vì cánh tay ngắn quá. Nhìn qua gương thấy tôi đứng ở đó, cô ta cất giọng õng ẽo nói:
- Vô rồi thì tới giúp người ta đi, đứng đó hoài làm gì vậy trời?
Tôi kéo phéc-mơ-tuya cho cô ta xong, hỏi:
- Chị kêu em vào làm gì vậy?
Cô ta quay lại nhìn tôi bằng ánh mắt không vui khẽ trách:
- Đã nói kêu bằng tên mà!
Tôi: "..."
Chị Mẫn Hoa kéo tôi ngồi xuống giường của bả, cái móng tay nhọn hoắc vẽ vời lên mu bàn tay tôi, bầu ngực căng tròn cũng áp sát bên cánh tay tôi đầy ý tứ rồi cô ta nhèo nhẹo nói:
- Lát nữa Hoa phải đi dự đám cưới của người bạn, Đình đi với Hoa nha? Hoa không biết chạy xe.
Tôi viện cớ trong phòng không bật máy quạt nên nực, nhích lui sang một bên, nói:
- Tôi đâu có biết chạy xe. Chị kêu anh Liêm đi đi!
- "Chị" nữa? Đã nói rồi!
- HH..H..oa...kêu anh Liêm đi. – Tôi trọng trẹo nói.
Cô ta lại cười.
- Con trai gì mà tuổi này còn không biết đi xe máy? Vậy thì thôi, lát nữa Đình ra ngoài kêu Liêm giùm Hoa.
- Không còn chuyện gì nữa, tôi ra ngoài, ở ngoài đang bận lắm.
Vừa tưởng mình thoát khỏi móng vuốt của người đàn bà thì thình lình cô ta kéo tôi trở về, kéo bàn tay tôi đặt lên cái đùi bóng bẩy nẩy mỡ của mình, nhìn tôi bằng ánh mắt đang vô cùng "khát trai" rồi xù xì nói nhỏ:
- Chờ xíu mà, gấp chi dữ! ...Nghe nói Đình đang học ôn thi đại học, nếu có túng thiếu gì thì cứ nói cho Hoa biết. Sau này học đại học nữa, Hoa dư sức lo cho Đình hết!
Tôi rụt tay về, đứng xổm dậy nhìn cô ta.
- Cảm ơn chị, tôi tự lo được.
Nói xong thì một mạch đi thẳng khỏi phòng, lúc vừa bước ra thì bắt gặp gương mặt hốc hác của ông chồng. Gã đứng thừ lừ ở đó không biết từ khi nào, người gì mà gầy khô như cái que củi lại còn thấp hơn tôi một cái đầu, trông dáng vẻ suy nhược hết mức hệt như một con nghiện hết thuốc, miệng run run, cứ nhìn tôi mãi bằng đôi mắt đã chằng chịt chỉ máu mà trông vừa đáng thương vừa đáng sợ. Tôi không có tâm trạng để ý tới gã, dù cho gã nghĩ gì hay hiểu lầm cái gì, tôi lướt qua gã rồi đi thẳng ra ngoài.
Ở ngoài hình như vừa xảy ra chuyện gì, mấy gã đàn ông ban nãy gây chuyện với tôi chẳng biết đi đâu hết mà bàn ghế, chén tách ở đó ngã vỡ hết, tôi bắt cánh tay một cô nhân viên làm cùng khu đang lăng xăng chạy ngang hỏi:
- Chuyện gì vậy?
Cô ấp úng:
- Không...không rõ, lúc nãy tôi đi vệ sinh, đi ra thì thấy thế này. Chắc là ai đó uống say nên quậy.
Anh Liêm vẫn chưa về khu tây, anh ta ở lại phụ đám nhân viên bên đây thu dọn tàn cuộc. Tôi thấy thế mới đi tới hỏi:
- Chuyện gì vậy anh?
Anh Liêm vuốt mồ hôi trên trán, nói:
- Ban nãy em vừa vào trong thì có một thằng nào lạ hoắc nhảy vào đánh bọn kia tơi bời luôn, chắc là thù cá nhân hay gì đó. Một thằng bị bổ chai sành lên đầu máu me không, nên cả đám đưa nhau tháo chạy đi hết. Chậc! Mà em coi, còn chưa trả tiền nữa, đồ đạc thì vỡ nát thế này, chị Hoa thế nào cũng mắng cho đám tụi mình một chập.
- À, nhắc tới chị Hoa mới nhớ. Chị ấy kêu em dặn anh tranh thủ thu xếp công việc lát nữa chở chị đi đám ở đâu đó.
- Vậy hả? Ừ! Thôi anh về khu của mình đây, chuyện ở đây lo giúp anh nhé!
- Oke!
Tôi nhìn nhìn bãi chiến trường hổ lốn, nghĩ tới vẻ mặt của gã đàn ông lúc nãy bị đánh xịt máu đầu, trong lòng không nhịn được thấy hả dạ ghê!
Coi như ông trời hai mắt còn tỏ.
Sáu giờ tối là hết ca làm, tôi mang cái túi quải màu hồng khá...nữ tính rời khỏi quán. Bọn nhân viên làm cùng khu cứ nhìn tôi khúc khích cười mãi, có đứa con trai bằng tuổi ghé qua trêu hỏi:
- Ê Vân Đình, túi mua đâu đẹp dữ? Tui tính mua tặng bạn gái mà không biết chỗ, ông chỉ tui đi!
Tôi dửng dưng, nhún vai nói với nó:
- Túi này cô tao cho!
Chuyện là lần trước cô Hà tới thăm tôi, vì tiết kiệm tiền nên tôi hỏi xin cô có cái túi cũ nào thì cho tôi một cái vì nghĩ đi làm thì cũng cần đựng đồ này nọ. Tôi không cần biết nó là đồ chỉ thích hợp với phụ nữ hay gì, đếch để tâm người ta nhìn ngó, xầm xì gì sau lưng mình, tôi là hạng người như thế đấy, có chút ngông, chả qua tâm tới ánh mắt của người nào khác, chỉ biết túi nào thì chẳng là túi? Không bị thủng đáy, đựng đồ được thì ok rồi.
Trên đời có hai loại "bóng", tôi không phải "bóng lộ", tôi không bao giờ có những cử chỉ yểu điệu như nghĩ mình là giới tính thứ ba yếu đuối cần phải được che chở, "bóng kín" thì càng không, vì tôi cũng không giấu diếm gì ai giới tính thật của mình. Nếu có ai đó hỏi rằng tôi thích gái hay trai, tôi sẽ sẵn sàng trả lời rằng...penis (au: trym :>). Thế nên tôi thật phân vân không biết mình ở "trường phái" nào thì đúng. Ở chỗ làm, cũng không ai nghĩ tôi là gay, tôi ăn mặc giống như hầu hết những thằng con trai khác, áo khoác nỉ màu xanh đen, quần cạp trễ và mang giày Nike, rất thời trang? Nhìn vào gương tôi cũng tự khen mình một tháng nay kể từ lúc rời khỏi nhà thì đã ra dáng "đàn ông" nhiều, chỉ có điều áo nỉ, quần cạp trễ và giày Nike thì khó đi kèm với túi quải màu hồng. Không hiểu vì sao định kiến về thời trang và giới tính của xã hội bây giờ khắt khe như vậy.
Dì Tú Phương cũng dùng cái ánh mắt mỉa mai xét nét khi nhìn thấy tôi lững thững cập cái túi quải màu hồng bên nách đi tới. Trời đã sụp tối, hình như lại còn chuyển mưa nên gió thổi tới mang khí lạnh, tôi thấy xe bà đậu trước một cửa hiệu sách cũ. Không còn bộ dạng niềm nở như hồi trước, chỉ còn thơ ơ và lạnh nhạt trên gương mặt rất dày lớp phấn trang điểm, bà đưa cho tôi xấp tiền được gói kĩ trong túi nilon đen nói:
- Ba con đưa đó, tiền xài tháng này nhớ dùng kĩ kĩ chút. Học hành cũng đàng hoàng, đừng lãng phí tiền khổ cực của ổng.
Tôi cầm cái túi nilon trên tay, cười, dì Phương chau mày nhìn tôi hình như không hiểu vì lí do gì mà thằng khùng này tự nhiên nó cười, thấy ghê ghê!
Tôi hỏi:
- Hôm nay ba con lại không đến à?
- Thằng Kiệt mấy tuần này phải mổ ruột thừa, ba con lại còn bận túi bụi ở bệnh viện nên đâu có rảnh đâu mà đến thăm con mãi.
Giọng dì Tú Phương rất dễ nghe, nhưng ý tứ lại rất chói tai. Nhưng tôi không trách bà, vì như đã nói, tôi cảm thông cho mọi người phụ nữ nào trên đời đang có chồng còn vướng bận với gia đình cũ, lại còn là chuyện tiền bạc nữa chứ!
Tôi nhét tiền lại cho bà, nói:
- Tiền dì giữ đi, sau này nếu bác sĩ Vinh còn kêu dì đưa tiền cho con nữa, thì dì cứ giữ lấy. Con đang làm việc, có dư tiền tiêu xài nên không cần lấy tiền của ba nữa.
Dì Phương hơi sững sờ, lát sau, bà kéo giọng cao và đầy khách sáo giả tạo nói:
- Vậy đâu có được...con...tiền này ba con cho con mà!
- Con không có nhu cầu gì xài nhiều hết. Cứ như vậy đi! Dì đừng nói với ba là được rồi.
Dì Phương chầm chậm nhét lại túi nilon vào túi áo trong mình, trên đôi môi đỏ chót dần nặn ra nụ cười gượng.
- Con...đã nói thế thì dì nhận lại vậy! – Bà chuyển sang thái độ niềm nở nói tiếp: - À, trưa mai dì có ghé nhà bạn chơi một chút, để dì sẵn đem cơm qua cho con luôn?
Tôi gật đầu không nói gì rồi bước đi thẳng.
Nếu như chịu lấy tiền của bác sĩ Vinh thì tôi đã không chọn cách ra ngoài tự kiếm sống làm gì. So với chuyện ở ngoài làm công cho người ta, phải nhịn nhục, cúi đầu để thu từng đồng tiền vụn vặt, sẽ tốt hơn nếu tôi nhận chu cấp từ bác sĩ Vinh, vẫn lếch tới lếch lui chỉ việc lo chuyện ăn học, ngủ nghỉ, công việc nhàn hạ của một thằng công tử vốn lười như hủi. Nhưng tôi không chọn cách đó, tôi không muốn để dì Phương nhìn ba bằng cái ánh mắt đó, cái ánh mắt trách khứ, trịch thượng khi hỏi: "Nhà nó không chu cấp cho nó thì thôi, mắc mớ gì phải đem tiền nhà mình cho nó? Sau này nó làm ra tiền rồi thì có báo đáp cho gia đình mình chút nào không?" Rồi nhìn thấy ánh mắt quẫn bách cố gắng xoa dịu của ba. Tôi không muốn ba tôi phải vì chuyện của tôi mà phải thấp cổ bé họng trước vợ của mình rồi khiến gia đình ông lại lục đục.
Mà còn nữa, tôi còn muốn chứng minh cho Bách Tiệp thấy rằng tôi có thể làm được. Rời khỏi vòng tay của anh tôi cũng sống tốt được mặc dù tôi phải tự giặc đồ, nhà phải tự dọn, có hôm ăn không đủ bữa mà để bụng đói meo đi học rồi đi làm tới tối, còn có hôm ngồi ở nhà một mình cô đơn, nhớ anh muốn rớt nước mắt mà không dám gọi về. Tôi sợ nghe được giọng của anh, tôi sẽ tức tưởi kể cho anh nghe hết ở ngoài đời tôi gặp bao nhiêu hạng người muốn ức hiếp tôi, mách cho anh biết tôi làm việc cực tới nỗi tay sắp bị chai cộm luôn, mách vợ của bác sĩ Vinh nói chuyện thật khó nghe, bà ta giả tạo quá trời và mách rằng tôi nhớ anh muốn chết, lại muốn rúc về đôi cánh chở che của anh.
Nhưng...sẽ không!

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play