Vài ngày sau yên ắng vô cùng, vào một ngày gió thu phơ phất, hơi lạnh cứ như là đang nhảy múa xung quanh thân thể, sau khi Như Ý ngủ dậy thì nhìn ngoài cửa sổ nhũ mẫu đang bồng Vĩnh Cơ mà chơi đùa, tiếng cười trẻ con thanh thúy vang lên cũng khiến cho tinh thần con người thả lỏng mà sinh ra vài phần nhu hòa.
Đã nhiều ngày Hoàng đế ở tiền triều bận rộn chuyện Chuẩn Cát Nhĩ. Nghe nói Hoàng đế lệnh cho Bá Đặc bộ về kinh thành phong thân vương, ngạch phụ của Đoan Thục trưởng công chúa là Đạt Ngõa Tề bất mãn, giận dữ mà không chịu hồi cung tham kiến, tuyên bố nếu không có mặt của Bá Đặc bộ thì mới bằng lòng bỏ qua. Phân tranh giữa Chuẩn Cát Nhĩ và Bá Đặc bộ đã tồn tại lâu đời, đặc biệt là vào năm Càn Long thứ 18, Đạt Ngõa Tề vì đoạt quyền vị Đa Nhĩ Trát mà cử binh chinh chiến, cướp sạch Bá Đặc bộ, cướp đi rất nhiều súc vật, lương thảo, tài vật, còn cướp đi trẻ con phụ nữ, Bá Đặc bộ chưa từng trải qua hạo kiếp nào như vậy. Xe Lăng Thân là bộ lạc đứng đầu, không thể nhịn được nữa mà phải xuất lĩnh hơn một vạn bộ đang ly khai quy phục Đại Thanh. Hoàng đế thấy Xe Lăng Thân dẫn hơn vạn người quy thuận cho nên cực kỳ hài lòng, không chỉ tự mình tiếp kiến Xe Lăng Thân mà còn đặc phong làm thân vương, thể hiện khen ngợi. Vì việc trịnh trọng như vậy, Hoàng đế cho Tứ a ca Vĩnh Thành và Ngũ a ca Vĩnh Kỳ chủ trì nghi lễ đón tiếp, khiến cho Xe Lăng Thân quy thuận vui mừng khôn xiết.
Đến lúc này, tất nhiên Vĩnh Thành ở tiền triều được nhiều người chú ý, ngay cả Kim Ngọc Nghiên ở trong hậu cung cũng thập phần sủng ái. Các tần phi tuy không dám công nhiên xu nịnh Ngọc Nghiên trước mặt Như Ý nhưng cũng lén đến chúc mừng, Khải Tường cung náo nhiệt vô cùng. Thậm chí ngay cả Hải Lan nhiều năm chưa từng thị tẩm, ân sủng nhưng cũng vì thể diện Vĩnh Kỳ mà các tần phi có phân vị thấp cũng đến nịnh hót nói chuyện. Như Ý chỉ làm như không biết cho nên cũng miễn cho tần phi đến Dực Khôn cung nói chuyện, nàng cũng thanh tịnh rất nhiều.
Vào một buổi trưa mát mẻ, nàng đang buồn ngủ mà chuẩn bị đi ngủ thì thấy Tam Bảo lặng lẽ bước vào, Như Ý nghe được động tĩnh nhưng cũng lười biếng mở mắt, mệt mỏi nói: "Có chuyện gì?"
Tam Bảo mang vẻ lo lắng vô cùng: "Du phi nương nương vội vã cầu kiến nương nương, nghe nói Ngũ a ca bị Hoàng thượng quở trách, e là không tốt"
Như Ý mở mắt ra, cơn buồn ngủ cũng dần tiêu tan, trong lòng nàng không tin: "Xưa nay Vĩnh Kỳ làm việc thỏa đáng thì sao đột nhiên lại bị Hoàng thượng quở trách chứ?"
Tam Bảo chỉ nói: "Chuyện này nô tài cũng không biết"
Như Ý lập tức ngồi dậy, trầm giọng kêu: "Dung Bội, hầu hạ bổn cung rửa mặt chải đầu thay y phục. Tam Bảo, cho Du phi vào đi, nói hãy chờ ở Noãn các một chút"
Như Ý nhìn thấy Hải Lan cũng không khỏi kinh sợ, Như Ý làm bạn với Hải Lan nhiều năm như vậy nhưng chưa bao giờ thấy nàng có bộ dáng thất kinh sợ hãi như vậy, trên khuôn mặt nước mắt cũng đã cọ rửa son phấn, càng hiện ra sắc mặt đau khổ, mà cái trang điểm trắng trong thuần khiết càng làm cho nàng giống như một vị mẫu thân bất lực. Hải Lan vừa nhìn thấy Như Ý thì hai đầu gối mềm nhũn quỳ xuống, buồn bã nói: "Hoàng hậu nương nương, cầu xin nương nương hãy cứu lấy Vĩnh Kỳ!"
Như Ý thấy nàng như vậy, cũng không khỏi có chút bất an, vội lấy tay đỡ Hải Lan đứng lên nói: "Rốt cuộc là có chuyện gì vậy?"
Vừa mới hỏi câu đó, Hải Lan chảy ra nước mắt không ngừng: "Hoàng hậu nương nương, Vĩnh Kỳ bị Hoàng thượng quở trách..." Nàng chưa nói xong thì khóc lóc càng nức nở hơn.
Như Ý không muốn nàng khóc lóc như vậy, liền nhíu mày nói: "Nếu đứa con không được phụ thân quở trách thì đứa con đó sau này sẽ bị hư hỏng thì sao?". Nàng lấy chiếc khăn tay mà lau nước mắt cho Hải Lan: "Được rồi, được rồi, muội hãy nói rõ xem nào"
Hải Lan cố gắng nhẫn nhịn nước mắt nói: "Hoàng thượng lệnh cho Vĩnh Thành và Vĩnh Kỳ đối đãi tốt với Bá Đặc bộ thân vương Xe Lăng Thân, tất nhiên hai hài tử hết sức cấp bậc lễ nghĩa, không chút khinh suất nhưng Vĩnh Kỳ vẫn là đứa còn trẻ mà nói chuyện không biết nặng nhẹ, không học theo Vĩnh Thành mà có lén nói câu: "Hoàng a mã hậu đãi Xe Lăng Thân như vậy thì sẽ đặt phu quân của Đoan Thục cô cô ở đâu chứ? Đạt Ngõa Tề thương tâm thì không sao nhưng còn khiến cho Đoan Thục cô cô bận tâm chuyện thể diện nữa".
Trong lòng Như Ý trầm xuống rồi hít một ngụm hơi lạnh: "Vĩnh Kỳ nói câu đó cũng chỉ là vô tâm nhưng lại bị người hữu tâm nghe thấy mà đi nói cho Hoàng thượng nghe, có phải không? Có phải người hữu tâm này chính là huynh trưởng tốt Vĩnh Thành của nó có đúng không?"
Hải Lan khóc lóc nghẹn ngào, cố gắng gật đầu rồi một lát sau mới nói: "Vĩnh Thành cũng chỉ là nói đùa cho Hoàng thượng nghe thôi, con còn nhỏ thì biết cái gì chứ? Nhưng mà Hoàng thượng..." Nàng nhịn không được lại muốn khóc lóc nhưng lại thấy Như Ý đang nhìn chằm chằm vào nàng cho nên nàng đành phải dùng khăn tay lau đi nước mắt: "Hoàng thượng nghe xong liền nổi giận, nói trong lòng Vĩnh Kỳ chỉ có chuyện nhà mà không có chuyện nước, chỉ có thân thiết mà không có quân thần! Vĩnh Kỳ nghe những lời răn dạy nặng nề như vậy, lập tức quỳ xuống thỉnh tội với Hoàng thượng, Hoàng thượng phạt nó quỳ trong Ngự Thư phòng trong một canh giờ rồi đuổi ra ngoài, không cho nó dính líu tới chuyện Bá Đặc bộ thân vương nữa".
Sắc mặt Như Ý càng ngày càng âm trầm, nàng đành phải ôn nhu nói: "Thôi cứ cho Vĩnh Kỳ quay về đi, rồi cố gắng dạy dỗ nó thêm nữa, dạy cho nó biết phải cẩn thận đầu lưỡi của mình, nếu không sẽ bị người sau lưng nắm được cái thóp. Lần này bị răn dạy như vậy thì không biết lần sau sẽ thế nào nữa"
Hải Lan khóc thảm không thôi, như là cái thân lá yếu ớt thấp nhỏ đang chịu đủ loại mưa gió: "Nương nương và muội muội dốc lòng dạy dỗ nhiều năm như vậy, ai ngờ lại khiến cho Vĩnh Kỳ không xử lý được công việc mà bị trách phạt như vậy. Muội muội nghĩ lại đúng là đau lòng sợ hãi, những năm gần đây, Hoàng tử nào bị Hoàng thương răn dạy thì có ai là có kết cục tốt đẹp chứ ạ? Đại a ca thương tiếc mà chết, Tam a ca buồn bực không vui, bây giờ lại đến Vĩnh Kỳ của muội muội"
Gió mùa thu xoay chuyển dưới mặt đất lạnh lẽo rồi cuốn theo góc quần, Như Ý nhìn chằm chằm vào Hải Lan, lấy cái ánh mắt trầm tĩnh để trấn an cái thần tình bối rối thất thố của Hải Lan. Giọng nói nàng không cao nhưng đủ để cho người khác cảm thấy yên ổn: "Hải Lan, muội có cảm thấy chúng ta dốc lòng dạy dỗ hài tử như vậy, có thể nào cũng chỉ là lời nói lừa dối hoa mắt ù tai hay không?"
Hải Lan ngẩn người ra, rưng rưng lắc đầu: "Không có đâu. Vĩnh Kỳ là đứa con tốt, muội muội không tin nó là người ngỗ nghịch quân phụ như vậy, nó chỉ là vô tâm mà thôi".
"Đúng vậy. Dũng khí chính là cái chúng ta phí hết tâm huyết để dạy dỗ cho nó nhưng mà...." Ánh mắt Như Ý cũng dần lạnh lẽo mà mất đi cái ôn hòa, độ ấm từ ái vốn có: "Nó chính xác đã nói như vậy thì chúng ta cũng không còn cách nào khác".
Như Ý nhìn thoáng qua Hải Lan đang nằm dưới mặt đất khóc lóc không thôi, nàng xoay người lại, ngữ khí lạnh nhạt như sương tuyết: "Dung Bội, đưa Du phi hồi cung. Con trai của muội ấy mất đi cái đúng mực thì muội ấy cũng đừng làm mất đi cái đúng mực của mình mà khiến cho Hoàng thượng chán ghét".
Hải Lan nhìn bóng dáng Như Ý rời đi mà mở miệng thở dốc, không nói nên lời mà đau lòng quỳ trên mặt đất.
Kể từ đó về sau, Vĩnh Kỳ dần dần bị lạnh nhạt, ngay cả Diên Hi cung của Hải Lan cũng không có người đặt chân đến. Ở trong mắt tất cả mọi người thì Vĩnh Kỳ đã bị mất đi thương yêu của Hoàng đế cho nên không có ai dám hỏi thăm. Ngay cả đám cung nhân cũng ngầm nghị luận tương lai của Vĩnh Kỳ cũng sẽ giống như Tam a ca Vĩnh Chương của Tô Lục Quân. Có người còn nói, thân phận Hải Lan không cao quý bằng Lục Quân, với lại bên cạnh không có nhiều con cho nên chỉ sợ Vĩnh Kỳ cũng sẽ chết sớm như Đại a ca Vĩnh Hoàng.
Nhân tình như trời rét lạnh mà bức bách mẫu tử Hải Lan, Vĩnh Kỳ thì không muốn gặp ai cho nên Hải Lan cũng đóng chặt cửa cung. Trước mắt cũng chỉ không muốn nghe lời bàn tán của người khác. Ngẫu nhiên có lần Hoàng đế có hỏi một câu: "Hoàng hậu, rốt cuộc Vĩnh Kỳ là đứa con danh nghĩa của nàng, lại được nàng nuôi dưỡng nhiều năm. Tuy rằng trẫm có nổi giận nhưng sao nàng không vì nó mà cầu tình chứ?"
Như Ý im lặng hầu hạ mặc bào phục thiết triều cho Hoàng đế, khuôn mặt nàng bình tĩnh như nước mùa thu: "Hoàng thượng quở trách Vĩnh Kỳ thì tất nhiên muốn tốt cho nó. Thần thiếp thân là mẹ cả, không thể dạy dỗ tốt được Vĩnh Kỳ, tất nhiên là thần thiếp thất trách thì sao còn mặt mũi nào mà cầu tình cho nó chứ?"
Hoàng đế vừa lòng gật đầu: "Hoàng hậu có thể công chính công bằng như vậy, đúng là rất tốt". Hắn nắm tay Như Ý nói: "Bây giờ vào triều vẫn còn sớm, trẫm vẫn muốn nhìn Vĩnh Cơ. Như Ý, nàng đưa trẫm đi đi"
Hai người cười nói oanh yến mà không nhắc đến chuyện Vĩnh Kỳ. Giờ đây không còn Vĩnh Kỳ thì Vĩnh Thành như là nhất chi độc tú*, chiếm hết phong cảnh.
[* Nhất chi độc tú nghĩa là một nhánh cây duy nhất lớn lên]
Vì chuyện Xe Lăng Thân được phong thân vương cho nên Đạt Ngõa Tề vẫn chưa hồi cung, Hoàng đế cũng không muốn để ý đến thể diện của muội phu, ngược lại càng đối đãi với Xe Lăng Thân càng thêm long trọng. Vĩnh Thành càng lúc càng góp lời nói không cần giả vờ đối đãi với Đạt Ngõa Tề cho nên đến tháng 11, Hoàng đế liền hạ lệnh, tạm dừng giao thương với Chuẩn Cát Nhĩ. Sau đó ở Giang Tây lại xuất hiện vũ án Lưu Chấn Vũ, lúc đó Lưu Chấn Vũ là sinh đồ ở Giang Tây có viết quyển sách "Trị bình mới sách" ý nói muốn thay đổi chế độ y phục, rốt cuộc lại có người phát hiện mà tố giác, Hoàng đế đột nhiên chấn nộ.
Ngày đó, Như Ý đang ôm Cảnh Hủy làm bạn bên cạnh Hoàng đế, nàng thấy Hoàng đế đang giận tím mặt liền đem quyển "Trị bình mới sách" vứt đi rồi nói: "Hoàng thượng cần gì phải nổi giận như vậy chứ? Chuyện nhỏ nhặt này cứ giao cho bọn nhỏ xử lý, Hoàng thượng đừng nổi giận mà làm long thể bị thương"
Hoàng đế ngưng mắt nói: "Ý của nàng là..."
Như Ý vỗ về Cảnh Hủy, tươi cười mềm nhẹ điềm tĩnh: "Vĩnh Chương và Vĩnh Thành cũng đều đã lớn, đủ để phân ưu với Hoàng thượng. Bây giờ không phải hai vị A ca đang chờ ở ngoài điện mà chở thỉnh an Hoàng thượng sao? Hoàng thượng cứ nghe thử suy nghĩ của hai đứa con xem sao, xem có hợp với tâm ý Hoàng thượng hay không, lúc đó quyết định thế nào cũng chưa muộn mà"
Hoàng đế trầm ngâm một lát rồi dặn Lý Ngọc cho hai vị A ca vào điện, Như Ý chỉ nói: "Nữ nhân không được tham gia vào chính sự" rồi nàng ôm Cảnh Hủy bước vào trong nội điện.
Kinh thành bắt đầu bước vào mùa đông, ngay cả bão cát cũng dần dần lớn mạnh. Trong không khí dần dần có ẩm khí khô ráo, Như Ý nhàn rồi không có việc gì làm cho nên ôm Cảnh Hủy trong lòng mà nhẹ nhàng ngâm nga.
Đó là một đoạn trong bài "Khánh Đông nguyên" mà ca kỹ gánh hát Nam phủ đã từng hát, nàng vẫn nhớ rõ ràng từ khúc đó: "
"Nhân tiện Kỳ Lân họa, biết hắn ai là ai? Tưởng này hư danh thanh đến cùng nguyên vô ích. Dùng vô cùng khí lực, sử vô cùng kiến thức, phí vô hạn tâm cơ. Vài cái được toàn thân, cũng không bằng say trọng còn túy."
Như Ý nhẹ nhàng ngâm nga khiến cho Cảnh Hủy cười khanh khách không thôi. Bên ngoài có tiếng gió thổi đến, đưa từng chữ một bên trong thư phòng bay vào tai nàng.
Là giọng nói khúm núm của Tam a ca: "Nhi thần không biết, mong Hoàng a mã làm chủ"
Giọng nói Hoàng đế có chút không vui: "Trẫm hỏi ngươi, ngay cả một cái chủ ý suy nghĩ mà ngươi cũng không có sao?"
Như Ý nghĩ chắc Vĩnh Chương đang giữ cái bộ dáng cẩn thận, nhất định cái đầu đã đổ đầy mồ hôi, lại nghe Vĩnh Chương lên tiếng: "Nhi thần cho rằng, Lưu Chấn Vũ cũng chỉ có vài câu bất kính mà Giang Nam văn nhân thi thư từ thời Thánh tổ Khang Hi, Thế tông Ung Chính cho tới nay đều đối kháng với triều đình, nếu như Hoàng a mã có thể xử lý nhẹ nhàng thì sĩ tử Giang Nam nhất định sẽ cảm niệm ân trọng của Hoàng a mã"
Có một chút trầm mặc thật lâu, lại là giọng nói của Tứ a ca Vĩnh Thành đánh vỡ cái không khí im lặng: "Hoàng a mã, nhi thần cho rằng chủ ý của Tam ca quá mức dễ dãi buông thả. Đại Thanh ta từ khi chiếm được Trung Nguyên cho đến nay thì sĩ tử Giang Nam luôn luôn không tuân phục, nhiều lần đã lấy thi thơ mà mạo phạm thiên uy, dạy mãi không sửa. Từ Thánh tổ đến Thế tông đều luôn trừng phạt nghiêm khắc việc này, tuyệt đối không thể dung túng. Hoàng a mã và nhi thần đều là con cháu hiền hiếu của liệt tổ liệt tông thì phải nhất định dựa vào tổ huấn, tuyệt không thể khoan thứ"
Thanh âm của Hoàng đế vừa hỉ nộ vừa an hòa: "Vậy thì Vĩnh Thành, ngươi muốn làm thế nào đây?"
Vĩnh Thành trả lời nghiêm khắc, không chút nhu hòa: "Lưu Chấn Vũ dám nhắc đến việc thay đổi y phục chế độ, quả thật là bội nghịch vọng ngôn, không chết không thể tạ tội với Đại Thanh"
Tựa hồ Vĩnh Chương có ý thương hại mà cầu xin: "Hoàng a mã, năm nay ở Chiết Giang, Văn Bân nhân Diễn Thánh công đã viết ra nghịch thư, Hoàng a mã cũng đã hạ lệnh trừng phạt, ban ngũ mã phanh thây, khiến cho các nhóm văn nhân lòng người hoảng sợ, ngày đêm bất an mà không dám sáng tác thơ văn. Chuyện lần này, nếu Hoàng a mã không trừng phạt nặng mà chỉ khoan thứ thì cũng sẽ khiến cho các sĩ tử văn nhân cảm niệm ân đức của Hoàng a mã"
Vĩnh Thành hừ một tiếng: "Tam ca nói sai rồi, càng buông thả thì bọn họ càng không biết trời cao đất rộng, bọn họ chưa từng cảm kích Hoàng ân mà càng ngày càng làm càn! Năm đó Đại Thanh ta tiến vào Trung Nguyên thì đã ban bố điều lệnh: "'Lưu đầu bất lưu phát, lưu phát bất lưu đầu"*. Năm Thuận Trị gia thứ nhất, vì đất nước chưa ổn định mà điều lệnh đó thực hiện không nghiêm, người Hán không chịu tuân phục, sau đó có kẻ còn nói: "Nếu muốn thiên hạ an bình thì phải để lại tóc" là lời đại nghịch bất đạo, Thuận Trị gia lấy hình phạt treo cổ xử lý những ai không tuân phục. Hoàng a mã thánh minh, tất nhiên sẽ không bỏ qua những tặc tử đại nghịch bất đạo kia!"
[*'Lưu đầu bất lưu phát, lưu phát bất lưu đầu: 留头不留发, 留发不留头: nghĩa là Giữ lại đầu thì không giữ tóc, giữ lại tóc thì không giữ đầu.
Cạo đầu cho đàn ông gọi là "thế phát" 剃发 là bắt đầu từ triều Thanh. Tập tục của người Mãn Châu, đàn ông cạo sạch tóc ở bốn bên trên đỉnh đầu, chỉ chừa lại tóc ở giữa, đem tóc đó chia làm 3 lọn rồi bện lại thành bím dài thả ở sau lưng. Trừ nhà có tang hoặc nước có tang trăm ngày không được cạo ra, tóc ở bốn bên không được để dài. Nhà Thanh trước khi vào trung nguyên đã ra lệnh cho người Hán đầu hàng nhà Thanh cùng các dân tộc khác phải cạo đầu để tỏ lòng quy thuận. .
Truyện Cổ ĐạiNăm Thuận Trị 顺治thứ nhất (năm 1644), sau khi quân Thanh vào Trung Nguyên, quân dân trong thành Sơn Hải quan 山海关 đều cạo đầu quy hàng. Sau khi quân Thanh tiến vào Bắc Kinh, ban bố lệnh cạo đầu. Do bởi vừa mới vào trung nguyên, về cơ bản chưa được ổn định, nên lệnh cạo đầu chấp hành chưa được nghiêm. Cả ngàn năm, người Hán đều để tóc, không có tục cạo đầu, cưỡng bức cạo đầu bị xem là sự áp bức dân tộc, sự sỉ nhục dân tộc. Tháng Giêng năm Thuận Trị thứ 2 (năm 1645), sau khi quân Thanh công hạ Nam Kinh, Tô Châu, Hàng Châu, triều đình nhà Thanh cho rằng đại cục đã định, liền ban bố lệnh cạo đầu.
Hạn định các nơi trong 10 ngày phải cạo đầu thắt bím, đồng thời phái lính cạo đầu đi các nơi chấp hành. Trong một thời gian, đại giang nam bắc nhân dân sục sôi oán thán, có người thà giữ lại tóc không giữ đầu, quả thực bị chặt đầu. Người vùng Giang Âm 江阴 cố thủ thành kháng lệnh kiên trì trong 3 tháng, khi thành bị vỡ hàng mười mấy vạn người đầu rơi xuống đất.]
Hoàng đế trầm mặc trong giây láy, rồi nói rõ từng chữ: "Từ khi Tổ phụ cho tới nay thì Đại Thanh ta đã ân trạch hơn trăm năm, người người đều có lễ giáo, không phải là kẻ vô tri ngu dân, Lưu Chấn Vũ dám cuồng đản, rắp tâm như vậy, đúng là đại nghịch bất đạo. Theo quy củ của tổ tông, Lưu Chấn Vũ dám vọng nghị chuyện quốc sự, ngày hôm nay phải xử trảm. Báo cho phủ huyện biết ý chỉ này và đem thiêu hủy hết toàn bộ bản thư đã viết. Chuyện này trẫm sẽ giao cho Vĩnh Thành đi làm"
Lời nói Hoàng đế không có chút khoan dung, Như Ý nghe thấy cũng có chút kinh sợ nhưng mà tiếng cười đắc ý của Vĩnh Thành cứ mạnh mẽ lọt vào tai: "Nhi thần nhất định sẽ cố gắng hết sức, thỉnh Hoàng a mã cứ yên tâm"
Tình ca du dương, Như Ý tự biết tiếng nói của mình không bằng tiếng hát du dương thoải mái của Yến Uyển cho nên giờ đây nàng chỉ biết gõ nhẹ ngón tay, hít một hơi buốt giá rồi nhẹ nhàng than thở: "Cũng chỉ là vô tội, cũng chỉ là người ở phía đông chợ cùng với thi nhân bàn chuyện, cũng chỉ muốn có chút công lao sự nghiệp, ai ngờ lại sớm gặp họa hung"
Như Ý hát khẽ nhẹ nhàng, mỉm cười một chút lạnh nhạt rồi ôm chặt hài tử trong lòng.
Lúc nàng rời khỏi Dưỡng Tâm điện là vào ban đêm, Lý Ngọc mang theo hơn mười thái giám chờ đón bên ngoài. Thừa dịp Lý Ngọc đỡ nàng bước lên liễn kiệu, Như Ý thấp giọng nói: "Đa tạ ngươi, Vĩnh Thành mới có được hôm nay"
Lý Ngọc cười cung kính: "Nô tài chỉ lấy lòng chủ tử mà thôi, Tứ a ca khiến Hoàng thượng vui mừng thì tất nhiên nô tài sẽ nhắc nhở Tứ a ca nên làm thế nào để Hoàng thượng yêu thích. Nô tài cũng chỉ nhắc nhở mà thôi, còn nên nói cái gì thì đều phụ thuộc vào Tứ a ca. Ngày sau thành cũng tốt, bại cũng thế, mọi chuyện không phải là chuyện của nô tài"
Như Ý cười nói: "Tất nhiên mọi chuyện của nó đều không liên can đến chúng ta"
Hai người nhìn nhau mỉm cười, đều hiểu rõ lẫn nhau. Như Ý ngẩng đầu ngắm trăng, chỉ thấy bầu trời không chút gợn sóng, càng cảm thấy trong lòng sáng tỏ được một chút.
Nửa năm sau, Như Ý cũng vì có một đôi con trai gái cho nên vẫn được Hoàng đế ân hạnh, địa vị củng cố như cũ mà Kim Ngọc Nghiên càng ngày mọi người càng lúc nịnh hót, cũng bởi vì Tứ a ca Vĩnh Thành luôn được Hoàng đế coi trọng. Ngược lại Ngũ a ca Vĩnh Kỳ như đóa hoa phù dung sớm nở tối tàn, quay về im lặng. Đến mùa hè năm Càn Long thứ 19, trong cung liền xôn xao một chuyện, Tứ a ca Vĩnh Thành con của Gia quý phi Kim Ngọc Nghiên có dấu hiệu kế thừa tông triệu, sắp trở thành Thái tử. Lời đồn như vậy không phải là vô căn cứ, cũng vì Hoàng đế đối với Vĩnh Thành luôn luôn thừa sủng, càng như xác minh được lời đồn đãi hư vô mờ mịt này.
Tháng 4, Hòa Kính công chúa và ngạch phụ Sắc Bố Đằng Ba Lặc Châu Nhĩ Đằng hồi cung, Hoàng đế vui sướng không thôi và lệnh cho Đại học sĩ Phó Hằng cùng Vĩnh Thành đến Trương Gia Khấu nghênh đón, phong Ngạch phụ thành bối lặc.
Tháng 5, Chuẩn Cát Nhĩ xảy ra nội loạn, Hoàng đế lệnh cho Tam a ca Vĩnh Chương và Tứ a ca Vĩnh Thành dẫn binh bộ diễn tập quân sự nhưng mà ai sáng suốt cũng đều nhìn rõ, Hoàng đế chỉ hỏi Vĩnh Thành chi đạo quân sự, cũng lệnh cho sư phó Thượng thư phòng chỉ bảo cho Vĩnh Thành binh thư, còn đối với Vĩnh Chương thì vẫn như thường.
Vinh sủng càng lúc càng nhiều, ngay cả các chư thần cũng thập phần xu nịnh vị thiếu niên Hoàng tử này, lúc nào cũng có lễ kính, đúng là đã có được nửa ngôi vị Thái tử.
Bên trong hậu cung, tuy rằng Hoàng đế sủng hạnh Như Ý, Yến Uyển, Dĩnh tần và Hãn tần, đối với người lớn tuổi như Ngọc Nghiên thì vẫn luôn triệu hạnh, lại cho hầu hạ dùng bữa hoặc là ban thưởng rất nhiều. So với Lục Quân thì đúng là Lục Quân kém xa rất nhiều. Tuy trước mặt người khác Lục Quân không dám nói ra nhưng lúc nào đến trước mặt Như Ý thì cũng cau mày oán thán: "Thần thiếp bây giờ đã lớn tuổi, có đôi khi nhớ tới năm đó cũng đã từng nuôi nầng Vĩnh Hoàng, cũng có tình cảm mẫu tử, lúc nào cũng nhớ tới bộ dáng tráng niên của nó. Bây giờ thần thiếp cũng không dám cầu xin điều gì khác mà chỉ cầu Vĩnh Chương có thể bình an cả đời, đừng chết yểu như Đại ca của nó".
Như Ý đang thưởng thức loại trà Long Tĩnh mà Giang Nam mới tiến cống, nàng nghe vậy không khỏi kinh ngạc: "Tuy rằng Vĩnh Chương bị Hoàng thượng răn dạy nhưng đó cũng là chuyện năm đó Hiếu Hiền hoàng hậu tạ thế. Bây giờ đang tốt lành như vậy mà sao tỷ tỷ lại ủ rũ như vậy chứ?"
Lục Quân nhịn không được thở dài nói: "Thần thiếp tự biết càng lớn tuổi thì nhan sắc thì càng mất đi, từ lúc Vĩnh Hoàng và Vĩnh Chương bị Hoàng thượng quở trách, thần thiếp cũng bị nhận cái tội dạy dỗ con cái không tốt, không được Hoàng thượng yêu hạnh. Thần thiếp chỉ cầu mẫu tử bình an suốt đời nhưng mà Hoàng hậu nương nương không biết đấy thôi, mỗi khi Gia quý phi gặp được thần thiếp đều luôn châm chọc khiêu khích, tuy Vĩnh Chương và Vĩnh Thành cùng nhau hầu việc nhưng lúc nào Vĩnh Chương cũng phải nhìn sắc mặt Vĩnh Thành, phải chịu bao nhiêu lời chê cười của Vĩnh Thành. Mẫu tử thần thiếp lại rơi vào cảnh đáng thương thế này. Cũng là do thần thiếp năm đó hồ đồ, muốn cho Vĩnh Chương tranh giành ngôi vị Thái tử cho nên mới rơi vào kết cục ngày hôm nay". Nàng càng nói càng thương tâm, quỳ xuống khóc lóc cầu xin: "Thần thiếp biết sai, thần thiếp chỉ hy vọng từ nay về sau có thể sống yên ổn một chút, thần thiếp cầu xin Hoàng hậu nương nương bảo toàn"
Lục Quân rơi vào tình cảnh xấu hổ, Như Ý không phải không biết. Tam a ca Vĩnh Chương vẫn không được Hoàng đế yêu thích. Tuy rằng Lục Quân sinh hạ được Tứ công chúa Cảnh Nghiên, Hoàng đế yêu thích nhưng rốt cuộc cũng chỉ là con gái thứ xuất. Mà Lục a ca Vĩnh Dung chỉ mới 11 tuổi, con trẻ của Hoàng đế có nhiều cho nên vẫn không để Vĩnh Dung trong lòng. Tuy rằng Lục Quân bằng tuổi với Ngọc Nghiên nhưng việc bảo dưỡng thân thể không giỏi bằng Ngọc Nghiên, tranh đấu và yêu sủng cũng không bằng Ngọc Nghiên cho nên Lục Quân vẫn không đạt được điều mong muốn.
Như Ý thấy Lục Quân như vậy, nghĩ đến tình cảm nhiều năm lúc còn ở Vương phủ, lại nghĩ đến chuyện Vĩnh Hoàng và Vĩnh Chương năm đó cũng có liên quan đến chính mình cho nên nàng cũng không khỏi xúc động, vội đỡ Lục Quân đứng dậy nói: "Tỷ tỷ nói quá lời rồi, Hoàng thượng không phải không chú ý đến người cũ, tính tình của Gia quý phi không phải tỷ tỷ không biết, nàng ta cái gì cũng ngạch nương con cái cho nên nhất thời đắc ý quá mức mà thôi. Vĩnh Chương bây giờ chính là trưởng tử của Hoàng thượng, về sau còn phải phong tước lập phủ, mẫu tử tỷ tỷ về sau sẽ có vinh hoa an ổn cả đời mà thôi".
Lúc Quân nghe vậy liền có chút an ủi, gạt lệ nói: "Có những lời này của Hoàng hậu nương nương, thần thiếp đã thấy an tâm. Bây giờ đâu phải chỉ có thần thiếp khóc lóc sướt mướt đâu chứ, Du phi muội muội và Vĩnh Kỳ chẳng phải càng đáng thương hơn sao?"
Lời còn chưa dứt thì đã thấy Lý Ngọc bước vào, hắn thấy Lục Quân liền hành lễ một cái rồi tười cười nói: "Hóa ra Thuần quý phi nương nương đang ở chỗ này, nô tài cứ đi tìm mãi"
Lục Quân có chút kinh ngạc, cũng không biết đã xảy ra chuyện gì cho nên liền có chút kích động: "Sao vậy? Vĩnh Chương lại không tốt nên bị Hoàng thượng trách mắng có phải không?
Lý Ngọc vui sướng nói: "Không phải chuyện này! Chúc mừng Thuần quý phi nương nương, hôm nay Hoàng thượng đã lật thẻ bài của nương nương, Hoàng thượng sẽ tới Chung túy cung dùng bữa tối, nương nương hãy mau chuẩn bị hầu hạ đi ạ"
Lục Quân lắp bắp kinh hãu, dường như không thể tin được. Nàng tươi cười gượng gạo rồi sờ vào xiêm y trên người, mừng đến mức không biết phải làm thế nào cho tốt: "Bao nhiêu năm nay bổn cung không được thị tẩm, sao hôm nay Hoàng thượng lại nghĩ đến bổn cung chứ?"
Lý Ngọc cười nói: "Qúy phi nương nương đã quên ngày hôm nay chính là ngày kỷ niệm nương nương bước vào Vương phủ năm đó rồi sao? Hoàng thượng vẫn còn nhớ thương đó ạ"
Lục Quân vui vẻ không thôi, bỗng nhiên nước mắt tuôn rơi, thì thào nói: "Hoàng thượng còn nhớ nhưng bổn cung lại quên, hóa ra Hoàng thượng vẫn còn nhớ rõ!"
Như Ý cười đẩy nhẹ nàng một cái: "Đây là chuyện hỉ sự cực lớn, có thể thấy được Hoàng thượng vẫn còn nhớ đến tình cũ, sao tỷ tỷ lại khóc chứ?" Nàng bỗng nhiên nhớ tới một chuyện rồi gọi Dung Bội: "Đem chiếc vòng cổ hôm qua Gia quý phi đưa tới cho bổn cung ra đây"
Đó là một chiếc vòng cổ xích kim ngũ phượng cực kỳ hoa mỹ, lại lấy hoa mẫu đơn Triêu Dương làm nền, lại lấy miếng vàng gập lại thành hình con phượng hoàng đang ngẩng đầu lên, lại lấy hồng bảo phỉ thúy làm thành hoa mẫu đơn, trong suốt chiếu sáng. Như Ý đem chiếc vòng cổ giao vào tay Lục Quân, thành thật nói: "Cái vòng cổ này đã đủ chói mắt rồi cho nên y phục trang sức của tỷ tỷ không cần hoa mỹ nữa, để tránh giọng khách át giọng chủ, mất đi vẻ đẹp của tỷ tỷ". Nàng đặc biệt nhấn mạnh một câu: "Đồ tốt như vậy bổn cung không có, vẫn là Gia quý phi hiếu kính, cũng nhờ vậy mà có thể mượn hoa hiến Phật, càng thêm cái không khí vui mừng cho tối nay của tỷ tỷ".