Chương 6:

Tình yêu trong sáng của thời thiếu nữ

Mảnh trăng non cong cong tỏa sáng, hoa quế thơm khắp bốn phương trời.

Thiếu niên mười sáu gương mặt ửng hồng, thể hiện tình yêu đầu tiên và chân thật nhất.

Rất dịu dàng, khéo léo, nói trước hoa thơm, dưới ánh trăng thề.

Love 1:

Lại một chiều hoàng hôn nữa.

Ánh tịch dương vô cùng đẹp đẽ, biệt thự màu trắng nhà họ Minh như được bao phủ trong ánh vàng kim, hoa lệ và mĩ miều.

Minh Nhật Lãng đang ngồi bò ra bàn ngây người nhìn những mảnh ghép trên bàn. Công sức bao lâu đã đổ xuống sông biển hết vào ngày hôm qua, hôm nay ngồi ghép lại nguyên cả ngày vậy mà không ghép ra hình mảnh trăng non nữa. Cậu tìm đi tìm lại trong ba nghìn mảnh ghép hôm qua, nhưng chẳng thấy đâu cả.

Mảnh trăng non trong bức tranh không biết sẽ hướng về đâu, mảnh trăng non ngoài bức tranh cũng không biết đang ở bên ai? Ánh mắt đang nhìn về ai, nụ cười ấy nở vì ai?

Ngây người hồi lâu, Minh Nhật Lãng buồn bã đứng dậy đi ra phía khung cửa sổ sát đất và ngước mắt lên nhìn bầu trời cao. Mặt trời đã lặn quá nửa bên dãy núi phía tây, phía đông là ánh trăng non mỏng manh đang nhú dần.

Sự giao thoa giữa bóng tối và ánh sáng, sự gặp gỡ trong khoảnh khắc ngắn ngủi, khoảng trời chung khi mặt trời lặn xuống và mặt trăng nhú lên. Hoàng hôn còn có biệt danh là “Thời khắc phùng ma”, là thời khắc trái tim con người hỗn loạn nhất.

Minh Nhật Lãng thấy mình như bị ma nhập. Mỗi khi hoàng hôn buông xuống, vào khoảnh khắc mặt trời màu cam và mặt trăng màu bạc giao nhau, cậu lại nhớ đến gương mặt ấy.

Chẳng có cách nào từ chối được nỗi nhớ, cũng chẳng có cách nào dứt ra khỏi nó.

Bảy giờ là thời gian gia đình Minh Nhật Lãng dùng cơm tối.

Minh Nhật Lãng không xuống ăn cơm mà do bà Minh mang cơm lên tận phòng cho cậu.

“A Lãng, ăn xong cơm con ở trong phòng đọc sách hoặc xem ti vi nhé, đừng ghép tranh mãi thế, ghép cả ngày rồi cũng nên nghỉ ngơi một chút”.

“Vâng”.

“Tám giờ tối bố mẹ phải đến một buổi gặp gỡ quan trọng, mẹ sẽ cố gắng về sớm, nếu như không có cách nào về sớm được thì mẹ đã dặn bác Vương cho con uống thuốc. Con uống thuốc xong nhớ ngủ ngay đấy”.

Bà Minh nói với con không khác gì đang dặn cậu bé ba tuổi. Ngày nào cũng thế khiến cậu không vui chút nào cả. Nhưng lần này cậu chỉ nói vội: “Không cần bác Vương đến cho con uống thuốc đâu, con tự uống cũng được”.

“Là mẹ sợ con quên nên mới dặn bác Vương nhắc con thôi”.

“Mẹ, không cần bác ấy nhắc con đâu. Con nhớ uống thuốc rồi đi ngủ. Con không phải là trẻ con!”.

“Được rồi, được rồi, nếu mẹ không về kịp thì con tự mình uống thuốc”.

“Mẹ, mẹ cũng không cần về sớm đâu, nếu đó không phải là buổi gặp mặt quan trọng thì mẹ đâu cần đi với bố, nếu đã đi rồi thì cũng nên ở lại đến cùng. Mẹ không chỉ là mẹ của con mà còn là vợ của bố nữa. Không nên dành mọi tâm ý cho con”.

Bà Minh cười rồi dịu dàng vỗ vai con: “Nghe thấy con nói những lời này mới cảm thấy con trai mẹ lớn thật rồi”.

Tám giờ, chiếc xe lộng lẫy của hai vợ chồng ông Minh rời khỏi biệt thự. Minh Nhật Lãng đứng trên ban công tầng ba nhìn theo bóng xe hai người phía xa cho đến khi khuất bóng hẳn.

Tám giờ ba mươi phút, Minh Nhật Lãng ấn chuông gọi bác Vương lên phòng. Dặn bác ấy là hôm nay cậu đi nghỉ sớm nên không được lên phòng gọi cửa hoặc làm phiền cậu. Bác Vương nghe lời dặn xong chào cậu rồi xuống nhà.

Chẳng ai có thể ngờ rằng Minh Nhật Lãng chỉ giả vờ tắt đèn đi ngủ, còn người đã nhẹ nhàng đi xuống vườn hoa theo lối cầu thang bên hông phòng, sau đó được màn đêm bao bọc, thần không biết quỷ không hay, lặng lẽ ra ngoài.

Bạch Bình Châu là khu chung cư cao cấp nhất của thành phố A. Nhà nào cũng có xe đậu sẵn bên ngoài, khách đến khách đi cũng đều có xe riêng cho nên ở khu này hầu như không có taxi. Minh Nhật Lãng đi bộ một đoạn dài, cho đến khi ra khỏi khu Bạch Bình Châu mới vẫy được taxi.

Vừa lên xe lái xe đã hỏi: “Đi đâu?”.

Minh Nhật Lãng sững lại, rồi mới đáp: “Cháu cũng không biết nơi đó ở đâu, cháu chỉ đường cho chú đi, được không ạ?”.

Minh Nhật Lãng vừa ngồi vừa chỉ đường cho lái xe đi đến một con phố nhỏ. Hai bên đường đều là những căn hộ bình thường. Minh Nhật Lãng dừng lại trước một căn lầu rồi trả tiền: “Cháu cảm ơn chú”.

Lái xe nhận tiền xong còn dặn cậu: “Anh bạn trẻ, lần sau nhớ kỹ con đường này là đường Quan Thư”.

Đường Quan Thư, nhất định phải ghi nhớ, ba chữ này đã tự nhiên khắc sâu vào tim Minh Nhật Lãng.

Xuống xe, Minh Nhật Lãng ngửa cổ nhìn lên căn phòng trên tầng bốn. Căn phòng tối om, không có ánh điện. Giống như đôi mắt đang nhắm.

Thất vọng, không còn điều gì có thể diễn tả nỗi thất vọng của cậu.

Ban nãy Minh Nhật Lãng còn do dự xem khi đến đây rồi mình có nên lên phòng bấm chuông không. Nhưng cô ấy lại không có nhà, cậu thực sự không muốn ra về như thế này.

Cậu ngồi xuống bồn hoa ở dưới nhà chờ đợi, mắt vẫn dõi theo ánh điện của cả khu nhà, lúc sáng lúc tối, chỉ có căn phòng cậu đang nhìn vẫn tối tăm không ánh sáng. Thỉnh thoảng vẫn có người ra vào khu nhà ấy nhưng không phải hình bóng cậu đang chờ đợi.

Ngồi yên chờ đợi, cứ đợi, cứ đợi, bất giác cậu nhớ lại những câu thơ của Shakespeare:

“Là nô lệ của tình yêu, ngoài việc chờ đợi em đến, anh còn có thể làm gì nữa…”.

Ban đầu khi cậu mới đọc nó, cậu cũng chỉ cảm thấy nó rất tầm thường, là một câu quá đơn giản. Giờ này, phút này, nơi này, cảnh này, tình này cậu mới cảm thấy mình nhìn thấu chất liệu tạo nên câu thơ ấy và đã cảm nhận được bút lực nặng nhẹ thế nào.

Ngoài chờ đợi ra Minh Nhật Lãng còn biết làm gì nữa bây giờ?

Sáng chủ nhật bà Điền Tuệ Văn sẽ rời khỏi thành phố A, hôm nay là đêm cuối cùng ở lại đây nên Lâm Nguyệt Loan cùng bà đến khu ẩm thực ở phố Đông Hoa thưởng thức các món ăn. Hai mẹ con kiểu gì cũng vẫn là hai mẹ con, dù không ở bên nhau lâu dài, ban đầu gặp mặt còn cảm giác xa lạ, nhưng dần dần đã thân hơn rất nhiều.

Lần nào gặp nhau cũng thế, ban đầu đều xa lạ và có khoảng cách, ở bên nhau mấy ngày tình cảm lại dạt dào, lúc đó lại phải ra đi rồi.

Các món nướng trên phố Đông Hoa, Điền Tuệ Văn chỉ nếm qua cho biết rồi lắc đầu cười: “Hương vị tuy rất ngon nhưng mấy món ăn có hại này không nên ăn nhiều”.

Ở tuổi của Điền Tuệ Văn bây giờ việc dưỡng sinh là quan trọng, không còn ham ăn nữa mà chỉ nếm để biết vị như thế nào thôi.

Lâm Nguyệt Loan dẫn mẹ đi ăn vằn thắn, món vằn thắn Quảng Ký ngon đến nỗi mẹ cô tán dương không ngớt miệng. Ăn xong rồi vẫn thòm thèm, thấy cửa hàng ngoài vằn thắn chín ra còn bán vằn thắn tươi, đã trộn sẵn gia vị, khách về để tủ lạnh muốn ăn lúc nào thì nấu lúc đó. Thế là bà mua hai phần, chuẩn bị sáng mai dậy nấu ăn sáng.

Qua phố Đông Hoa hai mẹ con còn dừng lại xem nhảy hip hop. Nhạc mạnh và có sức rung động cao, Điền Tuệ Văn chỉ đứng nhìn một lúc rồi cười: “Nơi này thật sôi động, mấy bạn trẻ nhảy đẹp lắm, chỉ là mẹ già rồi, không chịu được thứ âm nhạc ầm ĩ này”.

“Vậy chúng ta về đi mẹ”.

Đêm thu rất hợp để đi bộ, thời tiết không nóng cũng không lạnh, gió đêm dìu dịu, mọi thứ đều phù hợp khiến con người ta cảm thấy hài lòng. Hai mẹ con chầm chậm đi bộ về nhà.

Mảnh trăng cong cong đang treo trên không trung, trong vắt giống như vàng tuôn ngọc chảy, hàng cây hai bên đường nhuộm đẫm bóng trăng, cây và bóng như một bức tranh đẹp dưới trăng. Đi dưới con đường rợp bóng cây lúc tối lúc sáng dường như đang đi trên một khoảng đen trắng, cảm giác hoài niệm bất chợt từ đâu ùa tới.

Tức cảnh sinh tình, bà Điền Tuệ Văn nói: “Loan Loan này, mẹ sinh con cũng vào buổi đêm đó. Khi con sinh ra cũng là lúc trăng non mới nhú qua ngọn cây, vì thế bố con mới đặt tên con là Nguyệt Loan”.

“Bố cũng kể với con rồi, bố nói tên con nghĩa là trăng non mới nhú. Không chỉ ghi nhớ thời gian con sinh ra mà còn ngụ ý hôm đó cảnh đẹp và vô cùng thơ mộng nữa”.

“Đúng thế, hôm đó bố con đặt tên xong, mẹ vừa nghe là thích liền. Hồi đó, bố con là sinh viên chất lượng cao của khoa Trung văn, tiếng Hán, chữ Hán, Hán văn bố con đều giỏi, có thể nói là uyên thâm. Ban đầu khi đặt tên cho con, mẹ cứ nghĩ bố con sẽ chọn những từ khác lạ, vậy mà không ngờ ông ấy lại dùng những từ đơn giản, hợp lại với nhau tạo nên một cái tên trữ tình, đầy ý thơ. Vừa đặc biệt vừa tao nhã”.

“Bố có nói với con là bố không thích dùng những từ khác lạ, ít người biết để đặt tên cho con, bố nói đơn giản là tốt nhất. Bố còn nói cuộc sống càng đơn giản càng tốt, niềm vui sẽ càng thuần túy hơn”.

“Đúng thế, nếu bố con mà ở thời cổ đại thì chắc là ẩn sĩ rồi. Bố con khá trầm tính, thích cuộc sống tự nhiên theo ý thích. Nhưng mẹ thì ngược hẳn với bố con. Khi còn yêu nhau thì không cảm thấy điều ấy, sau khi kết hôn rồi mới nhận ra. Bố mẹ yêu nhau hồi đại học, tốt nghiệp là kết hôn ngay. Mẹ theo bố đến thành phố A, cả hai đều dạy học để kiếm sống. Nhưng ngày tháng qua đi, mẹ càng ngày càng không chịu được nữa. Mẹ không muốn sống cuộc sống bằng phẳng này cả đời, vì thế đã nộp đơn vào một công ty quốc tế rất lớn. Rồi được trúng tuyển và mẹ lập tức rời khỏi thành phố A, đến nhậm chức ở chi nhánh thuộc thành phố B”.

“Lúc đó con chưa được ba tuổi, bố con muốn mẹ ở lại vì con. Nhưng mẹ nghĩ cuộc sống nên vì bản thân mẹ trước. Mẹ nên làm Điền Tuệ Văn rồi mới làm vợ ai đó và mẹ ai đó. Mẹ không thể vì điều đó mà quên đi bản thân mình, không có gì theo đuổi. Hơn nữa, nếu để con ở với bố thì mẹ còn điều gì lo lắng nữa chứ, thế nên mẹ vẫn quyết định ra đi”.

Lâm Nguyệt Loan im lặng lắng nghe, không nói chen vào câu nào.

“Ba năm sau khi mẹ ra đi, kiến thức của thế giới bên ngoài càng rộng lớn, vì thế không thể quay lại cuộc sống cũ được nữa. Vì thế mẹ đâm đơn ly dị bố con. Ông ấy không nói câu nào cả mà đồng ý luôn. Chắc bố con cũng đã đoán được mẹ nhất định sẽ không quay về nữa. Ông ấy không trách mẹ, không oán hận mẹ, chỉ nói đơn giản, duyên đã hết nên chỉ còn cách rời xa nhau”.

“Bố con giải quyết việc ly hôn hoàn toàn theo lý trí, đúng như mẹ dự đoán. Hôn nhân của bố và mẹ đúng như bố con nói, có duyên thì đến hết duyên thì đi. Không ai có lỗi cả, mẹ chưa bao giờ cảm thấy ly hôn là lỗi của mẹ. Chỉ là, mẹ cảm thấy có lỗi với con. Loan Loan, mẹ xin lỗi vì không thể cho con một gia đình hoàn chỉnh. Khi mẹ nộp đơn vào công ty đó mẹ đã nói là chưa kết hôn. Chồng của mẹ bây giờ cũng là đồng nghiệp của mẹ, ông ấy không biết mẹ đã kết hôn và có con. Nếu như ông ấy biết, ông ấy có thể không chịu được những lời đả kích, có thể công việc và gia đình của mẹ cũng mất hết. Điều này quá nguy hiểm, con hãy tha thứ cho mẹ vì mẹ quá ích kỷ”.

Đêm tối thế này, dưới ánh trăng thế này, bà Điền Tuệ Văn đã nói hết cho con nghe những điều đã chất chứa trong lòng bao năm nay. Xin lỗi và bất lực.

“Mẹ, con luôn biết mẹ có nỗi khổ trong lòng, chỉ là hôm nay con mới biết nỗi khổ đó như thế nào. Mẹ làm như thế này con hiểu mà. Sự thực nếu như nói ra quá nguy hiểm thì cứ nên duy trì hiện trạng như bây giờ, đó là cách tốt nhất. Hơn nữa, con không muốn đến thành phố B đâu, một mình con ở thành phố A cũng rất tốt mà. Mẹ thấy đấy, con chăm sóc mình cũng được đấy chứ?”.

Điền Tuệ Văn đưa tay vuốt ve mái tóc con và nói: “Loan Loan, con đúng là một đứa trẻ biết làm cho người khác an lòng”.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play