Tháng Bảy giữa hè, kinh thành bị thời tiết nắng nóng cao độ bao phủ, mặt trời cháy hừng hực như đang muốn hoà tan tất cả mọi thứ.
Trung Nguyên đại hạn!
Tình hình hạn hán phủ khắp bốn quận tám châu, ruộng lúa thất thu tám chín phần mười.
Văn Đế và tất cả quan lại đi tế trời, trai giới bảy ngày, trên không trung vẫn sạch bóng gợn mây, bầu không khí ở kinh thành trở nên nặng nề.
Lòng dân dần dần sợ hãi.
Chính vào lúc ấy, tin tức quân Tề Vân đánh hạ huyện thành Lư Phong truyền về, mỗi ngày lâm triều các đại thần chỉ thảo luận quay xung quanh vấn đề này, tranh chấp liên miên, nhưng không ai dám chủ trương định tội Lưu Trạm.
Nói cho cùng Lưu Trạm vẫn chưa hề phản quốc, nếu bức ép đến đường cùng khiến hắn cắn ngược thì trách nhiệm này chẳng ai gánh vác nổi, kể cả Chu Thiền cũng không dám.
Tâm trạng của Triệu Hằng Phủ và Lưu Đồng Tân rất phức tạp.
Bọn họ gửi thư dò hỏi Lưu Trạm có mục đích gì, Lưu Trạm hồi âm rất thẳng thắn, ai hạ được thành thì là của người đó, không bao giờ có chuyện hắn chắp tay nhường những thành trì này cho Chu Thiền, cũng bảo luôn hai ông đừng tùy tiện nói gì trên triều.
Triệu Hằng Phủ cực kỳ phản đối cách làm này của Lưu Trạm, còn viết một bức thư dài phê bình hắn.
Chẳng mấy mà bước sang tháng Tám, Trung Nguyên vẫn đại hạn như cũ, suốt ba tháng hè nóng nực không có nổi một trận mưa, sông ngòi khô kiệt, đồng ruộng rạn nứt, mạ non chết rũ, chừng đó biểu hiện thôi đủ dự đoán được nạn đói trong tương lai tới.
Trong lúc mọi người đang thấp thỏm thì tin tức Tây Hạ diệt quốc truyền đến, khủng khiếp như bị một tia sét đánh trúng đầu.
Lúc đó Lưu Trạm đang đi kiểm tra tình hình phòng ngự ở huyện Lư Phong.
Trương Tiểu Mãn và các thám tử dò la tin tức xong, quay về bẩm báo với Lưu Trạm.
"Người Tây Nhung thi hành chính sách đồ sát ở mỗi nơi mà bọn chúng đi qua, già trẻ trai gái không ai may mắn thoát khỏi, chỉ trong một năm ngắn ngủi đã tàn sát gần như diệt chủng bá tánh của Tây Hạ. Tây Hạ Vương dẫn theo tàn quân chạy lên vùng sa mạc phía Bắc, lại bị người Tiên Bi giết chết, vương tộc Tây Hạ tuyệt hậu rồi."
Gió thổi lay cỏ khô trên cánh đồng hoang vắng, ở công trường nơi xa có tiếng người ồn ào.
Sắc mặt Lưu Trạm cực lạnh, "Quay về Tấn Dương báo lại cho Tống tiên sinh, rút toàn bộ cửa hàng ra khỏi chợ chung Hán Trung, Tây Nhung sắp xuôi Nam rồi."
Trong lúc mưa bão ấp ủ, triều đình Đại Sở lại đang tranh chấp chuyện phong hào cho nhị hoàng tử của tiên đế.
Triệu Hằng Phủ hết lòng khuyên bảo nên làm theo lễ chế, ban cho nhị hoàng tử tước quận vương, thể hiện lòng bao dung của thiên tử.
Chu Thiền một mực phản đối: "Nhị hoàng tử có ý đồ mưu phản, nhân chứng vật chứng xác thực, sao có thể tấn tước!?"
Trong lòng tất cả mọi người đều biết rõ chuyện năm đó là như thế nào, hiện tại Văn Đế đăng cơ được hai năm, Chu Thiền cũng ngồi vững ở vị trí đại thừa tướng, còn nhị hoàng tử thì bị giam cầm ở lãnh cung, tương lai mù mịt.
Triệu Hằng Phủ căm phẫn: "Thiên tử là người đứng đầu vạn dân, nên có lòng nhân nghĩa, nếu huynh đệ ruột thịt mà còn đối xử như thế thì nói gì đến nội thần và ngoại vương, nói gì đến tu thân dưỡng tính tề gia trị quốc bình thiên hạ!"
"Mưu phản là mưu phản, tội lớn như thế há có thể xá?"
"Đại thừa tướng, ông đang muốn đẩy bệ hạ vào tội bất nghĩa!" Triệu Hằng Phủ tức giận mắng to.
Chu Thiền hừ lạnh, "Đế sư cao tuổi nên hồ đồ rồi, lão phu có quan hệ thân thích với bệ hạ, sao có thể hãm hại bệ hạ!?"
Nhờ có sự kiên trì của Chu Thiền, Văn Đế trầm mặc, việc này cuối cùng cũng không có kết quả.
Triệu Hằng Phủ thật lòng muốn bảo vệ cho thanh danh của Văn Đế nhưng ông lại bỏ qua mất một điều, Văn Đế giống tiên đế ở thiên tính đa nghi, mối thù huynh đệ cạnh tranh năm đó ghi tâm khắc cốt, sâu tận đáy lòng Văn Đế cũng không muốn tấn tước cho nhị hoàng tử.
Cũng ngay trong tháng này, quân Yến xuôi Nam.
"Báo!! Đại quân của quân Yến đã đi qua Lịch Dương Quan."
Lưu Trạm: "Truyền lệnh của bản tướng quân, Hồ Húc Lệnh chỉ huy một vạn binh lính cố thủ Thông Thiên Quan, Tào Minh chỉ huy hai vạn binh lính cố thủ ở thành Tấn Dương, Tào Tráng chỉ huy ba vạn binh lính của tả quân doanh, Lý Tiểu Liêu chỉ huy ba vạn binh lính của hữu quân doanh theo bản tướng quân xuất chinh!"
Yên ắng một năm, Yến Vương phái tả tướng quân Gia Luật Long Cát chỉ huy mười vạn binh mã xuôi Nam, một là để phục thù, hai là để giành lại hai huyện Hòa Thương và Lư Phong.
Gia Luật Long Cát nghe theo kiến nghị của cấp dưới, tấn công huyện Lư Phong trước.
Huyện Lư Phong nằm ở phía đông nam của thung lũng Dương Bắc, lưng của huyện thành dựa vào thung lũng Dương Bắc, mặt trước hướng ra phía bình nguyên bao la vô bờ.
Một huyện thành nhỏ tí, Gia Luật Long Cát không thèm đặt vào mắt, thứ mà gã để ý chính là vũ khí phá được giáp nặng của binh lính dưới trướng Lưu Trạm và thế trận kiên cố như tường đồng vách sắt của thuẫn binh.
Về vấn đề này, Gia Luật Long Cát cũng nâng cấp vài thứ cho binh lính dưới trướng của mình.
Gã bổ sung thuẫn binh trang bị giáp nặng giống quân Tề Vân để chặn lại kỵ binh của đối thủ, đồng thời cải tiến thiết kỵ của quân Yến, đao nặng quá ngắn dễ bị áp chế, Gia Luật Long Cát bỏ luôn đao nặng, đổi sang dùng trường thương, kỵ binh Tề Vân sẽ không thể giành chiến thắng chỉ bằng một đường đao như trước nữa.
Trận chiến này Gia Luật Long Cát vô cùng tự tin, trong tay gã có hơn mười vạn quân tinh nhuệ, chưa kể còn có quân phòng thủ đóng ở Lịch Dương Quan và Phạm Dương Quan, binh lực mà gã chỉ huy xấp xỉ mốc mười lăm vạn, thám báo đưa tin Lưu Trạm chỉ xuất khoảng sáu vạn binh, số quân phòng thủ còn lại cũng không vượt quá ba vạn.
Về quân phòng thủ ở Cấp Dương Quan, quân Tề Vân bất hòa với quân bắc, Gia Luật Long Cát dự liệu rằng quân bắc sẽ không ra khỏi thành, mà cho dù ra thêm cũng không sợ, chỉ cần điều động quân phòng thủ ở hai cửa quan Lịch Dương và Phạm Dương đi chặn lại là được.
Gia Luật Long Cát cảm thấy ván này mình cầm chắc thắng lợi rồi.
Hôm nay ở bình nguyên Thương Hà lặng gió, mây mù bao phủ, mặt trời chói chang thi thoảng ló ra rồi bị tầng mây che lại rất nhanh.
Mười vạn đại quân của Gia Luật Long Cát còn cách huyện Lư Phong năm dặm.
"Báo! Quân Tề Vân đang bày trận ở bên ngoài huyện thành Lư Phong!"
Sáu vạn binh mã của quân Tề Vân xếp thành trận hình cánh hạc ở bên ngoài huyện thành Lư Phong.
Hai bên trái phải ngoài cùng là năm ngàn kỵ binh mạch đao, tiếp theo là năm ngàn kỵ binh trường thương, tiếp theo nữa là trận Cự Mã có tám ngàn binh, ba lớp này có tổng cộng ba vạn sáu ngàn binh.
Ở giữa cánh hạc đào mười đoạn chiến hào, mỗi đoạn dài một trăm mét, các chiến hào so le và cách nhau một khoảng cố định, dưới chiến hào ẩn nấp sáu ngàn cung nỏ thủ. Trung quân nằm phía sau thế trận cánh hạc, có khoảng năm ngàn trường thương binh mặc giáp nặng và năm ngàn kỵ binh mạch đao.
Toàn bộ trận hình cánh hạc dựa lưng vào huyện thành Lư Phong, quân Yến chỉ có thể tấn công chính diện hoặc tản ra hai bên trái phải, không thể vòng ra sau lưng, đây là mục đích bày trận của Lưu Trạm.
Quân tiên phong của quân Yến tiến vào phạm vi cách huyện thành Lư Phong một dặm.
Mười vạn đại quân danh bất hư truyền, khó nhìn thấy điểm cuối, trong bầu không khí oi bức càng khiến con người ta hít thở khó khăn.
Gia Luật Long Cát bước lên đài mây, từ chỗ gã nhìn lại, trung quân của quân Tề Vân đang lộ ra trần trụi ở chính giữa.
Có mưu sĩ lập tức nói với Gia Luật Long Cát: "Tả tướng quân! Đây là thế trận bao vây!"
Gia Luật Long Cát hừ một tiếng, "Người Trung Nguyên chỉ thích bày đủ loại trận hình lòe loẹt, chúng ta có mười vạn đại quân, ít ỏi sáu vạn người mà cũng muốn bao vây mười vạn binh mã? Buồn cười quá thể!"
Người Yến hành binh đánh giặc khinh thường nhất là trận pháp, dưới góc độ của bọn họ, bất kể là trận pháp gì, đứng trước binh lực nhiều hơn đều vô dụng.
Gia Luật Long Cát nôn nóng hạ lệnh: "Hai doanh tiên phong chia ra hai bên trái phải kiềm chân kỵ binh của bọn chúng, còn ba doanh thiết kỵ đánh thẳng vào trung quân cho ta!"
Mỗi doanh là một đơn vị gồm năm ngàn binh, bàn tay của Gia Luật Long Cát vung lên một cái, phái đi hai vạn năm ngàn kỵ binh.
Quân Yến bắt đầu thổi tù và.
Cùng lúc đó, bên phía quân Tề Vân cũng vang lên ba nhịp trống trận chậm rãi.
Hai bên trái phải trận Cự Mã lập tức di chuyển, thuẫn binh giáp nặng và trường thương binh nhanh chóng tập hợp thành hình bán nguyệt, bộ binh cầm trường thương mặc giáp nặng của trung quân vào tư thế đứng tấn, chuẩn bị cho đợt tấn công đánh sâu vào trong của kẻ địch.
Ngay sau đó, ba doanh kỵ binh quân Yến lao ra, nhịp trống của quân Tề Vân nhanh hơn, kỵ binh mạch đao ở hai bên trái phải trận hình lập tức di chuyển, đón lấy kỵ binh của quân Yến.
Gia Luật Long Cát cười to: "Quả nhiên trúng kế rồi!"
Thiết kỵ quân Yến tiến công với tốc độ cao nhất, mục đích của quân Yến là nghiền nát thế trận bao vây này, chiến thắng áp đảo trung quân của quân Tề Vân.
Tiếng trống của quân Tề Vân càng ngày càng nhanh rồi đột nhiên dừng lại.
Lớp thiết kỵ quân Yến xông tới đầu tiên thi nhau ngã xuống, tiếng ngựa hí xôn xao khắp chiến trường.
Nụ cười của Gia Luật Long Cát đơ cứng trên khuôn mặt.
Cỏ dại trên bình nguyên vào giữa hè cao tới ngang thắt lưng, bên phía quân Yến không có ai nhìn thấy, vào lúc mà tiếng trống trận dừng lại, có sáu ngàn cung nỏ thủ mai phục sẵn dưới chiến hào đồng loạt thả dây.
Những chiếc cung nỏ này dài khoảng một cánh tay, mỗi lần phóng ra hai mũi tên, sức bắn mạnh mẽ có thể xuyên qua giáp nặng, không chỉ vậy, ở đầu mũi tên còn tẩm độc.
Chất độc ở đầu mũi tên lấy từ một loại cây khá phổ biến trên núi Tề Vân, không chết nhưng lại khiến đối tượng trúng độc như bị đốt nóng từ tận xương tủy, nhịp tim tăng nhanh, đau đớn quằn quại.
Chiến mã trúng tên lập tức mất sạch khả năng chiến đấu, nằm rạp ra đất giãy giụa, kỵ binh quân Yến cũng bị ngã khỏi ngựa.
Tốc độ của kỵ binh Tề Vân cực nhanh, sau khi làn sóng quân tiên phong đầu tiên bị bắn hạ, kỵ binh ở phía sau lập tức xông lên.
Cung nỏ có một khuyết điểm lớn chính là tốn thời gian lắp tên, cung tiễn bình thường bắn xong ba mũi tên cung nỏ mới bắn được một lần.
Điều này cũng nằm trong dự tính của Lưu Trạm, cung nỏ thủ bắn xong lượt đầu tiên lập tức gài nỏ vào dây quấn thắt lưng, cầm vũ khí khác lên thay thế.
Thiết kỵ quân Yến cho rằng ở trong bụi cỏ có binh lính mai phục nhưng lại không biết bọn họ ở dưới chiến hào, khi quân Yến vọt tới khu vực chiến hào chăng khắp ngang dọc, nhìn thấy nền đất đầy hố nên vô cùng kinh ngạc, chỉ có thể theo phản xạ lựa chọn nhảy qua.
Đúng lúc này, binh lính dưới chiến hào dùng trường thương đâm hoặc móc qua chân ngựa, dưới chân ngựa không có lớp giáp bảo vệ, lập tức bị trọng thương.
Nhất thời đại bộ phận thiết kỵ quân Yến lâm vào hỗn loạn, kỵ binh vừa ngã xuống đất lập tức có binh lính lao đến bổ cho một đao.
Chỉ mới một lần giáp mặt, tiêu diệt luôn hơn nửa một vạn năm ngàn thiết kỵ quân Yến.
Bên phía quân Tề Vân lại vang lên nhịp trống.
Hai ngàn trường thương binh giáp nặng tiến lên phía trước mười bước, hạ thấp người đứng tấn, chĩa đầu thương về phía quân Yến. Một ngàn thuẫn binh đứng xen kẽ với trường thương binh, quỳ một gối dựng tấm thuẫn dựa vào bả vai mình, vào tư thế chuẩn bị đương đầu với làn sóng tấn công của kỵ binh.
Trong khoảnh khắc quân Yến vọt tới, binh lính và chiến mã mặc áo giáp của quân Yến đụng độ với bức tường thuẫn kiên cố, tạo ra tiếng kim loại va chạm đinh tai nhức óc.
Đúng lúc này, bộ binh mạch đao ở hai bên sườn xông lên, bao vây bọc đánh thiết kỵ quân Yến.
Mạch đao chém qua làm người ngựa ngã rạp, cảnh tượng này hiện ra rõ ràng trước mắt Gia Luật Long Cát.
Những binh lính đó cầm trong tay cây đao cao hơn người, lưỡi đao xẹt qua cả người lẫn ngựa đều bị chém chết, cho dù thiết kỵ quân Yến có đổi sang dùng trường thương đi chăng nữa thì vẫn không thể xoay chuyển được thế cục.
Lưu Trạm đã nghiên cứu thiết kỵ quân Yến rất kỹ.
Khi thiết kỵ quân Yến tiến công, mang theo xung lượng tương đương với xe tăng loại nhỏ vậy, vô cùng ghê gớm, cho nên Lưu Trạm bố trí chiến hào để tiêu hao bớt sức mạnh này và để cạn kiệt gần hết khi chạy tới chỗ của trung quân.
Bộ binh mạch đao linh hoạt hơn thiết kỵ quân Yến, tám ngàn bộ binh mạch đao áp sát và bóp nghẹt từng lớp từng lớp từ ngoài vào, nhốt thiết kỵ quân Yến vào thế trận chật chội, từ từ bị cắn nuốt.
Mới chỉ khoảng một canh giờ trôi qua, quân Tề Vân đã giải quyết xong hai vạn năm ngàn quân Yến.
Tinh thần của Gia Luật Long Cát chấn động.
Quân Yến dường như cũng bị kinh sợ, không dám tái chiến ngay nữa.
Lại thấy sau khi tiêu diệt quân Yến xong, quân Tề Vân xếp về lại trận hình ban đầu, ai vào chỗ của người nấy.
Thương binh được thay ra, quân dự bị trong thành lên dọn dẹp sơ qua chiến trường, khiêng những binh lính hi sinh đi, trước sau chỉ mất khoảng mười lăm phút, đằng trước trận hình cánh hạc chỉ còn toàn là thi thể của quân Yến.
"Báo!!! Quân Tề Vân tiêu diệt hoàn toàn năm doanh quân tiên phong của quân Yến!"
Trương Thái Ninh đứng bật dậy, biểu cảm đầy kích động, "Hay lắm!"
Sắc mặt của Chu Tùy trầm ngâm, không biết trong lòng gã đang mong quân Tề Vân thắng hay bại.
Cùng thời gian đó ở Tấn Dương.
Quân Yến xuôi Nam, thành Tấn Dương giới nghiêm, tất cả các cửa thành bị đóng kín, bá tánh sống ở bình nguyên Thương Hà được sơ tán lên bình đỉnh Phù Dung, chỉ để lại trai tráng dân binh ở lại cùng quân phòng thủ trông coi các tháp canh và phong hỏa đài.
Tống Phượng Lâm ngồi trong phòng chính của đại doanh đóng quân ở thành Tấn Dương, trước khi xuất chinh Lưu Trạm đã dặn, nếu chiến sự bất lợi, y phải tổ chức cho trai tráng và bá tánh lui về núi Tề Vân, toàn bộ binh lực tập trung cố thủ tiếp ở thành Tấn Dương.
Nửa ngày trôi qua, tuy khuôn mặt của Tống Phượng Lâm không có biểu cảm gì nhưng thực ra y đang cực kỳ nôn nóng.
"Tống tiên sinh! Quân ta tiêu diệt được năm doanh tiên phong của quân Yến rồi! Tạm thời vẫn đang giằng co, quân Yến chưa có hành động gì khác!"