Tang Noãn tìm được một tấm ảnh trong phòng Giải Yến.
Sau khi công khai với Giải Yến, mỗi khi hai người có thời gian thì đều sẽ luôn trở về gian nhà cổ của ông nội. Ông lão đã nhiều tuổi chỉ thích ở một chỗ, không muốn đi lại nhiều. Cả đời ông đã ở trong gian nhà cổ này, mọi sự sống chết thăng trầm đều gắn liền với nơi này. Hơn nữa dạo gần đây trí nhớ của ông càng ngày càng kém, chỉ có Giải Yến là mỗi lần gặp ông đều nhận ra được.
Mỗi lần Tang Noãn gặp ông nội cũng sẽ nhớ tới ông nội của mình. Nếu như ông nội của cô bị bệnh này thì chắc hẳn ông cũng sẽ nhận ra cô.
Thứ tình cảm được khắc sâu trong xương tủy, trong máu thịt, đến cả bệnh tật cũng không thể mài mòn.
Giải Yến đang chơi cờ cùng ông, chứng hay quên của ông nội quá nặng, luôn quên mất không biết trước đó mình đã di chuyển quân cờ hay chưa. Chơi cờ như vậy sẽ rất mệt, nhưng Giải Yến không hể thể hiện ra dáng vẻ mệt mỏi chút nào. Anh chơi cờ cùng ông nội, nét mặt ông vẫn luôn tươi cười vui vẻ.
Năm tháng tĩnh hảo có lẽ chính là dáng vẻ này.
Tang Noãn vốn định tìm đàn ghi-ta ở trong phòng Giải Yến. Dạo gần đây cô đột nhiên cảm thấy hứng thú với nhạc cụ, đặt ra mục tiêu muốn học một loại nhạc cụ, vì vậy liền đăng ký một lớp học đàn ghi-ta. Lần này về nhà cô không mang đàn ghi-ta theo để luyện tập, nhưng Giải Yến nói trong phòng của anh có.
Anh nói không sai, đủ mọi loại nhạc cụ lớn nhỏ như đàn dương cầm, dàn trống, đàn ghi-ta, bass, đàn vi-ô-lông, sáo dài sáo ngắn đều được đặt ở nơi này, giống như một cửa hàng trưng bày nhạc cụ. Những nhạc cụ này đều là ông nội mua cho anh từ lúc anh còn học trung học, ông mong rằng Giải Yến sẽ có một sở thích lành mạnh.
Khi ấy Tang Noãn hỏi anh: Hồi đó anh có sở thích không lành mạnh gì sao?
Giải Yến rũ mắt. Những lúc nói chuyện với cô, nét mặt của anh luôn dịu dàng đến lạ: "Khi đó rất hay tự làm mình bị thương, ông nội không thích anh như vậy."
Nghe có vẻ như là một sở thích đầy máu me bạo lực.
Từ lần trước Tang Noãn nhìn thấy những tấm ảnh chụp được dán đầy trên tường phòng anh, lần thứ hai đến, tường phòng Giải Yến lại đã sạch sẽ vô cùng, như thể nơi đó vốn dĩ chưa từng có thứ gì cả. Cô nhìn bức tường ấy một lúc lâu, vẫn cảm giác được sự tồn tại của rất nhiều bức ảnh được dán chi chít trên tường kia. Có lẽ là ấn tượng lần trước để lại trong cô quá mạnh mẽ, không thể nhanh chóng biến mất trong ngày một ngày hai được.
Cô tìm thấy tấm ảnh kia trong lúc đang tìm đàn ghi-ta.
Viền bức ánh đã cong cong ố vàng, có thể nhận ra bức ảnh này đã được chụp từ rất lâu. Người trong ảnh là một cô gái trẻ tuổi buộc tóc đuôi ngựa, mặc chiếc váy màu lam, ánh mắt lạnh lùng xa cách, lẫm liệt như tuyết trên núi cao. Tang Noãn vừa nhìn thấy người con gái này đã biết chắc chắn rằng bà có liên quan tới Giải Yến.
Những lúc Giải Yến để lộ ra vẻ mặt lạnh lùng trông rất giống bà, mặt mũi dung mạo, khí chất thần thái đều trông giống hệt.
Tang Noãn lật mặt sau bức ảnh lại, bên trên là một hàng chữ được viết bằng bút máy mực đen: Năm 19xx, chụp ở thư viện trường. Những chữ này kết cấu sắc bén, thế nhưng nét bút cuối cùng lại mềm mại, như thể người viết những dòng này đã cố gắng thu lại hết thảy sự kiêu ngạo và sắc bén của mình, bằng lòng thể hiện ra thứ tình cảm lưu luyến dịu dàng nhất của mình dành cho người trong ảnh.
Lúc Tang Noãn cầm đàn ghi-ta và tấm ảnh chụp đi đến đình viện, ông nội đã rời đi rồi, chỉ còn lại một mình Giải Yến đang thu dọn bàn cờ. Ánh nắng ấm áp buổi trưa khiến người ta rất dễ cảm thấy buồn ngủ, Giải Yến nói với cô ông nội thấy hơi mệt nên đã đi ngủ rồi.
Gian nhà lớn như vậy phảng phất như chỉ còn lại có hai người bọn họ. Quản gia và người hầu không biết đã đi đâu, nhìn bốn phía xung quanh cũng không thấy bóng dáng một ai.
Tang Noãn mở bao đàn ghi-ta ra, thuận tay đưa bức ảnh trên tay cho Giải Yến, "Em tìm thấy trong lúc tìm đàn ghi-ta."
Cô lấy cây đàn ra, điều chỉnh dây, từng tiếng từng tiếng đàn ghi-ta đơn điệu vang lên, rung lên dưới ánh mặt trời. Thấy Giải Yến đã nhìn ngắm bức ảnh này một hồi lâu nên Tang Noãn quay đầu lại, tò mò hỏi một câu: "Cô gái này có phải là mẹ anh không?"
Giải Yến ngước mắt lên, tiện tay đặt tấm ảnh qua một bên, tươi cười hiền hòa nói: "Đúng vậy."
"Bức ảnh này là ba anh chụp cho mẹ anh."
Lúc Giải Yến còn nhỏ vẫn luôn không thể hiểu được vì sao thái độ của ba anh đối với anh và Giải Ngọc lại khác nhau như vậy.
Thế nhưng sau này anh không còn hứng thú muốn tìm câu trả lời cho vấn đề này nữa. Nhưng cuối cùng anh vẫn biết được chân tướng, sau khi ba mất anh đã biết được đáp án.
Bởi vì anh là con của mẹ anh.
Bởi vì cả đời Giải Văn Dật đối với Tống Linh chính là cầu mà không được.
Đây là câu chuyện tình yêu sáo rỗng nhất, bình thường nhất trên đời này. Trong buổi lễ nhập học của tân sinh viên mới vào trường, Giải Văn Dật lần đầu tiên gặp được Tống Linh. Cô xách theo hành lý ngồi ở phòng hội trường của trường học, chỗ ngồi ở nơi xa nhất, hẳn là đến trường quá muộn nên chưa kịp thu xếp gì, chỉ có thể đến thẳng phòng hội trường để tham gia buổi lễ nhập học trước.
Thiếu nữ mười tám, mười chín tuổi mặc một chiếc váy màu lam đơn giản, buộc tóc đuôi ngựa gọn gàng, đuôi tóc buông trên vai, sợi tóc tơ mảnh mềm mại. Cô đặt tay trên đầu gối, tư thế ngồi vô cùng nghiêm túc, thế nhưng ánh mắt lại lạnh lùng hờ hững, phảng phất như thể không ai có thể ghi được dấu ấn trong đôi mắt cô.
Giải Văn Dật bị dáng vẻ ấy của Tống Linh thu hút. Về sau mỗi một năm mỗi một năm trôi qua, ông đều muốn để lại dấu ấn trong đôi mắt trong trẻo lạnh lùng ấy, thế nhưng Tống Linh chưa bao giờ cho ông cơ hội đó.
Bà có người bạn trai là thanh mai trúc mã, hồn nhiên vô tư, tình cảm sâu đậm. Khi bọn họ ở bên nhau, cho dù là người khó tính nhất cũng phải khen một câu họ là đôi Kim Đồng Ngọc Nữ.
Nhưng Giải Văn Dật còn khó tính hơn cả người khó tính nhất kia. Thứ độc của Tống Linh mà ông trúng phải đã ngấm vào trái tim, chảy trong dòng máu.
Muốn chia rẽ một đôi yêu nhau thật sự là một chuyện quá đơn giản, cuộc sống vất vả cuối cùng đã ép nam sinh kia từ bỏ Tống Linh.
Việc bọn họ chia tay là điều mà Giải Văn Dật đã đoán được từ trước, thế nhưng việc Tống Linh cự tuyệt ông lại nằm ngoài dự đoán của Giải Văn Dật.
Đó là một đêm đen thâm trầm, lúc Giải Văn Dật uống say ở quán bar thì gặp được Tống Linh. Bà là bông tuyết lạnh lẽo không phù hợp với bầu không khí xa hoa trụy lạc nơi đây, nhưng lại thu hút đến lạ. Bà chỉ lẳng lặng tựa ở quầy bar thôi cũng đã có vài người đàn ông đến mời rượu.
Giải Văn Dật nương theo men say, chất vấn Tống Linh tại sao lại không thích ông.
Cô gái như thể sương tuyết nhìn về phía ông bằng đôi mắt trong trẻo. Lần đầu tiên bà nói với Giải Văn Dật nhiều lời như vậy: "Tôi không hiểu được sự yêu thích của cậu như lời cậu nói với tôi. Cậu thích tôi nên chia rẽ tôi với anh ấy để tác thành cho sự yêu thích của cậu, cậu thích tôi nên hôn môi cô gái khác nhưng ngoài miệng lại gọi tên tôi sao."
"Tôi thực sự không hiểu được cái mà cậu gọi là thích."
Giải Văn Dật khi đó đã say đến mất hết lý trí. Ông nắm chặt lấy tay Tống Linh, hôn lên đôi môi lạnh lùng đạm mạc kia.
"Chỉ cần em thích tôi một chút, cho dù chỉ là một chút thôi thì tôi nhất định sẽ thay đổi toàn bộ những thứ khiến em không thích, có được không."
Ông giống như một con chó chỉ vẫy đuôi với một mình Tống Linh, tha thiết lại yếu đuối mà hứa hẹn với bà. Chỉ cần bà chịu mềm lòng thì ông có thể làm mọi thứ vì bà.
Thế nhưng Tống Linh lại không như vậy, cho nên ông phát điên.
Buổi tối hôm đó, Tống Linh mang bầu Giải Yến, bà không nói cho Giải Văn Dật biết. Chỉ là sau khi sinh Giải Yến xong liền đưa đứa bé này cho Giải Văn Dật, sau đó tự tử.
Tuy rằng tư tưởng thời kỳ ấy cũng đã cởi mở hơn, thế nhưng đối với một người con gái mà nói thì việc chưa chồng đã đẻ không phải chỉ gánh vác trên vai thêm một sinh mạng, mà còn cả những lời đồn đại trong miệng lưỡi người đời đủ để có thể giết chết một con người.
Sau khi Giải Văn Dật nghe tin Tống Linh bỏ mình liền ngày càng trở nên cực đoan hơn. Ông vừa yêu thương đứa trẻ của mình và Tống Linh nhưng đồng thời cũng vô cùng hận anh. Mỗi khi nhìn thấy gương mặt giống hệt Tống Linh của Giải Yến thì nỗi hận lại ăn mòn lục phủ ngũ tạng của ông, đẩy tâm trí của ông đến mức cực hạn.
Thái độ mà Giải Văn Dật đối xử với Giải Yến vừa lạnh lùng vừa cực đoan. Mỗi một lần nhốt anh trong căn phòng nhỏ không thấy ánh mặt trời, ông sẽ nghĩ liệu Tống Linh có xuất hiện trước mặt ông, dùng giọng nói lạnh lùng chỉ trích ông rằng thủ đoạn của ông quá tàn nhẫn hay không.
Sau mỗi một lần kỳ vọng lại là một lần thất vọng, cứ lặp đi lặp lại như vậy, cuối cùng cũng không tránh khỏi kết cục sụp đổ.
Đến cuối cùng ông cũng không phân biệt được rõ, đến tột cùng là ông đang hận Giải Yến hay là đang hận chính bản thân mình.
"Ba anh chắc chắn rất yêu mẹ anh." Tang Noãn vô thức nhìn tấm ảnh thốt lên. Cô không biết mối quan hệ giữa ba mẹ Giải Yến như thế nào, chỉ đơn thuần là nhìn tấm ảnh kia rồi đưa ra một kết luận như vậy mà thôi.
Thiếu nữ trong bức ảnh rất xinh đẹp. Phải đặt bà ở vị trí trang trọng đến nhường nào trong lòng mới có thể chụp được dáng vẻ của người ấy đẹp đẽ đến vậy.
Giải Yến khẽ ừ một tiếng, không nói gì thêm.
Tang Noãn chỉnh dây xong liền nở nụ cười xán lạn nhìn về phía anh, hỏi anh muốn nghe bài gì.
Giải Yến nghiêm túc suy nghĩ một lát, sau đó nói không nghĩ ra.
Tang Noãn cười, ngón tay lướt trên dây đàn ghi-ta một lượt, chọn đại một ca khúc. Thời gian cô học đàn chưa lâu nên cũng chỉ đàn thuần thục được vài bài. Ngón tay cô lướt trên dây đàn theo ký ức. Đàn được một nửa cô mới nhớ ra đây là bài gì, liền cất giọng ngân nga theo giai điệu.
"Người có dám ôm tôi một lần hay không. Sự điên cuồng trong chốc lát này là tội lỗi của tôi."
Điên cuồng một đời là tội lỗi của anh.
Giải Yến dịu dàng nghe cô đàn hát từ đầu đến cuối.
Điên cuồng hẳn là gen đã được khắc trong xương tủy gia đình anh. Anh cũng giống Giải Văn Dật, đều bị ám ảnh bởi một người con gái.
Chuyện này cũng chẳng có gì là không tốt cả.
Chỉ là anh vĩnh viễn cũng sẽ không giống như Giải Văn Dật, bộc lộ tất cả những sự ô uế dơ bẩn trước mặt cô. Anh sẽ khiến cô thích nghi, ỷ lại anh từng chút từng chút một, giống như dùng nước ấm nấu ếch.
Anh sẽ là một Giải Yến dịu dàng. Mặc dù tình tình cố chấp cực đoan nhưng cũng là một Giải Yến yêu cô đến không thể sống thiếu cô.
Tội lỗi của anh là bởi vì em mà có.
Hết thảy tình yêu, ham muốn, ước ao; hết thảy khao khát cùng chấp niệm đều là vì em mà có, vì em mà hiện hữu.
HẾT PHIÊN NGOẠI 10.
Tác giả có lời muốn nói: Lời bài hát lấy từ bài < Phương Hoa Tuyệt Đại > của Mai Diễm Phương
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT