Thời điểm chúng tôi hội ngộ đã là cuối giờ chiều sáu ngày tiếp theo, trong rừng đại ngàn đông bắc Myanmar.
Ngay đêm tôi giải quyết xong thân phận của mình, đoàn hành hương được chia làm hai tốp xuất phát từ Chiềng Rai đi làng Cổ Cồng, một đoàn do bà Diêu dẫn đầu tiếp tục xuôi dòng sông Mê Kông khởi hành sớm ba ngày, một đoàn do ông Lâm dẫn đầu vượt biên bằng đường bộ khởi hành sau ba ngày. Tôi tham gia đoàn ông Lâm, Sarah và Julie tham gia đoàn bà Diêu.
Tình hình quân sự ở đây hết sức phức tạp, khi các nhóm vũ trang sắc tộc thay chính phủ nắm phần lớn quyền kiểm soát địa bàn. Người trong đoàn nói với tôi, nếu không phải có cơ chế ‘con đường mạng nhện’ do những tổ chức lớn trong nghề như Lưu Ly tháp duy trì, thì sẽ không thể vượt qua được khu vực xung đột dễ dàng thế này. Mà nếu không có một thế lực như ông Lâm dẫn đoàn thì cũng không dân hành hương đánh lẻ nào liều lĩnh chọn đi bằng cách trên.
“Chưa thấy thánh địa đã phải vùi thây, ai dại chứ.”
Người đàn ông nhỏ thó ngồi cạnh vừa chỉ tôi xem đoàn xe máy chở những lính vũ trang đi tuần phía đằng xa vừa kết luận.
Dù một đường hanh thông, nhưng chúng tôi cũng phải mất tới hai ngày rưỡi chạy xe mới vượt qua mấy ngàn kilomet rừng rú, tiến gần hơn đến đích. Tới chiều khi dựng trại, ông chú người bản địa được ông Lâm thuê dẫn đường đã bảo chúng tôi, chạy nốt nửa buổi sáng mai là sẽ phải bỏ xe lại.
Tuy tôi không phải dạng yếu nhớt gì, nhưng nghe thấy phải bỏ xe đi bộ vẫn không khỏi hít hà một hơi. Đường rừng ngồi xe đã mệt, đi bộ càng đừng nghĩ.
“Len qua hẻm núi, không còn cách nào khác.” Chú ta giải thích.
Ông Lâm sớm lường trước tình huống này, sáng nay đã cho người tách đoàn đi tìm thôn xóm xung quanh mượn ngựa thồ. Chúng tôi càng vào sâu càng cách xa khu dân cư nên đến lúc cần mới tìm thì chịu chết.
Rừng rậm nhiệt đới là môi trường khá ‘độc’, khi ở trong xe thì không sao, chứ cứ ra ngoài xe là tôi lại bị muỗi bu, kiến đốt. Xức thuốc lên người chẳng thấy đỡ. Chỉ đến khi ông chú dẫn đường ném một túi thảo dược vào trong lửa, khói mù bốc lên, mấy giống độc ác kia mới nháo nhào bỏ chạy. Đến lượt khói khiến xoang mũi tôi không tài nào thở nổi thế là tôi đành lẳng lặng hong quần áo cho ám mùi, rồi ôm hộp cơm rời ra xa.
“Cậu Việt à, đi đại tiện đừng ngồi chỗ tối. Không có con rắn bặp vào chuối lúc nào chẳng hay đâu.”
Người nhỏ con vẫn ngồi cùng tôi từ sáng tỏ vẻ thân quen mà buông lời bông đùa mất dạy.
“Động vật đã là gì, sợ nhất gặp phải hố bẫy, người cùng cứt đều rơi xuống, không biết là chết thối hay chết đau.”
Một anh khác hùa vào, những anh xung quanh khà khà hưởng ứng. Họ dường như rất thích chủ đề này, bắt đầu kể lại đủ loại tình huống ghê tởm gặp trong rừng. Thuộc hạ của ông Lâm có phong cách thô bỉ khác hẳn thuộc hạ của bà Diêu, nhưng âu cũng đều cùng một rổ bệnh nan y mà ra.
“Mấy chú non quá, vật sống đã là gì, vật chết mới đáng sợ. Đi rừng buổi tối, nếu có nghe thấy ai gọi tên mình thì đừng quay đầu.”
Tôi ngán ngẩm đảo mắt không thèm nghe tiếp, nhát ma ai chứ đừng nhát tôi cho phí công, tôi từ bé đến lớn đều không sợ-
“Chú Vịt.”
Bộp!
“ y da, mi mần chi độ xừ hạp cơm rùi, phí ghê.”
Mịa nó chứ.
- ----------
Chú thích:
y da, cậu làm gì đổ xừ hộp cơm rồi, phí ghê.
Không thể ngờ cậu lại có yêu thích như vậy.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT