Vừa mới ngồi xuống, chưa kịp lấy hơi đã nghe một giọng nói ồn ào truyền tới:
- Ngươi muốn chết à? Thu gom củi lửa rồi vứt cạnh bếp? Lỡ dấy lửa sặc chết người thì sao? Còn không mang ra sân sau trải ra phơi nắng? Đi!
Bà mới là tiểu tam, cau mày thầm thọt một câu, cũng không dám thốt thành tiếng. Bất đắc dĩ đứng lên, xoa xoa cánh tay đã mỏi nhừ, hì hục lôi kéo bó củi cao hơn mình ra ngoài. Bùn đất lưu lại một vệt kéo thật dài, bên tai vẫn còn văng vẳng tiếng rống giận "nha đầu ngốc", may mà không đi theo chửi rủa.
Sân sau thực chất là một khối đất trống cũng coi như bằng phẳng ở phía sau nhà, hàng rào xiêu vẹo miễn cưỡng ngăn cách trúc xanh và cây cối bên ngoài, nhưng không ngăn được cỏ dại mọc khắp nơi. Chưa bao giờ dám tùy tiện đi qua chỗ ấy, chỉ sợ trong bụi cỏ chui ra thứ gì đó.
Nhìn quanh bốn phía, toàn núi và núi. Tôi thở dài, tháo nút thắt, dựng từng nhánh củi tựa vào tường theo hàng ngang. Nhánh củi rất thô dài, cánh tay cùng với cẳng chân bé nhỏ làm việc vô cùng vất vả. Môi trường ác liệt, làm lụng lao lực như vậy, hèn chi hai cô con gái trước của ông ta đều qua đời. Nhưng tôi không thể chết được, tôi không muốn chết. Dù là gia đình thợ săn vùng rừng núi hoang dã, hay là cuộc sống nghèo khó cực nhọc không thể tưởng, dù cho mãi mãi không thể trở về nơi sầm uất náo nhiệt đã từng sống, cũng muốn sống tiếp. Sợ hãi tử vong, nếm một lần là đủ rồi.
- Tiểu Tam nhi nhà ta lại vẽ thứ kì quái lên mặt đất nữa hả?
Đi kèm âm thanh hùng hồn là một bàn tay lớn xoa đầu, tiếp theo bên hông căng chặt, hai chân đã cách mặt đất. Ném đi nhánh cây dính đầy bùn đất trong tay, vì để giữ thăng bằng phải xoay người ôm cổ người kia, cười gọi một tiếng: "Cha". Da gà âm thầm nổi lên, mấy năm qua rồi nhưng thật sự vẫn không quen. Người đàn ông không hề nhận ra, cười "ha hả" mang đứa nhỏ và con mồi sải bước vào nhà. Hôm nay thu hoạch được nhiều hơn so với mấy ngày trước. Người đàn bà vui mừng, vừa oán giận theo thói quen vừa gấp rút nấu ăn. Trên bàn ăn, hai người bàn chuyện hun khói con mồi còn dư, qua hai ngày đem xuống núi bán cũng được chút tiền. Thừa dịp bên kia hưng phấn tính toán, lén cất nửa cái bánh bao. Người đàn bà sẽ cho rằng người chồng ăn hết, vô luận nghèo như thế nào cũng không thể để trụ cột gia đình bị đói.
Sau đó, chờ đêm xuống.
Thật ra, ghét nhất là buổi tối. Mặt trời xuống núi, bên trong tối rất nhanh, đèn dầu lại mắc, làm xong việc là phải đi ngủ rất sớm. Cái này cũng chưa tính, quan trọng còn một điểm khác, xác thật không ai chịu đựng nổi. Trong bóng đêm, bên kia truyền đến tiếng thở dốc nho nhỏ nhưng dồn dập. Tôi lặng lẽ đứng dậy, lạnh nhạt lần mò tới cửa. Một đứa bé sáu tuổi không nên hiểu điều này, không nên hiểu suy nghĩ của người lớn đối với mình, cũng không nên biết trọng nam khinh nữ là gì, càng không nên hiểu mỗi tối cha mẹ tắt đèn lên giường làm chuyện gì. Một đứa trẻ sáu tuổi phải lao động cực khổ một ngày chẳng khác người lớn, vốn đã sớm kiệt sức chết mất rồi.
Đáng tiếc Tam nhi nhà họ là ngoại lệ.
Ánh trăng soi sáng khắp sân vườn, không khí ẩm thấp. Tuy có tiếng ếch cùng với tiếng dế mèn kêu vang liên tục, cũng không thay đổi được không khí yên tĩnh này. Trèo lên bệ đá, lấy ra nửa cái bánh bao được giấu chỗ thường lén cất thịt khô, vừa ăn vừa ngắm nhìn rừng trúc phía xa cùng bầu trời đầy sao, nghĩ đến nỗi lòng của chính mình.
Không lâu trước đây, tâm tư lại nặng nề hơn rồi...
Năm Vạn Lịch? Không biết trước kia những người trong sách làm sao biết được đang ở thời đại nào dễ dàng như vậy? Riêng mình vất vả khổ sở mấy năm liền, đây là thuật ngữ quen thuộc duy nhất mà mình hỏi thăm được. Không cần đoán cũng biết ở đây hoàn toàn vô dụng. Hộ gia đình rải rác trong núi lớn, hàng xóm gần nhất cách xa ba dặm, phải đi hơn nửa ngày mới tới. Thế giới bên ngoài ra sao, hình như không quan hệ với nơi này. Thật vất vả hỏi thăm được một ít, rồi lại không biết nên làm sao mới tốt. Vạn Lịch... Cho dù nhớ được chút ít, cũng lờ mờ biết thời đại này có vẻ không ổn.
Trong lòng lo lắng. Thời buổi anh hùng loạn lạc, tôi không bằng cả một người vô tích sự, đến nỗi cũng không đấu lại một thợ săn như cha tôi. Người thường chân yếu tay mềm, bản thân đã sớm tự nhận ra sinh mệnh mỏng manh yếu ớt bao nhiêu, không dám tồn tại ý nghĩ ngông cuồng kia. Chỉ sợ kinh nghiệm sống thời loạn không đủ, rất có khả năng mình sẽ chết vô cùng khó coi. Dù sao nhất định không thể ở lâu trong căn nhà này. Con gái như đồ vật, cần thì dùng, dùng xong thì vứt đi đổi món đồ mới. Vốn dĩ trong lòng còn nghi ngờ, nghe được đủ chuyện càng làm tôi nắm chắc suy nghĩ của mình hơn. Nhìn lại đôi tay chính mình, vẫn còn hình hài trẻ con mềm mại bé nhỏ. Thời gian thấm thoắt, đề phòng trước vĩnh viễn cũng không tính là sớm. Cho dù như vậy, còn có thể đi đâu?
Nghĩ tới đây, không khỏi cười khổ... Vốn dĩ định tích góp chút tiền, đến lúc thích hợp thì rời khỏi nơi này. Dựa vào ưu thế tìm chút chuyện làm ăn không khó - trong sách thường viết như thế, dựa theo sách xem ra cũng có thể thử một lần. Thế nhưng bây giờ là thời đại nào, lập tức dễ dàng làm rối toàn bộ kế hoạch.
Sợ hãi thời thế loạn lạc, sợ chết, lại không bảo vệ được chính mình. Vắt hết óc cũng không nhớ nổi kết cấu của những đồ vật hiện đại kia. Năm đó diễn Hí khúc (một loại kịch như tuồng, chèo, cải lương,...) mô phỏng được mấy lần chiêu thức vật lộn, hiệu quả thực tế e rằng còn không đối phó được người cha thợ săn lưng hùm vai gấu (cao to lực lưỡng).
Học nghệ sao? Biết đi đâu tìm?
Mỗi lần trong thôn tụ hợp, thỉnh thoảng kể chút chuyện, bàn tới bàn lui một đoạn truyền kỳ, toàn trường già trẻ lớn bé hào hứng lắng nghe. Nhìn ánh mắt bọn họ tràn đầy hâm mộ ước ao thì biết, ở nơi này, võ hay hiệp chẳng qua chỉ là truyền thuyết. Lò rèn bày bán đều là nông cụ và dao thái, mang tiếng biết đánh nhau nhiều nhất cũng nhờ dựa vào vũ lực và thô bạo mà thôi.
Thế giới cao nhân bay đầy trời à, ngài ở đâu?
Tự oán thầm câu cuối, nuốt xuống miếng bánh bao cuối cùng, vẫn không nghĩ ra được nguyên nhân vì sao, quệt quệt miệng, gói lại mẩu thịt khô còn nguyên đem giấu kĩ, vẫy tay về phía mặt trăng rồi bước nhẹ trở về phòng. Trong bóng tối chỉ có tiếng ngáy khò khò, người lớn xong việc đã ngủ say. Tôi trèo lên giường nhỏ, giống như mọi ngày đếm nhịp tim đi vào giấc ngủ.
Mấy ngày sau chính là ngày mở phiên chợ, ngày quan trọng nhất đối với hộ gia đình trong núi. Nhờ ngày này, hàng hóa dự trữ trong nhà có thể mang đi đổi thành tiền, còn có thể đổi lấy dầu muối tương giấm, gạo, nhu yếu phẩm cần thiết mà họ không thể tự túc. Trời chưa sáng mà người người đều đã thu thập thỏa đáng chuẩn bị xuất phát. Lần này các cô gái không ầm ĩ đi theo, chỉ ngoan ngoãn tiễn đưa người nhà rời đi. Sau đó thay quấn chân, đi lên núi.
Thịt khô dự trữ mấy ngày trước đã hết rồi, phải lên núi nhìn mấy cái bẫy tự chế xem thế nào, không chừng cũng có thu hoạch, nếu hái được trái cây tươi thì càng tốt. Nói đến cũng buồn cười. Tới nay, khó khăn lớn nhất phải đối mặt chỉ là cơn đói thường ngày mà thôi. Thu hoạch trong nhà đa phần dùng để đổi tiền. Hơn nữa bé gái chẳng được coi trọng, không chết đói là hay rồi. Cũng may lúc trước đi bụi ít nhiều biết được một ít, cộng thêm sinh tại hộ săn bắn cũng mưa dầm thấm đất, để người ta biết nên làm gì mưu sinh.
Tôi gấp rút lên đường, chỉ muốn đi nhanh về nhanh, hoàn thành tốt mọi việc trước khi mặt trời lặn. Nào biết trời không chiều lòng người, nửa đường thình lình mưa xối xả, chốc lát hơi nước mù mịt phủ khắp núi đồi. Bất đắc dĩ khom lưng chui vào khe trũng bên dưới vách núi, lấy vài mảnh lá lớn che đầu, lặng yên nhìn mưa bụi đếm thời gian, hạ quyết tâm đếm tới hai ngàn mà mưa vẫn chưa dừng thì bất chấp xông ra ngoài. Đếm một lúc lâu tới hơn bảy trăm, lờ mờ nhìn thấy một chấm trắng trong màn mưa. Rừng núi xanh thẫm rất hiếm sinh vật màu trắng. Thợ săn hay người hái thuốc đều là vải thô, tội gì phải mặc lên người bộ y phục khó chịu như vậy? Do đó chấm trắng này rất đáng chú ý. Đáng chú ý thì đáng chú ý, loáng một cái đã không thấy tăm hơi. Tuy trong lòng thầm nói thế nhưng tôi vẫn nhớ mình đếm tới đâu, để áp chế sự nghi ngờ liền tiếp tục công việc đếm số. Một ngàn hai trăm lẻ bảy, mưa nhỏ dần, đếm chừng không tới một trăm nữa thì mưa ngừng hẳn.
Mưa lớn đi qua, không khí tràn ngập mùi cỏ xanh, cây cối quanh núi đều được gột rửa sạch sẽ tươi mới hơn. Không màng những giọt mưa chung quanh, tôi từ vách núi đi ra, nghĩ một chút, hướng về phía đốm trắng cẩn thận tới gần. Gần tới nơi, tiện tay nhặt lên nhánh củi thô. Đáng tiếc, nhánh củi không có đất dụng võ. Trên mặt đất lầy lội cùng một mảng thảm thực vật lớn bao quanh, chính là một người. Nằm trên mặt bùn màu vàng hòa cùng màu xanh của thực vật bốn phía càng làm nổi bật một thân áo trắng đặc biệt bắt mắt. Mà tôi, khi ánh mắt chạm đến đồ vật trong tay đối phương, trong lòng kích động nhẹ.
Đó là, một thanh kiếm...
Từ lúc tới đây, lần đầu tiên tôi được thấy thanh kiếm. Vì vậy không khỏi sinh ra cảm giác không chân thật. Thật sự là một thanh kiếm? Mang theo nghi hoặc, dè dặt cầm gậy khều người kia, đồng thời gọi hai tiếng. Thấy không có động tĩnh, tôi nín thở vươn tay ra, người kia nắm cũng không chặt, chỉ cần kéo nhẹ đã lấy được thanh kiếm. Cảm giác trên tay nặng trịch, là quá nặng đối với một đứa bé. Thật vất vả cầm thử cán kiếm một chút, không cách nào kéo ra được. Tôi hít một hơi, dùng hết sức lôi kéo. Bên tai là âm thanh kiếm ra khỏi vỏ "leng keng", trong mắt lóe lên hàn quang. Trên thân kiếm uy nghiêm hiện ra một khuôn mặt non nớt xa lạ, là chính tôi.
Đây là, thật sự...
Tim đập liên hồi dồn dập.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT